Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÁC ANH NẰM, HIU QUẠNH CẠNH ĐƯỜNG BIÊN

Mai Thanh Hải
Cuối Thu 2011


Trong từng giai đoạn, người ta có thể phải giả bộ quên một số sự kiện, quãng thời gian, để giữ hòa khí, đảm bảo lợi ích quốc gia. Thế nhưng có 1 điều chắc chắn, người ta không thể chôn vùi được lịch sử - nhất là sự kiện, thời gian lịch sử đó phải đổi bằng máu của hàng vạn người đã ngã xuống, vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Chưa bao giờ, mình thấy 1 nghĩa trang hiu quạnh như vậy, như chiều qua (22/9/2011) vào Nghĩa trang Liệt sĩ  phường Duyên Hải, thành phố  Lào Cai (tỉnh Lào Cai), nằm ngay trên sườn đồi, cạnh đường biên sông Hồng và phía sau nghĩa trang, bên kia sông là thị trấn Hà Khẩu -  Trung Quốc.


Theo danh sách ghi trên bia đá trong nghĩa trang liệt sĩ  Duyên Hải, cả nghĩa trang có 93 ngôi mộ, trong đó có 46 mộ LS vô danh, hy sinh năm 1953; thêm 4 phần mộ khác vô danh hoàn toàn. Thế nhưng khi đọc bia trên các phần mộ, mình thấy phần lớn bia đều ghi "Liệt sĩ Bảo vệ Tổ quốc". Đồng nghiệp mình ở Lào Cai, lắc đầu thở dai và với giọng trầm buồn anh chỉ bảo cặn kẽ: "Đó là phần mộ các Liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới, chống quân Trung Quốc xâm lược từ 1979 đến 1989".



Mình lẩn mẩn đếm, đọc danh sách và 43 phần chữ ghi trên bia mộ "có danh tính" còn lại, để rồi rưng rưng khóe mắt: Chỉ có 7 Liệt sĩ đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh... Những người còn lại, đều thiếu thông tin, đủ bề (1 Liệt sĩ có cấp bậc; 10 Liệt sĩ có đơn vị; 3 Liệt sĩ chỉ có tên mà không có họ; 18 Liệt sĩ có quê quán và 32 Liệt sĩ xác định được ngày hy sinh)...


Trong số những Liệt sĩ có danh tính, 2 Liệt sĩ hy sinh ngay trong ngày 17/2/1979 - khi quân Trung Quốc xâm lược  bất ngờ nổ súng tấn công, đánh chiếm thị xã Lào Cai, đó là: Liệt sĩ Đỗ Mạnh Cường, sinh năm 1958, quê quán Tự Cường, Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, khi hy sinh là chiến sĩ thuộc C3, D7, E124 và mới tròn 21 tuổi; Liệt sĩ Nguyễn Xuân Hải, sinh năm 1960, quê quán Xuân Khê, Sông Thao, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ), ngã xuống khi 19 tuổi, với dòng chữ ghi đơn vị chỉ vẻn vẹn "Biên phòng Lào Cai".


Trước ngày 17/2/1979, cũng có 1 chiến sĩ của E192 ngã xuống và phần mộ đang nằm tại nghĩa trang lịệt sĩ Duyên Hải, đó là Liệt sĩ Nguyễn Văn Khoái, sinh năm 1958, quê Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội), hy sinh ngày 9/1/1979.


Sau sự kiện tháng 2/1979, vẫn có những người nằm xuống, vì chủ quyền biên giới. Đó là Liệt sĩ Nông Trung, công tác tại Sở Văn hóa tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), hy sinh ngày 27/6/1980; Hạ sĩ Lê Huy Cảnh, ở Cốc Lếu, thành phố . Lào Cai, trinh sát thuộc D8, E149, F356, Quân khu II, hy sinh 28/9/1984; Liệt sĩ Lương Thị Bé, sinh năm 1966 ở Kiến Xương, Thái Bình, Công nhân đường bộ Lào Cai, hy sinh 6/4/1986; Liệt sĩ Phạm Đình Quý, quê quán Nghi Lộc, Nghệ An hy sinh đúng ngày 30/4/1993 khi đang là Công nhân Công ty Cầu Lào Cai...

Trẻ nhất và hy sinh gần đây nhất là chiến sĩ Biên phòng Đồn 257 - Bát Xát Hoàng Minh Vượng, sinh ngày 5/7/1984, quê ở Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ, ngã xuống ngày 27/5/2004, tròn 21 tuổi.


Các anh các chị nằm trong khu vực vành đai biên giới, phía sau là sông Hồng ngầu đỏ cuộn chảy ngày đêm, phía trước là con đường trải nhựa, chạy từ Trung tâm thành phố Lào Cai, ra cửa khẩu Kim Thành mới mở với ầm ào máy móc, đang hối hả xây dựng nhà xưởng, Khu Công nghiệp - Thương mại, khách sạn nhiều sao... Nghĩa trang liệt sĩ nơi các anh chị nằm, chẳng phải heo hút trong rừng, trên núi, ở những địa bàn vùng sâu - vùng xa, thế nhưng hiu quạnh và ngổn ngang đến không thể ngờ nổi và mình, đã phát khóc.


Không thể không khóc, khi Nghĩa trang liệt sĩ được khóa cứng bằng ổ khóa hoen rỉ, gọi vào số điện thoại của người Quản trang, ghi trên tường rào, chỉ thấy "ò e í" và mình phải trèo tường, vào thăm các chị các anh...

Không thể không khóc, khi đường bê tông vào tượng đài, đến các hàng mộ chí, đều xanh rì rêu phủ - Hình như, rất lâu rồi, chẳng ai ghé vào thăm...

Không thể không khóc, khi lá khô rụng dày trên mộ, mặt đường và mọi nơi trong NT, từ lâu lắm rồi...

Không thể không khóc, khi chứng kiến cảnh hương tàn khói lạnh, những chân hương mốc thếch, trắng bợt màu dãi dầu mưa gió, cây dại mọc cao hơn mộ chí, dây leo quấn chặt bát hương - chân hương...

Không thể không khóc, khi trên bia mộ chí và bia đá danh, chỉ vẻn vẹn những thông tin ít ỏi về các anh (nhưng chắc chắn sẽ có đầy đủ trong hồ sơ chính sách - quân lực), với đủ loại kích thước mộ bia, nét chữ mà có thể người thân, gia đình các anh tự làm, tùy điều kiện... kinh tế khá giả hay eo hẹp.

Không khóc sao được, khi so sánh với các Nghĩa trang liệt sĩ khác, mộ bia đều tăm tắp, chung ngôi sao trên chóp, như thể đội ngũ chào cờ, quân phục sáng ngời. Nghĩa trang liệt sĩ các anh chị nằm bây giờ, cũng thành đội hình, nhưng như thể hồi bao cấp thiếu thốn, bộ đội mình, mỗi người mặc 1 loại quân phục cũ kỹ khác nhau: Áo bay, áo chít, K82...


Lâu nay, người ta nói rất nhiều về công tác tu tạo, chăm sóc phần mộ, Nghĩa trang nơi an nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ. Không chỉ Nhà nước trích Ngân sách để đầu tư tu bổ Nghĩa trang liệt sĩ mà nhiều địa phương còn vận động các nguồn đóng góp trong nhân dân để làm bia, quét dọn các mộ Liệt sĩ... Đặc biệt, các địa phương đã quá quen với việc phát động các phong trào, hoạt động thiết thực (như: Tổ chức cho các em học sinh, Đoàn viên thanh niên tổ chức quét dọn vệ sinh khu nghĩa trang, các bia, mộ liệt sĩ, dâng hương , thắp nến tri ân...), góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp cho nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ... Tại sao ở 1 Phường giàu mạnh của thành phố Lào Cai mạnh giàu, người ta lại để Nghĩa trang hiu quạnh, ngổn ngang như vậy?..


Trong từng giai đoạn, người ta có thể phải giả bộ quên một số sự kiện, quãng thời gian, để giữ hòa khí, đảm bảo lợi ích quốc giá. Thế nhưng có 1 điều chắc chắn, người ta không thể chôn vùi được lịch sử - nhất là sự kiện, thời gian lịch sử đó phải đổi bằng máu của hàng vạn người đã ngã xuống, vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Người Việt vốn trọng tình nghĩa, nhớ ơn nguồn cội và trong mỗi người, đều thấm đẫm đời sống tâm linh. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc để xây mồ mả cho người đã khuất, sao cho đàng hoàng, to đẹp, khói hương giỗ chạp mồng một, ngày rằm... cũng vì tâm niệm "trần sao, âm vậy".


Mình cứ tẩn mẩn: Liệu những Liệt sĩ, đã ngã xuống qua 3 cuộc chiến tranh, trong cả thời bình, đang nằm trong khuôn viên thực tại mà mình đã thấy, ghi lại trong Nghĩa trang liệt sĩ Duyên Hải, Lào Cai ngày hôm qua, có được "nhớ ơn", "ghi công" như dòng chữ vàng trên Đài Liệt sĩ xanh rêu?..


Và mình lại ước: Chỉ còn vài ngày nữa (ngày 1/10/2011), Lào Cai sẽ tưng bừng cờ hoa, trống chiêng chào mừng Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. Trong ngày chung vui với "nước bạn" đó, giá Ngiã trang liệt sĩ Duyên Hải được các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ, các Đoàn viên mặc áo xanh tình nguyện, các cán bộ công chức quần áo công sở là cháy ly... đến thắp hương, quét dọn, nhổ cỏ, chặt cây dại... thì các LS đang nằm dưới đất, cũng được an ủi lắm lắm: Ít nhất, họ không bị lãng quên (dù chỉ vài ngày), đỡ nằm quạnh hiu, ngay trên đường biên giới (mà họ đã phải đổ máu, quên mạng sống để giữ gìn) và được an ủi: Sự hy sinh của mình, của bao đồng đội xung quanh mình, trên dải đất biên cương là không vô ích...Nặng trong lòng, chỉ dám ước vậy thôi!..

Mai Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét