Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÁN CỜ NGUY HIỂM CỦA TRUNG QUỐC - PHẦN 2

Howard W. French, The Atlantic, Số tháng 11, 2014
Neofob cập nhật các phần bị bỏ sót và chỉnh sửa từ bản của vietnamnet [0]

Những nỗ lực ngày càng mãnh liệt của Trung Quốc để vẽ lại biên giới hàng hải khiến vừa cả láng giềng lẫn Hoa Kỳ lo ngại nguy cơ chiến tranh. Nhưng liệu sự gây hấn ấy là để phản ảnh một chính quyền đang lớn mạnh hay là một chính quyền đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính danh?

Xem thêm Phần 1

Ván cờ Sống Còn

Cách Philippines vài trăm dặm anh về phía bắc, Trung Quốc đang so găng với Nhật về một nhóm đảo nhỏ, cằn cỗi và ít người biết đến cho đến gần đây, được biết đến trong tiếng Nhật là Senkaku. Nó nằm dưới quyền kiểm soát không tranh chấp của Nhật kể từ khi họ sát nhập vào năm 1895 cho đến khi Nhật bị đánh bại vào Đệ Nhị Thế Chiến. Cho dù có vẻ như là một lãnh thổ cỏn con–chẳng ai sống ở đó–vụ tranh chấp này chứa đựng nguy hiểm còn hơn cả những vụ chạm trán lẻ tẻ ở phía nam. Đây là nơi mà tương lai của Đông Á có thể được định đoạt. Khu vực chưa bao giờ có sự chung sống hòa bình giữa hai cường quốc Á Châu, và khi mà Trung Quốc theo đuổi vị thế cường quốc toàn cầu còn Nhật Bản đã cho thấy rõ ý định là sẽ kiềm chế Trung Quốc. Quần đảo Nhật Bản dài khiến Trung Quốc bị hạn chế hoạt động ở vùng biển duyên hải. Việc kiểm soát quần đảo Senkaku (và có thể kể cả quần đảo Ryukyu ở phía đông nam của Senkaku) được Bắc Kinh xem là chìa khóa cho việc tiếp cận trực tiếp không hạn chế ra đại dương–và quan trọng là một bước ngoặt để tiến đến chiếm lấy Đài Loan, một mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc trong hàng chục năm.

Trung Quốc đã không tranh cãi chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, mà họ gọi là quần đảo Điếu Ngư, cho đến tận năm 1971 khi Hoa Kỳ từ bỏ vết tích cuối cùng của việc chiếm đóng quần đảo Nhật Bản bằng việc giao lại quyền tài phán cho Tokyo. Trông có vẻ tình cờ nhưng không ngẫu nhiên chút nào, chỉ hai năm trước khi Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền vùng này, LHQ công bố kết quả của một cuộc khảo sát địa chất khu vực kết luận rằng “thềm lục địa giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể là một trong những mỏ dầu có trữ lượng phong phú nhất thế giới.”

Vào năm 1978, sau nhiều năm lác đác lời qua tiếng lại, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với lãnh đạo Nhật Bản là hai nước nên hoãn lại vấn đề chủ quyền của quần đảo cho “thế hệ sau”. Căng thẳng lại nổi lên rõ rệt vào năm 2010, 13 năm sau khi Đặng mất, khi một tàu đánh cá của Trung Quốc húc một tàu tuần duyên của Nhật Bản ở vùng biển gần đó. Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng đã làm dấy động làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu cảnh sát biển vào vùng biển 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku để thẳng thừng thách thức nhà cầm quyền Nhật Bản. Hết lúc này đến lúc khác, quân đội hai nước trực tiếp đối đầu. Vào tháng 12 năm 2012, ba tháng sau khi chính quyền Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo Senkaku (lãnh thổ được sở hữu bởi một công dân Nhật), một máy bay trinh sát của Trung Quốc xâm nhập không phận phía trên quần đảo buộc Nhật Bản cất cánh chiến đấu cơ từ Okinawa gần đó. Một tháng sau đó, trong một động thái mà các chuyên gia hải quân nói rằng có thể dễ dàng dẫn đến nổ súng, một tàu khu trục của Trung Quốc đã chốt radar điều khiển bắn lên diệt lôi hạm Yudachi của Nhật Bản[1]. Vào tháng Sáu này, máy bay quân sự của hai quốc gia được tường thuật là đã bay sát nhau đến 30 mét trên vùng trời của vùng biển tranh chấp với những pha bay nguy hiểm mà cả hai bên buộc tội lẫn nhau. Khi được hỏi trong một cuộc thăm dò được tiến hành mùa hè năm nay, rằng tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết ra sao, 64 phần trăm người Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc nên “củng cố kiểm soát có hiệu quả” lãnh thổ. Quá nửa nói rằng họ dự đoán một cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản sẽ xảy ra trong tương lai, dẫu vậy chỉ có 11 phần trăm dự đoán nó sẽ xảy ra trong vài năm tới.

Vào tháng 12 năm 2012, Nhật Bản đã trao quyền cho một thủ tướng dân tộc chủ nghĩa nhất trong thế hệ vừa qua. Shinzo Abe đã gia tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong nhiều năm và hứa hẹn sửa đổi hiến pháp, mà nó nghiêm cấm sử dụng vũ lực trong tranh chấp, để thành lập một quân đội quốc gia một cách hợp pháp. Abe và những người đồng sự đã cho thấy một thiên hướng thổi bùng những bức xúc của Trung Quốc bằng cách tỏ vẻ ra coi nhẹ những tội ác của Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến như vụ cưỡng bức nô lệ tình dục phụ nữ người Hoa bởi quân đội Nhật Bản. Abe có một mối liên hệ cá nhân mạnh mẽ đến lịch sử đen tối này, điều mà ông ta chưa từng bao giờ giữ thái độ xa cách với nó: ông ngoại Nobusuke Kishi của ông là quan chức cao cấp của vùng Mãn Châu Lý dưới sự chiếm đóng của Nhật. Tháng 12 vừa qua, ông ta là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên viếng thăm Đền Yasukuni ở Tokyo nơi mà những tội đồ chiến tranh được thờ. Mối liên hệ không ăn năn của Abe với thời kỳ này làm cho ngoại giao ở mức cao nhất với Trung Quốc là bất khả.

Abe đã công khai nói đến đương đầu với Trung Quốc. Trong một những biện pháp quốc phòng quan trọng đầu tiên của ông là phê chuẩn việc thành lập một lực lượng mô phỏng theo Thủy quân Lục chiến của Hoa Kỳ. Tokyo cũng đã tham dự vào cuộc chạy đua đóng hàng không mẫu hạm bằng việc đóng và vừa mới cho vào biên chế hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, chiếc Izumo, mà chỉ mang máy bay trực thăng vào lúc này. Nhật Bản cũng đã tuyên bố các kế hoạch để tăng cường hạm đội tàu ngầm cực kỳ cao cấp từ 16 chiếc lên 22 chiếc. Năm ngoái Washington tỏ vẻ không bằng lòng khi Nhật Bản tuyên bố rằng họ sẽ bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào vi phạm không phận Nhật Bản.

Trong một chuyến thăm Nhật Bản gần đây, tôi đã đến một trong những nơi mà quốc gia này đang mở rộng hiện diện quân đội của họ, Yonaguni. Đó là hòn ngọc bình yên của một hòn đảo chỉ có hai con đường chính nằm ở phía cực nam của chuỗi quần đảo Ryukyu. Nơi đó là một trong những điểm ngoài vùng quần đảo Senkaku, trên cao điểm, dưới một hải đăng cũ kỹ mà giống ngựa lùn địa phương gặm cỏ. “Hầu hết người dân ở đây không muốn có một căn cứ trên đảo,” một cư dân cho tôi hay. “Thế nhưng để triển khai nhanh chóng, chẳng có chỗ nào tốt hơn.”

Lý do căn bản của Nhật Bản trong việc thiết lập tiền đồn, cũng như những nỗ lực củng cố lực lượng gần đây, là sớm muộn Trung Quốc sẽ chiếm lấy Senkaku bằng vũ lực. Những lợi ích khác là việc kiểm soát những hòn đảo sẽ đem lại cho Trung Quốc một căn cứ hậu phương để tấn công những tàu chiến của Hoa Kỳ ra khơi từ những căn cứ ở Okinawa ngăn chúng không đến được Trung Quốc hoặc can thiệp vào xung đột về quyền kiểm soát Đài Loan gần đó.

Đầu năm nay, phát biểu tại một hội nghị ở San Diego, chỉ huy trưởng của ban tình báo và hành quân của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hạm trưởng James Fanell, cho rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị lực lượng của họ “để có thể tiến hành một cuộc chiến nhanh gọn nhằm tiêu diệt các lực lượng Nhật Bản tại biển Hoa Đông, tiếp theo là chiếm quần đảo Senkaku hoặc thậm chí quần đảo Ryukyu ở phía nam.” Ngũ giác Đài sau đó không thừa nhận những bình luận của Fanell mà một số chuyên gia cho là chỉ gieo hoang mang. Cho dù ý định thật của Trung Quốc là gì đi nữa, những lời bình luận của Fanell chuyển tải một linh tính báo trước của Hoa Kỳ về những căng thẳng dâng cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Nếu chiến tranh nổ ra vào lúc này, nhiều nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ thắng thế. Bên cạnh hệ thống vũ khí hàng đỉnh của của Hoa Kỳ, các lực lượng Nhật Bản còn hưởng lợi từ nhiều năm huấn luyện hỗn hợp cùng với các đối tác Hoa Kỳ, và có lẽ thiện chiến hơn so với Hải quân Quân Giải phóng quân Trung Quốc.

Vì thế, cũng như các chuyên gia khác, các chuyên gia phân tích nổi tiếng của Nhật Bản nhận thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ muốn có một cuộc chạm súng trực diện lớn trong nay mai. “Họ biết rằng chúng tôi sẽ đánh bại họ,”một chuyên gia hàng đầu về an ninh nói với tôi một cách thẳng thừng. Thế nhưng ông ta và những chuyên gia khác nói chung tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục khiêu khích những vụ nằm trong gang tấc và có lẽ kể cả những vụ chạm trán nhỏ với quân đội Nhật Bản–ví dụ như quấy rối máy bay của Nhật, húc tàu tuần duyên của Nhật. Mục đích, theo họ nói, là khó thấy và chủ yếu là mục tiêu lâu dài. Nó bao gồm dư luận quần chúng ở Nhật Bản và ở Hoa Kỳ.

Một khi Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành những phi vụ và cơ động nguy hiểm trên và trong vùng biển động giữa họ, xác xuất nổ súng tăng lên và đi kèm là nguy cơ thương vong. Bất cứ bên nào trông có vẻ chịu trách nhiệm gây ra đụng độ sẽ chịu hình ảnh quốc tế của mình bị hoen ố thảm hại và sẽ đối diện với áp lực to lớn để nhượng bộ. Nếu Tokyo bị xem là kẻ gây hấn, hoặc chỉ là bất cẩn, các chuyên gia Nhật Bản sợ rằng sẽ có một phản ứng dữ dội từ cả trong lẫn ngoài nước. Dư luận ở Nhật Bản, với chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình phổ biến sâu đậm, có thể quay ra chống lại Abe hoặc chính phủ tương lai một khi dân chúng hoảng loạn khi cho rằng những nhà lãnh đạo của họ đang đưa họ đến chiến tranh với gã láng giềng khổng lồ.

Thậm chí nguy hại hơn cả, trong con mắt của các chuyên gia phân tích Nhật Bản, sẽ là phản ứng của công chúng Hoa Kỳ. Kể từ năm 1996, Bộ ngoại giao của Nhật Bản đã thăm dò trực tiếp về sự ủng hộ của người Hoa Kỳ về ủng hộ của họ dành cho những cam kết phòng thủ của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản. Năm ngoái, hai phần ba người được hỏi ủng hộ thế nhưng đó là mức độ ủng hộ thấp nhất kể từ khi cuộc thăm dò khởi đầu. Khi được hỏi quốc gia nào ở Châu Á là “đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ,” nhiều người Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc hơn là Nhật Bản. Đặc biệt khi mà vào thời điểm Hoa Kỳ mệt mỏi với chiến tranh, một cuộc chạm trán bất ngờ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vì cái mà nó trông từ xa như một đống những mỏm đá vô nghĩa sẽ gợi một câu hỏi đáng lo: Liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng để đánh Trung Quốc, bảo vệ Nhật Bản vì một vấn đề lãnh thổ mập mờ.

“Tai nạn sẽ xảy ra,” Narushige Michishita, giám đốc của chương trình an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Viện Bồi dưỡng Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách của Nhật Bản thẳng thừng nói với tôi ở Tokyo. “Chúng tôi phải hoạch định chính sách của chúng tôi dựa trên giả định” rằng là có những lúc trò đánh bài tháu cáy rút cục sẽ cho kết quả xấu, dẫn đến binh sĩ thiệt mạng. “Trọng tâm phải là chuyện giảm thiểu thiệt hại.” Nhiều phân tích viên tin rằng Trung Quốc đang cố gắng trêu tức Nhật Bản– bằng những khiêu khích bền bỉ và có cân nhắc cẩn thận–để nó phản ứng quá đà và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Nếu Hoa Kỳ dao động trong cam kết của họ đối với Tokyo, hoặc lẫn tránh hoàn toàn, Bắc Kinh chắc hẳn đã tìm được một phương pháp đáng kể để đạt được mục tiêu lớn nhất từ lâu: làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật. Washington sẽ mất uy tín khắp vùng, và hết nước này sang nước khác, có lẽ kể cả Nhật Bản, sẽ bắt đầu có những toan tính mới nhằm để dàn xếp với Trung Quốc.

Một lần nữa, phải công nhận là có đầy những cơ hội cho tính toán sai lầm, và có thể tăng nhanh trong những năm sắp đến. Giả như Trung Quốc thành công trong việc băt nạt một trong đối thủ ở Biển Đông, lấy ví dụ–Philippines chẳng hạn–thì giới lãnh đạo quân sự và chính trị có thể cảm thấy bạo gan. Và cho dù cùng là một kịch bản ấy, trách nhiệm của Washington phải ủng hộ Nhật Bản sẽ là dữ dội khác thường, nếu không thì toàn bộ cấu trúc đồng minh ở Á Châu đổ vỡ. Washington sẽ có nhiều lựa chọn trong bất cứ sự chạm trán nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản, kể từ giao chiến trực tiếp cho đến yểm trợ hết mình bằng thông tin tình báo trực tiếp vệ tinh và radar, yểm trợ hậu cần, và kể cả đánh chặn tên lửa của Trung Quốc. Một danh sách đa dạng như vậy có thể cho phép Hoa Kỳ xác định phản ứng quân sự của họ đối với bất kỳ chiến sự nào, phối hợp với ngoại giao nhần nhuyễn, và để làm êm thấm xung đột trong khi vẫn giữ vững vị thế của mình. Lịch sử cho thấy nghiêm túc mà nói thì những động thái đòi hỏi khắt khe cũng có thể đi theo chiều hướng xấu.

Trói buộc người khổng lồ

Tính huênh hoang của Trung Quốc khiến tất cả các quốc gia xung quanh đều phải để ý. Nhiều nước đã bắt đầu thiết lập những mối quan hệ đối tác ít ai nghĩ đến với một mục đích chung: kiềm chế Bắc Kinh.

Đề cập đến một trong những mối quan hệ mới này, một nhà ngoại giao Việt Nam ở Đông Nam Á nói với tôi một cách khôi hài là Ấn Độ “sẵn sàng đánh Trung Quốc đến người Việt Nam cuối cùng,” nghĩa là Ấn Độ sẽ dùng Việt Nam để chiến đấu thay họ trong bất cứ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Dehli đã đồng ý sẽ huấn luyện thủy thủ Việt Nam về chiến tranh tàu ngầm và đã hứa hẹn một khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD cho Hà Nội để mua thiết bị quân sự bao gồm các tàu tuần tra hàng hải. Đó chẳng là gì so với tiêu chuẩn về chi tiêu của khu vực nhưng nó có lẽ chỉ là bước đầu.

Đây có lẽ là mục tiêu nổi bật nhất của sự xoay trục của Hoa Kỳ: làm dày đặc mạng lưới giữa các láng giềng lo âu của Trung Quốc. Họ có một lợi ích chung nhằm giữ Trung Quốc khỏi việc dùng vũ lực để lật úp trật tự hiện thời. Cho lúc này Nhật Bản thừa nhận là không có nước nào có triển vọng thắng thế trong chuyện đối đầu giữa Trung Quốc và một số là người tí hon Lilliputian thẳng thắn mà nói. Phối hợp nhịp nhàng, dẫu vậy, ngay cả không phải là đồng minh công khai, họ có thể trói buộc người khổng lồ và chế ngự hắn vào các quy tắc quốc tế mà đôi bên chấp nhận.

Dầu thế nào đi nữa, như ví dụ Ấn-Việt cho thấy một cách sống động, các láng giềng của Trung Quốc không hẳn đợi Hoa Kỳ vẽ đường chỉ lối. Nhật Bản đang đóng góp nhiệt tình cho việc tăng cường phòng thủ hàng hải ở cả Việt Nam lẫn Philippines. Ngay cả Nam Triều Tiên, thường là một trong những quốc gia say mê Trung Quốc nhất, giờ đây đang bán quân cụ cho Philippines.

Cuối cùng, hoạt động cân bằng trong khu vực như thế này có thể mang đến một triển vọng tốt nhất để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương–và có lẽ là một triển vọng tốt nhất hơn cả. Trong quyển sách vào năm 2012, Sự Trỗi Dậy của Trung Quốc đối với Chiến Lược Luận, Edward N. Luttwak viết về cách tiếp cận giống như mạng lưới này để quân bình là một trong những chuyện phản ánh căn bản nhất trong lĩnh vực chiến lược. Sử dụng sự tương đồng của thời Đệ Nhất Thế Chiến để mô tả những gì đang diễn ra ở Thái Bình Dương, ông ta nói rằng “Hành động của Đức về việc đóng tàu chiến đại dương đã đem lại, không chỉ là việc chạy đua vũ trang của những cường quốc đại dương của một thế giới nếu không thì y nguyên, mà còn là một sự chuyển biến chiến lược toàn cầu để bảo đảm cuối cùng thì sức mạnh hải quân của Đức vô hiệu và sau đó là thua trận.”

Trung Quốc càng nhận thấy một phản ứng phối hợp của nhiều nước đối với sự tăng cường lực lượng và đột nhập hải quân thì càng có khả năng Bắc Kinh sẽ chuyển hướng sang ngoại giao, và ngừng tìm kiếm ưu thế áp đảo trong khu vực. Và dẫu vậy, tất nhiên, đó chẳng phải là điều có thể duy nhất theo cách suy diễn giải thích rõ ràng của Luttwak. Câu hỏi lớn đặt ra ngày nay là liệu giới lập chính sách của Trung Quốc dưới trướng của Tập Cận Bình, một lãnh đạo quyết đoán hiếm thấy, đã vượt giới hạn tương tự như giới lập chính sách Đức đã làm cách đây một thế kỷ, hoặc có thể làm điều đó trong một ngày sắp đến.

Nguồn gốc những sự hung hăng của Trung Quốc

Trong suốt nhiều thập niên, bắt đầu với Đặng Tiểu Bình, khẩu hiệu địa chiến lược của Trung Quốc là ẩn mình chờ thời. Tôn chỉ của Đặng Tiểu Bình đã không bao giờ bị từ bỏ trắng trợn, thế nhưng hành động của Trung Quốc kể từ giữa năm 2013 cho thấy rõ ràng rằng cách tiếp cận của ông đã bị bỏ qua một bên. Giới diều hâu trong quân đội Trung Quốc không ngừng kêu gọi phải quyết đoán hơn nữa, thậm chí đến mức hiếu chiến. Một trong những ví dụ gần đây, Lưu Á Châu, một chính trị viên của Đại Học Quốc Phòng Giải Phóng Quân, nghe như thể một chiến lược gia Trung Quốc thời cổ đại khi ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí: “Một quân đội mà không đạt được chiến thắng quân sự thì chẳng có nghĩa lý gì. Những biên ải mà quân đội chúng ta giành được chiến thắng thì hòa bình và ổn định hơn, thế nhưng những nơi mà chúng ta quá nhút nhát thì có nhiều tranh chấp hơn.”

Dẫu cho Lưu đã bị nhiều người cho là không đại diện cho tiếng nói chung, bản thân Tập Cận Bình đã công khai cổ vũ phát triển vũ khí và khuyến khích quân đội sẵn sàng. Trong một chuyến đi đầu tiên của ông ngoài Bắc Kinh sau khi nhậm chức vào tháng 11 năm 2012, ông ghé thăm binh sĩ ở Quân Khu Quảng Châu, được tường thuật là đã phát biểu, “Tất chiến tất thắng là linh hồn của một quân đội mạnh.” Vào tháng Tám năm 2013, ông kinh lý hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trước khi nó bắt đầu hành quân và đã cổ vũ hạm trưởng để nâng cao sẵn sàng chiến đấu. Trong một bài diễn văn vào mùa thu năm ngoái ở Moscow, Thời Ân Hoằng, một sử gia về ngoại giao nổi tiếng của Trung Quốc, tóm tắt sự thay đổi về chính sách dưới thời của Tập, lưu ý việc sử dụng thường xuyên khẩu hiệu của nhà lãnh đạo mới “sự hồi sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc”; một sự giảm sút đáng kể của câu nói một thời phát triển hòa bình; và hoàn toàn bỏ đi ý của Đặng về chuyện ẩn mình.

Mục tiêu bá chủ khu vực của Trung Quốc không khó hiểu một khi những khả năng kinh tế và quân sự bắt kịp với tham vọng của họ, chúng ta có thể chỉ bước vào những giai đoạn đầu của một thời kỳ dài và nguy hiểm mà Trung Quốc tìm cách tự khẳng định chính họ ngày càng mạnh mẽ hơn. John J. Mearsheimer, một người duy thực và là nhà khoa học về chính trị, đã từng tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ không trỗi dậy hòa bình ít ra từ quyển sách của ông kể từ năm 2001, Bi Kịch của Chính trị giữa các Cường quốc. Trong một cuộc tranh luận vào mùa thu năm ngoái với Diêm Học Thông, một học giả về quan hệ quốc tế, Mearsheimer đã nói: “Liệu chúng ta có nên hy vọng Trung Quốc sẽ có Học thuyết Monroe của chính họ? Dĩ nhiên rồi.” Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ thích nghi với nó. Mearsheimer chỉ ra rằng Trung Quốc đang phạm phải sai lầm lớn trong việc chọn thời điểm của những cú huých gần đây, đụng vào Hoa Kỳ một cách hấp tấp thay vì đợi một hay hai thế kỷ nữa khi mà sức mạnh tương đối của họ có thể mạnh hơn nhiều và khả năng của một chuyện đã rồi cao hơn.

Nhiều nhà phân tích ráp nối thay đổi gần đây về quan điểm của nước này với dâng trào về sự tự tin, thậm chí là hân hoan chiến thắng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Điều mà đã giáng cho những nền kinh tế tây phương một cú chí tử nhưng Trung Quốc thì tương đối không sút mẻ gì. Những chuyện tiếp theo sau, ví như giới hạn giả tạo mà Tòa Bạch Ốc vạch ra về việc dùng vũ khí hóa học ở Syria và sự bất lực của Washington nhằm ngăn cản Nga khỏi sát nhập Crimea, có thể đã góp phần khiến Bắc Kinh cảm nhận rằng sinh lực của Hoa Kỳ ở hải ngoại đang giảm sút.

Và dẫu vậy, thật nghịch lý thay, hành xử mới đây của Trung Quốc trông như là một phản ảnh của không chỉ là sự trỗi dậy về năng lực hay tự tin mà còn là sự trỗi dậy của bất an trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Sự chính danh của họ ở quốc gia thời hậu lý tưởng đã luôn dựa trên trụ cột song sinh của phát triển kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội ở Trung Quốc đã khuếch đại tiếng nói của những người dân túy cực đoan mà luôn yêu cầu quốc gia của họ thẳng thắn đương đầu và không ngại sử dụng bạo lực. Điều này dường như đã gieo rắng nỗi sợ hãi trông nhu nhược vào giới lãnh đạo. Khi được hỏi rằng liệu một nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tuyên bố công khai thỏa hiệp với những láng giềng của họ, Ngô Kiến Dân, một cựu phát ngôn viên ngoại giao và là cựu hiệu trưởng của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với Asahi Shimbun, một nhật báo Nhật Bản, “Anh sẽ là một ‘kẻ phản bội.'”

Trong khi đó, lãnh vực sản xuất của Trung Quốc, đã từ lâu là đầu tàu của phát triển, đã sa thải nhân công trong nhiều năm qua khi mà tiền lương dần tăng và công nghệ rút ngắn công việc có mặt khắp nơi. Nền kinh tế và công việc làm tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng nhưng sự phát triển đó là do bởi chi tiêu chưa từng thấy của các tập đoàn và nợ công. Theo một số phép đo gần đây, năng suất phát triển đang giảm. Có thể nói rằng các láng giềng của Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại về khả năng của một sụt giảm kinh tế đột ngột ở Trung Quốc, điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ lâu, cũng như họ tiếp tục chú trọng về tăng trưởng nhanh: nếu một trụ cột của chính danh mà yếu đi thì cái còn lại phải chịu gánh nặng nhiều hơn.

Giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiếp tục, cho một mức độ nào đó, là một bí ẩn, và chẳng ai có thể quả quyết rằng tại sao quốc gia đột nhiên khẳng định quyền lợi của họ quyết liệt ở Đông Á. Tuy vậy có thể bào chữa cho việc này, rằng đây là khoảnh khắc của Hoa Kỳ cho cơ hội chín muồi đối diện với Trung Quốc, một cơ hội để lèo lái nó vào lề lối cùng tồn tại ít gây hấn hơn mà trong đó những quy tắc quốc tế sẽ được chấp thuận, thay vì được tái tạo dưới trướng của Bắc Kinh.

Dẫu cho Trung Quốc sẽ chắc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số chỉ dấu cho thấy là quốc gia có thể đã bước vào thời kỳ của tiềm lực tối đa tương đối so với phần còn lại của thế giới–rằng là những báo động đỏ đã xuất hiện có thể báo trước một sự thay đổi về quỹ đạo kinh tế hơn chỉ là một cú mắc nghẹn. Bức tranh dân số Trung Quốc cho thấy một sự thiếu hứa hẹn về một lực lượng lao động bắt đầu suy giảm rõ rệt, và một xã hội mà nó có thể già trước khi nó giàu thật sự, tính theo đầu người mà nói. Ngay cả ở Trung Quốc, chỉ có vài kinh tế gia tin rằng quốc gia có thể duy trì mọi thứ với tỷ lệ phát triển như trong vài thập niên vừa qua, và một số tin rằng nó đã bước vào bẫy thu nhập trung bình. Những quốc gia đang phát triển từng có kinh tế vượt bậc khó mà tiếp tục phát triển để đi vào hàng ngũ các quốc gia công nghiệp với sáng kiến và dịch vụ cao cấp thay thế sản xuất đơn giản. Như nhà khoa học chính trị David Shambaugh đã chỉ ra gần đây “Không có lấy một công ty Trung Quốc đứng trong 100 thương hiệu hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tạp chí BusinessWeek.”

Nếu Washington có thể tiếp tục tìm ra những phương cách để yểm trợ đồng minh của mình, đặc biệt là những nền dân chủ ở Đông Á, và nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tránh những tính toán sai lầm trọng đại trong những năm sắp đến thì sự quả quyết của Trung Quốc vào lúc này có thể dọn đường cho một sự tự tin sáng sủa và thực tế hơn ở Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc có thể dần xoay chuyển một cách thành công, và nếu chính phủ có thể từ từ tìm ra những nguồn lực cho chính danh–giả dụ bằng một sự minh bạch hơn, những phương pháp chống tham nhũng nghiêm ngặt hơn, kiểm soát ô nhiễm, và những cải thiện mức sống bền vững cho dân chúng–giới hoạch định chính sách có thể nhận ra rằng chẳng có lợi gì trong việc đối đầu các láng giềng của họ.

Một chiều tháng Giêng, tôi ghé thăm căn cứ hải quân của Philippines ở ngoại ô của Manila để được thuyết trình bởi một cựu đô đốc và là cố vấn an ninh quốc gia. Ông ta cho tôi hay rằng chi tiêu quân sự của nước ông có lẽ sẽ tăng gấp đôi trong nay mai với một phần lớn của sự gia tăng cho hải quân và không quân. Một vài phút sau, ông đặt một câu hỏi cho tôi với vẻ kinh ngạc: “Anh có nghĩ rằng đó là điều tự nhiên cho một siêu cường hành xử như Trung Quốc?”

Khi cuộc họp dài hơi đến hồi tan, một số sĩ quan tham mưu được khuyến khích phát biểu lần đầu tiên, và một hạm trưởng quay sang tôi và hỏi tôi nghĩ gì về một lịch trình có thể cho một cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc. Một chốc sau, anh ta ngắt lời tôi trong lúc tôi tuôn tràng một câu trả lời đầy rào đón và nói “Tôi hy vọng là nó không xảy ra trong đời tôi.”

**Căng thẳng dâng cao: Nhật Bản và Trung Quốc **

Một danh sách không đầy đủ của những khiêu khích gần đây
(1) Tháng 12 năm 2012: Một máy bay trinh sát Trung Quốc xâm nhập vào không phận trên quần đảo Senkaku; Nhật Bản xuất kích máy bay phản lực chiến đấu để nghênh cản.

(2) Tháng Giêng năm 2013: Một khu trục hạm Trung Quốc chốt radar điều khiển bắn lên diệt lôi hạm Yudachi.

(3) Tháng Hai năm 2013: Ba tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh Senkaku.

(4) Tháng Hai năm 2013: máy bay Trung Quốc bị nghênh cản bởi máy bay phản lực của Nhật Bản trong không phận của vùng tranh chấp.

(5) Tháng Bảy năm 2013: chiến hạm Trung Quốc hải hành vòng quanh Nhật Bản.

(6) Tháng Bảy năm 2013: Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp ở Biển Nhật Bản.

(7) Tháng 11 năm 2013: Bắc Kinh tuyên bố một “vùng nhận dạng phòng không” trên hầu hết khắp vùng biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

(8) Tháng Sáu năm 2014: máy bay quân sự Trung Quốc bay trong vòng 30 mét của máy bay quân sự Nhật Bản trong không phận vùng tranh chấp.

________

Cước chú:

[0]: Bài viết trên vietnamnet.vn của Minh Tâm, Đình Ngân viết “Theo The Atlantic”

[1]: Thông thường tàu chiến chỉ dùng radar với tín hiệu radio không mã hóa để theo dõi, xác định khoảng cách và hướng đi của các tàu chung quanh. Khi radar điều khiển bắn chốt (lock) mục tiêu, nó chuyển sang dùng tín hiệu radio mã hóa và chuyển băng tần liên tục–FHSS, Frequency Hopping Spread Spectrum.

(Nguồn: Phía Trước)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét