Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MỘT TIẾNG KÊU CỨU

Khải Đơn
14-8-2012

Nhà thờ Đức Bà, đường Hàn Thuyên, 7 giờ tối.

Một thằng thanh niên đi bán kẹo hồ lô. Một anh chàng đô thị – áo trắng – thu cái cây cắm kẹo của hắn, vứt lên xe cưỡng chế. Anh chàng đô thị nặng lời gì đó. Hắn chửi vang – chửi đổng – chỉ 2,3 câu – hắn ôm vài cây kẹo còn lại trên tay, bỏ đi trong ấm ức.

Một thoáng thình lình, chẳng biết từ đâu, hơn chục anh đô thị – áo trắng, 4 anh áo xanh, 2 người mặc áo quân đội, dồn thằng nhỏ vào 1 góc. Anh đô thị to béo chỉ mặt hắn: “Mày chửi ai? Mày chửi ai? – và sấn sổ tới.

Hắn chạy về phía những nhóm thanh niên đang ngồi ăn quà và trò chuyện. Hắn nói: “mấy bạn ơi, tôi đã chửi ai cơ?” -  Hắn tìm cách chạy thoát.

Đám thanh niên trẻ ngạc nhiên đứng dậy. Các anh đô thị lúng túng, bảo mọi người dạt ra, bỏ qua, dạt ra, khôngcó gì. Thằng bán kẹo co cẳng bỏ chạy. Túm kẹo hồ lô của nó bị giật lấy, ném tung lên trời bởi các anh đô thị áo trắng. Mắt các anh hả hê….

15 phút sau,

Không hiểu từ đâu, 2 anh cảnh sát mặc thường phục, thêm 4 người áo quân đội xuất hiện. Ông già tóc bạc – chưa hề có mặt trong cuộc cãi vã trước đó – nhanh nhảu: “Đúng rồi, tao cũng nghe mày chửi mà!” – Thằng bán kẹo tuyệt vọng giằng kéo khi bàn tay anh công an mặc thường phục xiết vào cổ nó. Mặt nó xám đi. Nó giãy giụa. Hai anh nữa kéo thân xác nó, ném lên xe chở đồ cưỡng chế.

Tôi đã đứng ở đó, ngay cạnh nó, và hàng trăm người trẻ khác. Tôi nghe tiếng 1 anh áo xanh hét vào tai tôi: “Đi vào, đi vào, có gì mà nhìn!” – Anh lái chiếc Honda Master – rồ ga – dí thẳng đầu xe vào chân tôi. Tôi nhìn anh. Tôi không hiểu vì sao người ta có thể rồ ga và dí thẳng đầu xe vào những đứa trẻ đang đứng đó – ngay sát vỉa hè – chẳng gây ra cái kẹt đường nào.

Tôi đã đứng rất lâu, để nghe tiếng anh đô thị áo trắng nói: “Tao tát được nó 1 cái!” – Và họ cười hả hê cùng nhau.

Những bà bán hàng rong chạy tán loạn. Một thằng bé trẻ nhìn vào không gian, nó nói lớn: “Funny!!!!?” – và nhìn vào những ánh mắt trên chiếc motor đang rồ ga chuẩn bị dấn tới.

Thằng bán kẹo hồ lô đã bị bắt, bởi hơn 20 người, gồm áo trắng, áo xanh, áo chàm và cả áo thun.
Nó hét lên khi bị ném lên xe: “Người ta bắt tôi, người ta bắt tôi!”

Vỉa hè lấm lem bao tàn nhẫn…

Có ông nhà thơ nào đó viết cái câu “Vỉa hè là của nhân dân”?  Không, ở Hàn Thuyên này, vỉa hè đã bị thôn tính. Ở đối diện công viên là quán cafe số 5 Hàn Thuyên. Quán ấy có quyền bày bàn ghế ra đến sát rạt vỉa hè, đón những vị khách giàu sang, sẵn sàng chi 70k cho một li cafe.

Còn ở cái vỉa hè đối diện – nơi hàng nghìn con người trong cái thành phố đói không khí này – vẫn phải bâu ra đấy, tìm gió, tìm khí thở, và tìm một chỗ sinh hoạt tuổi trẻ lúc chiều tối.

Ai bán quà bánh cho họ? Ai bán nước cho họ? – Tất cả những người ấy đều bị cái lực lượng an toàn đô thị kia dí túi bụi, ném vào mặt họ những câu: “Bà già, tôi cảnh cáo bà nha!”

Đám trẻ trung ấy hát trong nỗi lo sợ bị đô thị đuổi, chạy vội vàng lấy túi bánh tráng khi anh đô thị đến. Chúng còn lái xe máy quay lại, tìm ra đúng cái bà bán bánh tráng nướng cho mình, trả 7000đ, trước khi rồ ga phóng đi khi cuộc chơi đã tàn vì một cơn xua đuổi.

Đám trẻ ấy, tối hôm nay, đã nhìn thấy – người ta có thể đại diện cho luật pháp – tống cổ, đánh đập và ném lên xe thùng một thằng bán kẹo hồ lô đã lỡ buông lời chửi đổng khi họ ném cả xâu kẹo vài trăm nghìn của nó tung tóe lên xe.

Đám trẻ ấy, có thể ngồi nơm nớp lo sợ ở cái vỉa hè bên này, để nhìn những người giàu sang rung đùi – cũng đang tận hưởng làn gió và không khí của hàng cây xanh như chúng. Chỉ khác là, họ có tiền: họ khôngbị đuổi như chúng.

Ngày tôi học năm 2 đại học, tôi đến Hàn Thuyên – ngồi cafe bên hông nhà thờ Đức Bà. Nắng nhà thờ hong khô trái tim tôi. Giọt nắng ấy, khi ánh lên màu gạch đỏ, đã chuyển dần thành màu cam, thành cái sinh động rực rỡ của thành phố.

Công viên gió thổi, những cô bạn trẻ ngồi hát trong một vòng tròn. Ánh chiều loang trong tim tôi. Một anh chàng tóc dài từ nhạc viện đi ra, kéo khóa hộp đàn, và chơi một bản classic.

Tôi đã bật ra một tiếng gọi – Sài Gòn. Hôm ấy, mắt tôi bị ứ bởi ánh chiều, tai tôi ngập trong tiếng cười bè bạn. Hàn Thuyên của tôi là một nơi hiền như cây cỏ, đón tất cả những ai nghèo khổ, cô đơn, hạnh phúc hay giàu có, sang trọng. Mọi người đến ngay cái hông nhà thờ này, hạnh phúc cafe với nhau.

Tôi đã yêu Sài Gòn như thế…. bằng tất cả những cảm xúc êm dịu nhất suốt 5 năm qua.

Ảnh chôm từ internet

Tôi không ngờ, tất cả thực ra đã mất…

Nếu ai đã rảnh rỗi ngồi Hàn Thuyên thì đều thấy, khoảng gần 1 tháng nay, người ta chăng ra những chậu hoa đỏ xanh lẫn lộn, chăng dây che kín cả khoảnh vỉa hè công viên. Ai cũng hiểu, những chậu hoa BẰNG SẮT và DÂY THỪNG đó được chăng lên để xua đuổi những người nghèo thiếu không khí của cái thành phố này đến đó hưởng gió mát và chiều nắng đẹp. Những chậu hoa đó nhiều khi bị để mặc cho chết héo, hoặc trồng vào đó những loài hoa thô thiển, dơ dáy, không hề hợp với hàng cây cổ thụ và cỏ xanh bên trong công viên. Trong vài ngày, các chậu hoa bị sập, vì có lẽ xây bằng xi măng quá dỏm. Nhưng chúng là tín hiệu cho biết: LŨ CHÚNG MÀY – NẾU NGHÈO KHỔ – HÃY CÚT KHỎI CÔNG VIÊN. 

Y như tối nay….

Thành phố đã quay lưng với những con người trẻ trung và dại dột… bởi vì họ dám tụ tập và vui chơi, và kiếm ăn, ở nơi dành riêng cho những người xa hoa lui tới.

Thật bẩn mắt họ quá….

http://khaidon.wordpress.com/2012/08/14/mot-tieng-keu-cuu/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét