Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NÓI CHUYỆN NHÂN BẢN

Tân Phong
18-01-2013

Đôi khi đọc báo chúng ta thấy những câu như “Chúng ta cần xây dựng một xã hội nhân bản”, hoặc “Văn hóa Nho giáo có tính nhân bản”. Thoạt nghe chữ nhân bản, chúng ta có thể lờ mờ đoán rằng nhân có nghĩa là nhân đạo, vậy thì nhân bản chắc đại khái là đừng quá tàn ác với con người. Thực sự nghĩa của nhân bản nghĩa là gì?

Các ý kiến cho rằng cần xây dựng một xã hội nhân bản thường xuất hiện trong thời gian miền Nam chống lại sự tấn công của Cộng Sản. 

Bên phía Cộng Sản thì người Cộng Sản tin rằng rồi đây toàn thể thể giới sẽ trở thành cộng sản hết và người cộng sản phải dùng vũ lực để đánh chiếm toàn thế giới, đưa cả thế giới tiến đến xã hội cộng sản. Họ thấy chủ nghĩa Cộng Sản lý luật rất chặt chẽ, rất có lý nên họ tin chắc chắn rằng chủ nghĩa Cộng Sản là đúng, những gì mà chủ nghĩa Cộng Sản tiên đoán sẽ tất yếu xảy ra, không thể sai chạy được.

Còn bên phía chống cộng thì không tin là thế giới sẽ biến chuyển theo như chủ nghĩa Cộng Sản tiên đoán. Nhiều người quốc gia cho rằng để chống cộng hữu hiệu thì cần có những lý luận có thể chứng minh rằng chủ nghĩa Cộng Sản là sai thì mới làm cho những người tin theo Cộng sản tỉnh ngộ. 

Ý tưởng đó cũng nung nấu ông Hồ Hữu Tường. Ông viết trong cuốn Trầm tư của một tên tội tử hình (nhà xuất bản Lá Bối, 1965) rằng ông đã từng tâm sự với một bạn tù trong thời gian ông bị chế độ Ngô Đình Diệm bỏ tù từ 1957 đến 1964 là ông muốn bỏ ra ba mươi năm đọc sách, nghiên cứu để viết ra một thuyết chứng minh cái sai của chủ nghĩa Cộng Sản. Người bạn tù của ông trả lời để đến ba mươi năm mới viết xong thì thực tế lúc đó đã chứng minh là chủ nghĩa Cộng Sản sai thì e rằng không cần phải viết lý thuyết đó nữa. Đó là những người băn khoăn với những lý luận. Cả người tin chủ nghĩa Cộng Sản lẫn người không tin nó đều tranh cãi không dứt vì xã hội cộng sản chưa ai biết mặt mũi của nó ra sao cả. 

Nhưng có người không nhìn chủ nghĩa Cộng sản theo khía cạnh lý luận. Trong cuốn Một Cơn Gió Bụi, viết năm 1949, ông Trần Trọng Kim viết:

“Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì? Cứ như ý tôi, thì giải phóng phải theo đúng cái lẽ công bằng, làm cho người ta được ung dung thư thái, được hành động trong một cái khuôn khổ rộng rãi, ai nấy biết trọng quyền lợi của mọi người theo pháp luật đã định, không bị đàn áp và lừa dối, không bị bắt bớ và giết hại một cách ám muội, oan ức. 

Ðàng này tôi thấy chế độ các nước cộng sản giống nhau như in cái chế độ chuyên chế thuở xưa. Người nào nói xấu hay công kích những người cầm quyền của đảng là phải tội bị đày, bị giết. Ai không sốt sắng theo mình thì bị tình nghi, phải chịu mọi điều phiền khổ. Nhân dân trong nước vẫn bị đàn áp lầm than khổ sở, riêng có một số ít người có địa vị to lớn là được sung sướng. 

Như thế thì giải phóng ở đâu? Giải phóng gì mà cả chính thể một nước phải nương cậy ở những đội trinh thám để đi rình mò và tố cáo hết thảy mọi người. Hễ ai vô ý nói lỡ một câu là bị tình nghi có khi bị bắt, bị đày v...v... thành ra nhân dân trong xã hội ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết ai là bạn là thù, mất hẳn sinh thú ở đời, thật trái với lời nói thiên đường ở cõi trần.“.

Ông Trần Trọng Kim không dài dòng viết các lý luận mà ông chỉ nhìn vào những gì trước mắt để nhận rằng một chế độ mà chỉ có một số ít người được sung sướng, còn thì nhân dân bị đàn áp, khổ sở, một chế độ mà ai cũng phải nơm nớp lo sợ thì chẳng còn gì là sinh thú ở đời.

Như thế, dù là chế độ có được xây dựng bằng những lý luật chặt chẽ, những chứng minh khoa học đến đâu mà người dân không cảm thấy sinh thú gì khi sống thì những lý luật rất chặt chẽ, những chứng minh rất khoa học đó đều chẳng có ích lợi gì cho ai cả. Ông Trần Trọng Kim đã đem chính ngay con người ra làm thước đo giá trị của chế độ mà không dùng lý luận để chứng minh. Nếu con người không cảm thấy hạnh phúc khi sống dưới chế độ xây dựng theo một học thuyết nào đó thì học thuyết đó còn có giá trị gì cho loài người? Khổng Tử cũng nói: “Đạo chẳng xa người, Đạo mà xa người thì chẳng phải là Đạo nữa”.

Đem con người ra làm tiêu chuẩn, thước đo nghĩa là lấy con người làm gốc để phán đoán các lý thuyết có giá trị như thế nào là nhân bản. 

Nhân là người, bản là gốc. 

Xây dựng một chế độ nhân bản là xây dựng một chế độ lấy sự hạnh phúc của người dân để làm thước đo mà phán đoán chế độ đó đúng hay sai chứ không phải là dùng lý luận mà chứng minh rằng con người ắt phải được hạnh phúc thì mọi người ắt phải được hạnh phúc.

Có người hỏi ông Khổng Tử là hoài bão của ông khi ra tham chính là gì . 
Ông Khổng Tử trả lời mục đích của ông là làm cho “Lão giả an chi, thiếu giả hoài chi, nội vô oán nữ, ngoại vô khoáng phu”. Có nghĩa là “người già được yên ổn, trẻ em được chăm sóc, trong nhà không có thiếu nữ sầu oán vì không lập được gia đình, ngoài đường không có trai lông bông vì không có vợ”. 

Nếu ai đã trải qua những thời kỳ kinh tế khó khăn thì sẽ nhận thấy rằng kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến người già và trẻ em trước tiên. Người lớn trong tuổi trưởng thành có sức khỏe có thể xoay xở khi gặp nghèo khó còn người già và trẻ em không thể tự lo cho mình được. Khi một nền kinh tế thất bại thì cha mẹ thiếu tiền mua sữa, quần áo cho con. Trẻ em còn nhỏ đã phải đi làm để kiếm thêm tiền phụ cho gia đình. Gia đình thiếu thốn thì người già cũng phải làm lụng để phụ giúp gia đình mà không được nghỉ ngơi.

Làm cho người già được yên ổn, trẻ em được chăm sóc tưởng như giản dị nhưng có nhiều nhà lãnh đạo quên mất điều này. Thủ tướng Pakistan, Zulfikar Ali Bhutto, năm 1972, khi nghe tin nước láng giềng Ấn Độ thử bom nguyên tử đã nói với thuộc hạ rằng: “Dù dân Pakistan có phải ăn cỏ đi chăng nữa thì ta nhất định cũng phải có bom nguyên tử”. Còn dân Trung Quốc và Bắc Hàn thì thực sự là phải ăn cỏ vào để cho nhà nước chế bom nguyên tử. Dân chết đói thì còn đâu là “người già được yên ổn, trẻ em được chăm sóc”. 

Lật các trang sử của các dân tộc, qua các thời đại chúng ta đều thấy nhan nhản các nhà lãnh đạo vì tham làm bá chủ thiên hạ mà đem hết của cải của quốc gia vào chiến tranh, làm cho đời sống người dân khốn đốn. Khoa học tiến bộ có thể làm cho con người sinh hoạt khác với thời xưa, nhưng thời nào loài người cũng vẫn có hạng tham quyền lực, háo thắng như trước đây hàng ngàn năm vậy. 

Nói tóm lại, tinh thần nhân bản có nghĩa là muốn xét một xã hội hay chế độ hay dở ra sao thì nên nhìn vào người dân sống trong xã hội hay chế độ có được sung sướng, hạnh phúc hay không, chứ không nên đánh giá bằng về số lượng vũ khí chế tạo được, sản lượng thép cao hay thấp hay căn cứ vào những chỉ số thống kê về kinh tế hoặc căn cứ vào sách vở lý luận, ca tụng.

Tân Phong
 Minh Đạo


1 nhận xét:

  1. Nặc danh19/1/13 12:32

    Xét một chế độ nhân bản dựa trên chính phủ đối với dân (tất cả mọi tầng lớp) ra sao . Xem có tầng lớp nào hay những người dân nào bị phân biệt đối xử hay không .

    Chủ nghĩa Cộng Sản đưa (ít nhất) một tầng lớp ra khỏi xã hội, xem nó là mục tiêu cần hủy diệt . Well, nếu đó là nhân bản thì đâu cần định nghĩa nhân bản là gì, cứ tùy tiện ứng xử thôi .

    Trả lờiXóa