Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




PHẢI CHĂNG AI NGHĨ KHÁC MÌNH ĐỀU SAI ?

Nguyễn Chính Kết -  Trí Nhân Media

Hồi còn học tiểu học, khi biết rằng trái đất hình cầu và mọi người sống bao quanh hình cầu đó, tôi lấy làm lạ và lòng đầy thắc mắc. Tôi thấy mình và những người chung quanh mình lúc nào cũng đứng thẳng. Thế là tôi lý luận: nếu mình là người đứng thẳng, tất mình phải là người đứng ở phía trên đỉnh - nơi cao nhất - của trái địa cầu, vì chỉ có những người đứng trên đỉnh mới có thể đứng thẳng theo chiều thẳng đứng.

Còn những người đứng theo chiều thẳng góc với mình ắt là đứng nghiêng, và những người đứng ở phía bên kia địa cầu - đối xứng với tôi qua tâm - ắt là đứng lộn ngược. Với đầu óc non nớt của tôi lúc đó, tôi cứ thắc mắc làm sao người ta có thể đứng nghiêng hay đứng lộn ngược với tôi mà không rơi xuống? Đầu óc non nớt đã khiến tôi thấy rằng chỉ có mình và những người chung quanh mình là đứng thẳng mà thôi. Còn những người khác ở xa đều đứng nghiêng hay đứng ngược cả.

Nhưng khi lên trung học, tôi mới hiểu được rằng bất kỳ ai trên thế giới cũng đều thấy mình đứng thẳng và đứng ở trên đỉnh của địa cầu y như tôi thấy tôi vậy, chẳng ai thấy mình đứng nghiêng hay đứng lộn ngược cả. Lúc đó, tôi lại giác ngộ một điều kỳ lạ khác xem ra rất ngược với lý luận toán học non nớt của tôi thời đó: tôi đứng thẳng, nhưng người đứng thẳng góc hay lộn ngược đầu với tôi cũng đều thấy họ đứng thẳng y như tôi. Cảm giác mình đứng thẳng hay đứng trên đỉnh trái địa cầu chỉ là tương đối. Về sau tôi rút ra bài học: Thật là sai lầm khi lấy mình làm thước đo người khác.

Cách phán đoán kiểu trẻ con của tôi thời tiểu học hóa ra lại là cách phán đoán chung của hầu hết mọi người trên thế giới, trong đó có cả tôi, mặc dù tóc tôi đã bạc từ chục năm nay. Thật vậy, tâm lý chung của hầu hết mọi người là: đồng với ta, ta cho là đúng; khác với ta, ta cho là sai. Nói cách khác, chúng ta thường lấy quan niệm của mình, tư tưởng của mình để làm thước đo cho những giá trị trên đời.

Như vậy, phải chăng trên đời không có một tiêu chuẩn khách quan nào cho việc phán đoán đúng sai sao? Thưa, ai cũng cho là phải có tiêu chuẩn khách quan đó thì mới có cái đúng khách quan. Và hầu như ai cũng cho rằng những tiêu chuẩn mà mình đang dựa vào để phán đoán đúng sai đều là tiêu chuẩn khách quan cả. Vì thông thường, ai cũng dựa vào một số nguyên tắc, những câu ca dao, tục ngữ, châm ngôn, phương ngôn hay danh ngôn nào đó làm cơ sở cho phán đoán của mình. Lạ thay những tiêu chuẩn mà mỗi người tự cho là khách quan ấy lại rất khác nhau. Nhưng ai cũng cho rằng tiêu chuẩn của mình mới thật sự khách quan. Chính vì thế, cái đúng của người này không hẳn cũng là cái đúng của người kia. Thậm chí điều người này cho là đúng thì người kia cho là sai. Chính vì thế mới có câu “Bên đây dãy núi Pyrénées là chân lý, bên kia dãy núi Pyrénées là sai lầm” (1*).

Ngay cả những người cùng dựa vào một tiêu chuẩn để phán đoán đúng sai thì mức độ vừa phải, hay sự đúng mức của mỗi người cũng khác nhau. Giữa những người cùng cho rằng ăn là điều quan trọng để sống, biết bao người cho rằng phải ăn nhiều mới khỏe, mới sống lâu, mới đủ năng lượng để làm việc; nhưng cũng vô số kẻ cho rằng ăn ít mới tránh được bệnh tật, vì “bệnh tật đến từ thức ăn”, vì “chúng ta tự đào huyệt bằng răng” (2*). Giữa hai lập trường đối nghịch nhau ấy có hàng trăm lập trường khác nhau ở giữa. Dù khác nhau, nhưng ai cũng cho mức độ của mình là hợp lý nhất, đúng nhất.


Ông Trời vốn sinh ra con người như vậy, “bá nhân bá tánh”, “chín người, mười ý”, chẳng ai nghĩ giống ai. Cá nhân khác biệt nhau đã vậy, mà các tập thể cũng thế. Tôn giáo này dạy khác tôn giáo kia, đảng phái này chủ trương khác đảng phái kia, tổ chức này hành động khác tổ chức kia… Tập thể nào cũng tự nghĩ mình đúng nhất. Đó là luật đa dạng trong vũ trụ, ta không chấp nhận cũng không được.

Nhưng con người có hai thái độ trước sự đa dạng ấy:

1) Thái độ thường tình −như đã mô tả ở trên− cũng là thái độ bất bao dung, tức “đồng với mình mới là đúng; khác với mình ắt là sai”. Thái độ này có phần nào tương tự như tôi lúc còn học tiểu học, cho rằng chỉ có mình và những người đang đứng gần mình là đứng thẳng, còn những người ở cách mình phần tư hay nửa vòng trái đất đều đứng bất thường, đứng sai, đứng lộn đầu...

Thái độ bất bao dung này rất dễ dẫn đến tình trạng chia rẽ, xung đột, và có thể biến thành tình trạng độc đoán, độc tài khi mà có kẻ nào đó trở nên mạnh hơn mọi người, có quyền hành hơn mọi người. Lúc đó thì “lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng” (3*). Cũng vì não trạng bất bao dung này mà biết bao gia đình đang là nạn nhân của ông chồng hay người cha độc đoán vì ông là người có sức mạnh nhất trong nhà. Biết bao ông chồng hay con cái luôn luôn phải chấp nhận “lẽ phải” (dù chẳng “phải” chút nào) của người vợ hay người mẹ đang có ưu thế về tài chánh trong nhà… Cũng vì não trạng này mà toàn dân Việt Nam đang phải lầm than khốn khổ vì một chế độ độc tài, trong đó những kẻ đã cướp được chính quyền luôn luôn cho rằng mình đúng (dù kẻ ít suy nghĩ nhất cũng thấy là sai) và bắt buộc mọi người phải nghĩ như mình.

2) Thái độ bao dung, sẵn sàng chấp nhận những ai nghĩ khác mình, hành động khác mình, cho rằng họ có thể cũng đúng như mình, cũng có thể hợp lý theo lối suy nghĩ hay logích của họ. Thái độ này phần nào tương tự như cách suy nghĩ của tôi sau khi lên trung học, cho rằng những người đứng ngược đầu hay thẳng góc với mình cũng đều đứng thẳng và đứng rất bình thường như mình.

Thái độ này có thể dẫn tới tình trạng hài hòa, đoàn kết, dân chủ, vì mọi người đều chấp nhận lẫn nhau, đều tôn trọng cách suy nghĩ và hành động của nhau, cho dù họ suy nghĩ và hành động khác hẳn nhau... Nếu cần thống nhất một điều gì thì lấy ý kiến chung dựa theo biểu quyết của đa số.

Thiết tưởng những ai đang quyết đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, chúng ta phải vượt lên cách suy nghĩ thường tình của mọi người là “đồng với ta, ta cho là đúng; khác với ta, ta cho là sai”. Cách suy nghĩ thường tình ấy sẽ tất yếu dẫn đến chế độ độc tài nếu ta trở nên kẻ mạnh, kẻ nắm quyền. Vì thế các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ nên suy nghĩ cách bao dung, sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng những suy nghĩ và hành động khác mình. Có não trạng hài hòa như thế, chúng ta mới có khả năng kiến tạo một đất nước thật sự dân chủ.

Nguyễn Chính Kết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét