Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TÍNH TRUNG THỰC LỊCH SỬ VÀ ĐIỂM THI MÔN SỬ

Tương Lai
6-8-2012 - Blog Người Lót Gạch 

Thà làm quỉ nước Nam ...
Trần Bình Trọng
Lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được. Hiểu biết sâu sắc về lịch sử đất nước mình, tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc mình là nền tảng cơ bản để hình thành lòng yêu nước, một phẩm chất đặc biệt và cũng là một động lực lớn lao của con người Việt Nam qua mọi thời đại. Vì thế, “môn lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc” như sự khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam trong thư gửi “Hội thảo bàn về thực trạng dạy và học sử” cách đây năm năm, khi xã hội rung chuông báo động về việc học sinh đang chán học môn sử, điểm thi môn sử quá kém. 
Năm 2006 trong 4622 thí sinh thi vào Đại học Sư phạm Hà nội, 655 thí sinh bị điểm 0 môn sử (chiếm 15%) và chỉ có 6 thí sinh được điểm 8 trở lên, so với năm 2005 là 103/5399, nếu tính gộp cả bốn trường đại học, trong đó ba là Sư phạm, nghĩa là trường đào tạo ra những người thầy dạy lịch sử, thì 58,5%  thí sinh có điểm lịch sử từ 1 trở xuống. Thế rồi, năm 2007, có 150.234 thí sinh bị điểm từ 0 đến 4,5 điểm, chiếm tỷ lệ tới 95,74% tổng số thí sinh khối C, số bị điểm 0 gần 6000!

Và, nhiều năm trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, tình trạng này lập lại một cách thê thảm ! Ấy vận mà, trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố : "Đề thi sẽ phù hợp với trình độ thí sinh. Tất cả thí sinh có học lực trung bình đều có thể làm được một phần đáng kể của đề thi chứ không thể bỏ giấy trắng"! Kết quả là, tại trường Đại học KHXH & NV, tổng số bài thi bị điểm 0 có đến vài chục bài cho tất cả các khối thi đợt II. Tổng số bài bị điểm 0 là 271 bài tại trường ĐH Sư Phạm TPHCM, tại Đại học Sư Phạm Hà Nội là 495 bài, tại Đại học Nông Lâm TPHCM là 784 bài. Ở ĐH Kinh tế Đà Nẵng, trong tổng số 11.209 thí sinh dự thi chỉ có 1 điểm 10 và có đến 260 điểm 0. Đại học Tôn Đức Thắng, số bài điểm 0 là 286 bài, Đại học Maketing có 375 bài điểm 0. Đại học Nội vụ Hà Nội có 147 điểm 0 môn Sử và 30 điểm 0 môn Toán! Trưởng khoa Lịch sử ĐHKHXM&NV TPHCM cho biết : bài thi lịch sử bị điểm 0 không phải do đề khó mà do thí sinh "đi thi cho biết trường thi" chứ không học hành gì cả, bài điểm 0 thường gặp là do để giấy trắng hoặc do thí sinh "dư thời gian" viết lại toàn bộ đề thi chứ không hề có một chữ nói đến kiến thức sử. Ấy vậy mà, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 được xác định là xấp xỉ 98-99% ! [Dẫn lại theo báo "Lao Động" ra ngày 31.7.2012, tr. 2].

Liệu có cần nhắc lại ở đây một khuyến cáo của ông Mittrrand “thái độ của giới trẻ với lịch sử là thước đo sự tín nhiệm chính trị với chế độ”. Vị tổng thống đương nhiệm của nước Pháp vào những năm 80 của thế kỷ XX ấy , khi sang thăm Việt Nam, đã đến xem xét tận nơi chiến trường Điện Biên Phủ trước đây, biểu thị một ứng xử văn hóa sâu sắc thể hiện thái độ sòng phẳng với lịch sử. Ai cũng có thể hiểu được rằng Điện Biên Phủ đã trở thành một sự kiện lịch sử đánh dấu sự thảm bại của một đế chế thực dân, kéo theo sự sụp đổ hệ thống thuộc địa trên thế giới. Sự kiện lịch sử ấy đã để lại một dấu ấn như thế nào trong lịch sử quân đội Pháp nói riêng và nước Pháp nói chung. Liệu có thể hiểu ứng xử văn hóa ấy của vị Tổng thống Pháp cũng là biểu thị của tính trung thực lịch sử không?

Đã có nhiều phân tích sâu sắc về điểm thi, trong đó điểm thi môn lịch sử, ở đây, sự phê phán tập trung vào Bộ GD&ĐT. Chuyện ấy không oan tí nào. Song, nếu chỉ đổ hoàn toàn cho Bộ GD&ĐT thì liệu có thể giải quyết tận gốc những điểm 0 trong kỳ tuyển sinh vào Đại học và Cao Đẳng năm nay không? Và nhất là có thể lý giải một cách tường minh ngọn nguồn của vấn đề học sinh không thích học môn lịch sử và kỳ thi tuyển sinh có nhiều điểm 0 về môn sử ngay tại các trường Đại học KHXH & NV, đặc biệt là tại các trường Đại học Sư Phạm ở Hà Nội và ở TPHCM, những nơi sẽ đào tạo các nhà giáo giảng dạy lịch sử không?

Không phải chỉ là vấn đề học và dạy môn sử, mà còn là sách giáo khoa lịch sử có nhiều vấn đề, điều ấy Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm. Thế còn những công trình nghiên cứu lịch sử chất lượng kém thì  ai chịu trách nhiệm đây? Chất lượng của công trình nghiên cứu lịch sử đã được xuất bản là điểm tựa để đảm báo tính chính xác khoa học của sách giáo khoa lịch sử, là sức hấp dẫn người soạn sách giáo khoa lịch sử. Khi chất lượng ấy có vấn đề thì trách nhiệm thuộc về ai?  Ai chỉ đạo xây dựng những công trình đó, trình độ khoa học và bản lĩnh của nhà sử học có ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình lịch sử nước nhà hay không? Không thể đặt bộ môn lịch sử riêng rẽ trong hệ thống kiến thức khoa học mà thế hệ trẻ cần được giáo dục, khi mà một quan điểm chính thống đã được xuyên suốt trong việc nghiên cứu và xuất bản các công trình nghiên cứu lịch sử và biên soạn các sách giáo khoa lịch sử, cho dù có không ít những ý kiến không đồng tình song không thể xoay chuyển được tình thế chung.

Vấn đề viết sách giáo khoa lịch sử không chỉ nhận được sự quan tâm tán thành hay phản đối về nội dung, sự kiện và quan điểm của công chúng trong nước, mà có khi lại là một cuộc đấu tranh ngoại giao phức tạp giữa các quốc gia từng có những mối quan hệ lịch sử. Chưa lúc nào mà tính chính xác và sự trung thực lịch sử lại mang dấu ấn thời sự liên quan đến an nguy của đất nước bằng lúc này, đặc biệt là khi mà những thế lực hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc đang lộ rõ dã tâm xâm lược nhằm thực hiện mộng bành trướng. Cùng với việc triển khai những hạm đội trên Biển Đông, ngang nhiên chia lô mời thầu quốc tế khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được pháp luật quốc tế công nhận, ngang ngược thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa vói cả bộ chỉ huy quân sự chốt tại đó để thao túng cả một vùng biển và thềm lục địa rộng lớn có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng đã ngụy tạo những "công trình" lịch sử để cố chứng minh cái "lưỡi bò" ham hố và ghê tởm đang thè ra định nuốt trọn Biển Đông.

 Đã từ rất lâu, trong khi chúng ta hạn chế việc tuyên truyền phổ biến những sự kiện lịch sử khách quan với đầy đủ chứng cứ trên những công trình lịch sử đã tồn tại, những bản đồ do chính người Trung Hoa vẽ cho thấy ông cha ta đã từng là chủ thể quản lý nhiều đảo trong vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì các học sinh phổ thông Trung Quốc đã được học trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục của họ ấn hành đã ngụy tạo chứng cứ về tham vọng bành trướng lãnh thổ không cần che dấu! Chuyện này họ làm có bài bản từ rất lâu, không phải chỉ sau chiến tranh biên giới 1979 khi mà bộ mặt thật của giới cầm quyền hiếu chiến Trung Quốc được phơi bày, mà từ xa xưa cha ông họ đã từng có quyết sách rất rành rọt.

Thì đó, ở thế kỷ XV, Minh Thành tổ đã trực tiếp ra sắc chỉ gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng  khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá đều phải thiêu hủy đập phá. “Việt Kiệu thư” chép: “một mảnh giấy, một chữ viết đều tiêu hủy hết”, đó là về sách vở. Còn các bia do người nước Nam dựng thì “đập phá hết, một chữ chớ để còn”!Ngô Sĩ Liên đã phẫn uất về tội “đốt sạch” ấy:  “Binh tung sang, căm lũ giặc Minh, dáo gươm đầy đất. Lửa đốt sạch, thương ôi vận nước, sách vở đi đời. Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót”. Lê Quý Đôn từng lên án nạn “cướp sạch” kia : “tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường công về Kim Lăng”. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai Hạ Thì và Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết! Nhà sử học Phan Huy Ích đã nói lên nỗi đau về chuyện ấy : “Văn chương nảy nở như rừng. Nếu chẳng phải trải qua cướp bóc, đốt phá mà hóa tro tàn, thì hẳn là trâu kéo đến toát mồ hôi, chứa đầy đến tận xà nhà”. Hoàng Đức Lương khi sưu tầm làm nên “Trích Diễm thi tập” đã phải xót xa kêu lên : “những gì thu thập được cũng chỉ là một hai trong trăm ngàn phần”!

Rõ ràng là : hủy diệt văn hóa để thực hiện chính sách đồng hóa một dân tộc "vốn xưng văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý Trần xây nền độc lập; cùng Hán Đường, Tống nguyên hùng cứ một phương" [Nguyễn Trãi. Bình Ngô Đại Cáo] đang quật cường tồn tại và phát triển trên bán đảo  hình chữ S, như cái xương nằm ngang cuống họng, không cho họ nuốt trôi vùng Đông Nam Á giàu tài nguyên và là đường ra biển của đế chế Trung  Hoa tự bao đời, là chính sách trước sau như một của họ. Mà đâu phải do chúng ta nói, Frank Ching, một nhà báo đang hoạt động ở Hong Kong cảnh báo "Trung Quốc đang muốn làm sống lại hệ thống chư hầu cống nạp đã từng ghi dấu sự thống trị của thiên triều trong mấy ngàn năm".  Còn GS James C. Hsiung, ĐH New York, thì nói đến những hệ lụy nơi các nước khu vực “thái bình dưới trướng Trung Quốc”... Điều đó có nghĩa là Trung Quốc muốn các nước láng giềng phải ưu tiên thỏa mãn lợi ích của Trung Quốc và chớ quyết định điều gì trái ý”.

Không được một chút mơ hồ về sự thật lịch sử oái oăm trong cái vị thế "trứng chọi đá" mà ông cha ta đã từng kiên cường và mềm dẻo trong ứng xử với người láng giềng phương Bắc! Đây không chỉ là câu chuyện ngoại giao, đây còn là sự vun đắp một nền văn hóa truyền thống, bệ phóng vững chắc cho sự vươn tới chân trời khát vọng của cả dân tộc vốn thấm thía chân lý :"Không có gì quý hơn độc lập, tự do"! Và đó chính là lịch sử dân tộc. Chỉ khi chúng ta suy ngẫm và hiểu ra được về những gì đã hun đúc nên văn hoá Việt Nam, hình thành cốt cách con người Việt Nam, chúng ta mới hiểu rõ bộ môn khoa học lịch sử giữ một vị trí quyết định như thế nào trong nền văn hóa ấy. “văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được”(Phạm Văn Đồng).* Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội .

Phải chăng là cái nền tảng ấy đang “có vấn đề”, mà sự hiểu biết về lịch sử thể hiện trong điểm thi môn sử của các “cô tú, cậu tú” đang mon men bước vào cổng trường Đại học trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi, chỉ là một cảnh báo. Đừng quên rằng, Đại học, theo ông cha ta, là “cái học để làm người lớn” [Đại học giả, đại nhân chi học dã”]. Và cũng đừng quên, hai chữ  “đại nhân” trong Kinh Dịch thường hàm nghĩa người tài đức ! Liệu những “người lớn”, “người tài đức” của đất nước mà sự hiểu biết về lịch sử dân tộc mình như vậy, thì rồi đất nước "vốn xưng văn hiến" này sẽ ra sao đây?

Văn hoá không phải là một hệ thống đóng kín những giá trị loại biệt mà là một tổng hợp đang phát triển của các thành tựu vật chất và tinh thần của một dân tộc. Văn hóa là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó, văn hóa được phân chia theo những tầng khác nhau, thường tiềm ẩn và vô thức. Ở độ sâu này, ta thấy có một sự sắp xếp của các quy tắc văn hóa điều chỉnh bề mặt ở bên trên. Nói đến “sức mạnh văn hoá”, “bản lĩnh văn hoá”, “bản sắc văn hoá”, chính là nói đến sự tiềm ẩn và vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc. Chính cái đó làm nên ý thức dân tộc, tạo ra sức mạnh Việt Nam, ý thức và sức mạnh làm cho đất nước này, dân tộc này tồn tại và phát triển. Đúng như đã nêu lên từ đầu trang viết này : lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được. Không có ý thức đó thì không thể có một nền văn hóa dân tộc và cũng chẳng thể nào xây dựng được một xã hội Việt Nam hiện đại và văn minh.

Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kỹ về dòng chảy bất tận đó, phải được tắm mình vào trong dòng chảy bất tận đó để tự hào về ông cha mình đã bao đời kiên cường, bất khuất dựng nước, mở nước và giữ nước để trao lại cho thế hệ hôm nay gìn giữ và phát triển. Không có niềm tự hào về dân tộc, tự hào về nền văn hóa dân tộc sẽ không thể vững tin mà đến với thế giới. Ở thời đoạn quá trình phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, hiểu rõ về ông cha mình, thấy ra được chỗ mạnh và chỗ yếu của dân tộc mình. Trên ý nghĩa đó, việc dạy và học lịch sử, những công trình khoa học lịch sử chất lượng cao có tác động lớn đến việc đào luyện con người, con người Việt Nam hôm nay. Từ điểm xuất phát đó mới có thể thấy hết được điều gì đang đặt ra với điểm thi môn sử, với thái độ của thế hệ trẻ đối với môn học lịch sử.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất, cũng có thể nói đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng công trình nghiêu cứu lịch sử, điểm tựa để đảm bảo tính chính xác khoa học của sách giáo khoa lịch sử, tiền đề hết sức quyết định của việc cuốn hút, hấp dẫn và có tác động mãnh liệt đến tình cảm tư tưởng của thế hệ trẻ, giúp vào việc xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho thế hệ trẻ, đó là tính trung thực lịch sử. Một khi mà tính trung thực lịch sử của một số công trình đã đến với đông đảo công chúng chưa cao, điều mà phần lớn những nhà sử học có nhân cách đều biết, song cho đến nay, dường như vấn đề này vẫn chưa được đặt ra một cách sòng phẳng, nghiêm túc và minh bạch.

Đương nhiên trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, tính chân lý lịch sử sẽ phải được công bố như thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, song dù chưa công bố thì rồi tính chính xác khoa học của lịch sử sớm muộn cũng phải thể hiện ra. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng sách giáo khoa lịch sử, nâng cao trình độ dạy sử của người thầy và ý thức đối với việc học sử của học trò nhằm bồi dưỡng tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ, phải đặt ra vấn đề chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu lịch sử mà ở đó, tính trung thực của tác giả công trình nhằm làm sáng tỏ chân lý lịch sử là điều có ý nghĩa rất quyết định.

Tính trung thực lịch sử ấy lại càng phải đậm nét trong các công trình nghiên cứu lịch sử mà ở đó, thể hiện tập trung trình độ chuyên sâu và bản lĩnh của nhà sử học. Gợi lên hình ảnh trên để khỏi phải nhắc lại chuyện mà hầu như nhà sử học nào cũng biết việc cả ba anh em người viết sử nước Tề dù rơi đầu dưới lưỡi gươm của Thôi Trữ vẫn không chịu sửa một chữ của sự thật lịch sử là “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Bản lĩnh ấy của người viết sử, của người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử là điều xã hội đang trông chờ.

Cùng với vấn đề phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu, cần phải nói thêm là thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết của một số người có quyền, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đã là nguyên nhân trực tiếp và kéo dài khiến cho nhiều sự thật lịch sử đã không được trình bày một cách khách quan, trung thực. Theo cách nói của Phạm Văn Đồng thì đó là “lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. Trong cách nghĩ và cách làm sai lầm này, điều nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử”*. Với sự nghiệp Đổi Mới, từ sự đổi mới tư duy về kinh tế mà đổi mới về tư duy nói chung để thấy ra sự phi lý của những quan điểm chính thống “quay lưng lại với bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” *. Những quan điểm gọi là chính thống ấy khi áp đặt vào việc biên soạn sách giáo khoa sử học cũng như từng áp đặt cho các công trình nghiên cứu lịch sử thì “những giá đắt phải trả” là khó mà có thể đo đếm được.

Xin gợi lại một phát biểu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt : "“Cách mạng tháng 8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa! Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là “phong kiến” cả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì?”.

Đừng quên rằng, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” chép : năm 1161, “Lý Anh Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần tiễu ở các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên cõi xa”. Năm 1171, vua “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”. Năm 1172, “mùa xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Liệu đây có phải là vị vua đầu tiên vẽ bản đồ đất nước? Có lẽ rõ nhất là tấm bản đồ hành chính đầu tiên của nước ta, bản đồ Hồng Đức được thực hiện dưới thời vua Lê Thánh Tông và rồi sau đó, Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ được thực hiện dưới thời Nhà Nguyễn năm 1838 đã dựa vào bản đồ Hồng Đức mà thể hiện hình hài đất nước theo phương vị nằm ngang, nhằm nhấn mạnh thế phong thủy “dựa núi, nhìn biển” với những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ rất gần đất liền. Hình như có một thời người ta đã "quên" điều này.

Khi một cái giả biến thành cái thật, được đem rao giảng cho thế hệ trẻ thì khác nào chất axít gậm nhấm tâm hồn lớp trẻ, làm sao đo đếm được cái chất axít gậm nhấm tâm hồn ấy? Sự thật lịch sử bị vùi lấp, tệ hơn, bị xuyên tạc do nhiều động cơ và nguyên nhân khác nhau, nhưng cho dù bởi bất kỳ lý do gì, thì cũng làm giảm sút hay làm nao núng lòng tin của lớp trẻ vào những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc nên lòng tự hào dân tộc, chất ximăng kết dính những tâm hồn Việt Nam, tạo nên sức mạnh Việt Nam.
Liệu những điểm 0 thê thảm về môn sử trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi có khởi nguồn từ những vấn đề nói trên?

http://nguoilotgach.blogspot.sk/2012/08/tinh-trung-thuc-lich-su-va-iem-thi-mon.html

1 nhận xét:

  1. HALONG But Sĩ7/8/12 20:09

    Ông Võ Ng Giap học Tây, Cao học Luật, mà bất nghĩa đánh Tây, đi theo bọn Luật rừng, như vậy phảm giá trí thức ở đâu ?
    Trận ĐBPhủ, 2 tướng TC ngồi cạnh bộ chỉ huy, tài cán quân sự do media thổi lên.
    Chủ tịch ban SỬ ! mời xem cuốn Lịch Sử@ Sự Thật, ông ta viết: Đảng dự định 1976 mới tổng tấn công miền Nam ĐÁNH MỸ NGUỴ. Thưa Ngài ĐT, Mỹ sau hiệp định Paris 1973 nó rút hết về Mỹ rồi, 1976 còn đâu Mỹ mà đánh-Nồi da sáo thịt mà thôi

    Trả lờiXóa