Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




Ý NGHĨA LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG


Trí Nhân Media: Hôm nay là ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, một đại lễ của dân tộc Tiên Rồng suốt mấy ngàn năm qua. Đây là một truyền thống trong nền văn hiến Việt để tưởng nhớ công ơn cao dày của các vị tộc tổ đã tạo dựng đất nước Việt Nam. 

Giỗ là một buổi lễ trong phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất. Giỗ được tổ chức vào đúng ngày từ trần của người đã mất, theo Âm lịch. Lễ giỗ là nhằm nhắc nhở con cháu về công lao của những người đã đi trước, đồng thời nhằm mục đích gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, hay đôi khi trong cùng nghề nghiệp.

Ngày Giỗ là ngày thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người sống đối với người đã khuất, cũng như thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà tổ tiên. Nhà giàu thì tổ chức giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa về tham dự lễ giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần chén cơm, dĩa muối, ba nén nhang, một cặp nến và vài món ăn đơn giản để cúng kiến, cũng đủ nói lên được lòng thành kính. Lòng hiếu thảo hoàn toàn phụ thuộc vào việc con cháu nhớ đến ngày làm giỗ. Thân bằng quyến thuộc của người quá cố, nếu có lòng thương nhớ thì đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn, không cần phải chờ có thiệp mời như tiệc cưới.

Các bậc tiền nhân Việt thường răn dạy con cháu qua những câu như sau:
- Cây có cội, nước có nguồn.
- Con người phải có tổ tiên ông bà.
- Uống nước nhớ nguồn.
- Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.
- Cây có cội mới nẩy cành xanh ngọn, Nước có nguồn mới bể cả sông sâu…

Những di huấn ấy đã tạo thành một truyền thống trì thủ ân nghĩa trong nếp sống dân Việt, một đặc thù của nền văn hiến, tức bước văn minh cao nhất của xã hội con người.

Trải qua nhiều triều đại, ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vẫn là một đại lễ của một dân tộc tự hào mình là "con Rồng cháu Tiên". Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương  nhằm mục đích nhắc nhở nhau về nguồn cội của dân Việt, chung sức quang phục quê hương và dựng lại nền văn hiến của dân tộc.

Từ ngàn xưa, dân gian Việt đã có nhiều câu vè dễ nhớ cho ngày trọng đại này, chẳng hạn như:

Dù ai buôn bán nơi đâu,
Nhớ ngày Giỗ Tổ rủ nhau ta về.
Dầu ai buôn bán trăm nghề,
Tháng ba, tế Tổ ta về cho đông.


Từ mấy ngàn năm qua, tại Việt Nam, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3, người Việt trong nước rủ nhau đi trẩy hội Đền Hùng, hay còn gọi lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Chưa có tài liệu chính thức nào giải thích về lý do tại sao các bậc tiền nhân lại chọn ngày 10 tháng 3 làm ngày quốc lễ. Nhưng điều chắc chắn là khi chọn ngày này, tiền nhân Việt muốn gửi một thông điệp đặc biệt đến con cháu. Theo Âm lịch thì tháng 3 là tháng Thìn, tức tháng Rồng, và theo Thập nhị Địa chi thì ngày 10 là ngày Tiên. Như vậy thì ngày 10 tháng 3 là ngày Tiên, tháng Rồng. Có nghĩa là tiền nhân muốn nhấn mạnh truyền thuyết "mẹ Tiên, cha Rồng" của dân tộc Việt.

Và nếu dựa theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, do sử gia Ngô Sĩ Liên viết vào năm 1479, thì dân tộc Việt lập quốc vào năm 2879 trước Công Nguyên. Nếu lấy năm đó là năm thứ nhất của Việt lịch, thì nước Việt đã lập quốc được 4891 năm. Trong suốt thời lập quốc đó, nước Việt đã có 18 đời vua nối tiếp nhau, tức nhiều vị Quốc tổ, chứ không phải một vị vua khai quốc duy nhất.

Dĩ nhiên các truyền thuyết này đã gây ra nhiều tranh cãi mấy trăm năm qua, nhưng một điều khó phủ nhận là tiền nhân Việt đã đổ rất nhiều núi xương sông máu mới có được mảnh giang sơn gấm vóc ngày nay. Và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi phải được tổ chức long trọng hơn bất cứ lễ hội nào, kể cả ngày quốc khánh!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét