Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐẢNG SCVN ĐANG TRÊN ĐƯỜNG SỤP ĐỔ

Nguyễn Vũ Bình
17-11-12016

trích "Khi chế độ sụp đổ, chúng ta cần làm gì và làm như thế nào?"

Bài 1: Tại sao nói chế độ sẽ sụp đổ trong tương lai gần?  


Trong thời gian một vài năm trở lại đây, những nhận định về sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Việt Nam càng lúc càng nhận được sự tán đồng nhiều hơn.

Một trong số các nguyên nhân dẫn tới sự tán đồng của nhiều người là số nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp và nhà nước đang được tiết lộ theo hướng ngày càng cao hơn. Ban đầu, số nợ công đưa ra chỉ là hơn 30% của GDP, sau tăng dần lên 65%, và đến hiện nay là trên 100% GDP. Nhưng đó chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng về số nợ của Việt Nam.

Theo quan điểm của người viết bài này, và cũng đã thể hiện ở một số bài viết khác, số nợ công của Việt Nam, tính cho tất cả các chủ thể, doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương, chính phủ... tối thiểu là 200% GDP và ngày càng tăng cao hơn. Điều đó có nghĩa là Việt Nam hiện nay nợ từ 300 - 350 tỷ $ và mỗi ngày con số nợ tăng cao hơn, vì nợ chồng nợ, đi vay nợ mới trả nợ cũ.
     
Phân tích về cấu trúc của các chế độ cộng sản, và cách thức xây dựng cấu trúc ấy (mời đọc bài: Phác họa lại chân dung một chế độ, http://www.rfavietnam.com/node/2753), chúng ta thấy rằng, về mặt lý thuyết, chế độ cộng sản sẽ sụp đổ bởi sức nặng của chính nó. Một chế độ, để thiết lập và duy trì sự thống trị người dân, đã tạo ra một bộ máy khổng lồ, trong khi nền kinh tế không được thiết kế để tạo ra của cải vật chất. Trên thực tế, Liên Xô và các nước Đông Âu, ngoại trừ Ba Lan, đã sụp đổ từ chính nguyên nhân kinh tế, tất nhiên có sự tương tác với các nguyên nhân xã hội, chính trị. Ở Việt Nam, tuy có chuyển đổi về kinh tế, xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa nhưng vẫn đi ngược lại các nguyên lý, cơ chế và cấu trúc của kinh tế thị trường, dẫn tới việc nền kinh tế vẫn không tạo ra của cải vật chất mà chỉ là sự gia tăng đầu ra do sự gia tăng đầu vào của quá trình sản xuất. Trong quá trình này, nhà cầm quyền Việt Nam đã kịp phá hủy hoàn toàn môi trường sống của đất nước, đem về số nợ khổng lồ, và cùng với nó là sự kết thúc của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, với các yếu tố gần như hiển nhiên, là chế độ không thể duy trì được sự tồn tại, nhưng chế độ này vẫn đứng sừng sững như hiện nay làm nhiều người hoang mang và không hiểu nổi tại sao chế độ có thể vẫn đang tồn tại như vậy? Các yếu tố sau đây hầu như không một chế độ dân chủ nào có thể duy trì và tồn tại.
    
- Nợ công gấp đôi GDP như đã nói ở trên, và việc trả lãi cho số nợ này cũng không được bảo đảm, chưa nói trả nợ gốc. Nhà cầm quyền Việt Nam xử lý bằng cách vay tiếp các nguồn khác để trả cho các khoản vay đáo hạn, và nợ sẽ chồng lên nợ.

- Nền kinh tế hầu như phá sản, ở tất cả các lĩnh vực đều trong tình trạng vật lộn để duy trì sự tồn tại. Có những ngành nghề được ưu tiên, ưu đãi mà hiện nay con số nợ được đưa ra lên tới mức kinh hoàng, ví dụ ngành điện lực là 475.357 tỷ đồng, tương đương 21,3 tỷ đô la (báo tuổi trẻ). Trong khi đó, số người bám vào hệ thống ngân sách, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và bảo hiểm xã hội lên tới 30 - 35 triệu người (tính từ người hưởng trợ cấp 200.000 đồng tới lương tổng bí thư).
    
- Tham nhũng, lãng phí, chi cho yêu cầu chính trị tràn lan ở khắp mọi tỉnh thành trong cả nước.
     
Vậy nhà cầm quyền Việt Nam đã duy trì sự tồn tại bằng cách nào, dựa vào các nguồn nào? Và xu hướng của việc này là như thế nào?
     
+ Nguồn tài nguyên, nguồn thuế thông thường và nguồn thuế phi lý, áp đặt. Chúng ta biết rằng, dù khai thác bừa bãi, nguồn tài nguyên về dầu khí và các nguồn tài nguyên khác vẫn còn và đang được khai thác tối đa. Nguồn thuế thông thường như thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...cũng là một nguồn thu lớn. Nhưng nguồn thuế phí vô lý áp đặt mới là nguồn thu lớn hơn, ví dụ thuế nhập khẩu và lưu hành xe ô tô là 300%; thuế xăng dầu trên 50%...
     
+ Việc phát hành tiền vượt quá khả năng sản xuất của một nền kinh tế. Đây là việc làm thường xuyên của nhà cầm quyền Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay luôn thực hiện phát hành tiền theo yêu cầu chính trị. Lượng tiền in ra, có thể lớn gấp nhiều lần năng lực sản xuất của nền kinh tế, nhưng mỗi năm lạm phát chỉ ở mức 20-30%, và tỷ giá không tăng quá cao vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn hàng chất lượng kém, giá cả thấp nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 50-60 tỷ $ mỗi năm. Lượng đô la từ đầu tư nước ngoài, viện trợ và kiều hối cũng trung hòa được số tiền in ra ở mức không làm tăng đột biết tỷ giá cánh kéo giữa đô la và tiền đồng Việt Nam.
     
+ Đối với những khoản nợ đáo hạn, nhà cầm quyền Việt Nam phải vay từ nguồn này trả cho nguồn khác, làm cho nợ chồng lên nợ, chỉ hoàn toàn giải quyết được các khoản nợ trước mắt, dồn nợ cho tương lai mà hoàn toàn không nghĩ đến giải pháp để giải quyết thực sự các khoản nợ. Đây là yếu tố tiềm ẩn rủi ro cao cho chế độ cộng sản Việt Nam.
     
+ Sự luân chuyển các nguồn lực. Trong các xã hội dân chủ, các chủ thể của nhà nước thường độc lập và không bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Ở các nước này, chính phủ không được phép luân chuyển các nguồn lực, từ chủ thể này sang chủ thể khác. Nhưng đối với các nước cộng sản, đối với nhà cầm quyền Việt Nam, thì việc luân chuyển các nguồn lực là hoàn toàn bình thường. Chúng ta được thông tin về việc chính phủ Việt Nam đã sử dụng nguồn tiền 20.000 tỷ đồng của Bảo hiểm Xã hội cách đây 20 năm, mà chưa có sự hoàn trả lại cho ngành Bảo hiểm. Với khả năng luân chuyển các nguồn lực như vậy, nhà cầm quyền có thể tận dụng tối đa để kéo dài, duy trì sự tồn tại của hệ thống, bộ máy của chế độ như hiện nay.
     
Trên đây là những lý do giúp cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện vẫn đang duy trì được sự tồn tại. Nhưng nhìn vào các lý do đó, chúng ta cũng thấy ngay được xu hướng khốn cùng của chế độ sẽ tới, bởi vì: đối với các nguồn vay, khi các chủ nợ hiểu được thực chất nền kinh tế Việt Nam, việc sử dụng các nguồn vốn vay không nhằm mục đích sản xuất mà chỉ để trả nợ, đảo nợ thì các nguồn vốn vay này sẽ bị thu hẹp và khép lại. Đối với việc luân chuyển các nguồn lực, luân chuyển mãi rồi cũng phải hết, các khoản dự trữ cũng sẽ cạn kiệt. Nguồn tài nguyên hiện hữu, vật chất cũng sẽ cạn kiệt dần theo thời gian. Đối với các khoản thuế phí vô lý, người dân có nhận thức, hiểu biết sẽ không còn dễ dàng chấp nhận như trước đây, các hiệp định về thuế quan và thương mại tự do cũng sẽ tác động làm hạn chế và giảm bớt các khoản thu vô lý này.
     
Như vậy, theo thời gian, với mức nợ và sự tàn phá, tham nhũng khủng khiếp như hiện nay, các nguồn lực sẽ dần cạn kiệt đến mức không thể duy trì nổi bộ máy khổng lồ. Cùng với những vấn đề xã hội phát sinh, và mâu thuẫn trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, khả năng sụp đổ của chế độ trong tương lai gần là hoàn toàn hiện hữu./.



Bài 2:
 Những kịch bản thay đổi - sụp đổ có thể xảy ra


Khi chế độ cộng sản Việt Nam đi tới thời điểm cận kề sự sụp đổ, trong tiềm thức và mong muốn của nhiều người, muốn có sự thay đổi trong nhận thức và trật tự, tránh sự xáo trộn và hỗn loạn. Đây là điều tự nhiên của người dân, khi đã trải qua rất nhiều những biến cố, những đảo lộn gần một thế kỷ qua. 

Kịch bản thay đổi mà nhiều người mong muốn, đó là đảng cộng sản tự nhận thức được nguy cơ sụp đổ của chế độ, chấp nhận sự thay đổi về chính trị, mở đường cho sự xuất hiện của đảng phái khác, và cùng nhau bắt tay vào xây dựng một thể chế dân chủ, trao trả quyền lực về cho nhân dân. 

Nhưng hầu như ai cũng biết, đây là kịch bản không tưởng, không thể xảy ra bởi sự vận hành của một hệ thống và theo quán tính, không ai có thể làm gì và đảo ngược được tình thế. Tuy vậy, vẫn còn một hi vọng về một sự thay đổi có chủ ý, xuất phát từ nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Đó là sự phất cờ trong nội bộ mà chúng ta đã từng hi vọng như trước đại hội XII của đảng cộng sản. Đây là kịch bản vẫn còn hi vọng nhưng đã giảm bớt nhiều sau hi vọng có đột biến từ đại hội XII. 

Đối với những người làm chính trị lớn, với những người có nhãn quan chính trị và chấp nhận rủi ro, mạo hiểm thì thời điểm trước đại hội XII và thời điểm hiện nay là thời cơ vàng để phất cờ, để tạo đột biến và dấu ấn trong lịch sử. Nhưng hi vọng về một sự phất cờ trong nội bộ đảng cộng sản rất mong manh và khó xảy ra vì hai lý do. 

Thứ nhất, những người ở vị trí có thể phất cờ hiệu quả đều có một hệ thống lợi ích được tích lũy và tạo ra trong nhiều năm, và người ta rất khó để dám đặt cược vào một tình thế hiểm nghèo. 

Thứ hai, quan trọng hơn, hệ thống quan trường của cộng sản, không có chỗ cho những người có cá tính lớn, cho những người có bản lĩnh dọc ngang thiên hạ. Phần lớn lên đến các chức vụ trung ương và bộ chính trị đều là dạng luồn cúi, thượng đội hạ đạp và quan trọng nhất, họ chưa bao giờ có khái niệm hi sinh vì một cái gì đó. Trong khi đó, việc phất cờ chủ yếu được thúc đẩy bằng động cơ lớn, trong sáng và chấp nhận sự hi sinh. Nhưng chúng ta cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng thực tế của kịch bản này, bởi quy luật vật cùng tắc phản trong cuộc sống.

Có một kịch bản được một số người đưa ra trao đổi về sự thay đổi của chế độ, đó là việc một cá nhân hoặc một nhóm, có thể lợi dụng tình thế để chuyển sang hình thái độc tài cá nhân hoặc độc tài nhóm. Cá nhân tôi không chia sẻ, và không nghĩ rằng việc này có thể xảy ra.

Lý do là, việc lợi dụng tình thế, để xáo trộn nội bộ, đảo chính trong nội bộ, để thu quyền lực về một mối, một nhóm có thể xảy ra, có thể làm được. Nhưng để duy trì một hình thái độc tài cá nhân, hoặc nhóm trong bối cảnh bộ máy khổng lồ đang tồn tại, cộng với nền kinh tế phá sản, nát bét và số nợ lên đến gấp đôi GDP là điều không tưởng.

Nếu như có một sự phất cờ, với mục đích trong sáng, mục tiêu vì tự do của nhân dân thì vấn đề lại khác. Các chính phủ dân chủ và các định chế tài chính quốc tế, thậm chí người dân trong nước, có thể ủng hộ và giúp đỡ vô tư, khách quan và hoàn toàn có thể bảo đảm duy trì, tồn tại những cơ quan, bộ máy cần thiết cũng như hoạt động bình thường của nền kinh tế. Nhưng nếu là độc tài cá nhân, độc tài nhóm thì không bao giờ có thể thu hút nổi những nguồn lực nói trên. Chính vì vậy, khả năng xảy ra kịch bản chuyển đổi sang hình thái độc tài cá nhân, hoặc độc tài nhóm là rất khó xảy ra.
     
Như vậy, kịch bản về sự thay đổi là có thể có nhưng vô cùng mong manh và ít hi vọng. Cá nhân người viết bài này nhận định, sự sụp đổ và sụp đổ toàn diện có nhiều khả năng xảy ra nhất. Sự kéo dài cơn hấp hối, giãy chết này có thể thách thức sức chịu đựng của người dân và giới đấu tranh dân chủ nhưng cũng có khía cạnh tích cực. Đó là khi nhà cầm quyền Việt Nam có thể luân chuyển, huy động các nguồn lực để duy trì, kéo dài sự tồn tại của chế độ, thì sự cạn kiệt nguồn lực sẽ xảy ra ở tất cả mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi bộ phận của cơ thể cộng sản. Vậy là khi chế độ sụp đổ, tất cả đều vỡ vụn và sụp đổ theo, và cả đất nước trở thành bình địa, bằng phẳng. Điều này rất thuận lợi cho việc xây dựng một ngôi nhà mới, một thể chế mới tự do và dân chủ.
     
Sự sụp đổ và sụp đổ toàn diện của chế độ như đã phân tích, gốc rễ là sự cạn kiệt nguồn lực, sụp đổ về kinh tế. Nhưng diễn biến, nguyên cớ hay giọt nước tràn ly sẽ xảy ra ở đâu, lĩnh vực nào và như thế nào là điều khó ai có thể biết được. Về đại thể, có thể có ba tình huống có tính chất ngòi nổ cho sự sụp đổ của chế độ. Ba tình huống đó tương ứng với ba lĩnh vực quan trọng của đời sống người dân.
    
- Sự sụp đổ về kinh tế, có thể bắt nguồn từ sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, hoặc một cuộc lạm phát bất ngờ nào đó. Chúng ta đã biết, hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay chỉ còn vốn lưu động để duy trì hoạt động cầm chừng và tồn tại. Nếu có một thông tin, hoặc một tác động tâm lý nào đó, đẩy người dân đồng loạt tới rút tiền ngân hàng cùng một thời điểm, thì sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể xảy ra. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng ngay lập tức kéo theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và toàn bộ nền kinh tế. Mặt khác, lạm phát thường trực của Việt Nam hiện nay ở mức cao, mỗi năm tối thiểu từ 20-30%. Nguyên nhân là do nhà cầm quyền luôn in tiền vượt quá năng lực của nền sản xuất. Nếu trong một tình huống nào đó, họ cần tiền và đột ngột đẩy nguồn tiền in ra gấp nhiều lần lượng tiền in hiện tại, sẽ xảy ra siêu lạm phát. Mà siêu lạm phát thì thiêu đốt một chế độ nhanh nhất có thể, lịch sử đã nhiều lần chứng minh.
     
- Động loạn xã hội xảy ra, khi nhà cầm quyền có thể đàn áp quá tay, không kiểm soát được tình hình, lại đúng vào thời điểm và lĩnh vực nhạy cảm. Người dân có thể vùng lên bất cứ lúc nào trong bối cảnh dồn nén cùng cực như hiện nay. Chúng ta không biết điều này có xảy ra hay không, nhưng chúng ta hiểu rõ, các vấn đề xã hội đang chồng chất như những thùng thuốc súng, sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào khi có một mồi lửa đủ mạnh. Những vấn đề khủng hoảng ô nhiễm môi trường, dân oan, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...hiện đang là những thùng thuốc nổ cực mạnh, chỉ chờ dịp là bộc phát. Mạng lưới Internet và mạng xã hội luôn là nguồn dẫn và xung động cực lớn cho những đám cháy tưởng như nhỏ bé và đơn giản.
     
- Mâu thuẫn, sát phạt trong nội bộ cấp cao của đảng cộng sản Việt Nam. Vài năm trở lại đây, vấn đề xung đột quyền lực, lợi ích nhóm đã bị rò rỉ ra bên ngoài và ai cũng thấy vấn đề này lại trở thành một quả bom nổ chậm tiềm ẩn. Khi nguồn lực chung cạn kiệt, đương nhiên chiếc bánh lợi ích sẽ bị co lại, nhưng số người và nhóm lợi ích không hề giảm đi, chính vì vậy sự xung đột và mâu thuẫn bị đẩy lên mức cao là điều dễ hiểu. Ngoài ra, việc thuần phục Trung Quốc chưa bao giờ đạt tới sự thống nhất tuyệt đối, vẫn có những người còn chút lương tâm và liêm sỉ, và đó cũng là một ngòi nổ vô hình. Việc tham quyền cố vị, hoặc phe cánh dựa vào ảnh hưởng bên ngoài càng làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn tiềm ẩn chỉ chờ cơ hội là bộc phát. Và thường là giai đoạn cuối của sự tồn tại, các mâu thuẫn tích tụ đủ lớn cho một sự bùng phát bất ngờ.
     
Chúng ta không biết được, trong ba lĩnh vực nêu trên, đâu sẽ là ngòi nổ, giọt nước tràn ly cho sự sụp đổ và sụp đổ toàn diện của chế độ. Nhưng chúng ta biết chắc chắn, đó là điều sẽ tới trong tương lai gần./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét