Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




AUNG SAN SUU KYI VÀ VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO ĐỐI LẬP

Trần Minh Khôi

Những chuyển biến đầy hứa hẹn của Miến Điện cho một tương lai tự do làm giàu thêm kho kinh nghiệm chuyển tiếp dân chủ của nhân loại trong hơn gần bốn thập niên qua. Giới hàn lâm phương Tây gọi những chuyển tiếp dân chủ này là “Làn sóng dân chủ thứ Ba” (Third wave democracy). Nó là làn sóng chuyển tiếp dân chủ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Các quốc gia Nam Âu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp), Nam Mỹ, Đông Âu, Đông Á và Đông Nam Á, và gần đây nhất là các quốc gia trong khối Ả-Rập, lần lượt rủ bỏ cái bóng ma độc tài toàn trị để bắt tay xây dựng một xã hội tự do và dân chủ.

Tiến trình chuyển hóa dân chủ ở mỗi quốc gia là một kinh nghiệm riêng biệt, chi phối bởi những điều kiện nội tại riêng biệt. Tuy nhiên, dưới những cái nhìn tổng quát nhất, người ta vẫn có thể phân loại các mô hình chuyển tiếp dựa trên một số đặc điểm chung nào đó như truyền thống văn hóa chính trị, di sản lịch sử, tình hình kinh tế xã hội và cơ chế nhà nước ở thời điểm tiền chuyển tiếp, các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài (sự sụp đổ của Liên Xô đối với các quốc gia cộng sản Đông Âu chẳng hạn), vân vân. “Mùa Xuân Ả-Rập”, “Cách mạng màu”,… là những cụm từ có tính tổng quát hóa như thế. Đi sâu vào từng yếu tố có tính quyết định của chuyển tiếp, người ta nhận ra những đặc điểm khác. Phần còn lại của cái note này đưa ra vài nét đại cương về một trong những đặc điểm quan trọng như thế: vai trò của lãnh đạo đối lập trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ.

Một điều rõ ràng là nếu không có San Suu Kyi, trong vai trò của một lãnh đạo đối lập, thì Miến Điện sẽ không có những triển vọng hứa hẹn của một cuộc chuyển tiếp dân chủ ôn hòa mà chúng ta đã chứng kiến. Aung San Suu Kyi không những là cứu tinh của nền dân chủ Miến Điện. Bà còn là cứu tinh của thế lực độc tài quân phiệt, tránh cho họ những tổn thất về kinh tế, về quyền lực chính trị, và cả tính mạng trong những đổ vỡ không thể tránh khỏi của một nhà nước độc đoán đang đối diện với bế tắc.

Các điều kiện cần cho một cuộc chuyển tiếp dân chủ xảy ra bao gồm: 1) khủng hoảng kinh tế xã hội, và 2) thế lực cầm quyền tính toán rằng một cuộc chuyển tiếp dân chủ, ngay cả khi nó không có khả năng giải quyết khủng hoảng, sẽ có lợi cho họ. Điều kiện đủ cho một cuộc chuyển tiếp ôn hòa và thành công trong giai đoạn củng cố dân chủ (giai đoạn ngay sau chuyển tiếp) là phải có một lãnh tụ đối lập có thể nhận diện được. Khó có thể có một cuộc chuyển tiếp dân chủ thành công trong sự thiếu vắng lãnh đạo đối lập. Lãnh đạo đối lập giúp duy trì ổn định xã hội, ngăn chặn tình trạng phiến loạn của các lực lượng chống đối nhà nước toàn trị một khi các cơ chế bạo lực của nó được nới rộng. Sự có mặt của lãnh đạo đối lập thúc đẩy sự phân hóa trong nội bộ của thế lực cầm quyền. Một phe nhóm nào đó khi nhận được tín hiệu là có sự hỗ trợ của các lực lượng dân chủ, đại diện bởi lãnh đạo đối lập, thì sẽ quyết liệt hơn trong các lựa chọn chính trị.

Kinh nghiệm cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng, thế lực cầm quyền thường có những hành xử quá đáng và phi lý nếu nhìn từ góc độ quyền lợi quốc gia và các chuẩn mực hành xử xã hội. Quan tâm lớn nhất của họ là bảo vệ các quyền lợi kinh tế, bảo vệ quyền lực phe nhóm, và bảo vệ tính mạng. Hình ảnh Gaddafi của Libya bị các lực lượng nổi dậy kéo ra từ cái ống cống và hành quyết ám ảnh tất cả những kẻ ngồi trên đỉnh của quyền lực toàn trị. Nếu có một lối thoát nào đó bảo đảm các mối quan tâm này của họ thì họ sẽ không ngần ngại nắm lấy cơ hội đó. Lý do cho những tổn thất rất lớn cho thế lực cầm quyền, kể cả bị giết hoặc tù tội, ở vài trường hợp chuyển tiếp là vì các thế lực này không có lối thoát nào cả. Ở các quốc gia này không tồn tại lãnh đạo đối lập (dù rất nhiều nhóm sẳn sàng nổi loạn). Cũng vì không tồn tại gương mặt lãnh đạo đối lập có thể nhận diện được, trong nhiều trường hợp khác nữa, tiến trình chuyển tiếp dân chủ, khi buộc phải xảy ra, xảy ra trong một thời gian dài, với những tổn thất xã hội rất lớn, theo một lộ trình không tiên liệu được. Tất cả tùy thuộc hoàn toàn vào hành xử bất nhất vì những tranh chấp quyền lực trong nội bộ thế lực đang cầm quyền mà mục đích tối thượng của họ không phải là tương lai của quốc gia. Trong trường hợp này thế lực cầm quyền cũng phải trả một giá đắt qua những cuộc đấu đá quyền lực phe nhóm và thanh trừng nội bộ tàn khốc.

Không chuyển tiếp được vì những định chế toàn trị không thể chuyển hóa đã là một ác mộng. Tình thế buộc phải phá vỡ các định chế này để chuyển tiếp nhưng không kiểm soát được tiến trình chuyển tiếp lại là cơn ác mộng khác. Trong cả hai tình huống, thế lực cầm quyền sống trong sự bất an thường trực. Họ trở nên phi lý hơn, hung bạo hơn trong sự tuyệt vọng của những ám ảnh sụp đổ. Cứu tinh của họ, không ai khác, là những gương mặt lãnh đạo của phong trào đấu tranh cho dân chủ và tự do, nếu những gương mặt như thế tồn tại. Điều này giải thích thái độ hồ hởi của thế lực quân phiệt Miến Điện đối với San Suu Kyi. Sự có mặt của bà bảo đảm quyền lợi cũng như tính mạng của họ.

Tiến trình chuyển tiếp sẽ diễn ra trong trật tự và có khả năng thành công cao khi có sự hợp tác giữa thế lực cầm quyền và lãnh đạo đối lập để giữ thế chủ động trong từng bước đi của chuyển tiếp. Không có sự hỗ trợ của lãnh đạo đối lập, thế lực cầm quyền cũng sẽ thay đổi theo phản ứng với áp lực xã hội nhưng họ không chủ động được và sẽ trở nạn nhân của những chém giết chính trị nội bộ. Miến Điện có vẻ như đã tránh được điều này với sự có mặt của Aung San Suu Kyi.

Trường hợp xấu nhất của chuyển tiếp dân chủ là khi không có tác nhân nào thật sự giữ quyền chủ động. Tình huống sẽ trở bên bi đát khi thế lực cầm quyền quá bận rộn trong việc củng cố quyền lực kinh tế và chính trị gia tộc, và không có một phe nhóm, cá nhân, tiếng nói nào trong nội bộ của họ thật sự có ảnh hưởng quyết định, bên cạnh đó cũng không xuất hiện lãnh đạo đối lập nào có thể nhận diện được. Có vẻ như điều này đang xảy ra ở Việt Nam.

Các yếu tố văn hóa và lịch sử có thể giúp giải thích cho sự thiếu vắng những khuôn mặt lãnh đạo trong phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Những vấn đề này sẽ được bàn đến trong cái note sau. Ở đây chỉ bàn đến một chuyện: vai trò của thế lực cầm quyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sai lầm lớn nhất của những người lãnh đạo Đảng hiện nay là đã không cho phép sự hình thành của một không gian đối lập. (Ngay ở điểm này cũng đã có yếu tố văn hóa, sẽ nói thêm về sau).

Sự suy thoái chính trị đang xảy ra trong nội bộ lãnh đạo Đảng ngăn cản các định chế xã hội chuyển hóa để tháo gỡ bế tắc (quyền tước đoạt tài sản công dân - đất đai - là một ví dụ, bên cạnh rất nhiều ví dụ khác về sự khủng hoảng công lý xã hội – xem cái note trước về Sự suy thoái chính trị và lối thoát của Đảng Cộng sản Việt Nam). Giai đoạn đầu của một tiến trình chuyển tiếp dân chủ, đang xảy ra do áp lực xã hội đối với sự suy thoái của tầng lớp cầm quyền, nhìn bên ngoài có vẻ như đang được chủ động bởi những người lãnh đạo Đảng nhưng trên thực tế đang là một tiến trình vô định. Như đã nói ở trên, quan tâm lớn nhất của những người cầm quyền là bảo vệ quyền lực phe nhóm và quyền lợi gia tộc, họ chỉ làm đủ những gì cần thiết để làm giảm áp lực xã hội cho mục đích này mà thôi. Tiến trình chuyển tiếp sẽ đi theo một lộ trình không tiên liệu được; một bước tiến, một bước lùi, bước đi ngang, và sẽ có nhiều tổn thất, ngay cả cho chính họ.

Lúc này đây chắc chắn không một ai trong nội bộ lãnh đạo của Đảng nghĩ rằng quyền lực của họ sẽ tiếp tục, quyền lợi kinh tế của họ sẽ được duy trì cho gia tộc, tính mạng của họ được bảo đảm mà không phải thay đổi (nếu họ nghĩ như thế thì đã không có chuyện sửa hiến pháp, đã không có những hội nghị trung ương liên tiếp bàn về sự suy thoái chính trị). Nhưng cũng sẽ không có ai trong họ dám đi những bước đi quyết định để có những thay đổi nền tảng cho quyền lợi của chính họ, của Đảng, và cho tương lai của quốc gia. Họ hiểu rất rõ rằng một khi tiến trình chuyển tiếp xảy ra, các cơ chế bạo lực được nới rộng, thì họ sẽ không còn khả năng soát tiến trình chuyển tiếp nữa. Với bất công dồn nén mấy thập niên qua ở các tầng lớp nhân dân, và trong sự thiếu vắng lãnh đạo đối lập như những yếu tố giúp thiết lập trật tự với các lực lượng chống toàn trị, bên cạnh đó còn có các nguy cơ của quyền lực cát cứ địa phương, họ sẽ mất sạch và mất cả tính mạng là một khả năng rất lớn. Họ hiểu rất rõ rằng lực lượng an ninh và quân đội hùng hậu đã giúp họ duy trì quyền lực toàn trị sẽ trở nên bất lực khi tiến trình chuyển tiếp bắt đầu.

Tình hình Việt Nam hiện nay có thể so sánh với tình hình Đông Âu những năm ’60: có nhiều nhóm, cá nhân nổi lên đòi quyền nhưng không có một lực lượng, hiểu theo nghĩa một tập hợp người có cùng mục tiêu, ý chí, và lãnh đạo. Vì thiếu lãnh đạo, các nhóm, cá nhân này rất dễ thỏa hiệp với quyền lực, đưa đến một tình trạng bung xung, nạc không ra nạc mỡ không ra mỡ, trong giai đoạn chuyển tiếp, tạo thế đục nước béo cò cho các nhóm cơ hội chính trị trong nội bộ lãnh đạo Đảng và trong hàng ngũ những người đấu tranh. Tình hình này nguy hiểm cho tất cả các lực lượng chính trị, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự tồn tại của một không gian đối lập để nuôi dưỡng những gương mặt lãnh đạo đối lập có lợi cho thế lực cầm quyền. Nó bảo đảm một cuộc chuyển tiếp dân chủ, khi bắt buộc phải xảy ra, trong ôn hòa và trật tự. Nó giúp duy trì tính mạng, tài sản, và cả quyền lực chính trị của thế lực cầm quyền sau cuộc chuyển tiếp. Bóp nghẹt không gian đối lập này, trong ngắn hạn có vẻ như giúp củng cố quyền lực toàn trị, là một hành động tự sát.

Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nên sớm hiểu ra điều này.

http://dailyvnews.blogspot.com.au/2012/06/aung-san-suu-kyi-va-vai-tro-cua-lanh-ao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét