Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THƯ GÓP Ý GỬI HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM

Nguyễn An Dân
11-08-2014


Trước tiên, tôi gửi quý Hội lời chào sức khỏe, thân ái và trân trọng. Tôi viết thư này trong vị thế một người quan tâm đến quý Hội, đến tự do tư tưởng và đến không gian xã hội dân sự Việt Nam. Sau nhiều ngày quan sát, trò chuyện cùng những người quan tâm, tôi tổng hợp các góp ý phản hồi gửi đến quý Hội.

Tôi tán thành và chúc mừng việc ra đời Hội Nhà Báo Độc Lập (HNBĐL), như một nơi quy tụ những người viết báo (dù có thể chưa phải nhà báo chuyên nghiệp) muốn nói thẳng, nói thật trong tinh thần trung thực, khách quan và đa chiều, một điều đáng quý và cần nhân rộng trong hiện thực đất nước hôm nay.

Tôi hiểu hết những gì các anh chị trong Hội phải chịu đựng và nỗ lực vượt qua vì một quyền tư do tư tưởng đúng nghĩa, theo các chuẩn mực mà quốc tế đã công nhận từ lâu, cho mình và cho cộng đồng những người cầm bút và viết báo tại Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Tôi cũng hiểu rõ những áp lực mà quý anh chị em đang phải chịu, sự đánh giá của dư luận, sự khó khăn về tài chính, sự đe dọa của đảng quyền, sự trăn trở cho tương lai của Hội…Đó là những áp lực không nhẹ, nhưng các anh chị đã vượt qua, tôi thật sự thán phục và ngưỡng vọng.

Trong tinh thần đó tôi viết Thư này góp ý củng quí anh chị trong Hội.

Ngã rẽ cần xem xét lại

Bên cạnh thành công đã có trong việc cho ra đời Hội đúng lúc và đáp ứng mong đợi của mọi người, cũng có những điều cần phải xem xét lại. Có những điều tuy không thể sửa chữa nhưng thay thế được, có những điều mang tính chiến lược có thể làm tan vỡ Hội, nếu các anh chị không dũng cảm và sáng suốt để vượt qua. Một trong những điều mang tính chiến lược này là, theo tôi, gần đây, dường như Hội đã đi vào ngã rẽ, trở thành một tổ chức chính trị nhiều hơn là một hội nghề nghiệp đúng nghĩa.

Dường như có sự “mất kết nối” nào đó trong Hội, nên tôi thấy trong thời gian khoảng 2 tuần qua, cơ quan ngôn luận của Hội ở website www.ijavn.org và trang Việt Nam Thời Báo trên mạng xã hội facebookwww.facebook.com/vietnamtimes01 khác nhau nhiều về nội dung và thành phần cầm bút.

Trước hết, có những xu hướng “hơi quá đà” trong việc đưa các bài viết của Hội trên trang www.ijavn.org, ví dụ như về việc của ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ mà có tới 7 bản tin và 5 bài bình luận, và cũng mất cân đối khi số bài ca ngợi ông Nghị chiếm khoảng 80% tổng số tin liên quan. Việc này làm tôi và nhiều người khác nghĩ rằng trang Việt Nam Thời Báo (www.ijavn.org) ủng hộ ông Nghị và nhóm của ông Nghị. Tôi nghe nhiều người đặt câu hỏi: “Phải chăng Hội Nhà Báo Độc Lập ủng hộ ông Nghị và nhóm của ông Nghị trong Đảng CSVN nên số bài tô hồng kể công cho ông Nghị và nhóm bảo thủ trong đảng nhiều như thế”???

Tôi thiết nghĩ rằng ủng hộ một phe nhóm trong nội bộ Đảng CSVN, nhất là phe mà ai cũng biết là bảo thủ-giáo điều, không phải là việc của cơ quan ngôn luận của Hội và của Ban lãnh đạo”. Tôi nghĩ quý anh chị nên điều chỉnh lại để duy trì uy tín và vị thế độc lập của Hội như mong đợi của mọi người, cũng như đúng tiêu chí hoạt động của Hội. Nên tập trung Hội vào những hoạt động đúng như nó là một Hội nghề nghiệp hơn là “vô tình” sa vào cuộc “nội chiến” trong đảng, mà còn biến nó thành một diễn đàn đầy các quan điểm ủng hộ cho một phe phái nào đó của đảng cầm quyền. Việc này nên để các tổ chức chính trị làm thì đúng hơn.

Có anh em trong Hội nói với tôi rằng đó là chiến thuật chiến lược gì đó mà tôi không hiểu thấu, nhưng tôi nghĩ chắc không hẳn như thế. Quý Hội là Hội nghề nghiệp chứ không phải tổ chức chính trị mà đưa chiến thuật chính trị vào hoạt động sự vụ. Huống hồ chiến thuật này là gì tôi không rõ, nhưng biểu hiện ra bên ngoài là bất lợi, nó công kích cả nhóm bảo thủ lẫn nhóm cải cách trong đảng. Cũng công kích cả nhóm thân Mỹ quyết liệt, làm quần chúng có cảm giác là ban chủ tịch Hội tiếp tay cho nhóm thân Trung Quốc, khiến tạo dư luận rằng cả Ban Chủ tịch Hội là “dư luận viên chiến lược của đảng” –điều tôi tin là không đúng. Dù sao cũng đã có dư luận như vậy, và tôi nghĩ đó là không khôn ngoan khi tự đưa mình ra hứng 3 làn đạn từ cả ba phía (đảng quyền-chính quyền-dân quyền). Theo tôi trong ba phía đó, Hội nên đặt ưu tiên 1 vào dân quyền, còn giữa chính quyền và đảng quyền, thì không nên chọn đảng quyền, lực lượng đang mất uy tín và bảo thủ nhất tại Việt Nam hiện nay. Chọn lựa ủng hộ phe bảo thủ đảng quyền thật thiếu “tầm”, vì làm sao có thể tin được là phe này thật sự muốn cải cách chính trị khi ngay sau chuyến đi của Phạm Quang Nghị, vẫn chủ trương “chống âm mưu diễn biến hòa bình” (1). Đấy là chưa kể trong thực tế, việc ủng hộ đó có thể dẫn đến hậu quả làm giảm uy tín của Hội và tác hại đến sự an toàn của anh em trong Hội.

Cần nhanh chóng chấn chỉnh

Từ nhận xét đó, tôi sợ rằng quý Hội đang “bị chuyển hướng” từ một hội nghề nghiệp trở thành một tiếng nói hỗ trợ cho đảng quyền. Vì yêu quí Hội, muốn bảo vệ một thành quả hiếm có trong cuộc đấu tranh giành quyền tự do ngôn luận hiện nay, tôi mong Ban chấp hành Hội nên sớm đưa Hội trở về đúng các giá trị của một hội nghề nghiệp độc lập, tự quản. Tất nhiên nhiều thành viên Hội là người bất đồng chính kiến và tranh đấu chính trị, nhưng không nên vì thế mà biến Hội thành một tổ chức chính trị, nhất là chính trị theo nghĩa tham gia vào cuộc “nội chiến” trong đảng cầm quyền. Hội NBĐL nên là một môi trường tập hợp những người tôn vinh những giá trị của nghề báo chân chính, hướng đến tương lai là một hội quy tụ những người viết báo có tâm, có tầm, có tài năng phụng sự xã hội và cổ vũ dân chủ pháp trị qua ngòi bút. Không nên là nơi tuyên truyền cho đảng quyền, nhất là cho những ủy viên Bộ CT vốn nổi tiếng là bảo thủ giáo điều, làm sai lạc dư luận, vô tình hỗ trợ cho âm mưu “đánh lận con đen”, khiến quần chúng không phân biệt được “vàng thau”, “cải cách và giả cải cách”.

Cũng thế, Hội cần quan niệm mình như chiếc nấm lớn che chở những chiếc nấm nhỏ là hội viên bên dưới. Hội tranh đấu cho quyền tự do lập hội, còn hội viên tranh đấu cho quyền tự do viết lách, cầm bút đúng và đủ theo chuẩn mực báo chí quốc tế.

Cách thiết chế vận hành nhân sự cũng thế, hội nên bỏ đi mô hình thiết kế kiểu đảng phái (đang giống một đảng chính trị quá, nào là cần 2 hội viên giới thiệu và được ông này bà kia ở chủ tịch đoàn chấp nhận ??) . Các sáng lập viên nên ngồi lại, soạn ra thỏa ước luân lý (tiêu chí và điều lệ) cho hình ảnh nhà báo độc lập là như thế nào, và các thành viên gia nhập sau tự nguyện cam kết chấp hành các chuẩn mực đó, phù hợp thì làm thành viên, không phù hợp được thì đào thải.

Hội cũng nên xác định vai trò của mình là môi trường gắn kết, sinh hoạt của các nhà báo theo tiêu chuẩn nghề nghiệp do hội đề ra, chứ không phải Hội là nơi làm báo. Hội khuyến khích và hỗ trợ hội viên viết báo phụng sự lợi ích xã hội, chứ hội không viết thay hội viên, hay “chỉ đạo” các hội viên viết để phụng sự cho lợi ích của Hội. Cụ thể, trang báo VNTB hiện nay không nên là “cơ quan ngôn luận của Hội”. Hội có thể để một nhóm hội viên nào đó làm, còn Hội chỉ nên có bản tin nghề báo nội bộ. Còn nếu muốn giữa trang báo này như tiếng nói của Hội, thi nó phải thật sự phản ánh các quan điểm và thông tin đa chiều, do các hội viên viết trong tinh thần tự do và tự chịu trách nhiệm về nội dung, miễn không đi ngược mục đích và các tiêu chí nghề nghiệp của Hội. Trang báo VNTB hiện nay vừa không phản ảnh điều này lại vừa tạo “phản cảm”, có vẻ Mỹ một cách hình thức (sao chép gần như hoàn toàn “banner” của tờ New York Times). (2)

Các hội viên được tự do hành nghề báo mà không bị ảnh hưởng bất kỳ tư tưởng ý thức hệ nào, chỉ phải hành nghề theo luật và theo điều lệ của Hội. Hội viên có thể thích đảng dân chủ hay đảng cộng hòa hay đảng cộng sản…, nhưng khi viết là viết đúng luật và điều lệ của Hội. Khi hội viên bị xâm hại vì thực thi đúng như thế, Hội sẽ đứng ra lên tiếng, bảo vệ và giúp đỡ.

Hội nên đặt ra những mục tiêu có giá trị nâng cao uy tín Hội, ví dụ như một năm thì đạt được bao nhiêu hội viên đủ chuẩn, có bao nhiêu bài báo, bài viết có tiếng vang, có hiệu quả xã hội, có giá trị thiết thực cho cộng đồng, có bao nhiêu hội viên là chủ bút các tờ báo riêng…đại loại như thế, từ thấp đến cao.

Về mô hình tổ chức, tôi nghĩ hội nên tổ chức theo nhu cầu chức năng cần có của hội. Chức năng của Ban Chủ tịch chỉ để làm việc định hướng, các sự vụ nên có các ban giúp việc. Chủ tịch đoàn chỉ nên lo đối ngoại, quốc tế vận, liên kết, đối trọng và đối thoại với chính quyền. Các ban giúp việc làm theo yêu cầu chuyên môn.


Mô thức bao trùm của các chi tiết về cơ cấu nêu trên chính là: Hội là nơi cung cấp được (từ ít đến nhiều) sự bảo vệ, che chở cho các hội viên; là nơi ươm mầm các người viết báo thành nhà báo chuyên nghiệp; là nơi để các hội viên bên trong và nhà báo bên ngoài tìm đến khi quyền chính đáng của nhà báo bị tước đoạt và xâm hại phi pháp, phi lý. Phạm vi tranh đấu của Hội chỉ nên dừng lại ở mức bảo vệ quyền tự do lập hội của XHDS và quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của nhà báo. Khi hội viên của Hội và các nhà báo khác tại Việt Nam bị nhà cầm quyền đàn áp, Hội sẽ vận động sự ủng hộ của các hội đoàn dân sự khác có liên quan bên ngoài Hội, cả trong nước và quốc tế.

Tôi cũng cho rằng tranh đấu chống lại sự đàn áp của đảng quyền để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tư tưởng là cần thiết, nhưng chỉ là một mục tiêu gần. Quý Hội nên có một Tầm nhìn xa dài hơn, tương xứng với vị thế của Hội, đó là góp phần xây dựng 1 xã hội dân chủ pháp trị và phụng sự cho dân tộc lớn mạnh, cùng các hội đoàn khác như hội nhà văn, hội luật sư, hội khoa học…cùng đạt mục tiêu này. Mục đích xa dài là đóng được vai trò của một trong những hội đoàn dân sự quan trọng trong sứ mệnh cao cả đó, từ đó xây dựng kế hoạch và lộ trình để thực thi –mục tiêu gần nằm trong mục đích xa dài, mục đích xa dài hướng dẫn phương thức hành động nhằm đạt mục tiêu gần.

Đó là một số góp ý đại cương như thế của tôi. Tôi tin rằng các hội viên sáng lập của Hội đều là những nhà báo có thâm niên và kinh nghiệm nghề nghiệp, sẽ còn có những ý kiến hay hơn và xác đáng hơn để phát triển Hội.


Tôi viết thư trên đây đúng theo chức trách và lương tâm người cầm bút, không vì mong cầu danh tiếng hay lợi ích, và cũng không chịu sự chi phối của bất kỳ đảng phái, phe nhóm nào. Nên xin phép chỉ góp ý mà không tranh luận. Nếu có sai sót gì đó so với thực tế hay các cách nhìn khác, xin quý vị miễn thứ và tùy nghi định liệu sao cho phù hợp với tôn chỉ và sự hoạt động hữu hiệu của Hội, và nhất là cho sự phát triển vững mạnh của nền báo chí tự do tại nước ta –điều mà tất cả chúng ta đều đang nhắm tới.

Trân trọng,


Nguyễn An Dân

(11/08/2014)

************

Ghi chú:





1 nhận xét:

  1. Nặc danh13/8/14 08:08

    Bài góp ý của tác giả Nguyễn An Dân là hoàn toàn chính xác và hợp lý ! Vì sự nghiệp lớn , mỏng BBT có tinh thần cầu thị, tiếp thu và điều chỉnh kịp thời.
    Mong !

    Trả lờiXóa