Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHIẾN DỊCH NĂM 1979: CHIẾN TRANH KHÔNG QUY ƯỚC

Edward C. O’Dowd
Marine Corps University, Quantico
Ngô Bắc dịch
09.04.2012

Tách ra khỏi sự ồn ào và hỗn độn của cuộc chiến giữa các lực lượng quy ước của QĐGPNDTQ và QĐNDVN, cả hai bên đều đã thực hiện các chiến dịch chiến tranh phi quy ước dữ dội và mãnh liệt.  Các hoạt động này bao gồm từ việc phái các kẻ đột kích và các nhân viên tình báo vượt qua biên giới đến sự khai triển và điều khiển các phong trào du kích quy mô.  Chúng dàn trải chiến tranh từ biên giới Trung-Việt đi xa và đặt cơ bản cho cuộc xung đột tiếp tục ít nhất hơn mười năm nữa.

Trong năm 1979, biên giới Trung Quốc – Việt Nam được bỏ trống nhiều nơi.  Các nhóm bộ tộc người Thái (Tai), Nùng, Dao (Yao), và Mèo (Hmong) thường qua lại giữa các ngôi nhà thuộc đại gia đình mở rộng của họ, và các nhà mậu dịch Việt Nam (Kinh), Lào, và Trung Quốc di chuyển qua lại biên giới để kiếm tiền.  Biên giới cũng không phải là một rào cản đối với các nhân viên tình báo và các nhân viên của các hoạt động đặc biệt 109 của bên này hay bên kia.

Phía Việt Nam đã thực hiện các hoạt động đột kích và tình báo băng ngang biên giới kể từ trước khi có chiến dịch 1979 và kiên trì theo đuổi chúng xuyên qua cuộc chiến.  Mục đích của các hoạt động này là làm chậm trễ và quấy rối bên tấn công.

Đơn Vị 35218 Trung Quốc đã ghi nhận rằng phía Việt Nam có một loạt các công tác nhất quán mà họ đã thực hiện tại khu vực hoạt động thuộc đơn vị Trung Quốc.  Theo Ban Chính Trị của Đơn Vị 35218, phía Việt Nam đã thực hiện các cuộc đột kích sử dụng các nhóm nhỏ binh sĩ trà trộn vào dân chúng địa phương và tìm cách thu thập tin tức hay quấy rối các hoạt động của QĐGPNDTQ.  Các người xâm nhập tiến vào lãnh thổ Trung Quốc vào buổi tối để quan sát các sự bố trí quân sự, đôi khi cũng phá hoại các đồn chỉ huy và các căn cứ tiếp liệu. 110 Các sự xâm nhập của Việt Nam này diễn ra một cách thường xuyên đủ để cho các ban chính trị của các đại đơn vị Trung Quốc – các phòng tham mưu chịu trách nhiệm về an ninh của các khu vực bén nhạy nhất thuộc đơn vị -- ghi nhận các bài học lĩnh hội được từ các nỗ lực của chúng để đối đầu với các sự xâm nhập.

Báo chí Trung Quốc cũng tường thuật về các sự xâm nhập và nhận thức đầy đủ về bản chất và tần số của các vụ băng qua biên giới đến mức đôi khi tường thuật lại nhiều biến cố trong một bài báo duy nhất, thí dụ, Tân Hoa Xã đã tường thuật hôm 2 Tháng Ba, 1979, rằng các kẻ xâm nhập Việt Nam đã bị bắt giữ khi băng ngang vào tỉnh Quảng Tây vào các ngày 17, 24, và 27 Tháng Hai, và 2 Tháng Ba. 111 Đơn Vị Trung Quốc 53701 chịu trách nhiệm về việc phòng vệ bảy chiếc cầu mà Trung Quốc đã xây dựng ngang qua sông Zuo River ở Shuikouguan (trong tiếng Việt là sông Bằng [?]) báo cáo nhìn thấy các kẻ xâm nhập tại vùng phụ cận các chiếc cầu hai mươi lần chỉ riêng trong một tháng. 112 Gần Cao Bằng (trong tiếng Hán là Gaoping), Đơn Vị 33970 còn đối diện với một sự đe dọa từ các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Việt Nam, báo cáo rằng trong ba mươi mốt vụ riêng biệt, nó đã đánh nhau với các kẻ phá hoại Việt Nam đang tìm cách tấn công các chiếc cầu bắc qua sông của thành phố.  Đơn vị tuyên bố rằng nó đã hạ sát năm mươi sáu kẻ đột kích này mà không chịu tổn thất dù chỉ một binh sĩ Trung Quốc duy nhất. 113

Phía Việt Nam cũng đã tấn công các mục tiêu “có giá trị cao” quan trọng khác.  Khi KQ/QĐGPNDTQ đặt một đơn vị radar trên Đỉnh Punian Ridge gần Hữu Nghị Quan, thí dụ, phía Việt Nam đã cố bằng mọi cách triệt hạ trạm radar này ra khỏi cuộc chiến, phóng ra các cuộc tấn công pháo binh và trên đất liền vào trạm trong ban ngày và các cuộc đột kích phá hoại vào ban đêm.  Trạm bị loại ra khỏi sự hoạt động bởi pháo binh vào ngày 22 Tháng Hai.  Khi đơn vị được sửa chữa, các cuộc tấn công của Việt Nam được tái diễn. 114

Mặc dù thông tin cung cấp thì sơ sài, biểu thị hay nhất cho sự sẵn lòng của Việt Nam để mang chiến tranh đến các khu vực hậu phương của Trung Hoa là một cuộc đột kích mà nó đã thực hiện tại phi trường Ninh Minh (Ningming) trong tỉnh Quảng Tây, cách xa biên giới tròn bốn mươi cây số.  Vào ngày 1 Tháng Ba, 1979, “các nguồn tin thông thạo Việt Nam” có nói với các thông tín viên của Pháp Tân Xã (Agence France Press: AFP) tại Hà Nội rằng, không lâu sau khi cuộc xâm lăng được phóng ra hôm 17 Tháng Hai, phía Việt Nam đã thực hiện một cuộc đột kích “cảm tử” vào lãnh thổ Trung Quốc.  Theo AFP, Tân Hoa Xã của Trung Quốc xác nhận có một cuộc đột kích tại Huyện Ninh Minh, và có thể là vào phi trường. 115

Phía Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động đột kích và tình báo tương tự, với các mục tiêu song hành là tạo lập các mạng lưới gián điệp để báo cáo về các hoạt động quân sự và sự cấu kết chính trị của Việt Nam cùng quấy rối sự yểm trợ tiếp vận của các đơn vị Việt Nam đang ngăn chặn cuộc tiến quân của Trung Quốc. 116 Sự thành công của các hoạt động này thì đáng tra vấn.  Sư Đoàn Xe Vận Tải 571, một trong những đơn vị tiếp vận chính yếu yểm trợ cho các lực lượng Việt Nam trong cuộc xung đột, đã không được đề cập, trong lịch sử chính thức của nó, đến một cuộc tấn công duy nhất bởi quân đột kích Trung Quốc. 117 Khi quân xâm nhập Trung Quốc bị khám phá, tuy nhiên, sự đáp ứng của Việt Nam thì không nhân nhượng.  Huyện Khu Quân Sự Vân Nam, trong cuộc chiếm đóng ngắn ngủi của nó các làng xã Việt Nam ngang qua biên giới, đã thực hiện công tác chính trị sâu rộng trong số các dân tộc ít người tại các ngôi làng đó, với hy vọng phát triển các nhân viên để báo cáo tình hình sau khi quân Trung Quốc rời khỏi, nhằm thực hiện các hành vi phá hoại và tổ chức các cuộc đột phá du kích. 118 Sau khi các cán bộ chính trị Trung Quốc rút lui, phía Việt Nam đã bắt giữ và hạ sát các gián điệp của Trung Quốc. 119

Trong khi các hoạt động chiến tranh phi quy ước của Việt Nam phần lớn có tính chất chiến thuật, các hoạt động của đối phương Trung Quốc của họ giáp ranh với công tác chiến lược.  Mục tiêu chính trị của Bắc Kinh trong việc phóng ra chiến dịch 1979 là để khuyến dụ Việt Nam rút khỏi Căm Bốt, và để đạt được mục đích này, nó đã hỗ trợ chiến dịch quân sự chính bằng một số các sáng kiến về chính trị, ngoại giao, và ít tính chất quân sự hơn.

Tìm cách gia tăng áp lực quân sự trên Việt Nam, thí dụ, Trung Quốc đã phóng ra hay tái dựng một loạt các phong trào du kích khắp Đông Dương.  Mục đích của các phong trào này là để cột chân quân đội Việt Nam và để xói mòn sức mạnh chính trị của chính quyền Hà Nội và các đồng minh của nó tại Việt Nam, Lào và Căm Bốt.

Trong các thập niên 1970 và 1980, Bắc Kinh đã cung cấp sự trợ giúp chính trị và quân sự cho phe Khmer Đỏ trong cuộc kháng cự của nó chống lại sự chiếm đóng của Việt Nam tại Căm Bốt.  (Tương tự, Thái Lan và Hoa Kỳ đã ủng hộ phe kháng chiến không cộng sản tại Căm Bốt trong thập niên 1980). 120 Thỉnh thoảng làm việc xuyên qua đồng minh Thái Lan của nó, Bắc Kinh cũng ủng hộ, chỉ đạo, hay vận dụng nhiều hoạt động du kích khác mà nó hy vọng sẽ cột chân và làm suy yếu Việt Nam.  Một số trong các cuộc chiến tranh này có niên đại trước chiến dịch 1979 và đã có các nguồn gốc của chúng trong các tập đoàn, chẳng hạn như FULRO (Le Front Unité de Lutte des Races Opprimées), vốn đã chống đối chính phủ Sàigòn trước khi có sự sụp đổ của nó trong năm 1975. 121

Các nhóm tham chiến khác, chẳng hạn như cuộc nổi dậy của người Hmong tại Lào, có các căn nguyên của họ từ các mưu tính của Mỹ để tạo lập ra một cuộc kháng chiến chống lại Hà Nội trong thời Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhì. 122

Và trong một ít trường hợp, chẳng hạn như cuộc kháng chiến của Mặt Trận Thông Nhất [Quốc Gia] Giải Phóng Việt Nam [chỉ Mặt Trận của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, được thành lập trong năm 1982, chú của người dịch], các chiến sĩ là các phần tử còn sót lại của quân đội Nam Việt Nam cũ, được tái dựng bởi các người tỵ nạn lợi dụng áp lực mà cuộc xâm lăng của Trung Quốc đang áp đặt lên giới quân sự Việt Nam. 123 Các nhóm du kích này cột chân tạm thời một số binh sĩ Việt Nam, nhưng chung cuộc chúng đã không bao giờ có thể chuyển hóa để trở thành các cuộc nổi dậy quần chúng sâu rộng.

TIẾP VẬN

Trong suốt chiến dịch 1979, nỗ lực của Trung Quốc bị khốn khổ vì các khó khăn tiếp vận kinh niên.  Các đơn vị thường xuyên ghi nhận rằng chúng bị đòi hỏi phải hoạt động mà không có thực phẩm và nước uống.  Ngay Tổng Cục Chính Trị, vốn luôn luôn có thể được tin cậy để phủ một lớp sơn hào nhoáng che đậy bất kỳ vấn đề gì, đã nhìn nhận rằng quân đội đã có các khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu của nó về lương thực. 124 Thí dụ, ba ngày sau khi cuộc xâm lăng khởi sự, 150 người của Đại Đội 3 Đơn Vị 53203 QĐGPNDTQ bị cắt xuống chỉ còn một tổng số, cho toàn đại đội, tám phần ăn cá nhân.  Các sự tình toán của Cơ Quan Tình Báo Quân Đội Hoa Kỳ cho thấy rằng đơn vị phải có trong tay hơn 1,000 khẩu phần vào thời điểm đó trong cuộc hành quân. 125 Nhiều binh sĩ Trung Quốc cũng còn thiếu nước.  Cùng Đại Đội 3 Đơn Vị 53203 báo cáo rằng nó đã không còn nước vào đêm thứ nhì của chiến dịch, sau khi đi bộ mười tám cây số trong chỉ một đêm, các binh sĩ của nó bị khát đên nỗi họ đã liếm hạt sương đọng trên cỏ. 126

Các sự thử thách của Đơn Vị 53203 không phải là khác thường.  Còn có nhiều thí dụ trong các tập lịch sử đơn vị về các sự thiếu hụt going như trường hợp này, đến nỗi người đọc bắt đầu tin tưởng rằng cái đói và khát của các cá nhân người lính là một ẩn dụ cho một sự hy sinh lớn lao hơn của quân đội.  Thực sự, nhiều phần là QĐGPNDTQ đã phải gánh chịu một sự thất bại nặng nề của hệ thống tiếp vận của nó.  Trước tiên, nó đang chiến đấu trên xứ sở địch, nơi không có dân chúng thân thiện để cung cấp thực phẩm và nước uống, như đã từng xẩy ra trong Cuộc Nội Chiến Trung Hoa và Chiến Tranh Triều Tiên.  Thứ nhì, các cán bộ tiếp tế rõ ràng đã thất bại trong việc cấp phát các khẩu phần căn bản trước khi tấn công, bởi vì họ không có thể di chuyển các khẩu phần về phía trước một cách đủ nhanh chóng, bởi vì họ đã nghĩ cuộc chiến tranh sẽ kết thúc mau lẹ, hay bởi họ đã nghĩ các khẩu phần sẽ bắt kịp các binh sĩ đang tiến bước khi hoạt động chậm lại.  Và thứ ba, có thể là các binh sĩ đã vứt khẩu phần của họ đi khi áp lực chiến đấu, sự thiếu kinh nghiệm, và kỷ luật kém cỏi khiến họ tin rằng họ đã có các khó khăn lớn hơn để phải âu lo.  Kết quả thực sự, bất kể lý do ra sao, rằng các nhà tiếp vận đã thất bại để bảo đảm rằng Đơn Vị 53203 và nhiều đơn vị khác có các khẩu phần thực phẩm căn bản mà các binh sĩ cần đến.  Sự cung cấp nước ít nhất cũng tồi tệ như thế.  Các núi đồi của miền bắc Việt Nam trong mùa khô đơn giản đã không cung cấp nước mà QĐGPNDTQ ước định sẽ tìm thấy ở đó. 127

Ngược lại, hiếm có sự đề cập trong các tập sách lịch sử đơn vị của Việt Nam về việc thiếu thốn bất kỳ đồ tiếp liệu nào khác hơn đạn dược.  Được chỉ đạo bởi Bộ Tổng Tham Mưu, Sư Đoàn Xe Tải 571 ngay từ ngày 21 Tháng Tám, 1978, đã khởi sự thực hiện các chuyến đi tiếp tế đến các đơn vị của QĐNDVN thuộc Quân Khu Một và Quân Khu Hai.  Khoảng cuối năm 1980, sư đoàn đang yểm trợ binh sĩ Việt Nam tại Căm Bốt, Lào, và biên giới Trung Quốc.  Đơn vị đã vượt quá yêu cầu tiếp tế vùng biên giới phía bắc bằng việc hoàn thành 104 phần trăm nhu cầu trù liệu. 128

HÀ NỘI TRONG CHIẾN TRANH

Trong khi chiến dịch 1979 mở ra, Việt Nam, đàng sau bình phong quân sĩ mỏng manh của nó tại Lào Cai, Cao Bằng, và Lạng Sơn, đã mau chóng xây dựng một tuyến phòng thủ tương tự như tuyến phòng thủ đã chặn đứng Trung Hoa trong quá khứ: một phòng tuyến “Như Nguyệt”. 129 Trong năm 1077, Việt Nam đánh bại một đội quân Trung Hoa xâm lăng bằng cách giao tranh với một hành động làm trì hoãn và quấy rối mà sau cùng đã lui về các tuyến phòng thủ dọc sông Cầu (xem Bản Đồ 5).  Sông Cầu chảy từ tây bắc xuống tây nam ngang qua Châu Thổ sông Hồng, khoảng 30-40 cây số phía bắc Hà Nội.  Tại hướng tây bắc, con sông chảy qua khu vực bao quanh Thái Nguyên, giành được sức mạnh từ luồng nước đổ xuống của rặng núi Tam Đảo, một loạt các ngọn núi dốc, thấp, gần Hà Nội.  Con sông tiếp tục ngay ở phía bắc của Bắc Ninh, trước khi đổ vào phần thấp nhất của Châu Thổ sông Hồng.  Nếu nó có thể giữ vững bờ phía nam vủa con sông Cầu, phía Việt Nam lý luận rằng nó có thể chặn đứng QĐGPNDTQ khỏi việc đe dọa Hà Nội từ các chiến trường Cao Bằng và Lạng Sơn bởi các xa lộ chính (Xa Lộ 3, 1A và 1B) băng ngang con sông chỉ ở hai điểm: cầu Sóc Sơn và Bắc Ninh.  Chiến lược này đã thành công trong năm 1077, và Việt Nam nghĩ nó sẽ lại thành công trong năm 1979.

Để chấp hành chiến lược Như Nguyệt, phía Việt Nam trước tiên phải tại cấu trúc các lực lượng của họ. 130 Vào ngày 2 Tháng Ba, Bộ Tổng Tham Mưu tại Hà Nội đã thành lập Quân Đoàn 5 trong Quân Khu Một.  Quân Đoàn, bao gồm các Sư Đoàn 3, 337, 338, 327, và 347 và các đơn vị yểm trợ của chúng, được tạo ra từ các đơn vị đã có mặt tại hay gần Lạng Sơn. 131Giữa ngày 3 và 5 Tháng Ba, Quân Đoàn Thứ Nhất, bao gồm Sư Đoàn 320B, Sư Đoàn 338 (quay về sau khi công tác với Quân Đoàn 5), và Trung Đoàn 209 của Sư Đoàn 312, liên kết với các sư đoàn của Quân Đoàn 5 di chuyển chống lại quân Trung Quốc đang rút lui qua ngả Chi Mã và Đồng Mô [?]. 132 Từ Tháng Ba 1979 đến Tháng Bẩy 1979, Hà Nội đã tiếp tục tái cấu trúc quân đội của nó, thiết lập hay di chuyển bẩy quân đoàn đến chiến trường của các cuộc hành quân ở phía bắc. 133

Một ít các bộ đội này được di chuyển từ Căm Bốt, như Bắc Kinh đã hy vọng.  Thay vào đó, Hà Nội đã nới rộng chiến dịch trưng binh.  Vào ngày 5 Tháng Ba, Đảng Cộng Sản Việt Nam loan báo một loạt các tiêu chuẩn trưng binh mới, và các đảng ủy địa phương bắt đầu gạn lọc các người tình nguyện và các kẻ có thể bị trưng binh.  Đàn ông từ lứa tuổi 18 đến bốn mươi lăm và phụ nữ lứa tuổi từ mười tám đến ba mươi lăm hội đủ điều kiện về quân dịch.134 Nói cách khác, việc trưng binh đã sẵn được khởi sự.  Trong Tháng Hai, các thanh niên đã thi hành quân dịch được kêu gọi làm công tác lao động.  QĐNDVN giờ đây gửi các đàn ông này lên phía bắc.  Các lính trưng binh, phần lớn từ Hà Nội và Châu Thổ sông Hồng, đi chuyển đến các trại dọc sông Cầu để thi hành công tác cực nhọc nhằm xây dựng các phòng tuyến của Hà Nội.135

Việt Nam cũng cần các khí giới và trang bị để bù đắp với lợi thế khổng lồ của Trung Quốc về nhân lực và đã hướng đến Liên Bang Sô Viết xin giúp đỡ.  Giữa Tháng Tư và Tháng Bảy 1979, Sô Viết đã tái trang bị cho Sư Đoàn 308 của Quân Đoàn 1 và các đơn vị khác đồ trang bị mới, kể cả các xe chở binh sĩ bọc sắt 111 BMP-1. 136 BMP-1 là một bước tiến quan trọng trong các xe chở binh sĩ bọc sắt đến nay được cung ứng cho bên này hay bên kia.  Nếu Trung Quốc tái lập cuộc tấn công của họ vào Việt Nam, các chiếc xe này sẽ giúp phía Việt Nam di chuyển Sư Đoàn 308 và các thành phần khác của Quân Đoàn 1 ở tốc độ nhanh chóng quanh chiến trường.  Sô Viết cũng cung cấp thêm các cố vấn 137 cho các đơn vị nhận được các chiếc xe mới, và các cố vấn này được nghĩ đã dậy dỗ các khóa sinh của họ nhiều hơn cách thức tốt nhất để thay dầu nhớt hay sửa chữa một sự thiếu hụt bóng đèn điện.  Giả định, Sô Viết cũng giảng dậy cho Việt Nam các bài học về sự tiến quân trên bãi chiến của xe BMP-1 trong các cuộc chiến tranh Ả Rập – Do Thái năm 1973.

KẾT LUẬN

Chiến dịch 1979, ít nhất đối với QĐGPNDTQ, là một sự thất bại.  Trung Quốc đã phóng ra cuộc tấn công của nó trong một nỗ lực để buộc Việt Nam phải rút lui khỏi Căm Bốt.  Trung Quốc đã rút lui khỏi Việt Nam hôm 16 Tháng Ba, 1979, nhưng Việt Nam đã không rời khỏi Căm Bốt mãi cho đến năm 1989. [in đậm để làm nổi bật bởi người dịch]

Giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh đã tin tưởng rằng QĐGPNDTQ đủ mạnh để buộc Hà Nội chuyển hướng các lực lượng của nó ra khỏi sự chiếm đóng Căm Bốt, nhưng rõ ràng không phải như vậy.  Việt Nam có chuyển dời một số binh sĩ nhưng trưng binh nhiều hơn nữa, và QĐGPNDTQ đã không có ảnh hưởng gì hơn trên đời sống tại Việt Nam.  Trong chiến dịch của nó, với chủ định dậy dỗ Hà Nội rằng Việt Nam không thể duy trì các lực lượng quân sự của mình tại Căm Bốt, thay vào đó đã dạy cho phía Việt Nam rằng, ít nhất trong ngắn hạn, họ có thể yểm trợ một cách thoải mái cho các hoạt động quân sự không chỉ ở Căm Bốt, mà còn cả ở Lào và dọc biên giới với Trung Quốc.  QĐGPNDTQ đã tập họp một lực lượng khổng lồ và đã hoạch định một cuộc chién tranh “tốc quyết: quick decision”, nhưng nó đã hoàn toàn thất bại để tạo ra sự tiến triển chống lại một QĐNDVN nhiều kinh nghiệm hơn và được huấn luyện tốt hơn.

Trong Chiến Tranh Triều Tiên, một lực lượng QĐGPNDTQ với kích thước tương tự đã di chuyển xa hơn, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chống lại một lực lượng phòng vệ lớn hơn quảng đường mà nó di chuyển được trong hai tuần lễ chống lại quân Việt Nam ít ỏi hơn. 138 Hơn nữa, trong Tháng Mười Một 1950, QĐGPNDTQ đã thực hiện các sự tiến quân của nó chống lại các lực lượng được trang bị tốt hơn nhiều; trong năm 1979, đối thủ của nó tương đương nói chung trong lãnh vực kỹ thuật.  Các lực lượng hải quân và không quân của QĐGPNDTQ dậm chân tại chỗ, không ngành nào góp phần vào chiến dịch, và sự yểm trợ tiếp vận cho hoạt động trên đất liền thì yếu kém và lúc có lúc không.  Khi người lính QĐGPNDTQ cuối cùng quay trở về Trung Quốc hôm 16 Tháng Ba, 1979, hai sự việc hiện ra rõ ràng: QĐGPNDTQ đã thất bại như công cụ để giáo huấn; và, nếu phía Trung Quốc muốn tiếp tục cố gắng cưỡng buộc Việt Nam rời khỏi Căm Bốt, các sự thay đổi sẽ phải được thực hiện.  Cuộc chiến tranh theo học thuyết họ Mao chưa dứt, nhưng phía Trung Quốc đã được dạy cho một bài học quan trọng.

Trước khi tiến tới các biến cố theo sau chiến dịch 1979 của Trung Quốc tại Bắc Việt Nam, điều làm sáng tỏ hơn là khảo sát cặn kẽ cuộc chiến ở mức độ chiến thuật của các hoạt động.  Chương sách này đã mang lại cho người đọc một cái nhìn bao quát về chiến lược và các hoạt động mà phía Trung Quốc đã sử dụng trong chiến dịch.  Chương kế tiếp mang lại cho độc giả một cái nhìn sát cận hơn vào các vấn đề chiến thuật mà các cán bộ và lính trưng binh đối diện trong trận đánh quan trọng nhất của chiến dịch: Trận Đánh Lạng Sơn./-

                   
_____

CHÚ THÍCH

109. Các từ ngữ “sĩ quan tình báo; intelligence officer” và “sĩ quan đặc vụ: special operations officer” được dùng ở đây để bao hàm một cách rộng rãi vai trò của các sĩ quan chính trị của quân đội Trung Quốc và Việt Nam, những kẻ ngoài các hoạt động cho công tác chính trị để phát triển màng lưới nhân viên, cung cấp sự tiếp cận với vũ khí và đồ tiếp liệu, và huấn luyện các kẻ lãnh đạo trong dân chúng địa phương.  Quân đội Trung Quốc và Việt Nam trong năm 1979 đã không có lực lượng tương đương với “các lực lượng đặc biệt” của Tây Phương, nhưng họ có các binh sĩ thiện nghệ thực hiện các công tác đột kích và xâm nhập.  Bộ phận thường được người phương Tây gọi là “sappers:công binh”, các binh sĩ này được gọi bởi Việt Nam là “đặc công” và bởi Trung Quốc là “tegong dui: special work troops”).  Phía Việt Nam đã tổ chức lính đặc công của họ thành các đơn vị lớn đến cấp trung đoàn, được điều khiển bởi một bộ chỉ huy riêng biệt (Bộ Tư Lệnh Đặc Công).  Trung Quốc dường như không giao phó các tegong dui của họ cho một bộ chỉ huy riêng biệt nhưng thay vào đó lập ra các đại đội và tiểu đoàn thám thính gồm nhân viên cho công tác đặc biệt được giao phó cho các sư đoàn và quân đoàn.  Mặc dù các cục thứ nhì của các tổng cục của QĐNDVN và QĐGPNDTQ thi hành sự giám sát nhân viên của các hoạt động tình báo, phần lớn các sĩ quan thực hiện các hoạt động trên chiến trường có căn bản là các sĩ quan chính trị.

110. ZGJK-1, trang 216.   

111. Beijing Xinhua:  tin điện tiếng Anh phát thanh hồi 17:34 , ngày 2 Tháng Ba, 1979 GMT, được ghi lại trong FBIS  ngày 5 Tháng Ba, trang A-12.

112. ZGJX-1, trang 435.  

113. ZGJX-1, trang 63.

114. ZGJX-2, trang 304.

115. AFP (Agence France Press: Pháp Tấn Xã), Hong Kong, tin điện tiêng Anh phát thanh hồi 12:52 GMT, ngày 1 Tháng Ba, 1979.  Được ghi lại trong FBIS Vietnam, 1 Tháng Ba, 1979, trang K-5.

116. Nicholas Eftimiades, Chinese Intelligence Operations (Annapolis, Maryland: Naval Institute Press, 1994), trang 91.

117. Cục Khoa Học, Tổng Cục Hậu Cần, Lịch Sử Đoàn Ôtô 571, rải rác.

118.  ZGJX-1, trang 268.

119. ZGJX-1, trang 272.

120. Elizabeth Becker, When the War Was Over: Cambodia and the Khmer Rouge Revolution (New York: Public Affairs Books, 1998) rải rác.

121. Không đề tên tác giả, Sư Đoàn Sông Lam (The Lam River Division) (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 1984), trang 136.

122. Một ký giả Tây phương thăm viếng các trại tỵ nạn người Hmong tại Thái Lan trong năm 1991 tường thuật rằng người Hmong trước tiên tiếp xúc với Trung Quốc khi sự ủng hộ từ Hoa Kỳ đi đến sự chấm dứt (31 Thang Bẩy, 2001).  Cũng xem, FBIS, “Các Lính Chính Quy, Các Nhóm Chủng Tộc Vũ Trang do CHNDTQ huấn luyện tại biên giới Lào”, phần tin Việt Nam, ngày 15 Tháng Ba, 1979, trang K-6.  Bài báo trong FBIS nói đến người Mèo chứ không phải dân bộ tộc Hmong, nhưng hai danh xưng này được dùng thay thế cho nhau bởi người Việt Nam để chỉ cùng một nhóm chủng tộc (Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam, Atlas Địa Lý Việt Nam (Atlas of Vietnam) (Hà Nội: Trung tâm Nghiên Cứu Địa Dư, 1993), trang 9.

123. “A Spy Ring Organized by China and Thai Army Intelligence Uncovered: Một Ổ Gián Điệp Được Tổ Chức bởi Trung Quốc và Tình Báo Thái bị khám phá”, trong tờ Vietnam Courier, Tháng Hai 1985, trang 12.

124. ZGJX-1, trang 15.

125, Quyển Handbook of the Chinese Armed Forces của Cơ Quan Tình Báo Quân Đội Hoa Kỳ (DIA), nơi các trang 5-10, cung cấp các tính toán của DIA về yêu cầu khẩu phần chiến đấu của các đơn vị Trung Quốc.  Tình trạng khốn khổ của Đại Đội 3 Đơn Vị 53203 được tường thuật trong ZJGX-2, trang 49.  Theo sự ước lượng của DIA, các đơn vị Trung Quốc phải được cấp phát từ năm đến bẩy ngày khẩu phần chiến đấu trước khi hành quân (ở mức cuối của sự ước lượng này, bằng 2.250 khẩu phần cho một đại đội với quân số 150 người).  Ba ngày bước vào chiến dịch, Đại Đội 3 sẽ phải có ít nhất hai ngày khẩu phần còn lại.  Hoặc là đơn vị đã không được cấp phát phần chia căn bản của khẩu phần chiến đấu hay các binh sĩ của nó đã không tuân theo kỷ luật để mang chúng theo.

126. ZGJX-2, trang 48.

127. DIA, Handbook, trang 5-1.  Cơ Quan Tình Báo Quân Đội Hoa Kỳ đã tính toán rằng một sư đoàn QĐGPNDTQ cần đến 430 tấn đạn dược và hai mươi tấn khẩu phần mỗi ngày trong các thời kỳ chiến đấu nhiều, và 150 tấn đạn dược và hai mươi tấn khẩu phần cho các mức độ trung bình của sự chiến đấu trong một thời kỳ kéo dài.  Mỗi đơn vị chịu trách nhiệm về việc cung cấp nước uống của chính nó, điển hình sẽ kiếm nguồn ở địa phương.  Đơn vị 53203 là một thành phần của Quân Đoàn 42, một đơn vị thuộc Quân Khu Quảng Châu hẳn phải hay biết những gì được trông đợi trong các điều kiện thời tiết của miền Bắc Việt Nam.

128. Cục Khoa Học, Tổng Cục Hậu Cần, Lịch Sử Đoàn Ôtô 571, trang 265.      

129. Phía Việt Nam sử dụng các từ ngữ tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt và tuyến phòng thủ sông Cầu gần như thay thế lẫn nhau trong sự thảo luận về các hoạt động phòng thủ khu vực Hà Nội.  Một cách mỉa mai, tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt rất giống với chiến lược phòng thủ Trung Quốc nhằm “nhử địch quân tiền vào sâu” một danh hiệu đã giành được sự lưu truyền phổ biến trong thập niên 1970 khi được dùng như một khẩu hiệu của “chiến tranh nhân dân”trong đó CHNDTQ hứa hẹn sẽ tham chiến nếu Trung Quốc có khi nào lại bị xâm lăng.

130. Việt Nam đã di chuyển ba sư đoàn của Quân Đoàn 2 từ Căm Bốt lên biên giới phía bắc để phòng thủ chống lại các cuộc tấn công nữa của Trung Quốc.  Sự di chuyển này không có vẻ làm phương hại đến các hoạt động của Việt Nam tại Căm Bốt trong các năm 1979-90 (Phạm Gia Đức (biên tập), Lịch Sử Quân Đoàn 2, 1974-1994 (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 1994[1994], các trang 392-6.  Sư Đoàn Xe Tải 571 cũng chuyển hướng một phần trong nỗ lực của nó từ Căm Bốt lên biên giới phía bắc, nơi nó đã từng yểm trợ cho các đơn vị của QĐNDVN kể từ giữa năm 1978.  Sư đoàn này cùng lúc cũng hỗ trợ cho các hoạt động của Việt Nam tại Lào.

131. Viện Quân Sử Việt Nam, 55 Năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, trang 404.  Các thành phần của Sư Đoàn 318 ở lại với Quân Đoàn 5 được đổi tên thành Sư Đoàn 390.

132. Bộ Chỉ huy, Quân Đoàn 1 Việt Nam, Lịch Sử Quân Đoàn Một, 1973-1998 (History of the First Corps, 1973-1998) (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội, 1998), các trang 122-3.

133. Viện Quân Sử Việt Nam, 55 Năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, các trang 403-8.

134. Viện Quân Sử Việt Nam, 55 Năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, các trang 404-5.

135. Phỏng vấn của tác giả với một người Việt Nam có người anh (hay em) tham gia vào công việc xây dựng.

136. Bộ Chỉ huy, Quân Đoàn 1 Việt Nam, Lịch Sử Quân Đoàn Một, 1973-1998 , trang 123.

137. Bộ Chỉ huy, Quân Đoàn 1 Việt Nam, Lịch Sử Quân Đoàn Một, 1973-1998 , các trang 123-4.

138. Việt Nam có lực lượng tương đương với năm sư đoàn đối diện với mười quân đoàn Trung Quốc đã xâm lăng trong năm 1979.  Trong Tháng Mười Một 1950, ít nhất bẩy sư đoàn Hoa Kỳ và Đại Hàn Dân Quốc (Republic of Korea) (các Sư Đoàn Bộ Binh số 2, 24, và 25 của Hoa Kỳ, Sư Đoàn Kỵ Binh số 1 Hoa Kỳ, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 1 Hoa Kỳ, và các Sư Đoàn Bộ Binh số 1, 6, và 8 Đại Hàn Dân Quốc) đã đối diện với chín quân đoàn xâm lăng Hàn Quốc ((Trận liệt của Trung Quốc được rút ra từ quyển sách của tác giả Allen Whiting, China Crosses the Yalu, trang 122, và trận liệt của Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc Trong Chiến Tranh Hàn Quốc được lấy từ sách của tác giả T. R. Fehrenbach, This Kind of War: A Study in Unpreparedness (New York: Macmillan, 1963), các trang 320-1.



___

Nguồn: Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign, các trang 45-73; Chapter 5: The Battle of Lang Son, February – March 1979, các trang 74-88; Chapter 0: Conclusion: the legacy of an “incredible, shrinking war”, các trang 159-166.       

Ngô Bắc dịch và phụ chú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét