Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




PHIM VƯỢT SÓNG - JOURNEY FROM THE FALL

Thy May đưa lên YouTube
10-05-2011

TNM: Phim Vượt Sóng (Journey from the Fall - Hành Trình từ Sự Sụp Đổ) do Trần Hàm (người Mỹ gốc Việt) là đạo diễn, Nguyễn Lâm phụ trách sản xuất cùng sự đóng góp của các diễn viên như Kiều Chinh (vai bà nội), Nguyễn Long (vai Long), Diễm Liên (vai Mai, vợ Long), Nguyễn Thái Nguyên (vai Lai) và Mai thế Hiệp (vai Thanh, bạn Long) - là một bộ phim nói về tù nhân trong các trại  tù cải tạo cùng cảnh vượt biển tìm tự do của người Việt sau biến cố 30-04-1975.





Diễm Liên trong phim Vượt Sóng
Đinh Lang
10-05-2012

LỜI TÁC-GIẢ: Đây là chuyện hoàn-toàn có thật,đã xảy ra trong gia-đình chúng tôi vào những năm 1975-1976, và mãi đến bây giờ (30 năm sau) mới được kể lại.Tôi xin viết ra đây để gọi là tạ ơn Thu-Liên, người vợ thân-thương nhất của tôi,và cảm ơn các con tôi đã hy-sinh tất cả cho tôi trong suốt thời-gian tôi đi tù cải-tạo. Đó cũng là điều mà vợ con tôi vẫn thường nhắc-nhủ với nhau là “Thôi,hãy cố gắng …quên đi!”

Trong bài phỏng vấn nữ ca sĩ DIỄM LIÊN với tựa đề: ” Đạo diễn Hàm Trần đã tìm ra người đóng vai Vợ Người Tù Cải Tạo cho Phim JOURNEY FROM THE FALL”, đăng trên nhật báo NGƯỜI VIỆT, tác giả Đỗ Tăng Bí đã viết một câu như sau:

“Cuốn phim đã như một thiên anh hùng ca vinh danh những người vợ tù cải tạo, những phụ nữ mãi mãi sau này chúng ta còn phải mang ơn…”

Thú thật là sau khi đọc câu này,tôi rất xúc động,và có lẽ không chỉ riêng một mình tôi mà tất cả những người đã từng trải qua những năm tháng ở tù trong những trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc cũng đều có những nỗi-niềm riêng tư, và cũng xúc động như tôi.

Tôi cũng không quên cảm ơn tác-giả đã có vài dòng nhắc đến tên tôi, khi nói đến thân phụ của Diễm Liên, người đã được chọn đảm-trách vai trò ”Vợ Người Tù Cải Tạo” trong phim JOURNEY FROM THE FALL , mà theo tôi nghĩ, đó là một vai diễn khó khăn nhất trong đời của Diễm Liên. Bởi vì chung quanh chúng ta đang có hàng triệu người phụ nữ Việt-Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới đã là “Vợ của Người Tù Cải-Tạo” trong một thời gian kéo dài cả mấy chục năm đằng đẵng. Và có người đến bây giờ vẫn còn phải tiếp-tục đi nuôi chồng đang ở tù cải-tạo…

Vậy thử hỏi với lứa tuổi mới lớn lên,và trưởng thành trên nước Hoa-Kỳ như biết bao thanh thiếu niên Việt Nam tỵ nạn khác ở hải ngoại, liệu Diễm Liên, con gái của tôi, có làm nổi cái vai trò của những người “Vợ Người Tù Cải Tạo,Những Phụ-Nữ Mà Mãi Mãi Sau Này Chúng Ta Còn Phải Mang Ơn…” như ông đã viết hay là sẽ làm khán-giả thất-vọng!

Vì ông đã nhắc đến cái tên ”nhà báo Đinh-Lang” khi nói về thân phụ của Diễm Liên, cho nên thú-thật với ông, chính ông đã vô tình làm cho tôi gợi nhớ đến cái dĩ vãng của cuộc đời tôi, mà tôi tưởng như đã quên từ lâu, cái thời kỳ mà tôi còn là một cậu học sinh trường Trung-Học Chu Văn An ở SàiGòn cách đây khoảng 45 năm. Lúc mà tôi mới chỉ là một chàng trai chưa đầy 20 tuổi.

Ngày đó, chúng tôi gồm một nhóm nam nữ học-sinh còn rất trẻ (có lẽ còn trẻ hơn Hàm Trần và Diễm Liên bây giờ), nghĩa là cả bọn chúng tôi chưa đứa nào qua cái tuổi vào đời cả. Chúng tôi đều đang còn đi học ở trường Trưng Vương và trường Chu Văn An (Sài-gòn). Tất cả chúng tôi đều say mê viết báo, làm thơ, viết văn. Chúng tôi không có cái may mắn có sẵn một chỗ đứng trong nghề làm báo như các ông nhà báo chuyên nghiệp thời bấy giờ, mà chỉ là những học trò thích thú được theo cái nghề làm báo có nhiều bạc bẽo mà thôi.

Nhóm văn nghệ của chúng tôi gồm có: Lê Đình Điểu (tức nhà báo & nhà thơ Y Dịch, anh đã mất cách đây vài năm ở Mỹ), Ngô Thế Phương (tức thi-sĩ Hoài Ngô, hiện đang ở VN), Phạm Nga, tức nhà văn Bích Huyền (hiện đang phụ trách Chương-Trình Thơ & Nhạc của Đài VOA), Nguyễn Đức Nam (nay là chủ nhiệm Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới ở vùng Hoa-Thinh-Đốn), Ngọc Hoài Phương (Chủ Nhiệm & Chủ bút Báo Hồn Việt ở Cali), Hồng Thuỷ (là nhà văn nữ ở vùng Đông Bắc Hoa-Kỳ), Hương-Kiều-Loan v..v..

Và đặc-biệt trong nhóm chúng tôi còn có một cô bé nhỏ tuổi nhất bọn (mới 14 tuổi) tên là Phạm thị Lệ Mai. Mai lúc nào cũng mặc chiếc váy đầm ngắn cũn-cỡn, để lộ cặp giò to tròn thời con gái nên bọn tôi vẫn gọi đùa là “Mai chân voi”. Cô bé này cũng viết báo và lấy tên thật của mình là Lệ Mai làm bút-hiệu. Lệ Mai ngày đó chính là nữ ca sỉ Khánh-Ly bây giờ. Còn tôi thì lấy bút hiệu Đinh Lang, chuyên viết các bài về phóng sự. Cũng nhờ viết bài phóng sự dài ”Trên Vỉa Hè Bô-Na” đăng trên phụ trang SVHS Ngôn Luận ngày đó mà tôi đã có dịp được xâm nhập vào xã hội đen của Sàigòn thời bấy giờ để viết báo.

Sở dĩ tôi chọn cái bút hiệu Đinh Lang là vì ngày đó mẹ tôi rất thích đọc "Truyện Đồi Thông Hai Mộ", truyện dài bằng thơ này mở đầu bằng câu thơ rất dễ thương:

"Anh Đinh Lang giờ đây đâu nhỉ?
Anh của em yêu quý nhất đời…."
"Anh đi mù mịt xa khơi…………"

Mẹ tôi lúc còn sống thích nhất câu thơ này, tôi lại họ Đinh, do đó tôi bèn chọn bút hiệu Đinh Lang cho những bài báo của tôi để mẹ tôi vui lòng.Không ngờ, chắc có lẽ vì câu chuyện "Đồi Thông Hai Mộ" quá linh-thiêng (mẹ tôi thường tự bói bằng cách khấn vái rồi mở một trang ra đọc để xem vận-mạng…), do đó cuộc đời tôi đúng là "Anh đi mù mịt xa khơi….” trong các trại tù Cải Tạo đúng 13 năm trời!

Hồi đó, chúng tôi đều đang đi học ở trường Trưng Vương và Chu văn An (Sài-Gòn), chỉ có Phạm thị Lệ Mai (tức Khánh Ly) là được Bố Mẹ bắt vào ở nội trú trong trường Thánh Mẫu ở đường Lê văn Duyệt (Saigòn). Nhưng cái cô bé “ham vui” này vẫn thường xuyên “nhảy rào”, trốn các Ma Seur để nhập với bọn tôi đi làm văn nghệ. Chúng tôi viết cho nhiều báo thời đó như: Ngôn Luận, Chính Luận, Tự Do, Điện Ảnh…, nhưng gắn bó với nhau nhất vẫn là tờ Phụ Trang Sinh Viên Học Sinh Ngôn Luận, dưới sự hướng dẫn của anh Phạm Cao Cũng (cha đẻ của thám-tử Kỳ Phát…), nhà báo Thái Linh (nhưng ông vẫn lấy bút hiệu phụ nữ là Kiều Diễm Hồng, khiến độc-giả tưởng là phụ nữ thật), và chị Huyền Nga (tức phu nhân của anh Phạm Cao Cũng).

Chúng tôi cộng tác với Trang Báo SVHS Ngôn Luận rất nhiệt tình nên được các sinh viên và học sinh thời bấy giờ rất yêu thích qua những bài văn, thơ, phóng-sự… hợp với lứa tuổi học trò. Ngày nay, những người này vẫn còn đó, chỉ riêng anh Lê Đình Điểu là đã ra đi. Các “nhà báo không lương” ngày xưa này bây giờ vẫn cặm cụi với nghề làm báo chuyên nghiệp, dù ai nấy đều trên cái “tuổi lục tuần”cả rồi!

Trở lại với vai diễn ”VỢ NGƯỜI TÙ CẢI TẠO” của Diễm Liên trong Phim JOURNEY FROM THE FALL”. Có nhiều người Việt và bạn bè của tôi ở khắp nơi biết tôi là Bố của Diễm Liên nên đã gửi điện thư đến cho tôi, hỏi nội dung của phim ra sao, bao giờ thì chiếu, ở rạp nào, phim có chiếu ở các nước Châu Âu, Úc Châu hay không..v..v.. Hình như ai cũng đang nóng lòng chờ đợi được xem phim này, vì ai cũng nghĩ đó chính là hình ảnh của cuộc đời mình, và của gia đình mình vậy. Thú-thật là tôi cũng không biết gì nhiều về phim này! Biết trả lời sao đây? Tuy nhiên,càng có nhiều người hỏi, tôi càng thêm lo lắng, bởi vì không biết Diễm Liên, con gái của tôi, có diễn tả được hết vai trò khó khăn này không?

Do đó,ngay sau khi Diễm Liên từ Thái Lan trở về Mỹ, vợ chồng tôi đã từ Dallas (Texas) bay sang Cali để thăm hỏi sức khỏe của con gái.

Vào một buổi tối vắng lặng ở sân patio phía sau căn nhà của Diễm Liên ở thành phố Corona tại Cali, hai bố con tôi đang ngồi im lặng ngắm trăng. Cái vầng trăng ở Mỹ thường to gấp mấy lần vầng trăng ở quê hương Việt Nam xa xôi lắm. Bỗng dưng,tôi hỏi Diễm Liên, con gái của tôi, về chuyện đóng phim:

- Này Diễm Liên, cho Bố hỏi thật con nhé! Trong thời-gian Bố đi tù cải-tạo ở miền Bắc 13 năm, thì năm chị em của con còn đang ở với Mẹ , gồm có Quỳnh-Liên mới được 7 tuổi, Phượng-Liên mới 6 tuổi, con mới được 4 tuổi, Thảo-Liên 2 tuổi, còn Mai-Liên thì đang nằm trong bụng Mẹ. Vậy thì làm sao con biết được cái khổ cực và nhục nhã của các bà vợ người tù cải tạo để diễn-xuất cho đúng vai trò của con được giao trong phim? Mặc dù bên cạnh con luôn luôn có đạo diễn Trần Hàm là người rất tài giỏi.Nhưng Trần Hàm cũng chỉ là một thanh-niên VN mới lớn lên ở Mỹ như con, như biết bao nhiêu thanh niên Mỹ gốc Việt khác?

Nghe tôi hỏi trong tình thương của hai Bố con, bỗng dưng con gái tôi gục mặt xuống hai cánh tay nhỏ bé, đôi bờ vai khẽ rung lên, hình như đang thổn thức thì phải? Tôi vẫn ngồi im lặng trước niềm xúc động của con gái. Một lúc sau con gái tôi mới ngẩng đầu lên, cố gắng mỉm cười với tôi. Tôi vẫn ngồi im lặng nhìn lên vầng trăng đang bị che khuất bởi một đám mây đen. Diễm Liên thấy Bố không nói năng gì, thì đến ngồi bên cạnh tôi, ngồi nép vào người tôi như muốn tìm hơi ấm của Bố, người đã ra đi biền biệt từ khi mình mới được bốn tuổi, và chỉ được thấy mặt Bố khi đã là một thiếu nữ 17 tuổi.

Một lúc sau,Diễm-Liên mới bắt đầu tâm-sự với tôi:

- Thú thật với Bố, khi anh Trần Hàm (đạo diễn) và anh Nguyễn Lâm (producer) đến tìm con để nói con đóng vai ”vợ người tù cải tạo”,con rất bối rối. Con phải từ chối ngay lập tức, bởi vì con chỉ sợ đóng không đạt vai diễn được giao thì không những cuốn phim của họ sẽ thất bại, mà chính con cũng bị ảnh hưởng tới nghề ca sĩ chuyên nghiệp của con nữa. Nhưng khi biết là từ chối không được, con đã ngồi thức trắng một đêm để suy nghĩ và gợi nhớ trong ký ức những ngày cơ cực nhất của Mẹ và 5 chị em gái chúng con, kể từ cái ngày Bố lên đường đi tù cải tạo rồi biệt tăm không thấy về nữa.

Ở nhà lúc đó chỉ còn có Mẹ Thu Liên đang mang bầu em Mai Liên, và bốn chị em con thì còn quá nhỏ. Ngày đó (1975), Mẹ mới vừa đúng 32 tuổi. Bố thử tưởng tượng với tuổi còn quá trẻ và với sắc đẹp như Mẹ lúc bấy giờ, lại không có Bố ở bên cạnh, Mẹ là mục tiêu quyến rũ, dụ dỗ, tán tỉnh của những người đàn ông háo sắc. Tất cả bọn chúng đều mong chiếm đoạt Mẹ, cũng như những người phụ nữ vợ của những Sĩ-Quan VNCH đang đi tù cải tạo khác. Nhưng Mẹ vẫn cắn răng chịu đựng cảnh đơn độc một mình trong vòng vây của những con người đàn ông rất xấu, xa lạ ngày đó.

Theo con được biết ,vì không thể kiếm nổi được miếng cơm manh áo, nên cũng có một số ít “vợ người tù cải-tạo” đáng thương đành phải đầu hàng buông xuôi cho số phận, để đành phải cam chịu làm vợ bé cho những tên này, hoặc mấy tên tài-xế xe tải khốn kiếp để có dịp đi buôn, kiếm sống cho bản thân và cho gia đình.

Mẹ thường nói với chúng con trong mỗi bữa ăn và khuyên mấy chị em chúng con là lúc nào cũng phải giữ danh dự cho gia đình mình. Sự kiên quyết của Mẹ không chỉ giữ trong tâm tư, mà cả đến bên ngoài nữa. Bố biết không, sau ngày 30/4/1975,trong lúc cả xóm ai ai cũng sợ hãi, cất hết quần áo cũ để rủ nhau đi may một bộ bà ba đen, với đôi dép râu cho hợp với hoàn cảnh mới, thì trái lại, Mẹ cứ nhất định mặc những chiếc áo dài của Mẹ như ngày xưa. Các con ngày xưa được Bố cho đi học Trường Couvent des Oisaux, nhưng sau khi trường này bị đóng cửa rồi, chúng con phải đổi học trường khác. nhưng Mẹ vẫn cho chúng con tiếp tục mặc đồng-phục của trường này mà thôi.

Thái độ của Mẹ khiến cho chính quyền địa phương lúc đó rất tức tối. Trong các buổi tối họp Tổ Dân Phố ở Phường, Mẹ là người luôn luôn bị phê bình kiểm điểm nặng nề nhất, họ nói Mẹ vẫn còn mang tư tưởng ”ngồi mát ăn bát vàng!”

Rồi đến một ngày, do sự căm ghét Mẹ, và để dằn mặt các gia đình có chồng đi tù cải tạo khác, họ tuyên bố cắt khẩu phần lương thực của gia đình mình. Ngày đó,miếng ăn là quan trọng nhất cho các gia đình ở các thành phố, dù đó chỉ là nhửng lát củ mì khô meo mốc, hay vài lon bo bo cho ngựa ăn, hay vài củ khoai lang gầy mòn v..v..…

Nhưng chúng con không hiểu sao vẫn thấy Mẹ vẫn tươi cười với mọi người khi nghe tin gia đình mình bị cắt khẩu phần lương thực. Mẹ còn vào trong xóm, vét hết tiền để dành còn lại, nài nỉ người ta bán cho một con gà mái nho nhỏ, rồi mang về nhà nhổ lông làm thịt. Chúng con đều trố mắt nhìn Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lẳng lặng làm gà, rồi cho vào nồi kho muối xả, làm thơm lừng cả cái xóm nhỏ bé nghèo nàn. Xong xuôi, Mẹ dọn lên bàn ăn một bữa cơm thịnh soạn hơn mọi ngày. Trong bữa cơm đặc biệt hôm đó, Mẹ hỏi từng đứa chúng con:

- Bây giờ nhà mình bị cắt khẩu phần lương thực rồi như các con đã biết đó, Mẹ quyết định kho nồi thịt gà này với thuốc giết chuột để cả nhà mình ăn xong rồi chết. Vậy Mẹ hỏi các con: đứa nào đồng ý ăn với Mẹ?

Quỳnh-Liên, Phượng-Liên đều ngồi ôm mặt khóc, Thảo-Liên và Mai-Liên thì còn bé quá chưa biết gì, chỉ có con lúc đó là ba trợn nhất nhà,nên con đồng ý liền và dơ tay có ý kiến:

- Con xin tình nguyện ăn với Mẹ,nhưng không biết sau khi ăn thịt gà có thuốc giết chuột này, con chết rồi, người ta cho con vào hòm (quan-tài), chắc là con ngộp thở lắm hả Mẹ?

Câu nói ngây-ngô của con làm mọi người đang khóc cũng phải bật cười, và cuối cùng Mẹ quyết định đem đổ nồi thịt gà vào thùng rác và mọi người hàng xóm xung quanh đều không hay biết chuyện gì về một dự-tính tự-sát tập thể xảy ra trong gia-đình mình đêm hôm đó. Sau đó, khẩu phần lương thực của nhà mình lại được cấp lại, vì cả Phường đều biết là họ vẫn phải nhờ tới chúng con trong những đêm văn-nghệ ở Phường Khóm.

Nhớ lại hôm anh Trần Hàm yêu cầu con đóng một cảnh cực khổ nhất trong cuộc đời, con đã hỏi lại anh: ”Which one?”, là bởi vì cuộc đời nhà mình có nhiều khổ cực quá, biết diển cảnh nào bây giờ? Con phải thú thật với Bố là con đã hoàn tất vai ”Vợ Người Tù Cải-Tạo” trong phim, đó chính là nhờ hình ảnh của Mẹ trong thời gian Bố đi tù cải tạo ở miền Bắc, hình ảnh Mẹ đã in sâu vào trí nhớ của để con thực hiện vai diễn. Mẹ đã cho con niềm tin để hoàn tất vai trò này đó, Bố có biết không?

Sương lạnh xứ Cali rơi xuống lúc nào mà hai Bố con tôi không hay biết gì hết. Tôi ôm chặt Diễm Liên, con gái tôi vào lòng như hồi con gái của tôi còn bé. Hình như có một cái gì âm ấm đang từ từ lăn trên gò má đã in hằn nhiều vết nhăn nheo của tôi. Tôi lấy bàn tay vuốt má,và thì thầm một mình:

- Ồ! Hóa ra là nước mắt mình đã đổ xuống từ lúc nào thế này?

Sáng hôm sau, trong lúc hai vợ chồng tôi đi bộ để tập thể dục buổi sáng, tôi hỏi Thu-Liên về câu chuyện Diễm Liên kể cho tôi nghe tối qua.

Tôi thấy vợ tôi từ từ nhỏ vài giọt nước mắt, nhưng miệng vẫn mỉm cười nói với tôi:

- Thôi anh ạ, chuyện xảy ra lâu quá rồi,hãy cố gắng quên đi…! Mình còn quá nhiều chuyện phải lo cho đời sống trên đất Mỹ này nữa.

Hình như cả hai vợ chồng tôi chợt nghĩ tới lũ cháu ngoại đang ngồi chờ ông bà Ngoại về ăn sáng, nên không ai bảo ai, hai đứa tôi đều tăng tốc độ chạy nhanh hơn để chóng về tới nhà vui với lũ cháu ngoại!

Cuối tháng 2/75 ở Qui Nhơn. Cô bé ngồi trong lòng cúa Bố (Đinh Lang) là ca sí Diễm Liên

Thu Liên, mẹ Diễm Liên và "Ngũ Long Công Chúa", từ chối áo bà ba đen, vẫn mặc quần áo màu




"Ngũ Long Công Chúa" (trái sang phải) -Quỳnh Liên, Phượng Liên, Diễm Liên, Thảo Liên và Mai Liên

ĐINH LANG
Dallas ( Texas )

quancanh.com/qc2/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét