Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 7

Nguyễn Hữu Chí
22-04-2013

KỲ 7

Trong một dịp tôi cùng người bạn đến thăm mẹ con bà Huệ thì gặp đúng lúc trời mưa tầm tã, nhà giột tứ tung, nước trong nhà chảy lênh láng không khác gì ngoài sân… Cả ba mẹ con bà Huệ, anh bạn của tôi và tôi, tất cả 5 người ngồi trong nhà trùm mấy miếng chiếu cói mà chịu trận, vì không thể nào kiếm được một chỗ khô ráo trong căn nhà. 

Tôi cũng xin thưa với quý độc giả, ngay cả căn nhà của gia đình tôi thời đó cũng vô cùng thê thảm. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn, mái nhà của nhà tôi ở cũng giột tứ tung, nhưng ít ra, tôi còn kiếm được khoảng chục chiếc chậu sành to, nhỏ để khắp sàn nhà mà hứng nước mưa giột từ mái tranh. Đằng này, ở nhà bà Huệ, trong nhà nước mưa rơi như ở ngoài trời thì dù có cả trăm chiếc chậu cũng chẳng tài nào mà hứng nổi nước mưa…

Cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua, cuộc đời tôi đã trải qua không biết bao nhiêu kỷ niệm yêu thương, buồn giận, xót xa, phũ phàng, đau khổ,… nhưng khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn thấy xúc động khôn tả, khi thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh người thiếu phụ xinh đẹp trong những đường nét trầm buồn, bối rối như làm phải điều gì lầm lỗi chỉ vì phải tiếp khách trong cảnh trời mưa, mà gia cảnh thì túng thiếu cùng cực…

Vào thời buổi đó, tôi biết những cảnh túng thiếu, đau khổ đã bao trùm trên hàng vạn vạn nóc nhà trên quê hương Miền Bắc của tôi, mà dưới mỗi mái nhà, là mỗi bi kịch diễn ra hàng ngày hàng giờ qua những đường nét đau khổ khác nhau. Tôi cũng xót xa nhận ra, trong chế độ cộng sản, không những con người phải sống trong bi kịch, mà ngay cả chim muông, cầm thú, cỏ cây, cũng vật vã khổ đau… qua muôn hình vạn trạng.

Hai hình ảnh của hai người thiếu phụ, trong hai hoàn cảnh khác nhau, đã làm cho tôi xúc động vô cùng. Tôi bước ra ngoài đường nhựa, lủi thủi đi dưới ánh đèn để thấy bóng của mình dài ra, ngắn lại, rồi lại dài ra… Lúc đó, tuổi đời tôi còn rất trẻ, nhưng vì sớm phải sống trong đau khổ, túng bấn, thiếu thốn tình mẫu tử, nên tôi giống như một con chim phải tên, phải ná, lúc nào cũng dụt dè sợ hãi và trong thâm tâm luôn luôn cảm thấy mình đã biết buồn từ khi chưa biết cười, biết nói…

Trong niềm xúc động của tâm tư, trong sự khát khao hạnh phúc của gia đình, tôi đi trên đường mà tâm hồn chìm đắm trong sự thổn thức không thể nào đè nén, chế ngự… Lúc này, tôi chả thiết tha gì đến chuyện cầm que để dò mìn. Cái hạnh phúc tôi vừa được hưởng, được chứng kiến, quá lớn lao, nếu lúc ấy tôi có dẵm trúng một quả mìn, mìn nổ tung, khiến thân xác tôi tan ra làm trăm ngàn mảnh, tôi vẫn thấy hạnh phúc, được chết cùng với cái hình ảnh tuyệt vời mà tôi đã thấy…

Tôi đi như vậy được khoảng 20 phút, thì nghe có tiếng người nói chuyện ồn ào ở phía trước. Chậm rãi nép mình vào một thân cây, tôi quan sát, rồi từng bước, từng bước tôi tiến về phía tiếng ồn. Khi còn cách khoảng 50 thước, tôi nhận ra hình dáng một chiếc xe tăng ngay cạnh đường nhựa, dưới chân cầu. Triền dốc thoai thoải, và dưới ánh đèn, tôi thấy khoảng hơn chục người lính đang tụ tập trò chuyện quanh một cái bàn, hay thân cây gì đó. Tôi phập phồng vừa mừng vừa lo. Tôi không biết có nên đến gặp những người lính đó hay không. Tôi không biết khi tôi nói với họ tôi đi tìm tự do, họ có tin hay không? Trong cái không khí đầy chết chóc của thời chiến lúc đó, tôi cảm thấy có cái gì ngại ngùng, lo sợ một cách vu vơ. Tôi thấy những người lính đó ăn nói bạo dạn, khí phách ngang tàng quá nên tôi thấy ngần ngại…

Sau mấy phút suy nghĩ, chẳng hiểu sao tôi lặng lẽ lùi xa dần, lùi xa dần, rồi rẽ phải, đi dọc theo con đường về hướng nam. Cho đến bây giờ, tôi cũng không còn nhớ rõ, con đường tôi đi vào nửa đêm hôm đó là đườngnào, về đâu, nhưng tôi thấy ấm lòng và tự tin, tôi đã bước vào một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Cuộc đời của tôi trong mai hậu tôi không biết như thế nào, hạnh phúc hay khổ đau, nhưng tôi biết chắc, tôi sẽ sống không uổng phí khi tôi đặt chân đến vùng đất của Tự Do.

Lúc đó tôi đoán khoảng nửa đêm. Đường nhựa rộng thênh thang, vắng tanh vắng ngắt. Đi khoảng mươi, mười lăm phút nữa, tôi thấy hiện ra ở bên tay phải một đồn lính khá lớn. Trong sân đồn, xe lớn xe nhỏ đậu đầy. Những bao cát chất chung quanh với nhiều hình thù khác nhau. Ngay lối vào, có mấy hàng dây kẽm gai cuộn tròn, loại bùng nhùng, có thể kéo ra, kéo vô dễ dàng. Phía bên tay phải lối vào đồn có một chuồng cu cao khoảng hơn chục thước. Mỗi bên chuồng cu khoảng 3 thước. Nhìn lên chuồng cu tôi thấy có một nòng súng thò ra, nhưng im lìm bất động. Vì bốn phía của chuồng cu đều trống, nên tôi biết ngay trên chuồng cu không có một ai.

Thời tiết lúc đó rất nóng. Nhìn vào sân của đồn lính, tôi thấy ngổn ngan đủ các loại xe cộ. Bỗng dưng tôi trông thấy một chiếc xe đạp, dựa vào một góc tường. Ngay lập tức trong đầu tôi nảy ra ý định, đi vào sân đồn, lấy chiếc xe đạp, rồi đạp thẳng vô Huế. Ý nghĩ đó có thể nói là rất viển vông, nhưng với tôi lúc đó, là một kẻ không biết gì, thì lại là điều thích thú, tôi tin là mình có thể làm.

Sau khi quan sát động tĩnh một hồi lâu, tôi thấy quả thực cả đồn lính với không biết bao nhiêu xe cộ, quân trang, quân dụng,vũ khí, nhưng rõ ràng là chẳng có một ai canh gác. Yên tâm, tôi từ từ rón rén bước tới. Ngó quanh quẩn một lần nữa chỉ thấy đường xá vắng lặng, trong đồn thì im lìm, không tiếng động. Hít một hơi thở thật sâu, tôi bước tới, thò tay cầm cuộn dây thép gai kéo qua một bên, cho vừa đủ rộng để bước vô. Nhanh chóng, tôi bước mấy bước là lọt vô được sân đồn. Tôi hồi hộp quá, vội bước nhanh mấy bước tới cạnh chiếc xe Jeep. Nhìn vô trong xe, tôi thấy ngay một khẩu AR-15 dựng đứng, báng để trên ghế, nòng gác vào vô lăng. Ngay cạnh khẩu súng là một chiếc nón sắt. Trong đầu tôi thoáng qua ý nghĩ: Điều đầu tiên là tôi phải có một chiếc mũ sắt đội trên đầu. Vì đó là dấu hiệu đầu tiên có những đường nét thân thiện “phe ta” đối với người lính VNCH. Nghĩ đến là làm ngay, tôi dơ tay với chiếc mũ sắt, đội liền lên trên đầu.

Ngay lúc đó, tôi nghe thấy tiếng huýt sáo. Nhìn ra, tôi thấy ở phía xa xa, có người đang đi tới. Luống cuống, không biết làm thế nào, tôi vội vàng nhưng nhẹ nhàng, lùi dần, lùi dần về phía bóng tối, để người kia không nhìn ra tôi. Sự luống cuống, thiếu bình tĩnh đã khiến tôi có những phản ứng vô lý. Rõ ràng tôi đã chấp nhận về đây tìm tự do thì tại sao lúc này tôi không mạnh dạn bước ra giữa vùng ánh sáng nói rõ ý định của mình cho người lính VNCH biết? Nhưng bây giờ thì không kịp nữa rồi. Thân hình tôi đã khuất trong bóng tối, tạo cho tôi cảm giác yên ổn, an toàn, nên tôi muốn níu kéo lấy cái an toàn, dù là tạm thời đó.

Nhìn ra, tôi thấy dưới ánh sáng của đèn điện, một người lính cởi trần, mặc có chiếc quần đùi. Trên cổ lủng lẳng chiếc thẻ bài và một chiếc còi. Vì thời tiết lúc đó nóng, nên người lính vừa đi vừa huýt sáo, bộ điệu rất yêu đời. Tôi đoán, người lính đó có bổn phận gác chuồng cu, mới bỏ chuồng cu đi đâu đó, giờ quay trở về. Trong thoáng chốc, tôi không biết có nên bước ra nói rõ ý định của mình với người lính hay tiếp tục ẩn mình chờ lát nữa lấy xe đạp rồi đạp về Huế. Tôi chỉ nghe thấy Huế đẹp trong thơ văn, nay tôi muốn thấy Huế bằng mắt… Giữa lúc tôi đang lưỡng lự như vậy thì người lính đã bước tới gần chiếc xe Jeep. Tôi biết anh chỉ cần đi vài bước nữa là tới chân cầu thang của chuồng cu, và khi đó, anh sẽ leo lên đó tiếp tục phiên gác của mình. Đột nhiên, người lính gác dừng lại, ngó quanh. Thôi chết tôi rồi, người lính đã nhìn thấy vòng dây kẽm gai bị kéo sang bên. Người lính đã phát hiện có người đi vô đồn… Làm thế nào bây giờ đây?…

Đột nhiên ngay lúc đó, từ phía thị xã Quảng Trị có một chiếc xe tuần tiễu chạy tới, đèn pha chiếu sáng quắc. Ngay khi chạy tới gần đồn lính, xe quẹo cua về bên phải, nên ánh đèn pha của xa quét một vòng từ trái sang phải. Cả sân đồn lính, bao gồm mọi vật, trong đó có tôi, bỗng dưng hiện rõ mồn mộn dưới ánh đèn pha. Tôi hoảng hốt nhìn về phía người lính. Trong thời gian không đầy một tích tắc đồng hồ, linh tính cho tôi biết, người lính đã nhìn thấy tôi, và người lính cũng biết, tôi đã nhìn thấy ảnh. 

Chắc chắn, hình ảnh của tôi đứng núp cạnh chiếc xe GMC không phải là hình ảnh thân thiện gì. Quý độc giả cứ tưởng tượng, lúc đó là nửa đêm của thời chiến, của một đêm mà các sư đoàn của VC đang dần dần bủa vây Quảng Trị, và thị xã Quảng Trị đang trong tình trạng thiết quân luật. Giữa sân đồn lính, có một người đầu đội nón sắt của lính VNCH, thân lại choàng một chiếc áo mưa màu đen của bộ đội, đang đứng im phăng phắc, mắt mở to thao láo, và đối diện trong khoảng cách khoảng 10 thước là người lính VNCH, cởi trần, trong tay không có một tấc sắt….

Vì ánh đèn pha của chiếc xe tuần tiễu chỉ quét qua sân đồn khi quẹo cua, nên sau một hai giây đồng hồ, sân đồn trở lại tình trạng như cũ. Nghĩa là tôi lại ở trong bóng tối, còn người lính VNCH thì vẫn đứng giữa vùng ánh sáng. Từ lúc người lính nhìn thấy tôi cho đến giờ, anh hoàn toàn bất động, đứng im lìm bên cạnh chiếc xe Jeep. Còn tôi lúc đó cũng im lìm, không biết mình phải nói gì, làm gì. Tất cả những chuyện quan trọng này đáng lẽ tôi phải lường trước và phải chuẩn bị, nhưng tôi đã không làm.

Giữa lúc im lặng căng thẳng và bối rối như vậy, tôi nghe người lính hỏi:
- Ai?

Theo phản xạ tự nhiên, tôi trả lời:
- Tôi!

Trả lời xong, tôi biết, câu trả lời của tôi rất tối nghĩa. Tôi định cất tiếng nói nhưng lúng túng không biết nói gì. Ngay khi đó, tôi thấy người lính vẫn nhìn về phía tôi, nhưng tay trái của anh đang từ từ thò vào trong chiếc xe Jeep. Tôi biết ngay, người lính đang thò tay lấy khẩu AR-15 gác trên vôlăng xe. Vì vậy tôi vội nói ngay:
- Ông không cần phải dùng đến súng đâu!

Lập tức, tôi thấy người lính rụt ngay tay lại, rồi đứng yên, bất động. Thấy người lính như vậy, tôi hiểu ngay, anh đã hiểu sai ý của tôi. Câu nói của tôi lúc đó chỉ có ý, tôi về đây với thiện chí của một người bộ đội đi tìm tự do, chứ không hề có ác ý gì, nên anh đâu cần phải dùng đến súng. Nhưng trong cương vị người lính VNCH, khi nghe tôi nói như vậy, anh tưởng, tôi là người đã sẵn sàng súng ống, sẵn sàng nhả đạn và câu nói của tôi là một lời cảnh cáo…

 (Ôi, người lính VNCH tối hôm đó, giờ anh đang ở đâu? Nếu đọc được những dòng chữ này, xin hãy liên lạc với tôi…)


(còn tiếp)

http://viteuu.blogspot.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét