Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ BẢY 10/6/2017

10-6-2017

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh
(15/10/1930 - 9/6/2017)

Tin Thế Giới

1.
Sau khi gieo hoài nghi, Trump cam kết ủng hộ Điều 5 hiến chương NATO

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng ông hậu thuẫn một đòi hỏi của hiến chương NATO rằng tất cả các thành viên của liên minh quân sự này phải sẵn sàng phòng vệ lẫn nhau, vài tuần sau khi khiến các nước đồng minh khó chịu vì không nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận này.

Tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Romania Klaus Iohannis, ông Trump nói ông ủng hộ Điều 5 của hiến chương NATO, yêu cầu mỗi thành viên của liên minh phải bảo vệ nhau nếu họ bị tấn công.

Trong chuyến thăm trụ sở NATO hồi tháng trước tại Brussels, ông Trump đã cố tình không nhắc đến sự hỗ trợ của Mỹ đối với một phần hệ trọng của hiến chương NATO. Ông sử dụng bài diễn văn của mình ở đó để đòi các nước thành viên phải chi trả nhiều hơn cho sự phòng thủ của liên minh.

Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng sau đó nói rằng Mỹ ủng hộ Điều 5 đơn giản là qua việc đồng ý với những điều khoản của hiến chương.

Nhưng vì không tự mình nhắc tới điều này, ông Trump đã gieo hoài nghi nơi các đồng minh và tranh cãi theo sau đã khiến Phó Tổng thống Mike Pence sau đó phải thể hiện một cách rõ ràng sự ủng hộ của Mỹ đối với hiến chương

Các trợ lý cao cấp của ông Trump đã cố gắng đưa tuyên bố ủng hộ Điều 5 vào bài diễn văn ở NATO của Tổng thống nhưng bị Tổng thống loại ra, một quan chức cao cấp của chính quyền cho biết.

"Tôi cam kết Hoa Kỳ với Điều 5 và chắc chắn chúng tôi sẽ hiện diện để phòng vệ và đó là một trong những lý do tôi muốn mọi người bảo đảm rằng chúng ta có một lực lượng rất hùng mạnh bằng cách chi trả khoản tiền cần thiết để có được lực lượng đó," ông Trump nói.

"Nhưng có, tôi hoàn toàn cam kết với Điều 5," ông nói. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc ‘theo dõi’ quân đội Mỹ ở Biển Đông --- Lực lượng Mỹ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Philippines

Trung Quốc hôm 9/6 cho biết đã theo dõi các hoạt động của quân đội của Hoa Kỳ ở Biển Đông, sau khi hai chiếc máy bay ném bom của Mỹ tiến hành các chuyến bay huấn luyện trên vùng biển tranh chấp này.

Theo Reuters, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thông báo trên trang web của mình rằng hai chiếc B-1B Lancer của không quân nước này đã tham gia các chuyến bay huấn luyện kéo dài 10 giờ đồng hồ từ Guam và bay qua Biển Đông hôm 8/6, và đợt luyện tập này có sự tham gia của tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Sterett của hải quân Mỹ.

Cuối tháng trước, một tàu chiến Hoa Kỳ tiến gần vào đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, trong các hoạt động “tuần tra tự do hàng hải” mà quan chức Mỹ nói là để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng nước này không được phép tuyên bố chủ quyền tại các vùng lãnh hải ở đó.

​Cuộc diễn tập mới nhất này là một phần của chương trình tiếp tục tăng cường sự hiện diện của các máy bay chiến đấu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng lực lượng này không cho biết chi tiết về nơi tiến hành, cũng như không không gọi đó là hoạt động “tuần tra tự do hàng hải”. 

Hoa Kỳ đã chỉ trích việc xây dựng đảo và các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, và bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để giới hạn tự do hàng hải cũng như mở rộng phạm vi hoạt động chiến lược của mình, theo Reuters.

Các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực ngày càng trở nên lo ngại vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ngưng thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông trong vài tháng đầu nắm quyền. - VOA

***
Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đang hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Philippines đang chiến đấu để đè bẹp những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo tại một thành phố phía nam, Đại sứ quán Mỹ cho biết hôm thứ Bảy, trong khi 13 thủy quân lục chiến Philippines thiệt mạng trong chiến sự ở thành thị.

Quân đội Philippines cho biết Mỹ đang hỗ trợ lực lượng chính phủ chấm dứt cuộc vây hãm Thành phố Marawi do những kẻ chủ chiến có liên hệ tới Nhà nước Hồi giáo thực hiện, giờ đang ở tuần thứ ba, nhưng không hỗ trợ bằng binh sĩ tác chiến.

Đại sứ quán Mỹ xác nhận họ đã cung cấp sự hỗ trợ, theo yêu cầu của chính phủ Philippines, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết vì lý do an ninh.

Sự hợp tác giữa hai nước đồng minh lâu năm là điều đáng chú ý bởi vì Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nắm quyền cách đây một năm, đã tỏ thái độ thù địch đối với Washington và đã tuyên bố sẽ trục xuất những chuyên gia huấn luyện và cố vấn quân sự Mỹ khỏi nước ông.

Các vụ đấu súng ác liệt trên đường phố vào hôm thứ Sáu với những kẻ chủ chiến đã khiến 13 binh sĩ Philippines thiệt mạng.

Đây là tổn thất lớn nhất trong một ngày đối với binh sĩ của chính phủ kể từ khi họ bắt đầu giao chiến với những kẻ chủ chiến liên minh với các chiến binh IS đã tràn vào Marawi vào ngày 23 tháng 5 và hiện vẫn chiếm giữ một số nơi của thành phố. - VOA
|
|

3.
Mất đa số tuyệt đối, thủ tướng Anh lập chính phủ mới trong thế yếu --- Bầu cử Anh: Bà May bị áp lực từ chức thủ tướng

Thủ tướng Anh ngày 10/06/2017, trên nguyên tắc phải hoàn tất việc thành lập nội các mới. Tuy về đầu, nhưng đảng Bảo Thủ Anh không có được đa số sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 08/06/2017, buộc bà Theresa May phải tìm cách liên minh với Đảng Liên Hiệp Dân Chủ (DUP), một chính đảng cánh hữu Bắc Ai Len, để thành lập chính phủ.

Theo AFP, đảng Bảo Thủ Anh vẫn giữ nguyên những vị trí “chủ chốt” trong chính phủ: Philip Hammond (bộ Tài Chính), Boris Johnson (bộ Ngoại giao), David Davis (phụ trách Brexit), Amber Rudd (bộ Nội Vụ) và Michael Fallon (bộ Quốc Phòng).

Về những vị trí còn lại, đảng Bảo Thủ buộc phải thương lượng với Đảng Liên Hiệp Dân Chủ (DUP) để hoàn tất việc thành lập nội các mới trong ngày hôm nay. Vai trò của 10 dân biểu DUP chưa được xác định rõ ràng, nhưng với liên minh này, DUP sẽ ở thế mạnh để đòi đáp ứng các đòi hỏi của họ tập trung vào việc bảo vệ các quyền lợi của cộng đồng Tin Lành Bắc Ai Len.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm về chính đảng này:

"Đảng Liên Hiệp Dân Chủ Bắc Ai Len có được vai trò « phong vương » sau một cuộc bầu cử nhằm củng cố sự ổn định nhưng lại dẫn đến tình trạng bế tắc ở nghị viện. Trở thành một đảng của chính phủ, Đảng Liên Hiệp Dân Chủ có nguồn gốc từ một chính đảng phản kháng, được thành lập và lãnh đạo bởi cố mục sư Tin Lành Ian Paisley. Ông là hiện thân của tư tưởng liên hiệp cứng rắn đối mặt với kẻ thù truyền kiếp là Sinn Féin, nhánh chính trị của tổ chức Quân Đội Cộng Hòa Ai Len.

Đảng Liên Hiệp Dân Chủ nổi tiếng có quan điểm bảo thủ cứng rắn như chống kết hôn đồng giới và chống phá thai, hiện vẫn bị coi là bất hợp pháp tại vùng lãnh thổ này. Một trong những thành viên của đảng này đã kêu gọi giảng dạy thuyết sáng tạo linh hồn ở trường học như thuyết tiến hóa.

Cùng với phe bảo thủ ở Hạ Viện, mối quan tâm chính của Đảng Liên Hiệp Dân Chủ là Brexit và trái ngược phần còn lại của Bắc Ai Len, đảng này đã hồ hởi bỏ phiếu ủng hộ rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Cho dù không muốn tái lập đường biên giới ngăn cách với Cộng Hòa Ai Len, Đảng Liên Hiệp Dân Chủ sẽ cố tìm cách, trong các cuộc thương lượng về Brexit, để thành phố Belfast không được hưởng quy chế đặc biệt, qua đó, ngăn chặn vùng lãnh thổ này duy trì mối quan hệ liên kết với Liên Hiệp Châu Âu." - RFI

***
Cử tri nước Anh đã giáng một đòn nặng xuống đảng Bảo thủ đương quyền của Thủ Tướng Theresa May trong cuộc bầu cử sớm mà bà đã yêu cầu tổ chức để vận động sự hậu thuẫn dành cho đảng bảo thủ trước khi lao vào các cuộc thương lượng để rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu.

Bà Theresa May rời số 10 phố Downing, nơi cư ngụ của Thủ tướng Anh, hôm Thứ Sáu 9/6 để đến điện Buckingham chính thức xin Nữ hoàng cho phép thành lập chính phủ mới.

Quyết định mạo hiểm của bà May kêu gọi mở bầu cử sớm đã có tác dụng ngược, khi đảng của bà mất thế đa số trong quốc hội.

Kết quả bầu cử là một đòn đau đối với uy tín của Thủ Tướng May, người đòi tổ chức bầu cử sớm, 3 năm trước thời hạn, với hy vọng sẽ tăng thế đa số và củng cố sức mạnh của Anh quốc trong các cuộc đàm phán với EU, về việc rút ra khỏi EU. Giờ đây, bà đang đối mặt với áp lực đòi bà từ chức.

Sau cuộc hội kiến với Nữ hoàng Elizabeth, bà May nói với các nhà báo rằng bà dự tính sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng, và lập một liên minh với Đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland.

Bà Theresa May nói:

"Điều này cho phép chúng ta đoàn kết trong tư cách một quốc gia và tập trung nguồn lực hướng tới một tiến trình Brexit thành công để Anh rút ra khỏi EU – Thành công này sẽ phục vụ lợi ích của tất cả mọi người trong đất nước này, đảm bảo một quan hệ đối tác mới với EU để đặt nền móng cho một thời kỳ thịnh vượng lâu dài. Đó là điều mà cử tri muốn trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 năm ngoái. Bây giờ chúng ta hãy bắt tay và cùng nhau làm việc."

Khi bà May kêu gọi tổ chức bầu cử, Đảng Bảo thủ của bà dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng, cùng với thế đa số mong manh tại quốc hội. Khoảng cách dẫn đầu đó đã dần dần thu hẹp lại trong chiến dịch vận động tranh cử.

Tương phản lại, thủ lãnh đảng Lao động dưới quyền lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn, một nhà xã hội học kỳ cựu, thoạt đầu bị coi là không có cơ may nào trong cuộc bầu cử, giờ đây được đánh giá là có một chiến dịch vận động tranh cử mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc. - VOA
|
|

4.
Putin: Thượng nghị sĩ McCain ‘lỗi thời’

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nói Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain là người ‘lỗi thời’ và rằng Nga và Mỹ phải hợp tác cùng nhau trong những thách thức chung. Ông McCain thuộc Đảng Cộng hòa là người nổi tiếng với những lời lẽ chống Điện Kremlin.

Ông McCain tuần trước tuyên bố Tổng thống Putin là mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh toàn cầu so với Nhà nước Hồi giáo, đồng thời cảnh báo rằng Thượng viện Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp chế tài cứng rắn hơn nhắm vào Moscow vì can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ vào năm ngoái.

Trong một cuộc phỏng vấn với đạo diễn phim người Mỹ Oliver Stone, một số trích đoạn được công bố vào thứ Năm trước khi được mạng lưới truyền hình Mỹ Showtime phát sóng từ ngày 12 tháng 6, ông Putin ca ngợi "lòng yêu nước" của Thượng nghị sĩ McCain.

"Ở một chừng mực nào đó, tôi thích Thượng nghị sĩ McCain. Tôi không nói đùa. Tôi thích ông ấy vì lòng yêu nước của ông ấy, và tôi có thể thấu hiểu được sự kiên trì của ông ấy trong việc đấu tranh cho lợi ích của đất nước mình," ông Putin nói với ông Stone trong cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng 2.

Nhưng ông nói thêm: "Những người có niềm tin như Thượng nghị sĩ mà ông nhắc tới, họ vẫn sống trong Thế giới Cũ và họ không muốn nhìn vào tương lai, họ không muốn nhìn nhận thế giới đang thay đổi nhanh như thế nào."

Ông kêu gọi Mỹ hợp tác với Nga về các vấn đề toàn cầu.

"Ngay bây giờ có những mối đe dọa chung mà cả hai chúng nước ta đang phải đối mặt, như chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chúng ta phải chiến đấu chống lại đói nghèo khắp thế giới," ông Putin nói.

"Rốt cuộc thì chúng ta đã tích trữ rất nhiều vũ khí hạt nhân mà điều này đã trở thành mối đe dọa cho cả thế giới, và sẽ tốt hơn nếu chúng ta suy nghĩ về chuyện này. Có nhiều vấn đề cần được giải quyết." - VOA
|
|

5.
Những kẻ tấn công ở Cầu London muốn thuê xe tải lớn hơn

Cảnh sát London cho biết ba người đàn ông lái chiếc xe van tông vào người đi bộ trên Cầu London lúc đầu đã cố gắng thuê một chiếc xe tải 7,5 tấn lớn hơn, có khả năng gây nhiều tổn hại hơn, nhưng họ đã không thể hoàn tất thanh toán.

Trưởng phụ trách bộ phận chống khủng bố, Chỉ huy Dean Haydon, cho biết các nhà điều tra tìm thấy 13 chai rượu ở phía sau xe van, chứa đầy một thứ chất lỏng nhẹ hơn. Cảnh sát tin rằng những chai này chứa bom xăng để sử dụng trong những vụ tấn công khác.

Ông Haydon cho biết họ cũng đang yêu cầu công chúng cung cấp thông tin về con dao bằng sứ màu hồng sáng được dùng trong vụ tấn công ở Borough Market. Ông nói rằng con dao nhà bếp dài 30 centimét này là bất thường và cảnh sát muốn biết nó từ đâu ra.

Tổng cộng 8 người thiệt mạng trong vụ tấn công vào ngày 3 tháng 6 và gần 50 người bị thương. Ba trong số các nạn nhân tử vong sau khi bị xe tải tấn công trên Cầu London và 5 người bị đâm chết tại Borough Market. Ba kẻ tấn công bị cảnh sát bắn chết 8 phút sau khi họ nhận được cú điện thoại khẩn cấp đầu tiên. - VOA
|
|

6.
Bầu Quốc Hội Pháp: "Cộng Hòa Tiến Bước!" được dự báo thắng lớn

Ngày mai, 11/06/2017, cử tri Pháp sẽ đi bầu Quốc Hội vòng một với kết quả được dự báo là đảng Cộng Hòa Tiến Bước ! của tổng thống Emmanuel Macron sẽ thắng lớn, vượt xa mức đa số tuyệt đối.

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần này, cử tri Pháp sẽ chọn ra 577 dân biểu trên tổng số 7.877 ứng cử viên. Theo các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, đảng Cộng Hòa Tiến Bước ! sẽ thu được hơn 30% số phiếu. Tính về số ghế thì đảng của tổng thống Macron sẽ vượt xa đa số tuyệt đối ( 289 ghế ), vì đảng này được dự báo sẽ thu được từ 370 đến hơn 400 ghế dân biểu Quốc Hội.

Được dự báo đứng hàng thứ hai là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, với từ 20 đến 23% ý định bỏ phiếu, tương đương với từ 100 đến 150 ghế dân biểu. Trong khi đó Đảng Xã Hội, cánh tả, được dự báo là sẽ thua đậm, lần này có thể sẽ giành số ghế ít hơn 10 lần so với gần 300 ghế dân biểu trong Quốc Hội mãn nhiệm. Về phần đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, sau khi đạt tỷ lệ phiếu cao trong cuộc bầu cử tổng thống, nay chỉ mong có đủ 15 dân biểu để lập được một nhóm trong Quốc Hội mới.

Một điều chắc chắn là Quốc Hội được bầu lần này sẽ có rất nhiều gương mặt mới, vì có đến gần 40% dân biểu mãn nhiệm không tái ứng cử và có nhiều người lần đầu tiên ứng cử Quốc Hội.

Vào cuối tuần qua, những công dân Pháp sống ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu trước. Đa số cử tri đã dồn phiếu cho đảng Cộng Hòa Tiến Bước !. Lá phiếu của cử tri Pháp ở nước ngoài xác nhận xu hướng ủng hộ tổng thống Emmanuel Macron, và cho thấy Đảng Xã Hội và đảng Những Người Cộng Hòa đang trên đà suy sụp. - RFI
|
|

7.
Washington can thiệp vào khủng hoảng vùng Vịnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 09/06/2017, đã thúc giục Qatar « ngưng ngay lập tức việc tài trợ cho khủng bố », đồng thời kêu gọi quốc gia đang bị Ả Rập Xê Út và các đồng minh phong tỏa chống lại các phong trào cực đoan.

Nhà Trắng, bộ Ngoại Giao Mỹ rồi đến Lầu Năm Góc lần lượt đưa ra những tuyên bố nhằm can thiệp vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy tại vùng Vịnh, sau nhiều ngày tỏ thái độ nhập nhằng, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Ông Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tuyên bố : « Rất tiếc là Qatar luôn tài trợ cho khủng bố ».Ngoại trưởng Rex Tillerson tỏ ra khoan dung hơn với Qatar, kêu gọi có những tiến triển mới trong chống khủng bố. Đặc biệt ông Tillerson đề nghị các nước liên quan hãy giảm bớt phong tỏa Qatar, nêu ra các hậu quả nhân đạo đối với người dân, nhấn mạnh những trở ngại trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS).

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis quan tâm đến Al Udeid, căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ đặt tại Qatar, với 10.000 quân nhân đồn trú. Ông nhận xét : « Tuy các hoạt động tại căn cứ Al Udeid không bị ngưng lại hoặc giảm sút, nhưng tình hình hiện nay gây trở ngại cho việc vạch ra các chiến dịch quân sự lâu dài. Qatar rất quan trọng cho các phi vụ của liên minh để chống Daech trong khu vực ».

Về phía Qatar hôm qua tìm kiếm sự ủng hộ của các nước. Ngoại trưởng Mohamed Ben Abderrahmane đã bất ngờ sang Đức, rồi sáng nay đến Matxcơva để gặp đồng nhiệm Serguei Lavrov, và điện đàm với ngoại trưởng Mỹ. Phía Đức xác nhận đang diễn ra những cuộc thảo luận với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực. Ngoại trưởng Qatar khẳng định với AFP là cuộc khủng hoảng hiện nay không thể biến thành xung đột vũ trang.

Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, Ai Cập và Yemen hôm thứ Hai 5/6 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, ngưng các liên lạc hàng không, hàng hải và đường bộ, với lý do vương quốc dầu lửa nhỏ bé này « ủng hộ khủng bố ». Cơn địa chấn ngoại giao vùng Vịnh xảy ra chỉ 15 ngày sau khi tổng thống Donald Trump thăm Ryad, và đề nghị các nước Hồi giáo kiên quyết chống lại xu hướng cực đoan.

Tối thứ Năm rạng sáng thứ Sáu 9/6, các nước trên đã công bố một danh sách « khủng bố » mà theo họ là được Doha ủng hộ, gồm 59 cá nhân và tổ chức. Doha tố cáo những cáo buộc trên là « vô căn cứ ». Ả Rập Xê Út và các đồng minh Hồi giáo Sunni cũng chỉ trích Qatar gần gũi với Iran theo hệ phái Shia. Về phía Iran cho biết sẵn sàng tiếp tế cho Qatar bằng đường biển. - RFI
|
|

8.
Mỹ đồng thuận với các nước kêu gọi cứu lấy các đại dương

Mỹ đã cùng các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi hành động để cứu lấy các đại dương của thế giới, ngay cả khi nước này từ bỏ thỏa thuận Paris chống lại biến đổi đổi khí hậu.

Văn kiện cuối cùng được tất cả 193 quốc gia thành viên chấp thuận vào ngày thứ Sáu sau khi kết thúc hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về đại dương.

Văn kiện được các nước tán đồng hôm thứ Sáu nói: "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên đại dương." Nó cũng ghi nhận "tầm quan trọng đặc biệt" của thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh về đại dương thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp để làm giảm ô nhiễm biển và sự axít hóa đại dương và thúc đẩy nghiên cứu về đại dương.

Nó cũng bao gồm cam kết tự nguyện của các chính phủ thế giới giảm thiểu sử dụng nhựa, chống lại tình trạng nước biển dâng cao và sự tăng nhiệt đại dương, và chấm dứt hoạt động đánh bắt trái quy định.

Hội nghị khai mạc vào ngày thứ Hai ngay sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định Paris. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Phản pháo Comey, Trump tuyên bố sẵn sàng khai chứng hữu thệ --- Luật sư của Trump đòi khiếu nại công bố ghi chép của Comey --- Tòa Bạch Ốc được yêu cầu giao băng ghi âm cuộc trao đổi Trump-Comey --- Tỷ lệ nghi ngờ ông Trump tăng, ủng hộ giảm

Tổng thống Donald Trump ngày 9/6 khẳng định không hề tìm cách ngăn trở cuộc điều tra của FBI đối với cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, tố cáo cựu Giám đốc FBI James Comey khai gian phản lại lời thề trước Quốc hội.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 8/6, ông Comey khai rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông ngưng điều tra ông Flynn và mối liên hệ giữa ông này với Nga.

Tổng thống Trump nói những lời khai chứng của ông Comey cũng giúp làm rõ là không hề có sự thông đồng nào giữa ông với Nga trong cáo giác Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

“Ông James Comey đã xác nhận phần lớn những gì tôi đã nói. Và có một vài điều ông ấy nói không đúng sự thật,” Tổng thống Trump tuyên bố tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc.

Khi một phóng viên hỏi ông Trump rằng ông ấy có yêu cầu ông Comey ngưng điều tra ông Flynn hay không, ông Trump khẳng định “Tôi không hề nói chuyện đó.”

Tuy nhiên, khi ký giả này tiếp tục hỏi “Vậy ông Comey đã khai gian chuyện này phải không?”, Tổng thống Trump đáp “Cái đó không phải tôi nói. Ý tôi là tôi không hề nói chuyện đó.”

Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng dù không có gì sai nếu như ông mở lời như thế, nhưng ông không hề phát ngôn như vậy. 

Tại buổi điều trần hôm qua, cựu Giám đốc FBI nói Tổng thống Trump hồi tháng Giêng có yêu cầu ông cam kết trung thành với Tổng thống, một đề nghị bất thường khiến gây nghi ngại về tính độc lập của cơ quan FBI.

“Tôi sẽ không bảo tôi muốn anh thề trung thành. Ai mà làm thế?” Tổng thống Trump tuyên bố tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Romani hôm 9/6.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng có phản hồi hữu thệ với những gì ông Comey đã trình bày trước Quốc hội hay không, Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng “100%.”

Ông Trump đồng ý ra khai chứng hữu thệ, như vậy những phát ngôn của ông lẫn của ông Comey sẽ trở thành cơ sở làm việc của các nhà điều tra liên bang.

Nếu điều tra cho thấy lời khai chứng của ông Trump hoặc những ghi chú của ông Comey về những gì đôi bên trao đổi không đúng sự thật thì một trong hai người có thể bị buộc tội khai gian với các nhà điều tra liên bang.

Hiến pháp Mỹ không nêu thẳng liệu một Tổng thống có thể bị truy tố hình sự hay không và đây cũng là đề tài gây tranh cãi pháp lý. Tổng thống có thể bị truy tố sau khi hết nhiệm kỳ. - VOA

***
Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ đệ đơn khiếu nại vào đầu tuần sau về việc cựu Giám đốc FBI James Comey tiết lộ các cuộc trò chuyện với Tổng thống, một người thân cận nhóm luật sư cho biết hôm thứ Sáu.

Luật sư Marc Kasowitz sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp và cũng sẽ đệ nạp yêu cầu lên Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tình báo Thượng viện về lời khai của ông Comey, theo nguồn tin này. Nguồn tin này từ chối xác định danh tính vì vấn đề này không được công khai.

Ông Comey, trong lời khai chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm, cáo buộc ông Trump sa thải ông để tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra của Cục điều tra Liên bang về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016.

Ông Comey nói ông Trump đã gây áp lực buộc ông phải chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và nói với ông Comey rằng ông cần sự trung thành của ông, mặc dù các giám đốc FBI trên nguyên tắc làm việc độc lập với Tòa Bạch Ốc.

Ông Kasowitz bác bỏ những điểm này và đã công kích ông Comey vì rò rỉ "những trao đổi bí mật" ra cho giới truyền thông.

Các chuyên gia pháp lý đã đặt nghi vấn về lập luận của ông Kasowitz rằng những trao đổi riêng của ông Trump với ông Comey nên được coi là trao đổi bí mật. - VOA

***
Lãnh đạo cuộc điều tra của ủy ban tình báo Hạ viện về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016 ngày 9/6 loan báo đã gửi thư cho cựu Giám đốc FBI, James Comey, yêu cầu giao nộp bấy kỳ ghi chú nào liên quan đến các cuộc trao đổi giữa ông Comey với Tổng thống Donald Trump.

Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway và dân biểu Dân chủ Adam Schiff cho biết cũng đã gửi thư đến cố vấn Tòa Bạch Ốc, Don McGahn, yêu cầu xác nhận xem có băng ghi âm hoặc ghi chú nào về các cuộc trao đổi giữa ông Comey với ông Trump hay không. Nếu có, họ đề nghị Tòa Bạch Ốc phải cung cấp bản sao cho ủy ban trước ngày 23/6 năm nay. - VOA

***
Tổng thống Donald Trump đã làm điều gì đó bất hợp pháp trong mối quan hệ giữa ông với Nga, 31% cử tri Mỹ tin là như vậy trong khi 29% cho rằng ông Trump đã làm điều gì trái đạo đức nhưng không phi pháp, theo cuộc thăm dò toàn quốc của đại học Quinnipiac công bố ngày 9/6.

32% cử tri được hỏi ý kiến cho rằng ông Trump không làm gì sai.

Các cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã làm gì phạm pháp trong mối quan hệ với Nga, theo ý kiến của 40% cử tri được thăm dò, 25% cho rằng họ làm chuyện trái khuấy nhưng không phạm pháp, và 24% tin rằng chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump không làm gì sai.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tiếp tục trượt dốc, 34% ủng hộ– 57% phản đối, so với tỷ lệ 37% tán đồng – 55% bất mãn trong cuộc khảo sát ngày 24/5 của trường Quinnipiac.

40% những cử tri được hỏi ý kiến dự đoán rằng ông Trump sẽ không qua nổi 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống. 

63% cho rằng để cho con rể ông Trump, Jared Kushner, đóng vai trò quan trọng trong chính quyền là không thích hợp. Tỷ lệ này tăng từ 53% trong cuộc thăm dò giữa tháng tư của đại học Quinnipiac.

Cuộc khảo sát trên 1361 cử tri được thực hiện từ ngày 31/5 tới ngày 6/6. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Indonesia phóng thích hàng trăm ngư dân Việt

Tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hôm 9/6 đã có mặt ở Indonesia để đón về nước 695 ngư dân bị bắt và kết án nhiều năm qua vì đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải nước này.

Theo Jakarta Post, đây là đợt trao trả ngư dân nước ngoài lớn nhất mà Indonesia từng thực hiện, theo một thỏa thuận đã ký trước đó với Việt Nam.

Tờ này đưa tin rằng chính phủ Indonesia bác bỏ thông tin cho rằng việc hồi hương quy mô lớn này là một phần của cuộc trao đổi với Việt Nam, theo đó Hà Nội sẽ thả các thuyền viên của một tàu tuần tra hàng hải của Indonesia mà tờ báo nói đã bị Việt Nam “bắt cóc” sau cuộc đụng độ với một tàu tuần duyên Việt Nam hôm 21/5.

Jakarta Post dẫn lời một quan chức cho biết rằng việc trao trả này là “sáng kiến” của Indonesia vì “chi phí ăn ở cho những người bị bắt quá lớn”.

Tin cho hay, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đã tới tham dự buổi lễ trả người.

Theo báo Dân Trí, trước đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Jakarta đã “đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt, trao trả tài sản và sớm thả họ vì lý do nhân đạo, đồng thời phối hợp và đề nghị cơ quan chức năng trong nước sớm hoàn tất các thủ tục để đưa ngư dân về nước”.

Hai, ba năm trở lại đây, Indonesia đã đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu của Việt Nam, với tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng tài nguyên biển của nước này.

Không chỉ Indonesia, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép. - VOA
|
|

11.
​Việt Nam có thể giúp Mỹ kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn

Hà Nội có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giúp Mỹ kìm cương Bắc Hàn và xoa dịu chính sách hạt nhân và tên lửa của nước này.

Các chuyên gia nhận định với VOA Tiếng Việt rằng mặc dù có một mối quan hệ song phương tốt đẹp với Bắc Hàn và không muốn làm phật lòng Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn có thể đóng vai trò gián tiếp giúp Mỹ và Bắc Triều Tiên giải quyết những bất đồng đang tăng cao.

Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ mới kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Theo phân tích của giáo sư Carl Thayer của trường Đại học New South Wales, ông Trump đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết vấn đề này. Trước khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tuần trước, Tổng thống Trump đã gọi điện cho tổng thống Philippines và thủ tướng Thái Lan để tìm sự ủng hộ cho vấn đề Bắc Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, tổng thống Mỹ muốn Việt Nam giúp để gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Trong thông cáo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Việt hôm 31/5, 2 nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á của viện nghiên cứu ISEAS nhận định với VOA Tiếng Việt rằng “Việc ông Trump đề cập vấn đề Bắc Triều Tiên trong cuộc gặp với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính sách phi hạt nhân hóa của chính quyền Trump đối với bán đảo Triều Tiên.”

Theo giáo sư Thayer, “Tổng thống Trump muốn Việt Nam sử dụng những mối quan hệ với Bắc Triều Tiên để gây áp lực về mặt ngoại giao và chính trị, ép nước này ngừng thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.”

Theo giáo sư của Đại học New South Wales, ông Trump cũng muốn Việt Nam “sử dụng ảnh hưởng của mình trong khối ASEAN để tạo ra một mặt trận ngoại giao đoàn kết chống lại Bắc Triều Tiên.”

Tháng 4 năm nay vào lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines, Bình Nhưỡng gửi thư cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, yêu cầu ASEAN hỗ trợ để chống trả lại hành động của Mỹ cô lập hóa miền Bắc. Tuy nhiên vào tháng 5, các ngọai trưởng ASEAN ra thông báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.”

“Mỹ muốn thấy ASEAN hành động quyết liệt hơn để thực thi các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc,” theo giáo sư Thayer.

Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và do đó ủng hộ các chế tài của cộng động quốc tế đối với Bắc Hàn.

Tuy nhiên, cũng theo phân tích của Giáo sư Thayer, bất cứ hành động nào của Việt Nam cũng có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ song phương và ảnh hưởng đến chính sách của Hà nội là làm “bạn tốt và đối tác tin cậy” của tất cả các quốc gia. Giáo sư Thayer cảnh báo Việt Nam phải cẩn thận để không làm phật lòng Trung Quốc.

Nhà phân tích chính trị của viện ISEAS, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, cho rằng đây là một tình huống tế nhị đối với Việt Nam vì “Việt Nam vẫn coi Bắc Triều Tiên là một nước bạn truyền thống và muốn duy trì quan hệ tốt bất chấp những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.”

“Nhưng mặt khác Việt Nam cũng muốn duy trì quan hệ tốt với Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy Việt Nam sẽ giữ nguyên tắc ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết xung đột và mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình." Tuy nhiên, nhà phân tích của viện ISEAS nói, "tôi nghĩ về lâu dài Việt Nam sẽ theo hướng thực dụng hơn tức là nghiêng nhiều hơn về phía các đối tác quan trọng của mình, cụ thể ở đây là Mỹ và Hàn Quốc.”

Nhà nghiên cứu này nhận định Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian hòa giải hoặc tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng. Đã có những đồn đoán rằng ASEAN, mà Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên, sẽ đóng vai trò một bên thứ 3 để tạo điều kiện cho một cuộc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Thayer thuộc đại học New South Wales dự đoán Hà Nội có thể tìm cách tổ chức các cuộc hội đàm kín giữa Bình nhưỡng và Washington, tương tự như những cuộc hội đàm để hòa giải giữa Bắc Triều Tiên và Nhật trong thập niên qua.

Nhận định về vai trò trung gian mà Việt Nam có thể đóng, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Washington nói Việt Nam sẽ có thể giúp Mỹ kìm cương Bắc Hàn bằng mối quan hệ thân tình với quốc gia cộng sản này.

“Bắc Hàn thân với Trung Quốc, phục vụ Trung Quốc nhưng lại nghi ngờ Trung Quốc. Bắc Hàn lại không nghi ngờ Việt Nam." Giáo sư Hùng nói nếu Bắc Hàn mở cửa kinh tế thì họ hy vọng Bắc Hàn sẽ học tập chính sách cải tổ kinh tế của Việt Nam. "Và do đó Việt Nam có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với chính sách của Bắc Hàn, làm cho nó xoa dịu đi.”

Bất chấp những chế tài liên tiếp của Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn đầu tuần này lại tiếp tục phóng tên lửa – đây là lần thứ 4 trong tháng. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của quốc gia cộng sản trên bán đảo Triều Tiên tháng trước loan báo Bắc Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa có khả năng phóng tới lục địa Mỹ. - VOA
|
|

12.
Việt Nam kêu gọi ‘hóa giải’ khủng hoảng Qatar

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/6 kêu gọi các nước vùng Vịnh “sớm thiết lập đối thoại”, sau khi Qatar bị nhiều nước cô lập vì bị nghi hậu thuẫn các chiến binh Hồi giáo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam mong muốn các nước “sớm tìm ra các giải pháp đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan”.

Bà Hằng nói rằng đối thoại giữa các nước “cũng vì lợi ích của nhân dân các nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực”.

Nữ phát ngôn viên của Việt Nam nói rằng Hà Nội không chỉ có quan hệ tốt đẹp với các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh nói riêng và các quốc gia ở Trung Đông nói chung.

Việt Nam trong tuần này cũng đã đi tới quyết định tạm ngưng đưa công nhân Việt sang Qatar, đồng thời tuyên bố sẽ “ưu tiên đảm bảo tính mạng của người Việt” nếu tình hình tiếp tục căng thẳng.

Ảrập Xêút, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Bahrain đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn các chiến binh Hồi giáo cực đoan và Iran.

Theo Reuters, hôm 10/6, Ảrập Xêút và Bahrain hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, yêu cầu Qatar ngưng hỗ trợ khủng bố, nhưng lại không phản hồi trước một lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc nới lỏng áp lực đối với Qatar.

Ông Trump hôm 9/6 cáo buộc Qatar cấp quỹ cho khủng bố, trong khi cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng cảnh báo về hệ quả của các biện pháp trừng phạt quân sự, thương mại và nhân đạo mà nhiều nước đang áp đặt đối với Qatar. - VOA
|
|

13.
Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh của ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ qua đời

Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh vừa qua đời lúc 2 giờ 19 phút chiều Thứ Sáu, 9 Tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, hưởng thọ 87 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử, là một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam, đặc biệt với hai bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình,” đều do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Ngoài ra, bà cũng là tác giả của bài thơ “Ai Trở Về Xứ Việt,” sau này được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, và trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu của người tị nạn Việt Nam hải ngoại.

Nhà văn Nguyễn Quang cho biết, bà sinh ngày 15 Tháng Mười, 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại Orange County, California, từ năm 1980.

Bà là con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, ông nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình.

Năm 1945, bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó biết sự lợi dụng của phong trào, bà bỏ về Huế tiếp tục học.

Năm 1964, bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne, Paris.

Năm 1967, bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như Algeria và Việt Nam.

Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật Hòa Đàm Paris.

Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1974 đến năm 1975.

Sau biến cố 1975, bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài ORTF, qua chương trình Việt Ngữ để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù.

Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhân hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Brazil, vào năm 1979.

Bà đã dùng ngòi bút và khả năng của mình thường xuyên tranh đấu cho các văn nghệ sĩ bị cộng sản giam cầm phải được trả tự do.

Ngoài những bài báo, bà còn sáng tác hơn 25 tác phẩm giá trị, trong đó có truyện ngắn, thơ…
Nhà văn Nguyễn Quang đã thực hiện một tập sách rất công phu khá đầy đủ những tài liệu, bài vở và hình ảnh với tiêu đề: “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh.”

Có đoạn nhà văn viết: “Sau khi đọc quyển sách này người ta tự hỏi làm sao Minh Đức Hoài Trinh một con người nhỏ bé lại có thể hoàn thành trên nhiều lãnh vực trong thời gian đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Bà đã đi trên khắp năm lục địa, vào những vùng chiến tranh lửa đạn. Những đóng góp của bà với một cuốn sách nhỏ nầy chắc chắn không diễn tả hết được những gì bà đã làm cho quê hương cho nền văn học Việt Nam.”

Các tác phẩm của bà gồm có Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).

Về bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” rất nổi tiếng của bà, nhà văn Phạm Xuân Đài cho biết: “Đây là bài thơ bà sáng tác khoảng cuối thập niên 1950 hoặc đầu thập niên 1960, lúc đó lấy tên là Hoài Trinh, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên.”

“Còn một bài thơ nữa của bà, cũng rất nổi tiếng, và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên, đó là bài ‘Đừng Bỏ Em Một Mình,’” nhà văn cho biết thêm.

Theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, một trong những bài thơ nổi tiếng khác của bà là “Ai Trở Về Xứ Việt” (1962). Sau năm 1975, bài thơ được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc cùng tên.

Trên trang web dutule.com của nhà thơ Du Tử Lê cũng có lưu lại bài này, và cho biết bà sáng tác tại Paris năm 1962.

Nói về hoạt động và con người của bà, nhà văn Việt Hải có lần viết: “Trên cao tất cả, tôi quý nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì bà trung thành với đất nước Việt Nam Cộng Hòa, bà chống Cộng Sản, bà chống bạo lực và ác tính đè nặng lên vai người dân, bà bôn ba vận động can thiệp trả tự do cho giới văn học báo chí, những nạn nhân của những trại tù Cộng Sản. Bà xin lại tư cách Văn Bút Hội Viên Việt Nam tại diễn đàn Văn Bút Quốc Tế. Trong vai trò phóng viên chiến trường bước chân Minh Đức Hoài Trinh đi qua các địa danh thân yêu từ Sài Gòn ra miền Trung, qua các vùng thân quen của xứ sở như những Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị,…”

Nhà văn Nguyễn Quang cho biết đang làm việc với nhà quàn Peek Family, Westminster, để lo việc mai táng cho nữ sĩ. - nguoiviet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét