Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




14. BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975 : NHỮNG CHỐNG ĐỐI

Trần Đông Phong

TNM: Tìm hiểu và ôn lại lịch sử không phải để than khóc, tiếc nuối ... mà để biết rõ những xảo thuật chính trị, những khúc mắc thất bại trong quá khứ đặng chúng ta có thể tránh những lỗi lầm của người đi trước, kiên trì nêu cao chính nghĩa, tiếp nối hào khí cha ông trong việc cứu nước và giữ nước.

Chống Đối Từ Phía Thiên Chúa Giáo

Sự chống đối Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại bùng lên vào nửa năm sau đó, lần này lại phát xuất từ phía các đoàn thể Thiên Chúa Giáo chống lại chính quyền của Tổng Thống Thiệu, cũng là một tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Ngày 18 tháng 6 năm 1974, một bản “Tuyên Ngôn Chống Tham Nhũng, Bất Công và Tệ Đoan Xã Hội của Hàng Linh Mục Việt Nam” được công bố tại hội trường Giáo Xứ Tân Sa Châu tại Saigon, mang chữ ký của 301 vị Linh Mục đại diện cho các Giáo Phận, các Viện Đại Học, Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo Việt Nam, Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam, Giám Đốc và Giáo Sư các Chủng Viện, Bề Trên các Dòng Tu, Tuyên Úy Công Giáo trong Quân Đội và các tổ chức khác v.v…

Nội dung Bản Tuyên Bố lên án nạn tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng khiến bộ máy chính quyền chẳng những không còn phục vụ quyền lợi quốc gia mà đã thành nơi hoành hành của những tổ chức “Mafia” trong chính quyền, cấu kết với gian thương để bóc lột dân chúng.

Bản cáo trạng cũng lên án Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về nạn mua quan bán tước như sau:

“Những ai buôn và ai bán? Đặc biệt là ai có quyền bán khi sự bổ nhiệm các Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng, Sư Đoàn Trưởng và Tư Lệnh Quân Khu đều thuộc quyền Tổng Thống Thiệu ? Nếu ông không bán thì ai bán ? Và như vậy thì vấn đề lãnh đạo được đặt ra”.

Bản cáo trạng kêu gọi và nhắn nhủ Giáo Dân hưởng ứng Bức Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 29 tháng 9 năm 1973 và Bản Tuyên Ngôn ngày 10 tháng 1 năm 1974 cũng của Hội Đồng Giám Mục lên tiếng để báo động về việc đất nước có thể mạt vong vì nạn tham nhũng và kêu gọi mọi người tham gia vào một cuộc cách mạng để cứu nước.

Bản Tuyên Ngôn của Hàng Linh Mục Việt Nam kết luận như sau:

Bảy trăm năm trước,Thánh Thomas D’Aquin đã nói: “Chính quyền chuyên chế là bất công vì không hướng đến công ích mà chỉ hướng đến tư lợi của người cầm quyền. Cho nên sự lật đổ chế độ đó không có tính cách phản nghịch. Chính quyền chuyên chế đã phản nghịch bằng cách gây xáo trộn, rối loạn trong dân chúng họ cai trị để thống trị được chắc chắn hơn (Summa Ila Ilahe).”

Các huấn thị của Hội Thánh nói trên phù hợp với tinh thần dân chủ Đông Phương như Mạnh Tử đã nói 

Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, cũng như với trào lưu dân chủ hiện đại mà Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa đã long trọng công nhận khi ghi vào Điều I khoản 2 như sau: “Chính quyền Quốc gia thuộc về toàn dân” Mặc dầu thế, chúng tôi không muốn gây xáo trộn bởi quốc gia đã chịu quá nhiều xáo trộn. Chúng tôi chỉ muốn lên tiếng cảnh tỉnh vì sự sống còn của dân tộc để chính quyền kịp thời sửa sai, thay đổi hoàn toàn chính sách và nhân sự hầu tránh sụp đổ trước khi quá muộn. Nếu không chịu sửa sai để đất nước này lâm vào thế mạt vong thì chắc chắn Quân, Dân sẽ không chịu cúi đầu cam chịu làm vật hy sinh mãi cho một thiểu sổ tham nhũng không còn biết đến Dân tộc và Tổ quốc là gì nữa. Khi ấy, cùng tất biến, những, những gì phải xảy ra sẽ xảy ra, ngoài ý muốn của chúng tôi, bởi lẽ như Thánh Thomas D’Aquin đã nói: “Chính Quyền Đã Phản Nghịch”. Nguyễn Trân: Công và Tội, Xuân Thu Los Alamitos, 1992, trang 729.

Sau Bản Tuyên Ngôn này, ngày 8 tháng 9 năm 1974 một bản cáo trạng mang tên là “Bản Cáo Trạng Số 1″ do Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng Để Cứu Nước và Kiến Tạo Hòa Bình do Linh Mục Trần Hữu Thanh, Phó Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế làm Chủ Tịch, nêu lên những trường hợp tham nhũng và kịch liệt chỉ trích Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và tố cáo ông về 6 vấn đề như sau:

- Sử dụng một Đại Đội Công Binh và 30 triệu đồng của ngân sách quốc gia để tu bổ ba căn nhà trong Bộ Tổng Tham Mưu, ngoài ra ông còn có một biệt thự trên đường Phan Đình Phùng trị giá 40 triệu đồng, một biệt thự ở đường Công Lý trị giá 98 triệu đồng và một căn biệt thự ở Thụy Sĩ. Ông lấy tiền ở đâu ra ?

-Chiếm 5 mẫu đất cạnh Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt trị giá lên tới 60 triệu đồng. Ngoài ra ông còn sở hữu một sở đất sau Trường Đại Học Đà Lạt, mấy trăm mẫu gần Gia Rai trên Quốc Lộ 1, mấy trăm mẫu ở Long Khánh, Gia Định và những nơi khác.

- Bao che cho ông Nguyễn Xuân Nguyên, Chủ Tịch Công Ty Phân Bón Hải Long, anh em cột chèo của ông, đầu cơ tích trữ phân bón khiến cho giá phân trên thị trường tăng lên cao vọt, do đó công ty này đã kiếm lời lên tới hàng chục tỷ đồng. Khi Thượng Viện thành lập một ủy ban điều tra về vụ phân bón và sắp sửa kết tội ông Nguyễn Xuân Nguyên thì Tổng Thống Thiệu đã mời ủy ban này vào Dinh Độc Lập đưa cho ông xem hồ sơ và sau khi xem xong thì ông đã giữ hồ sơ lại và “yêu cầu Ủy Ban đừng làm khó dễ công ty của chúng tôi nữa”. Sau chuyện này, khi Ủy Ban Điều Tra Thượng Viện gửi văn thư mời ông Nguyễn Xuân Nguyên ra điều trần thì ông này ỷ thế vào ông Thiệu mà không thèm ra trả lời những chất vấn của Ủy Ban.

- Dựa vào cuốn sách The Politics of Heroin in Southeast Asia xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1972 trong đó tác giả Alfred W Mccoy có nói rằng “Việc buôn bán bạch phiến ở Miền Nam Việt Nam được tổ chức dưới sự bảo trợ của hai ông Tổng Thống và Thủ Tướng và tố cáo đích danh Phụ Tá Quân Sự và An Ninh của Tổng Thống Thiệu, Trung Tướng Đặng Văn Quang, là người trực tiếp chỉ buy hệ thống buôn lậu từ nước ngoài và phân phối khắp 4 Quân Khu…” 

Bản cáo trạng nói rằng nếu Tổng Thống Thiệu cho rằng sự tố cáo này là vô căn cứ thì tại sao ông không đi kiện tác giả cuốn sách này trước tòa án quốc tế vì đây không phải chỉ là riêng cá nhân ông mà cả danh dự quốc gia Việt Nam bị bôi nhọ. 

(ghi chú của Người Việt. Năm 1975, cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm được hội đủ điều kiện để di dân vào Hoa Kỳ theo quy chế tỵ nạn và đến thập niên 1980 thì cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng được di dân vào nước Mỹ theo quy chế thường trú nhân, điều này có nghĩa là sau cuộc điều tra của các cơ quan an ninh Hoa Kỳ, những lời kết án của Alfred Mccoy bị xem là không có giá trị vì đối với Luật Pháp Hoa Kỳ thì không có một cá nhân nào có dính dáng đến việc buôn bán ma túy mà lại được vào sinh sống tại Mỹ. 

Riêng trường hợp Trung Tướng Đặng Văn Quang, cựu Phụ Tá về Quân Sự và An Ninh của Tổng Thống Thiệu thì vì những điều tố cáo trong cuốn sách này và những lời khai của nhiều nhân chứng trong đó có một vị cựu Nghị Sĩ, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa là ông Phạm Nam Sách mà ông Quang đã không được cho phép vào tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ông Quang sau đó được chính phủ Canada cho vào tỵ nạn vì ông có người con đang theo học ở Canada.)

- Điều tố cáo cuối cùng là việc đầu cơ gạo tại miền Trung mà người chủ chốt là thương gia Phạm Sanh, Chủ Tịch Nam Việt Ngân Hàng và bà Ngô Thị Tuyết, cô ruột của Tổng Thống Thiệu và mẹ đẻ của ông Hoàng Đức Nhã, Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi.

Bản Cáo Trạng kết luận như sau:

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời như thế nào với quốc dân và quốc dân phải làm gì đối với ông ?
Đó là 2 vấn đề phải được tức khắc giải quyết tức khắc trên căn bản công bằng:

- Những gì của Quân Đội pbải trả cho Quân Đội.
- Những gì của Quốc Gia phải trả cho Quốc Gia.
- Những gì của Dân Tộc phải trả cho Dân Tộc.

Sau Bản Cáo Trạng số 1, đến ngày 3 tháng 2 năm 1975, Bản Cáo Trạng Số 2″ ra đời. Người soạn thảo bản cáo trạng số 2 là Nghị Sĩ Phạm Nam Sách, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện và ông đã tố cáo “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã phản bội tổ quốc và phá hoại quốc gia để mưu cầu quyền tư lợi riêng”.

Gần đây, một người bạn của người viết ngày xưa đã có thời giữ một chức vụ quan trọng nói cho người viết biết rằng chính một vị Tướng lãnh rất cao cấp đã cung cấp những tin tức liên quan đến việc tố cáo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ Đảng Đại Việt Cách Mạng và ông Ký đã cung cấp những chi tiết này cho Linh Mục Trần Hữu Thanh và Nghị Sĩ Phạm Nam Sách. Tưởng cũng nên nhắc lại, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đều là đảng viên của Đảng Đại Việt và cả 2 nhân vật nầy đã tuyên thệ vào đảng với ông Hà Thúc Ký vào hồi đầu thập niên 1960.

Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn cũng nói gần như vậy:

 “Ngoài Cha Thanh là người chống đối mặt nổi còn có ông Hà Thúc Ký hiệp lực “hoạt động chìm” với phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng. Tôi nhờ ông Trần Quốc Bửu liên lạc để tôi được gặp hai nhân vật nầy.Sau khi ông Bửu tiếp xúc với Cha Thanh và ông Hà Thúc Ký, giải thích lập trường và mục tiêu của tôi khi nhận lời lập Nội Các để giúp nước thì Cha Thanh và ông Hà Thúc Ký đồng ý là nếu chưa thay được Tổng Thống Thiệu thì phải thay Thủ Tướng Khiêm…Ngoài ra hai nhân vật nầy cũng ngỏ ý là tôi khỏi phải đến gặp họ để tránh mọi ngộ nhận hầu dị nghị. Thú thật tôi vô cùng phấn khởi trước thái độ cao quí của hai nhân vật lãnh tụ khả kính nầy”. Nguyễn Bá Cẩn: Sách đã dẫn, trang 382-383.

Người viết cũng có dịp hỏi Luật Sư Đinh Thạch Bích, cũng là một thành viên trong Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh về bản cáo trạng này thì được ông cho biết rằng những điều tố cáo trong bản cáo trạng cũng có phần nào sự thật, tuy nhiên ông cho biết rằng ông sinh hoạt với phong trào của Linh Mục Trần Hữu Thanh với tư cách là đại diện cho nhóm Luật Sư Tranh Đấu do Luật Sư Trần Văn Tuyên làm Chủ Tịch chứ không phải là phụ tá của Linh Mục Trần Hữu Thanh như một số người lầm tưởng. Ông cho biết rằng về sau thì ông mới biết rằng ông đã lầm khi ông biết mục đích của Linh Mục Trần Hữu Thanh lúc đó là thi hành một chính sách của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã do Đức Giáo Hoàng Paul II chủ trương nhằm tách rời Giáo Hội ra ngoài ảnh hưởng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngõ hầu bảo vệ cho tín đồ Thiên Chúa Giáo và dễ bề đối thoại với phe cộng sản một khi họ thắng và nắm được chính quyền tại Miền Nam.

Phật Giáo Hòa Hảo Chống Đối

Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo lớn tại Miền Nam và trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hòa, không có sự chống đối nào quan trọng giữa Hòa Hảo và chính quyền, tuy nhiên, đến đầu năm 1975 thì gần như toàn thể khối Hòa Hảo ở miền Tây đã nổi lên chống lại chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cho biết: 

Khi Tướng Nguyễn Khoa Nam về làm Tư Lệnh Vùng IV ông đã tiếp xúc với Phật Giáo Hòa Hảo và đề nghị với đoàn thể này thành lập những đơn vị quân sự gia nhập vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ vùng châu thổ sông Cửu Long.

Đề nghị của Tướng Nguyễn Khoa Nam phù hợp với nguyện vọng của người Hòa Hảo nên hai bên đã thỏa thuận được với nhau một cách nhanh chóng. Chính phủ thỏa ước nầy và ra lệnh lệnh thảo một quy chế cho các đơn vị Hòa Hảo.

Trong khi đó thì mùa gặt đến. Thường thì đó là thời kỳ mà chính phủ bỏ lỡ việc tìm bắt những người trốn lính để cho việc gặt hái không bị cản trở. Mỗi năm cứ đến mùa gặt, Bộ Nội Vụ lại gởi cho các chính quyền địa phương một công điện ra lệnh không được ngăn trở việc đi lại của công nhân lo việc gặt hái. Đó là tiếng lóng để bảo cho các Cảnh Sát Viên không được bắt những người trốn lính từ các làng xã đi ra và đến các vùng có lúa cần gặt. nhưng nếu muốn không bị Cảnh Sát bắt, những người thợ gặt lại phải nạp cho Cảnh Sát một phần số tiền công họ thâu hoạch được.

Trong mùa gặt năm 1974, Cảnh Sát biết rằng những người Hòa Hảo trốn lính rồi sẽ nhập ngũ vào Quân Đội (theo công thức Nguyễn Khoa Nam), nên đó là lần chót mà họ có thể thâu tiền của những người ấy, do đó đã đòi hỏi một số tiền cao hơn là những năm trước. Trong khi đó người Hòa Hảo thì lại nghĩ rằng rồi đây họ cũng sẽ trở thành binh sĩ và không còn sợ Cảnh Sát nữa nên từ chối mọi “đóng góp”. Cảnh Sát nổi giận nên bắt giam những người có vẻ cứng rắn nhất trong số những người Hòa Hảo đi gặt hái mà họ cho là người cầm đầu rồi đem nhốt những người nầy trong bót. Người Hòa Hảo căm tức, liên lạc với các dân vệ đồng đạo và họ đã dùng võ lực để giải thoát những người bị bắt giam.

Lúc bây giờ, Đại Tá Nhan Văn Thiệt, Tư Lịnh Cảnh Sát Vùng IV báo cáo với ông Thiệu là người Hòa Hảo nổi loạn chống chính phủ. Ông Thiệu bèn ra lệnh giải giới 50.000 dân vệ Hòa Hảo ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Thỏa ước giữa Tướng Nguyễn Khoa Nam với người Hòa Hảo dĩ nhiên là bị hủy bỏ. Vậy thay vì tăng cường được lực lượng với các đơn vị quân sĩ Hòa Hảo, chính phủ Saigon lại có thêm một đoàn thể đối lập mạnh mẽ.” Nguyễn Ngọc Huy: The Final Struggle and the Fall of South Vietnam. Bài thuyết trình tại Đại Học Glassboro. New Jersey ngày 7 tháng 4 năm 1986.

Ông William Cassidy, cựu Cố Vấn Hoa Kỳ tại Miền Tây có cho biết thêm về chuyện giải tán Tổng Đoàn Bảo An của Phật Giáo Hòa Hảo như sau:

Quyết định giải tán Tổng Đoàn Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành đã bất chấp tuyên cáo của CIA. Cho nên dù lệnh đó đã ban hành rồi phía Hoa Kỳ vẫn chống đối. Sự việc này đã tạo tình trạng bất hòa giữa một sồ viên chức Hoa Kỳ và Cảnh Sát Quốc gia tại Vùng 4…Lệnh của Tổng Trưởng Nội Vụ chỉ thị Đại Tá Nhan Văn Thiệt bắt giam các nhân vật Hòa Hảo là Trân Hữu Bảy tức là Ông Hai Tập), Tổng Đoàn Trưởng Tổng Đoàn Bảo, Lê Trung Tấn và 7 người hộ vệ vào ngày 29 tháng 1 năm 1975… Sau đó Cảnh Sát còn bắt giam các Chỉ Huy Trưởng và Chỉ Huy Phó Bảo An tại Tỉnh An Giang, Quận Huệ Đức Hòa Bình Thạnh, Quận Châu Thanh, Quận Thốt Nốt. Nhiều vị Chỉ Huy Bảo An trong Quận Chợ Mới và Châu Thành cũng bị bắt. Trong việc nầy, Cảnh Sát đã cung cấp cho các Cố Vấn Hoa Kỳ Vùng 4 những tin tức sai lạc. Các báo cáo sơ khởi cho biết rằng có 600 Bảo An bị bắt, 184 võ khí bị tịch thâu.

Cố Vấn Hoa Kỳ lập tức phản đối và yêu cầu Tổng Thống Thiệu giải thích về hành động này. Ông trả lời rằng đã giao cho Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo thương lương, nhưng Cố Vấn Mỹ) không tin vào điều đó vì có những nguồn tin từ phía Việt Nam cho họ biết rằng Tổng Thống Thiệu đã quyết định giải giới và giải tán Bảo An để phòng ngừa việc Phật Giáo Hòa Hảo có thể trực tiếp thương thuyết ngưng bắn với phía cộng sản.

Tháng 2 năm 1975, tình hình Miền Nam suy đồi mau chóng, dư luận không còn chú ý đến vấn đề Bảo An nữa. Ba tháng sau, Miền Nam thất thủ.”[William cassidy: Thư viết cho tập san Đuốc Từ Bi Phật Giáo Hòa Hảo. Califomia. Số 26 ngày 1 tháng 5 năm 1987].

Đa số dân chúng Miền Nam theo Phật Giáo và những người theo Phật Giáo cũng như là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tức là phe Ấn Quang, trước đây vẫn thường chống ông Thiệu, nay lại có thêm những Bản Tuyên Bố và cáo trạng xuất phát từ phía những người theo Thiên Chúa Giáo mà ông Thiệu lại là một tín đồ của tôn giáo này, thêm vào đó ông Thiệu lại bị khối Phật Giáo Hòa Hảo với trên 3 triệu tín đồ chống đối, như vậy thì đây là một dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị mất uy tín quá nhiều trong quần chúng, tuy nhiên ông Thiệu vẫn không hề nghĩ đến chuyện từ chức, có lẽ vì ông nghĩ rằng Quân Đội và người Mỹ vẫn còn ủng hộ ông.

Trong mấy thập niên, điều kiện cần và đủ để lãnh đạo Miền Nam Việt Nam là sự ủng hộ của người Mỹ và Quân Đội. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng ông vẫn còn được người Mỹ ủng hộ và sự chống đối chính quyền của ông, nếu có đi chăng nữa, thì cũng không mấy quan trọng vì ông vẫn còn được Quân Đội ủng hộ, dù rằng ông cũng có nghe những tin đồn về đảo chánh.

Trước đó khoảng hơn một tuần lễ, sau khi Bắc Việt đã chiếm được các Tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum và Phú Bổn, sau khi Tỉnh Quảng Trị tại vùng địa đầu giới tuyến bị cộng sản Bắc Việt xâm chiếm vào tối ngày 19 tháng 3 và Huế đang bị cô lập vì quân cộng sản đã cắt đứt Quốc Lộ Số 1 từ Huế vào Đà Nẵng, Tổng Thống Gerald Ford đã gửi một bức thư cho Tổng Thống Thiệu. Bức thư này được chuyển từ Bạch Cung đến Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington vào ngày 22 tháng 3 và đã được Đại Sứ Trần Kim Phượng chuyển về Saigon bằng công điện. 

Trong thư này, Tổng Thống Ford có nói như sau:

“Những cuộc tấn công này của Bắc Việt đã mang đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cả hai quốc gia chúng ta. Đối với Tổng Thống và nhân dân Việt Nam, đây là lúc mà quý vị phải chịu đựng những sự hy sinh tối thượng, đây là thời điểm đánh dấu sự quyết định về định mệnh của đất nước của quý vị.

Tôi tin chắc rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống, Quân Đội và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục công cuộc chiến đấu kiên trì để chống lại những âm mưu xâm lược mới này của Bắc Việt. Tôi cũng tin tưởng một cách chắc chắn rằng nếu có thêm sự ủng bộ từ bên ngoài thì Tổng Thống và nhân dân Miền Nam sẽ thắng trong công cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ quyền tự quyết của mình.

Tôi, về phần chính cá nhân tôi, đã quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ cương quyết ủng bộ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn quyết định đầy sinh tử này. Nhắm vào mục đích tôn trọng những trách nhiệm của Hoa Kỳ trong tình trạng nầy, tôi đang theo dõi mọi biến chuyển một cách vô cùng thận trọng và tham khảo một cách khẩn cấp với các Cố Vấn của tôi về những biện pháp để đối phó với tình hình đang đòi hỏi và Luật Pháp cho phép. Về phần trợ giúp quân sự cho Quân Đội Việt Nam, xin Tổng Thống tin tưởng một cách chắc chắn rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng được mọi nhu cầu mà Quân Đội của quý vị đang cần tại chiến trường.

Để dứt lời, tôi mong được nhắc lại ở đây rằng tôi tiếp tục vô cùng ngưỡng mộ về sự quyết tâm của Tổng Thống cũng như là lòng kiên quyết và can đảm của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa. [Nguyễn Tiến Hưng & Jenold Schecter, Sách đã dẫn. Trang 437: "Letter 35- Ford to Thieu, March 22, 1975" với ghi chú: "thư này sau khi được giải mã (decoded) đã có nhiều lỗi về Anh ngữ và chính tả"].

Như vậy thì cho đến cuối tháng 3 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng ông vẫn còn được Tổng Thống Ford của Hoa Kỳ “ủng hộ”, “ngưỡng mộ”, có nghĩa là người Mỹ vẫn còn ủng hộ ông, do đó mà cho đến khi Miền Nam Việt Nam đã mất gần một nữa phần lãnh thổ ông vẫn không hề có ý định từ chức.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ đọc qua bức thư của Tổng Thống Gerald Ford cho nên không hiểu được ẩn ý trong lá thư ngoại giao này: Ông Ford đã nói rằng “tôi” và nhấn mạnh thêm “về phần cá nhân tôi” tức là ông ta có ý nói rằng ông ta chỉ viết lá thư nói trên nhân danh cho riêng cá nhân của ông “đã quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ cương quyết ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn quyết định đầy sinh tử nầy” chứ không có nhân danh nước Mỹ vì lúc đó ông ta đã biết rất rõ rằng Quốc Hội thứ 94 với thêm 75 Tân Dân Biểu Đảng Dân Chủ mới đắc cử vào tháng 11 năm 1974 đã cùng với những Dân Biểu và Nghị Sĩ phản chiến nổi tiếng như Hubert Humphrey, Mike Mansfield, Edward Kennedy v.v…đang phát động một chiến dịch không những chống lại mà còn chấm dứt việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam.

Trong khoảng thời gian này, một số người Mỹ đã có nhận định như sau về Tổng Thống Thiệu:“Trong mùa Đông đầy giá buốt của sự bất mãn tại Nam Việt Nam, Nhà Vua (ông Thiệu) ngồi không yên trên ngai vàng của ông”. [The Vietnam Experience: "The False Peace". Trang 156: "In the chill winter of South Vietnam's discontent, the king sat uneasy on his throne"].

Hai Viện Quốc Hội Chống Tổng Thống Thiệu

Vào cuối tháng 2 năm 1975, một sự kiện chính trị được xem như là vô cùng quan trọng diễn ra ngay tại Thủ Đô Saigon, lần này những người chống đối không phải là các vị Thượng Tọa, Đại Đức của Phật Giáo, cũng không phải là các vị Giám Mục, Linh Mục của Thiên Chúa Giáo và cũng không phải là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mà lại là các vị Dân Biểu Quốc Hội: Một số Dân Biểu đã đập bàn la ó và đốt hình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại trụ sở Hạ Nghị Viện để phản đối chính sách của ông.

Mùa Đông càng trở nên buốt giá hơn sau khi Đà Nẵng bị thất thủ vào ngày 29 tháng 3 rồi thì những Tỉnh còn lại của Vùng I Chiến Thuật liên tiếp bị rơi vào tay quân Bắc Việt ngày 2 tháng 4 năm 1975, một sự kiện chính trị quan trọng khác lại diễn ra tại Saigon và lần này thì cơ quan hiến định còn lại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bày tỏ sự mất tin tưởng đối với chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trong một phiên họp tại Hội Trường Diên Hồng vào ngày 2 tháng 4, Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa đã thông qua một bản quyết nghị kết tội Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về những thất bại quá nhục nhã của Miền Nam Việt Nam: Một nửa lãnh thổ bị mất và một nửa Quân Đội bị tan rã. 

Trong phần mở đầu của Bản Quyết Nghị, các vị Nghị Sĩ đã không nêu lên vấn đề bất tín nhiệm ông Thiệu vì việc đó không có quy định trong Hiến Pháp, tuy nhiên họ đã bày tỏ sự một tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó, Thượng Nghị Viện đã bày tỏ việc bất tín nhiệm chính phủ của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, một điều có ghi rõ trong Hiến Pháp, và đòi hỏi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải cải tổ chính phủ để thành lập một Tân Nội Các được mở rộng với sự tham gia của các thành phần đối lập.

Thượng Nghị Viện của Việt Nam Cộng Hòa gồm có 60 vị Nghị Sĩ và từ trước cho đến lúc này thì ông Thiệu luôn luôn được sự ủng hộ của đa số Nghị Sĩ, tuy nhiên trong khi bỏ phiếu thì có 42 phiếu ủng hộ bản quyết nghị này và chỉ có 10 phiếu chống, như vậy có nghĩa là trong số 60 Nghị Sĩ, chỉ còn có 10 người ủng hộ Tổng Thống Thiệu mà thôi. 

Một vị Nghị Sĩ trước đây từng ủng hộ Tổng Thống Thiệu đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, có cho biết rằng chiều 2 tháng 4 năm 1975, khi ông vào văn phòng của vị Chủ Tịch Thượng Viện thì thấy Nghị Sĩ Trần Văn Lắm đầu bù tóc rối đang gục trên bàn, mặt mũi bơ phờ như người mất hồn và ông Lắm cho biết rằng ông vừa mới trình cho ông Thiệu biết về kết quả của cuộc bỏ phiếu hồi sáng hôm đó. Nghị Sĩ Trần Văn Lắm là một trong những người lãnh đạo nhóm đa số ủng hộ Tổng Thống Thiệu tại Thượng Nghị Viện.

Hai ngày sau khi Bản Quyết Nghị này được Thượng Nghị Viện biểu quyết thông qua, vào khoảng nửa đêm về sáng ngày 5 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia bắt giam một số nhân vật chính trị trong đó có ông Nguyễn Trân, cựu Tỉnh Trưởng Nha Trang và Mỹ Tho, nhà báo Đinh Từ Thức, ông Lê Văn Thái, một người được dư luận trước đó xem như là có nhiều liên hệ mật thiết với Tướng Nguyễn Cao Kỳ và đặc biệt là ông Nguyễn Văn Ngân, cựu Phụ Tá về Liên Lạc Quốc Hội của chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu v.v…

Quân Đội Dự Định Đảo Chánh ?

Về phía Quân Đội thì sau vụ hai miền Cao Nguyên và miền Trung bị thất thủ, cũng có nhiều tin đồn nói rằng sẽ có đảo chánh để lật đổ chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ông Trần Văn Đôn cho biết rằng 

“Đầu tháng 4 năm 1975, có một số sĩ quan định đảo chính. Tôi không hiểu kế hoạch và dự án đảo chánh này, tôi chỉ biết là họ sẽ cho ông Thiệu lưu vong ở Tân Tây Lan rồi ở trong nước họ sẽ làm theo kế hoạch và đường lối của Mỹ. Trong số sĩ quan được chỉ thị đem quân đảo chánh là Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp ở ngoại ô Saigon. Đảo chánh muốn thành công phải nhờ ở Thiết Giáp vì đó là Binh Chủng có phương tiện hữu hiệu. Trước khi vô chiếm Saigon thì ông Đại Tá đó nói với Hoàng Đức Nhã, lúc đó không còn làm chức vụ gì nhưng vì là bà con nên ông Nhã nói lại với ông Thiệu. Ông Thiệu lập tức ra lệnh cho Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III đang ở miền Đông Saigon ra lệnh báo động về quân sự, cấm không được di chuyển đơn vị nào và chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến.” [Trần Văn Đôn: Sách đã dẫn, trang 445].

Tin đồn về đảo chánh do ông Trần Văn Đôn tiết lộ ở trên không những không có gì đáng tin cậy mà lại còn có vẻ khôi hài vì có không có người nào dự định đảo chánh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà lại đi “nói với Hoàng Đúc Nhã” cả, ngay cả một đứa con nít ở Miền Nam cũng phải biết rằng ông Hoàng Đức Nhã là em cô cậu của Tổng Thống Thiệu.

Những tin đồn loại này không có gì kiểm chứng và hồi đó không có Tướng lãnh nào xác nhận, tuy nhiên gần đây, Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III có viết một bài trên báo nói về vai trò của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và trong đó Tướng Khôi có nhắc qua về chuyện này:

ở Saigon có âm mưu lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi đươc móc nối đảo chánh nhưng cương quyết từ chối và tuyên bố chống lại. Tôi cho những người này là một bọn mù quáng, ngu xuẩn, không thấy hiểm họa cộng sản ngay trước cổng nhà mình.” [Hà Mai Việt: Sách đã dẫn, trang 369.]

Tướng Trần Quang Khôi đã đích thân nói ra như vậy thì đó là một nguồn tin đáng tin cậy. Tuy ông không nói rõ ai là người móc nối và ai là người chủ xướng âm mưu đảo chánh, nhưng những tin đồn phát xuất từ phía Hoa Kỳ cho biết rằng người đó là cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.

Trong Decent Interval, Frank Snepp cho biết rằng sau khi Nha Trang thất thủ và Thượng Viện thông qua quyết nghị lên án Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và bất tín nhiệm chính phủ Trần Thiện Khiêm thì “ông Nguyễn Cao Kỳ nghĩ rằng một quyết nghị như vậy chẳng có gì là hữu ích cho nên bắt đầu chuẩn bị làm đảo chánh. Vì nhóm “không quân” của ông ta chẳng còn có thực lực cho nên ông đã đi tìm sự hậu thuẫn của nhiều “bạn bè cũ” đang cầm quân và một trong những người đó là Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đang làm Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Xuân Lộc. Nhưng Tướng Đảo từ chối tham gia nếu không có sự đồng ý của Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Kỳ bèn đến gặp Tướng Cao Văn Viên vào buổi trưa ngày 2 tháng 4 để yêu cầu ông Viên tham gia nhưng ông Viên chỉ “ừ à” rồi hẹn sẽ trả lời trong vòng một vài ngày. Chiều hôm đó, Đại Tướng Cao Văn Viên gặp Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và báo cho ông Khiêm chuyện âm mưu đảo chánh. Ông Viên đề nghị ông Khiêm “phối kiểm” với người Mỹ xem họ có đứng sau lưng ông Kỳ hay không. Trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, ông Khiêm hỏi Thomas Polgar (trùm CIA ở Saigon) về chuyện đảo chánh thì được Polgar cho biết một cách rất minh bạch rằng người Mỹ không hề ủng bộ một cuộc đảo chánh do ông Kỳ hay phe của ông Kỳ chủ trương vì cả đám này không hội đủ điều kiện để được xem như là những thành phần “ôn hòa” hay “trung dung” để thương lượng với cộng sản Bắc Việt.

Frank Snepp cho biết thêm rằng sau đó Tổng Thống Thiệu nghe phong phanh chuyện này, nhất là sau khi ông Hoàng Đức Nhã báo cáo với ông về âm mưu đảo chánh do một người quen ở Trường Sĩ Quan Thủ Đức cho biết, ông ta trở nên nghi ngờ cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và do đó khi biết được như vậy, ông Khiêm đã xin từ chức Thủ Tướng vào ngày 3 tháng 4 năm l975. [Frank Snepp: Sách đã dẫn, trang 286-287.]

Đại Sứ Hoa Kỳ cũng có nghe nói về những tin đồn đảo chánh. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Graham Martin đã phúc trình với Ngoại Trưởng Kissinger rằng “Có tin đồn một số Tướng lãnh đang dự định lật đổ Tổng Thống Thiệu một khi mà Quốc Hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa. Tôi (Đại Sứ Martin) tin tưởng rằng nếu có một cuộc thương thuyết thì sự hiện diện của Tổng Thống Thiệu sẽ là một trở ngại và trừ khi Ngoại Trưởng (Kissinger) không cho phép, tôi dự định sẽ nói chuyện thẳng với ông Thiệu rằng vai trò của ông Thiệu trong lịch sử sẽ được nhớ đến một cách tốt đẹp hơn với những thành quả mà ông đã làm, trái lại nếu ông ta còn ngồi lại quá lâu thì ông ta sẽ bị xem như là người đã thất bại, người đã ngăn cản những nỗ lực nhằm cứu vãn cho phần đất còn lại của Việt Nam còn có được một phần nào tự do. Tôi sẽ nói rõ ràng như pha lê với Tổng Thống Thiệu rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, như là “một người bạn luôn luôn chỉ muốn nói sự thật” và sẽ kết luận một cách rất khách quan rằng nếu ông Thiệu không làm điều này thì các Tướng lãnh của ông sẽ ép buộc ông phải ra đi” [The Vietnam Experience: The Fall Ofthe South. Trang 132].

Trước những sự chống đối từ nhiều phía và nhất là có những tin đồn về đảo chánh như vậy nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu nào ông ta sẽ từ chức. Ngày 14 tháng 4 năm 1975, trong khi Lê Duẫn gửi điện văn ra lệnh đổi tên chiến dịch giải phóng Saigon thành “Chiến Dịch Hồ Chí Minh” Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu đã chủ tọa lễ trình diện tân Nội Các của Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn và cho đến ngày 18 tháng 4 năm 1975, sau khi chính quê hương của ông là Tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang) bị rơi vào tay quân đội cộng sản Bắc Việt, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa hề có ý định từ chức vì lúc đó, về phía người Mỹ, chưa có ai chính thức đề cập đến chuyện này.

Dường như lúc đó, trong thâm tâm, Tổng Thống Thiệu vẫn còn mang hy vọng rằng sẽ có áp lực, có một sự giàn xếp nào đó của quốc tế để cho cộng sản phải ngưng cuộc tổng tấn công, lập một nước do “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời” cai trị ở những vùng do cộng sản mới chiếm đóng và chấp nhận một nước do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cai trị ở những vùng lãnh thổ còn lại.

Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ Tướng trong chính phủ Trần Thiện Khiêm có cho biết một chi tiết về chuyện này như sau: “Về giả thuyết Việt Nam chia làm ba, tôi nhớ sự việc diễn ra như sau: Bữa đó, Phó Thủ Tướng Trần Văn Đôn vừa đi quan sát ở Mỹ và Âu Châu về. Tổng Thống Thiệu tiếp Đôn để nghe báo cáo và cùng chung tôi lên Dinh Độc Lập ăn cơm.(Theo ông Trần Văn Đôn ghi lại trong cuốn ‘Việt Nam Nhân Chứng” thì hôm đó là ngày 5 tháng 4 năm 1975) Khi đi ngang qua chỗ đang sửa chữa vì vừa bị dội bom, ông Thiệu thấy có treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ, ông liền nói “không biết các anh có tin dị đoan hay không chớ còn tôi, tôi nghĩ ba gạch tượng trưng cho đất nước mình sẽ chia làm ba!” Có lẽ ý kiến này đã thoáng qua tâm trí của ông Thiệu lúc đó. Không ai phản ứng hay bình phẩm gì. Trong số quan khách, có cả Bác Sĩ Phan Quang Đán.” [Lâm Lễ Trinh: Mạn Đàm Với Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên: Tại Hội Nghị La Celle St-Cloud Những Ngày Việt Nam Cộng Hòa hấp hối đăng trên nhiều báo tại Califomia, 2001].

Theo như chuyện Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên kể lại ở trên thì điều đó đã chứng tỏ cho thấy dường như ông Thiệu lúc đó còn hy vọng rằng nước Việt Nam sẽ bị chia thành 3 phần: Phần thứ nhất ở miền Bắc vẫn do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của cộng sản Bắc Việt cai trị, phần thứ hai là những vùng cộng sản vừa chiếm được ở miền Trung và Cao Nguyên thì sẽ do “chính phủ các mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam” của việt cộng cai trị và phần thứ ba thì đo chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mà ông Thiệu đang làm Tổng Thống cai trị, tức là ông Thiệu vẫn sẽ làm Tổng Thống dù chỉ còn lại có một nửa dân số, quân đội và lãnh thổ mà thôi.

Người Mỹ Không Muốn Lưu Lại Bằng Chứng

Trong ngày thứ sáu 18 tháng 4, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la nhưng trong số những quốc gia nhận được quân viện không có Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30 tháng 6 năm 1975, dù có còn tồn tại, Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn nhận được một số tiền viện trợ nào dành cho quân sự nữa.

Sau khi Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, Đại Sứ Graham Martin cho biết là vào ngày 18 tháng 4 năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã chỉ thị ông rằng “Tổng Thống Ford đã chấp thuận để cho Đại Sứ Martin đề nghị với Tổng Thống Thiệu là ông ta nên từ chức”.

Theo cựu Đại Sứ Bùi Diễm thì sau khi ông về đến Saigon vào trung tuần tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã nói với ông rằng: “ông phải nói sự thật với ông Thiệu”. 

Cái sự thật mà Đại Sứ Martin muốn nói là “ông Thiệu đã hết thời rồi” (Thiệu was finished) và nếu cần thì chính ông Martin sẽ đích thân nói với ông Thiệu điều đó. Tuy nhiên ông Martin muốn nhờ ông Bùi Diễm vào gặp để nói với ông Thiệu như vậy và yêu cầu ông Diễm cho ông ta biết ngay sau khi đã nói chuyện với ông Thiệu về vấn đề này. Đại Sứ Bùi Diễm cố gắng liên lạc nhưng vẫn không gặp được Tổng Thống Thiệu. Đến ngày thứ sáu 18 tháng 4 thì ông gặp Đại Sứ Martin và đã cho ông Martin biết như vậy, rồi qua ngày hôm sau thứ bảy 19 tháng 4, lại nói chuyện điện thoại lần nữa với ông Đại Sứ Mỹ. Lần nầy Đại Sứ Diễm cho ông Martin biết rằng ông đã nhắn với Tổng Thống Thiệu qua Đại Tá Chánh Văn Phòng Võ Văn Cầm và cả cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng, nhưng ông Thiệu vẫn chưa trả lời. Đại Sứ Graham Martin nói với ông Bùi Diễm rằng: “được rồi như vậy thì tôi phải đích thân vào gặp ông ta.” [Bùi Diễm with David Canoff: In the Jaws ofhistory, Houghton Mifflin Company, Boston, 1987, trang 332]

Thực ra thì Đại Sứ Martin đã đề cập đến chuyện ông Thiệu từ chức với Ngoại Trưởng Kissinger vào ngày hôm trước và đã được Kissinger đồng ý. Trong cuốn sách ‘ Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của Nguyễn Tiến Hưng được xuất bản vào đầu năm 2005 thì: “ngày 17 tháng 4, ông Martin đề nghị với Kissinger trong một công điện tối mật để đồng ý cho ông thuyết phục ông Thiệu từ chức:

Nếu Quốc Hội bỏ phiếu chống viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì địa vị của ông Thiệu là hết rồi. Bởi vậy, trừ khi có chí thị không đồng ý tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Thiệu và cho ông ta biết rõ đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi với tư cách là một người bạn chân thành. Sau khi suy nghĩ mọi đàng, tôi đã đi đến kết luận là chỗ đứng của ông ta trong lịch sử sẽ được bảo đảm hơn nếu xét tất cả những gì ông đã làm cho đất nước này. Nếu ông ta không chịu mà cứ tham quyền cố vị thì cơ hội cuối cùng để cứu vãn Miền Nam Việt Nam như một quốc gia còn có chút tự do sẽ không còn nữa.

Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu xuống thì các Tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm việc này. Có một cách rút lui êm đẹp và trang trọng nhất là ông tự ý từ chức và nói cho đồng bào biết rằng ông phải làm như vậy để bảo vệ Hiến Pháp và để chính phủ kế vị có thể dễ dàng điều đình cứu vãn nước Việt Nam Tự Do. “ông Kissinger đồng ý”. [Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, trang 388.]

Ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết thêm rằng không phải đến ngày 17 tháng 4 mà còn sớm hơn nữa:

“Ở đây tôi còn nhớ, khi tạm biệt Đại Sứ Martin để lên đường đi công tác Washington ngày 15 tháng 4 tự nhiên ông hỏi tôi:Nhân tiện tôi muốn hỏi ông bao giờ thì Tổng Thống của ông từ chức ?

Hết sức ngạc nhiên: Tôi không biểu ông Đại Sứ muốn nói gì cả! Tôi đáp. Tôi để ý đây là lần đầu tiên thấy ông Martin dùng từ ngữ “Tổng Thống của ông” thay vì “ông Tổng Thống” hay là “Tổng Thống Thiệu”. Tôi thông báo cáo cho ông Thiệu ngay về câu hỏi trớ trêu này trước khi lên máy bay”. [Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, trang 387-388.]

Theo Oliver Todd, tác giả Cruel Avril thì Đại Sứ Pháp Philippe Richer đến Hà Nội vào ngày 27 tháng 1 năm 1975. Cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh gọi tắt là ENA, tức là bạn đồng môn với Tổng Thống Pháp Giscard d’Estaing, Nhà Ngoại Giao Richer vốn là tù nhân của Đức Quốc Xã trong trại tập trung Buchenwald, cựu sĩ quan trong Quân Đội Pháp đã từng phục vụ tại Lào và ông ta rất hiểu rõ cộng sản. Vài tuần trước khi ông Richer đến Hà Nội, Thủ Tướng cộng sản Phạm văn Đồng đã nhờ ông Francois Missoffe, Sứ Giả đặc biệt của chính phủ Pháp tại Á Châu, đòi người Mỹ phải áp lực để Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Phạm văn Đồng tiếp Đại Sứ Philippe Richer lần đầu tiên vào cuối tháng giêng năm 1975 và trong cuộc gặp gỡ này, Phạm văn Đồng đã nói với tân Đại Sứ Pháp: “Tôi hy vọng rằng ông Đại Sứ mang đến cho tôi sự trả lời”. Đại Sứ Richer chỉ trả lời một cách ỡm ờ vì ông không hề nhận được chỉ thị rõ rệt nào của chính phủ Pháp về vấn đề này.

Vào ngày 22 tháng 3 năm 1975, trong một bữa tiệc khoản đãi Ngoại Giao Đoàn tại Hà Nội, một cán bộ cộng sản đến nói với Đại Sứ Richer: “Thưa ông Đại Sứ, Thủ Tướng muốn nói chuyện với ông ngay bây giờ”. Trong cuộc tiếp xúc này Đại Sứ Richer đã hỏi Phạm văn Đồng: “Thủ Tướng nghĩ thế nào về lực lượng thứ ba tại Miền Nam ?” Phạm văn Đồng trả lời. “Nhóm đó là bạn của các ông. Bây giờ thì tình thế không thể thay đổi được nữa”, người Pháp các ông phải làm một cái gì. Thiệu phải ra đi” [Oliver Todd: Sách đã dẫn, trang 185.]

Đại Sứ Philippe Richer suy nghĩ cặn kẽ và đến hai ngày sau thì ông mới phúc trình việc này về Bộ Ngoại Giao Pháp.

Theo Paul Dreyfuss, tác giả cuốn Et Saigon Tomba, thì vào ngày 24 tháng 3 năm 1975, trong một cuộc tiếp xúc với Đại Sứ Pháp Philippe Richer tại Hà Nội, Thủ Tướng Bắc Việt Phạm văn Đồng đã nói với Đại Sứ Richer bằng một giọng đầy thúc giục: “thế nào, bao giờ thì người Pháp mới hành động ? Bây giờ đã đến lúc các bạn của ông trong phe thứ ba ở Saigon nên bỏ bớt dè dặt để lật đổ Nguyên Văn Thiệu và thành lập một chính phủ khả dĩ có thể nói chuyện được với chúng tôi”.

Vì lời lẽ khẩn khoản này của Phạm văn Đồng, Đại Sứ Philippe Richer vội vã bay về Paris để tường trình lên Chính phủ Pháp đề nghị mới này của cộng sản Bắc Việt. [Dreyfuss: "Et saigon tomba", trang 171.]

Theo Oliver Todd thì vào ngày 8 tháng 4 năm 1975, sau khi cộng sản chiếm Đà Nẵng, Phạm văn Đồng lại tiếp kiến Đại Sứ Philippe Richer và ông ta đã nói với Đại Sứ Pháp rằng Bắc Việt sẽ cần đến sự hợp tác của các chuyên viên cũng như là các nhà đầu tư người Pháp để giúp cho họ khai thác những mỏ dầu hỏa tại Miền Nam thay thế cho các công ty Hoa Kỳ. Tuy được xem như là một người có khuynh hướng thiên tả, Đại Sứ Philippe Richer không mấy tin tưởng gì đến những lời của Phạm văn Đồng và ông ta tin rằng khi chiếm được Miền Nam thì chỉ có đảng cộng sản nắm quyền và sẽ không có lực lượng thứ hai thứ ba nào khác. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Oliver Todd vào năm 1986 tại Paris, cựu Đại Sứ Richer đã cho biết rằng trong một trong những bức công điện gởi về Bộ Ngoại Giao Pháp đề cập đến những đề nghị của Phạm văn Đồng, ông có trình bày ý kiến riêng của ông như vậy và do đó mà cả Bộ Ngoại Giao cũng như Tổng Thống Giscard d’Estaing không có ai ưa ông. Oliver Todd nói rằng thật là một điều nực cười khi mà Đại Sứ Richer, một người được xem như là thiên tả, lại chẳng tin tưởng gì đến những lời đường mật của cộng sản Bắc Việt, trong khi đó thì Đại Sứ Jean-marie Mérillon, cũng là cựu sinh viên trường ENA, một người được xem như là khuynh hữu, lại nghĩ rằng có thể tin được vào những lời hứa hẹn của Bắc Việt qua lời của Phạm văn Đồng.

Chính phủ Pháp liên lạc với Hoa Kỳ để tìm hiểu quan điểm của người Mỹ, tuy nhiên chính phủ của Tổng Thống Gerald Ford lúc đó đang bị cả hai Viện Quốc Hội do Đảng Dân Chủ kiểm soát trói tay trói chân và không thèm quan tâm cứu xét đến những yêu cầu của Tổng Thống Ford nhằm viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa, do đó Hoa Kỳ đồng ý để cho Pháp vận động hòa bình cho Miền Nam Việt Nam. Sau khi được sự đồng ý của Hoa Kỳ, Tổng Thống Pháp Giscard d’ Estaing đã ra lệnh cho Đại Sứ Pháp tại Saigon nỗ lực dàn xếp với mọi phe phái ngõ hầu tìm cho được một giải pháp thuận lợi hơn cho Miền Nam Việt Nam.

Đó là lý do tại sao Đại Sứ Pháp tại Saigon Jean-marie Mérillon đã tiếp xúc với Đại Sứ Mỹ Graham Martin ngày 18 tháng 4 năm 1975 và với sự khuyến khích của Đại Sứ Martin, ông đã đến gặp Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập hai ngày sau đó. 

Trong khi cuộc tấn công của cộng sản đang bị Sư Đoàn 18 của Việt Nam Cộng Hòa chống trả mãnh liệt tại Xuân Lộc, trong khi Đại Sứ Mérillon đang tiếp xúc với Đại Sứ Martin ở Saigon để tìm cách thuyết phục Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngỏ hầu tìm kiếm hòa bình cho Miền Nam Việt Nam thì Trung Ương Cục Miền Nam của cộng sản đã thi hành quyết định của Hà Nội chuẩn bị tiếp thu Saigon và các Tỉnh, Thị Xã, không hề có một chỉ thị nào về vấn đề thương thuyết với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. 

Trung Ương Cục đã đánh bức điện văn mang số 458/TV ngày 18 tháng 4 năm 1975 gửi cho các Khu Ủy, B.6 (Tây Ninh,) N.50 (Bình Phước,) P.10 (Saigon-Gia Định,) Quân Ủy Miền và các Ban, Ngành KBN (KBN là bí danh của Trung Ương Cục Miền Nam) chỉ thị về việc “chớp thời cơ tấn công địch ở các Thành Phố Thị Trấn, Thị Xã và vùng tôn giáo”. Chỉ thị nầy ra lệnh các cấp bộ địa phương phải tập trung chỉ đạo, tập trung sức mạnh với các lực lượng quần chúng để nổi dậy, khởi nghĩa nắm lấy chính quyền và đồng thời cho biết rằng sẽ có những chỉ thị riêng về việc “tiếp thu quản lý xây dựng sau khi dứt điểm giải phóng các Thành Phố, Thị Xã, thị trấn v.v…” và ngay cả việc đối xử với tù hàng binh ở Miền Nam.

(còn tiếp)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét