Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CỰU CHIẾN BINH TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM KHÔNG THỂ QUÊN NỖI ĐỊA NGỤC ĐỒI THỊT BĂM

Tác giả :Tavia D. Green (13.5.2011)
 Người dịch: Hiền Ba - Blog Ba Sàm

Nhưng họ gặp lại nhau vì tình huynh đệ hơn là vì những câu chuyện chiến tranh.

Vào ngày 10 tháng 5 năm 1969, đại đội trưởng Lee Sanders, khi đó 27 tuổi và đó là chuyến sang Việt Nam lần thứ hai của Lee Sanders, đã dẫn khoảng 100 lính tiến vào trận địa Đồi Thịt Băm [Hamburger Hill là tên gọi lính Mỹ đặt cho cao điểm 973 tức Đồi A Bia ở Thung Lũng A Sầu gần biên giới Lào].

Khi Sanders và lính của mình leo lên quả đồi đó ông đã không ngờ rằng đại đội của ông sắp đương đầu với trận đánh ác liệt nhất trong đời họ.

Hôm thứ Năm vừa qua Sanders cùng khoảng 45 cựu chiến binh trong Chiến Tranh Việt Nam đã tụ tập nhau lại tại Căn cứ Campbell để kỷ niệm năm thứ 42 ngày diễn ra trận đánh ở Đồi Thịt Băm.

“Chúng tôi đã chiếm được quả đồi, đã tiến hành một cuộc không kích lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam,” Sanders nói. “Chúng tôi vào trận bằng bò bằng tay và đầu gối tới vị trí cách chúng tôi 1000 mét … Chúng tôi ở tại đó trong 10 ngày. Ban đêm chúng tôi ngồi trong hố cá nhân và bị tấn công. Chúng tôi được tiếp tế lương thực và được tăng cường thêm hỏa lực cho tới khi chúng tôi chiếm được quả đồi và rất nhiều địch quân (bị hạ).”

Sanders là một trong số 250 lính bị thương trong trận đánh đó. Ông bị trúng đạn ở vai phải và xuýt chết vì mất máu.

“Lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết,” Sanders nhớ lại, nhắc lại rằng lúc đó ông đã không thể tự mình buộc ga-rô để cầm máu. “Tôi chọc ngón tay cái vào chỗ vết thương để cho máu vón cục lại. Tôi nằm yên tại chỗ trên đồi trong ba tiếng đồng hồ sau đó mới có thể rời khỏi đó.”

Trận đánh ở Đồi Thịt Băm, còn được gọi là Trận Núi Dong Ap Bia [phía đông dãy núi A Bia], kéo dài từ ngày 10 đến 21 tháng 5 năm 1969. Lữ đoàn 3 tham gia Chiến dịch Apache Snow sau mấy ngày tham chiến đã có khoảng 54 lính bị chết và 250 lính bị thương.  

Lữ đoàn 3 và các đơn vị phối thuộc đã tiêu diệt hơn 500 địch quân, tịch thu được rất nhiều vũ khí, thuốc nổ và quân trang.

“Điều mọi người cần ghi nhớ là lòng dũng cảm của những người lính đã trụ lại đó trong trận đánh kéo dài – từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc,” Sanders nói. “Chưa một lần nào có bất kỳ ai nói rằng “tôi không đi” khi đến lượt họ. Đó là lòng dũng cảm.”

Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn Bộ binh 187 thuộc Lữ đoàn Không vận Tác chiến số 3 được mệnh danh là “Những lính dù Thép” đã đón tiếp các cựu chiến binh quay lại thăm Căn cứ  Campbell và dự kiến sẽ tổ chức một vài sự kiện để vinh danh các cựu chiến binh này.

Hôm thứ Năm, Trường Huấn luyện lính dù đã tổ chức một cuộc thao diễn và hôm nay [thứ Sáu, 13/5/2011] trường sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm những Lính dù Thép đã hi sinh trong lúc đánh chiếm Đồi Thịt Băm. Sau buổi lễ các cựu chiến binh sẽ được mời tới thăm đại bản doanh của Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn Bộ binh 187.

Một cựu chiến binh của trận đánh đó, John Synder, 62 tuổi, trong nhiều năm trời đã tham dự buổi lễ tưởng niệm như thế này. Bùn lầy, thời tiết ẩm ướt, mưa, rất nhiều lính đã bị giết và bị thương do quân địch và cả do quân ta bắn nhầm nhau và vụ nổ kinh hoàng của một chiếc trực thăng, đều là những ký ức không hề dễ chịu đối với các cựu chiến binh của trận đánh đó.

“Thịt Băm là hình ảnh đúng như cảm giác của chúng tôi về quả đồi đó,” Snyder nói. “Quá nhiều xác chết nom như thịt băm. Chúng tôi không thể bò lên quả đồi đó còn quân địch thì nấp trong công sự.”


Trận đánh đó thật khủng khiếp, song các cựu chiến binh có mặt tại các sự kiện hôm thứ Năm không tới đó để nhắc lại những câu chuyện chiến tranh. Họ tới đó gặp nhau để ngợi ca sự sống và sự chữa lành nỗi đau.

“Đây là một dịp để tưởng nhớ những người bạn và đồng đội đã chết,” cựu chiến binh Tom McGall nói. “Chúng tôi muốn trao đổi với những người lính đang tại ngũ và cũng muốn nghe những câu chuyện của họ. Chúng tôi là những người cổ lỗ sĩ rồi. Họ mới là di sản của chúng ta. Đó là nguồn gốc của sự chữa lành nỗi đau. Chúng tôi có thêm bạn mới và gặp lại bạn cũ.”

Từ nhiều năm nay, các cựu chiến binh hàng năm tụ tập lại với nhau đã hình thành nên một tình huynh đệ được gắn bó mãi mãi bằng sự trải nghiệm của họ.

“Đó là một tình huynh đệ không phải ai cũng có được,” cựu chiến binh Doug Walton nói. “Tôi đã mất rất nhiều người bạn tốt và đây là một dịp để chữa lành nỗi đau cho nhiều người trong số chúng tôi – để tiêu diệt những con quỷ nào đó đang ẩn náu. Đây cũng là dịp tuyệt vời để được gặp những người trẻ tuổi đang duy trì truyền thống (Lính dù Thép). “

Hôm thứ Năm, nhóm cựu chiến binh đã đi thăm một vòng Trường huấn luyện lính dù, đứng trên một tháp cao để xem những người lính đang nghe lệnh tập hợp và thực hiện một bài tập vượt chướng ngại. Các cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam cũng biết thêm về những chiến thuật huấn luyện hiện nay.

Hầu hết các cựu chiến binh đều nói rằng việc huấn luyện và chuẩn bị là rất khác so với khi họ trở thành người lính, nhưng khẩu hiệu, “Không được phép bị đánh trượt vì thiếu lòng dũng cảm,” là điều gì đó mà nhiều thế hệ Lính dù Thép tiếp tục giữ gìn trọn vẹn.

Trung tướng hồi hưu  Weldon Honeycutt kể rằng khi ông tới Căn cứ Campbell vào năm 1948 thì doanh trại được làm bằng gỗ, cỏ mọc cao còn nhìn thấy chuột là chuyện bình thường.

“Thay đổi nhiều quá,” Honeycutt vừa nói vừa nhìn không rời mắt Trường Huấn luyện lính dù. “Mọi thứ đã thay đổi nhiều quá.”

Nhắc đến trận đánh của những người lính của ông, Honeycutt nói rằng ngôn từ không thể nói hết được.

“Chúng ta không thể mô tả được trận đánh đó. Không có từ ngữ nào có thể làm được điều đó,” ông nói. “Tôi xúc động bởi vì chúng ta mất rất nhiều những người trai trẻ mà chúng ta yêu quý. Ngày ấy khi  (những người lính) trở về Mỹ họ bị người ta nhổ nước miếng vào mặt, bị ném đá, nhưng bây giờ công chúng dần dần cảm thông hơn. Điều mà người ta không hiểu được ấy là những gì mà những (cựu chiến binh) này đã từng trải qua ở đó. Họ là những chiến binh vĩ đại nhất của quân đội. Họ là những người lính cao thượng.”

Tác giả :Tavia D. Green
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://vietsuky.wordpress.com/2012/04/01/96-cuu-chien-binh-trong-chien-tranh-viet-nam-khong-the-quen-noi-d%E1%BB%8Ba-nguc-doi-thit-bam/#more-3492

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét