Người dịch: Trần Văn Minh
Hình bên: Dự án do Liên Xô xây dựng 205 ER tàu tên lửa Việt Nam HQ-359. Ảnh do nick Truongsa7 chụp từ Wikimedia.
Tháng 6 năm 2012, Việt
Nam yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương để giúp Việt
Nam cải tiến quân sự. Trong một cuộc phỏng vấn qua email, Carlyle A. Thayer,
giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận
xét về sự hiện đại hóa quân đội của Việt Nam.
World Politics Review (WPR): Khả
năng, phạm vi hoạt động và quy mô của quân đội Việt Nam thế nào? Và đâu là những
khoảng cách quan trọng mà Việt Nam đang cố gắng để xóa?
Carlyle A. Thayer: Quân đội
Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) có tổng cộng 482.000 quân chính quy, bao gồm lục
quân (412.000), hải quân (40.000) và không quân (30.000). Lực lượng quân đội
cũng bao gồm 40.000 dân quân biên phòng hùng hậu và một đội quân dự bị, ước
tính khoảng 5 triệu.
QĐNDVN vẫn còn là một lực lượng lục
quân được xếp vào loại giỏi trong 4 thứ hạng (dở, trung bình, giỏi, xuất sắc) về
khả năng bảo vệ lãnh thổ, được xếp loại trung bình về khả năng đánh chiếm và
trung bình về khả năng thực hiện vai trò cảnh sát. Các nỗ lực hiện đại hóa
QĐNDVN khó có khả năng thay đổi sự đánh giá này cho tới năm 2015. QĐNDVN hiện
được xếp loại dở trong phạm vi tấn công chiến lược, nhưng các nỗ lực canh tân
đang xảy ra có thể nâng khả năng này lên hạng trung bình vào năm 2015.
Việt Nam hiện đang tìm cách hiện
đại hóa lực lượng hải quân, không quân và phát triển khả năng thực hiện các hoạt
động hỗ tương trên biển.
WPR: Những nước nào là đối tác quốc
phòng và cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam?
Thayer: Nga là nước cung cấp
vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua hai dàn
tên lửa phòng không thuộc hệ thống S-300PMU-1, hai dàn tên lửa phòng thủ duyên
hải Bastion, 20 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2, 6 tàu tuần duyên loại Svetlyak,
2 tàu khu trục trang bị tên lửa điều khiển từ xa, loại Gepard và nhiều loại tên
lửa chống hạm khác nhau của Nga. Bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp nhận 6
tàu ngầm loại Kilo.
Ukraine, Ấn Độ, Do Thái và Cộng
hòa Séc là các nước chủ yếu cung cấp vũ khí kế tiếp. Trong một diễn biến mới
đây, Việt Nam mua 4 tàu hộ tống loại Sigma của Hòa Lan.
WPR: Khả năng Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm
bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thế nào? Và tác động cấp thời sẽ là gì?
Thayer: Năm 2007, chính quyền
George Bush chỉnh sửa Luật Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) để cho phép bán vũ
khí không sát thương cho Việt Nam theo từng trường hợp cụ thể. Hạn chế vẫn còn
áp dụng cho vũ khí và quân cụ dùng cho lục quân trong việc kiểm soát đám đông.
Tất cả vũ khí sát thương và nhiều dịch vụ quân sự vẫn còn bị cấm. Chính quyền
Obama đã xác định rõ với Việt Nam rằng hồ sơ nhân quyền tệ hại của Việt Nam vẫn
là trở ngại chính. Hồi tháng 1, khi Thượng Nghị sĩ John McCain và Joseph
Lieberman viếng thăm Hà Nội, họ được trao cho một “danh sách mong đợi” về thiết
bị quân sự. Hai Thượng Nghị sĩ đã nói rõ tại một buổi họp báo rằng họ sẽ chống
lại việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho tới khi Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân
quyền. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta viếng thăm Hà Nội hồi tháng 6 [năm
nay], Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh yêu cầu Hoa Kỳ gỡ bỏ tất cả các hạn
chế của ITAR. Ông Panetta đã lặp lại thông điệp tương tự [về hồ sơ nhân quyền].
Nếu lệnh cấm được gỡ bỏ, Việt Nam
có khả năng tìm mua hệ thống ra-đa ven biển, tên lửa phòng không và máy bay tuần
tiễu trên biển cùng với cơ phận sửa chữa cho kho vũ khí lấy được từ thời chiến
tranh Việt Nam.
Nguồn: World Politics Review
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/08/vn-muon-mua-vu-khi-sat-thuong-cua-my-de-xoa-khoang-cach-quan-su/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét