Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TƯỞNG NIỆM 50 NĂM NGÀY MẤT NHẤT LINH: 7/7/1963-7/7/2013

Nguyễn Tường Tâm
4-7-2013

Hình bên: Cố văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963)

Trùng với ngày giỗ 50 năm ngày Nhất Linh tự hủy mình cho tự do và dân chủ, do gia đình Nguyễn Tường tổ chức tại Nam California, là lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn (7/1933) trong đó Tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ và một nhóm văn nghệ sĩ tại Nam California, Hoa Kỳ sẽ tổ chức hai ngày triển lãm và hội thảo về hai tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay và về Tự Lực Văn Đoàn.
(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=168158&zoneid=3#.UdJ7t8HTnIV)

Chương trình lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn sẽ diễn ra trong hai ngày, 6 và 7 Tháng Bảy năm 2013, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster CA 92683. Trong hai phần triển lãm và thuyết trình có khá nhiều nội dung chưa từng được phát hiện.

Trong phần triển lãm có khá nhiều tư liệu lý thú và quan trọng đối với sinh hoạt văn hóa, văn học và xã hội Việt Nam từ thập niên 1930 tới nay như: 

1-Những bản nhạc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam của Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Thẩm Oánh,... đã được đăng trên báo Ngày Nay vào cuối thập niên 1930; 

2. Chân dung các thành viên của TLVÐ (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu) và các cộng tác viên nổi tiếng của PH và NN (Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, Vi Huyền Ðắc, Nguyễn Gia Trí, Trọng Lang, Nguyễn Cát Tường, Phạm Cao Cũng, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Bùi Hiển, Huy Cận, Thanh Tịnh v.v...). 

3. Họa phẩm của các họa sĩ từng làm việc với hai tuần báo PH và NN và TLVÐ: Nhất Linh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, v.v... Các thủ bút, hình ảnh và tài liệu liên quan đến nhóm TLVÐ và PH và NN. 

4- Y phục phụ nữ cải cách trên hai tuần báo PH và NN do họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu. 

5- Các mẫu nhà Ánh Sáng mà nhóm PH và NN đề xướng để cải thiện cuộc sống của dân nghèo.

Trong phần thuyết trình các đề tài lý thú cũng được các học giả và văn nghệ sĩ có thẩm quyền trình bày như về âm nhạc: nhạc sĩ Lê Văn Khoa sẽ trình bày có minh họa bởi các ca sĩ đề tài "Những bản nhạc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam trên báo Ngày Nay"; về y  phục phụ nữ có nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền, thứ nam của họa sĩ Le Mur, với minh họa bằng slide show sẽ trình bày đề tài "Họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường và vấn đề cải cách Y phục Phụ nữ "; Về kịch có nhà văn Phạm Thảo Nguyên, dâu của nhà văn Thế Lữ, với minh họa bằng một đoạn kịch ngắn sẽ trình bày đề tài "Sự hình thành của phong trào kịch mới Việt Nam, những đóng góp của TLVÐ và từng thành viên"; ngoài ra bà cũng trình bày đề tài độc giả chưa ai biết là "Câu chuyện về TLVÐ và những điều chưa nói."; đề tài "Sự sáng tạo mỹ thuật trong việc trình bày, vẽ bìa, hí họa, minh họa của báo PH NN" sẽ được trình bày bởi họa sĩ Ann Phong (có slide show minh họa hình ảnh); đề tài "Phong trào Nhà Ánh Sáng, một hoạt động xã hội của PH và NN" sẽ được trình bày bởi Giáo sư Đại học kiêm nhà báo Ðỗ Quý Toàn. Trong số các nhà văn trình bày về phần đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn,  có hai diễn giả đặc biệt là Giáo sư Kawaguchi Kenichi, người Nhật chính gốc, giáo sư Danh dự Ðại Học Ngoại Ngữ Tokyo, Nhật Bản sẽ trình bày đề tài " Tự Lực Văn Ðoàn và Văn Học Cận Ðại Việt Nam"; và Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư Ðại Học Victoria, Melbourne, Australia với đề tài "Ðánh giá lại Tự Lực Văn Ðoàn".

Nhất Linh, qua những đóng góp lớn lao cho đất nước của một văn đoàn mà ông là chủ soái, Tự Lực Văn Đoàn, như chương trình kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn ở trên vừa mô tả,  được nhiều người nhìn nhận ông là một nhà văn, một nghệ sĩ, một con người lãng mạn và đồng thời là một con người cách mạng. Với bản chất lãng mạn và cách mạng, nhiều người nhận định Nhất Linh không phải và không thể là một con người chính trị. Nhưng cách nay 50 năm, ông đã dùng cái chết của ông cho một mục tiêu chính trị cao đẹp: Tự do và dân chủ.

Ngày mùng 7 tháng 7 năm 1963, cương quyết phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã uống thuốc độc quyên sinh tại Sài gòn. Ông đã để lại chúc thư nổi tiếng được các hãng thông tấn ngoại quốc truyền đi khắp thế giới sau đây:

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do." 

Dưới đây là thủ bút của văn hào Nhất Linh ghi lại trong hai bản di chúc đề phòng mật vụ của chính quyền nếu tịch thu được một bản thì vẫn còn bản thứ hai. 

Hai bản di chúc và thủ bút của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. 
(Hình: Nguyễn Tường Thiết, thứ nam của ông Nhất Linh, 
cung cấp cho nhật báo Người Việt ở Orange County, 
California, USA, ra ngày Thứ Năm, 2/2/2012)

Dưới đây là những lời ai điếu và hình chụp đám tang văn hào Nhất Linh. Mặc dù chế độ Miền Nam lúc đó bị cho là độc tài nhưng qua hình ảnh hàng ngàn quần chúng được tham dự đông đảo đám tang của nhà đối lập hàng đầu, Nhất Linh, người đọc sẽ thấy chế độ miền Nam lúc đó còn tự do gấp vạn lần chế độ Cộng Sản ngày nay.

Bản di chúc chính trị của văn hào Nhất Linh đã dự báo đúng sự cưỡng đoạt miền Nam của cộng sản 12 năm sau đó. Và ngày nay bản di chúc chính trị đó cũng là dự báo tình hình có thể sẽ bị mất nước nếu nhà cầm quyền tiếp tục trấn áp và bắt giữ những người yêu nước chống sự xâm lăng của Trung Quốc.

Đám tang văn hào Nhất Linh diễn ra tại Sài gòn vào sáng Thứ Bẩy, ngày 13 /7/1963 và lễ truy điệu ông diễn ra bốn (?) tháng sau ngày cách mạng 1/11/1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tại sân vận động Tao Đàn Sài gòn.

Những bức ảnh trong bài này được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Mạnh Đan và cũng là những bức ảnh trải qua những năm tháng trôi nổi như cuộc đời của văn hào Nhất Linh. Sau 30/4/75, để thoát khỏi chính sách của cộng sản truy lùng tiêu hủy toàn bộ sách báo của người Miền Nam, người con dâu của ông Nhất Linh đã phải chôn dấu bộ ảnh dưới làng quê Thủ Đức của bà. Sau đó bà đã cẩn thận lén photocopy làm nhiều bản để trao cho nhiều thân nhân, bạn bè cùng cất giữ.

Than ôi! 
Đời chính trị lông hồng gieo núi Thái, ngẩng đầu lên sấm sét vẫn chưa nguôi; việc văn chương một tấc để ngàn thu, ngoảnh mặt lại đá vàng sao khỏi thẹn.  
(Trích bài truy điệu Nhất Linh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương) (1)

Mặc dù có sự ngăn cản mạnh mẽ của công an, mật vụ, đám tang của Nhất Linh cũng vẫn có cả ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh, văn nghệ sĩ, trí thức cùng đồng bào tham dự.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, người bạn thân và cũng là bác sĩ riêng của Nhất Linh đã thuật, 

“Ở đây tôi cũng cần nói là trong suốt thời gian linh cữu của anh Nhất Linh quàn tại nhà xác, có ít ra hàng chục công an, mật vụ ngày đêm túc trực để theo dõi từng người tới viếng. Có khi họ còn hỏi thẻ kiểm tra, tra khảo lý lịch, đe doạ dẫn vào bót nữa, nhất là đối với các thanh niên, học sinh, sinh viên. Giới này được chính quyền để ý nhiều hơn hết hôm thứ bảy 13-7-1963, ngày đưa đám Nhất Linh. 

Trên các ngả đường đưa tới bệnh viện Grall đều có rất nhiều cảnh binh, công an canh gác, chặn đường không cho vào bệnh viện, hoặc xua đuổi những ai lảng vảng gần đây. 

Gia đình anh xin phép đưa vào buổi sáng chủ nhật, nhưng chính quyền một mực từ chối, cái đó dễ hiểu, vì họ sợ đưa đám ngày nghỉ, thiên hạ sẽ đi dự rất đông. 

Xin phép đưa chiều thứ bảy, họ cũng từ chối nốt, vì chiều thứ bảy, cũng là ngày nghỉ của các công sở. Họ chỉ ưng thuận, hoặc sáng thứ bảy, đúng 8 giờ rưỡi, hoặc sáng thứ hai. Đành phải bằng lòng sáng thứ bảy vậy. 

Đám tang thật là đơn giản, nhưng vô cùng ảm đạm, trang nghiêm. Khi khởi hành từ bệnh viện Grall, số người tham dự còn thưa thớt, nhưng dần dần mỗi lúc một đông. Phần nhiều là thanh niên, học sinh, sinh viên, giới trí thức. Có rất đông phóng viên, ký giả ngoại quốc, nam có, nữ có, có mặt trong đám táng để chụp ảnh hoặc để quay phim. Họ chịu khó biên chép tất cả những câu viết trên các đối trướng rồi nhờ người dịch sang tiếng Anh. Họ lại còn ghi âm tất cả những lời khóc than kể lể của chị Nhất Linh. 

Như vậy đủ rõ cái chết của văn hào Nhất Linh đã gây một tiếng vang lớn, không riêng gì ở Việt Nam mà ở cả trên thế giới nữa.” (2)


Ảnh chụp sinh viên các trường đại học tại Sài Gòn đã không sợ công an, mật vụ, tự động khiêng quan tài Nhất Linh từ trong nhà xác bệnh viện Grall ra trước sân để chuẩn bị di quan. 



Lễ di quan trước nhà xác, trong sân bệnh viện Grall. Nguyễn Tường Quí và Nguyễn Tường Đằng (con của nhà văn Thạch Lam) đang khiêng vòng hoa.


Gia quyến đang cùng đồng bào đi sau linh cửu nhà văn Nhất Linh. Người đàn ông đứng thứ nhất đội khăn tang là con trai ông Nhất Linh. Người thanh niên trẻ, gầy, đứng kế đó, đầu đội khăn tang , là người viết. Thiếu nữ đội khăn tang, đứng sau lưng người viết,cách một người đàn ông, là ca sĩ Từ Dung, vợ cũ của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Cạnh Từ Dung là một thiếu nữ khác cũng đội khăn tang, nhưng cạnh thiếu nữ đội khăn tang đó là một bà đầu quấn khăn tang lẫn với lọn tóc (chứ không đội khăn) là bà quả phụ nhà văn Hoàng Đạo.


Đám tang đang di chuyển trên con đường sau lưng bệnh viện Grall. Trên mui xe là băng kính viếng của các đồng chí cách mạng chống Pháp, chống Cộng của ông có nội dung: “Thương thay đối lập Quốc Gia, Mất cả tự do trong mấy lúc. Đối với thiêu thân Quảng Đức, Noi gương cảnh cáo giữa nghìn thu.” Người đàn ông mặc áo tang đi ngay sau xe tang là nhà văn Duy Lam, cháu gọi Nhất Linh bằng cậu ruột.
  

Vòng hoa kính viếng ông Nhất Linh của các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông. Dòng chữ phía trên: Nguyễn Thái Học 17-6-1930/ Dòng chữ dưới: Nguyễn Tường Tam 7-7-1963

Vượt mọi sự ngăn cấm và dọa nạt của công an, mật vụ, đoàn người tham dự tự động tìm kiếm và chia nhau những băng tang. Nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống thương tiếc cho một văn hào đã có  nhiều công lao đóng góp cho văn hoá dân tộc. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm tường thuật, 

Tại chùa Xá Lợi, ngoài một số đông đồng bào đã túc trực từ sáng sớm – trong đó dĩ nhiên có cả công an, mật vụ của Nhu – Diệm – còn có khoảng 200 tăng ni có mặt để cầu siêu cho Nhất Linh. 

Giữa cảnh khói hương nghi ngút, chùa Xá Lợi cất lên ba hồi chuông trống, rồi thì những tiếng tụng niệm vang lên. Trong khi ấy, ở trước cửa chùa có nhiều thanh niên, sinh viên phát băng tang cho mọi người, kể cả người của chính quyền Ngô Đình Diệm. 

Lễ cầu siêu cử hành không đầy 15 phút như đã ấn định từ trước, rồi đoàn xe tang từ từ chuyển bánh” (3)


Không báo chí, đài phát thanh nào được loan báo lộ trình đám tang, nhưng dân chúng vẫn tìm hiểu biết trước và đứng chờ đông đảo trước chùa Xá Lợi. Ở phía xa là xe tang đang chạy tới. Ngay trước ngôi bảo tháp của chùa Xá Lợi, đứng dưới đường trước đám đông, quay lưng lại, là một nhân viên cảnh sát đang canh chừng địa điểm làm lễ tang.


Các phóng viên quốc tế chen lẫn trong đám đông đưa tiễn Nhất Linh. Trước giờ hạ huyệt, nhà văn Nhật Tiến, thuộc thành phần văn nghệ sĩ trí thức trẻ, Linh Mục Thanh Lãng, đại diện Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, và Bác Sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, đại diện chính giới đã đọc những bài điếu văn tiễn biệt văn hào Nhất Linh với những lời lẽ bi ai, thống thiết, đầy thương cảm, nhưng cũng thật hào hùng.

Bốn (?) tháng sau ngày cách mạng 1/11/1963, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, các đoàn thể và nhân dân đã tự động làm lễ truy điệu văn hào Nhất Linh tại sân vận động Tao Đàn (lúc đó chưa có sân vận động Thống Nhất)


 Các nữ sinh đang chào đón quan khách và đồng bào tới tham dự  lễ truy điệu.


Bức ảnh chân dung Nhất Linh là phóng họa từ tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bạn thân và cũng là đồng chí của ông từ thời Tự Lực Văn Đoàn.

 Nghi lễ truy điệu theo Phật giáo đang được cử hành.

Sau lưng vị cao tăng là biểu ngữ của học sinh hai trường trung học dậy theo chương trình Pháp nổi tiếng tại Sài gòn: trường  nam sinh Jean Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quí Đôn) và trường nữ Marie Curie.

 Linh Mục Thanh Lãng đại diện Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đọc diễn văn. Sau lưng linh mục là biểu ngữ của Việt Nam Quốc Dân Đảng Đệ Nhị Khu.

Dưới đây là nhiều hình ảnh cho thấy lòng thương mến Nhất Linh của hàng ngàn học sinh các trường trung học Saigon, Chợ Lớn, Gia Định tham dự lễ truy điệu dương cao các biểu ngữ ca ngợi ông như: “Nguyễn Tường Tam Bất Diệt”; “Thương Nhớ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”…




 Những nữ sinh thơ ngây đang dõi mắt sầu xa vắng như thương nhớ một hình bóng thân thuộc vừa mới ra đi: Nhất Linh!


Những cặp mắt đăm chiêu, những gương mặt u sầu-Nhất Linh không còn nữa- nhưng dường như ông còn sống mãi trong lòng dân tộc.

“Phải nhiều đời mới có một Nhất Linh thành lập nổi một văn đoàn Tự lực, nuôi sống – về tinh thần – được hai tờ Phong hoá, Ngày nay”. (Nguyễn Mạnh Côn, tác giả cuốn “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”.(4)

________________________
Tham khảo:

(1)Văn. số 156, ngày 15 tháng 6 năm 1970-talawas 9-6-2008
(2); (3); (4): Chân dung Nhất Linh. Tập hồi ký của Bùi Khánh Đản, Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Tường Thiết, Thế Uyên, Tường Hùng và Tuyết Hương. Do tập san Văn xuất bản xuất bản ngày 25-6-1966- talawas 5-6-2008

Nguyễn Tường Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét