Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




4. BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975 - MÓN NỢ 7 NĂM VỀ TRƯỚC

Trần Đông Phong

Cũng như người Việt Nam, sau nầy người Đài Loan vô cùng thất vọng vì chỉ mấy năm sau thì chính Tổng Thống Nixon sang thăm Bắc Kinh và dưới thời Nixon thì Trung Hoa Quốc Gia bị trục xuất ra khỏi Liên Hiệp Quốc để nhường cho Trung Cộng và chính phủ Hoa Kỳ chính thức thiết lập bang giao với Trung Hoa cộng sản trên cấp bậc Đại Sứ, do đó Tòa Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã được thiết lập từ thập niên 1940 lại bị đóng cửa. Cho đến ngày nay, Trung Hoa Dân Quốc hay Đài Loan không hề có một cơ sở đại diện ngoại giao nào với Hoa Kỳ dù chỉ trên cấp bậc Lãnh Sự.

MÓN NỢ 7 NĂM VỀ TRƯỚC - Vụ Bà Anna Chennault

Việc Quốc Hội Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát quyết tâm cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 và cắt hoàn toàn viện trợ quân sự cho tài khóa 1975-1976 dường như là bắt nguồn từ một nguyên nhân từ 7 năm về trước, đó là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ giữa hai ứng cử viên Hubert Humphrey, đại diện Đảng Dân Chủ và Richard Nixon, đại diện cho Đảng Cộng Hòa.

Lúc bấy giờ, có một số dư luận tại Washington cho rằng giới lãnh đạo của Đảng Dân Chủ tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã có một trí nhớ thật dai và họ đã chờ cho có cơ hội nầy để trả thù và thanh toán một món nợ với Tổng Thống Richard Nixon và Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từ 7 năm về trước.

Lewis Storley, tác giả cuốn A Better War đã viết như sau:

Sir Robert Thompson đã nói vào năm 1974 rằng: Sau khi viếng thăm hàng trăm Xã Ấp, Trung Tâm Huấn Luyện, Trại Tạm Cư Người Tỵ Nạn và những đơn vị Bán Quân Sự, tôi đã học hỏi được nhiều điều và tôi nhận thức được sự quật khởi của người Việt Nam, sự can đảm, sự kiên trì và sự chịu đựng của họ. Họ đã vượt qua những cuộc khủng hoảng của đất nước cũng như là khủng hoảng của cá nhân họ, những sự khủng hoảng ghê gớm có thể làm tan nát những dân tộc khác và mặc dù những tổn thất lớn lao của họ, mà nếu đó là trường hợp của Hoa Kỳ thì cũng đã gây kinh hoàng và có thể đưa đến sự sụp đổ của nước Mỹ, vậy mà người Việt Nam vẫn còn duy trì được hơn 1 triệu quân sau hơn 10 năm chiến tranh. Bây giờ Hoa Kỳ sắp sửa đền bù sự cương dũng của người Việt Nam bằng cách bán đứng Đồng Minh một thời của họ. Điều duy nhất còn lại cho Miền Nam Việt Nam là sự thiếu hụt về ngân sách và Quốc Hội Mỹ đã sắp xếp chuyện đó với một sự trả thù (vengeance) [ Lewis: A Better War, Hartcourt Brace & Company, New York, trang 365-366]

Tại sao trả thù ?

Ông Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn Palace File cho biết:

Ông Nguyễn Văn Thiệu tin là ông Richard Nixon đã mắc ông một món nợ chính trị, đó là việc ông từ chối không chịu ủng hộ nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ một thời gian ngắn trước cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ vào năm 1968. Dù không bao giờ nói như vậy một cách công khai, ông Thiệu tin chắc rằng vì ông từ chối tham gia vào cuộc hòa đàm với Bắc Việt và việt cộng khi Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, chỉ 5 ngày trước bầu cử, và sự từ chối đó đã đóng một vai trò quyết định trong việc ông Richard Nixon đánh bại Phó Tổng Thống Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử nầy. Khi Tiến Sĩ Hưng về Saigon đảm nhận chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt cho Tổng Thống Thiệu vào năm 1973, ông Thiệu đã mô tả những cảm nghĩ này với ông Hưng. Tổng Thống Thiệu đã nói chuyện hàng giờ với ông Hưng trong những bữa ăn khi họ cùng thảo luận và phân tích về những mục tiêu và chính sách của Hoa Kỳ. Ông Hưng nhờ đó bắt đầu hiểu được đường lối của Tổng Thống Thiệu và lý do tại sao mà dù bị lệ thuộc vào người Mỹ, Tổng Thống Thiệu đã nhiều lần chống lại những đòi hỏi của Hoa Kỳ. [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 1]

Hồi đó, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe phản chiến và nhất là việc hai Thượng Nghị Sĩ “bồ câu”, Eugene McCarthy và Robert Kennedy em trai của cố Tổng Thống John F. Kennedy, đang kịch liệt chỉ trích chiến tranh Việt Nam và chính sách về Việt Nam của Tổng Thống Johnson để ve vãn phe phản chiến nhằm mục đích tranh chức ứng cử viên của Đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ (primaries) tại các Tiểu Bang trước khi Đảng Dân Chủ họp đại hội vào mùa Hè để bầu người đại diện của đảng ra tranh cử Tổng Thống vào tháng 11 năm 1968. 

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng Thống Johnson tuyên bố ông đã quyết định không ra tái tranh cử Tổng Thống ngõ hầu được tự do tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tổng Thống Johnson đã đơn phương ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt như một thiện chí hòa bình của Hoa Kỳ và kêu gọi cộng sản Bắc Việt tham dự một cuộc hòa đàm ngõ hầu tìm một giải pháp hòa bình tại Việt Nam. Tổng Thống Johnson tuyên bố rằng:“Hoa Kỳ sẵn sàng gởi đại diện đến bất cứ diễn đàn nào, bất cứ lúc nào để thảo luận những phương thức ngõ hầu đưa đến sự kết thúc cho cuộc chiến tranh bỉ ổi nầy”.

Ba ngày sau, Hà Nội chấp thuận đề nghị của Tổng Thống Johnson và đến ngày 13 tháng 5 thì hai phe Mỹ-Bắc Việt gặp nhau lần đầu tại Paris, nhưng trước đó, vào ngày 5 tháng 5, cộng sản Bắc Việt đã mở một cuộc tấn công toàn diện vào 119 địa điểm trên toàn quốc, kể cả Đô Thành Saigon và Gia Định. Cuộc tấn công nầy sau đó được mệnh danh là “cuộc tổng công kích đợt hai”, tuy nhiên cộng sản đã thất bại trong chiến dịch nầy, trong khi đó các cuộc thương tuyết giữa Mỹ và Bắc Việt vẫn diễn ra tại Paris và các nhà báo gọi việc nầy là “đánh đánh đàm đàm”.

Sau khi Thượng Nghị Sĩ Robet Kennedy bị ám sát tại Los Angeles vào mùa Hè năm 1968, đại hội Đảng Dân Chủ đã đề cử Phó Tổng Thống Hubert Humphrey đại diện cho Đảng ra tranh cử với ứng cử viên Richard Nixon của Đảng Cộng Hòa. 

Đến tháng 10 năm 1968, cả Hoa Kỳ và Bắc Việt đồng ý mời thêm Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cùng ngồi vào bàn hội nghị, tuy nhiên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chống đối mãnh liệt việc cùng ngồi vào bàn hội nghị với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hoa Kỳ dùng nhiều biện pháp để gây áp lực đối với Việt Nam Cộng Hòa với mục đích ép Việt Nam Cộng Hòa phải thỏa thuận ngồi vào bàn hội nghị trước ngày bầu cử Tổng Thống vào đầu tháng 11 năm 1968 và nếu được như vậy thì sẽ có lợi cho liên danh ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống của Đảng Dân Chủ.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phản đối việc Mỹ chấp thuận cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tham dự hội nghị Paris như là một thành viên ngang hàng với Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ gây nhiều áp lực cho đến nỗi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phẩn nộ và ông đã hỏi Phó Đại Sứ Mỹ Samuel Berger rằng “ông đại diện cho ai, Washington hay là Hà Nội ?” 

Ngày 30 tháng 10, Đại Sứ Bunker phúc trình với Tổng Thống Johnson là ông ta đã thất bại trong việc thuyết phục Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hội Nghị Paris mở rộng.

Ngày 31 tháng 10, Tổng Thống Johnson đọc diễn văn trên vô tuyến truyền hình thông báo với dân chúng Mỹ rằng ông đã “Ra lệnh cho Quân Lực Hoa Kỳ ngưng các cuộc oanh tạc từ trên không, dưới biển và trọng pháo vào lãnh thổ Bắc Việt kể từ 8 giờ sáng, giờ Washington DC. Tôi đã ra lệnh như vậy vì tôi tin tưởng rằng hành động nầy sẽ dẫn đến tiến bộ nhằm giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam một cách hòa bình”. Tổng Thống Johnson nói thêm một cách hờn lẫy rằng: “Việt Nam Cộng Hòa có quyền tự do nếu muốn tham dự hội nghị Paris mở rộng”.

Ngày hôm sau, 1 tháng 11, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố rằng Việt Nam Cộng Hòa không chống lại việc ngưng oanh tạc Bắc Việt, tuy nhiên trong lúc nầy Việt Nam Cộng Hòa sẽ không gởi đại diện sang tham dự hòa đàm tại Paris. Ngày thứ Bảy 2 tháng 11, kết quả thăm dò dư luận của hãng Gallup cho thấy ông Nixon dẫn 42 phần trăm so với ông Humphrey chỉ có 40 phần trăm, sang đến ngày thứ Hai 4 tháng 11, một ngày trước ngày bầu cử, kết quả thăm dò của hãng Harris cho thấy ông Humphrey vượt lên và dẫn 43 so với 40 phần trăm dành cho ông Nixon.

Ngày thứ ba 5 tháng 11, Đại Sứ Munker lên Đài Phát Thanh của Quân Đội Hoa Kỳ tại Saigon (AFRS) kêu gọi Việt Nam Cộng Hòa ngưng việc tẩy chay tham dự hội nghị Paris thì sau đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ tham dự hội nghị Paris nếu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được đối xử như là một phái đoàn độc lập”. Cũng trong ngày hôm đó, 73 triệu cử tri người Mỹ đi bầu Tổng Thống và ông Nixon đã thắng ông Humphrey không đầy 500.0000 phiếu, tức là chỉ có 7 phần 10 của 1 phần trăm tổng số phiếu trên toàn quốc.

Trong cuốn In the Jaws of History, cựu Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng vì cuộc gặp gỡ giữa ông với ứng cử viên Richard Nixon, ông ta đã bị “cáo buộc là đã gây ảnh hưởng một cách không đứng đắn đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ. Nhân vật mà người ta nói rằng đã gây ra cái ảnh hưởng đó là một người đàn bà khả ái và đầy mưu mẹo, đó là bà Anna Chennault” [ Bùi Diễm with David Chanoff: In the Jaws of History. Houghton Mifflin Company, Boston, 1987, trang 234]

Anna Chennault là ai ?

Bà Anna Soong Chennault là phu nhân của cố Thiếu Tướng Claire Channault, Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ tại chiến trường Trung Hoa thời Đệ Nhị Thế Chiến, bà là công dân Hoa Kỳ gốc Trung Hoa, là người nổi tiếng về việc ủng hộ và vận động cho Đài Loan tại Hoa Thịnh Đốn, được biết đến qua cái tên “China Lobby”. Bà cũng là người thuộc Đảng Cộng Hòa và được xem như là rất thân cận với giới lãnh đạo bảo thủ Đảng Cộng Hòa mà một trong những lãnh tụ của phe nầy là ông Richard Nixon, ứng cử viên Tổng Thống năm 1968 và trong cuộc bầu cử nầy, bà Anna Chennault là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Hoa Kỳ Ủng Hộ Richard Nixon.

Bà Chennault là người trong “đại gia đình họ Tống”, một gia đình giàu có và nổi tiếng nhất tại Thượng Hải vào đầu thế kỷ 20, bà cũng là em họ của bà Tống Khánh Linh, phu nhân của Bác Sĩ Tôn Dật Tiên, người được xem như là Quốc Phụ của nước Trung Hoa Dân Quốc sau cuộc cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh vào năm 1911, sau năm 1949 bà Tống Khánh Linh trở thành Phó Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Một người chị khác của bà Anna Chennault lại là bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Thống Chế Tưởng Giới Thạch, Tổng Thống chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Bà cũng có liên lạc rất mật thiết với Đặc Sứ Nguyễn Văn Kiểu tại Đài Bắc, ông Kiểu là anh ruột của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trước cuộc bầu cử Tổng Thống ở Hoa Kỳ, vào 2 tháng 9 và 10 năm 1968, bà Chennault đến Đài Bắc và sau đó bay sang Saigon nhiều lần, với lý do chính thức là sang tham dự hội nghị của Liên Minh Thế Giới Chống Cộng tại Saigon, thăm người em gái đang sống tại Chợ Lớn và thanh tra các hoạt động của công ty Hàng Không Flying Tigers mà bà là Chủ Tịch. Công ty Flying Tigers lúc đó đang có khế ước với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đảm nhận việc chuyển vận vật liệu cũng như là Quân Đội từ Hoa Kỳ sang Việt Nam.

Vào thời gian nầy, người viết có được hân hạnh tiếp xúc với hai nữ nhân vật nổi tiếng ở Hoa Kỳ đến viếng thăm Việt Nam.

Người thứ nhất là bà Juanita Castro, em gái của Tổng Thống Cuba Fidel Castro. Bà Castro đã rời bỏ Cuba sang tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ và trở thành một nhân vật chống cộng sản rất mãnh liệt trong Cộng Đồng Cuba cũng như trên khắp thế giới, bà đến Saigon với tư cách là diễn giả danh dự trong Đại Hội Liên Minh Thế Giới Chống Cộng tại Saigon vào tháng 10 năm 1968.

Người thứ hai là bà Anna Chennault. Bà Chennault đến Saigon với tư cách là một trong những đại diện của Hội Thái Bình Dương Tự Do (Free Pacific Association) của Linh Mục Raymond de Jaegher, trụ sở chính đặt tại Riverside, New York, để tham dự Đại Hội Lần Thứ Hai của Liên Minh Thế Giới Chống Cộng họp tại Saigon vào khoảng tháng 10 năm 1968. 

Linh Mục Raymond Jaegher là tác giả cuốn sách rất nổi tiếng hồi thập niên 1950 là cuốn “Kẻ Nội Thù” (The Ennemy Within) và cuốn “Vệ Binh Đỏ” (Red Guards) trong thập niên 1960, ông cũng là Chủ Nhiệm Nguyệt San Free Front của Liên Minh Á Châu Chống Cộng. Linh Mục Raymond de Jaegher là Cố Vấn về các vấn đề cộng sản cho Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Trụ sở của Hội Thái Bình Dương Tự Do tại Việt Nam nằm bên cạnh Nhà Thờ Cha Tam trong Chợ Lớn, đó là nơi mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đến cầu nguyện lần cuối trong đời trước khi hai ông “được” Hội Đồng Cách Mạng đưa thiết vận xa M-113 đến đón rồi bị Sĩ Quan Tùy Viên của Dương Văn Minh giết chết trên đường về Bộ Tổng Tham Mưu vào ngày 2 tháng 11 năm 1963.

Ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington đã dành một chương dài 12 trang trong cuốn In the Jaws of History của ông để nói về “The Anna Chennault Affair”.

Đại Sứ Bùi Diễm cho biết rằng hồi tháng 6 năm 1968, bà Chennault đã đề nghị rằng ông nên gặp Richard Nixon, người được xem như là ứng cử viên đang dẫn đầu (front runner) trong số các đảng viên Cộng Hòa để dành ghế ứng cử viên Tổng Thống của đảng nầy trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó. 

Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng việc Đại Sứ nước Việt Nam Cộng Hòa đến gặp ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trước ngày bầu cử có thể rất nguy hiểm vì việc đó mang hàm ý là ông Đại Sứ đang qua mặt Đảng Dân Chủ và nếu Phó Tổng Thống Hubert Humphrey đắc cử thì sẽ rất là bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp với Ông William Bundy, Phụ Tá của Ngoại Trưởng Dean Rusk trong chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống Johnson, Đại Sứ Bùi diễm đã có đề cập đến chuyện nầy. Vốn là một nhà ngoại giao lão luyện và cũng là người bạn thân, ông Bundy thông cảm hoàn cảnh của Đại Sứ Bùi Diễm, nhất là sau khi được ông Diễm bảo đảm rằng sẽ chỉ nói chuyện với ông Nixon một cách đại cương chứ không đi vào chi tiết về vấn đề hòa đàm tại Paris. Đại Sứ Bùi Diễm cũng quyết định rằng ông sẽ gặp ứng cử viên Nixon với tư cách độc lập chứ không thông báo với Saigon, như vậy thì sau nầy nếu cần, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có thể phủ nhận việc nầy.

Ngày 12 tháng 6, qua sự giới thiệu của bà Anna Chennault, Đại Sứ Bùi Diễm bay lên New York và gặp ông Nixon tại Khách Sạn Perre, nơi ông ta đặt Văn Phòng Trung Ương của Ủy Ban Bầu Cử. Đại Sứ Bùi Diễm kể lại rằng ông Nixon chăm chú lắng nghe ông Diễm trình bày một cách tổng quát về tình hình cuộc chiến cũng như những khó khăn về quân sự nhất là nhu cầu khẩn thiết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa về những loại vũ khí tối tân, nhất là súng M-16. Ông Nixon sau đó nói với Đại Sứ Bùi Diễm rằng Ban Tham Mưu của ông sẽ liên lạc với ông Đại Sứ qua ông John Mitchell, Trưởng Ban Vận Động Tranh Cử và bà Anna Chennault.

Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng sau đó vì công vụ đa đoan, ông quên hẳn đi chuyện gặp gỡ ông Nixon cho đến ngày 30 tháng 10, theo lệnh từ Saigon, ông đến Bộ Ngoại Giao để đòi hỏi Hoa Kỳ phải làm sáng tỏ vấn đề mà Đại Sứ Harriman đã nói với ông Trần Văn Lắm ở Paris rằng Hoa Kỳ không thể ép buộc cộng sản Bắc Việt phải thương thuyết “nghiêm chỉnh và trực tiếp” với Việt Nam Cộng Hòa. 

Đại Sứ Bùi Diễm kể lại rằng ông Bundy, vốn là người bạn thân, đã không thèm mời ông Diễm ngồi và bằng một giọng lạnh lùng mà ông Diễm chưa từng nghe, ông Bungdy nói rằng “cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ không hề có liên hệ bất cứ dưới hình thức nào đến cuộc thương thuyết đang diễn ra tại Paris”. Sau đó ông Bundy quay lưng lại và nói lẩm bẩm một mình mà ông Diễm chỉ nghe được vài tiếng như “không đàng hoàng” (improper), không đúng đạo lý (unethical), “không thể chấp nhận được” (unacceptable), rồi thì vẫn còn quay lưng lại không thèm nhìn ông Diễm, ông Bundy bắt đầu trách móc và nói bóng gió đến chuyện ông Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa Bùi Diễm đã liên lạc với phe ông Mixon. Đại Sứ Bùi Diễm nói ông ngỡ ngàng nhưng ông vẫn giải thích cho ông Bundy rằng ông đã cam kết với ông ta là sẽ không đề cập đến vấn đề hòa đàm với ông Nixon hồi tháng 6 và ông hoàn toàn phủ nhận bất cứ sự đồn đại nào cho rằng ông đã có làm điều gì bất chính đáng trong việc liên lạc với phe Cộng Hòa.

Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng sau nầy Thomas Powers, tác giả cuốn The Man Who Kept the Secrets đã tiết lộ rằng trong tuần lễ cuối tháng 10 năm 1968, Tổng Thống Johnson đã ra lệnh cho FBI nghe lén điện thoại của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington, đồng thời cũng nghe lén và theo dõi các hoạt động của bà Anna Chennault. 

Ngày Thứ Bảy 2 tháng 11, Đại Sứ Bùi Diễm nhận được điện thoại của Saville Davis, Trưởng Văn Phòng của Báo Christian Science Monitor ở Washington, yêu cầu ông phối kiểm về một bản tin của Beverty Deepe, Đặc Phái Viên của báo nầy ở Saigon nói rằng “Đại Sứ Bùi Diễm đã gởi cho Tổng Thống Thiệu một điện văn kêu gọi không nên gởi phái đoàn sang dự hòa đàm Paris. Có nhiều tin đồn trong giới báo chí ở Saigon cho rằng Việt Nam Cộng Hòa cố tình dậm chân tại chỗ để phá hoại những tiến bộ chính trị của ứng cử viên Humphrey trong những ngày sau khi Tổng Thống Johnson loan báo ngưng oanh tạc toàn diện, như vậy thì sẽ có lợi hơn cho ông Nixon và nếu đắc cử thì ông ta sẽ nhớ ơn và sẽ yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nhiều hơn là phe Dân Chủ”. [ Bùi Diễm, Sách đã dẫn, trang 243]

Đại Sứ Bùi Diễm nói rằng bấy giờ ông ta mới hiểu rõ lý do tại sao ông Bundy tỏ ra giận dữ với ông cách đó mấy hôm. Ông ta đã sững sờ đọc đi đọc lại nhiều lần. Ông cũng như là ký giả Davis đều biết rằng nếu bản tin nầy được đăng tải thì sẽ tạo ra một xì-căng-đan chính trị và sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng cho kết quả của cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Đại Sứ Diễm cuối cùng trả lời nhà báo Davis rằng “tôi không thể phủ nhận cũng như xác nhận nguồn tin nầy”. Đại Sứ Diễm cho biết rằng ông Davis sau đó đã không cho đăng bản tin nói trên, tuy nhiên sau nầy, ông William Safire, một trong những phụ tá của ông Nixon lúc đó, đã viết một cuốn sách nhan đề Before the fall nói rằng “nếu không nhờ ông Thiệu (tẩy chay tham dự hòa đàm), ông Nixon có lẽ đã không trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ” [ Bùi Diễm: Sách đã dẫn, trang 244]

Ông Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File đã nói rõ hơn về vấn đề nầy. Trong chương 2 “Nixon and Thiệu: A Political Debt” (Nixon và Thiệu: Một món nợ chính trị), ông đã viết rằng:

“Nguyễn Văn Thiệu tin rằng Richard Nixon đã mắc ông một món nợ chính trị, đó là kết quả của việc ông Thiệu từ chối ủng hộ nỗ lực hòa bình của Tổng Thống Johnson trước ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Tuy không bao giờ nói ra một cách công khai, ông Thiệu tin chắc rằng việc ông từ chối không tham dự hòa đàm với cộng sản Bắc Việt và việt cộng khi Tổng Thống Johnson ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, chỉ có 5 ngày trước ngày bầu cử, đã đóng một vai trò quyết định trong sự chiến thắng của ông Nixon đối với ông Humphrey năm 1968″ [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 21]

Trong tháng 10 năm 1968, Tổng Thống Thiệu đã có nhiều lần nỗ lực trì hoãn việc tham dự hòa đàm Paris mở rộng theo lời yêu cầu của Tổng Thống Johnson vì chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận việc Hoa Kỳ xem cái gọi là “Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam” là một thành phần ngang hàng với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra việc tham dự hội nghị với sự có mặt của việt cộng là đi ngược với một trong “4 không” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “không thương thuyết với cộng sản”. Tuy nhiên, theo dư luận của một số người trong giới chính trị thì ông Thiệu đã “mua thời gian” (buy time) để giúp cho ứng cử viên Nixon.

Theo tin đồn đại thì nhiều người nói rằng khi bà Anna Chennault sang Saigon hồi tháng 9, bà ta có đến gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và đã chuyển lời nhắn của phe Cộng Hòa khuyên Tổng Thống Thiệu hoãn việc tham dự hòa đàm tại Paris vì nếu ông Nixon được đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ thì sẽ có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa nhiều hơn là Tổng Thống Hubert Humphrey.

Bà Chennault có nói rằng
ông Thiệu đang bị phe Dân Chủ áp lực nặng nề. Nhiệm vụ của tôi là giúp cho ông ta giữ vững lập trường và ngăn cản không để cho ông ta thay đổi ý kiến”.

“Trong tuần lễ cuối cùng trước ngày bầu cử, ông John Mitchell, người điều hợp Ủy Ban Vận Động Bầu Cử của Nixon liên lạc với bà Chennault gần như hàng ngày để thuyết phục bà giữ ông Thiệu đừng để cho ông Thiệu cử phái đoàn đi dự hòa đàm Ba Lê. Họ biết rằng các cuộc điện đàm của họ đang bị cơ quan FBI nghe lén và bà ta đã nói diễu khi hỏi lại ông Mitchell ‘ai đang nghe ở đầu dây bên kia ? Ông Mitchell có vẻ như là không thích nói giỡn và đã nói với bà Chennault ‘gọi cho tôi ở ngoài máy điện thoại công cộng. Đừng có nói chuyện trong văn phòng của bà. Lần nào gọi cho bà Chennault, lời nhắn của ông Mitchell không bao giờ thay đổi: ‘đừng có để cho ông ta đi’. Chỉ vài ngày trước ngày bầu cử, ông Mitchell đã gọi cho bà Chennault để nhờ bà ta nhắn với Tổng Thống Thiệu thông điệp sau đây: ‘Anna, tôi nói với bà nhân danh cho ông Nixon. Thật là vô cùng quan trọng đã cho những người bạn Việt Nam của chúng ta (chính phủ Nguyễn Văn Thiệu) hiểu rõ lập trường của Đảng Cộng Hòa và tôi hy vọng rằng bà phải làm cho họ hiểu rõ điều đó” [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 23-24]

Việc bà Chennault đại diện cho ông Mitchell để liên lạc với Tổng Thống Thiệu không dấu được sự theo dõi của phe Dân Chủ vì họ đang nắm chính quyền cho nên có rất nhiều phương tiện. Tổng Thống Johnson đã nhận được báo cáo đấy đủ về các hoạt động của bà Chennault qua sự theo dõi cũng như nghe lén điện thoại của bà do hai cơ quan FBI và CIA phụ trách và ông có thông báo cho ứng cử viên Humphrey biết về chuyện nầy, tuy nhiên cả hai người đã không hề công bố cho công chúng biết điều đó.

Những người hiểu rõ nền chính trị Hoa Kỳ ai cũng đều biết rằng người Mỹ tối kỵ và không bao giờ tha thứ cho việc người ngoại quốc gây ảnh hưởng để làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tại Mỹ. Người Mỹ cũng tối kỵ và không tha thứ cho cá nhân hay nhóm người nào, kể cả các vị Dân Biểu và Nghị Sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ, đã cố can thiệp vào sự quyết định việc thi hành chính sách đối ngoại của nước Mỹ vì chỉ có Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mới có được cái quyền đó do Hiến Pháp quy định. Trong bài diễn văn về Tình Trạng Liên Bang vào tháng Giêng năm 1975, chính Tổng Thống Gerald Ford đã phiền trách Quốc Hội về việc can thiệp vào chính sách và đường lối của ông đối với Liên Xô như sau: “Theo Hiến Pháp và cũng theo truyền thống chính trị của Hoa Kỳ thì việc thi hành các chính sách và đường lối về đối ngoại là trách nhiệm của Tổng Thống”.

Vào tháng 11 năm 1968, nếu Tổng Thống Thiệu quả thật có nghe lời của phe Cộng Hòa mà trì hoãn việc tham dự hòa đàm Paris để gây bất lợi cho ứng cử viên Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử năm 1968 và gây ảnh hưởng đến việc Tổng Thống Johnson của Đảng Dân Chủ đang tìm cách chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam thì đó là một điều mà phe Dân Chủ sẽ không bao giờ tha thứ được.

Trong cuốn hồi ký của ông, cựu Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ nói sơ lược rằng: “chúng tôi có nhận được những tin tức cho biết rằng có những người tự xưng là họ nói chuyện nhân danh ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đang cố tìm cách gây ảnh hưởng với người Việt Nam để cho họ ‘Dậm chân tại chỗ’ trong cuộc hội đàm tại Paris” [ Lyndon B. Johnson: The Vantage Point: Perpectives of the Presidency, 1963-1969. New York: Holt, Rhinehart and Winston. 1971, trang 521]

Tác giả Theodore White, người viết về sự thắng cử của Nixon năm 1968 nói rằng: “khi Bộ Tham Mưu của Nixon biết được phe Dân Chủ đã hay biết về chuyện bà Anna Chennault ‘đi đêm’ với Tổng Thống Thiệu thì Đảng Cộng Hòa đã rất lo sợ vì nếu báo chí biết được chuyện nầy thì ông Nixon sẽ mất uy tín rất nhiều và sẽ bị thân bại danh liệt”.

Theo Ted Van Dyk, cộng sự viên thân tín của Tổng Thống Humphrey thì
 “Hai ông Johnson và Humphrey không tiết lộ về chuyện nầy vì Tổng Thống Johnson không muốn công chúng biết chuyện ông ra lệnh cho FBI nghe lén điện thoại của bà Chennault vì việc nghe lén nầy là bất hợp pháp và cũng vì cả hai ông đều không muốn làm điều gì bất lợi cho Luật Sư Thomas Corcoran, bạn thân của cả hai ông và cũng là nhân vật đầu não trong Đảng Dân Chủ với biệt danh ‘Ông Dân Chủ’ (Mr. Democrat). 

Bà Anna Chennault lại là ‘bạn rất thân’ của ông Corcoran. Phó Tổng Thống Humphrey nhờ Luật Sư James Rowe, người ủng hộ ông và cũng là partner (đồng nghiệp) của Corcoran trong Tổ Hợp Luật Sư của họ yêu cầu bà Chennault bỏ việc đó nhưng ông Rowe trả lời cho hay rằng ‘việc đó không xong rồi, ông Thiệu vẫn giữ lập trường’. Phó Tổng Thống Humphrey nghe báo cáo về điều nầy khi ông đang ở trên phi cơ đi vận động tranh cử. Ông rất giận dữ khi Van Dyk phúc trình với ông rằng ‘Vào năm 1968 mà China Lobby hồi xưa vẫn còn sống’. Ứng cử viên Humphrey đã chạy lui chạy tới trên máy bay và đã lớn tiếng chửi thề tôi sẽ ‘God-damned’ (xin không dịch cụm từ nầy) nếu mà nhóm China Lobby (của bà Chennault) lại có thể quyết định về số phận cả chính phủ nầy”. Sau đó ông chỉ thị cho Van Dyk cho phổ biến một bản thông cáo nói rằng “Phó Tổng Thống Hubert Humphrey không còn ủng hộ chế độ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”. Tuy nhiên ông Van Dyk đã khôn khéo không phổ biến bản thông cáo nầy mà chỉ phổ biến một lời tuyên bố nói rằng “nếu chính phủ Miền Nam Việt Nam không đi tham dự Hội Nghị Paris thì Hoa Kỳ cũng sẽ tham dự mà không cần sự hiện diện của Việt Nam Cộng Hòa”

Sau cuộc bầu cử, người ta đã khen ngợi ông Hubert Humphrey đã không đưa vụ bà Chennault ra trước công luận trước ngày bầu cử, tuy nhiên sau nầy ông Ted Van Dyk nói rằng “nếu ông Nixon và bà Chennault không đi với ông Thiệu thì phe Dân Chủ có thể đã thắng cử vì vào thời gian đó đà thắng lợi đang nghiêng về phía Humphrey” [ Nguyễn Tiến Hưng: Phỏng vấn Ted Van Dyk ngày 17 tháng 12 năm 1985. Sách đã dẫn, trang 485-486]

Với tư cách là Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và là Trưởng Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị Ba Lê hồi cuối năm 1968, có lẽ ông Nguyễn Cao Kỳ không ít thì nhiều cũng đã biết đến vụ bà Anna Chennault. Trong cuốn “Buddha’s Child” xuất bản vào năm 2002, ông Kỳ đã tiết lộ cho thấy ông biết rõ vụ nầy cũng chẳng kém gì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu:

Nếu hòa đàm có thể giúp cho ứng cử viên Humphrey thắng cử thì hòa đàm cũng sẽ trở nên bất lợi cho Nixon. Không giống như trường hợp của Humphrey, ông ta là đương kim Phó Tổng Thống và những người ủng hộ ông có thể gây áp lực trong guồng máy chính phủ để giúp ông ta, ứng cử viên Nixon không có khả năng làm được điều đó trong bộ máy chính quyền.

Ông Nixon đã tìm thấy một con đường khác.

Ông ta đã gởi sang Saigon bà quả phụ xinh đẹp của một người Tướng lãnh Không Quân hào hùng để nói chuyện với ông Thiệu và Tôi. Chồng bà Anna Chennault là một người đã đưa Phi Đoàn Flying Tigers gồm những người Phi Công Mỹ tình nguyện sang chiến đấu chống lại quân đội Nhật Bản ở Trung Hoa trong thời Đệ Nhị Thế Chiến (trước khi Hoa Kỳ tham chiến sau trận Trân Châu Cảng). Bà Chennault nói với chúng tôi (Tổng Thống Thiệu và Phó Tổng Thống Kỳ) rằng “ông Nixon là người chống cộng mạnh hơn là ông Humphrey và nếu mà ông Nixon được đắc cử thì ông ta sẽ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam cho đến khi nào thắng trận. Bà Chennault nói tiếp rằng: Nhưng mà trước hết, ông Nixon cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng tôi có thể giúp cho ông Nixon bằng cách là đừng có chấp thuận đi tham dự Hòa Đàm tại Paris cho đến sau cuộc bầu cử Tổng Thống tại Mỹ. Bà Chennault giải thích rằng nếu chúng tôi từ chối không tham dự hòa đàm thì ông Nixon có thể sẽ kết án ông Humphrey và Đảng Dân Chủ là những người yếu đuối. Sẽ không có ánh sáng ở cuối đường hầm, không có hy vọng gì cho một nền hòa bình nhanh chóng”.

Johnson là bạn của tôi. Tôi tin tưởng ở ông ta và sẽ là điều gì ông ta nói. Nếu Johnson đích thân gọi cho tôi và yêu cầu tôi giúp cho ông Humphrey, tôi sẽ nhận lời yêu cầu của ông ta và lên đường sang Paris ngay. Nhưng mà Johnson chẳng có gọi cho tôi và tôi không biết cũng như không thích ông Humphrey như là tôi quen biết và kính trọng ông Nixon.

Hơn nữa, ngay từ đầu người Mỹ đã bắt ép chúng tôi không những là phải tham dự Hội Nghị Paris mà còn phải chấp nhận việt cộng như là một thế lực ngang hàng với chính phủ của chúng tôi. Tôi không biết chắc là có nên tin tưởng ở ông Nixon hay không, nhưng mà chúng tôi không hề tin tưởng ở đại diện của Tổng Thống Johnson ở Hội Nghị Paris, đó là ông Harriman và Cyrus Vance. Tôi quyết định là tình hình chưa đúng lúc để đi sang Paris [Nguyễn Cao Kỳ with M. Wolf: Buddha’s Child, My Fight To Save Vietnam, St Martin Preess, New Yok, 2002, trang 290-291]

Cũng như Phó Tổng Thống Kỳ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không thích Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Hubert Humphrey. Tổng Thống Thiệu đã gặp Phó Tổng Thống Hubert Humphrey lần đầu tiên khi ông ta đại diện Tổng Thống Hoa Kỳ đến Saigon tham dự Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ vào ngày 30 tháng 10 năm 1967. Sau Lễ Tuyên Thệ, Tổng Thống Thiệu đã tiếp kiến Phó Tổng Thống Humphrey trong Dinh Độc Lập với sự hiện diện của Đại Sứ Bunker và Phụ Tá của ông Humphrey là Ted Van Dyk.

Ông Nguyễn Tiến Hưng kể lại rằng: 
Phó Tổng Thống Humphrey đã nói với Tổng Thống Thiệu là ông ta lo ngại về sự Mỹ-hóa (Americanization) về quân sự cũng như là kinh tế tại Việt Nam. Phó Tổng Thống Humphrey nói thêm: “Tổng Thống cần phải hiểu rõ cái hình thái chính trị (political picture)ở Hoa Kỳ: Không còn đủ thì giờ nữa và cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để đẩy mạnh vấn đề tự túc cho Việt Nam”. Tổng Thống Thiệu trả lời: “Vâng, chúng tôi hiểu, nhưng mà chúng tôi cũng hiểu rằng các ông (người Mỹ) cũng cần phải ở lại đây với mức độ như hiện tại” Phó Tổng Thống Humphrey nhắc lại những mối quan tâm của ông một lần nữa rồi nói với Tổng Thống Thiệu: “Viện trợ về quân sự và kinh tế với mức độ hiện tại cho Việt Nam trong nhiều năm nữa thì không phải là con bài của Mỹ”. Tổng Thống Thiệu lắng nghe rất kỹ nhưng ông không trả lời và cuộc tiếp xúc kết thúc”. Khi ra khỏi Dinh Độc Lập, Phó Tổng Thống Humphrey hỏi Đại Sứ Bunker: “Tôi có quá cứng rắn đối với ông Thiệu không ?” Đại Sứ Bunker trả lời: “Thưa Phó Tổng Thống, không”.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Hubert Humphrey trở thành kẻ thù từ đó” [ Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: Sách đã dẫn, "interview with Nguyễn Văn Thiệu", May, 1985, trang 22]

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tin rằng nếu Phó Tổng Thống Humphrey đắc cử thì điều đó có nghĩa là sẽ có sự đơn phương ngưng oanh tạc Bắc Việt và một chính sách mềm dẽo hơn của Hoa Kỳ đối với việt cộng, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông Thiệu nói tiếp: “nếu Phó Tổng Thống Humphrey đắc cử thì sẽ có một chính phủ liên hiệp trong vòng 6 tháng, với ông Nixon thì ít ra chúng ta còn có cơ may” [ Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: Sách đã dẫn, "interview with Nguyễn Văn Thiệu", May, 1985, trang 21]

Hồi năm 1967, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không thích ông Humphrey vì ông Humphrey nói rõ với Tổng Thống Thiệu rằng “cần phải đẩy mạnh việc tự túc cho Việt Nam”, tuy nhiên ông Thiệu đã không nhớ rằng vào cuối năm 1963, người Mỹ đã ngưng chương trình viện trợ Commodity Import Program (CIP) khiến cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải nói thẳng với toàn thể đồng bào trong thông điệp của ông nhân ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1963 rằng: “mục tiêu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là phải Tự lực, Tự cường để tiến tới Độc lập về kinh tế”. 

Người Mỹ đã cúp viện trợ để cảnh cáo ông Diệm và đó là một trong những lý do mà các tướng lãnh, trong đó có cả ông Thiệu, đã đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đã giết ông đúng 7 ngày sau đó. Phó Tổng Thống Humphrey đã báo trước cho Tổng Thống Thiệu về vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ và đúng 8 năm sau, tuy rằng ông Humphrey không còn làm Phó Tổng Thống nhưng người trong Đảng Dân Chủ của ông đã thực hiện lời cảnh báo đó khi các Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã không chấp thuận viện trợ thêm “một xu teng” nào, theo lời của Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, cho Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 4 năm 1975.

Một nhân chứng đã từng ngồi bên cạnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để thông dịch cho ông trong những cuộc hội đàm về việc tham dự hòa đàm Paris với Tiến Sĩ Henry Kissinger và Đại Sứ Ellsworth Bunker hồi cuối tháng 10 năm 1968 là ông Hoàng Đức Nhã, lúc bấy giờ là Bí Thư kiêm Tham Vụ Báo Chí tại Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Mới đây, ông Hoàng Đức Nhã đã lên tiếng kể lại chi tiết về việc nầy trong một bài đăng trên báo Ngày Nay tại Houston Texas và đã được nhật báo Người Việt trích đăng lại trong số ra thứ Bảy 4 tháng 1 năm 2003, trong bài nầy ông Hoàng Đức Nhã đã phủ nhận việc bà Anna Chennault đã thuyết phục được Tổng Thống Thiệu từ chối tham dự hòa đàm Paris để giúp cho ứng cử viên Richard Nixon như cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tiết lộ trong cuốn Buddha’s Child. Theo ông Hoàng Đức Nhã thì:

“Lúc ấy hai đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Hubert Humphrey thuộc Đảng Dân Chủ và ông Richard Nixon thuộc Đảng Cộng Hòa. Vấn đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng cách hòa đàm là một trong những vấn đề có ảnh hưởng lớn trong cuộc vận động tuyển cử. Hai ứng cử iên đều hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong danh dự và bảo tồn chủ quyền và nền độc lập của Miền Nam Việt Nam.

Chính quyền Johnson lúc ấy có đưa ra đề nghị chấm dứt chiến tranh và cố thúc đẩy Miền Nam đến bàn hội nghị tại Ba Lê.

Tòa Bạch Ốc ra chỉ thị cho Sứ Quán Hoa Kỳ tại Saigon cố thuyết phục Tổng Thống Thiệu đưa phái đoàn đi Ba Lê để bắt đầu hội đàm. Trong lúc đó, phía ứng cử viên Nixon thì nhờ trung gian thuyết phục Việt Nam Cộng Hòa đừng đưa phái đoàn đi Ba Lê. Người trung gian ấy đã dùng những đường dây mà họ cho là có ảnh hướng với Tổng Thống Thiệu, đó là Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn và Đại Sứ Bùi Diễm cũng như là Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Bắc và Đại Sứ Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của Tổng Thống Thiệu.

Lúc đó với tư cách Bí Thư của Tổng Thống, tôi được giao trách nhiệm phân tách tình hình và tham khảo với cấp lãnh đạo trong chính phủ để đề xướng ra lập trường của Việt Nam Cộng Hòa đối với việc thương thuyết tại Ba Lê. Tôi nhận được các phúc trình mật cũng như được Tổng Thống tường thuật lại những cuộc điện đàm hoặc những cuộc tiếp xúc giữa ông ta với Đại Sứ Bunker, Đại Sứ Diễm và Đại Sứ Kiểu.

Tổng Thống Thiệu và chính phủ lúc ấy đứng trước tình thế khó xử, một mặt đáp ứng lời yêu cầu của Tổng Thống Johnson đến Ba Lê mà không hề biết được lập trường của phía Đồng Minh ra sao và mặt khác thì nghĩ như thế nào khi các Sứ Giả của mình cho rằng nếu không đi Ba Lê thì sẽ giúp cho ứng cử viên Nixon thắng và sau nầy sẽ làm việc dễ dàng hơn với chính quyền Hoa Kỳ.

Sau cùng Tổng Thống đã quyết định không gởi phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa qua Ba Lê, không phải là để giúp cho ứng cử viên Nixon như Sứ Giả đặc biệt của ông ta là Anna Chennault sau nầy đã từng tuyên bố, hoặc là được các Sứ Giả của Việt Nam Cộng Hòa tuyết phục. Lý do quan trọng nhất sau lưng sự quyết định đó là việc phía Hoa Kỳ không hề đồng ý với phía Việt Nam Cộng Hòa về lập trường chung phải như thế nào và những điều kiện phía cộng sản sẽ phải chấp thuận trước khi bắt đầu cuộc thương thuyết. Hoa Kỳ đều bác bỏ rất nhiều đề nghị của phía Việt Nam Cộng Hòa, từ những điểm then chốt của lập trường phía Đồng Minh cho đến những chi tiết như là hình thù của bàn hội nghị, cách danh xưng v.v…” [ Nhật báo Người Việt, thứ Bảy 4 tháng 1 năm 2003]

Như vậy thì ông Hoàng Đức Nhã đã phủ nhận lời của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và ngay cả cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong phần phụ chú của cuốn The Palace File, hai tác giả Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Scheecter nói rằng: “Trong những cuộc phỏng vấn của chúng tôi với ông Nguyễn Văn Thiệu, chúng tôi có hỏi ông rằng: Ông có cảm thấy rằng ông Nixon đã mắc ông một món nợ vì ông đã ủng hộ ông Nixon trong cuộc bầu cử năm 1968 hay không?. Ông Thiệu đã trả lời rằng “dĩ nhiên, dĩ nhiên” [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 483]

Cuốn sách The Palace File của ông Nguyễn Tiến Hưng được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1986, lúc đó cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu còn sống và chắc chắn là ông đã có đọc cuốn sách nầy, tuy nhiên người ta không hề nghe ông Thiệu đính chính hay phủ nhận điều gì trong cuốn sách nầy cả.

Ông Loyd C. Garner, Giáo Sư Sử Học tại Trường Đại Học Rutgers, tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử trong đó có cuốn “Pay Any Price, Lyndon Johnson And The Wars For Vietnam”cũng có tiết lộ về vai trò bà Anna Chennault như sau:

“Đúng vào cái ngày Tổng Thống Johnson ra lệnh cho Đại Tướng Creighton Abrams (Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam) phải trở về Mỹ để trực tiếp tường trình với ông về tình hình quân sự tại Việt Nam thì ông đã nhận được được một hồ sơ trên bàn giấy của cơ quan Điều Tra Liên Bang FBI về những hoạt động của bà Anna Chennault, quả phụ của Tướng Claire Chennault, vị anh hùng của “Đoàn Cọp Bay” (Flying Tigers) trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Một trong những người con gái của đại gia đình họ Tống nổi tiếng ở Trung Hoa, họ hàng với bà Tống Mỹ Linh tức là bà Tưởng Giới Thạch (một người nổi tiếng khác trong gia đình nầy là bà Tống Khánh Linh tức là bà Tôn Dật Tiên), bà Anna Soong Chennault là một nhân vật nòng cốt của “China Lobby”, một nhóm lobby chống Trung Hoa cộng sản rất mạnh tại Quốc Hội Hoa Kỳ, bà đã quyên tiền lên tới một phần tư triệu Mỹ kim cho quỹ vận động tranh cử của ông Richard Nixon và đồng thời đã tình nguyện đứng ra làm trung gian giữa phe Cộng Hòa với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Bà Chennault đã liên lạc qua hai nhân vật chính là Luật Sư John Mitchell, Trưởng Ban Vận Động Bầu Cử của Ông Richard Nixon và ông Bùi Diễm, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington. Thông điệp mà chính ông Mitchell giao cho bà Chennault chuyển sang Saigon qua ông Đại Sứ Bùi Diễm là: Nếu Tổng Thống Lyndon Johnson tuyên bố đơn phương ngưng oanh tạc Bắc Việt thì ông Thiệu phải chống lại việc cùng tham dự vào bàn hội nghị. Như vậy thì quyết định ngưng oanh tạc sẽ có kết quả bất lợi cho phe Dân Chủ, sẽ giúp cho ông Nixon thắng cử và sẽ có lợi nhiều hơn cho Miền Nam Việt Nam” [ Loyd C. Garner: Pay Any Price, Lyndon Johnson and the Wars for Vietnam. Ivan R. Dee, Chicago, 1995, trang 501­502]

Một sử gia khác, ông Frank E. Vandiver thuộc Học Viện Mosber Institute for International Policy Studies của Trường Đại Học Texas A&M University đã viết về vấn đề nầy như sau:

“Ông Nixon vỗ tay vào túi áo và nói rằng ông ta có một ‘kế hoạch bí mật để chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam’

Bí mật thì có đấy, nhưng bí mật thật sâu chạy ngước trở lại căn nhà của ông Nixon ở chung cư Khách Sạn Pierre ở New York và những khuynh hướng lỗi thời trong nên chính trị của người Mỹ. Theo Hiến Pháp thì các vị Tổng Thống là những người chịu trách nhiệm về đối ngoại nhưng họ lại thường nhận được những sự giúp đỡ, mà chính họ cũng không muốn, không những từ phía Quốc Hội mà lại còn từ những cá nhân, và những cá nhân nầy cũng gây ra lắm sự lỗi lầm. 

Có hai nhân vật hành động với tư cách bán chính thức qua tổ chức vận động bầu cử của ông Richard Nixon đã làm rối loạn và gần như làm hỏng cuộc hòa đàm tại Paris: Đó là ông Bùi Diễm, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington và bà Anna Soong Chennault, em gái của bà Tưởng Giới Thạch, quả phụ của Tướng Claire Chennault của Không Đoàn Flying Tigers danh tiếng thời Đệ Nhị Thế Chiến và bà cũng là Chủ Tịch của Hội Nữ Cộng Hòa Ủng Hộ Richard Nixon. Chính bà Anna Chennault đã giới thiệu Đại Sứ Bùi Diễm với ông Nixon và ông Nixon yêu cầu ông Diễm cộng tác với Luật Sư John Mitchell. Có nhiều tin đồn về những chuyện đã xảy ra, nhưng mà rõ ràng là ông Thiệu đã có một cái cảm tưởng rất rõ rệt, đó là ông Nixon sẽ mang lại cho Saigon nhiều giải pháp tốt đẹp và có lợi hơn ông Johnson sắp sửa hết nhiệm kỳ. Một cuộc ngưng oanh tạc có nghĩa là sẽ có nhiều bất lợi cho Saigon tại cuộc hòa đàm.

Có nhiều bản phúc trình tình báo gởi đến Tòa Bạch Ốc về các nhân vật Bùi Diễm, Anna Chennault, Mitchell và Nixon Luật Sư Clark Clifford, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Tổng Thống Johnson, đã nhận thấy rằng việc Đảng Cộng Hòa can thiệp vào diễn tiến thương thuyết hòa bình là một việc ‘có tiềm năng bất hợp pháp’ vì thật là rõ ràng đó là một sự can thiệp trực tiếp vào việc thi hành chính sách đối ngoại của Tổng Thống Hoa Kỳ. Tổng Thống Johnson suy nghĩ thật nhiều, ông ta rất muốn bật mí để cho toàn thể công chúng Hoa Kỳ biết chuyện bất hợp pháp nầy của phe Cộng Hòa, tuy nhiên vấn đề nầy lại đặt ra nhiều câu hỏi và sự mơ hồ vì không có một bằng chứng rõ rệt nào để quy trách nhiệm trực tiếp cho ông Nixon, hơn nữa nếu mà phanh phui việc có một sự can thiệp từ phía bên ngoài vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thì sẽ có thể làm suy mòn lòng tin tưởng của người Mỹ đối với bất cứ ứng cử viên nào đắc cử sau nầy. Đó là một quyết định mà Ngoại Trưởng Dean Rusk hoàn toàn ủng hộ và Bộ Trưởng Clark Lifford cho rằng đó là một cái tát vào mặt Phó Tổng Thống Humphrey, ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ. [ Frank Vandiver: Shadows Of Vietnam, Lyndon Johnson’s Wars, Texas A&M University Press, 1997, trang 337-338]

Đại Sứ Bùi Diễm kể lại rằng ngày thứ Bảy 9 tháng 11 năm 1968, chỉ 4 ngày sau ngày bầu cử, ông ngồi làm việc một mình trong Tòa Đại Sứ thì thấy Thượng Nghị Sị Everett Dirkson, Trưởng Khối Thiểu Số (Cộng Hòa) tại Thượng Viện đến thăm mà không báo trước. Nghị Sĩ Dirkson nói thẳng với Đại Sứ Diễm rằng “tôi đến đây với tư cách là đại diện cho cả hai vị Tổng Thống: Tổng Thống đương nhiệm Lyndon Johnson và Tổng Thống đắc cử (president-elect) Richard Nixon. Thông điệp của cả hai vị Tổng Thống rất là đơn giản như sau: Miền Nam Việt Nam phải gởi một phái đoàn đi dự hòa đàm Paris trước khi “quá muộn” [ Bùi Diễm: Sách đã dẫn, trang 245]

Đại Sứ Bùi Diễm nói thêm rằng chỉ một tiếng đồng hồ sau khi Thượng Nghị Sĩ Dirkson ra về, ông Joe Alsop, một nhà bình luận hàng đầu của báo chí Mỹ, một người bạn thân của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát và cũng là bạn thân của Miền Nam Việt Nam, đến Tòa Đại Sứ. Ông Joe Alsop nói với ông Diễm rằng “nầy ông bạn, Tổng Thống của ông bạn, Tổng Thống Thiệu, đang chơi một trò chơi chết người (deadly game). Tôi mới gặp ‘ông già’ (Tổng Thống Johnson) ngày hôm qua và ông ta thật sự giận ông Thiệu vô cùng”. Sau đó ông Joe Alsop, với tư cách là bạn của Đại Sứ Bùi Diễm, khuyên ông ta nên về Saigon để đích thân thuyết phục Tổng Thống Thiệu. [ Bùi Diễm: Sách đã dẫn, trang 246]

Sau hai vị khách nầy, Đại Sứ Diễm đã nhận được điện thoại từ Bộ Ngoại Giao và sau đó người Mỹ đã đến Tòa Đại Sứ để nối một đường giây điện thoại đặc biệt của Ngũ Giác Đài để ông Diễm nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Thiệu tại Saigon. Ngày hôm sau, Chủ Nhật, Đại Sứ Bùi Diễm gặp ông Bundy một lần nữa rồi qua ngày thứ Hai 13 tháng 11 năm 1968, ông lên máy bay về Saigon. Gần 2 tuần sau, ngày 26 tháng 11, Tổng Thống Thiệu loan báo sẽ gởi một phái đoàn do Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu sang dự hòa đàm Paris và ông Kỳ đã đến Thủ Đô Pháp vào ngày 8 tháng 12 năm 1968.

Trong cuốn “The Palace File”, ông Nguyễn Tiến Hưng có cho biết là bà Anna Chennault đã rất phẩn nộ về việc Tổng Thống Nixon đã “phản bội” Tổng Thống Thiệu: Sau khi ông Thiệu đã giúp cho ông Nixon đắc cử thì chính ông Nixon lại đòi hỏi Tổng Thống Thiệu phải tham dự Hội Đàm Paris và vì thế bà đã từ chối không thèm nhận chức vụ Đại Sứ do ông Nixon đề nghị. 

Ngày 29 tháng 4 năm 1975, bà Anna Chennault lại gặp ông Thiệu một lần nữa tại Đài Bắc, lần nầy bà đại diện cho Tổng Thống Gerald Ford và được Tổng Thống Ford yêu cầu nói với ông Thiệu rằng: “Đây chưa phải đúng lúc để ông Thiệu sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ và tốt hơn hết thì ông Thiệu nên chọn một nước khác để xin tỵ nạn”.

Cựu Tổng Thống Thiệu đã cay đắng nói với bà Chennault rằng: “Làm kẻ thù của nước Mỹ thì thật là quá dễ, nhưng làm một người bạn của Mỹ thì lại quá khó” [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 332-333]

Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cũng có kể lại việc nầy trong cuốn hồi ký của ông“Chẳng bao lâu sau ngày tôi khởi đầu cuộc đời tỵ nạn, bà Anna Chennault đã mời tôi tới dùng cơm tối tại nhà bà trên lầu thượng của cư xá Watergate tại Washington, chỉ có bà và tôi mà thôi. Bà Chennault vừa mới từ Đài Loan trở về và nói với tôi rằng “Tôi đi Đài Loan để nói với ông Thiệu rằng tại vì sự “mang tiếng” (reputation) của ông cho nên ông sẽ không được đón mừng (welcome) ở Mỹ” [ Nguyễn Cao Kỳ with M. Wolf: Sách đã dẫn, trang 350]

Sau năm 1975, nhân một buổi họp mặt với Linh Mục Raymond de Jaegher tại Riverside, New York, người viết có hỏi bà Anna Chennault về vấn đề nầy, tuy nhiên sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, bà ta đã nói với người viết rằng: “Sometimes we’ve got to do whatever we’ve got to do” (đôi khi chúng ta cũng phải làm bất cứ việc gì mà chúng ta phải làm)

Tuy bà Chennault không xác nhận hay phủ nhận nhưng người viết có cảm tưởng rằng lúc đó bà ta cố gắng làm bất cứ điều gì để giúp cho ông Nixon, một chính trị gia mà chính người Trung Hoa Quốc Gia ai ai cũng nghĩ rằng sẽ ủng hộ chế độ Đài Loan vô điều kiện và có lợi hơn là ông Humphrey của Đảng Dân Chủ. 

Cũng như người Việt Nam, sau nầy người Đài Loan vô cùng thất vọng vì chỉ mấy năm sau thì chính Tổng Thống Nixon sang thăm Bắc Kinh và dưới thời Nixon thì Trung Hoa Quốc Gia bị trục xuất ra khỏi Liên Hiệp Quốc để nhường cho Trung Cộng và chính phủ Hoa Kỳ chính thức thiết lập bang giao với Trung Hoa cộng sản trên cấp bậc Đại Sứ, do đó Tòa Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã được thiết lập từ thập niên 1940 lại bị đóng cửa. Cho đến ngày nay, Trung Hoa Dân Quốc hay Đài Loan không hề có một cơ sở đại diện ngoại giao nào với Hoa Kỳ dù chỉ trên cấp bậc Lãnh Sự.

Tác giả Frank Snepp cho biết rằng hồi tháng 4 năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger có nhắn với cựu Tổng Thống Thiệu ở Đài Loan rằng: “Ông đừng có trông đợi chiếu khán được vào định cư tại Hoa Kỳ (nơi người con gái của ông đang theo học Đại Học) ít ra là cho tới sau cuộc bầu cử Tổng Thống tại Mỹ vào tháng 11 năm 1976″. Sau đó ông Thiệu sang tỵ nạn tại Anh Quốc cho đến thập niên 1980 thì được con gái của ông bà bảo trợ cho sang sống tại Boston, Tiểu Bang Massachussets và ông đã từ trần tại Thành Phố nầy hồi cuối năm 2001. Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sống ở Mỹ với tư cách là thường trú nhân (permanent resident) và không hề xin nhập tịch Hoa Kỳ.

Đó là sơ lược về vụ bà Anna Soong Chennault vận động với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trì hoãn việc cử đại diện cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sang tham dự cuộc hòa đàm Paris trước ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1968 giữa hai ứng cử viên Richard M. Nixon và Phó Tổng Thống Hubert Humphrey. Ông Nixon đã đánh bại Phó Tổng Thống Hubert Humphrey để trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ váo tháng 1 năm 1969.

Trong cuốn The Bunker Papers, Tiến Sĩ Douglas Pike đã cho trích lại tất cả những bản phúc trình của Đại Sứ Ellsworth Bunker gởi về hàng tuần cho Tổng Thống Johnson và sau đó Tổng Thống Nixon trong suốt thời gian ông làm Đại Sứ tại Việt Nam từ 1967 cho đến 1973. Có lẽ vì chưa được giải mật cho nên không có bản phúc trình nào của Đại Sứ Bunker về thất bại của ông trong vai trò thuyết phục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đồng ý tham dự Hòa Đàm Paris vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 1968 và cũng không có nói gì về những cuộc viếng thăm của bà Chennault tại Saigon.

Cho đến năm 1975, cả hai Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đều do Đảng Dân Chủ kiểm soát và dĩ nhiên là họ không có mấy cảm tình với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, không có mấy cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa, nhất là sau khi Tổng Thống Nixon từ chức vì vụ Watergate vào năm 1974, đại đa số các vị Nghị Sĩ Hoa Kỳ đều bỏ phiếu chống lại việc gia tăng viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, đã bỏ phiếu giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa và nhất là chống lại đề nghị viện trợ bổ túc cho Miền Nam Việt Nam vào đầu năm 1975.

Trong bối cảnh chính trị đó, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Phát Triển Kinh Tế và Kế Hoạch, theo lệnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã rời Saigon vào lúc 1 giờ 30 trưa ngày 15 tháng 4 năm 1975 sang Washington DC với sứ mạng vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ xin vay 3 tỷ Mỹ kim gọi là “trái khoán Tự Do” (Freedom Loan) để cứu vãn tình hình đang trên đà sụp đổ tại Miền Nam Việt Nam.

Cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đều không biết được rằng một ngày trước đó, vào ngày 14 tháng 4 năm 1975, Ủy Ban Ngoại Vụ của Thượng Viện Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát đã yêu cầu được gặp Tổng Thống Gerald Ford tại Bạch Cung để thảo luận khẩn cấp về vấn đề Đông Nam Á. Trong cuộc hội kiến bất thường nầy, các Nghị Sĩ đã khuyến cáo Tổng Thống Ford phải “rút ra thật nhanh” (get out, fast) và họ sẽ “không cung cấp một đồng nickel (5 cents) nào về viện trợ quân sự cho Việt Nam”.

Sau khi đến Thủ Đô Washington và đang chuẩn bị tiếp xúc với dư luận cũng như là các vị Dân Biểu Nghị Sĩ Hoa Kỳ về dự án “trái khoán Tự Do” nầy thì sáng ngày 18 tháng 4 năm 1975, các hãng Thông Tấn loan tin cho biết Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết bác bỏ hoàn toàn vấn đề viện trợ quân sự bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa và đồng thời Ủy Ban Ngoại Vụ Thượng Viện cũng đã thông qua một nghị quyết cho phép Tổng Thống Gerald Ford được quyền sử dụng Quân Lực Hoa Kỳ để di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Sứ mạng của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng bất thành từ trong trứng nước vì các đại diện của Đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã có một trí nhớ thật dai, họ đã trả được mối hận mà ông Nguyễn Văn Thiệu gây ra khiến cho ông Hubert Humphrey, đại diện đảng nầy đã bị thất cử trong đường tơ kẻ tóc vào năm 1968.

Ông Nguyễn Tiến Hưng không phải là người Việt Nam đầu tiên thất bại trong sứ mạng sang Hoa Kỳ cầu viện.

Trước đó đúng 100 năm, vào năm 1875, ông Bùi Viện mang Quốc Thư của Vua Tự Đức lần thứ hai sang Hoa Kỳ yêu cầu Tổng Thống Ulysses S. Grant trợ giúp cho triều đình Nhà Nguyễn chống lại cuộc xâm lăng của người Pháp tại Việt Nam, nhưng sự yêu cầu nầy không được chính phủ Hoa Kỳ cứu xét và nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp đô hộ trên 80 năm.

(còn tiếp)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét