Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÀI NHẬN XÉT VỀ ÔNG BÙI TÍN QUA BUỔI NÓI CHUYỆN TẠI SAN JOSE NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2012

Dân Đen Khốn Khổ - Trí Nhân Media

Những người dân đen chỉ chống lại cái Ác bằng những gì họ có.  Họ có thể lột hết quần áo ra (mà quý vị cho là mất thuần phong mỹ tục) để hy vọng giữ lại mảnh đất nhỏ nhoi nguồn sống của họ như ở Cái Răng, Cần Thơ.  Họ “chấp nhận gia đình họ mất mà xã hội được” như ở Tiên Lãng, Hải Phòng.  Họ không lớn tiếng đại diện ai cả, họ chỉ là dân đen.

Tôi là người tham dự buổi nói chuyện của ông Bùi Tín ngày 23 tháng 6 năm 2012 tại thư viện Martin Luther King, Jr, San Jose. Tôi vào phòng hội trước khi chính thức khai mạc và ra về sau khi ban tổ chức tuyên bố bế mạc.  Xem các video tường thuật về buồi nói chuyện của ông Bùi Tín này 23/6 trên Trí Nhân Media tôi xin chia xẻ vài cảm nghĩ và nhận xét trong ngày hôm đó.  Các video trình chiếu vẫn còn thiếu sót một số đoạn mà tôi cảm thấy khá quan trọng trong việc đánh giá ông Bùi Tín. Nếu Trí Nhân Media có thể kiếm được đầy đủ thì sẽ hay hơn.

Về bài nói chuyện của ông Bùi Tín thì quá tầm thường. Với cách nói chuyện cố hữu, ông Bùi Tín lúc nào cũng chỉ nói chung chung những điều quá thông thường,  không có một ý kiến riêng hay nhận định gì mới, đặc sắc, và cách xếp đặt cũng không lôi cuốn người nghe.  Tóm lại nó giống như đọc trả bài nhàm chán. Tuy nhiên ta có thể thấy sự lão luyện của nhà ngoại giao, nhà chính trị trong cách ông ta dùng chữ khi trình bày và trả lời câu hỏi.  Ông ta vẫn còn mạnh khỏe tráng kiện so với số tuổi 87 của ông vì ông vẫn đứng khi trình bày và khi trả lời câu hỏi dầu buổi nói chuyện không ngắn.

Theo tôi nhận xét ông Bùi Tín chỉ bất đồng với nhà cầm quyền cộng sản hiện nay chứ không hoàn toàn dứt khoát với “lý tưởng cộng sản” mà ông từng theo đuổi.  Ông vẫn biện minh cho quá khứ và không thành thật với chính bản thân. Tôi vẫn chào đón ông ta vào hàng ngủ những người không chấp nhận cộng sản nhưng vẫn phân tích rõ ràng về tư tưởng của ông để có cái nhìn rõ ràng về người cựu đại tá QDNDVN, cựu phó tổng biên tập tờ báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận tuyên truyền chính thức của CSVN.

Ông Bùi Tín cho rằng tình trạng VN ngày hôm nay khả quan và tiến bộ hơn xưa rất nhiều về mặt kinh tế, xã hội (có trong video phần 2).  Nếu đó chỉ là nhận định từ một người dân thường không có kiến thức, không có kinh nghiệm chính trị, hay có cái nhìn rộng lớn trên bình diện quốc gia thì nó không đáng để nói. Tuy nhiên, với ông Bùi Tín người đã có quá nhiều cơ hội để tiếp cận tin tức, sự thật, và khả năng để nhận thức, phân tích thì đó là sự dối trá và không lương thiện với chính bản thân ông ta.  Khi bị đặt câu hỏi về việc này thì ông ta ngụy biện rằng (không có trong video) trước kia VN thiếu gạo ăn nay là nước xuất cảng gạo, bây giờ người dân Việt có quyền đi du lịch, xuất ngoại tự do, xe cộ, nhà lầu khắp mọi nơi.  Có phải ông Bùi Tín thật sự nông cạn như thế chăng hay vì lý do gì ông không dám đối diện sự thật?  Nếu ông ta so sánh sự “tiến bộ” của ngày hôm nay so với những năm ngay trước cái gọi là “Đổi Mới” thì xin hỏi ông trong thời gian từ 30/4/1975 cho đến khi gọi là “Đổi Mới” đó thì nhà cầm quyền nào đã cai trị VN và lúc đó bản thân ông ta đang phục vụ cho ai?  Tại sao ông Bùi Tín không so sánh với miền Nam vào thời điểm 1973-1974 trong khi cộng sản vẫn còn đang tấn công miền Nam cho cái lý tưởng “giải phóng dân tộc” ông theo đuổi lúc ấy.  Đó là tôi chưa nói tới sự so sánh giữa các quốc gia lân cận cùng thời điểm như Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, ...  Còn rất nhiều vấn đề tôi không nói đến khi bàn về tình trạng VN ngày hôm nay như giáo dục, xã hội, đạo đức, luật pháp, lao động, nguồn gốc của tổng sản lượng quốc gia, sự phân phối lợi tức trong xã hội, ... mà bất cứ người nào có kiến thức và nặng lòng với quốc gia dân tộc đều phải nghĩ tới khi xem xét tình trạng VN ngày hôm nay.

Ông Bùi Tín vẫn nghĩ rằng đảng CSVN thật sự tốt đẹp với lý tưởng cộng sản đúng đắn trong cuộc chiến Nam Bắc đã qua.  Ông ta đã bất mãn không vì chính sách giải phóng miền Nam mà là chính sách chiếm đóng sau 1975.  Một cách khéo léo ông bào chữa cho sự thảm sát trên sáu ngàn đồng bào trong Tết Mậu Thân tại Huế.  Ông cho là tại lệnh trên và cấp dưới phải thi hành và có câu đá giò lái kín đáo “vì bom đạn Mỹ và VNCH” (có trong video).  Nếu phải thi hành lệnh không để “tù binh” trốn thoát để tránh lộ hình tích thì tại sao lại dẫn theo khi quân cộng sản rút lui khỏi Huế.  Nếu không muốn lộ thì tại sao lại dẫn theo tù binh mà không để lại tại Huế.  (Theo quy ước chiến tranh thì những người bị cộng sản bắt giết không là tù binh khi không trực diện cầm súng.  Đa số bị lùa bắt từ trong nhà riêng, trên đường phố lúc tản cư chớ không phải tại căn cứ quân sự.  Thực chất đó chỉ là con tin của quân khủng bố cộng sản.). Chẳng lẽ quân đội nhân dân anh hùng của ông Bùi Tín lại sợ đám dân không tấc sắt bị cột chùm như xâu ếch rượt theo nên phải thảm sát tất cả khi vẫn còn bị trói thành xâu không thể chạy được?

Trong phần trả lời ông Bùi Tín có cho biết ông không thể là đồ tể khi ông không còn trực tiếp cầm súng nữa.  Chắc chắn ông cũng biết câu ông bà xưa đã nói “đứa cầm dao cắt cổ không có tội bằng đứa đứng sau chỉ mạch”.  Chế Lan Viên vào lúc cuối đời cũng đã nhận trách nhiệm trong việc làm của mình, dù muộn vẫn còn hơn không.  Còn ông đã sống hơn hai mươi năm ở xứ tự do mà vẫn chưa dám nhận chuyện mình đã làm sao?  Hay ông cũng đã viết sẵn để chờ sau khi ông chết rồi mới công bố?  Như cách ông chạy tội thì thằng dưới đổ lỗi cho thằng trên là phải làm theo lệnh trên còn thằng trên thì bảo tại thằng dưới làm vì nó đâu có trực tiếp đâm chém ai đâu.  Thế thì chỉ tại nạn nhân “xui xẻo” mà thôi.  Lý tưởng và con đường cộng sản vẫn đúng không có gì sai cả.  Tôi liên tưởng tới Hồ Chí Minh và Cải Cách Ruộng Đất, mấy trăm ngàn mạng người, bao nhiêu mảnh đời tan nát, xã hội đảo loạn mà chỉ vài giọt nước mắt cá sấu là mọi chuyện đi vào quên lãng và chẳng ai có tội cả.  Chắc ông cũng thừa biết là một tên coi tù Quốc Xã đến già vẫn bị đem ra xét xử tội trạng chứ không thể bào chữa bằng cách đổ thừa theo lệnh trên đừng nói tới cấp lãnh đạo như ông đã từng làm qua.  Nói ra điều này chỉ mong ông nên tập nhận trách nhiệm cá nhân của việc chính mình đã làm mà thôi.  Như vậy thì mới có hy vọng đóng góp một chút gì tích cực xây dựng cho quê hương.  Bằng không thì sẽ luẩn quẩn mãi trong cái vòng “sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu, sửa đâu sai đó”.


Còn nhiều điều tôi thấy được trong ông Bùi Tín qua buổi nói chuyện hôm ấy nhưng không có thời gian viết ra và phân tích từng điểm một.  Tôi chỉ xin nói với ông Bùi Tín một điều là nếu đã thành tâm rời bỏ chủ nghĩa cộng sản thì điều đầu tiên phải làm là nên thành thật với chính mình và chấp nhận lỗi lầm của chính mình trong quá khứ thì mới có thể loại bỏ bóng ma cộng sản trong mình.  Nếu tiếp tục tìm cách biện minh cho mình thì mãi mãi ông vẫn là tên nô lệ cho chủ thuyết tà quái đó trong thâm tâm của chính ông.  Tôi chỉ bắt chước lời khuyên đó dành cho những người cai rượu (Al-Anon) để nói với ông.

Sẵn đây tôi xin mạn phép nói thêm vài điều có liên quan đến buổi nói chuyện của ông Bùi Tín ngày hôm đó.  Một người trong ban tổ chức mà nếu tôi không lầm là ông Trần Mạnh Quỳnh đã có vài lời trước buổi họp chính thức khai mạc đại ý chỉ trích các người biểu tình phía dưới là thô lổ, kém văn hóa, không có được khả năng để tranh luận. Tôi cũng biết không ít người có cùng ý kiến như ông Trần Mạnh Quỳnh. 

Tôi xin được phép thưa cùng quý vị tự nhận là “trí thức”, “khoa bảng”: 
Thưa quý vị, tôi biết nhiều người trong số quý vị chê bai các người biểu tình phản đối là không có trình độ học vấn, bằng cấp, địa vị xã hội như quý vị. Những người đó là đám dân đen khốn khổ không có khả năng ăn nói lưu loát hay diễn đạt bóng bẩy như quý vị. Họ không biết phân tích chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, không phân biệt thế nào là chủ nghĩa cộng sản, thế nào là chủ nghĩa xã hội.  Họ cũng chưa từng đọc qua Tư Bản Luận, chưa từng biết thế nào là Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ Quốc Tế, và nhiều điều nữa. 

Họ là những người mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tả qua từ thời Pháp xâm chiếm Việt Nam.  Họ là dân đen

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó...
chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;

nên chắc chắn là trình độ học vấn họ không có nhiều như quý vị.  Tuy nhiên về lòng yêu nước và ý thức xã hội cùng sự hy sinh dấn thân của họ thì:

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.

với tất cả những gì họ có

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.

và gan dạ liều mình xả thân

Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Để được gì cho riêng họ

Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một giấc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.

Khi quốc gia lâm nguy, tự vấn tâm mình quý vị có dám xả thân mình như thế không?  Hay là lúc đó tìm nơi an bình trốn tránh rồi quay ra sỉ nhục những người dân đen khốn khổ đó như đám trí thức theo cộng sản tàn hại nước nhà qua bao nhiêu năm qua đã làm.  Đúng, những người ấy thô lỗ chỉ biết nói thẳng những gì họ nghĩ, họ nhận thấy mà không biết trau chuốt ngôn từ bóng bảy để biện hộ, xu nịnh cho cái Ác để lấy chút danh lợi cho cá nhân mình.  Những người dân đen chỉ chống lại cái Ác bằng những gì họ có.  Họ có thể lột hết quần áo ra (mà quý vị cho là mất thuần phong mỹ tục) để hy vọng giữ lại mảnh đất nhỏ nhoi nguồn sống của họ như ở Cái Răng, Cần Thơ.  Họ “chấp nhận gia đình họ mất mà xã hội được” như ở Tiên Lãng, Hải Phòng.  Họ không lớn tiếng đại diện ai cả, họ chỉ là dân đen.  Từ xưa tới nay, bao nhiêu người dân đen như họ được biết tên tuổi hay là chỉ là tiếng chung chung dân đen.

Quý vị hãy tự xét mình xem mình đã làm được gì hơn những người ấy?  Quý vị hãy tự xét mình xem mình đã làm gì giúp nâng cao trình độ của những người ấy?  Hay quý vị chỉ ngạo mạn chỉ trích, chê bai và tránh xa họ?  Quý vị nghĩ thời gian quý vị quý báu nên khi tới tham gia buổi nói chuyện là điều hy sinh lớn lao?  Quý vị có bao giờ nghĩ rằng thời gian của những người dân đen đó còn quý hơn của quý vị không?  Vì sao họ không  được may mắn để có cơ hội, điều kiện kiếm được nhiều tiền như quý vị mà họ vẫn cố chừa thời gian trong cái quỷ thời gian ít ỏi họ có để tới biểu tình chống đối?  Vì họ đau lòng trước hiện trạng đất nước, vì họ không nở ngồi yên hưởng thụ khi đồng bào còn đang đói khổ bên nhà, vì họ không thể an hưởng tự do khi bà con vẫn còn rên xiết trong gông cùm nô lệ.  Và vì họ chỉ là dân đen thô lổ, kém học vấn nên bày tỏ tình cảm thẳng thắn bằng hành động cụ thể.

Tôi thà mang tiếng thô lổ, kém học vấn để đứng cùng chung với các người dân đen ấy còn hơn đứng chung với quý vị.

DÂN ĐEN KHỐN KHỔ 


1 nhận xét:

  1. Van con hon nhung nguoi cs chua tinh ngo, va van co loi cho chinh nghia tu do dan chu.

    Trả lờiXóa