Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHẠY ĐUA VŨ TRANG ĐIÊN CUỒNG Ở CHÂU Á

Tác giả: Conn Hallinan
Người dịch: Dương Lệ Chi


Châu Á hiện đang chạy đua vũ trang chưa từng có, đây không chỉ là cuộc đua căng thẳng dữ dội trong khu vực mà còn là sự cạnh tranh của các nước châu Á với những nỗ lực nhằm giải quyết sự chênh lệch giữa đói nghèo và phát triển kinh tế. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo – được tính bằng hệ số Gini, đo sự bất bình đẳng – đã tăng từ 39% đến 46% ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia. Mặc dù các gia đình giàu vẫn tiếp tục có được nhiều của cải hơn và nhận được phần lớn hơn trong chiếc bánh kinh tế, “Trẻ em sinh ra trong những gia đình nghèo có khả năng tử vong khi còn là trẻ sơ sinh có thể lớn hơn gấp 10 lần” so với những em được sinh ra trong các gia đình giàu có, theo Changyong Rhee, trưởng kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Súng đạn thay cho thực phẩm

Xu hướng bất bình đẳng này đặc biệt sâu sắc ở Ấn Độ, nơi tuổi thọ trung bình thì thấp và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thì cao, nền giáo dục chắp vá, mù chữ phổ biến rộng rãi, cho dù tình trạng của đất nước là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo một tổ chức từ thiện độc lập, Quỹ Naandi, khoảng 42% trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng. Bangladesh, một đất nước nghèo khó hơn, nhưng ở tất cả các lĩnh vực này thì tốt hơn nhiều.

Năm ngoái, Ấn Độ là nước mua vũ khí hàng đầu trên thế giới, đã mua máy bay chiến đấu hiệu suất cao của Pháp, với số hàng trị giá 20 tỷ đô la. Ấn Độ cũng đang chế tạo loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như mua tàu ngầm và tàu chạy trên mặt nước. Ngân sách quân sự của Ấn gia tăng 17 % trong năm nay, lên tới 42 tỷ đô la.

“Thật là nực cười. Chúng ta đang chạy đua vũ trang vô nghĩa, bằng chi phí của những người nghèo”, ông Praful Bidwai, thuộc Liên minh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân và Hòa Bình đã nói với báo The New York Times.

Trung Quốc cũng đang gia tăng việc mua vũ khí, gồm tăng cường hải quân, chế tạo một máy bay tàng hình thế hệ mới, và chế tạo một tên lửa đạn đạo có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ đến gần bờ biển của họ. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh gia tăng với tốc độ khoảng 12% một năm, khoảng 106,41 tỷ đô la, lớn thứ hai trên hành tinh. Tổng ngân sách dành cho an ninh quốc gia của Mỹ – không tính các cuộc chiến tranh khác mà Washington đang tham gia, hơn 800 tỷ đô la, mặc dù một số người ước tính ngân sách này nhiều hơn 1.000 tỷ đô la.

Mặc dù Trung Quốc có những bước tiến lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng 250 triệu người Trung Quốc chính thức được coi là nghèo, và nền kinh tế nóng hổi của đất nước trước đây thì đang nguội. “Các số liệu chi tiêu và sản lượng trong tháng 4 chưa thấy hy vọng rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang chạm đáy”, Mark Williams, trưởng kinh tế gia châu Á tại Capital Economics, nói với báo Financial Times.

Điều này cũng đúng đối với hầu hết các nước ở châu Á. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Ấn Độ đã giảm từ 9% xuống còn 6,1% trong hai năm rưỡi qua.

Căng thẳng trong khu vực


Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Đài Loan đang mua bốn tàu khu trục có tên lửa dẫn đường loại Perry, do Mỹ sản xuất, và Nhật Bản đã chuyển phần lớn lực lượng quân sự của họ từ các hòn đảo phía bắc sang phía nam, đối diện với Trung Quốc.

Philippines đang bỏ ra gần 1 tỉ đô la để mua máy bay và radar mới, và gần đây tiến hành tập trận chung với Hoa Kỳ. Nam Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm xa. Washington đang phục hồi quan hệ quân sự với Indonesia do đảo quốc này kiểm soát các đường biển chiến lược mà hầu hết việc vận chuyển thương mại và cung cấp năng lượng trong khu vực đi ngang qua đó.

Úc cũng đang tái định hướng quốc phòng về phía đối mặt với Trung Quốc và ông Stephen Smith, Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã kêu gọi Ấn Độ “giữ vai trò mà họ có thể và vai trò mà họ nên giữ, như một cường quốc đang trỗi dậy đối với an ninh và ổn định trong khu vực”.

Nhưng “vai trò” đó không có gì là rõ ràng, và một số người đã xem tuyên bố của ông Smith là một nỗ lực để kéo New Delhi vào một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh. Thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân Agni V gần đây của Ấn Độ phần lớn được xem như nhắm vào Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng kinh hoàng hồi năm 1962, và Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 15.000 dặm vuông lãnh thổ của Ấn Độ. Ngược lại, Trung Quốc, tuyên bố gần như toàn bộ 40.000 dặm vuông của bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ là của họ. Mặc dù ông Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn Độ, nói rằng “nói chung, quan hệ của chúng tôi [với Trung Quốc] là khá tốt”, nhưng ông cũng thừa nhận “vấn đề biên giới là một vấn đề lâu dài”.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cãi nhau ngắn ngủi hồi năm ngoái khi một tàu chiến Trung Quốc yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ Airavat nhận diện chính họ, ngay sau khi con tàu này rời khỏi cảng ở Hà Nội, Việt Nam. Không có gì xảy ra trong vụ việc này, nhưng kể từ đó, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã nhấn mạnh sự cần thiết về “an ninh hàng hải” và “bảo vệ bờ biển của chúng tôi, các ‘tuyến đường giao thông trên biển’, và các khu vực phát triển ngoài khơi”.

Lập trường mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã gây căng thẳng với Việt Nam, Đài Loan, Brunei, và Malaysia. Một sự đối đầu giữa một tàu chiến của Philippines và nhiều tàu giám sát của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi tháng trước vẫn còn đang được kềm chế ở mức độ thấp.

Thái độ của Trung Quốc quyết đoán hơn trong khu vực phần lớn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi hai tàu sân bay Hoa Kỳ làm bẽ mặt Bắc Kinh trong vùng biển của họ. Rủi ro để có thể xảy ra chiến tranh trong cuộc khủng hoảng này thì không lớn – Trung Quốc không có khả năng xâm lược Đài Loan – nhưng chính phủ Clinton đã có cơ hội để chứng minh sức mạnh hải quân của Mỹ. Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân kể từ sự kiện đó.

Sự “chuyển hướng” của chính phủ Obama về phía châu Á, gồm việc gia tăng quân sự ở đảo Wake và đảo Guam, triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Úc, đã gia tăng căng thẳng trong khu vực, và việc xử lý vấn đề biển Đông một cách cứng rắn của Bắc Kinh, đã mở ra cho Washington cánh cửa để bước vào tranh chấp.


Trung Quốc có cảm thấy khó chịu về vùng biển nhà của họ – người ta có thể hiểu điều đó, đưa ra lịch sử 100 năm qua – nhưng không có bằng chứng là họ bành trướng. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói hồi tháng 2, “Không có nước nào, kể cả Trung Quốc, đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Hoa Nam”. Bắc Kinh dường như chưa sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự. Bắc Kinh đã học được vài bài học từ cuộc xâm lược Việt Nam thảm khốc năm 1979.

Mặt khác, Bắc Kinh rất lo ngại về những nước kiểm soát vùng biển trong khu vực, một phần là vì khoảng 80% nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi qua điểm mấu chốt trên biển, do Hoa Kỳ và các đồng minh của họ kiểm soát.

Cảnh báo của Eisenhower

Sự căng thẳng ở châu Á là có thật, nếu không phải nói là gay gắt và sâu xa như các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả. Trung Quốc và Ấn Độ thật sự có “vấn đề” về biên giới nhưng Trung Quốc cũng coi chính họ và New Delhi “không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác”, và thậm chí đã đề nghị làm liên minh để giữ không cho “các cường quốc bên ngoài” – được hiểu là: Hoa Kỳ và NATO – can thiệp vào khu vực.

Câu hỏi thực sự là, liệu châu Á có thể lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà không làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng và với kết quả là sự bất ổn chính trị có khả năng theo sau? “Sự bất bình đẳng ngày càng lớn sẽ đe dọa sự tăng trưởng bền vững ở châu Á. Một quốc gia bị chia rẽ và bất bình đẳng không thể là một nước thịnh vượng”, ông Rhee, kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói.

Hơn nửa thế kỷ trước, Tổng thống và là Tổng Tư lệnh tối cao Dwight Eisenhower đã lưu ý rằng: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hạ thủy, mỗi tên lửa được phóng ra, đều có nghĩa là… một hành vi trộm cắp từ những người đói khổ mà không có ăn, từ những người bị lạnh mà không mặc… cuộc sống hoàn toàn không phải là như thế… đó chính là đem nhân loại lên treo trên cây thánh giá”.

Người Mỹ đã bỏ qua lời cảnh báo của tổng thống Eisenhower. Các nước châu Á sẽ làm tốt nếu chú ý.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/31/chay-dua-vu-trang-dien-cuong-o-chau-a/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét