Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO HAY CHUYỆN “THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG”?

Lê Anh Hùng
22-8-2012

Tình hình nỏng bỏng ở Syria đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cả thế giới. Đó là thực tế hiển nhiên mà hầu như ai cũng nhận thấy.

Song ở đây lại có một sự thật hiển nhiên khác mà không phải ai cũng dễ nhận ra ngay, đó là số phận của đất nước Syria với gần 23 triệu dân kia thực ra lại xoay quanh số phận của một cá nhân: Tổng thống Syria Bashar al-Assad – ông ta là nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến, và cũng chính là nút thắt cần phải gỡ để kết thúc cuộc chiến “nồi da xáo thịt” này. Nhìn rộng ra, tự cổ chí kim, những người có thể tự mình định đoạt số phận của cả một dân tộc, thậm chí làm thay đổi bộ mặt của thế giới, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, lại không hề thiếu và thời nào cũng có.

Hoàng đế Augustus đã thiết lập nên một Đế chế La Mã hùng mạnh kéo dài ngót 15 thế kỷ, từ năm 27 TCN cho đến năm 1453. Cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn từng chinh phục gần như cả Châu Á lẫn Châu Âu. Học thuyết phi nhân của Karl Marx đã làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 20, biến nó trở thành thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Những phát minh của Thomas Edison, Albert Einstein, Bill Gates… đã làm thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người dân trên trái đất.

Cho đến nay, 24 triệu người dân Bắc Triều Tiên vẫn đang rên xiết dưới chế độ cai trị hà khắc của Kim Jong-un. Ở thái cực ngược lại, hơn 60 triệu người dân Myanmar lại đang hân hoan trước sự chuyển mình nhanh chóng của đất nước theo con đường tự do - dân chủ dưới sự chèo lái của Tổng thống Thein Sein.

Với Việt Nam chúng ta, những chiến công hiển hách hay thời kỳ hoàng kim trong tiến trình lịch sử của dân tộc luôn gắn liền với những nhân vật lịch sử xuất chúng. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… là những tên tuổi đã làm rạng danh non sông đất nước. Ngược lại, những giai đoạn mà Tổ quốc rơi vào tay ngoại bang hay những thời kỳ rối ren, suy vi của nước nhà cũng gắn liền với những nhân vật mà sự ô danh muôn đời không thể gột rửa. Đó là những Lê Ngoạ Triều (nhà Tiền Lê), Dương Tam Kha (nhà Ngô), Trần Nghệ Tông (nhà Trần), Lê Uy Mục, Lê Tương Dực (nhà Lê sơ), Lê Chiêu Thống (nhà Lê trung hưng), v.v.

Sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN trên thế giới cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, xu thế tự do - dân chủ bắt đầu thắng thế trên phạm vi toàn cầu. Cùng với sự tiêu vong của các chế độ độc tài toàn trị, các chế độ độc tài cá nhân cũng lần lượt biến mất ở Phillipines, Hàn Quốc, Chi Lê, Indonesia, v.v. Những năm đầu thập niên 2000 lại xuất hiện các cuộc cách mạng sắc màu ở một số quốc gia thuộc Liên bang Soviet cũ và khu vực Balkan. Phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả-rập, khởi phát từ cuối năm 2010 đầu năm 2011, đang tạo ra một diện mạo mới cho thế giới Ả-rập và phả hơi nóng vào các chế độ độc tài áp bức còn sót lại trên thế giới.

Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã bộc lộ bản chất bành trướng và hiếu chiến, với tham vọng độc chiếm Biển Đông sau khi đã chiếm gọn Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, trong đó Việt Nam là đối tượng đầu tiên mà họ cần khuất phục.

Những biến cố bên ngoài nêu trên, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông, những biến chuyến mau lẹ trong lòng xã hội và đà ruỗng mục nhanh chóng của bộ máy cầm quyền ở Việt Nam, đã tạo ra ảnh hưởng rõ rệt lên bầu không khí chính trị trong nước, giữa lúc đất nước dường như đang thiếu một nhà lãnh đạo tầm cỡ và quyết đoán.

Ngày 9/4/2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hùng hồn tuyên bố trong cuộc họp báo quốc tế: 

Cùng là thành viên của ASEAN và là láng giềng trong khu vực, ASEAN nói chung và VN nói riêng luôn quan tâm theo dõi tình hình phát triển của Myanmar. Tại Hội nghị Cấp cao lần này, ngài Thủ tướng Thein Sein của Myanmar cũng chia sẻ với chúng tôi những diễn biến gần đây ở Myanmar... Chuyến thăm vừa qua của tôi tới Myanmar, ngoài việc trao đổi về hợp tác song phương, tôi với cương vị là chủ tịch ASEAN đã chuyển tới Chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước Myanmar.”

Trớ trêu thay, giữa lúc Việt Nam đang bị cộng đồng quốc tế lên án về “thành tích” nhân quyền, từ chuyện bỏ tù người bất đồng chính kiến cho đến chuyện đàn áp thô bạo người biểu tình ôn hoà chống ngoại xâm, thì cả thế giới lại đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước những gì đang diễn ra ở Myanmar dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, người chỉ mới hai năm trước còn nhẫn nhịn lắng nghe “thông điệp” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Người xưa có câu “thời thế tạo anh hùng”, phải chăng đất nước chúng ta đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” cho một “Thein Sein của Việt Nam”? Quả thực, hơn lúc nào hết, chúng ta đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ, biết đặt Tổ quốc lên trên quyền lợi của cá nhân và phe nhóm, bởi e rằng nếu phải đợi đến lúc “cùng tắc biến, biến tắc thông” như quy luật muôn đời thì cái giá mà đất nước này phải trả sẽ vô cùng lớn, nhất là khi mà Trung Quốc đang chực chờ Việt Nam rơi vào khủng hoảng để nuốt gọn Trường Sa và khống chế hoàn toàn Biển Đông, lối ra chiến lược của dân tộc trong thế kỷ 21./.

http://leanhhungblog.blogspot.com/2012/08/khung-hoang-lanh-ao-hay-chuyen-thoi-tao.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét