Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỌC THUYẾT DOMINO TRONG CHIẾN TRANH VN

Trịnh Khánh Tuấn tổng hợp 
12/7/2016

Cuộc chiến VN cần phải được nghiên cứu và tìm hiểu cẩn thận để phân tích và ghi lại cho hàng ngũ hậu duệ VNCH làm hành trang trong nhu cầu phục vụ đất nước và dân tộc bằng chính sức mạnh của mình trong tương lai, một khi đất nước hoàn toàn tự do và dân chủ.

Muốn hiểu được tường tận và chính xác nguyên nhân và kết quả cuả cuộc chiến tại Việt Nam vừa qua thì chúng ta phải nhìn vào toàn diện cuộc chiến, chúng ta sẽ thấy rằng mọi biến cố, mọi diễn tiến của cuộc chiến đã xẩy ra có lớp lang bài bản để đưa tới ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một khi hiểu ra được, chúng ta sẽ có được những bài học quý giá cần yếu cho việc dựng nước trong tương lai bằng tinh thần tự quyết dân tộc.

Khởi nguồn của cuộc chiến ở VN là từ cái nhìn chệch hướng của giới chính trị Mỹ về thuyết Domino. Vào thời điểm trước và sau thế chiến thứ hai, khi Hitler bắt đầu đánh chiếm các nước lân bang rồi đến hình ảnh của Stalin mở rộng đế quốc cộng sản ra khắp nơi ở Đông Âu sau thế chiến thư hai, đưa Mỹ vào một chặn đường mới trong việc điều hòa trật tự thế giới và quyền lợi của mình. Do đó vì nhu cầu bảo vệ quyền lợi của mình trước sự bành trướng của các thế lực đỏ chính sách ngoại giao của Mỹ đã thay đổi để tìm cách ngăn chận hữu hiệu sự lấn áp của chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ sau thế chiến thứ II, cho đến khi các nước Chủ nghĩa cộng sản bị sụp đổ vào năm 1990. Một học thuyết mà chính giới áp dụng là " thuyết Domino".

Thật ra Domino là lý thuyết chỉ đạo chính sách ngoại giao Mỹ bắt đầu trong thời chiến tranh lạnh cho rằng một nước bị Cộng Sản chiếm các nước lân bang sẽ bị mất theo. Người đầu tiên dùng chính sách này là Tổng thống Truman từ năm 1947, các tổng thống kế tiếp Eisenhower, Kennedy, Johnson… cũng nhắc tới thuyết Domino để biện minh cho việc can thiệp của họ vào Đông Nam Á nhất là chiến tranh Việt Nam.

Sau thế chiến thứ hai, bắt đầu cho thời chiến tranh lạnh của Mỹ và Nga. Staline con người tàn bạo khét tiếng, y nắm quyền cai quản Liên Xô và Đông Âu, là con người nguy hiểm hơn Hitler vì uy quyền nhiều hơn với một đế quốc cộng sản rộng lớn hơn. Đến năm 1949 Nga có bom nguyên tử, Trung Cộng chiếm được nước Tầu đã làm lệch hẳn cán cân giữa Thế giới tự do và khối CS. Chính giới Mỹ bắt đầu lo sợ hiểm họa CS, năm 1947 Dean Acheson Bộ trưởng ngoại giao của Truman khuyên quốc hội trợ giúp Hy Lạp vì sợ CS chiếm và đã được quốc hội nghe theo. Người ta ví như một quả táo thối có thể làm hư nguyên một thùng, mất Hy Lạp có thể đưa tới mất Iran và các nước Trung Đông và dần dần tới châu Phi qua Ai Cập và Âu châu, Ý, Pháp, ở đây đảng CS đã hoạt động mạnh.

Domino cho Đông Dương

Năm 1954, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã bắt đầu áp dụng học thuyết quan trọng giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đó là “Học thuyết Domino”, ông cho rằng nếu để cho vùng Đông Dương của Pháp thất thủ trước chủ nghĩa Cộng sản sẽ tạo nên một hiệu ứng “Domino” (phản ứng dây chuyền) lên toàn Đông Nam Á. “Học thuyết Domino” này dẫn đạo trong mọi cách nhìn của chính giới Mỹ đối với cuộc chiến Việt Nam trong suốt những năm kế tiếp.

Đầu năm 1954, người Mỹ đã thấy rõ sự thất bại trong tham vọng tái thuộc địa hóa Đông Dương của người Pháp, sau khi họ mất quyền kiểm soát khu vực vào tay Nhật Bản trong Thế chiến II, các cường quốc trên thế giới đã lên kế hoạch họp mặt tại Geneva để bàn bạc một thỏa thuận chính trị về cuộc chiến tại Đông Dương và Việt Nam.

Các quan chức Mỹ đã lo ngại rằng một khi miền bắc dưới sự lãnh đạo của Hồ chí Minh, sẽ mở đường cho một chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Nhằm lôi kéo sự ủng hộ của Quốc hội và công chúng Mỹ tăng mức viện trợ cho quân Pháp, tổng thống Eisenhower đã tiến hành buổi họp báo lịch sử vào ngày 07/04/1954. Ông đã dành phần lớn thời gian của bài diễn văn để diễn giải về tầm quan trọng của Việt Nam đối với nước Mỹ....Cuối cùng, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh về hiệu ứng trong nguyên tắc sụp đổ kiểu Domino”.

Ông giải thích thêm, “khi có một chuỗi các quân bài Domino được xếp sẵn, nếu đánh ngã quân cờ đầu tiên, thì ảnh hưởng tới quân cờ cuối cùng là không thể tránh khỏi, và quá trình này sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng”. Và kết quả của Domino sẽ dẫn đến sự tan rã toàn bộ các nước tự do khác trong vùng Đông Nam Á, “lần lượt là Đông Dương, Miến Điện, Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Indonesia sẽ bị mất”. Tổng Thống Eisenhower còn cho rằng, ngay cả Nhật Bản cũng sẽ bị đe dọa khi quốc gia này cần Đông Nam Á vì mục đích thương mại.

Domino trong cuộc chiến VN

Hoa Kỳ đã gián tiếp can thiệp vào cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Cộng Sản tại Đông Dương từ đầu thập niên 50. Sau khi Trung Cộng đã nuốt trọn nước Tầu năm 1949, và họ bắt đầu viện trợ quân sự ồ ạt cho Việt Minh tại biên giới Việt Hoa. Chính phủ Mỹ vội viện trợ cho Pháp đánh Việt Minh, cho tới 1954 chi phí chiến tranh tại Đông Dương phần lớn do Mỹ gánh chịu (78%.The Pentagon Papers Volum 1, Chapter).

Thập niên 50, 60 thuyết địa lý chính trị cho Việt Nam là cái trục tại Đông Nam Á, nếu Nam Việt Nam bị mất về tay Cộng sản thì các nước tự do khác ở Đông Nam Á như Lào, Miên, Thái Lan… và ngay cả Đại Hàn, Đài Loan, Miến Điện, Ấn Độ cũng sẽ mất về tay Cộng Sản.

Năm 1955 quân Pháp rút về nước, Người Mỹ trợ giúp tích cực chính phủ miền Nam Việt Nam để thành lập tiền đốn chống Cộng tại Đông Nam Á. Theo cách nhìn cuộc chiến VN bằng học thuyết " Domino" nên chính giới Mỹ đã nâng cao tầm ảnh hưởng của mình lên quân bài Domino quan trọng đó là miền Nam VN. Một quân bài chủ động trong việc ngăn chận sức tiến của chủ nghĩa cộng sản. Cũng từ đó, VNCH đã quân bài Domino quan trọng của Mỹ tại vùng Đông Nam Á.

Vào những năm cuối thập niên 50, khi Cộng Sản Hà Nội bắt đầu phát động chiến tranh du kích xâm lược tại đồng bằng miền Nam. Đến đầu thập niên 60 chiến tranh ngày càng mở rộng, nên việc trực tiếp nhúng tay vào miền nam đã làm cho Mỹ phải thanh toán nền đệ nhất cộng hoà, để họ có thể đưa quân can thiệp trực tiếp vào miền nam VN và nắm lấy thế chủ động cũng như đưa ra những quyết định chủ đạo cho QL.VNCH.

Từ năm 1964, sau khi nền đệ nhất Cộng Hoà sụp đổ, lợi dụng tình hình chinh trị miền Nam bất ổn, Cộng Sản đã gia tăng xâm nhập và mở những trận đánh lớn, qui mô hơn khiến cho Việt nam đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ. Ngày 2-8-1964 vụ tầu Maddox bị ba tầu phóng ngư lôi Bắc Việt tấn công, Quốc hội Mỹ ra luật Gulf of Tonkin Resolution với đa số phiếu ủng hộ Tổng thống Johnson trong chiến tranh Việt Nam. Không quân Mỹ được lệnh oanh tạc trả đũa miền Bắc phía trên vĩ tuyến 17, người Mỹ bắt đầu nắm quyền trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Việt Nam.

Lực lượng của những bên vào lúc cao điểm của cuộc chiến:

- Hoa Kỳ 536,100 người
- VNCH: Hơn một triệu quân kể cả chính qui và địa phương quân, lính nhà nghề vào khoảng 200,000 người
- Bắc Việt : Ước lượng khoảng gần 300 ngàn người.
- Mặt Trận Giải Phóng: Trước Mậu thân 1968 có khoảng 80 ngàn, sau trận Mậu Thân 1968 chỉ còn khoảng 20 ngàn người.

Thời kỳ cao điểm của Domino

Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa kỳ vào Việt Nam thực sự bắt đầu từ tháng 8-1964 cho tới ngày ký Hiệp định Paris tháng 3-1973, có hai giai đoạn rõ rệt từ 1964-1968 dưới thời Tổng thống Johnson và từ 1969-1974 dưới nhiệm kỳ cùa Tổng thống Nixon.

Giai đoạn 1964-1968.

Năm 1965 là thời kỳ cao điểm của thuyết Domino chủ trương nếu mất Đông Dương sẽ mất cả Đông Nam Á như trong ván cờ domino.Tình hình miền Nam VN năm 1965 rất nguy kịch, trung bình một tuần mất một quận và một tiểu đoàn. Theo thăm dò của Viện Harris đa số người Mỹ (78%), lưỡng viện Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chính phủ can thiệp vào Đông Dương. Johnson không còn đường nào hơn là đổ quân vào để cứu VNCH. Sau này năm 1969 Tướng Wesmoreland có nói nếu Mỹ không đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965 thì VNCH sẽ mất trong sáu tháng.

Kề hoạch chiến tranh giới hạn của Tổng thống Johnson chỉ cho lùng diệt địch tại miền Nam, không cho đánh vào hậu cần CSBV bên kia biên giới Mên, Lào. phòng thủ mà không tấn công. Johnson cho oanh tạc BV từ 1964 ngày càng leo thang nhưng vẫn hạn chế mục tiêu, mục đích chỉ là để hăm dọa BV để họ phải đàm phán nghiêm chỉnh.

Sau này Tổng thống Nixon chỉ trích sự sai lầm của Johnson trong kế hoạch chiến tranh hạn chế không khuất phục được Bắc Việt từ bỏ âm mưu thôn tính miền Nam, nó chỉ kéo dài chiến tranh khiến cho phong trào chống đối lên cao và tạo thời cơ cho Cộng sản đạt thắng lợi. Số thiệt hại nhân mạng của Mỹ tăng dần, năm 1965 có 1,863 lính Mỹ chết tại miền nam (kể cả những người chết trận cũng như những lý do khác), năm 1966 tăng lên 6,143 người, năm 1967 lên 11,153 người , năm 1968 lên 16,592 người, từ 1965 tới 1968 có tất cả 35,751 người thiệt mạng. Bên cạnh số lính Mỹ tử trận gia tăng, lại được truyền thông Mỹ thổi phồng quá đáng khiến phong trào phản chiến ngày càng quyết liệt hơn.

Sau trận Mậu Thân 1968 phong trào phản chiến trở nên dữ dội, tỷ lệ ủng hộ tụt thang nhanh chóng, người dân cho rằng chính phủ không thể thắng được cuộc chiến này, tỷ lệ chống chiến tranh lên cao đòi chính phủ rút quân về nước bỏ Đông Dương. Người Mỹ đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài không dứt.

Giai đoạn thối lui 1969-1973

Nixon lên nhậm chức Tổng thống đầu năm 1969 khi gió đã đổi chiều, giai đoạn trước từ 1965-1968 Johnson được cử tri, Quốc hội ủng hộ đưa quân ồ ạt vào VN chống CS và giai đoạn sau từ 1969-1973, Nixon phải đem quân về nước, phục hồi hòa bình như đã hứa khi tranh cử.

Nixon gặp khó khăn vô cùng, không được nhiều thuận lợi như thời Johnson, ông đã lãnh đủ, thừa hưởng gia tài đổ nát do cặp Johnson-McNamara để lại. Nixon và Ngoại trưởng Kissinger dùng hết các nổ lực của mình để đạt cho được việc rút quân Mỹ về nước bằng mọi giá.

Ngày 18-3-1970 Thủ tướng Lon Nol lật đổ vua Sihanouk và cho tấn công các lực lượng CS tại Miên, địch phản công dữ dội, tình hình quân sự tại đây rất đen tối. VNCH được Hoa Kỳ yểm trợ đã mở cuộc hành quân sang Miên ngày 13-4-1970 để phá hủy các căn cứ hậu cần an toàn của BV nơi xuất phát những cuộc tấn công VNCH.

Cuộc hành quân sang Kampuchia từ 29-4-1970 tới 22 -7-1970 đã đánh bại và ruồng bố được khoảng 40,000 quân CS, giết trên 10 ngàn cán binh, tịch thu được 22,890 vũ khí cá nhân, 2,500 vũ khí cộng đồng, phá hủy nhiều cơ sở quân sự, làm suy yếu áp lực địch tại miền Nam VN.

Mục đích cuộc hành quân để đánh vào hậu cần CSBV ngõ hầu Hoa Kỳ có thể rút quân về nước thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Cuộc hành quân bị chống đối dữ dội, tính tới cuối tháng 5, khoảng 57% các đại học xá Mỹ tham gia biểu tình chống chiến tranh VN. Bạo động, đốt nhà, quân đội sô sát với sinh viên dữ dội.

Tháng 1-1971 Nixon ban lệnh hành quân cắt đường mòn Hồ Chí Minh, vì bị Quốc hội ngăn cản không cho chính phủ đưa quân Mỹ sang Lào, Nixon giúp Quân đội VNCH mở cuộc hành quân. Mỹ giúp chuyên chở và yểm trợ phi pháo, quân đội VNCH tiến sâu khoảng 20 dặm vào đất Lào theo đường số 9 để chiếm tỉnh Tchépon, nơi tập trung các tuyến đường xâm nhập của CSBV, kế tiếp tiến sâu hơn vào vùng xung quanh để phá hủy các cơ sở CS.

Cuộc hành quân lấy tên Lam Sơn bắt đầu ngày 8-2-1971, Quân đội miền Nam chiến đấu anh dũng và hữu hiệu. Lực lượng gồm Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn Dù, Liên đoàn 1 Biệt động quân và Lữ đoàn 1 Kỵ binh, Sư đoàn TQLC là lực lượng trừ bị, quân số lúc nhiều nhất là 17,000 người. BV phản công mạnh hơn ta tưởng rất nhiều.

Cuộc hành quân Lam Sơn chỉ thành công trong giai đoạn đầu, phá hủy được 405 xe vận tải, 106 chiến xa và nhiều kho quân trang, quân dụng, tiếp liệu, VNCH chiếm được Tchépon nhưng không giữ được lâu dài, phải tháo lui khi bị BV đưa lực lượng đông đảo tấn công. Nhìn chung hai bên đều bị thiệt hại nặng. Phía Mỹ có hơn 200 người chết và mất tích, VNCH hơn 2000 người chết và mất tích, BV khoảng hơn 10,000 người bị giết.

Ngày 30-3-1972, BV đem 10 sư đoàn chính qui cùng với xe tăng đại bác tấn công đại qui mô miền Nam. Họ tập trung ba Sư đoàn bộ binh, 200 xe tăng T-54, nhiều đại bác 130 ly vượt qua khu phi quân sự, nhiều đơn vị khác theo đường số 9 Hạ Lào hướng về Huế, hai Sư đoàn tiến về Kontum, ba Sư đoàn từ Miên tiến đánh Bình Long.

CSBV tiến nhanh và chiếm ưu thế ngay, Quảng trị mất cuối tháng tư 1972, An Lộc bị bao vây ngày 13-4, ngày 23-4 Kontum bị tấn công. Dân chúng chạy loạn bị Cộng quân pháo kích chết la liệt trên quốc lộ 1. TT Nixon cho oanh tạc phía trên vĩ tuyến 17 và tập trung hải lục không quân yểm trợ VNCH.

Ngày 8-5-1972 Nixon lên truyền hình, sau khi đã thông báo về cuộc tấn công xâm lược của BV, Hoa Kỳ muốn đàm phán nhưng BV không nghiêm chỉnh, ông sẽ ngăn chận cuộc tấn công xâm lăng của địch. Khi ấy phong trào phản chiến và truyền thông chống đối Nixon dữ dội, một tờ báo cho đây là canh bạc tuyệt vọng.

VNCH thắng thế CSBV tháng 5 -1972, BV đánh qui ước, lộ mục tiêu làm mồi cho B-52 và không quân VNCH. Nixon khẳng định muốn xử dụng vũ lực và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của nó, ông đã dùng hỏa lực vũ bão đánh BV và đạt kết quả mỹ mãn. Nixon trưng dụng tối đa các chiến hạm của Đệ Thất hạm đội, hơn 400 pháo đài bay B-52 và khu trục cơ F-4 để oanh kích cả hai chiến trường Nam Bắc

Trong tháng 11-1972 Hải quân Mỹ đã pháo 16,000 tấn đạn xuống phía dưới khu phi quân sự và ném 155,000 tấn bom xuống miền Bắc, vì CSBV dàn quân đánh qui ước nên Mỹ đã xử dụng tối đa ưu thế của không quân để đè bẹp họ. Cảng Hải phòng một năm tiếp nhận 2.1 triệu tấn hàng gồm 85% quân dụng, vũ khí và 100% dầu, nhiên liệu, khi bị Hoa kỳ phong tỏa thì không một chiếc tầu nào ra vào hải cảng được, cuộc tấn công của địch bị khựng lại.

Tháng 6-1972, QLVNCH bắt đầu phản công, tại An Lộc các đơn vị trú phòng sau hơn hai tháng bị Cộng quân bao vây pháo kích tàn bạo, nay được sự yểm trợ của không quân Mỹ, họ bắt đầu phản công, sau hai tuần đã giải tỏa thị xã. Tháng 8 -1972 chiếm lại tỉnh Bình Long, cuối tháng 6-1972 VNCH tấn công mặt trận phía bắc, hơn hai tháng sau ba Sư đoàn VNCH đã đẩy 6 Sư đoàn BV ra khỏi Quảng Trị. Quân đội CSBV bị đánh tan nát, 75% xe tăng bị bắn cháy, cán binh CS tử thương khoảng từ 70 ngàn tới 100 ngàn người.

Thất bại trong cuộc tổng công kích , BV phải ngồi lại vào bàn hội nghị. Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973 tại khách sạn Majestic. Sau Hiệp Ðịnh Ba Lê 27 tháng giêng 1973, Mỹ rút gần hết quân số chỉ còn lại một số rất ít tùy viên, cố vấn quân sự.

Chấm dứt Domino tại VN

Không những Hoa Kỳ rút quân mà còn cắt giảm quân phí cho cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam, quân phí giảm rõ rệt nhất là từ sau 1969:

- Năm 1965 người Mỹ chi tiêu 646 triệu,
- năm 1966 tăng 5 tỷ 8,
- năm 1967 tăng 20 tỷ,
- năm 1968 tăng 26 tỷ,
- năm 1969 tăng 29 tỷ
- năm 1971, 1972 tụt xuống còn 12 tỷ.

Trận mùa Hè đỏ lửa 1972 là trận đánh lớn khốc liệt nhất kể từ sau 1965, BV đưa vào Quảng Trị khoảng 5, hoặc 6 sư đoàn, tai Kontum 2 sư đoàn, tại Bình Long An Lộc 3 sư đoàn tổng cộng 10 sư đoàn với xe tăng đại bác phòng không, hỏa lực rất mạnh. Hoa Kỳ đã yểm trợ VNCH tối đa để lấy ưu thế tại bàn hội nghị Paris, tổng cộng có150 máy bay B-52 tham chiến tại cả ba mặt trận và 20 tầu chiến gồm các khu trục hạm, tuần dương hạm để yểm trợ hải pháo tại chiến trường Quảng Trị.

Tháng Ba 1972 có tất cả 4,237 phi xuất của Không Quân tại Nam VN, trong Tháng Năm đã tăng lên 18,444 phi xuất do khoảng 700 chiến đấu cơ và 150 pháo đài bay B-52. Ngoài ra Mỹ còn yểm trợ vận chuyển bằng trực thăng và máy bay C-130, sau này theo tiết lộ của Đại Tướng Cao Văn Viên nếu không có yểm trợ của Không Quân và Hải Quân Mỹ VNCH có thể mất những tỉnh kể trên không hy vọng chiếm lại được. Mỹ muốn VNCH phải thắng để lấy ưu thế cho Mỹ tại bàn hội nghị để ký Hiệp Ðịnh Paris ngày 27 Tháng Giêng 1973. Ông Thiệu bị áp lực từ Nixon và Kissinger nặng nề trong việc ký và hiệp định Paris, để khai tử VNCH.

Mỹ lần lượt cắt giảm quân viện tối đa: năm 1973 hai tỷ mốt (2,1 tỷ), năm 1974 còn 1,4 tỷ, năm 1975 còn 700 triệu, đồng thời ra luật (tháng 8-1973) cắt mọi khoản ngân sách cho tất cả hoạt động quân sự tại Đông Dương. Người Mỹ quá chán chiến tranh Đông dương khiến chính phủ phải rút quân bỏ miền Nam VN, quốc hội Dân chủ cắt quân viện bỏ rơi VNCH.

Tháng 3-1975 BV được CS quốc tế viện trợ quân sự dồi dào dốc toàn lực tấn công miền Nam VN, toàn bộ lực lượng khoảng 20 sư đoàn. Phần vì thiếu thốn tiếp liệu, đạn dược chỉ còn đủ xài trong một vài tháng, phần vì Tổng thống Thiệu sai lầm cho rút bỏ Cao nguyên khiến miền Nam sụp đổ nhanh chóng vào ngày 30-4-1975.

Tổn thất các bên:

- Hoa kỳ 58,193 người
- VNCH: khoảng 200,000 người.
- BV khoảng 1 triệu cán binh và
- Mặt Trận Giải Phóng khoảng 100,000 người.
- Thường dân chết trong cuộc chiến được ước lượng khoảng 300,000 người, (các tài liệu không thống nhất).

Phí tổn trực tiếp (direct cost) của Hoa Kỳ được ước lượng vào khoảng 160 hay 150 tỷ đô la đồng tiền năm 1975 hay trong khoảng từ 666 tỷ đô la tới 900 tỷ đô la năm 2008 vì đồng tiền mất giá khoảng 6 lần. Phí tổn toàn bộ (final cost) khoảng 350 tỷ. Phí tổn toàn bộ chiến tranh Việt Nam các tài liệu không hoàn toàn thống nhất nhưng nói chung vào khoảng gần 300 tỷ. Tính tương đương với giá tiền ngày nay vào khoảng từ 1,000 tỷ tới 2,000 tỷ.

Đoạn kết về thuyết Domino

Người Mỹ ký Hiệp Ðịnh Ba Lê với mục đích rút ra khỏi vũng lầy VN đồng thời trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miền Nam không được chú trọng đến.” Một chuyên viên về du kích chiến, Sir R. Thompson, khi thảo luận về việc ký kết hiệp định Ba Lê đã viết, “Sự sống còn của miền Nam VN bị đe dọa chỉ vì để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát. Một điều trái ngược ở đây là miền Bắc VN bị bắt buộc phải ngồi vào bàn hội nghị tại Ba Lê không phải để tự cứu họ mà là để cứu nước Mỹ.” Vì lý do vừa kể nên mặc dù có quá nhiều khuyết điểm, Hiệp Ðịnh Ba Lê vẫn phải được phê chuẩn với bất cứ giá nào.” (Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, trang 811)

Sau Hiệp Ðịnh Paris hơn nửa triệu quân Ðồng Minh đã rút đi, quân đội VNCH một mình phải gánh vác toàn bộ chiến trường với nhiều khó khăn thiếu thốn. Tháng Sáu 1973 Quốc Hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Ðông Dương Việt-Miên-Lào, được áp dụng từ giữa Tháng Tám 1973 cấm hoạt động quân sự trên toàn cõi Ðông Dương. Tháng Mười 1973 Quốc Hội Mỹ ra đạo luật hạn chế quyền tổng thống về chiến tranh (Wars Powers Act), đòi hỏi tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến. Cuối 1972 Hoa Kỳ rút hết quân sau Hiệp định Ba Lê, năm 1973 viện trợ quân sự cho VNCH xuống còn 2 tỷ 1, năm 1974 chỉ còn 1 tỷ 4, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó kể cả ngân khoản để trả lương cho nhân viên DAO Hoa Kỳ. So với 29 tỷ năm 1969 quân phí cho chiến tranh VN chỉ còn 2%.


Theo Đại tướng Cao Văn Viên (Những Ngày Cuối Của VNCH trang 86, 87, 92), hậu quả của cắt giảm quân viện khiến cho Không Quân VNCH phải giải tán hơn 200 phi cơ chiến đấu, oanh tạc, vận tải thám thính, giảm giờ bay thực tập và yểm trợ, yểm trợ giảm 50%, vận chuyển trực thăng giảm 70%, không vận bằng vận tải cơ bị cắt giảm 50%. Hoạt động Hải Quân bị cắt giảm 50%, hoạt động từ Tháng Bảy 1974 ở sông ngòi giảm 70%, giải tán 600 giang thuyền. Từ Tháng Bảy 1974 quân đội chỉ sử dụng khoảng 19 ngàn tấn đạn một tháng so với 73 ngàn tấn một tháng thời gian trước đó, hỏa lực giảm 60%. Vào Tháng Hai 1975, số lượng đạn tồn kho của tất cả các loại súng trường, phóng lựu, súng cối, đại bác, lựu đạn tuột xuống con số nguy hiểm, chỉ còn đủ sử dụng từ 25 đến 31 ngày. Tháng Tư 1975, đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột dốc xuống mức thấp nhất chỉ đủ xài từ 14 đến 20 ngày. Kể từ sau Hiệp Ðịnh Paris VNCH không còn trông cậy vào yểm trợ của B-52 nữa.

Kissinger nói Mỹ quá lý tưởng để đặt chính sách của mình trên quyền lợi quốc gia, ông đã tô vẽ cho sự can thiệp của Mỹ vào VNCH một cách gượng gạo, thuyết Domino đã một thời thúc đẩy Hiệp chúng quốc từ người dân đến lập pháp, hành pháp vào con đường bảo vệ quyền lợi cho chính đất nước của họ chứ chẳng phải vì một lý tưởng nào.

Nếu Mỹ vào VN vì lý tưởng dân chủ hóa, bảo vệ tự do độc lập cho VN thì tại sao họ đã không được các đồng minh Anh, Pháp ủng hộ và yểm trợ? Các đồng minh này biết rõ Mỹ chỉ vì quyền lợi riêng của mình. Nếu vì lý tưởng dân chủ thì tại sao Hoa Kỳ không đem quân vào các nước độc tài CS như Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Miến Điện… để biến các nước ấy thành một nước dân chủ tự do mà phải dân chủ hóa miền Nam VN?

Mỹ một đồng minh thiếu nhẫn nại trong một cuộc chiến tranh dài hạn, tại một quốc gia xa xôi, là nguyên nhân duy nhất đưa đến sự tàn lụi của VNCH. Cố gắng của chúng ta để cứu Miền Nam VN khỏi tay CS đã biến thành một sứ mạng mông lung kéo dài cho đến khi cử tri Mỹ quá mệt mỏi, chán nản và bắt đầu đi tìm một lý do để quên đi.

Lý do trong trường hợp này là kết luận rằng Miền Nam VN không đáng được cứu vớt”. Hậu quả của học thuyết Domino là VNCH biến mất trên bản đồ thế giới, trong khi đó Lào Kampuchia và các nước khác vẩn tồn tại, chỉ có quân bài chủ của Domino là thiệt hại nặng nề.


Nguồn: Vị Mặn Quê Hương

Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét