Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ÔNG LÊ HỒNG ANH VÀ QUAN HỆ VIỆT TRUNG

27-8-2014

Ngày 25/08/2014, truyền thông Việt Nam loan tin thường trực Ban Bí Thư, Ủy Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), ông Lê Hồng Anh với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc theo lời mời của Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ).

Trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ đang trở nên gần gũi, chuyến đi này của ông Lê Hồng Anh được tôi đánh giá là một bước quan trọng của Trung Quốc: Mời Việt Nam “nhằm thắt chặt lại quan hệ Việt-Trung” sau căng thẳng giàn khoan. Ông Lê Hồng Anh là ai và đi sang Trung Quốc để làm gì ?

Vài nét về ông Lê Hồng Anh

Là một ủy viên Bộ Chính Trị đứng thứ 5 sau “tứ trụ triều đình”, đang là Thường trực Ban Bí Thư Đảng CSVN, khu vực quyền lực sát với Bộ Chính Trị. Có ý kiến quan trọng với các Ban Tổ Chức, Ban Kiểm Tra, Ban Bảo Vệ Nội Bộ TW . Là người kín tiếng. Từ năm 2002 khi ông chuyển sang làm Bộ Trưởng Bộ Công An (tấn phong đại tướng nhiệm chức dù không là công an) truyền thông và người dân mới nhắc nhiều đến ông.

Ngành công an có những điểm nhấn chính trị quan trọng dưới thời ông Anh. Đó là các cuộc đàn áp giới bất đồng chính kiến trong suốt thời kỳ 2002-2010 dù có các chuyến thăm của các tổng thống Mỹ qua Việt Nam. Một sự kiện khác là sự ra đi đột ngột của 1 thứ trưởng an ninh tình báo, thượng tướng Thi Văn Tám (mất khi còn đương chức) Về an ninh chính trị, có thể thấy ông Lê Hồng Anh đã làm tốt công tác chỉ huy ngành công an của mình.

Sau khi rời khỏi Bộ Công An, ông Lê Hồng Anh phụ trách Thường trực Ban Bí Thư. Đây là bộ phận quyết các nhân sự quan trọng cấp vụ trưởng, cục trưởng trở lên của nhà nước. Sau khi Ban Tổ Chức Trung Ương đề cử và Ban Kiểm Tra Trung Ương xem xét, Ban Bí Thư sẽ phê duyệt rồi chuyển hồ sơ sang Chính Phủ tiếp nhận nhân sự. Vì thế mà khi dư luận chất vấn về việc Dương Chí Dũng bê bối ở Vinalines mà còn cho lên Cục Trưởng Cục Hàng Hải chính phủ đã trả lời “Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm hạn chế”.

Với thành tích như trên và tầm quan trọng như thế, nên việc ông Lê Hồng Anh được tín nhiệm của Tổng Bí Thư cử đi làm Đặc Phái Viên kỳ này, ta có thể thấy đó là hoàn toàn hợp tình, hợp lý để giúp gia tăng độ tin cậy nhau giữa phe bảo thủ thân Trung Quốc trong Đảng CSVN với đảng CSTQ, sau các biến động vừa qua.

Quan hệ Việt-Trung sẽ ra sao ?

Vì ông Nguyễn Phú Trọng phân công một Đặc phái viên có quá trình chính trị như vậy, nên tôi đánh giá rằng quan điểm của Tổng Bí Thư (có thể là quan điểm của đa số Bộ Chính Trị ?) là sẽ đưa quan hệ hai đảng trở lại thực chất là “quan hệ anh em” sau khi gọi Việt-Mỹ là “quan hệ hàng đầu”. Sự kiện quan trọng vậy mà Việt Nam Thông tấn xã (TXVN) chỉ công bố vẻn vẹn 4 giòng “Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 26 đến 27/8. Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Và tại sao là ông Lê Hồng Anh sang Trung Quốc, mà không phải người khác, có lẽ nó còn liên quan đến việc đoàn Ban Bảo Vệ Nội Bộ TW sang Trung Quốc “học tập và nghiên cứu” vào tháng 6/2014 vừa qua. Khi đó còn có những phát biểu “chống tham nhũng” và “bỏ phiếu tín nhiệm” của ông Nguyễn Phú Trọng. Từ đó, chúng ta có thể hỏi: phải chăng để củng cố lại “quan hệ anh em”, ông Lê Hồng Anh đi để chuẩn bị cho việc áp dụng “chiến dịch đập ruồi đả hổ” giống như Trung Quốc ?

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: “Chuyến đi là nhằm trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc”. Tại sao thông báo của Bộ Ngoại giao lại nói rõ mục đích của chuyến thăm, trong khi TTXVN thì không?

Ông Lê Hồng Anh đi theo kênh hai đảng, không phải theo kênh ngoại giao chính thức, không hiểu sao Bộ Ngoại Giao lại công bố chi tiết về chuyến đi này? .Trong phát ngôn của ông Lê Hải Bình có nói ra bốn chữ “ổn định lâu dài”, là một phần trong 16 chữ vàng. Phải chăng phe chính quyền muốn cảnh báo nhân dân về việc ông Lê Hồng Anh đi để khởi động lại “16 vàng 4 tốt”, đang còn bị chôn vùi dưới chân giàn khoan HY-981 và các tàu cá Việt Nam bị chìm ?

Theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, chuyến đi nhằm thúc đẩy quan hệ hai đảng CSVN và đảng CSTQ theo nguyện vọng của nhân dân hai nước”.

Phía Trung Quốc có tuyên bố “ngày 15/9 sẽ công bố các tài liệu liên quan đến Công Hàm 1958”. Phía Việt Nam cũng vẫn còn trong tư thế “chuẩn bị kiện”. Phải chăng vì phía hai đảng đang áp dụng các tinh thần mật ước của Hội Nghị Thành Đô ( và các mật đàm khác) nên hai bên “ghìm nhau”. Nay khởi kiện thì Trung quốc sẽ công bố ra các mật ước này? Công hàm 1958 đã được công khai, nhưng chỉ là nhỏ so với những mật ước khác. Trong bối cảnh đó, phải chăng chuyến đi này nhằm đạt thỏa thuận: sẽ nhân nhượng nhau, “Trung Quốc đừng công bố và Việt Nam không kiện”, để giữ uy tín cho cả hai đảng “anh em”? Nhân dân có quyền nghi ngờ và đặt ra những câu hỏi như thế cho đến khi nào các mật ước giữa hai đảng (chắc chắn đã có) được bạch hóa, như nhiều người gần đây đã công khai đòi hỏi.

Mèo vẫn hoàn mèo ?

Có vẻ như tinh thần Hội Nghị Thành Đô sẽ lặp lại nếu ở Đại Hội Đảng 12 khi phe bảo thủ thân Trung Quốc nắm lại vững quyền lực. Và nếu trước và sau Đại Hội, chiến dịch “đả hổ đập ruồi” sẽ được Ban Bảo Vệ Nội Bộ TW triển khai theo mô hình của Trung Quốc ? Đó là những gì chúng ta cần quan tâm lo lắng theo dõi sau chuyến đi này

Nhân dân Việt Nam sẽ còn phải lo lắng không yên khi mà các bước đi ngoại giao đối ngoại của phe bảo thủ sang Trung Quốc nhằm mục đích “ổn định lâu dài”, một khẩu hiệu không có ý nghĩa tốt lành từ trước và sau “vụ giàn khoan”. Phe cải cách trong đảng cần nhanh tay hành động trước khi quá trễ, không thể để dư luận tiếp tục đánh giá là “nói nhiều làm ít”, như ông J. McCain cũng phải thúc giục: “Chúng ta phải nhanh lên”.

Liệu lần này “quan hệ hàng đầu” Việt-Mỹ vẫn đứng sau “quan hệ anh em” Việt-Trung như những tiền lệ trước, do nhiệt tình hành động của phe bảo thủ và sự chậm trễ của phe cải cách? Phải chăng toàn dân chúng ta nên nghĩ ra và bắt tay vào làm gì đó để nhanh chóng khởi động được một con đường dẫn đến dân chủ pháp trị, trước khi quá tụt hậu? Có dân chủ pháp trị, có chính quyền minh bạch thì đoàn kết dân tộc mới thực hiện được, từ đó mới thoát Hán thuộc, mới giải phóng và thăng hoa được dân tộc, đủ sức tồn tại và cạnh tranh trong một thế giới phẳng đang hình thành.

Có khi nào một vở kịch đàn áp dân chủ, bắt bớ người chống bành trướng Trung Quốc sẽ lại diễn lại khi một trong những tác giả của nó ở giai đoạn 2002-2010 là ông Lê Hồng Anh bước trở ra sân khấu, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang lấn lướt ngoài Biển Đông và Việt Nam phải bồi thường một khoản tiền lớn cho vụ Bình Dương-Vũng Áng?


Việt Nam Thời Báo Facebook



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét