Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NGƯ DÂN TIẾP TỤC BÁM BIỂN MƯU SINH

Phạm Anh

Những ngày này, từng đoàn tàu đánh cá ở khu vực miền Trung vẫn ngày ngày dong buồm ra khơi đánh bắt và mang về những khoang cá đầy...
“Ôi, biển của mình thì mình ra đánh cá. Hoàng Sa hay Trường Sa gì cũng vậy hết. Ai cấm? Bọn tui không có ngán đâu!” Thuyền trưởng Võ Nam, quê ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi nói giọng chắc nịch.

“Nơi ấy là biển của nước mình”

Nhảy phóc từ be thuyền lên cầu cảng bằng ximăng, thuyền trưởng tàu QNg 96 218 TS – Võ Nam cười rung mái tóc đã nhuốm màu muối tiêu: “Được gần 15 tấn cá!” Nói xong ông rít một hơi thuốc nói: “Thời buổi bây giờ, có cá mang về là ngon rồi!” Bước vào nhà của chủ nậu Thuý – Hồng ở ngay cảng Sa Kỳ, ông Nam tính toán: “Sau khi trừ chi phí 240 triệu đồng, tui còn kiếm được trên 150 triệu đồng. Như vậy, 17 lao động trên tàu đi chuyến biển thứ ba trong năm nay có chút cơm để ăn.

Ngồi bệt trên cái ghế gỗ của chủ nậu, thuyền trưởng Nam chia sẻ với tôi rất nhiều chuyện về biển, về việc làm ăn ngày càng khăn khó của ngư dân bây giờ. Tôi hỏi ông có biết việc Trung Quốc vừa ngang ngược ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mới đây không, ông Nam nói, ông biết rõ là đằng khác, “Nhưng mà họ cấm kệ họ. Nơi ấy là biển của nước mình thì mình cứ ra mà đánh bắt”. Nói xong, ông Nam đưa tay chỉ đoạn cửa biển dài hơn cây số giải thích rằng, hiện nay, cảng biển chỉ còn có vài chục con thuyền, bởi lẽ hàng ngàn con tàu ở cảng này đã ra khơi xa đánh cá.

Thuyền trưởng Nam kể, khi ra đến vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, tàu của ông và các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam cũng có gặp tàu lạ rượt đuổi. Những lúc như vậy, họ phải chạy lánh đi rồi sau đó lại tiếp tục đánh cá, lặn hải sâm.

Chọn lựa ngư trường

Thực ra, cũng có không ít tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và huyện Bình Sơn chuyên đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã buộc phải đi về các vùng biển khác để đánh bắt, bởi lẽ, cả đời của ngư dân, họ xem con thuyền như nhà ở, cứ ra khơi là bị đuổi bắt, cướp tài sản buộc họ phải lựa chọn cho mình con đường an toàn. Ai cũng biết rằng, “biển nhà” thì không thể thiếu “ghe nhà”, thế nhưng, không một ngư dân nào muốn gia đình mình phải mòn mỏi trông mong tin như trường hợp gia đình của 21 ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn bị Trung Quốc bắt vào đầu tháng 3 vừa qua.

Hôm ra đảo Lý Sơn để đón 21 ngư dân vừa trở về từ Trung Quốc, tôi gặp ông Mai Phụng Lưu mới hay ông Lưu cũng sẽ chuyển sang ngư trường khác. Trong ánh mắt của “sói biển” này, tôi biết còn in đậm trong ông những hòn đảo, rạn san hô nơi biển Hoàng Sa... Tôi tin, những con người như thế không bao giờ bỏ vùng biển truyền thống mà cha ông mình đã dày công xây giữ. Họ chuyển sang ngư trường khác cũng chỉ vì mưu sinh trước mắt và tạm lánh để chờ thời cơ...
.
Theo lão ngư Nguyễn Văn Sáu ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, trong thời điểm hiện nay, việc chọn lựa cho mình ngư trường để đánh bắt là hợp lý, bởi vì khi bị bắt, bị đập phá tài sản thì người chịu thiệt đầu tiên là ngư dân. “Nhà nước có hỗ trợ, nhưng mức hỗ trợ chỉ một phần nhỏ so với tài sản của mình bỏ ra khi bị cướp tàu. Con tui có ba tàu cá bị nước ngoài bắt, mất trên 3 tỉ đồng chứ không phải ít”, ông Sáu nói.

Sáng ra, tối vào

Một buổi sáng mới đây, khi gặp tôi, chủ hai con tàu lặn hải sâm ở Trường Sa và Hoàng Sa, ông Trường Tày, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho hay việc ngư dân ra khơi hiện nay gặp khó khăn đủ bề. Đó là chuyện giá xăng dầu tăng, hải sản giảm giá và chuyện bị Trung Quốc gây khó khăn ngoài khơi. Ấy là chưa kể, do hiện nay hay bị tàu nước ngoài bắt và thiên tai trên biển nên việc ngư dân tìm bạn chài không phải dễ.

“Trước khi đi, mình phải cho ứng trước từ 10 – 15 triệu đồng/lao động, họ mới đi. Vậy mà có hồi, anh em mượn tiền xong vẫn không đi tàu mình. Làm chủ tàu phải chịu cái cảnh này”, ông Tày chia sẻ. Theo ông Tày, những cái khó ấy vẫn không bằng trên biển. Chẳng hạn như hai chiếc tàu lặn đêm của ông Tày ở quần đảo Hoàng Sa, ban ngày, để né, vì gặp tàu chiến và tàu ngư chính tàu của ông phải chạy ra vùng biển quốc tế neo đậu, đến chiều tối mới nhổ neo lao vào các đảo để lặn và đến chừng 3 giờ sáng, hai con tàu lại quay ra vùng biển quốc tế.

“Tui thì chả sợ gì lệnh cấm biển của họ. Có điều “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tui chọn cách vừa được cho mình, vừa lại không bỏ biển truyền thống của cha ông mình”, ông Tày khẳng định. Ông Tày còn cho hay, ông đang đóng tiếp một con tàu có công suất 733CV, một tuần nữa hạ thuỷ ông lại đưa nó ra Hoàng Sa.
“Ngư dân Bình Châu và cả ngư dân tỉnh Quảng Ngãi không ai muốn bỏ biển, bỏ Hoàng Sa và Trường Sa. Dù Trung Quốc có đưa ra hàng ngàn lệnh cấm đánh bắt đi chăng nữa, ngư dân vẫn ra khơi để mưu sinh, chấp nhận đương đầu với sóng gió và cả mọi hiểm nguy”, ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, khẳng định như vậy. Thế nhưng, theo ông Hùng, ngư dân ta cũng cần phải khéo léo để tránh bị thiệt hại về tài sản và lao động trên tàu.

Phạm Anh
http://sgtt.vn/Kinh-te/164088/Ngu-dan-tiep-tuc-bam-bien-muu-sinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét