Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




KHÔNG CÒN NÓI CHUYỆN NHÀ NGÓI SÂN GẠCH ĐƯỢC NỮA

Đào Tuấn
20-8-2012

Bây giờ lợi ích nhà nước bị 1 số người lợi dụng và trong không ít trường hợp trở thành lợi ích nhóm. Trong khi lợi ích người dân không ai bảo vệ.

Thông báo của công khai Bộ Chính trị xung quanh 16 ngày kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết TƯ 4 đã được đông đảo nhân dân đánh giá cao về sự nghiêm túc, về trách nhiệm. Nguyên Ủy viên TƯ Đảng khóa VII, VIII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Ngô Hai trao đổi với Lao Động về những gì ông băn khoăn, trăn trở xung quanh đợt sinh hoạt chính trị này.

3 thập kỷ và những chiếc ô tô đắt nhất thế giới

PV: Thưa ông Nguyễn Ngô Hai, sự kiện chính trị đặc biệt trong tuần chính là thông báo của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị và cá nhân các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng. Cảm nhận của ông?

Ông Nguyễn Ngô Hai: Kiểm điểm lần này so với những đợt trước đây có nhiều mặt tích cực. Trước hết là việc dám nói, dám đề cập đến trách nhiệm của tập thể Bộ Chính trị trước Đảng, trước nhân dân, nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Sau thông báo công khai của Bộ Chính trị và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, dư luận đánh giá rất cao và kỳ vọng là TƯ làm thật, làm nghiêm túc, làm khoa học. Những gì mà TƯ thông báo cho toàn dân cùng biết cho thấy việc chấn chỉnh Đảng lần này TƯ làm rất quyết liệt. Dù chưa có kết quả cụ thể, tuy nhiên, việc quyết liệt nhìn thẳng vào sự thật chính là việc  nâng cao trách nhiệm với đất nước. Với tư cách là một công dân, tôi tin nếu chúng ta dám đấu tranh, tránh bệnh hình thức trong phê bình và tự phê bình thì không có lý do gì mà dân không tin Đảng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần gánh trách nhiệm tập thể Bộ Chính trị với những vấn đề quốc kế dân sinh của đất nước. Lâu nay, chúng ta chỉ nói về thành công trong khi trong thực tế, sự tụt hậu là rất xa so chính với các nước trong khu vực chứ chưa nói tới thế giới. Nông nghiệp thì thiếu chất lượng, thiếu năng suất. Công nghiệp thì biến thành nền công nghiệp gia công. Chẳng hạn như cái ô tô. Sau gần 3 thập kỷ, cũng mới chỉ là ngành lắp ráp, trong khi đó, người dân phải trả tiền cho “những chiếc ô tô đắt nhất thế giới”. Biết bao khu công nghiệp xây ra rồi bỏ đó. Hết sức tràn lan. Đâu cũng cảng nước sâu, cũng sân bay, cũng khu công nghiệp, trong khi đặt gánh nặng nợ nần lên quốc gia. Hay như chuyện một đồng vốn bỏ ra hiệu quả thu có khi chưa được bốn đồng lời. Tôi nhớ từ hồi tham gia TƯ khóa VII, VIII, bấy giờ chúng ta đã đánh giá nông nghiệp là cứu cánh cho suy thoái. Có lần phát biểu, tôi đề nghị làm sao để nông dân “thoát khỏi cái đòn gánh trên vai, con trâu đi trước cái cày đi sau”. Nhưng nhiều năm nay, đầu tư trở lại cho tam nông hoàn toàn không tương xứng. Chúng ta có thể nhìn thấy những điện, đường, trường trạm. Nhưng đó chỉ là những thành tích, những tiến bộ bề nổi. Nông thôn bây giờ rất nhiều vấn đề chứ không đơn thuần một chữ thiếu. Liệu có thể nào đến giờ vẫn say sưa với thành tích “nhà ngói sân gạch được nữa”. Người dân thực ra không quan tâm đến tăng trưởng bao nhiêu, bao nhiêu % đâu, họ chỉ nhìn những điều cụ thể gần gũi, gắn với đời sống của họ.

Theo tôi, kiểm điểm lần này chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc rất nhiều vấn đề liên quan đến những cái chưa được thuộc về các quốc sách quốc gia, về kinh tế, về an ninh, về xây dựng con người. Vấn đề này chính là cái tầm, là việc mà Bộ Chính trị phải đặt ra, phải phân định rõ: Trách nhiệm cấp chiến lược đến đâu, điều hành, thực thi đến đâu. Dứt khoát là phải làm rõ. Bởi chỉ có kiểm điểm làm rõ, có thể chưa giải quyết rốt ráo ngay được thì cũng nhìn ra được căn nguyên để sửa ngay để con cháu sau này không bị tụt hậu.

Nói cho công bằng thì thế hệ chúng tôi cũng có trách nhiệm. Và chính vì thế chúng ta càng cần phải đặt ra một cách cấp bách hơn.

Cuộc sống phải được bàn trên bàn nghị sự

PV: Thông báo của BTC có nhắc đến việc kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến Vinashin, Vinalines, một trong nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân? 

Vinashin, Vinalines chính là những trường hợp cụ thể về những bất cập trong quản lý vốn. Tôi cứ nói đơn giản như nhân dân vẫn nói- là chuyện “tàu sắt tàu gỗ”. Trong khi hàng trăm ngàn con tàu gỗ của ngư dân vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, và giữ biển thì chúng ta chỉ tập chung vào vài con tàu sắt. Chính người dân nói như thế khi đọc trên báo những con số trăm tỷ, ngàn tỷ mà Vinashin, Vinalines đổ xuống sông, xuống biển. Tôi vừa gửi chất vấn về vấn đề tăng giá xăng dầu. Chúng ta đã có một liên doanh dầu khí từ hàng chục năm nay, vì sao không phát triển mà vẫn để phụ thuộc quá lớn vào thị trường. Bản thân vấn đề thị trường cũng có vấn đề. Chúng ta gọi là thị trường mà không thị trường gì cả. Mấy anh bắt tay với nhau vì lợi ích nhóm trong khi đổ hết lên đầu dân. An dân ở chỗ nào? Khuyến khích ở chỗ nào? Trong khi DN chết hàng loạt, người dân không còn tiền để mua hàng hóa thì giá xăng vẫn cứ tăng. Thậm chí không ngoại trừ tăng chỉ vì Chỉ số giá mới hạ thấp một chút.

Cuộc sống phải được bàn trên bàn nghị sự, phải quyết trên cơ sở thực tế chứ không thể nói cứ nói, còn làm thì khác. Tôi cho rằng muốn lấy lại niềm tin nơi nhân dân, có nghĩa là cùng với kiểm điểm phải sửa ngay những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là vấn đề đất đai, giá cả.
Chính sách thiếu thực tế sẽ làm hỏng bộ máy

PV: Thưa ông Ngô Hai, cũng trong tuần rồi, dư luận nổi sóng sau vụ một cán bộ VPQH đánh đến ngất xỉu một nữ lao động vác gậy ở sân golf. Nhưng đây chỉ là những điều nhân dân nhìn thấy, hay nói chính xác hơn là những điều mà cán bộ chúng ta không thể chối bỏ. Vấn đề cường quyền với dân, hay phổ biến hơn là xa dân, khinh dân cần được đặt ra thế nào đối với cán bộ đảng viên giữ vị trí lãnh đạo?

Ông Ngô Hai: Đã là người lãnh đạo, bất kể cấp nào là “người của công chúng”. Tổng thống Mỹ cũng chơi bóng bàn. Tôi làm bí thư tỉnh ủy bao nhiêu năm cũng đá bóng, chơi cầu lông. Nhưng gần đây tôi nhận thấy đang xảy ra một câu chuyện là “Cấp dưới hòa nhập theo cấp trên”. Cấp trên chơi gì, cấp dưới chơi cái đó, để hòa nhập. Cấp trên không mẫu mực thì cấp dưới cũng hư theo. Bỏ qua câu chuyện ngoại giao, trong thực tế, Golf là 1 hình thức chơi xa với cuộc sống của dân. Vấn đề là cán bộ công bộc của dân, cán bộ không thể sống trên mức sống của dân chúng. Cán bộ không thể chơi trên sự nghèo khó của dân chúng. Bởi sự quan cách trong công việc đã là rất đáng chê trách, giờ quan cách trong cả sinh hoạt thì không thể chấp nhận được. Bởi người cộng sản, một đảng viên, nhất là các đồng chí giữ vị trí lãnh đạo không thể chỉ làm cán bộ trong 8 tiếng hành chính được.

Tuy nhiên, việc điểm điểm là xa dân, khinh dân, coi thường dân, dù đây là nội dung quan trọng, quyết định đến uy tín của đảng viên và sự tín nhiệm của người dân, nhưng đúng là kiểm điểm điều này rất khó. Thực tế hầu như không có cán bộ nào tự kiểm rằng mình xa dân, khinh dân, coi thường dân. Trước đây, cán bộ, đảng viên “3 cùng” với dân. Bấy giờ dân cũng hết lòng vì cán bộ. Bây giờ nếu không cẩn thận là chúng ta mất hết sự tín nhiệm của dân, không cẩn thận là chúng ta mất dân.

PV: Phải chăng việc ban hành một chính sách thiếu thực tế cũng là một hình thức xa dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Hai: Điều đó là chính xác. Và phải nói sự xa dân này gây tác hại hơn nhiều so với sự bàng quan đơn thuần với đời sống người dân. Bởi chính sách nào cũng phải xuất phát từ đời sống, tự nguyện vọng, từ quyền lợi của người dân. Chính sách nào cũng phải để cho dân được bàn, được có ý kiến. Tôi thấy ở các địa phương bây giờ đang rộ lên câu chuyện thu hồi đất của dân, trước là ào ào làm khu công nghiệp, và giờ là để làm khu đô thị. Ở nhiều nơi, chính sách này tước đoạt rất nhiều đất của dân và nói thẳng là không phù hợp với dân, làm dân mất tư liệu sản xuất, rơi vào cảnh thất nghiệp. Tôi cho rằng Chính phủ cần phải tinh thông, nếu không sẽ không thể cân bằng quyền lợi giữa một bên là nhân dân, một bên lợi ích nhóm.

Quá trình kiểm điểm tới đây, có lẽ cũng cần phải kiểm điểm việc ban hành và thực thi các chính sách. Và không thể nói tôi không có trách nhiệm gì trước một chính sách quá xa lạ với đời sống. Kiểm điểm việc ban hành các chính sách phải trả lời được câu hỏi: Chính sách đứng trên lợi ích của ai. Và sự bất hợp lý nhìn thấy phải được đặt ra giải pháp để ngăn ngừa.

Gần đây, tôi có trao đổi với một đồng chí lãnh đạo về vấn đề “3 lợi ích hài hòa”.  Bác nói nhà nước chỉ có 1 lợi ích duy nhất là đem lại lợi ích cho nhân dân, làm gì có 3 lợi ích. Bây giờ trong rất nhiều trường hợp, lợi ích nhà nước bị 1 số người lợi dụng và trong không ít trường hợp trở thành lợi ích nhóm. Trong khi lợi ích người dân không ai bảo vệ cả, từ xăng dầu, điện đóm, đất đai, thuế, phí giao thông. Nếu chúng ta không kiểm điểm nghiêm túc để thấy cái được cái mất, đối với lợi ích nhân dân của các chính sách thì không khéo chính các chính sách thiếu thực tế đó sẽ làm hỏng bộ máy.

Không gì qua được mắt nhân dân

PV: Trở lại với vấn đề kiểm điểm. Hồi tháng 6 ở Hải Dương xảy ra câu chuyện “biệt thự” của con trai bí thư tỉnh ủy Hải Dương. Những bức xúc, thắc mắc của dư luận đối với cá nhân lãnh đạo, gia đình, vợ con cũng là một nội dung được TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là sẽ kiểm điểm, làm rõ. Điều này cũng sẽ là một khó khăn, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Hai: Một trưởng phòng của cơ quan cấp Sở mà có nhiều tiền để xây dinh thự. Tôi cũng thấy lạ. Chắc chắn kiểm điểm lần này không thể bỏ qua. Lương bao nhiêu và tiền ở đâu. Điều này dứt khoát phải truy đến cùng chứ không thể xuê xoa. Tôi biết cách thức “gửi gắm” của cán bộ giữ vị trí lãnh đạo để né tránh việc kê khai và công khai tài sản, bởi vì họ không thể lý giải nguồn gốc. Nhưng tôi tin nếu chúng ta thực sự làm và làm đến nơi đến chốn thì mọi việc không phải khó để có thể làm dễ dàng. Nhân dân chính là tai mắt của tổ chức Đảng, có ai qua mắt được người dân đâu.

PV: Một vị nguyên PCT huyện Anh Sơn, Nghệ An vừa bị bắt vì hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm. Thực tế, nhiều đồng chí cán bộ, kể cả cao cấp khi về hưu gây ra rất nhiều điều tiếng về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Liệu có đặt ra và phải đặt ra như thế nào đối với những trường hợp này?

Ông Nguyễn Ngô Hai: Đã là đàng viên thì chắc chắn sẽ phải kiểm điểm bởi nhiều khi uy tín của một đồng chí cựu lãnh đạo còn gây ảnh hưởng nặng nề hơn một đồng chí đương chức. Bởi chưng sự gương mẫu của người cộng sản phải là sự bất kể cương vị. Không thể có chuyện anh về hưu rồi thì muốn làm gì thì làm. Kiểm điểm lần này, theo tôi, cũng cần phải xóa bỏ câu chuyện hạ cánh an toàn. Ngay cả những đồng chí đã nghỉ cũng phải nghiêm túc tự kiểm mình đã làm được gì, chưa làm được gì, có gây hại gì đến uy tín của Đảng, của tổ chức. Trách nhiệm liên quan đến khóa nào, thuộc về ai cũng phải được đánh giá, chứ không thể nghỉ rồi là xong. Bởi thế, chúng ta không thể bưng bít được, có gì qua mắt được dân đâu. Tất nhiên nhân vô thập toàn, nhưng dân ta cũng rất vị tha. Điều người dân mong mỏi nhất hiện nay là được biết những điều mà đôi khi có người trong chúng ta nghĩ họ không quan tâm, thậm chí không cần biết.

Xin trân trọng cảm ơn ông
Đào Tuấn (thực hiện)

http://daotuanddk.wordpress.com/2012/08/20/khong-con-noi-chuyen-nha-ngoi-san-gach-duoc-nua/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét