Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÌ SAO TÔN THỜ "THÁNH THẦN" TRONG CHÍNH TRỊ LẠI VÔ CÙNG NGUY HIỂM ?

14-10-2017

Hình bên: Tượng đồng cao 22 mét của Kim Il Song (Kim Nhật Thành) ở Pyongyang (Bình Nhưỡng) – Bắc Hành. Ảnh: Alamy Stock.

Thomas Carlyle từng viết, như một loại cảm tính chung, “lịch sử thế giới chẳng qua chỉ là các bản hồi ký của những con người vĩ đại”.

Quỳnh Vi lược dịch từ The dangers of political sainthood của tác giả Harry Blain, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại Đại học New York City.
Tuy thuyết “cá nhân vĩ đại” đã không còn là trào lưu của giới học thuật, nhưng nó vẫn chưa bị xóa khỏi cảm quan chính trị mang đầy tính bản năng của chúng ta. Và khuynh hướng này, không chỉ xuất hiện trong phe bảo thủ.

Đúng thế, thần thánh hóa một ông Churchill hay một ông Reagan sẽ thường trỗi dậy từ lòng hoài niệm về một thời quá khứ mộc mạc xa xôi. Đó là thời mà trẻ con không biết cãi lại bố mẹ, và con người hình như là còn biết phân biệt giữa Thiện và Ác.

Nhưng nỗi ám ảnh phải tìm kiếm và tạo dựng nên các vị “thần tiên” trong chính trị vốn không phân biệt ranh giới giữa các hệ phái tư tưởng. Mà thật ra, mỗi một chúng ta đều đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các câu chuyện tưởng tượng của lịch sử thế giới cận đại.

Nỗi ám ảnh này được thể hiện qua kiểu tư duy vẩn vơ, đại loại như: Nếu Lincoln không bị ám sát chết năm 1865 thì mọi việc sẽ trở nên như thế nào? Nếu Thomas Paine đã chẳng gặp Benjamin Franklin và ở lại Anh Quốc thay vì dọn đến Philadelphia thì sao? Nếu Bernie Sanders là ứng cử viên của đảng Dân chủ năm 206 thì điều gì sẽ xảy ra? v.v. và v.v.

Quan trọng hơn, những mẫu chuyện cá nhân thường kể cho chúng ta nhiều điều về lịch sử hơn là các nghiên cứu vĩ đại mang đầy tính học thuật.

Chẳng có mấy quyển sách có thể làm sáng tỏ những vết thương và các mâu thuẫn của xã hội Hoa Kỳ sắc bén cho bằng Hồi ký của Malcom X. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết được chính sách Kinh tế Mới của Tổng thống Franklin Roosevelt nếu không đọc về nhà hoạt động – sau trở thành Bộ trưởng Bộ Lao động – Frances Perkins. Và chỉ có cuộc đời của Dolores Huerta mới đủ sức để miêu tả đầy đủ và dữ dội cuộc đấu tranh khắp cả nước Hoa Kỳ của cộng đồng người Mỹ gốc La tinh.

Di sản của những cá nhân luôn được tôn thờ trong tháp ngà nên khó mà bị lãng quên. Khi còn sống, họ đạt được vị trí vững vàng bởi những vinh danh thành tựu trọn đời, các giải thưởng cao quý như giải Nobel. Lúc chết đi, họ được suy tôn bằng tượng đài, thi ca, âm nhạc, và các bộ hồi ký.

Nhưng khuynh hướng này thì có sai không, vì sao?

Câu trả lời ngắn gọn là có, và có lẽ là đối với những người của phe cánh tả, thì có hai lý do.

Trước hết, khi một phong trào chính trị bị cá nhân hóa, thì vai trò của hành động tập thể sẽ bị bỏ qua.

Tinh giản công cuộc đấu tranh cho dân quyền trở thành cuộc cách mạng cá nhân của Martin Luther King hay Rosa Parks – tuy nhìn nhận đúng đắn lòng quả cảm và trí tuệ tột bực của những vị này – sẽ khiến xã hội quên đi hàng nghìn nhà hoạt động đã đấu tranh dai dẳng mỗi ngày, trong suốt thời kỳ mà các đạo luật kỳ thị Jim Crow thống trị nước Mỹ.

Tương tự như thế, Noam Chomsky và Howard Zinn có lẽ là những nhân tố quan trọng để thấu hiểu phong trào phản đối Cuộc chiến Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ không có được bức tranh toàn cảnh nếu bỏ qua những thảo luận về hàng nghìn chiến sĩ của câu chuyện “Quiet Mutiny” đã chống đối lại việc bắt lính ra sao.

Chính cái giây phút mà chúng ta nâng cao các vị anh thư, anh hùng của một phong trào, thì đó cũng là lúc mà chúng ta mất đi phương hướng của hành động tập thể. Mà chỉ những hành động tập thể mới có thể nắn hình các thay đổi xã hội một cách triệt để.

Thứ hai, nếu chúng ta muốn tìm kiếm một vị trí đúng đắn cho những câu chuyện cá nhân trong tư duy chính trị của mình, thì chúng ta cần nhìn những thần tượng – đặc biệt là những kẻ có ảnh hưởng quyền lực – qua lăng kính phản biện. Đó là vì chính trị vốn vô cùng phức tạp, và thành công trong chính trị thông thường đòi hỏi một sự kết hợp không dễ chịu giữa nguyên tắc và mưu mô.

Lãnh đạo bất kỳ phong trào chính trị nào cũng là một công việc vô cùng khó khăn. Nếu mục tiêu là giải phóng dân tộc, một người sẽ có trách nhiệm đoàn kết hàng triệu con người với những mục đích rất thực tế mà cũng rất khác biệt nhau. Nếu đó là một cuộc cách mạng xã hội, thì người lãnh đạo phải tìm cách lật đổ cả một hệ thống giai cấp hiện hành.

Tất cả những bước tiến của các công cuộc đấu tranh đòi hỏi một phạm vi rất rộng lớn cho các kỹ năng chính trị – và không phải chỉ bao gồm những đức tính “cao quý”. Nguyên tắc vững vàng, lòng can đảm, cùng kỹ năng hùng biện không phải lúc nào cũng giúp cho một lãnh đạo tiến được xa, nếu họ không chịu thỏa hiệp một ít, giả dối một chút, và đôi khi là thẳng thừng lừa đảo người khác.

Thế nhưng, cứ mỗi khi một nhà lãnh đạo tươi mới xuất hiện và truyền cho chúng ta cảm hứng, là chúng ta lập tức quên bén đi bài học này.

Bà Aung San Suu Kyi của Burma là một ví dụ tốt.

Chỉ như mới là hôm qua, hình ảnh của bà đã ngập tràn trên các áo phông có hàng chữ “Tự do”, là chủ nhân của giải thưởng cao quý, và được cả phổ quang chính trị Tây phương tôn vinh. Thế mà giờ đây, trên tít đầu của các trang xã luận nơi nơi là những tiêu đề về bà theo kiểu “Khôi nguyên nhục nhã” và là kẻ “đồng lõa của các tội ác chống lại nhân loại”.

Việc bà Suu Kyi từ chối lên án các cuộc tàn sát đẫm máu những ngôi làng của người Rohingya của quân đội Burma cộng với việc các tổ chức quốc tế bôi đen hình ảnh của bà bằng các chứng cứ về những hành vi tàn bạo của quân đội – đã chính thức hủy diệt toàn bộ hình ảnh thần thánh của bà ta trên toàn thế giới.

Bà Aung San Suu Kyi có lẽ là một ví dụ cực đoan, nhưng nó lại có tính minh họa vô cùng tốt.

Là một người tin vào chủ nghĩa dân tộc như người cha anh hùng của mình, Suu Kyi trở thành biểu tượng trang nghiêm cho lực lượng đối lập chống lại chế độ độc tài quân đội. Trong 15 năm bị quản chế, bà là một “tù nhân lương tâm” mẫu mực. Sau khi được trả tự do, bà được thăng ngay lên làm lãnh đạo không chính thức của lực lượng dân sự ở Burma, nhưng lập tức phải đối mặt với câu hỏi ngày một cấp bách tại đây: làm sao xây dựng một dân tộc đoàn kết?

Anh bạn Thomas Abbasi của tôi đã viết về bà Suu Kyi như thế này trên Facebook: “Bà ấy có vẻ đã tính toán rất kỹ rồi mới quyết định rằng ‘quăng bỏ’ người Rohinya là xứng đáng, để tiếp tục được quân đội, tăng lữ, và cả đám đông cuồng nhiệt ủng hộ. Chúng ta cảm thấy thất vọng và đau khổ là bởi vì chúng ta đã đặt quá nhiều hy vọng vào một mình bà ta, nhưng lại thiếu hiểu biết đầy đủ về tình hình phức tạp của đất nước Burma”.

Khi luôn phải đối mặt với căn tính phản bội và thói vô sỉ – là hai yếu tố định nghĩa cho “chính trị” ở mỗi quốc gia – thì rất tự nhiên, chúng ta thường tìm kiếm những người như Aung San Suu Kyi.  Những người mà hình như là đã vượt lên trên tất cả các điều tầm thường của con người.

Và rồi điều này đã khiến cho chúng ta quên đi việc phải tự nạp cho bản thân vài liều thuốc hoài nghi mỗi ngày. Từ đó, chúng ta phớt lờ các khiếm khuyết, bao biện cho những hành vi thể hiện quyền lực, và lý giải cho những chiêu trò dơ bẩn.

Rồi khi nhìn vào những nhân vật lịch sử mà bản thân yêu mến, thì bản năng phản biện của chúng ta lại càng suy giảm. Hãy thử nghĩ lại xem, chúng ta có thường xuyên sử dụng thuyết “con người của thời đại” để bao biện cho họ hay không?

Những người ủng hộ tiếp tục vinh danh các tượng đồng của phe Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ đã dùng lập luận này để biện hộ cho tướng Robert E. Lee. Ừ, thì ông ấy đã từng dùng roi mà quất vào nô lệ rồi đổ nước muối và vết thương của họ. Nhưng vào thời ấy thì ai mà không hành xử như thế – còn giờ đây chúng tôi chỉ muốn tôn vinh việc ông ta “đã đầu hàng như một quý ông” khi nội chiến sắp kết thúc mà thôi.

Những nỗ lực che dấu những điều xấu xí về các nhân vật lịch sử không phải là lỗi lầm chỉ có phe truyền thông bảo thủ như National Review thường phạm. Trong một vài khía cạnh, thì phe cấp tiến cánh tả lại phạm phải lỗi này còn thường xuyên hơn.

Trên hết, họ thường lẫn trốn sự thật về phong trào cấp tiến của thế kỷ 20 tại Mỹ. Chính cái phong trào ấy đã luôn thỏa hiệp với những kẻ cuồng chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Và ngay cả những người lãnh đạo phong trào cũng luôn dỗ dành các phe nhóm kỳ thị chủng tộc vào bậc nhất trong đảng Dân chủ.

C. Vann Woodwar đã chỉ ra điều này trong cuốn Sự nghiệp kỳ quái của Jim Crow (The Strange Career of Jim Crow) của mình. Chủ nghĩa cấp tiến hiện đại (modern progressive) dựa trên đa nguyên kinh tế và chống lại quyền lực của giới tài phiệt – vốn chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn với các đạo luật kỳ thị người da màu Jim Crow.

Mà nói đúng ra, những người tôn sùng chính sách Kinh tế Mới của Tổng thống Roosevelt vốn là những kẻ tuyệt đối tin vào chế độ phân biệt chủng tộc. Trong số đó có Thống đốc Alabama George Wallace – người đã từng rất nổi bật trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 1972. Một thập niên trước đó, Wallace đã sẵn sàng đọc bài diễn văn nhậm chức thống đốc được chắp bút bởi một thành viên của tổ chức phân biệt chủng tộc khét tiếng, Ku Klux Klan.

Những kẻ như Wallace trong thời gian gần đây đang bị xóa khỏi ký ức tập thể của những người Mỹ cấp tiến. Nhưng Tổng thống Franklin Roosevelt thì vẫn có một vị trí trang trọng trong “ngôi đền các vị thần”, cao hơn tất cả những thánh thần chính trị khác.

Mark Lilla từng kết luận rằng, bài diễn văn năm 1941 – “Bốn thể loại Tự do” – của Roosevelt đã khắc họa đậm nét và nhắc nhở mọi người về “những nền tảng của chủ nghĩa tự do hiện đại Mỹ”. Thomas Frank thì phê phán nghiêm khắc đảng Dân chủ ngày nay đã lìa xa những di sản mà Roosevelt để lại, và đó cũng là quan điểm của Bernie Sanders.

Nhưng đây cũng chính là cùng một ông tổng thống Roosevelt, người đã tống hơn 120.000 người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung, từ chối ủng hộ các đạo luật nghiêm trị tội treo cổ người da đen bất hợp pháp “lynching” vì e ngại sẽ bị mất phiếu cử tri đoàn. Cũng chính là cùng một vị tổng thống đã dành tặng lời khen – thậm chí là còn ít ỏi hơn cả Adolf Hitler – cho vận động viên người Mỹ gốc Phi châu Jesse Owens khi ông này dành được bốn huy chương vàng ở Thế vận hội Olympics Berlin năm 1936.

Tất cả những chương trình xã hội của chính sách Kinh tế Mới của Roosevelt đã được đo ni đóng giày cho nền chính trị ngập ngụa trong tinh thần kỳ thị chủng tộc của phe đảng Dân chủ miền Nam Hoa Kỳ.

“Những kẻ phân biệt chủng tộc sẵn sàng ủng hộ Cơ quan liên bang TVA – Tennessee Valley Authority – nhưng với điều kiện chỉ có các cộng đồng người Mỹ da trắng là nhận được nguồn điện giá rẻ từ TVA. Tương tự, người Mỹ gốc Phi bị gạt ra khỏi các chính sách lương tối thiểu và phúc lợi dành cho những người lao động ở nông thôn và người giúp việc.”

Cái giá của sự thật

Sự thật rất quý báu vì nó giúp chúng ta học được nhiều bài học phức tạp hơn từ quá khứ. Một bản đánh giá toàn vẹn về Roosevelt sẽ nói lên được những mối nguy hại khi chỉ cổ xúy công bằng xã hội mà chậm trễ thúc đẩy công bằng chủng tộc.

Một sự hiểu biết sâu sắc hơn về Lincoln sẽ không chỉ bóc trần được hình ảnh của một con người, không phải là hiện thân của Thượng đế, và là một kẻ “Giải phóng vĩ đại” chuyên tâm – mà chính là quá trình làm điều này sẽ mang lại cho nhận thức đang dần thay đổi của chúng ta một bài học vô giá.

Nếu mục đích của chúng ta là học hỏi từ những con người mà bằng một cách nào đó, đã vượt lên trước thời đại của họ, thì chúng ta càng nên đối xử với họ như những con người bình thường.

Nếu họ là những kẻ mang trên mình quyền lực chính trị, thì nếu giả định là họ đã làm ra những hành vi vô đạo đức ở tại một thời điểm nào đó – thì chúng ta cần phán xét là họ có tội cho đến khi họ chứng minh rằng bản thân vô tội. Lòng hoài nghi là cần thiết, và nó hoàn toàn khác với thói đa nghi. Bởi vì chỉ có lòng hoài nghi mới có thể giúp chúng ta thật sự trân trọng những nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại – bằng việc biến họ trở lại thành những con người.

Không cần biết một cá nhân đã đạt được những thành tựu to lớn đến mức nào đi nữa, thì họ vẫn có những khiếm khuyết nhất định. Những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử không đến từ bất kỳ một người nào, mà đến từ sức mạnh của tập thể – những phong trào công đoàn, nữ quyền, phản chiến, đòi quyền bầu cử.

Cho dù vô cùng tri ân những cá nhân lãnh đạo đã hướng dẫn và trợ giúp người dân trong các cuộc đấu tranh lịch sử, chúng ta không thể để vinh quang hào nhoáng của họ làm lu mờ đi hàng triệu con người khác – những người đã hy sinh mỗi ngày, chiến đấu trong muôn vàn cuộc đối đầu để đạt được rất nhiều thắng lợi.

Tôi nghĩ không có ai có thể nói lên hết ý này hay và sâu sắc cho bằng người đã từng đại diện đảng Xã hội Chủ nghĩa Mỹ đi tranh cử tổng thống năm lần, nhà hoạt động công đoàn Eugene Debs:

“Tôi không muốn bạn đi theo tôi hay đi theo bất kỳ ai khác. Nếu bạn đang tìm kiếm một ông Thánh Moses dẫn dắt bạn rời khỏi vùng đất tư bản hoang dã này, thì bạn hãy cứ ở yên đấy. 


Tôi sẽ không dẫn bạn tiến vào Miền đất hứa ngay cả khi tôi có thể làm điều ấy, vì nếu tôi đưa bạn vào – thì một ngày nào đó – một kẻ khác cũng có thể dắt bạn ra khỏi đó”.

(Nguồn: Luật Khoa)

Trí Nhân Media


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét