Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRỊNH CÔNG SƠN : CON NGƯỜI CỦA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC ???

Trí Nhân Media
28-12-2012

Trịnh Công Sơn & Khánh Ly
Trịnh Công Sơn & Khánh Ly
Đã từ lâu, từ cái ngày Trịnh Công Sơn đến Đài Phát Thanh Sài Gòn vỗ tay hát bài "Nối Vòng Tay Lớn" vào 30-4-1975, ông đã là đề tài cho biết bao tranh cãi. Người chống - tố cáo ông là "Cộng sản nằm vùng", "nối giáo cho giặc"; người thương - bênh vực ông là người yêu nước và tình yêu nước đã hiện rõ trong các ca khúc của ông.

Không ai chối cãi Trịnh công Sơn là môt nghệ sĩ tài năng, là một thiên tài âm nhạc. Ông đã viết, đã sáng tác rất nhiều ca khúc trong giai đoạn đất nước đang chiến tranh, đang khói lửa. Trong chiến tranh, âm nhạc là một vũ khí vô cùng lợi hại. Âm nhạc có thể làm con người ươn hèn và cũng có thể làm người ta trở nên hung dữ khát máu....

Hôm nay, Trí Nhân Media xin đăng lại một bài viết về Trịnh Công Sơn,  trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để bạn đọc tham khảo. Hy vọng với những chi tiết trong các bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ phần nào các dấu hỏi về Trịnh Công Sơn, về những hoạt động trong phong trào thanh niên đấu tranh đô thị ... về những móc nối "bên kia"...

"Tôi là người xuất thân trong Phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, anh Thái Ngọc San cũng thế, vậy mà chuyện của phong trào cách đây ba, bốn mươi năm vẫn còn nhiều cái ” bất ngờ “đối với chúng tôi. 

Riêng trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một người có trái tim lớn, ít bộc bạch chuyện chính trị của mình, lại giao thiệp rất rộng, nên nếu không ở gần anh trong từng trường hợp khó có thể nói đúng về anh. Sau sự kiện ” Thư gởi Ngô Kha “, tôi đã khám phá thêm nhiều chuyện ” tầy trời ” mà Trịnh Công Sơn đã từng đóng vai chính. Nếu không biết những chuyện “tầy trời “ấy thì cũng sẽ không hiểu trong trường hợp nào Trịnh công Sơn soạn Kinh Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Huế Sài gòn – Hà Nội v.v…"
Nguyễn Trọng Tạo

Phán xét xin dành cho độc giả.

********

ĐI TÌM SỰ THẬT “THƯ GỬI NGÔ KHA” 
CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Posted on 28.12.2012 by nguyentrongtao

Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha: Thực hay giả?

THÁI NGỌC SAN

Báo Thơ, phụ bản của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam (số 12/6/2004) đăng một bản như tư liệu có nhan đề Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha nhân sự kiện cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới.

Lời giới thiệu bức thư này viết ngắn gọn: “Xin trân trọng được giới thiệu lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. 

Bức thư được đăng có ba đoạn (hay dòng) bị lược bỏ, nhưng phần còn lại dài đến 1,5 trang báo. Thư lại không ghi ngày tháng viết, chỉ ghi năm 1974 ở cuối thư, như ghi chú của một tác phẩm văn học. Và với một tư liệu quan trọng như thế về hai con người nổi tiếng đều đã quá cố, liên quan đến một giai đoạn lịch sử của đất nước, tờ báo lại không đăng kèm theo bút tích hoặc thủ bút nào của tác giả, cũng không hề có một dòng về xuất xứ của nó.

Trước khi nói đến vấn đề bức thư, tôi xin được nói một chút về mối quan hệ của tôi với hai người vì có thể nó sẽ làm sáng tỏ một số khúc mắc. Tôi quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thân thiết như ruột thịt với nhà thơ – liệt sĩ Ngô Kha từ năm 1968. Năm 1970, nhà thơ Ngô Kha, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các anh Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và tôi cùng chủ trương tờ báo đấu tranh bán công khai Tự Quyết, xuất bản được 2 số ở Huế. Bản nhạc Ta phải thấy mặt trời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được in ở đây. Từ đó cho đến giữa năm 1972 (lúc tôi thoát ly, anh Ngô Kha bị ngụy quyền bắt rồi bị thủ tiêu) anh Ngô Kha và tôi có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một vài lần, cả ở Huế, cả ở Sài Gòn. Đó là thời gian tôi gần như có mặt thường xuyên bên cạnh anh Ngô Kha.

 Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… đoạn mở đầu viết: “Kha, lá thư nhận được sau cùng của Kha gởi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa…”. Đọc đoạn thư này tôi cảm thấy ngờ ngợ vì vào thời gian bức thư ra đời (1974, theo ghi chú ở cuối thư) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị ngụy quyền thủ tiêu (lúc bấy giờ gọi là mất tích). Còn thời gian trước đó, tôi có thể khẳng định rằng anh Ngô Kha không hề viết cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một bức thư nào. Đó là những năm cao trào của phong trào đô thị Huế mà nhà thơ Ngô Kha là một ngọn cờ, anh gần như suốt ngày có mặt trên đường phố trong các cuộc bãi khóa, xuống đường.

Cả trong thời gian ở tù, anh Ngô Kha cũng không viết thư cho ai, kể cả những người thân nhất của anh, trong đó có tôi. Mặt khác, vào thời điểm ấy, nếu có một bức thư nào của nhà thơ Ngô Kha gửi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chắc chắn bây giờ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn lưu giữ, vì giữa hai người ngoài tình bạn còn có mối quan hệ khác. Thứ hai, tôi lại càng ngờ ngợ hơn nữa khi đọc một số từ, cụm từ trong bức thư vốn rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như: “tiêu diệt tự do tư tưởng”, “tập thể nhân dân”, “vấn đề tổ chức cơ cấu”… Tôi cũng rất lấy làm lạ rằng, vào thời điểm ấy (1974) mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể viết được một bức thư dài như thế (có thể dài nhất trong đời Trịnh Công Sơn) và lại thể hiện rất rõ ràng quan điểm của mình. Đây không phải là vấn đề tô hồng hay bôi đen nhưng quả thật với riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đây là một hiện tượng rất lạ.

Tất nhiên trên đây là cảm nhận riêng tư của tôi thông qua mối quan hệ với hai người. Tôi cũng đã hỏi ý kiến của một số người quen biết, gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Võ Quê… và họ cũng đều bày tỏ mối cảm nhận như tôi. Và vừa qua, nhân Festival thơ Huế 2004, vấn đề bức thư cũng rộ lên trong câu chuyện bên lề của cuộc gặp gỡ. Điều rất lạ ở đây là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Trưởng ban Biên tập Báo Thơ và là người trực tiếp cung cấp bức thư) thay vì cho biết nguồn gốc bức thư, ông lại nói cười một cách lấp lửng, làm cho mối nghi ngại càng lớn hơn.

Tôi nghĩ rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ – liệt sĩ Ngô Kha đều là người nổi tiếng mà cuộc đời, sự nghiệp của họ gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước. Và do hai người đều đã khuất, nên tất cả các tư liệu lịch sử liên quan đến họ cần phải có cơ sở kiểm chứng, không chỉ để cho họ mà còn cho những người yêu mến họ và các thế hệ sau. Và tôi cũng nghĩ rằng, chỉ một thông tin, một tư liệu nhỏ đăng trên báo, người viết cũng cần phải ghi chú nguồn trích dẫn, thế thì tại sao với một bức thư quan trọng như thế mà người cung cấp và tờ báo lại không có một dòng nào ghi chú về xuất xứ của nó ?

TNS
Thanh Niên online, 25/06/2004

--------------------------
Sự thật về lá thư Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha

LÊ MINH QUỐC

TN: Sau khi đăng bài Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha: Thực hay giả? của nhà thơ Thái Ngọc San (Thanh Niên ra ngày 26/6/2004), chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến về bài viết này. Số báo này xin được đăng ý kiến phản hồi của nhà thơ Lê Minh Quốc – người đã thực hiện một tập sách có in bức thư này – xung quanh việc có hay không lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha.

Trong những lần đến Huế, một trong những người mà tôi thường tìm gặp là nhà thơ Thái Ngọc San. Để được anh giới thiệu về di tích, thắng cảnh và những văn nghệ sĩ ở một vùng đất mà nói theo Bùi Giáng là “Vẫn còn núi Ngự trên bờ sông Hương”. Còn nhớ trước ngày khai mạc Festival Huế lần thứ nhất, ngồi uống bia Huda bên dòng Hương Giang, anh San đã nhiệt tình giúp đỡ tôi rất nhiều. Từ đó, trong thâm tâm tôi luôn dành cho anh nhiều tình cảm quý mến. Nay trên Báo Thanh Niên số ra ngày 26/6/2004, thấy tên anh đứng dưới bài báo Thư của Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên báo Thơ: Thực hay giả, tôi vội đọc trước nhất. Qua bài viết của anh, tôi nhận thấy vấn đề anh nêu ra là đúng, được nhiều người quan tâm.

Vậy có hay không lá thư của Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha?

Là người “trong cuộc” tôi tự nghĩ mình phải viết bài báo này. Nói như thế bởi nguyên cớ như sau: Ngay sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, từ Hà Nội, chị Trần Thu Hương – Giám đốc NXB Phụ Nữ gọi điện thoại cho tôi, bảo: “Quốc có thể làm gấp cho chị một tập sách gì về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không?”. Không một chút ngần ngừ, tôi đáp là “được”, vì từ lâu nay, tôi đã có ít nhiều sưu tập về Trịnh Công Sơn. Nhưng quan trọng hơn là thế hệ tôi hoặc thế hệ đàn anh của tôi ít nhiều đã được âm nhạc của Trịnh Công Sơn nuôi dưỡng tâm hồn. Chúng tôi lớn lên và từng có những lúc sống trong những giai điệu bát ngát ấy. Khi nghe lời đề nghị làm một tập sách về người mà mình ngưỡng mộ, quả là một sự thú vị. Nghĩ thì nghĩ thế. Nhưng một khi làm mà sách bán không được thì phụ lòng của người đã tin cậy mình. Vì thế trong tập sách này, tôi nghĩ, phải có gì mới hơn các tập đã in và sẽ in về Trịnh Công Sơn.

Lâu nay, công chúng đã biết về tình ca, phản chiến, quê hương, thân phận con người… trong các ca khúc của anh Sơn, nhưng thực chất con người chính trị của anh như thế nào? Nếu có một tài liệu gì về vấn đề này thì chắc chắn sẽ hấp dẫn bạn đọc, vì chưa có mấy ai đề cập đến một cách cụ thể. Suy nghĩ như thế nên khi làm tập sách Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người (NXB Phụ Nữ – 1991), bên cạnh bài viết của nhiều người, tôi quyết định chọn in Thư gửi Ngô Kha.

Đây là lần đầu tiên Thư gửi Ngô Kha được công bố trên sách. Để bạn đọc phần nào hiểu thêm về lá thư này, tôi viết “chapeau” như sau: “Ngô Kha sinh năm 1935 tại Huế, là bạn thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư phạm Huế (1958 – 1959) và sau đó đi dạy học. Anh cùng Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San chủ trương tập san Tự quyết. Từ năm 1972, anh chủ trương tập san Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do Thành ủy Huế chỉ đạo. Trong thời gian hoạt động phong trào đấu tranh đô thị miền Nam, Ngô Kha đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giam ba lần vào các năm 1966, 1971 và lần cuối cùng bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris, 1973. Hiện nay, Ngô Kha đã được Nhà nước ta phong liệt sĩ. Hội Văn học Thừa Thiên – Huế đã xuất bản tập Thơ Ngô Kha – gồm 3 tập thơ của anh xuất bản trước 1975: Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình.

Thư gửi Ngô Kha là bài viết của Trịnh Công Sơn đã đăng trên tập san in ronéo tại miền Nam mà nay đã tuyệt bản, chúng tôi chọn in lại để thấy được thái độ dấn thân của Trịnh Công Sơn trong những ngày mà anh đã viết các ca khúc phản chiến nổi tiếng như Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời…” (trang 26).

Dựa vào đâu tôi chọn in lại Thư gửi Ngô Kha?

Trong nhiều ngày tìm kiếm tư liệu để làm tập sách trên, tôi đặc biệt chú ý đến bộ Đối Diện, có lúc đổi tên thành Đứng Dậy – mà tôi giữ được gần như trọn bộ. Tạp chí Đứng Dậy này số 64 – 65 phát hành vào dịp Giáng sinh năm 1974, khổ 13×19 cm, dày 160 trang, không kể bìa; là báo “lậu”, vì thế nó không in typo như thường lệ mà chỉ in ronéo, ở bìa 4 cho biết “chủ nhiệm: Linh mục Trần Tam Tỉnh; tòa soạn: CP Box 334 Sillery, P.Q. Canada” (!). Nhân đây, xin nhắc lại một chi tiết nhỏ để thấy bản lĩnh của những người làm báo miền Nam chống đối chế độ phát xít Nguyễn Văn Thiệu. Dù không được chế độ ngụy Sài Gòn cấp giấy phép nhưng họ đã ghi rõ đây là tờ báo thực hiện theo “giấy phép số: Điều 11 Hiệp định Ba Lê ngày 27/11/1974; bổ túc bởi Điều 9 TTC ngày 13/9/1973″. Thế thì, dựa vào Điều 11, trong đó có quyền “tự do báo chí” thì họ cứ ra báo, bất chấp dùi cui, lựu đạn cay và tù ngục… Nhờ vậy, nay ta mới có được nhiều tài liệu quý về phong trào đấu tranh đô thị miền Nam.

Cũng trong số báo Đứng Dậy này, tòa soạn đã dành từ trang 81 đến trang 143 công khai đòi hỏi chính quyền Sài Gòn trả lời về trường hợp Ngô Kha bị thủ tiêu. Ngoài “Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha cuối năm 1972″, “Thư đòi con” của bà cụ Cao Thị Uẩn – mẹ Ngô Kha viết ngày 25/12/1974 gửi Tổng thống VNCH, chủ tịch thượng nghị viện, hạ nghị viện, tối cao pháp viện và nhiều bài viết khác thì còn có lá thư của Trịnh Công Sơn với tựa “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” (từ trang 107 – 114). Gọi là thư, nhưng thực ra đây là một bài viết nhằm bày tỏ một quan điểm chính trị, đăng báo công khai; chứ không phải lá thư viết với mục đích gửi đến tận tay người nhận. Thông thường đôi lúc người ta chọn hình thức này, vì qua đó cách trình bày vấn đề thân mật hơn, giàu cảm xúc hơn, như đang chuyện trò với một người thân chứ không phải tranh luận… Không riêng gì Trịnh Công Sơn mà đã có nhiều nhà văn chọn cách viết này. Do đó, dù giữa người viết thư và người nhận thư “ngoài quan hệ tình bạn còn có mối quan hệ khác” như anh Thái Ngọc San cho biết thì việc không còn lưu giữ “lá thư” này cũng là lẽ tất nhiên.

Qua văn bản này ta thấy gì?

Thứ nhất, vấn đề thời điểm mà anh Thái Ngọc San nêu ra, theo anh lá thư Trịnh Công Sơn viết năm 1974 là không hợp lý vì năm 1973, Ngô Kha đã bị thủ tiêu. Đó là chuyện sau này ta mới khẳng định như thế, chứ ngay trong năm 1974, chưa một ai dám quả quyết là Ngô Kha còn sống hay đã bị thủ tiêu. Chứng cứ là ngay cả bà cụ Uẩn, lúc đó đã 80 xuân, khi kết thúc “Thư đòi con” còn viết: “Con trai tôi có tội gì xin chính quyền cho biết và xin đưa ra tòa án xét xử. Nếu nó vô tội, xin thả nó về với gia đình, với học sinh của nó. Nếu có bằng chứng buộc tội, xin tuyên án nó một cách công khai minh bạch” (trang 85). Chứng cứ là trong “Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha cuối năm 1972″ – trong đó có chữ ký của Trịnh Công Sơn – ký ngày 4/11/1974 còn nêu rõ: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi đoàn thể, tổ chức liên quan đến việc cải thiện chế độ lao tù và chống áp bức trên thế giới can thiệp kịp thời và làm sáng tỏ trường hợp GS Ngô Kha, đồng thời đòi chính quyền phải tức khắc trả tự do cho GS Ngô Kha như Hiệp định Paris đã quy định”.

Thứ hai, về những từ, cụm từ trong thư, theo anh San “vốn rất xa lạ với Trịnh Công Sơn” thì cũng không có gì khó hiểu. Có thể lúc ấy, bằng sự nhạy cảm chính trị của một người trực tiếp sống trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam, tiếp xúc với nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội nên Trịnh Công Sơn đã tiếp thu những vốn từ ấy. Ai dám quả quyết trước 1975, anh Sơn chưa một lần tiếp xúc với “Việt cộng”, với “cán bộ nằm vùng” để nghe nói đến “tiêu diệt tự do tư tưởng”, “tập thể nhân dân”, “vấn đề tổ chức cơ cấu”? Mà “Việt cộng” với “cán bộ nằm vùng” nào ở đâu xa, ở ngay trong đám bạn bè thân cận nhất của anh Sơn như Chu Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Bửu Chỉ, Võ Quê, Tôn Thất Lập… trong trường học của mỗi người, trong nhà mình đấy thôi! Đó là một thực tế của lịch sử, một điều kỳ diệu của cuộc chiến tranh nhân dân tại Việt Nam.

Cuối cùng, tôi cũng xin khẳng định lá thư này đã công bố trên tạp chí Đứng Dậy, một tờ báo nổi tiếng “vác chiếu hầu tòa” nhiều nhất tại miền Nam vì vi phạm Luật Báo chí của chính quyền Sài Gòn thì không thể là một lá thư của “ai đó” bịa ra. Hơn nữa, thông qua một lá thư, theo đánh giá của anh Thái Ngọc San là “thể hiện rõ ràng quan điểm của mình”, nếu không phải do Trịnh Công Sơn viết thì chắc chắn ngay thời điểm đó anh Sơn đã lên tiếng phản đối. Bởi lẽ, một lá thư lên án chế độ đăng công khai như thế sẽ làm người viết bị liên lụy, thậm chí bị bỏ tù như chơi!

Tóm lại, qua lá thư này, chúng ta hiểu hơn nữa con người chính trị của Trịnh Công Sơn. Bên cạnh những tình khúc lứa đôi, anh Sơn còn là một người dấn thân – một người đã sống và thở những nhịp thở của một dân tộc một thời vùng lên chống bạo lực, áp bức để đòi tự do và thống nhất. Như chúng ta đã biết, nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn trong Ca khúc da vàng đã có những tư tưởng rất dấn thân như câu hát “Một bầy thú tay sai cho người ngoài” trong một bài hát anh viết riêng cho các sinh viên – học sinh bị chế độ cũ cầm tù và tra tấn dã man thời đó. Cho nên ở đâu đó, một tổ chức quốc tế nào đó đã có một giải thưởng âm nhạc về hòa bình cho Trịnh Công Sơn của Việt Nam thì tôi cho đó là một đánh giá rất tốt đối với nền âm nhạc chung của đất nước chúng ta.

Ngày 27/6/2004
LMQ
Thanh Niên online, 29/06/2004

------------------------------
Sự thực “Thư gửi Ngô Kha” của Trịnh Công Sơn

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Độc giả trong đó có nhiều người rất thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước năm 1975 khi đọc“Thư gửi Ngô Kha” trong sách Trịnh Công Sơn, Rơi Lệ Ru Người (NXB Phụ Nữ, 2001), do nhà báo Lê Minh Quốc thực hiện, thấy hơi ngờ ngợ. Ngờ ngợ là vì lần đầu tiên họ được đọc một lá thư rất dài của Trịnh Công Sơn (có đến 2715 từ), trong thư lại có quá nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như “tiêu diệt tự do tư tưởng”, “tập thể nhân dân”, “vấn đề tổ chức cơ cấu” v.v… Bản thân tôi là người cùng thế hệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và anh Ngô Kha ở Huế , từ năm 1966 cho đến 1975, tuy tôi thoát ly ra vùng kháng chiến nhưng vẫn liên lạc với các phong trào ở đô thị , cũng không chắc tác giả lá thư đó chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi thế khi đăng lại “Thư gửi Ngô Kha” để minh họa cho tình bạn giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha, trong cuốn Trịnh Công Sơn Có Một Thời Như Thế in 2003, tôi đã phải ghi thêm một chú thích :“Đọc lá thư này tôi bắt gặp nhiều từ, nhiều ý tưởng chính trị mạnh mẽ ít khi thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói hay viết ở những nơi khác nên tôi hơi ngờ về tác gỉa lá thư. Tuy nhiên cho đến nay tôi chưa có tư liệu để chứng minh ngược lại cho nên tôi vẫn xin đưa vào phần Phụ lục để minh họa cho tình bạn giữa Trịnh Công Sơn và Ngô Kha vậy.”

Hơn một năm sau báo Thơ (phụ bản của báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam) số ra ngày 12-6-2004, đăng lại lá thư ấy với nhan đề là “Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha” vời lời khẳng định đây là “thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Sự khẳng định của báo Thơ chưa được chứng minh nên tôi vẫn chưa tin. Không ngờ bài đăng trên báo Thơ làm cho nhà thơ Thái Ngọc San môt người quen biết Trịnh Công Sơn và thân thiết như ruột thịt với nhà thơ Ngô Kha từ năm 1968 cho mãi đến giữa năm 1972 (Ngô Kha bị bắt, còn Thái Ngọc Sơn thoát ra chiến khu) phải lên tiếng trên báo Thanh Niên (số 178, ngày 26.6.2004). Thái ngọc San đặt vấn đề : “Thư của nhạc sĩ Trịnh công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên báo Thơ thực hay giả ?”. “Vào thời gian bức thư ra đời (1974) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị ngụy quyền thủ tiêu” làm sao Kha có thể nhận được thư của Sơn? Hơn nữa trong thư của Sơn có nhắc đến “Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào mình còn nhớ một điều : Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa …”; San khẳng định rằng “anh Ngô Kha không hề viết cho nhạc sĩ Trịnh công Sơn một bức thư nào” Nếu Ngô Kha có gửi, hẳn gia đình Trịnh Công Sơn còn giữ. Sự thực là không có. Thái ngọc San nhận định : “Với một bức thư quan trọng như thế mà người cung cấp và tờ báo lại không có một giòng nào ghi chú về xuất xứ của nó ?”.

Câu hỏi của Thái Ngọc San bắt buộc Lê minh Quốc người sưu tầm và công bố đầu tiên lá thư trên sách phải trả lời bằng bài viết “Sự thật về lá thư Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha” cũng ngay trên báo Thanh niên (số 182, ngày 30-6-2004). Lê minh Quốc trưng dẫn xuất xứ lá thư được trích trong tập san quay roneo mang tên “Đứng Dậy” số 64-65 phát hành nhân dịp Giáng Sinh 1974. Lê Minh Quốc còn cho biết “Cũng trong số Đứng Dậy này tòa soạn đã dành từ trang 81 đến trang 143 công khai đòi hỏi chính quyền Sài Gòn trả lời về trường hợp Ngô Kha bị thủ tiêu. Ngoài tuyên cáo của các Giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha cuối năm 1972 “Lá thư đòi con” của bà Cao Thị Uẩn – mẹ của Ngô Kha viết ngày 25-12-1974 gửi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bài viết khác thì còn có lá thư của Trịnh Công Sơn với tựa “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” (từ trang 107-114).

Lý giải của Lê Minh Quốc thỏa mản mọi yêu cầu của Thái Ngọc San. Thái Ngọc San điện thoại cám ơn Lê minh Quốc. Bản thân người viết bài này cũng cám ơn nhà báo họ Lê. Nếu có dịp tái bản cuốn “Trịnh Công Sơn có Một Thời Như Thế”, tôi có thể bỏ cái chú thích đăng ở cuối “Thư gửi Ngô Kha”.

Bửu Ý một người bạn của Trịnh công Sơn, có ký tên trong “Tuyên cáo của các giáo sư văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ giáo sư Ngô Kha cuối năm 1972″ mà Lê Minh Quốc vừa nhắc trên đây, còn cho biết anh đang giữ bản thảo viết tay lá thư gửi Ngô Kha. Và không chỉ có thế anh còn có bản thảo viết tay của Trinh Công Sơn về tờ tuyên cáo vừa nêu. Như thế không còn gì phải nghi ngờ, tranh cải về tác giả “Thư gửi Ngô Kha” nữa.

Tuy nhiên cái “máu sử” tò mò tọc mạch trong tôi chưa chịu dừng ở những sự thực ấy. Một câu hỏi hiện dần trong tâm trí tôi: Thế trong hoàn cảnh nào mà Trịnh Công Sơn “giác ngộ cách mạng” đến như thế ? Tôi tìm gặp người thực hiện tờ tập san “Đứng dậy” mà nhà báo Lê Minh Quốc đã sử dụng. Sau 30.04.75, tôi có cộng tác với tập san “Đứng Dậy” nên việc tìm kiếm nầy không có gì khó khăn. Người lo biên tập và in ấn số tập san ấy chính là nhà báo Nguyễn Quốc Thái. Anh Thái bảo tôi :

“Tôi còn giữ đầy đủ bộ tập san Đối Diện và Đứng Dậy ra đời trước và sau 1975. Tôi sẵn sàng cho Anh mượn số tập san anh cần. Còn chuyện trong hoàn cảnh nào nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lá thư gửi Ngô Kha, anh hỏi anh Lê khắc Cần, người Huế cũng là bạn của anh.”

Nhờ anh Thái tôi được đọc tờ tập san tôi cần. Hình bìa tập san vẽ một cháu bé nằm mút tay giữa đám bùng nhùng dây thép gai. Tờ tập san được đánh số 65-66 chứ không phải 64-65 như nhà báo Lê Minh Quốc đã viết.

Tôi hẹn gặp anh Lê khắc Cầm. Bạn bè ngày nay biết anh Cầm là một người rất “kiệm lời” thích đọc và dịch văn chương Anh – Pháp ngữ, đặc biệt là những tác phẩm mang Triết lý phương Tây. Ít người biết anh trước đây từng là một cơ sở trí thức nòng cốt của Thành Uỷ Huế. Tôi nêu câu hỏi và được anh Cầm trả lời một cách thận trọng rằng :

“Chuyện này hơi dài dòng một chút. Như anh biết sau khi Hiệp định Paris 27.1.1973 ra đời ít lâu thì anh Ngô Kha bị bắt đưa đi mất tích. Một số anh em trí thức sợ lộ cũng thoát ly luôn như Trần Phá Nhạc, Trần Hoài, Thái Ngọc San… và sau đó là Võ Quê. Số cơ sở còn lại phải “ẩn mình” hoặc chuyển vùng. Phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống. Tính ra đến cuối năm 1974 anh Ngô Kha đã bị bắt gần 20 tháng mà không được tin tức gì.

Tôi bàn với Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc tìm cách tập hợp ” các thành phần thứ ba “đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha, gây lại không khí đấu tranh. Ý kiến của tôi được các bạn đồng tình. Những người chủ trương tập san “Đứng Dậy” ở Sái Gòn ủng hộ Huế thực hiện một tập san đặc biệt với chủ đề đòi trả tự do cho Ngô Kha. Chúng tôi chia nhau viết Trịnh Công Sơn viết “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” và dự thảo “Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha”. Anh Trần viết Ngạc thảo lời bà cụ Cao thị Uẩn thân mẫu Ngô Kha viết “Thư đòi con”, Lê khác Cần viết “Ngục tù hay quê hương của Thi sĩ”, Nguyễn ngọc Minh hiệu trưởng Trần Hưng Đạo viết “Thư gửi đồng nghiệp Ngô Kha”, Nhật Huy viết “Trường hợp Ngô Kha”, Võ Đông viết “Bà Mẹ ngô Kha” học sinh Duơng văn Tám viết “Thầy không phải là người lớn, thầy là tuổi trẻ của chúng em” v.v… Đặc biệt cái tuyên cáo tập hợp này được gần 50 chữ ký của các vị “Thành phần thứ ba”, người ký đầu tiên là họa sĩ Vĩnh Phối (sau này có lúc làm hiệu trưởng trường Đại học Mỹ Thuật Huế), thứ hai họa sĩ Đinh Cường, thứ ba là nhà văn Bửu Ý … người cuối cùng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Địa chỉ nhà Trịnh Công Sơn ở 11/3 Nguyễn Trường Tộ, Huế là đầu mối nhận bài. Chỉ một tuần sau là xong. Có khoảng trên 10 bài kể cả mấy bài thơ của Ngô Kha. Trịnh Công Sơn viết “Thư gởi Ngô Kha” trong một hoàn cảnh như vậy !”

Tôi hỏi tiếp :
- Như thế Trịnh Công Sơn cùng với anh chủ trương và thực hiện nội dung số tập san đặc biệt về cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha. Vậy Trịnh Công sơn có phải là cơ sở cách mạng không ?
“Điều đó rất khó nói. Nhưng anh Sơn biết tôi là cơ sở của thành uỷ, làm việc với tôi có nghĩa là làm việc với Cách mạng.”

- Phải chăng vì thế mà lúc ấy Trịnh Công Sơn có một ngôn ngữ viết chịu ảnh hưởng ngôn ngữ cách mạng ?
Lê Khắc Cần giải thích :
“Có lẽ. Bởi vì lúc ấy chúng tôi trong ấy có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái Radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ Cách mạng thì chuyện ngôn ngữ viết bài đấu tranh cách mạng bị ảnh hưởng là chuyện thường”.
?
Được Lê khắc Cầm vui vẻ trả lời, tôi hỏi thêm :
Theo chúng tôi được biết lúc đó giao thông giữa Huế và Sài Gòn rất khó khăn, các anh lại đang bị theo dõi, vậy bằng cách nào các anh có thể chuyển bản thảo số đặc san đặc biệt ấy vào Sài Gòn được an toàn như thế ?
Lê Khắc Cầm “bật mí” :
“Chuyện này nhờ sự quan hệ rộng rãi của Trịnh Công Sơn. Lúc ấy trong gia đình Trịnh Công Sơn có một người bạn là anh Nguyễn hữu Đ. Nhân anh Đ. ra Huế và trở lại Sài Gòn bằng máy bay của Nguyễn Cao Kỳ, Trịnh công Sơn nhờ anh Đ. chuyển. Như thế làm sao không an toàn được ?

****
Tôi là người xuất thân trong Phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, anh Thái Ngọc San cũng thế, vậy mà chuyện của phong trào cách đây ba, bốn mươi năm vẫn còn nhiều cái ” bất ngờ “đối với chúng tôi. Riêng trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một người có trái tim lớn, ít bộc bạch chuyện chính trị của mình, lại giao thiệp rất rộng, nên nếu không ở gần anh trong từng trường hợp khó có thể nói đúng về anh. Sau sự kiện ” Thư gởi Ngô Kha “, tôi đã khám phá thêm nhiều chuyện ” tầy trời ” mà Trịnh Công Sơn đã từng đóng vai chính. Nếu không biết những chuyện “tầy trời “ấy thì cũng sẽ không hiểu trong trường hợp nào Trịnh công Sơn soạn Kinh Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Huế Sài gòn – Hà Nội v.v…

Vẫn còn đó những bí ẩn về cuộc đời người nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn.

Blog Nguyễn Trọng Tạo


1 nhận xét:

  1. Có lẽ nên tách rieng An Nam (TrungKỳ) thành một nước CHàmViệt theo chủ nghĩa CS ! Dân vùng này theo CS từ 1930 và bây giờ vẫn theo nặng dù bị thảm sát MậuThân.

    Trả lờiXóa