Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ÔNG NGUYỄN BẮC TRUYỂN GẶP ĐẠI DIỆN ỦY BAN ĐỐI NGOẠI HẠ VIỆN HOA KỲ

Trọng Thành
11-08-2013

Hình bên: Ông Nguyễn Bắc Truyển (tranh của họa sĩ T.T. Lan)

Chiều hôm qua, 10/08/2013, đại diện của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù nhân lương tâm, tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc phỏng vấn hôm nay với RFI Việt Ngữ, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển cho biết cụ thể về sự kiện này.

Cuối năm 2006, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển, 45 tuổi, Giám đốc Công ty vận tải quốc tế Việt-Thịnh-Phát, thành viên khối 8406, bị bắt cùng với một số thành viên đảng Dân chủ Nhân dân. Ông Nguyễn Bắc Truyển cũng tham gia khối 8406, một tổ chức kêu gọi dân chủ và đa nguyên cho Việt Nam, ra đời ngày 08/04/2006.

Tháng 5 năm 2007, ông bị khép vào tội « tuyên truyền chống Nhà nước » theo điều 88 Bộ luật Hình sự và bị kết án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế. Bản án tù giam sau đó đã được chuyển thành 3 năm rưỡi.

Năm 2011, ông được trao giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các cây viết có nhiều cống hiến cho dân chủ, nhân quyền. Hellman Hammett ghi nhận : « Những bài viết của Nguyễn Bắc Truyển sau khi ra tù tập trung vào các bạn tù chính trị của mình, và những nỗi khó khăn và sự kỳ thị mà cựu tù nhân chính trị phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày ». Ông Nguyễn Bắc Truyển cũng là một thành viên tích cực của Hội Ái Hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, với tôn chỉ hỗ trợ các tù nhân và gia đình.

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển trả lời RFI về cuộc gặp, ở TP Hồ Chí Minh, với đại diện Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đang tìm hiểu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

RFI : Xin chào ông Nguyễn Bắc Truyển. Được biết ngày hôm qua, ông có cuộc gặp các đại diện của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tại Sài Gòn, xin ông cho thính giả biết diễn biến của cuộc gặp này.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Ngày hôm qua, tôi có nhận được lời mời của tòa tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đến tham dự phái đoàn Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ thăm Việt Nam, và muốn gặp gỡ một số nhà hoạt động trong nước. Tôi đã nhận lời mời đó và đúng 2 giờ 30 tôi có mặt tại khách sạn Intercontinental để gặp phái đoàn. Sau gần 2 tiếng trao đổi với Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, thì tôi trở về.

Khi ra thì tôi thấy rất nhiều công an, mật vụ đứng xung quanh khách sạn. Thì tôi có báo cho họ (các đại diện ngoại giao Hoa Kỳ) biết, và họ yêu cầu tôi đừng có bước ra ngoài, để yên tình trạng như vậy, để cho họ làm việc xong, thì họ sẽ xuống đưa tôi ra. Sau đó khoảng 15 phút sau, sau khi họ gọi điện đi một vài nơi, hai viên chức của tòa đại sự quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và một của tòa tổng lãnh sự quán tại Sài Gòn đã đưa tôi xuống dưới nhà và đưa tôi tới taxi để tôi có thể trở về nhà được. Thì lúc đó, trên đường đi có rất nhiều mật vụ chạy theo, bám sát xe tôi. Bây giờ, thì tôi ở trong nhà. Tôi về đến nhà, không có chuyện gì hết. Tuy nhiên, họ đang bao vây chỗ tôi ở. Cũng rất là nhiều người ạ, thưa anh.

RFI : Như vậy là cho đến nay, bên công an hiện không có làm gì ảnh hưởng trực tiếp đến ông có phải không ạ ?

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Dạ.

RFI : Xin ông cho biết cụ thể về những nội dung trao đổi của cuộc gặp với đại diện Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Trong buổi trao đổi, thì tôi thấy họ đưa ra nhiều vấn đề mà (khiến) tôi thấy họ hiểu biết rất nhiều về tình hình vi phạm nhân quyền ở tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi này như là họ muốn tìm gặp tôi, chẳng qua là họ kiểm tra lại các thông tin của họ xem có xác đáng hay không, có sự thật hay không. Và họ cũng muốn nhận một vài ý kiến, đề nghị của các nhà hoạt động trong nước, trong vấn đề về đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), về CPC, cũng như về vấn đề Hoa Kỳ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Thì họ cũng đề nghị mình đưa ra ý kiến trong những thương thảo về những vấn đề đó.

Tôi nghĩ là trọng tâm của họ là vấn đề nhân quyền là chính. Họ cũng quan tâm rất nhiều đến nghị định 72, nghị định hạn chế tự do thông tin trên internet, sẽ có hiệu lực từ 01/09/2013. Rồi tình trạng các blogger bị nguy hiểm, có thể bị khởi tố theo những điều trong Bộ luật hình sự. Ngoài ra, họ cũng quan tâm vấn đề về chuyện quảng bá các Tuyên ngôn nhân quyền đến tay của người dân. Họ cũng hỏi thăm chuyện những người hoạt động trong nước đã tổ chức chuyển những Tuyên ngôn nhân quyền đến cho người dân, và bị những sự đàn áp.

Cái điều đặc biệt mà tôi cung cấp cho họ, đó là từ 2010 cho đến nay, có gần 200 nhà hoạt động hay là nhà bất đồng chính kiến, cũng như dân oan, cũng như blogger đã bị bắt và số năm tù có thể lên tới hàng ngàn năm. Đây là một con số mà khi tôi đưa ra gây cho họ sự xúc động rất là lớn, và họ cũng không thể tưởng tượng được trong cái thời buổi này mà có một Nhà nước đi đàn áp người dân và tuyên án những bản án rất là khắc nghiệt như vậy. Đó là nội dung tóm tắt buổi nói chuyện ngày hôm qua.

RFI : Thưa ông, nhân đây, xin ông cho thính giả biết thêm về tình hình cuộc sống của ông, sau khi hết hạn quản chế.

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Sau khi chấm dứt cái thời điểm quản chế vào tháng 5/2012, thì tôi đã bị chính quyền địa phương gia hạn quản chế đến 31/08/2012. Tôi cũng đã phản đối vấn đề này, nhưng họ vẫn ra lệnh buộc tôi phải quản chế đến lúc đó. Đến 31/08, tôi chấm dứt thời điểm quản chế, thì theo quy định, trước đó 3 ngày, họ phải gửi cái lệnh giải tỏa quản chế về nhà tôi. Nhưng mà tuy nhiên họ không thực hiện điều này, và tôi cũng không chờ đợi gì cái lệnh hết quản chế đó. Tôi đã rời khỏi nhà để đi làm ăn ở xa. Tôi đi cũng đã gần một năm và cho đến ngày hôm qua, lần đầu tiên tôi trở lại nhà mẹ tôi.

Tôi vẫn đi đây đi đó, và họ cũng vẫn biết tôi đi đâu, họ cũng nắm được tình hình tôi đi đâu. Tôi thì cũng thường xuyên gặp những người cựu tù nhân lương tâm, rồi đồng bào nơi này nơi khác. Thì họ cũng nói với những nơi đó tôi là một thành phần mới ra tù, bị truy nã, nên không có nên tiếp xúc, không có nên gặp gỡ, thì có người dân họ hỏi lại : « Cho tôi xem cái lệnh truy nã được không ? ». Thì họ không đưa ra được cái lệnh truy nã, họ vẫn nói xấu, vẫn bôi nhọ cái hình ảnh của mình. Và tôi cũng có gặp những khó khăn trong cuộc sống, vì những chuyện như vậy. Nhưng mà sống trong cái chế độ này, thì mình phải chấp nhận thôi. Có nhiều người còn khổ hơn mình nữa, mình cũng phải vượt qua thôi chứ anh.

RFI : Xin cảm ơn ông Nguyễn Bắc Truyển rất nhiều. Trước khi chia tay với thính giả, ông có thông tin hay chia sẻ gì thêm ?

Ông Nguyễn Bắc Truyển : Tôi cũng cám ơn đài RFI đã quan tâm đến sự kiện đã xẩy ra ở trong nước, đối với bản thân tôi, cũng như là đối với các nhà hoạt động khác. Tôi cũng là một thính giả của đài RFI và tôi cảm thấy rằng những tin tức của RFI thì phải nói rằng rất là trung thực và độ chính xác rất là cao. Tôi xin được cám ơn Ban biên tập RFI đã quan tâm đến những vấn đề nhân quyền, cũng như các vấn đề xã hội chính trị khác tại Việt Nam.

RFI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét