Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 16 & 17 & 18

Nguyễn Hữu Chí
09-05-2013

Chế độ cộng sản là cả một đại thảm họa cho nhân loại. Cộng sản Việt Nam, với bản chất tàn nhẫn của cộng sản quốc tế, cộng với sự ngu dốt, đã đẩy dân tộc Việt Nam vào vực thẳm của sự nghèo đói và băng hoại về nhân phẩm, văn hóa. Trong khi sự nghèo đói của một xã hội có thể giải quyết nhanh chóng trong thời gian vài chục năm, thì trái lại, một dân tộc bị băng hoại về nhân phẩm, về văn hóa, về tôn giáo, về lương tâm… dân tộc đó chỉ hồi sinh, phát triển sau thời gian cả trăm năm. 

Và đó là bi kịch thê thảm nhất, cay đắng nhất, dân tộc Việt Nam hiện đang đối diện.

KỲ 16

Kể từ khi viết hồi ký, tôi có được cái may mắn, nhận được những cú điện thoại, những email khuyến khích của quý độc giả. Trong số đó, có những vị trước kia ở cùng một tổng, một làng với tôi ở ngoài Bắc. Có vị cùng tắm chung trên dòng sông Châu, và cũng có vị từng đặt chân lên núi Đọi, núi Đệp quê hương của Mẹ tôi… Rồi Chủ nhật vừa qua, có một vị gọi điện thoại hỏi tôi về những kỷ niệm của tuổi học trò ở Miền Bắc dưới chế độ cộng sản. Trước đây hai tháng, cũng có một vị thân hữu trong cộng đồng, hỏi tôi câu hỏi tương tự. Vì vậy, hôm nay, tôi xin kể lại những kỷ niệm tuổi học trò của tôi.

Tôi là một người rất hiếu học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên chỉ được học hết lớp 8 thì tôi phải nghỉ học để kiếm sống. Nhưng trong thời gian 8 năm trên ghế nhà trường, tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn, đến bây giờ vẫn còn nhớ như in trong óc.

Trong những năm tiểu học, tôi là một đứa trẻ rất tinh nghịch, nên tôi bị thầy giáo đánh đòn như cơm bữa. Lớp tôi học nằm cạnh một vườn khoai mì, mà ngoài Bắc gọi là cây sắn. Dùng cây sắn làm roi thì hay bị gẫy, nên mỗi khi tôi nghịch ngợm, đáng bị đánh đòn, là thầy giáo sai học trò ra vườn sắn bẻ cả chục cây đem vào lớp. Như đã kể trong những số báo trước, tôi là người đa cảm, rất dễ xúc động, nhưng lại rất lì đòn, vì tôi mê được làm anh hùng ngay từ khi còn bé. Mà muốn làm anh hùng, thì điều đầu tiên phải biết gồng mình chịu đòn. Vì tâm tâm niệm niệm như thế, nên mỗi lần bị thầy giáo đánh đòn, tôi đều nghiến răng chịu đau, nhất định không kêu la xin xỏ.

Ngồi học trong lớp, tôi ít khi để ý đến lời thầy giảng, mà chỉ hay coi trộm truyện. Vì hay đọc truyện, nên tôi đọc bài rất lưu loát. Mỗi khi có phái đoàn giáo viên của huyện, của tỉnh về thăm trường (hay còn gọi là thăm quan), là cô giáo, thầy giáo lôi tôi lên đọc bài trước lớp. Tôi coi đó là một vinh dự và thích thú lắm.

Khi tôi bắt đầu lên học cấp 2, tức là từ lớp 5 đến lớp 7, thì máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc Miền Bắc. Đó là thời gian vất vả nhất của tuổi học trò. Vì trường cấp 2 ở ngay phố huyện, nên lệnh của trên phòng giáo dục huyện bắt trường tôi phải đi “sơ tán” (giống như di tản), nghĩa là chúng tôi phải bỏ trường lớp, đi xuống vùng thôn quê cách đó khoảng 4, 5 cây số, dựng lên trường lớp bằng mái tranh, vách đất. Cực khổ nhất là phải đào giao thông hào chi chít từ trong lớp học ra đến bên ngoài.

Có thể nói cả Miền Bắc từ năm 1965 trở đi, đâu đâu cũng thấy giao thông hào và hầm hố tránh bom. Giao thông hào đào từ trong mỗi lớp học, tỏa mạng ra các hầm trú ẩn. Chung quanh lớp cũng phải đắp các ụ đất cao một thước tám, ngang khoảng thước hai. Những ụ đất này chạy quanh lớp học, chỉ chừa có vài lối ra vô là cửa ngõ của các giao thông hào. Giao thông hào thì sâu khoảng thước rưỡi, ngang khoảng thước hai. Ngoài ra mỗi lớp học phải làm 5 hầm tránh bom, mỗi hầm chứa khoảng 10 đến 12 học sinh. 

Để làm những hầm tránh bom, phụ huynh và học sinh phải làm chung, vì rất tốn kém và vất vả. Đầu tiên là đào một hố sâu khoảng một thước, chiều ngang 3 thước, chiều dài 5 thước. Sau đó đóng cọc tre hai bên san sát dính liền, mỗi cọc cao khoảng 2 thước rưỡi, một đầu vót nhọn cắm sâu vào đất khoảng nửa thước, đầu kia có ngàm, để hai chân cọc đóng xoãi hai bên, còn hai đầu cọc thì khớp lại với nhau giống như mái nhà. Tiếp theo là buộc lạt tre, đặt phên tre, rồi đổ đất bùn trộn với rơm, dầy từ một thước đến thước rưỡi. Cuối cùng là phủ những lớp cỏ ngụy trang lên trên.

Dọc theo các con đường làng, các đường mòn tới lớp học, rồi chung quanh lớp, đều có các hố cá nhân. Những hố này đều sâu từ thước rưỡi đến hai thước, đường kính thước rưỡi. Ở thành phố, thị xã, thủ đô Hà Nội, mỗi hố cá nhân thường được đổ bằng xin măng, có nắp đậy. Còn ở thôn quê thì hố thường bằng đất, không có nắp.

Ngoài hệ thống hầm hố ra, mỗi học sinh thời đó đều phải có mũ rộng vành bện bằng rơm. Những cọng rơm được ngâm nước cho mềm, rồi kết lại với nhau giống như kết tóc đuôi sam. Sau đó, từng chuỗi rơm to bằng ngón tay cái được quấn và khâu thành hình chiếc mũ. Các thày cô giáo vẫn thường dậy chúng tôi, đội mũ rơm thì giúp cho đầu của mình khỏi bị bom bi, hay miểng bom. Như vậy mũ rơm để bảo vệ đầu. Còn bảo vệ thân thể thì có một chiếc khiên bằng rơm (lâu ngày, tôi quên mất tên gọi của nó nên tạm gọi là khiên rơm). Chiếc khiên này cũng được bện bằng rơm, nhưng thay vì khổ nhỏ như ngón tay cái, thì rơm bện cho chiếc khiên phải to và tròn cỡ cổ chân. Sau khi bện xong, thì quấn từng vòng thật chặt thành một chiếc khiên rơm hình bầu dục, rồi thêm hai chiếc dây, hay hai quai bằg rơm ở hai bên để đeo lên vai. Khi đeo xong, chúng tôi sẽ có được một chiếc khiên che kín phía lưng. Nhìn chung, vào thời đó, những chiếc mũ rơm, khiên rơm là như vậy, nhưng mỗi địa phương, hình dáng, cách thức của mũ rơm, khiên rơm có khác. Thậm chí có nơi, không có rơm, thì người dân dùng bẹ ngô, hay cây cỏ…

Học sinh chúng tôi thời đó cũng được dậy rằng, nếu nghe tiếng kẻng hay còi báo động, kịp nhảy xuống hố cá nhân tránh bom, thì nhớ đậy nắp hầm bằng chiếc khiên rơm. Như vậy, chỉ trừ khi trái bom rơi trúng miệng hầm, còn không thì mạng sống của chúng tôi sẽ rất an toàn. (!!!) Tôi còn nhớ ngày đó, có mấy ông cán bộ huyện đội hay xuống trường học của chúng tôi, bắt cả trường phải thực tập màn báo động máy bay Mỹ oanh tạc. Có hôm mùa đông lạnh lẽo, trời mưa tầm tã cả tuần lễ, giao thông hào, hầm hố đều ngập nước, nhưng cán bộ huyện đội tới ra lệnh báo động, chúng tôi vẫn phải chạy nháo nhào dưới mưa để chui vào những hầm hố đầy nước… khiến đứa nào cũng run cầm cập, quần áo ướt như chuột. Ngoài chuyện nước, bùn, đôi khi còn có cả chuột, cóc nhái, rắn rết,… sống cũng có mà chết cũng có, trong các hầm hố, giao thông hào. Những thứ này quả là cả một ác mộng đối với học trò, nhất là với nữ sinh.

Về công dụng của chiếc mũ rơm, khiên rơm, tôi nhớ có lần, cán bộ huyện đội lên lớp giải thích, mỗi miểng bom hay viên bom bi bắn ra trong không khí, chúng sẽ xoay tít theo chiều kim đồng hồ. Một khi gặp rơm, chúng sẽ cuốn sợi rơm theo chiều quay, nên mỗi sợi rơm sẽ có công dụng như chiếc phanh (thắng), làm giảm tốc độ và rồi chặn đứng viên bom bi hay miểng bom lại. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ thoát chết. (!!!)

Vào lúc đó, chúng tôi chẳng biết, những chiếc nón rơm, khiên rơm đó có hữu hiệu trong việc tránh bom bi hay miểng bom như lời cán bộ huyện đội nói không, nhưng chúng tôi ai ai đi học cũng không thể nào quên được hai thứ “bùa hộ mạng” cồng kềnh và nặng nề đó.

Để minh họa phần nào hình ảnh người học sinh Miền Bắc trong những chiếc khiên rơm, mũ rơm, tôi xin gửi tới các bạn tấm hình dưới đây. Tôi cũng xin thưa, khi cho bà xã coi tấm hình này, tôi đã giải thích đứt lưỡi, bằng tất cả ngôn ngữ tôi có, cộng với sự thật thà đến ngây ngô, ngờ nghệch của tôi, nhưng vợ tôi vẫn nhất định không tin, những học sinh trong hình mặc những tấm khiên rơm đó là để chống bom bi. Vợ tôi bảo, các em học sinh đeo chiếc khiên rơm đó là để cho khỏi lạnh, chứ không phải để chống bom bi. Vì vậy, nếu quý độc giả nhìn hình, mà không tin những gì tôi viết trong bài này, điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Chỉ mong, nếu quý vị có cơ hội, xin hãy hỏi chuyện những người Việt từng sống ở Miền Bắc trong giai đoạn 1964-1972, thì có thể phần nào tin những điều tôi đã viết…

Như vậy, quý vị sẽ thấy thương xót cho tuổi trẻ Việt Nam ở Miền Bắc trong những năm tháng cách đây ngót 40 năm. Và cũng xin quý vị hãy hiểu rằng, tất cả những khổ ải đó chỉ bằng phần ngàn, phần vạn, so với những khổ ải không có trong hình, do cộng sản gây ra cho quê hương, dân tộc VN, trong suốt 60 năm qua…

KỲ 17

Tuần qua, có một số vị độc giả cho biết, rất thích thú và ngạc nhiên khi thấy tấm hình những học sinh Việt Nam đeo khiên rơm, đội mũ rơm trên đường đến trường. Với đông đảo người dân Miền Nam, đó là hình ảnh lạ lùng, hiếm thấy, và cũng không có mấy người tưởng tượng ra nổi. Sự thực, trong những năm tháng đó, ở khắp các trường học trên lãnh thổ Miền Bắc, đâu đâu cũng thấy cảnh “muôn người như một” đội mũ rơm, đeo khiên rơm khi đi học. Tất cả học sinh Miền Bắc thời đó đều nghèo khổ, túng thiếu, quần áo vá chằng vá đụp, cùng những gương mặt xanh xao đói khát kinh niên, cộng với guồng máy tuyên truyền được chế độ cộng sản tận dụng tối đa để nhào nặn con người, đã làm tê liệt hết mọi đường nét ngây thơ, hồn nhiên của tuổi trẻ.

Dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” thời đó (cũng như từ xưa tới nay), ngoài những bài học thường xuyên thuần túy về đường lối chính sách của đảng, tất cả các môn học khác đều được chính trị hóa tối đa, kể cả những môn thuần túy khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa. Trong văn chương cận và hiện đại, học sinh chúng tôi chỉ học văn thơ của những nhà văn, nhà thơ cách mạng, trong đó văn thơ của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên luôn luôn chiếm hàng đầu. 

Chương trình học, từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến đại học, đều ở dạng “chính trị đồng tâm”, có nghĩa, từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên, chúng tôi cùng học văn thơ cách mạng, nhưng nhỏ ở lớp dưới thì học ít, lớn ở lớp trên thì học nhiều. Học sinh cấp 1 học một vài bài thơ, bài văn trích của các lãnh tụ cộng sản. Lên cấp 2 học lại, nhưng sâu hơn, rộng hơn. Lên cấp 3 lại tiếp tục học. 

Đối với các nhà văn nhà thơ thuộc các trào lưu tư tưởng khác thì cộng sản không cho học, hoặc nếu có học cũng nặng về phê phán, chỉ trích những tư tưởng mà cộng sản coi là lệch lạc, sai trái. Thậm chí, đối với ngay cả những nhà văn nhà thơ cổ điển, hay những nhân vật lịch sử sống cả ngàn năm trước, cũng đều bị cộng sản nhào nặn để đánh giá, phê phán, dưới lăng kính chủ nghĩa cộng sản. 

Xin đơn cử một thí dụ, khi phân tích về Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, những người trí thức cộng sản đã tìm đủ mọi cách để gán ghép cho Nguyễn Du những đặc điểm có tính giai cấp của một người cộng sản. Đối với thơ văn thời Pháp, cộng sản chỉ khai thác những tác phẩm được cộng sản coi là có “giá trị hiện thực phê phán”, nghĩa là mô tả những tội ác, những xấu xa, hủ bại của chế độ “phong kiến thực dân”; hoặc kể lại những cảnh khốn khổ, những bi kịch của người dân nghèo. 

Với các môn khoa học tự nhiên, cộng sản cũng có chính sách nhằm tuyên truyền và đầu độc tuổi trẻ Việt Nam. Tất cả các nhà khoa học có công đối với nhân loại, đều được đánh giá dưới lăng kính giai cấp, chủng tộc và đảng tính. Nghĩa là ưu tiên vinh danh những khoa học gia nào là đảng viên cộng sản, hoặc là người Nga, Ba Lan, Hung Gia Lợi… là những nước cộng sản; hoặc xuất thân từ thành phần lao động, giai cấp công nhân nghèo khổ.

Bên cạnh nội dung giáo dục thuần túy tuyên truyền, cộng sản còn có cả một mạng lưới đoàn thể ngoại vi dầy đặc nhằm kiểm soát và hướng dẫn tư tưởng thế hệ trẻ, là tổ chức thiếu nhi và đoàn thanh niên. Cả hai tổ chức này đều đặt nền tảng tư tưởng cho giới trẻ, khiến cho một học sinh, ngay từ khi mới cắp sách đến trường, đã lọt vô cạm bẫy của cộng sản. Và trên con đường phát triển trí tuệ, tài năng và tay nghề, bất cứ học sinh nào, nếu đã không được kết nạp vào thiếu nhi, thì sẽ không bao giờ được kết nạp vào đoàn thanh niên. Và nếu đã không được kết vào đoàn thanh niên, thì người học sinh đó có học giỏi, có chịu khó, có tinh thần tiến thủ đến đâu đi nữa, người đó cũng khó có thể tiến thân. 

Sống trong xã hội cộng sản, hai chữ “đạo đức” phải được hiểu là “đạo đức cách mạng”. “Tài và đức” là thước đo giá trị của mỗi người đã trở thành “hồng và chuyên” trong chế độ cộng sản. Và khái niệm “hồng”, tức là “đạo đức cách mạng”, hoàn toàn xa cách, thậm chí trái ngược, với khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của truyền thống dân tộc Việt Nam.

Một người học sinh dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” được dậy rằng, muốn có “đạo đức cách mạng”, họ phải sẵn sàng vì quyền lợi của đảng, chấp nhận “phi nhân, bất nghĩa, vô lễ, bất trí, bất tín”. Chế độ cộng sản luôn luôn dậy người học sinh, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” chỉ là những sản phẩm xa xỉ của chế độ phong kiến và tư bản.

Song song với trường học và các đoàn thể ngoại vi, cộng sản còn có cả một mạng lưới kìm kẹp và nhuộm hồng trí tuệ của tuổi trẻ qua hàng trăm hội đoàn, đoàn thể khác. Thậm chí, ngay cả gia đình, nền tảng đáng tin cậy cuối cùng của tuổi trẻ trên căn bản cùng huyết thúc, cũng bị cộng sản phá vỡ. Kết quả, ngay cả những câu hỏi ngây thơ, những thắc mắc chân tình của tuổi trẻ đối với cha mẹ hay anh chị trong nhà, cũng rất ít khi có được câu trả lời đúng đắn, nếu không nói là cha mẹ, anh chỉ đã chủ động trả lời gian dối, chủ động tuyên truyền lừa bịp. Bằng sự kìm kẹp tư tưởng, bằng chế độ tem phiếu, bằng mạng lưới công an chìm nổi và các hội đoàn, đoàn thể, cộng sản VN đã thực sự gieo rắc sự sợ hãi, gian dối, bao che tội lỗi, và đồng lõa với tội ác trên khắp quê hương Miền Bắc. Vì vậy, nếu ở Miền Nam, có ai than thở băn khoăn cho thế hệ trẻ khi viết “bò non gặm cỏ cháy”, thì ở Miền Bắc, tôi phải nói, “bò non gặm cỏ độc”.

Một ai đó đã nói, con người là sản phẩm của tuyên truyền. Câu này rất đúng vì có thể nói hầu hết mọi người sinh ra và lớn lên trong xã hội cộng sản, họ đều dễ dàng trở thành những cán bộ tuyên truyền cộng sản. Điều này khiến họ vừa là nạn nhân của chế độ cộng sản, lại vừa là thủ phạm gây ra những nạn nhân khác sống chung quanh họ. Vì bản chất của chế độ cộng sản là phi nhân, gian trá và lừa lọc, nên không sớm thì muộn, đến một lúc nào đó, hầu hết những nạn nhân của chế độ cộng sản đều tỉnh ngộ, thức tỉnh. Nhưng ngay cả khi họ thức tỉnh, sự tê liệt về ý chí, cùng những tội lỗi mà họ đã phạm, và nỗi xấu hổ trước sự nông cạn về trí tuệ khiến họ mắc lừa cộng sản, đã khiến họ tiếp tục sa lầy trong vũng bùn cộng sản…

Một trong những kỷ niệm ám ảnh mãnh liệt nhất và có sức tàn phá khủng khiếp nhất đối với thế hệ trẻ Miền Bắc chúng tôi là cái chết của Hồ Chí Minh. Để có thể hiểu được mức độ tàn phá của cái gọi là “thần tượng” Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ Miền Bắc như thế nào, xin các bạn hãy nhìn vào thực tế, tại hải ngoại hiện nay, trong cộng đồng của chúng ta, vẫn có những người Việt khoa bảng lớn tuổi, điên cuồng bênh vực Hồ Chí Minh là người Việt yêu nước. Họ vẫn nằng nặc không tin Hồ Chí Minh đã có nhiều vợ và có con; HCM là chánh phạm tạo nên những thảm kịch thời cải cách ruộng đất; HCM đã tạo ra những cuộc thủ tiêu rùng rợn các đảng phái quốc gia thời 9 năm kháng chiến. Có thấy được sự cuồng tín bênh Hồ Chí Minh bằng mọi giá của tầng lớp khoa bảng thân cộng sản tại hải ngoại, qúy vị mới thông cảm cho những học sinh nghèo khổ, lớn lên sau rặng tre làng, bị nhào nặn dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” đã ngây thơ tin tưởng vào “thần tượng” Hồ Chí Minh như thế nào…

Tôi còn nhớ ngày Hồ Chí Minh chết là ngày 3 tháng 9 năm 1969. Trong suốt những ngày, những tuần lễ sau đó, đi đến đâu, tôi cũng thấy những lễ truy điệu, những buổi đọc “di chúc” của Hồ Chí Minh. Rồi những bài hát, những bài thơ, những bài văn “thương tiếc Hồ Chí Minh” xuất hiện nhan nhản ở khắp mọi nơi, qua mọi hình thức. Tại các nhà thờ, chùa chiền, hãng xưởng nhà máy, các hợp tác xã, các trường học, đều thấy những gương mặt u ám, buồn bã, và cả những “giọt nước mắt thương tiếc”. Trong số đó, tôi biết hầu hết những người lớn tuổi biết rõ cộng sản là gì, thì đều phải đóng kịch để sống còn với chế độ. Sau này tôi được nghe kể, lúc đó, nhiều cô, nhiều bà có kinh nghiệm muốn “khóc thương Bác” thật mùi mẫn, thì chỉ cần nghĩ đến những người thân thương khi qua đời, là khóc ngon lành.

Nhưng đó là đối với người lớn. Với tuổi trẻ Việt Nam, ngây thơ lớn lên giữa cả rừng cạm bẫy và gian dối, lại bị guồng máy tuyên truyền của cộng sản nhào nặn, nên ngày đó, nhiều học sinh nhất là nữ sinh đã khóc “thương Bác” rất mùi mẫn. Thêm vào đó, nước mắt bao giờ cũng hay lây, nên cảnh các nữ sinh sụt sịt khóc trong những buổi truy điệu Hồ Chí Minh là cảnh tôi thường thấy.


Và một người khi còn trẻ, đã tin, đã yêu thương, tôn thờ một thần tượng, để rồi một ngày kia, nhận ra mình bị lừa, nhận ra thần tượng đó là thủ phạm của không biết bao nhiêu tội ác, thì khi đó, chính mình vừa thất vọng, vừa căm hận, vừa xấu hổ. Đời người chỉ sống có một lần, và chỉ một lần có tuổi thanh xuân. Vĩnh viễn không bao giờ mình được đi lại những năm tháng tuyệt vời đó. Vậy mà chính những năm tháng tuyệt vời đó, mình lại ấp ủ tôn thờ một tên đồ tể, thử hỏi còn nỗi đau đớn nào lớn hơn, quằn quại thê thảm hơn?… Nhất là khi nhiều người khi nhận biết được điều đau đớn đó là lúc tuổi của họ đã xế chiều, tội lỗi của họ đã ngập đầu, và hai tay của họ đã chót nhúng chàm độc….

KỲ 18

Một trong những nghệ thuật tuyên truyền quỷ mỵ và thâm hiểm nhất của chế độ cộng sản, là thêu dệt, nguỵ tạo những bằng chứng, để tạo ra ảo tưởng một tầng lớp một giai cấp hy sinh cho tầng lớp giai cấp khác trong xã hội. Kết quả, qua đường lối tuyên truyền này, những người cộng sản đã tạo nên một mối quan hệ thi đua hy sinh để sống xứng đáng với sự hy sinh của người khác dành cho mình.

Bằng cớ cụ thể nhất, để cho bộ đội khi ra trận, chiến đấu thật điên cuồng, cộng sản đã nhồi nhét vào đầu họ những truyện, ở hậu phương Miền Bắc có những cô gái, quyết hy sinh mạng sống, dưới mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ, để bảo đảm cho lương thực, vũ khí được chở ra tiền tuyến. Ngược lại, đối với những người dân, những đơn vị thanh niên xung phong ở Miền Bắc, cộng sản sẽ đầu độc họ bằng sự hy sinh vô bờ bến của người bộ đội tại Miền Nam. Những lời trăn trối, những lá thư tuyệt mệnh của bộ đội, được các văn nô, thi nô, thêu dệt theo đơn đặt hàng của cộng sản cũng có, mà sự thực của những bộ đội có bộ óc cuồng tín cũng có, đã là những liều “mật độc” thấm vào lục phủ ngũ tạng của thế hệ trẻ Miền Bắc, khiến họ dễ dàng trở thành những con thiêu thân, lao vào “hào quang” do CS nặn lên. Trong mối hy sinh hỗ tương giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa công nhân với nông dân, giữa nữ giới với nam giới, giữa người già với người trẻ, giữa huyện A với huyện B, giữa tỉnh C với tỉnh D, vân vân và vân vân… CS đã quỷ quyệt vắt kiệt tất cả của cải, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân Miền Bắc.

Một trong những “thần tượng” được cộng sản thêu dệt để bòn rút mồ hôi, trí tuệ của người dân, nhất là của thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất, là “thần tượng Hồ Chí Minh”. Để tạo cho mọi người dân hết lòng tin tưởng và thương yêu Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản đã thêu dệt những câu chuyện đại loại như Hồ Chí Minh nhịn uống sữa mỗi buổi sáng để lấy sữa tặng cho trẻ thơ; nhịn mặc để lấy vải tặng các bà cụ già; thức đêm canh gác để cho bộ đội ngủ ngon… Sau này, chính Tố Hữu trong một bài thơ (tôi không nhớ tên) đã có câu, “sữa để em thơ, lụa tặng già” chính là để ca ngợi Hồ Chí Minh.

Vì sống trong một xã hội, “muôn người như một”, cả nước chỉ nghe một chương trình phát thanh, đọc một tờ báo, hát chung một bài hát tuyên truyền, mặc cùng một loại vải, ăn cùng một loại cơm độn; và nếu còn ở tuổi đi học, khi tới trường, tất cả các trường học trên lãnh thổ Miền Bắc cùng một ngày, một giờ đều cùng giảng một bài luận văn, đọc cùng một bài thơ, với nội dung luận điệu y hệt như tờ báo, như đài phát thanh,… nên tuổi trẻ VN ở Miền Bắc dễ dàng chìm đắm trong tình cảm “kính yêu” Hồ Chí Minh, mà không hề biết chân tướng đầy qủy mỵ cùng những thủ đoạn tàn độc của ông ta.

Truyện xưa, Tăng Sâm một người nổi tiếng là hiền hậu, sống với mẹ từ bé đến lớn, vậy mà chỉ 3 lần nghe 3 người khác nhau nói “Tăng Sâm giết người”, khiến người mẹ phải hoảng hốt bỏ trốn, thì đủ hiểu, sức mạnh của tuyên truyền ghê gớm đến thế nào. Người cộng sản VN hiểu rõ được sức mạnh đó, nên chúng đã dùng tuyên truyền để nhào nặn con người. Hậu quả, tôi có thể nói, sống trong xã hội cộng sản thời đó, dân chúng cả Miền Bắc sống trong dối trá. Trẻ ngây thơ thì sống trong ảo tưởng, lớn lên có chút hiểu biết, thì băn khoăn thắc mắc, nhưng không biết hỏi ai; và có hỏi cũng không bao giờ nghe được câu trả lời chân thành. Thậm chí có người, chỉ vì thật lòng hỏi, mà rồi mang họa, phải chịu tù tội suốt cả cuộc đời. Lịch sử tù tội trong xã hội CS, có không thiếu gì người, chỉ vì một câu nói đùa trong lớp học, chỗ chợ búa, hay ở nơi hàng quán, mà ôm hận vài năm đến vài chục năm tù.

Bên cạnh lớp người ảo tưởng cuồng tín, ở Miền Bắc dưới chế độ cộng sản, còn có một lớp người khác “mũ ni che tai”. Lớp người này hiểu biết, biết rõ về cộng sản, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, nên họ chấp nhận “nín thở vĩnh viễn”. Vì sống trong một xã hội, hầu hết những người chung quanh đều “nín thở vĩnh viễn” giống nhau, nên họ đánh mất luôn cả nhân tính, cùng những cảm xúc bình thường con người phải có, như ăn năn, xấu hổ, tự ái, sĩ diện, tư cách, lòng tự hào… 

Chính guồng máy tuyên truyền của chế độ cộng sản đã tạo nên những người cộng sản máy như vậy nên trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam với không biết bao nhiêu thảm kịch kinh hoàng, trong đó không biết bao nhiêu người cộng sản đã chủ động và trực tiếp nhúng tay vào máu của những người dân vô tội, trong đó có trẻ em, phụ nữ, ông bà già,… nhưng tuyệt nhiên, cho đến nay, 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta không hề thấy bất cứ người cộng sản nào tỏ ra ăn năn, hối hận, hay bị khủng hoảng tâm thần. Và đây chính là điều đau xót thê lương và tàn nhẫn nhất đối với người dân Miền Bắc. 

Guồng mấy tuyên truyền của chế độ cộng sản trong suốt 20 năm chiến tranh, đã tạo cho những con người Việt Nam ở Miền Bắc trở thành người vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc. Hầu hết, họ chỉ biết có “đảng và bác”. Vì không có tôn giáo, lại được CS trao cho ảo tưởng “chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước”, nên người lính Miền Bắc dễ dàng trở nên cuồng tín, không có những giây phút do dự khi bóp cò súng bắn giết những người dân vô tội. Vì vô tôn giáo, nên người lính cộng sản không hề tin vào vào thế giới tâm linh, vào thuyết nhân quả, vào đời sống kiếp sau, vào sự thưởng phạt ở bên kia thế giới. Hậu quả, người lính cộng sản sẽ thảnh thơi bước vào cuộc chém giết như bước vào cuộc chơi, với niềm tin “nòng súng, mũi chông là điều nhân đạo nhất” mà Chế Lan Viên đã nhồi nhét cho họ. Như vậy, thử hỏi làm sao người lính CS có thể ăn năn, hay bị khủng hoảng tinh thần cho được?

Trong khi ở những quốc gia tự do, dân chủ tây phương, trong đó Hoa Kỳ, có những người lính ăn năn, hối hận với những tội ác mà họ đã gây ra; có những người lính khi chứng kiến đồng đội bắn giết thường dân, đã dũng cảm dùng thân xác của mình ngăn chặn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh; thì trái lại trong guồng máy chiến tranh của cộng sản, tuyệt nhiên không bao giờ tìm thấy sự ăn năn trong tâm hồn người lính cộng sản. Bản chất của chế độ cộng sản, với cả một guồng máy độc tài chuyên chế, sẵn sàng nghiền nát mọi tình cảm thiêng liêng của con người, đã khiến cho bất cứ ai trong chế độ CS, còn chút nhân tính, cũng không có cơ hội ngóc đầu sống thực với chút nhân tính của mình.

Chế độ cộng sản là cả một đại thảm họa cho nhân loại. Cộng sản Việt Nam, với bản chất tàn nhẫn của cộng sản quốc tế, cộng với sự ngu dốt, đã đẩy dân tộc Việt Nam vào vực thẳm của sự nghèo đói và băng hoại về nhân phẩm, văn hóa. Trong khi sự nghèo đói của một xã hội có thể giải quyết nhanh chóng trong thời gian vài chục năm, thì trái lại, một dân tộc bị băng hoại về nhân phẩm, về văn hóa, về tôn giáo, về lương tâm… dân tộc đó chỉ hồi sinh, phát triển sau thời gian cả trăm năm. Và đó là bi kịch thê thảm nhất, cay đắng nhất, dân tộc Việt Nam hiện đang đối diện.

(còn tiếp)

http://viteuu.blogspot.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét