Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




13. BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975 - CƯỚP THỜI CƠ

Trần Đông Phong

TNM: Tìm hiểu và ôn lại lịch sử không phải để than khóc, tiếc nuối ... mà để biết rõ những xảo thuật chính trị, những khúc mắc thất bại trong quá khứ đặng chúng ta có thể tránh những lỗi lầm của người đi trước, kiên trì nêu cao chính nghĩa, tiếp nối hào khí cha ông trong việc cứu nước và giữ nước.

Trong thư của Lê Duẫn, Tổng Bí Thư Đảng Lao Động Việt Nam gửi cho “Anh Bảy Cường” tức là Phạm Hùng, Bí Thư Đảng Ủy Trung Ương Cục Miền Nam Việt Nam ngày 10 tháng 10 năm 1974 có nói rõ về “thời cơ” như sau:

Gửi anh Bảy Cường

Hơn một tuần làm việc, Bộ Chính Trị chúng ta đã hạ quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại để tiến tới kế thúc cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài gần 30 năm, kể từ khi chúng ta dành được chính quyền, để hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm vẻ vang đối với dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế lớn lao đối với thời đại.

Hiện nay đã có thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn Miền Nam hay chưa ?

Lúc nầy, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ nầy, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn…

Mỹ thì đã thua, đang rút ra, trước mắt muốn giữ tình hình Miền Nam ổn đinh trong một số năm để ngụy quyền tiếp tục đứng vững và Mỹ có thời gian vượt qua những khó khăn lớn về kinh tế và chính trị trong nước. Riêng “lực lượng so sánh” (tương quan lực lượng) giữa ta và ngụy thì ta đang ở thế thắng, thế tiến lên, trái lại, vì thất bại liên tiếp thế và lực lượng của ngụy cả về chính trị và quân sự, đang xuống dốc.

Xét tất cả các mặt nói trên, chúng ta khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng Miền Nam, dành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân đồng thời giúp Lào và Camphuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngoài thời cơ này không còn thời cơ nào khác.

Nếu để chậm mươi, mươi lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng…

Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự! [Văn Kiện Đảng: "Thư của Đồng Chí Lê Duẫn gửi Đồng Chí Phạm Hùng Về kết Luận của Hội Nghị Bộ Chính Trị", trang 7-20].

Bức thư này ký tên “anh Ba” tức là Lê Duẫn đã cho thấy giới lãnh đạo cộng sản Bắc Việt biết rằng thời cơ đã đến.

Thời cơ thực sự đến sau khi Vùng I Chiến Thuật với 5 Tỉnh cực Bắc của Việt Nam Cộng Hòa tan rã.

Ngày 29 tháng 3, ngay sau khi chiếm được toàn thể Vùng 1 Chiến Thuật Lê Duẫn đã nhân danh Bộ Chính Trị gửi một bức điện văn cho “anh Bảy Cường” tức là Phạm Hùng Bí Thư Đảng Ủy Trung Ương Cục Miền Nam “Về Chia Cắt và Bao Vây Chiến Lược Phía Tây Saigon” nguyên văn như sau:

Gửi anh Bảy Cường,

Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng Miền Nam đang bước vào giai đoạn nhảy vọt.
Sau khi ta giành được những thắng lợi to lớn và dồn dập, địch bị thất bại hết sức nặng nề và bất ngờ, chế độ ngụy đang trước nguy cơ đổ nhanh chóng cả về quân sự và chính trị.

Tôi rất đồng ý với các anh là lúc này cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. Trên thực tế, có thể có chiến dịch giải phóng Saigon bắt đầu từ đây.

Trong khi gấp rút xúc tiến thực hiện quyết tâm chiến lược đã định, tôi nhấn mạnh một điểm cấp thiết phải làm ngay là mạnh bạo tăng thêm lực lượng thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược phía Tây Saigon ở Vùng Mỹ Tho, Tân An.

Chúc các anh khỏe và thắng to.

Ba (tức là Lê Duẫn) [Văn Kiện Đảng: Trang 220]

Hai ngày hôm sau, Lê Duẫn lại gửi một điện văn đề Ngày 31 tháng 3 vào Miền Nam như sau:

Gửi anh Bảy Cường, anh Sáu (Lê Đức Thọ) và anh Tuấn (Văn Tiến Dũng)

Tình hình biến chuyển nhanh, cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy anh Tuấn nên sớm vào gặp anh Bảy Cường ở Trung Ương Cục để bàn ngay kế hoạch đánh chiếm Saigon. Anh Sáu sẽ vào luôn trong đó họp. Anh Bảy Cường sẽ không ra Tây Nguyên nữa.

Ba (Lê Duẫn)

Qua ngày hôm sau, 1 tháng 4 năm l975, Lê Duẫn lại gửi diện văn số 956 chỉ thị “Về việc xúc tiến kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy ở Saigon-Gia Định. Lập Ban Chỉ Huy và Đảng Ủy Mặt Trận Saigon”

Trong bức điện văn này, đại ý Lê Duẫn nói rằng Hà Nội đã tiêu diệt và làm tan rã được 35 phần trăm sinh lực địch, giải phóng 12 Tỉnh, trước tình hình đó, Bộ Chính Trị nhận định rằng:

Ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể nào cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở Miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tấn tổng tiến công và nổi dậy tại Saigon-Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút nầy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”

Sau đó, Lê Duẫn chỉ thị phải gấp rút tăng thêm lực lượng ở Saigon, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Saigon, bao vây, cô lập hoàn toàn Saigon từ phía Long Khánh, Bà Rịa-Vũng Tàu, tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực được trang bị binh khí, kỹ thuật thật mạnh để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng ở Trung Tâm Thành Phố Saigon.

Lê Duẫn cho biết: “Quân Ủy Trung Ương đã quyết định nhanh chóng chuyển Quân Đoàn 3 cùng binh khí, kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống đồng thời đã ra lệnh cho Quân Đoàn 2 dự bị vào và đồng thời Bộ Chính Trị quyết định thành lập Bộ Chỉ Huy và Đảng Ủy Mặt Trận Saigon để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm nầy. Khi anh Sáu, anh Tuấn vào đến nơi thì các anh trao đổi ý kiến để thực hiện ngay” [Văn Kiện Đảng: Trang 221-224.]

Qua ba bức điện văn của Lê Duẫn này, người ta thấy rõ giới lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã quyết tâm đánh Saigon để chiếm trọn Miền Nam Việt Nam từ sau ngày Vùng I thất thủ và Hà Nội không hề nghĩ đến chuyện thương tuyết hay lập chính phủ hòa giải hòa hợp dân tộc theo tinh thần Hiệp Định Paris với bất cứ phe nhóm nào, chẳng hạn như “thành phần thứ ba” hay là “Nhóm Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc của khối Ấn Quang, với bất cứ nhân vật nào tại Miền Nam chẳng hạn như là Dương Văn Minh như một số người, kể cả Đại Sứ Pháp Mérillon, đã tưởng tượng.

Chiến Dịch Hồ Chí Minh

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, Văn Tiến Dũng triệu tập một phiên họp của toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương của Trung Ương Cục Miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh thì một người khách thình lình xuất hiện, đó là anh Sáu tức là Lê Đức Thọ, Ủy Viên Bộ Chính Trị, “Huy chương Nobel Hòa bình năm 1974″ và cũng là nhân vật số hai của chế độ cộng sản Hà Nội. 

Đây là lần thứ tư Lê Đức Thọ vào Miền Nam với tư cách là đại diện cho Bộ Chính Trị, trước đó “anh Sáu Thọ” đã vào chỉ đạo cho Trung Ương Cục vào những năm 1967, 1971 và 1972. Lê Đức Thọ mang những huấn thị cuối cùng của Bộ Chính Trị về việc thiết lập một “Bộ Tư Lệnh đặc biệt chỉ huy cả Trung Ương Cục Miền Nam” để phối hợp các cuộc hành quân tấn công Saigon. 

Trước đó một ngày, Lê Duẫn đã gửi điện văn số 05 ngày 6 tháng 4 chỉ định Tướng Văn Tiến Dũng làm Tư Lệnh Mặt Trận Saigon, Phạm Hùng làm Chính Ủy, Trần Văn Trà làm Phó Tư Lệnh Thứ Nhất kiêm Tham Mưu Trưởng, “Sáu Nam” tức là Lê Đức Anh làm Phó Tư Lệnh và Lê Ngọc Hiền làm Tham Mưu Phó. Dĩ nhiên là Lê Đức Thọ có nhiệm vụ chỉ huy toàn thể Bộ Tư Lệnh đặc biệt này, đó là “Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch 275″ và đến ngày 14 tháng 4 thì Bộ Chính Trị quyết định đổi tên chiến dịch này thành “Chiến Dịch Hồ Chí Minh”. Lê Đức Thọ cũng chuyển đến cho các thành viên trong Bộ Tư Lệnh một văn thư của Chủ Tịch Nhà Nước Tôn Đức Thắng nguyên văn như sau: “Các đồng chí phải chiến thắng. Nếu không thì đừng có trở về”.

Vì có lệnh của Hà Nội như vậy cho nên dù chưa được chuẩn bị sẵn sàng, Bộ Tư Lệnh này đã ra lệnh cho Quân Đoàn 4 khởi sự tấn công vào Xuân Lộc, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trận Xuân Lộc

Ngày 9 tháng 4 năm 1975, cộng sản Bắc Việt tập trumg 3 sư đoàn 6, 7 và 341 chính quy tấn công vào Thị Xã Xuân Lộc. Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo đã anh dũng chống cự lại những đợt tấn công của địch đông gấp 4 lần. Trung Đoàn 43 Bộ Binh đã anh dũng đẩy lui hết đợt tấn công này đến đợt tan công khác của địch và đến ngày 10 tháng 4 thì địch quân vẫn chưa có thể chế ngự được Trung Đoàn này.

Ngày 11 tháng 4, cộng quân tấn công Trung Đoàn 52 Bộ Binh ở phía Đông Xuân Lộc, nhưng nhờ có lực lượng Biệt Động Quân và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tăng cường, cũng như là Không Quân đã liên tục oanh kích nặng nề vào các đơn vị cộng sản khiến cho địch quân phải rút lui tại nhiều nơi. Ngày 12 tháng 4, Trung Đoàn 43 đã tái chiếm được Thị Xã Xuân Lộc trong khi Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đang từ từ tiến chiếm lại từng khu vực do cộng quân chiếm giữ từ phía Nam Thị Xã. Trong trận Xuân Lộc, cộng quân đã pháo kích 10.000 viên đạn đại bác 130 ly vào Thị Xã, một số lớn chiến xa, 37 chiếc T54 bị tiêu diệt và kể từ khi mở đầu cuộc tổng tấn công tại Miền Nam, đây là lần đầu tiên quân cộng sản thiếu đạn dành cho pháo binh và chiến xa vì bắn nhiều. Tướng Văn Tiến Dũng phải cho tăng viện thêm hai sư đoàn 325 và 312 cho chiến trường Xuân Lộc. Dù được tăng viện nhưng cộng sản cũng không thể chiếm được Thị Trấn này mà không bị tổn thất nâng nề hơn, Văn Tiến Dũng ra lệnh cho các đơn vị cộng sản tiến vòng qua Thị Xã Xuân Lộc rồi theo Quốc Lộ Số 1 tiến thẳng về Biên Hòa.

Trong cuốn sách “Chặng Đường Mười Ngàn Ngày” do Quân Đội Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội vào năm l990, Thượng Tướng Hoàng Cầm, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 4 của cộng sản Bắc Việt tức là đại đơn vị có trách nhiệm tấn công Sư Đoàn 18 ở Xuân Lộc vào năm 1975, đã thú nhận rằng ba sư đoàn 6, 7 và 341 bị tổn thất rất nặng và phải được tăng viện thêm trung đoàn 95B từ Quân Khu 5 vào. 

Hoàng Cầm cho biết lực lượng của cộng sản bị thiệt hại nặng cho đến nỗi cuộc tấn công bị khựng lại và Bộ Tư Lệnh của ông ta không khỏi lo sợ, do đó mà Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch 275 dưới quyền của Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng phải ra lệnh cho Tướng Trần Văn Trà đến ngay mặt trận Xuân Lộc để duyệt xét tình hình. Tướng Hoàng Cầm cũng cho biết thêm rằng ông ta đã yêu cầu hoãn lại cuộc tấn công vào Xuân Lộc một thời gian để tái tổ chức các đơn vị của ông nhưng lời yêu cầu này đã bị bác bỏ. Tướng Trần Văn Trà lúc đó là Tư Lệnh B-2 tức là Miền Nam Việt Nam đã cho biết rằng đó là lệnh của Hà Nội và Bộ Chính Trị ra lệnh phải đánh mạnh và đánh nhanh để tiến về Saigon.

Trong cuốn hồi ký “Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm”, Tập 5, Trần Văn Trà cũng nhìn nhận là ba sư đoàn của Hoàng Cầm bị thiệt hại quá nhiều và ông ta nhận thấy rằng càng tấn công trực diện vào Xuân Lộc thì càng bị thiệt hại thêm mà cũng chưa chắc gì đã chiếm được Thành Phố này. Do đó Trần Văn Trà đã ra lệnh cho Hoàng Cầm rút quân ra khỏi Xuân Lộc để tái tổ chức rồi tấn công vào Dầu Giây, cắt đứt đường tiếp tế cho Xuân Lộc. Hoàng Cầm tuân theo chỉ thị này và cho quân tấn công chiếm Dầu Giây trên Quốc Lộ Số 1. Sau khi Dầu Giây bị chiếm, phòng tuyến Xuân Lộc không còn hữu ích trong việc ngăn chận sức tiến của quân cộng sản nữa, Quân Đoàn III phải ra lệnh cho Sư Đoàn 18 triệt thoái về hướng Biên Hòa.

Ngày 23 tháng 4 năm l9755, các đơn vị của Sư Đoàn 18, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù cùng các đơn vị địa Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Long Khánh triệt thoái về đến căn cứ Long Bình ở Biên Hòa. Khác với cuộc triệt thoái Cao Nguyên trước đây, cuộc rút quân này diễn ra hoàn toàn tốt đẹp và nhiều ký giả ngoại quốc đã không tiếc lời khen ngợi tài chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo trong cuộc hành quân triệt thoái này.

Trận Xuân Lộc giữa Sư Đoàn 18 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với Quân Đoàn 4 của cộng sản Bắc Việt là trận đánh cuối cùng giữa lực lượng của hai Miền Nam và Bắc Việt Nam và trận đánh đó đã biểu dương được tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có một sư đoàn mà đã chống trả lại sự tấn công của quân địch quân số gấp 4 lần và sau này chính người chỉ huy các lực l­ượng cộng sản Bắc Việt trong trận đánh này là Tướng Hoàng Cầm cũng phải thừa nhận đó là một sự thất bại của họ vào năm 1975.

Trong khi Sư Đoàn 18 đang chống trả lại cuộc tấn công của Quân Đoàn 4 cộng sản Bắc Việt tại Xuân Lộc thì tình hình quân sự chung quanh Saigon càng trở nên tồi tệ hơn và các lực lượng của cộng sản đã bắt đầu gây áp lực trầm trọng và đe dọa Biệt Khu Thủ Đô tức là vùng Thủ Đô Saigon. Tại vùng Tây-Bắc Saigon, Sư Đoàn 25 Bộ Binh đã rút khỏi Tây Ninh về lập tuyến phòng thủ ở Hiếu Thiện, Đức Hòa, Đức Huệ và Củ Chi. Về phía Bắc, Tiểu Khu Bình Long cũng rút khỏi An Lộc trở về vùng do Sư Đoàn 5 Bộ Binh kiểm soát ở Lai Khê, Tỉnh Bình Dương.

Trong khi tình hình quân sự trên đà suy sụp như vậy thì tình hình chính trị tại Saigon cũng đã bắt đầu có nhiều biến đổi.

Tổng Thống Thiệu Bị Mất Uy Tín

Cho đến đầu tháng 4 năm l975, chỉ trong vòng không đầy 4 tuần lễ sau khi cộng sản mở đầu cuộc tổng tấn công tại Ban Mê Thuột, 20 Tỉnh và Thị Xã, gần một nửa lãnh thổ Miền Nam bị mất và về phía Quân Đội thì 2 Quân Đoàn I và II tức là một nửa Quân Đội bị tan rã.

Đó là những thất bại quá lớn lao, quá nhục nhã cho Miền Nam Việt Nam và do đó, uy tín của Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu ngày càng xuống giốc. Từ các Tướng lãnh trong Quân Đội, các đoàn thể chính trị cũng như là tôn giáo, từ giới trí thức cho đến giới bình dân, nhiều người đã bày tỏ sự bất mãn với chính quyền của Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu và từ đầu tháng 4 năm 1975, có nhiều tin đồn về một vài âm mưu đảo chánh để loại trừ ông Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi chính quyền.

Tổng Thống Thiệu đã phản ứng bằng biện pháp mạnh: Ngày 27 tháng 3 năm 1975, chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho bắt giữ một số người trong giới chính trị và cả một số ký giả vì họ bị nghi ngờ là có dính líu đến một vài âm mưu đảo chánh, nhưng đây chỉ là một số cá nhân không nắm giữ một chức vụ quan trọng nào.

Thật ra thì sự chống đối Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bắt đầu từ thời gian hơn một năm về trước.

Phân Bộ Lập Pháp của Đảng Dân Chủ Khuyến Cáo

Trước đó, vào năm 1973 cũng đã có những ý kiến chống đối phát xuất ngay trong hàng ngũ các vị Dân Biểu và Nghị Sĩ ủng hộ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vào cuối năm 1973 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời một số Dân Biểu và Nghị Sĩ trong Phân Bộ Lập Pháp của Đảng Dân Chủ của ông đến dự một buổi họp tại Dinh Độc Lập. Trong buổi họp mặt này Nghị Sĩ Trần Trung Dung, đại diện cho Thượng Viện và Dân Biểu Phạm Văn Út, đại diện cho Hạ Viện đã đọc hai bài diễn văn khá dài và sau khi nghe xong, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các quan khách như Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm v.v…đều phải giật mình, kinh ngạc.

Trong hai bài diễn văn này, về sau được gọi là “Bản Khuyến Cáo Hành Pháp”, các vị Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã khuyến cáo Hành Pháp phải sửa đổi đường lối chính sách, phải có chính sách huấn luyện cán bộ, phải đưa những người có khả năng và trong sạch nắm giữ những chức vụ điều khiển then chốt trong Chính Phủ và Quân Đội, phải bài trừ tham nhũng nhất là bài trừ nạn “mua quan bán tước v.v…ngõ hầu có thể đương đầu với những cuộc tấn công sắp tới của cộng sản và khuynh hướng giải kết của Đồng Minh Hoa Kỳ. Bản khuyến cáo nói rằng Miền Nam Việt Nam đang đứng bên bờ vực thẳm, nếu không cải cách và sửa đổi thì không thể nào chống lại được các cuộc tấn công của cộng sản trong những ngày sắp tới không xa và đất nước sẽ bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.

Một nhân vật cao cấp của Đảng Dân Chủ hồi đó có cho người viết biết rằng hai bài diễn văn đó chỉ là phần nổi của Bản Khuyến Cáo, còn có “phần ngầm” liên quan đến vấn đề quân sự, vấn đề các tiền đồn với quân số ít ỏi trú đóng trong các vùng ven biển, cận sơn hẻo lánh nhằm mục đích chiếm đất dành dân không cho cộng sản chiếm giữ tức là không nhượng đất cho cộng sản. 

Bản Khuyến Cáo nói rằng giữ các tiền đồn đó mà không có đủ khả năng và phương tiện tiếp viện và giải cứu khi bị cộng sản tấn công với quân số đông gấp bội thì việc đó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý vô cùng bất lợi cho tinh thần anh em chiến sĩ, tại nhiều địa phương, vì quân số quá nhỏ, các tiền đồn này đã làm ngơ hay có nhiều khi đồng ý để cho các đơn vị cộng sản lớn hơn đi qua và như vậy thì mất uy tín với dân chúng địa phương. Vì các đơn vị Quân Đội bị phân tán quá mỏng nên không thể đối phó hữu hiệu khi địch mở các cuộc tấn công quy mô, do đó “Bản Khuyến Cáo” yêu cầu chính phủ phải xét lại và thay đổi chính sách về quân sự, nên triệt thoái các tiền đồn ở những vùng xa xôi hay tại những vùng “xôi đậu” để tránh tiêu hao lực lượng và đưa họ về tăng cường cho các đơn vị bảo vệ Vùng Đồng Bằng, như vậy thì sự phòng thủ sẽ hữu hiệu hơn. 

Thực ra thì điều khuyến cáo này không có gì là mới lạ vì Tướng Tred Sarong, vị Cố Vấn bán chính thức người Úc của Tổng Thống Thiệu cũng đã có đề nghị tương tự như vậy: Ông Sarong đề nghị với Tổng Thống Thiệu là nên triệt thoái khỏi vừng rừng núi cao nguyên mà chỉ nên bảo vệ Vùng Đồng Bằng, duyên hải mà thôi.

Điều quan trọng hơn cả là trong bản khuyến cáo này, các vị Nghị Sĩ và Dân Biểu cũng cảnh cáo về nạn “lính ma lính kiểng” rất trầm trọng trong Quân Đội và sau cùng đòi hỏi hành pháp phải thay thế hai vị Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Đoàn lV tức là Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Về nạn “lính ma lính kiểng”, chính Đại Tướng Cao Văn Viên cũng phải thừa nhận: “Sự khiếm khuyết của các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân (ở Vùng IV) bắt nguồn từ sự yếu kém về tinh thần và “quân số không đầy đủ” ở các đơn vị. Để giải quyết những khuyết điềm trên, Bộ Tổng Tham Mưu mở một cuộc điều tra để tìm nguyên nhân. Tháng 11 năm (1974) cuộc điều tra đưa đến quyết định giải nhiệm Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư Lệnh Vùng IV. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 73].

Khi nghe xong hai bài diễn văn đó, Tổng Thống Thiệu đã có thái độ bất bình và giận dữ, ông đã bỏ bữa tiệc ra về cùng với phái đoàn của hành pháp. Tuy các vị đại diện cho Thượng và Hạ Viện đứng ra đọc hai bài diễn văn này nhưng bên trong thì ông Thiệu biết rằng người đưa ra những ý kiến chính trong hai bài diễn văn đó chính là ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu. 

Mấy tháng sau, ông Ngân bị bãi nhiệm, sau đó được sang Hoa Kỳ và Canada “dưỡng bệnh” vào khoảng hơn nửa năm trời mới được cho về nước, nhưng vào đầu tháng 4 năm 1975 thì Tổng Thống Thiệu lại ra lệnh bắt giam ông Ngân sau khi Thượng Viện thông qua quyết nghị lên án chính sách của Tổng Thống Thiệu và bất tín nhiệm Nội Các Trần Thiện Khiêm. Ông Ngân bị giam giữ cho đến ngày 27 tháng 4 năm trước khi “trao quyền” cho Dương Văn Minh, ông được Tổng Thống Trần Văn Hương ra lệnh trả tự do cùng với một số người bị Tổng Thống Thiệu bắt giam hồi đầu tháng 4.

Không rõ Tổng Thống Thiệu có nghe lời khuyến cáo của nhóm Dân Biểu Nghị Sĩ này hay không, tuy nhiên đến tháng 11 năm 1974 thì Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị mất chức Tư Lệnh Vùng IV và một tháng sau đó thì Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn cũng bị mất chức Tư Lệnh Vùng II. Riêng về đề nghị rút quân ở những vùng hẻo lánh về tăng cường cho Vùng Duyên Hải thì đến ngày 14 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Thiệu đưa ra chiến lược gọi là “Đầu teo Đít to” (Light at the Top, Heavy at the Bottom) hay là “tái phổi trí lực lượng” và ra lệnh cho Tướng Phú triệt thoái Quân Đoàn II về Vùng Duyên Hải, nhưng lúc đó thì ngay cả Tướng Ted Sarong, người đã đề nghị kế hoạch này, cũng nói với Tổng Thống Thiệu rằng “đã quá trễ rồi”.

Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng lần đầu tiên Tổng Thống Thiệu đề cập đến chiến lược này vào ngày 11 tháng 3 một ngày sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn Quang và ông tại Dinh Độc Lập: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có chắc chắn chúng ta không thể nào bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượn và bảo vệ những vùng đông dân cư, trù phú vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng”. Ba ngày sau tại Cam Ranh, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái Quân Đoàn II về Vùng Duyên Hải để “tái phối trí lực lượng”. Như vậy thì những điều khuyến cáo của các Nghị Sĩ và Dân Biểu trong Phân Bộ Lập Pháp của Đảng Dân Chủ hồi cuối năm 1973 sau này đều được Tổng Thống Thiệu thực hiện, tuy nhiên theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì “chúng ta chỉ có thể hỏi là tại sao Tổng Thống Thiệu phải chờ lâu như vậy để áp dụng kế hoạch tái phối trí” Cao Văn Viên : Sách đã dẫn, trang 129-131.

(còn tiếp)

◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét