Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐIỆP KHÚC ĐIỀU TRA VÀ ĐỀU IM

Lê Phục Văn - Trí Nhân Media
Vào cuối tháng 5 vừa qua, chính phủ Đan Mạch đã quyết định ngưng cấp ngân khoản viện trợ cho những dự án nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại VN, mà lý do chính yếu cũng là vì tệ nạn tham nhũng và đục khoét công quỹ. Điều đáng chú ý là những số tiền thất thoát là do kết quả kiểm toán VN đưa ra, tức một cơ quan trực thuộc nhà nước VN chứ không phải ở phía Đan Mạch, một quốc gia đã viện trợ nhân đạo một cách rất hào phóng cho VN suốt nhiều thập niên qua.

Điều đáng chú ý hơn nữa là số tiền thất thoát không cao lắm vì ngân khoản viện trợ chỉ vài triệu Mỹ kim. Tuy nhiên cũng tương tự như bất cứ dự án nào tại VN hiện nay, nếu nhỏ thì giới quan chức ăn nhỏ, lớn thì chấm mút lớn, bất kể đó là tiền viện trợ cho không hay phải đí vay mượn. Tệ hơn nữa là bất kể chúng thuộc vào dạng nào, từ dự án "xóa đói giảm nghèo" cho đến y tế và giáo dục.

Và dĩ nhiên, trước sự ô nhục này, cả đảng phải cố gỡ gạc uy tín với những lời cãi chày cãi cối rất kỳ dị của giới quan chức VN. Chẳng hạn như ông phó giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm, thuộc viện Hải dương học – Nha Trang và là một trong  những điều hợp viên dự án này. Cũng xin nói thêm là một trong những lem nhem của dự án này là khoản học bổng du học được chi cho cô con gái của ông Lâm. Thế nhưng ông Lâm lại than thở rằng, đây có lẽ là chuyện hiểu lầm vì giới kiểm toán quốc tế chưa hiểu quy trình và thực tế dự án tại VN.

Không biết ông Lâm có được đào tạo ở một đại học ngoại quốc nào hay không, và nếu có thì hy vọng là không phải ở Liên Xô hay một nước cộng sản nào trước đây. Lý do là nếu theo học, tức từng sống ở các nước Tây phương,  ông Lâm phải biết rằng giới quan chức ở các nước đó không ngu xuẩn đến độ chi tiền viện trợ một cách bừa bãi cho các dự án mà không biết tính toán hay mù mờ về thực trạng điều hành ở các nước đó.

Trừ phi là giới quan chức VN, kể cả ông phó giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm, quá khinh thường trí thông minh của chính phủ Đan Mạch, nếu không thì họ phải biết rằng các chính phủ Tây phương đều thừa hiểu rõ về tệ nạn tham nhũng tại VN, và đều đã tính đến tỷ lệ thất thoát đó trong các dự án và sẽ đề ra một số biện pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ đó đến mức tối đa. Đó là lý do tại sao mà chính phủ Nhật biết được vụ tham nhũng của ông Huỳnh Ngọc Sĩ ở dự án hầm Thủ Thiêm.

Điều buồn cười là trước thái độ quyết liệt của Đan Mạch, bạo quyền Hà Nội lại áp dụng chiến thuật cũ rích là hứa hẹn sẽ mở cuộc điều tra, thậm chí vẫn hùng hồn tuyên bố "đây chỉ là thông tin một chiều" từ phía Đan Mạch. Điệp khúc này nghe quá quen vì nó từng được áp dụng trong vụ án tham nhũng của ông Huỳnh Ngọc Sỹ và vụ hối lộ cho thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy của một công ty Úc để trúng thầu in tiền nhựa cho VN.

Mà chuyện điều tra của cơ quan công an VN thì là truyện dài nhiều tập, với tốc độ nhanh hay chậm, và có kết luận ra sao thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nếu chính phủ Nhật không đe dọa hủy bỏ mọi tài trợ thì ông Sỹ đã không bị bắt "khẩn cấp" và bị truy tố mau chóng. Và trong khi các chính phủ Úc, Anh và Nam Dương đã truy tố hàng loạt quan chức suốt hai năm qua thì chẳng ai nghe thấy cơ quan điều tra VN đưa ra kết luận nào về chuyện ông Thúy nhận hối lộ lên đến 20 triệu Úc kim, kể cả chuyện con ông Thúy được trả tiền để du học ở Anh.

Chính vì thế, ông Lâm và các cộng sự viên trong dự án Đan Mạch có quyền yên tâm "hạ cánh an toàn" nếu được một cái ô dù rất lớn ở bên trên, hay biết chi cho cơ quan công an điều tra để nhận chìm hồ sơ. Về phía "nhà nước ta" thì vài triệu Mỹ kim viện trợ mỗi năm của Đan Mạch đâu có gì là đáng kể, so với số tiền ngửa tay đi xin từ nhiều nước khác. Hơn thế nữa, đảng ta đã hứa là sẽ mở cuộc "điều tra" chứ đâu phải "đều im" để làm mất uy tín quốc gia. Nhưng điều tra ra sao thì đến năm 2020, và không chừng là năm 2050, sẽ có kết luận... cụ thể!


Không tin thì cứ xem cách thức làm việc và những kết luận về các vụ PMU, Vinashin, Vinalines, EVN hay PVN thì sẽ thấy khả năng tài ba của giới công an điều tra VN ra sao. Kết luận sau phủ nhận kết luận trước, mức độ vi phạm càng ngày càng nhỏ lại, tức tỷ lệ nghịch với thời gian điều tra. Và thậm chí người chỉ huy cuộc điều tra sau đó lại bị bỏ tù, trong khi nghi can thì được giảm án sau mỗi lần xuất hiện trước tòa với phán quyết rất kỳ quặc của tòa án là "chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm".

Chính vì thế, chính phủ Đan Mạch hãy cứ xem đây là một bài học cay đắng trong chương trình viện trợ nhân đạo cho các nước nghèo. Dân tộc Việt sẽ không bao giờ quên tấm lòng hảo tâm của quý vị. Thế nhưng dân tộc Việt cũng không bao giờ quên những nỗi ô nhục mà tập đoàn lãnh đạo VN đã mang lại cho đất nước vì những trò ăn bẩn và vô liêm sỉ của họ.

Ô nhục hơn nữa là những kẻ đó lại khoác học hàm tiến sĩ và giáo sư. Không lẽ cái giá của trí thức Việt Nam lại rẻ mạt đến độ như thế hay sao?

Lê Phục Văn - Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét