Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH KHÔNG CÒN HIẾM HOI Ở VIỆT NAM

Tác giả: David Brown 
Người dịch: Đan Thanh
30-7-2012

Mạng xã hội bắt đầu đẩy khuynh hướng đối lập vào chế độ

Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 79: Công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Vài chủ nhật qua, các hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Những người biểu tình – vốn bị công an theo dõi chặt chẽ, chưa bao giờ đạt con số hơn vài trăm người – đã tuần hành ở Hà Nội và TP.HCM để phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông, nơi yêu sách chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc bị chồng lấn.

Lúc nào cũng vậy, AFP, Reuters, AP và những hãng thông tấn khác gọi các cuộc biểu tình này là “hiếm có”. Tất cả đều sai. Mặc dù một thăm dò gần đây của một số học giả Việt Nam không thu hút được những người quá thận trọng, nhưng đã hình thành một sự nhất trí chung rằng các cuộc biểu tình đã trở nên tương đối phổ biến ở Việt Nam.

Biểu tình thông thường hiếm khi gây được sự chú ý của các hãng tin phương Tây. Một phần là vì phóng viên báo chí phương Tây bây giờ cũng hiếm [ở Việt nam]. Chỉ có các hãng thông tấn là tiếp tục cử nhân viên đến Việt Nam công tác.

Đối với các sự kiện lớn – như hội nghị khu vực Đông Nam Á, hay đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng hạn – chỉ có thêm vài chục phóng viên từ các tờ báo lớn của phương Tây bay đến Việt Nam để viết vài bài báo. Tuy nhiên, trong thời đại này, khi mà doanh thu của báo chí chính thống [quốc tế] bị thu hẹp, thì quả thật đưa tin về Việt Nam cũng chẳng đáng để họ phải nỗ lực.

Nói chung là họ đã bỏ lỡ một câu chuyện hay. Không phải chỉ là câu chuyện về sự phẫn nộ [của người Việt] trước chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc.

Chế độ [Cộng sản] Việt Nam cho rằng họ thích hợp cai trị đất nước và cũng như để duy trì quyền cai trị của mình, họ dựa vào thành tựu của một học thuyết kinh tế, theo đó khu vực tư bản thị trường tự do bị trói buộc vào khu vực quốc doanh kém hiệu quả, và cả hai đều bị tham nhũng hoành hành. Cái “chủ nghĩa xã hội định hướng thị trường” này, cho đến gần đây vẫn tạo ra tăng trưởng GDP trung bình 7% mỗi năm.

Gần như hoàn toàn đi theo con đường của Trung Quốc, nhưng tụt hậu một cả một thế hệ, Việt Nam đã trở thành một trong các công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu cộng với hai đợt lạm phát tệ hại kể từ năm 2008 tới nay đã giảm bớt thành tích đó. Tăng suy trưởng yếu, người dân Việt Nam ngày nay sẵn sàng hơn để đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một hệ thống chính trị mà trong đó chỉ có 3% dân số được vào Đảng Cộng sản thì mới có quyền tham gia chính trị.

Hàng ngàn nhà máy và phân xưởng, nơi lắp ráp dụng cụ, may quần áo và giày dép cho khách hàng nước ngoài – nhiều công xưởng giống như là bóc lột công nhân – càng khốn đốn vì những cuộc đình công tự phát. Gần 1000 cuộc đình công như thế đã nổ ra trong năm 2011, gấp đôi so với 2010 và gấp bốn lần so với mức trung bình của 16 năm qua, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Thông tin trên blog và báo chí [trong nước] cho thấy, tình hình tương tự như các cuộc biểu tình chống việc “chuyển mục đích sử dụng đất” – tịch thu những mảnh ruộng nhỏ để lấy đất làm khu công nghiệp, khu đô thị, sân gôn, v.v.

Các khiếu nại điển hình là do đền bù quá tệ, trong khi quan chức tham nhũng và các cấp quản lý tìm cách hưởng lợi lớn.

Thất bại trong việc đòi công lý ở cấp địa phương, những người dân đau khổ có thể sẽ ngồi ở trước cổng cơ quan chính quyền địa phương hoặc trung ương để phản đối, hoặc cắm lều ở công viên thành phố. Xung quanh họ là các biểu ngữ, bảng hiệu, nói lên nỗi bất mãn của họ. Họ hy vọng có thể làm các cấp chính quyền phải xấu hổ mà tìm giải pháp xử lý. Trên thực tế, điều đó hiếm khi xảy ra; ít khi họ được phép ngồi lâu hơn vài giờ đồng hồ.

Hình ảnh những người biểu tình tụ tập trước cổng cơ quan, cổng tòa án hay một công trình xây dựng nào đó, ngày càng trở nên phổ biến hơn. Những vụ việc như thế mang tính chất của đám đông tự phát – các cổ đông, chủ nợ, người khiếu kiện, hoặc những cá nhân bị mất ruộng đất, nhà cửa giận dữ, tập họp lại rất nhanh, giơ cao những khẩu hiệu, áp phích viết tay, và thường là họ bị đuổi đi ngay khi công an huy động được lực lượng đông đảo để trấn áp.

Biểu tình như vậy luôn [bị xem là] bất hợp pháp. Mặc dù hiến pháp Việt Nam bảo đảm công dân có quyền tự do tập hợp, nhưng các nghị định hướng dẫn thực thi hiến pháp thì lại cấm việc thành lập tổ chức nếu không được phép của chính quyền. Và mặc dù hiến pháp nêu rõ rằng công dân có quyền biểu tình, nhưng trên thực tế người dân chỉ được làm như thế sau khi đã xin được giấy phép tuần hành trước vài tuần.

Công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cuộc chơi

Trước khi Internet bắt đầu có mặt rộng rãi ở Việt Nam cách đây một thập kỷ, người dân hầu như không có ý thức gì về biểu tình bên ngoài làng, xã của họ. Do đó, vào cuối năm 1997, khi hàng chục nghìn nông dân bao vây trụ sở ủy ban nhân dân huyện ở Thái Bình, một tỉnh không xa Hà Nội trong hàng tuần, công chúng chỉ có thể đoán những gì đang xảy ra ở đó bằng cách cố đọc để hiểu những dòng chữ trên báo chí do nhà nước kiểm duyệt, theo đó “các phần tử xấu đã lợi dụng tình hình, kích động nhân dân”.

Tất cả những điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của những blog quan tâm đến các vấn đề về thời cuộc vào khoảng năm 2007, đầu tiên là trên Yahoo 360°, và sau đó trên Facebook cùng các trang mạng ở nước ngoài như wordpress.com và blogspot.com.

Giờ đây, cho dù các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm duy trì an ninh quốc gia, [muốn kiểm duyệt những thông tin 'nhạy cảm'], thông tin ấy lan đi chỉ trong vài giờ đồng hồ. Đồng thời, báo chí Việt Nam cũng được [các nhà chức trách] nới lỏng hơn trong vấn đề kiểm soát. Dù báo chí vẫn phải chịu sự “định hướng” và hậu kiểm duyệt, nhưng vài chục tờ nhật báo vẫn đưa tin theo sát các vụ bê bối ở địa phương. Sợi dây cương được nới lỏng hơn này có lẽ phản ánh một nỗ lực của chế độ nhằm hướng tới đường lối trung dung, giữa một bên là “đủ mọi tin tức” với một bên là “chẳng có tin tức nào cả”.

Đến cuối năm 2008, các thành viên trong cộng đồng blogger Việt Nam không chỉ giữ vai trò phóng viên mà còn là các nhà hoạt động, một tiến triển đã được thể hiện qua vai trò nhỏ của các cuộc biểu tình tháng 12-2007, chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, và một năm sau đó, do các ý kiến chỉ trích càng nhiều đối với quyết định của chính phủ cho phép công ty Trung Quốc khai thác các mỏ bô-xít ở Tây Nguyên. Lượng người đọc blog tăng nhanh chóng. Ngay cả độc giả không thường đọc cũng có thể thấy rõ rằng nhiều người bình luận đã có mối quan tâm rộng lớn hơn, đó là sự thể hiện thái độ bất mãn với đảng và nhà nước.

Sự phát triển của các blog chính trị đặt ra cho Hà Nội một bài toán lưỡng nan. Việc các blogger đưa tin và bình luận về vấn đề Biển Đông đã hun đốt tình cảm yêu nước và tập trung sự chú ý vào những điểm được cho là “yếu kém” trong cách chính quyền giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Đến nay, các blogger còn nêu cả những khiếu nại mà ít người biết đến – ví dụ như các vụ đàn áp nhằm vào những nhóm tôn giáo mà Nhà nước không công nhận, từ Pháp Luân Công đến các nhóm Tin Lành “tư gia” ở các làng của người thiểu số. Một số blogger khác tập trung theo đuổi các vụ tranh luận về đất đai, lao động, như đã đề cập ở trên. Nhiều người tình nguyện đã tìm kiếm thông tin từ truyền thông nước ngoài, dịch ra tiếng Việt và đăng tải những bài mà trước đó, công chúng không thể tiếp cận được.

Cơ quan công an Việt Nam phản ứng bằng cách càng dồn thêm nhiều nguồn lực vào kiểm soát “không gian blog” tiếng Việt.  Các thiết bị giám sát của họ rất tinh vi. Nếu được chỉ thị, chắc chắn công an có thể dồn hàng loạt công dân vào chật vài nhà tù mà họ cho là đã “tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền nhân dân” (Điều 88 Bộ luật Hình sự). Trên thực tế, phản ứng của công an là có chọn lọc: Trong vài năm qua họ đã bắt và xét xử vài chục blogger và đưa nhiều người khác vào tình trạng bị theo dõi chặt chẽ với những “phiên làm việc” kéo dài. Trong một vụ việc nổi tiếng, công an còn có thể vạch ra mối liên hệ giữa các nhà hoạt động trong nước với đảng Việt Tân, một tổ chức mà thành phần chủ yếu sống lưu vong và bị chính quyền gán cho cái nhãn “khủng bố”.

Tuy nhiên, vị thần đã chui khỏi cái chai. Không còn nghi ngờ gì nữa, cơ quan an ninh đã xác lập một bản đồ tổng thể về không gian blog của Việt Nam mà họ không thể kiểm soát nổi. Ví dụ, khi các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) trong nước nhận chỉ thị phải ngăn chặn Facebook vào đầu năm 2010, chỉ trong vài ngày, những người dùng Facebook bình thường đã biết cách thiết lập lại mã DNS của máy tính để truy cập vào các máy chủ ở nước ngoài.

Cứ mỗi blogger bị vô hiệu hóa, lại có thêm một số blogger mới xuất hiện. Nhóm các nhà hoạt động nhân quyền vốn dĩ rất nhỏ ở Việt Nam giờ đây đã có thể thảo luận về tự do chính trị và dân sự với bất kỳ công dân nào có kết nối Internet – mà theo một thống kê gần đây, số người thường lên mạng chiếm hơn một phần ba trong tổng dân số 90 triệu người ở Việt Nam.

Tháng 6 và tháng 7 năm 2011, và một lần nữa trong tháng 7 năm 2012, truyền thống biểu tình tự phát đã có từ lâu ở Việt Nam, cùng với một hiện tượng mới hơn là được internet trợ giúp, bất đồng chính kiến được blog kích thích, đã [có dịp] thể hiện. Lần đầu tiên, những cuộc biểu tình tương đối lớn và có tổ chức đã được phối hợp ở vài thành phố thông qua blog, tin nhắn trên mạng, và các mạng xã hội khác. Một lần nữa, tia lửa [bùng phát] là do những hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam, và một lần nữa, những người biểu tình không chỉ phẫn nộ với Bắc Kinh, mà còn lên án kịch liệt về điều mà họ cho là sự yếu kém của chính quyền.

Các bài viết trên blog cho thấy cảnh sát có những hoạt động mạnh mẽ nhằm giới hạn quy mô của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây nhất, nhưng không để bị xem như là họ đang trấn áp người biểu tình. Các chiêu mà công an áp dụng bao gồm tạm giữ những blogger và trí thức bất đồng chính kiến nào có uy tín, hoặc quản thúc họ tại gia (hoặc đền chùa), cũng như huy động hàng loạt công an mặc thường phục quay camera tại các địa điểm có người tập họp. Việc tham gia biểu tình vẫn là một hành động liều lĩnh: năm 2011, một số người biểu tình nổi tiếng đã bị bắt hoặc bị buộc phải thôi việc ở cơ quan nhà nước, và có một trường hợp bị đưa vào trại cải tạo. Kết quả của những hành động quấy nhiễu đó dường như là, đến năm nay đã có một sự thay đổi, với nhiều gương mặt trẻ trung hơn và có tính chất tự quản hơn.

Đầu năm nay, có những dấu hiệu rất rõ ràng về sự gặp nhau giữa đoàn biểu tình chống các quan chức tham nhũng và bóc lột với phong trào do các blogger tạo nên. Có lẽ những lời khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho việc báo chí đưa tin về sự phản kháng có vũ trang của một nông dân nuôi cá chống lại lệnh cưỡng chế đất hồi tháng giêng, đã khiến cho người dân trở nên bạo dạn hơn. Dân làng Văn Giang ở ngoại thành Hà Nội đã liên lạc với phóng viên và các blogger vào thời điểm trước khi nổ ra một cuộc phản đối lớn nhằm vào việc cưỡng chế đất đai để xây dựng khu vườn “EcoPark.” Trong vụ này, 3000 cảnh sát đối đầu với 1000 người phản kháng, và những người kiểm duyệt báo chí đã nhanh chóng dập tắt thông tin trên hệ thống truyền thông chính thống. Tuy nhiên, họ không thể ngăn được việc các bài viết chi tiết và hình ảnh được phổ biến tràn lan trên không gian blog về vụ cưỡng chế.

Phong trào biểu tình từ từ bào mòn tính chính đáng của cơ quan đảng/ nhà nước Việt Nam. Thực trạng mới xuất hiện là, không phải chuyện biểu tình, mà là tin tức về biểu tình lan truyền ngay lập tức và rộng rãi thông qua hệ thống Internet tiếng Việt.

Những thành phần bảo thủ trong chế độ tin rằng, nhượng bộ người biểu tình là tín hiệu bộc lộ sự yếu kém, và sẽ khuyến khích nổi loạn. Những người có đầu óc thực tế trong chính quyền thì biết rằng Việt Nam không sở hữu sức mạnh quân sự để có thể đối đầu với Trung Quốc theo cách mà các nhà bất đồng chính kiến trên mạng và trong các cuộc biểu tình chủ nhật đòi hỏi. Ngay cả những người trong cơ quan nhà nước hy vọng tiến tới một chính thể minh bạch và cho phép người dân tham gia nhiều hơn thì cũng sợ hãi, bởi vì họ đã có nhiều năm ngẫm nghĩ về những nỗi bất bình lâu đời cộng với các hình thức liên kết xã hội ít tinh vi hơn bây giờ nhiều, hai thứ đó cùng kết hợp lại để làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu.

Chế độ Hà nội không phải là một chế độ sắp sụp đổ, mặc dù điều ấy có thể xảy ra nếu các vị lãnh đạo phủ nhận giá trị của các cuộc biểu tình của dân chúng. Cho tới lúc này, phần lớn người Việt Nam vẫn có xu hướng tin rằng bản thân hệ thống là vững chắc và nhất là có khả năng thể hiện [ý chí của người dân], mặc dù vẫn còn các quan chức địa phương hành xử tồi tệ.

Đại đa số người dân cũng sẽ nhất trí – như một tờ báo của đảng ủy Hà Nội viết – rằng đám thanh niên tuần hành trên phố kia là những người yêu nước nhiệt tình nhưng bị lầm lạc, và cách tốt nhất để xử lý các hành động khiêu khích của Trung Quốc là một chiến lược “vừa khôn khéo vừa cứng rắn, kiên quyết nhưng phải mềm dẻo, linh hoạt trên nguyên tắc bất di bất dịch là giữ toàn vẹn chủ quyền”. Tóm lại, như một lời nhắc nhở về bài học kinh nghiệm ngàn năm của Việt Nam trong ứng xử với Trung Quốc hung bạo, lập trường của chính quyền là không nhượng bộ nhưng cũng không liều lĩnh.

Cũng tờ báo đó của Đảng khẳng định rằng, đằng sau những khuôn mặt yêu nước, những tranh cổ động vẽ và viết tay của các thanh niên biểu tình là những người “bất mãn chế độ”, những thành phần bất bình lâu năm “thậm chí công khai đả kích, tuyên truyền chống chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cá biệt có cả những người thuộc dạng “không bình thường” về tư duy, nhận thức. . .”  Không thể nào biết chắc liệu những công dân bình thường vẫn tiếp tục tin rằng những kẻ đó – những người quả thật có mối quan tâm khác biệt – là hoàn toàn điên rồ không.
———-
Ghi chú của BTV: Bài dịch này được dịch từ một bản khác của tác giả. Có một vài chi tiết hơi khác với bản đăng trên Asia Sentinel.

Hiệu đính: David Brown
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/02/bieu-tinh-khong-con-him-o-viet-nam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét