Q.T- Trí
Nhân Media
Cái thời người ta
hay dùng hai từ “nhà quê” để miệt thị người khác đã qua rồi. Người ta đã nhận
ra nông dân, nông thôn, cái “nhà quê” ấy chính là gốc rễ thiêng liêng của hầu
hết mỗi chúng ta. Chỉ có những kẻ mất gốc mới miệt thị “nhà quê” và họ bị lên
án là đáng đời.
Nhưng sự đời không
đơn giản như vậy. Nếu nghiên cứu lí lịch ở cơ quan tổ chức, 90 phần trăm cán
bộ, nhân viên công quyền đều có nguồn gốc (bố mẹ hay ông bà) là nông dân. Vậy
mà không hiểu vì sao nông thôn và nông dân vẫn tiếp tục bị coi thường. Nghĩ cho
cùng, ý thức thiếu tôn trọng nông thôn và nông dân chưa chết hẳn mà còn dai
dẳng và biến tướng.
Người ta lấy đất
làm dự án, các cơ quan công quyền và nhà đầu tư hứa hẹn ngon ngọt đủ điều, nào
tiền đền bù, đất tái đinh cư, dạy nghề mới để kiếm sống, thề thốt đủ điều.
Nhưng “cá trê chui ống, lời thề Sở Khanh”, xong việc là quên luôn lời hứa. Với
số tiền đền bù năm bảy chục triệu, thậm chí có khi đến vài trăm triệu đồng có
trong tay, người nông dân vẫn không thể sống được như khi còn đất canh tác, vẫn
nuối tiếc “ngày xưa.
Người nông dân ra
tỉnh có việc, chữa bệnh, thăm bà con hay mua sắm, họ phải ngồi trên những chiếc
xe tồi tàn nhất ( cùng giá tiền nhưng các ông chủ bao giờ cũng dành cho nông
dân những chiếc xe cà khổ vì loại hành khách này dễ tính, không còn gì khác để
lựa chọn), những thái độ lạnh lùng vô cảm của các vị “thường trực” (gác cổng),
những phòng đợi nóng bức nơi công sở, những hành lang chật chội của bệnh viện,
những nhà ga hôi hám. Và đâu đâu cũng củi quê gạo châu!
Hãy dạo qua các
phiên chợ quê thì biết ngay các nhà buôn, nhà kinh doanh và dân thành phố đối
với nông dân như thế nào? Vẫn giá ấy, thậm chí còn đắt hơn, người ta đưa về đây
những ống thuốc đánh răng, những bình dầu gội đầu khả nghi nhất, những hộp bánh
kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ hay quá hạn sử dụng, những bộ quần áo lỗi thời
hay chất vải quá tồi tệ nên không thể bán được ở thành phố. Họ cũng mời chào
những người nông dân ít tiền và dễ tính những chiếc xe “Tàu” hào nhoáng như đồ
hàng lô, hàng mã, với những lời hứa hẹn bảo hành sẽ được quên ngay sau khi nói
ra.
Bọn lừa đảo, mẹ mìn
“xuất khẩu lao động”, “lấy chồng Hàn Quốc”, buôn người sang Tàu v.v. bất lương
cũng lấy nông thôn làm địa bàn hoạt động, từng đẩy không ít gia đình nghèo khó
vào cảnh nợ nần thảm thê.
Đâu đâu, kể cả
trong lễ hội, nông dân cũng bị coi là “gà”, dễ bị chặt chém và lừa mị.
Tới đây, nếu có một
gói kích cầu cho nông dân như đang được bàn định, xin hãy dùng tiền thuế để hỗ
trợ nông thôn với tất cả sự tôn trọng đáng có, cần phải có chứ không được tắc
trách, coi thường và vô cảm. Còn nông dân, hãy thôi đừng nhẹ dạ, tự cứu lấy
mình trước khi Trời cứu.
Q.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét