Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HÀ NỘI BẮN VÀO QUÁ KHỨ BẰNG SÚNG GÌ ?

Phạm Xuân Nguyên
12-05-2013

Hà Nội đang có sự “dị ứng” đối với các di tích lịch sử, văn hóa tại thủ đô

Đầu tiên là chuyện đàn Xã Tắc. Cách đây dăm năm khi làm đường Kim Liên mới, giới khảo cổ học đã khai quật được một khu vực có thể là đàn tế trời đất từ thời Lý. Giải pháp được chọn khi đó là chưa mở rộng khai quật, tạm lấp cát hố đã đào, xây một cảnh quan và đặt một phiến đá đánh dấu ngay trên con đường mới mở. Việc đó có nghĩa là đến một lúc nào đấy giới khảo cổ lại có thể tiếp tục khai quật vùng đất này để tìm kiếm và khẳng định có thật đây đúng là đàn Xã Tắc từ thời Lý không.

Khi đó không ai, cả giới quản lý và giới khoa học, nghĩ là sẽ phải giải tỏa giao thông ở khu vực này một lần nữa vì đã có thêm một con đường mới. Đây chính là nguyên nhân đã làm bùng ra cuộc tranh luận hiện nay giữa bảo tồn và phát triển khi một dự án cầu vượt qua nút giao thông Kim Liên – Ô Chợ Dừa của Hà Nội được phép thi công sẽ đụng chạm đến di tích. Nguyên nhân là sự thiếu quy hoạch xây dựng, thiếu một tầm nhìn xa trông rộng, thiếu một sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Một thành phố lớn, lại là thủ đô, mà quy hoạch giao thông cũng như xây dựng đô thị chỉ mới năm năm đã phải thay đổi, sửa chữa.

Cuộc tranh luận về đàn Xã Tắc và cầu vượt giữa giới khảo cổ và ngành giao thông vẫn chưa ngã ngũ nhưng cũng đã cho thấy những bất cập, hạn chế trong nhận thức và cách xử lý của các nhà quản lý đô thị của ta hiện nay, không riêng gì ở Hà Nội.

Làng cổ Đường Lâm trước thuộc Hà Tây nay thuộc Hà Nội lại gây rúng động vì lá đơn của hơn sáu chục hộ dân ở làng đòi trả di tích. Lý do là vì luật bảo tồn nên dân không được xây cất, sửa chữa nhà cửa chật chội ngay trên mảnh đất của mình, ngay nơi mình sinh sống đã nhiều đời. Được công nhận di tích thì tự hào, vinh dự nhưng sống trong lòng di tích, sống bằng di tích như thế nào thì người dân không được chính quyền hướng dẫn, tạo điều kiện. Thế là lợi ích dân sinh và lợi ích văn hóa va chạm nhau. Cái quá khứ đáng trân trọng nhưng hiện tại là người ta phải sống cái đã. Khổ quá, không chịu được nữa, người dân kêu. Ông xã, ông huyện giải tỏa nhà cải tạo, sửa chữa của dân cũng thấy bức xúc, không phải với dân. Trong khi đó, các cấp quản lý cao hơn thì không có một quy hoạch, một kế hoạch rõ ràng cho người dân sống và phát huy giá trị, lợi ích của di tích của chính mình. Thí dụ như phải có một làng Đường Lâm mới giãn dân ra, từ đó làng Đường Lâm cổ mới có không gian cho di tích được bảo tồn và phát sáng.

Chùa Một Cột từ lâu đã thành biểu tượng của Hà Nội và đất nước. Nhưng biểu tượng thì đó vẫn là một vật thể bằng gạch ngói, tre gỗ, không thể trụ mãi với thời gian mưa nắng, với tác hại xâm thực và hủy hoại của môi trường. Ngôi chùa nhiều năm qua đã trong tình trạng hư hỏng nhiều, xuống cấp nhiều, cứ nhìn cảnh tượng trong chùa phải đội nón tránh dột những ngày mưa thì đủ rõ. Các sư ở chùa thấy, các tăng ni, Phật tử vào chùa thấy, các khách thăm chùa thấy nhưng có vẻ như các quan sở tại không thấy hoặc giả có thấy nhưng cho là chuyện nhỏ, chuyện thường, chuyện không cấp bách. Nhìn tượng đội nón ngồi trên tòa sen mà không chối mắt! Nghe nói đã có một dự án trùng tu lại chùa cách đây năm năm nhưng năm năm qua chỉ mới làm vài cuộc hội thảo, nghĩa là dự án chỉ cứ trên giấy, trong khi tượng cứ bị thấm dột, mái chùa cứ bị xô ngói, cột kèo cứ bị mối mọt khoét rỗng. Sư trụ trì chùa đã gửi đơn nhiều lần mà không thấy động tĩnh gì. Cho đến lần này sư lại gửi đơn thống thiết kêu và tỏ thái độ kiên quyết nếu chính quyền không làm thì nhà chùa sẽ làm, vụ việc mới bùng ra. Nhưng hỡi ôi, chùa hỏng đến nơi, mà nghe ý kiến của một vị chức sắc thì vẫn cứ là “hãy đợi đấy”. Đã năm năm trôi qua, còn đợi đến khi nào?

Tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác nếu hiện tại anh bắn quá khứ bằng súng lục! Nhưng kiểu dị ứng với đàn Xã Tắc, làng Đường Lâm, chùa Một Cột thế này thì Hà Nội đang bắn vào quá khứ bằng súng gì?

PLTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét