Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




QUYỀN TÔN GIÁO KHÔNG PHẢI DO NHÀ NƯỚC BAN PHÁT

Minh Tâm
20-9-2015

Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948, văn bản được coi là kết tinh của tinh hoa và chuẩn mực toàn cầu, đã quy định nguyên tắc giới hạn quyền con người tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

NHÀ NƯỚC: TÔN GIÁO PHẢI TRONG KHUÔN PHÉP

Tờ trình dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo (lần 5), cho rằng một trong những nguyên cớ để tôn giáo phải hoạt động trong khuôn khổ quản lý của nhà  nước, là:

Vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Quy định này là cần thiết để bảo đảm nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong một tổng thể chung về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.

Các quy định này cũng đã được Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị của Liên hợp quốc ghi “quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác” (khoản 3 Điều 18 Công ước).

Nội dung tờ trình cũng cho biết: “Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo, nhất là đối với các tôn giáo mới cần phải đăng ký hoạt động tôn giáo và trách nhiệm bảo đảm tôn trọng, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mới hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo.

Đồng thời, nghiên cứu để quy định hợp lý về các vấn đề thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo (cấp trung ương hoặc trực thuộc); thành lập trường, giải thể trường, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm, thuyên chuyển chức sắc trong tôn giáo; trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết để hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động nội bộ của tổ chức tôn giáo, tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ và quyết định các vấn đề nội bộ của tổ chức tôn giáo”.

“TÔN GIÁO” KHÔNG THỂ DƯỚI QUYỀN CỦA ĐẢNG

Tôn giáo là gì, chưa thấy trong dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi là Dự thảo) giải thích. Có cách hiểu theo từ điển: “tôn” là kính trọng, “giáo” là lời dạy của bề trên. Lời phán dạy của đấng tối cao, phải quý kính tuân hành không thể sai khác. Đó gọi là tôn giáo.

Như vậy, khi soạn thảo luật liên quan tôn giáo, bắt buộc phải tôn trọng “Đấng Tối Cao” của tôn giáo, không thể hành chánh hóa mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Đặc biệt là không thể cho rằng cần giới hạn quyền tự do tôn giáo nhằm để “bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Bởi cụm từ “bảo vệ an ninh, trật tự công cộng” ở đây sẽ được điều chỉnh bởi Luật an ninh quốc gia 2004. Như vậy, Điều 5 của luật này “Nguyên tắc hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia”, thì vì an ninh quốc gia, các tổ chức tôn giáo phải “Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (Điều 5.2)

Dường như cho đến nay vẫn còn cách hiểu là quyền con người phải do và chỉ có thể do Hiến pháp và pháp luật (hay nhà nước) xác định thì mới có ý nghĩa thực chất, nếu không sẽ không được thừa nhận và áp dụng. Theo quan điểm của cộng đồng quốc tế, mọi thành viên của nhân loại khi sinh ra đã mặc nhiên có tư cách chủ thể của các quyền con người.

Các nhà nước chỉ có thể thừa nhận (bằng Hiến pháp và pháp luật) các quyền đó là những giá trị vốn có của mọi cá nhân mà nhà nước có nghĩa vụ công nhân, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy.

HỆ LỤY CỦA HÀNH CHÁNH HÓA TÔN GIÁO

Trong phần “Giải thích từ ngữ” của Dự thảo đã không nêu cách hiểu của nhà làm luật về “Tôn giáo là gì”. Do đó mặc dù đến lần thứ 5 chỉnh sửa, Dự thảo vẫn vấp những lỗi “cực kỳ ngớ ngẩn”.

Đơn cử, Giáo Hội cũng là một cơ cấu hành chính nay họp mai hành xin phép làm sao cho kịp. Rồi người ta chết đến xin làm lễ, nhà sư có biết đâu mà xin phép, đăng ký? Việc lập trường đào tạo là bắt buộc với Giáo Hội. Bây giờ Ban trị sự tỉnh nào chẳng có trường, nếu theo Dự thảo chỉ có cấp Trung ương mới có quyền đề nghị thành lập trường thì quá phiền phức.

Rồi khi phong chức, phong phẩm phải đăng ký. Nhà nước đã công nhận Giáo Hội và hiến chương của Giáo Hội, nay phong chức cũng là theo hiến chương lại phải đăng ký, mà nếu chính quyền không công nhận thì giải quyết ra sao khi đương sự đã thành sự về mặt Giáo Hội?

Một số khái niệm trong Dự thảo không chính xác. Ví dụ định nghĩa khoản 1 điều 2: “tín đồ tôn giáo là người tin, theo một tôn giáo”. Tin ở trong đầu lấy gì kiểm chứng? Liệu có nên dài dòng viết rõ ràng: tín đồ tôn giáo là người đã gia nhập tôn giáo qua nghi lễ nhập đạo. Ví dụ Công Giáo là Rửa tội, Tin lành là Baptem, Phật giáo là Quy y tam bảo…

Khoản 2 điều 3 viết rằng người tín đồ có quyền thể hiện niềm tin nơi gia đình và cơ sở thờ tự là chưa đủ. Nhiều tín đồ các tôn giáo trước bữa ăn có cầu nguyện, làm dấu ở nhà hàng, quán ăn hay người Hồi giáo quỳ cầu nguyện 5 lần/ngày bất kỳ chỗ nào thì không được sao? Có điều các hành vi nơi công cộng đó không được làm ảnh hưởng đến người khác.

Điều 5 khoản 3 có viết: nghiêm cấm “xúc phạm niềm tin tín ngưỡng tôn giáo hợp pháp của người khác” là không ổn chút nào.

Quy định của nhà nước VN, chỉ có tôn giáo được công nhận và chưa được công nhận, không có tôn giáo hợp pháp và bất hợp pháp. Khoản d, Điều 20 quy định các trường tôn giáo buộc phải dạy 2 môn lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam. Nên có loại trừ vì chủng sinh Công Giáo đều có bằng cử nhân. Bây giờ sinh viên học văn bằng 2, những môn học rồi cũng được miễn, sao chủng sinh phải học lại?

Khoản 2 Điều 32 quy định khi phong phẩm, phong chức có yếu tố nước ngoài thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý trung ương cũng khó cho thấy những nhà làm luật chẳng chút kiến thức về vấn đề tôn giáo. Ví dụ tấn phong Hồng Y, đương sự cũng chỉ được báo trước 5 phút thì làm sao xin được sự chấp thuận?

Điều 38 quy định nếu làm lễ ngoài cơ sở tôn giáo, nếu có người đến dự khác xã, huyện thì xin phép huyện, khác tỉnh thì xin phép tỉnh. Đây là điều không thể thực thi vì bây giờ giao thông thuận lợi, người nước ngoài cũng đến dự thì xin phép ai? Chẳng lẽ xin phép Liên hiệp quốc? Bản thân người tổ chức và cấp phép cũng không biết ai đến dự.

NẾU VẪN THÍCH HÀNH CHÁNH HÓA TÔN GIÁO…

Thì những nhà soạn luật về tôn giáo hãy tham khảo nội dung của “Declaration on the Elimination of all forms of Intolerance and Discrimination Based on Religion or Belief” (tạm dịch: “Bản Tuyên ngôn Bãi bỏ các dạng Bất khoan nhượng và Kỳ thị Tôn giáo”) đã được Liên hiệp quốc chấp thuận năm 1981.

(http://www.un.org/documents/ga/res/36/a36r055.htm)
“Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng có thể chỉ tuân theo những giới hạn như được quy định của pháp luật, cần thiết để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự, y tế hay đạo đức hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác”. (Freedom to manifest one's religion or beliefs may be subject only to such limitations as are prescribed by law and are necessary to protect public safety, order, health or morals or the fundamental rights and freedoms of others) (Trích Điều 1.3)

“An toàn công cộng” chứ không phải “An ninh quốc gia” được hiểu theo Điều 5.2, Luật an ninh quốc gia 2004.

Lợi ích của việc hạn chế quyền phải lớn hơn thiệt hại do việc hạn chế đó gây ra. Có thể lấy bài học về quyền tự do kinh doanh làm thí dụ. Thời bao cấp, quyền tự do kinh doanh bị hạn chế khá lớn, đã kìm hãm nền kinh tế. Theo đó người dân chỉ có thể tham gia kinh doanh tập thể của nhà nước mà không thể thành lập doanh nghiệp tư nhân. Điều này chứng minh việc hạn chế quyền không hợp lý, trái với quy luật phát triển sẽ không đem lại lợi ích mong đợi.

Kể từ đổi mới kinh tế, người dân được mở doanh nghiệp tư. Về tổng thể, khi tự do của người dân được giải phóng, của cải xã hội được tạo ra nhiều hơn và có chất lượng tốt hơn thời tập trung quan liêu bao cấp.

Tôn giáo cũng vậy.

Sau tháng 4-1975, miền Nam bị nhà cầm quyền chiếm nhà thờ, chùa chiền, cấm đoán, ngăn trở tôn giáo… Nay cần phải sửa sai, mà trước tiên là hãy trả lại những gì đã cướp đoạt của tổ chức tôn giáo. Những nhà soạn luật cũng phải nhớ đến điều đó khi chấp bút cho bản dự thảo lần thứ 6.

Minh Tâm
Trí Nhân Media


2 nhận xét:

  1. Những vùng đất trước kia thuộc quyền sử dụng của nhà thờ, sau đó đã được bàn giao, trao trả lại cho Nhà nước thì cớ gì bây giờ lại dở chứng đòi. Chẳng qua là mượn cớ tranh chấp đất đai để kêu gọi quần chúng giáo dân tập hợp, gây mất trật tự, gây rối xã hội. Lạ gì mấy lời hứa , lời dụ dỗ ngon ngọt của những "kẻ cầm đầu" rằng nếu đòi được sẽ cho họ sở hữu, sẽ có những lợi ích nhất định...Thế nên hiện tượng đòi đất gần đây nó mới nóng như thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực tế đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về các cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo còn có một số khó khăn, bất cập nhất định, cụ thể như: hiện nay, hầu hết tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo đều không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến cơ sở cũ. Do đó, khi tổ chức tôn giáo có đơn khiếu nại, kiến nghị xin, đòi lại các cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo thì chính quyền không có cơ sở để xem xét, giải quyết hoặc một số cơ quan, đơn vị được giao sử dụng, quản lý cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý, sử dụng cơ sở đúng mục đích được giao, nên gây ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của người có đạo... vì vậy dẫn đến tình trạng một số tổ chức tôn giáo vẫn kiên trì khiếu nại, xin lại một số cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo.

      Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của một số cán bộ ở các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa đầy đủ nên khi thực hiện, giải quyết các khiếu nại liên quan đến vấn đề về tôn giáo chưa tạo được sự thống nhất cao từ trên xuống dưới.

      Xóa