Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CẦN SỬA TẬN GỐC

Minh Tâm
27-9-2015

Chắc chắn dự luật tín ngưỡng, tôn giáo này nếu có thông qua thì sẽ phải sửa đổi ngay khi chưa có hiệu lực thi hành. Lý do: không đồng bộ với Bộ luật dân sự sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, về dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo lần thứ 5.


Dự thảo lần này được Hội nghị xem là có tiến bộ hơn so với dự thảo 4 vì người bị giam giữ có quyền đọc sách tôn giáo (điều 4, khoản 3) hay các tôn giáo có quyền tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo (điều 47, 48)…

Tuy vậy, chắc chắn dự thảo luật này nếu có thông qua, thì sẽ phải sửa đổi ngay khi chưa có hiệu lực thi hành. Lý do: không đồng bộ với Bộ luật dân sự sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Sao không định nghĩa “tôn giáo” và “tín ngưỡng”?

Tôn giáo là gì, chưa thấy trong dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo giải thích. Có cách hiểu theo từ điển: “tôn” là kính trọng, “giáo” là lời dạy của bề trên. Lời phán dạy của đấng tối cao, phải quý kính tuân hành không thể sai khác. Đó gọi là tôn giáo. Như vậy, khi soạn thảo luật liên quan tôn giáo, bắt buộc phải tôn trọng “Đấng Tối Cao” của tôn giáo, không thể hành chánh hóa mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Đặc biệt là không thể cho rằng cần giới hạn quyền tự do tôn giáo nhằm để “bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Bởi cụm từ “bảo vệ an ninh, trật tự công cộng” ở đây sẽ được điều chỉnh bởi Luật an ninh quốc gia 2004. Như vậy, Điều 5 của luật này “Nguyên tắc hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia”, thì vì an ninh quốc gia, các tổ chức tôn giáo phải “Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (Điều 5.2)

Tương tự, thế nào là “tín ngưỡng”? Dù có điểm chung giao thoa nhau là: “đức tin” nhưng tôn giáo và tín ngưỡng là hai khái niệm khác nhau cần quy định rõ ràng trong luật. Nếu dự thảo luật quy định tự do tôn giáo và tín ngưỡng chung sẽ rất khó phân định ranh giới và việc thi hành trong thực tiễn rất khó khăn, bởi tín ngưỡng và tôn giáo là khác nhau. Bên cạnh đó, nếu không nêu cách hiểu về thế nào là tôn giáo, thế nào là tín ngưỡng thì tất yếu đưa đến những quy định khả năng sẽ lẫn lộn giữa niềm tin tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng và lễ hội văn hóa.

Đơn cử, mặc dù là lần thứ 5 chỉnh sửa, song hoạt động tín ngưỡng được quy định tại dự thảo luật chủ yếu là về lễ hội văn hóa. Ở Việt Nam, vấn đề tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng… chứ không chỉ là lễ hội văn hóa. Tín ngưỡng liên quan rất lớn đối với cộng đồng, đó là niềm tin tâm linh của con người đối với những giá trị, hình tượng, đạo lý… rất đa diện.

Do “thả nổi” cách hiểu về tôn giáo, về tín ngưỡng nên trong dự thảo luật có một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung, mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân, hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, khó xác định chế tài xử lý. Ngoài ra những quy định này cũng như pháp luật có liên quan trong việc làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm, liệu có phù hợp với các trường hợp và lý do hạn chế quyền con người theo quy định của Hiến pháp, vừa mang tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn hay chưa?.

Sự tùy nghi về cách hiểu “tôn giáo”, “tín ngưỡng” sẽ dễ dẫn tới sự suy diễn rằng cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Giáo sản có phải là tài sản thuộc về Giáo hội?

Nếu phải thì tại sao suốt 40 năm qua rất nhiều tài sản – bất động sản của tổ chức tôn giáo đã bị nhà nước chiếm giữ đã không trả lại cho các tổ chức tôn giáo?

Đơn cử, vào năm 2009, khi đánh giá tình hình Giáo hội tại Việt Nam, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, khi ấy là Tổng Giám mục Sài Gòn, nhận định rằng việc thay đổi chính trị tại Việt Nam vào năm 1975 đã “làm tan rã khung nếp văn hoá xã hội kinh tế chính trị cũ, lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo hội”. Theo ngài, vì biến cố đó và với hơn 10 năm đất nước đóng cửa, mối liên hệ giữa người Công giáo Việt Nam với thế giới bên ngoài và mối hiệp thông với Giáo hội toàn cầu hầu như bị cắt đứt. Riêng Tổng Giáo phận Sài Gòn phải đổi tên thành Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều tổn thất lớn.

Cụ thể, về nhân sự: số linh mục đã giảm từ 414 xuống 226, số giáo dân từ 516.000 xuống 387.184. Về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, Tổng Giáo phận đã mất gần 400 cơ sở. Vì vậy, Giáo hội không còn trường học để dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ; không còn bệnh viện để chữa trị, chăm sóc bệnh nhân; không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo, những tổ chức, hoạt động bác ái xã hội để giúp người nghèo, cô thế, thiếu may mắn.

Đến nay, một số cơ sở của Giáo hội – như Giáo hoàng Học viện tại Đà Lạt, nơi đến nay đã có 14 linh mục xuất thân từ đây được tấn phong giám mục, và 306 linh mục – vẫn chưa được trả lại cho Giáo hội.

Hòa thượng Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật Giáo VN (GHPGVN), cho biết: Giáo sản là hệ thống tự viện và những tài sản thuộc tự viện chịu sự quản lý của Giáo hội và đã được quy định tại Điều 57, Chương X Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 5, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.

Theo đó, giáo sản gồm tài chính và tài sản được hình thành trên cơ sở hợp pháp. Đối với tài chính, đó là niên liễm do các thành viên của Giáo hội đóng góp; do Tăng Ni, cư sĩ Phật tử, tư nhân trong và ngoài nước cúng dường; hoặc do Giáo hội tự tạo. Tài chính của tự viện là do tín đồ trong và ngoài nước hỷ cúng, do đó nó thuộc sở hữu của tự viện, không thuộc sở hữu của vị trụ trì quản lý tự viện, ngoại trừ phần tài chính do vị trụ trì có được một cách hợp pháp bằng lao động, tạo mãi.

Riêng tài sản thì chia làm hai loại là động sản và bất động sản, được Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp; hoặc do các thành viên Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp và được Giáo hội bảo hộ, quản lý chung theo pháp luật”.

Ls Nguyễn Đăng Trừng, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương, cho rằng đã đến lúc Bộ luật dân sự cần thừa nhận việc khi một cá nhân nào đó xâm chiếm tài sản của tôn giáo thì không chỉ người tu sĩ đó đòi lại, mà đây phải là việc làm của cả một tổ chức tôn giáo. Song song đó, nhất thiết phải luật hóa và có những quy định về tài sản của tổ chức tôn giáo trên cơ sở tài sản đó không bị phân chia. Mọi hành vi xâm phạm cần phải bị xử lý thích đáng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng nên mạnh dạn bãi bỏ các quy định không phù hợp để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tôn giáo, tránh tình trạng kiện tụng kéo dài vì pháp luật chưa quy định phù hợp như hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự - Hôn nhân gia đình, khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân, một người nào đó khi tranh chấp tài sản có liên quan đến tôn giáo mà không có chứng cứ chứng minh quyền sở hữu thuộc về mình thì tài sản đó thuộc về tôn giáo. Từ chuyện này, Bộ luật dân sự mới nên công nhận quyền sở hữu tôn giáo”.

Tất cả những điều đó đều chưa thấy được đề cập trong dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy nếu Bộ luật dân sự sửa đổi chấp nhận những yêu cầu này, thì gần như cách hiểu hiện tại về tôn giáo của ban soạn thảo buộc phải thay đổi. Nói cách khác, phải soạn lại từ đầu các nội dung của dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo quan điểm lập pháp hiện đại, các hiện tượng xã hội diễn ra thường xuyên nhưng còn nhiều bất đồng nên được pháp luật điều chỉnh để tạo sự đồng thuận, thống nhất theo định hướng chung. Với quan điểm này, trong một dịp mà toàn dân cùng mong muốn xây dựng các thiết chế pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự có tính khả thi và dự báo nhất, có lẽ vấn đề bảo hộ giáo sản cần được luật hóa nhằm tránh những tranh chấp kéo dài tạo nên bất ổn trong xã hội.


Minh Tâm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét