Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐẶC ĐIỂM TỆ NẠN THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn, 14.9.2012

Trong kỳ trước, tôi có hứa với bạn đọc sẽ tiếp tục đề cập đến những thảm họa khác về văn hóa và cuộc sống đang đầu độc, làm bại hoại luân thường đạo lý của dân tộc VN chúng ta. Tuần này đề tài nóng nhất ở VN vẫn là “thảm họa”, nhưng là một “đại thảm họa”: đó là vấn đề tham nhũng.

Tham nhũng ở mỗi nước có một mức độ và đặc điểm khác nhau. Vậy đặc điểm tham nhũng ở VN như thế nào? Và phải làm gì để diệt tệ nạn tham nhũng?

Tinh vi, trắng trợn, khắp nơi, khắp các cơ quan, các ngành và các cấp

Một tài liệu do ông Lê Văn Lân, chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Quốc Hội VN vừa được công bố trong tuần vừa qua khiến người dân giật mình. Giật mình vì cái nhan đề “Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn”, nhưng không giật mình vì những lãnh vực tham nhũng và những “quan chức” tham nhũng bởi người dân biết rõ quá rồi. Người dân lại băn khoăn tự hỏi: “Cái gì đã cản trở việc chống tham nhũng? Hay là tại… ông nọ ngáng chân ông kia, bà kia cầm cẳng ông nọ kéo lại không cho đi diệt tham nhũng?”

Câu trả lời chính xác được ông Lân nêu ra, xin nhắc lại một lần nữa, ông Lân là chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Quốc Hội VN. Bài tham luận của ông Lân khá dài, tôi chỉ xin nêu những điểm chính. Ông Lân cho rằng:

“Tham nhũng ở Việt Nam mang tính phổ biến; xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, người tham nhũng lại là người có chức vụ, quyền hạn, nên thường là những người có nhận thức sâu rộng, am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng; một số người có công lao đóng góp lớn cho xã hội, có uy tín với quần chúng nên khó phát hiện và xử lý…”

Hy sinh đời bố, củng cố đời con

Trên đây là nhận định của ông Lân, có thể kết luận rằng đó là lý do tại sao “khó diệt được tham nhũng”. Có lẽ ông ngần ngại khi chưa nói thẳng ra rằng chính phủ VN đã có “quyết tâm” chống tham nhũng nhưng… chưa mang lại kết quả bao nhiêu.

Thật ra nếu có quyết tâm thì chuyện gì chẳng làm được. Đừng nêu bất cứ lý do nào, dù là người có chức có quyền tham nhũng thì … khó diệt. Vấn đề ở đây là còn thiếu quyết tâm thôi. Đáng giặc mà sợ giặc mạnh thì còn đánh đấm gì nữa. Tham nhũng ở cấp nào cũng diệt được hết. Miễn là mình đừng dây vào đấy, đừng “ăn chia” với nó. Dù nó có là họ hàng, thậm chí con cháu, anh em ruột mình cũng phải diệt. Như tôi đã bàn với bạn đọc trong bài trước, cứ lôi mấy thằng tham quan cấp lớn ra pháp trường, bắn dăm ba thằng, tịch thu toàn bộ tài sản, công khai trả lại cho dân, mang bù ngay vào giá xăng, bù vào giá điện… may ra mới gọi là “răn đe” những thằng khác được. Còn răn đe theo cái kiểu, khai trừ, cảnh cáo, cho về vườn, thậm chí bỏ tù ít lâu thì chẳng bao giờ diệt tham nhũng được.

Ở VN mới có một câu “châm ngôn” của mấy đại gia tham nhũng phòng khi bất trắc xảy ra là “hy sính đời bố, củng cố đời con”. Nói cho rõ là bố có đi tù vài năm hay tù mút mùa Lệ Thủy thì con cái cũng có một số tiền lớn xài ba đời không hết.

Đặc điểm nổi bật nhất của tham nhũng VN là công khai

chạy chỗ và chạy chức
Ông Lân viết: “Tóm lại, tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến. (Tức là tham nhũng công khai, mọi lúc, mọi nơi như một sự tự nhiên). Nói rõ và cụ thể hơn là tham nhũng ở VN mang một sắc thái rất riêng biệt, không giống nước nào. Tinh vi, xảo quyệt, bè cánh, từ dưới lên từ trên xuống như một hệ thống dọc rất nhuần nhuyễn, hoạt động rất “năng động”, hiệu quả.

Thí dụ anh làm ở chỗ nào “ngon”, chỗ dễ ăn, phải đóng cho “trên” bao nhiêu một ngày, anh có quyền “xin cho” phải “nộp” bao nhiêu một tuần cho “sếp”, Anh làm ở sở nhà đất phải “góp” bao nhiêu một tháng cho “sở” và cứ thế, ăn theo hệ thống.

Vậy xin quý vị Việt kiều thông cảm giùm, nếu về qua phi trường có phải chi năm, mười, hai mươi đô la thì các em cũng chẳng ăn một mình được đâu.

đóng hụi “chết” hàng tháng
Và đặc điểm nổi bật nhất tại VN là những trò nhục quốc thể ấy được công khai. Phóng viên báo chí tha hồ viết, dân tha hồ chửi, các “đàn em” vẫn cứ “vô tư như người Hà Nội” Thằng nào nói gì mặc nó. Sự chai lỳ này đã thành nếp sống, nếp suy nghĩ thường tình của tất cả những tên tham nhũng. Đó chính là nét đặc trưng nhất của tham nhũng VN khác với những nước khác.

Điểm qua vài “cửa hàng tham nhũng” ai cũng biết

Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011 có những tiến bộ nhất định nhưng Việt Nam vẫn là những nước có điểm số thấp và vẫn đứng ở phía cuối bảng xếp hạng. Theo TI, ở châu Á, tình hình tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… nhưng ít nghiêm trọng hơn Mông Cổ, Philippines, Lào, Nepal, Campuchia, Myanmar.

May quá, còn hơn được vài nước châu Á. Thế thì may ra còn tí thuốc chữa. Mời bạn đọc hãy theo chân ông Lân đi thăm những “cửa hàng tham nhũng” này. Nhưng kẹt một cái là chỗ nào cũng có tham nhũng, đi nhiều mỏi chân, đọc nhiều mỏi mắt, vậy tôi xin điểm danh sơ lược lại những “của hàng tham nhũng này” trong bài viết của ông Lân:

- Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Tham nhũng chủ yếu diễn ra trong việc quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị; giao đất, cho thuê đất; định giá đất khi thu hồi, đền bù; cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản… Một số người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất không đúng thẩm quyền; lập hồ sơ khống hoặc khai tăng diện tích đất khi đền bù.

- Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nổi lên tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại hoặc cán bộ trong ngành ngân hàng tiếp tay, móc nối với người bên ngoài thông qua các hoạt động cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư… để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát lớn.

- Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu do tham ô và cố ý làm trái. Sai phạm xảy ra ở hầu hết các khâu, từ việc lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Thủ đoạn chủ yếu là không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu; khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào sử dụng; thi công sai quy trình để giảm chi phí…

- Trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thủ đoạn tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá trị tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khi mua bán tài sản công để trục lợi.

- Trong công tác cán bộ, dư luận về tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy công chức” vẫn còn nặng nề, nhưng trong thực tế chưa phát hiện, xử lý được trường hợp nào. Dư luận nói nhiều đến hiện tượng một số cán bộ tiến thân bằng con đường chạy chọt, nịnh bợ cấp trên (tìm hiểu sở thích, nhu cầu cá nhân của cấp trên và gia đình họ để tìm cách đáp ứng; sẵn sàng biếu cấp trên những món quà có giá trị lớn như nhà ở, đất ở, cổ phần trong các dự án, công ty…).
Nhiều người nói rằng, hiện nay mọi thứ đều “có giá”, từ việc tuyển dụng, phân công công việc đến bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

- Trong lĩnh vực tư pháp, hành vi tham nhũng chủ yếu là cán bộ tư pháp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ nhằm bỏ lọt hoặc giảm nhẹ tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

- Ngoài những lĩnh vực trên, tình trạng nhũng nhiễu còn khá phổ biến trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp, giữa nhân viên các cơ sở dịch vụ công với khách hàng, như: cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, các cơ quan cấp phép, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường học… gây bật bình trong dư luận xã hội.

- Tình trạng tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ”, mà nhiều người gọi là “nhũng nhiễu” hay “chi phí không chính thức” tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài chục ngàn đồng mỗi vụ, nhưng diễn ra một cách tràn lan ở nhiều nơi, khiến người dân vô cùng bất bình.

- Số người tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi ở nhiều nước khác, người tham nhũng chủ yếu là các chính khách, các quan chức và doanh nhân. Mấy năm gần đây đã xuất hiện một số vụ tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài…

Không chấp nhận bất kỳ lý do khó khăn nào không diệt được tham nhũng

Bằng ấy thứ đè nặng lên vai người dân từ bao lâu nay rồi, đến nỗi nó trở thành thói quen.

Cứ cầm cái đơn đi “xin cho” việc gì là kèm theo cái phong bì cho “phải đạo” làm con dân. Anh nào không làm thế là dở hơi, không được việc thì đừng có khóc, chỉ tại anh ngu thôi. Đó chính là nỗi bi đát của đất nước do tham nhũng gây nên.

Nhưng là người VN, tự trong thâm tâm mọi người dân đều chứa chất một nỗi phẫn nộ vô cùng sâu sắc. Người dân không thể chấp nhận bất cứ lý do nào thuyết phục họ rằng diệt tham nhũng là khó khăn, là “khó phát hiện và khó xử lý”. Nó ăn sờ sờ trước mắt mà anh không diệt thì còn mong gì anh phát hiện.

Ông Lân còn viết: “Ngoài ra, một số biện pháp phòng chống tham nhũng được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đánh giá tốt nhưng vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam (trách nhiệm giải trình, xử lý đơn tố cáo nặc danh, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt, cách ly đối tượng có dấu hiệu tham nhũng để hạn chế khả năng đối phó, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm của pháp nhân…

Dân phải được tham gia trực tiếp vào việc tố cáo và cùng diệt tham nhũng

Nếu cho người dân trực tiếp tham gia, tố cáo tham  nhũng từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, chắc chắn sẽ có kết quả. Nhìn sang nước láng giềng, hiện nay chính phủ Thái Lan kêu gọi dân chúng tham gia chống tham nhũng. Họ đưa ra nhiều giải pháp: Bằng cách tích cực tố cáo tham nhũng với chính phủ. Ðể giúp việc tố cáo ấy được nhanh chóng và hiệu quả, chính phủ Thái Lan chủ trương thành lập: 1- các dường dây nóng; 2-  đặt các thùng thư ở các nơi công cộng; 3-  lập các trang mạng để mọi người đều có thể gửi đơn tố cáo thẳng đến văn phòng thủ tướng.

Để tạo niềm tin, các quan từ nhỏ tới lớn phải kê khai minh bạch tài sản. Trước khi anh nhận chức vụ, anh có cái gì, bây giờ anh có cái gì, của cải đứng tên những ai, ở đâu… Điều này dân có thể chỉ ra những ngóc ngách của bọn quan tham. Gọi là sơ sơ vài biện pháp đó cũng có thể góp phần diệt tham nhũng có kết quả. Đừng đổ tại “khó khăn”, đổ tại nó chức to, quyền lớn mà chùn tay.

Cần phải có một tổ chức chống tham nhũng độc lập, có đại biểu của dân, không bị chi phối bởi bất cứ tổ chức nào, không nằm trong hay nằm dưới bất cứ cơ quan nào. Một tổ chức có quyền lực thực sự và tất nhiên được sự tín nhiệm của dân chúng.

Kiên quyết bắn bỏ những tên “tham nhũng gộc” và thu hồi toàn bộ tài sản của bọn này, không để chúng có cơ hội “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Nhà nước đã biết bộ mặt thật của tham nhũng với những “đặc tính” của VN, chỉ còn đợi một quyết tâm thực sự nữa mà thôi. Ai làm nhiệm vụ này? Tất cả các cơ quan từ lập pháp, hành pháp tới tư pháp phải cùng bắt tay dân, cùng nhau làm cho đất nước khỏi thảm họa này, mang lại ánh sáng cho hơn 90 triệu dân.

Lãng phí cũng là một thảm họa

Ngoài chuyện tham nhũng, tuần này ở VN lại rộ lên chuyện lãng phí. Bỗng dưng dân đang đói méo mặt, các ông ở Bộ Xây dựng lại vừa có tờ trình gửi bộ Kế hoạch – đầu tư đề nghị thẩm định dự án đầu tư xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Dự án xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do bộ Văn hóa – thể thao và du lịch thực hiện.

Mô hình Bảo tàng lịch sử “hoành tráng, vĩ đại” được Bộ Xây Dựng đề nghị thực hiện 
Kinh phí khổng lồ và ý tưởng “khủng”

Với hơn 11 ngàn tỉ đồng của dân, Bộ Xây Dựng đề nghị làm những “công trình thế kỷ” trên mây. Xin liệt kê những ý tưởng “khủng” đó làm người dân “sợ mấy ông này quá”:

Khu tưởng niệm danh nhân có diện tích xây dựng khoảng 1.520m2, gồm nhà tưởng niệm đặt các tượng, danh sách tên danh nhân được tôn vinh và hiện vật của họ (nếu có).

Khu trưng bày ngoài trời sẽ trưng bày những hiện vật lớn; tái tạo không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc; không gian hoạt động văn hóa, trình diễn.

Ðịa điểm xây dựng bảo tàng được xác định tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong quy hoạch chi tiết xây dựng công viên Hữu nghị và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000m2.

Thời gian thực hiện dự án được đề nghị từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7-2016.

Phản ứng quyềt liệt từ người dân

Lập tức trên tất cả các trang báo, 100% ý kiến của người dân phản đối. Tôi trích vài ý kiến ban đầu.

- Bạn Quang lên tiếng: “Chúng ta đã cho xây nhiều Bảo tàng gây tốn kém tiền của, chiếm nhiều đất đai, trong khi doanh nghiệp thì mơ ước vay được tiền, thuê được đất giá rẻ để phát triển sản xuất.
Một ví dụ: Bảo tàng Tăng thiết giáp bề thế tọa lạc tại vị trí đẹp trên đường Hoàng Quốc Việt Hà Nội đã hơn 10 năm nay, nhưng vào trong thăm thì rất chán, hiện rất ít người muốn vào, trước đây thỉnh thoảng cho thuê để tổ chức đám cưới, nhưng hiện cũng chẳng ai muốn tổ chức ở đây nên trước cửa là nơi tập kết xe rác, bên cạnh thì bán cà phê.”

- Bạn Phúc Duy viết: “Không thể tin được. Bảo tàng Lịch sử ở Tràng Tiền, bảo tàng Cách mạng ở Tôn Đản, bảo tàng Hà Nội ở Phạm Hùng còn chưa dùng hết công năng, bao nhiêu diện tích còn để trống. Nếu cần cứ đưa bảo tàng Hà Nội thành bảo tàng Lịch sử Quốc gia đi.

Đã có Bảo tàng Hà Nội làm Bảo tàng Quốc gia, không cần xây bảo tàng mới 
Gần 12 nghìn tỷ đồng! Với số tiền này chúng ta sẽ xóa đi được biết bao gia đình nghèo, đưa được bao nhiêu là học sinh nghèo đến giảng đường đại học, rồi bao nhiêu người cần chữa bệnh, bao nhiêu thương bệnh binh được chăm sóc, làm được bao nhiêu việc cho Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1, xóa được bao nhiêu cầu khỉ, cáp qua sông suối…

Với gần 12 nghìn tỷ ấy, chúng ta làm được biết bao nhiêu là việc có ích.
- Bạn Trần Văn Tình viết: “Xin quí vị hãy thực hiện một cuộc nghiên cứu (độc lập) xem thử hệ thống bảo tàng hiện tại có bao nhiêu người viếng thăm, đem lại những hiệu quả kinh tế, xã hội, giáo dục như thế nào rồi hãy đổ thêm tiền.

Phía trong Bảo tàng Hà Nội với
vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng hiện
 vắng như chùa bà Đanh. Bảo tàng
Lịch sử quốc gia to hơn gần năm lần
 để làm gì?
Chỗ tôi có một nhà bảo tàng xây hoành tráng nhưng vắng như “chùa bà Đanh”. Tốn kém lãng phí thật là khủng khiếp”…
 
Quả thật trong lúc mọi người đang rối bời về đủ thứ khó khăn bao vây cuộc sống, còn bao nhiêu việc đáng làm và phải làm, Bộ Xây Dựng lại đưa ra cái đề nghị “có tính lịch sử nhân văn xa vời” như thế này. Cứ như các ông ấy từ trên sao hỏa lạc xuống vậy. Đúng là dân một đằng, quan một nẻo. Có lẽ các ông ấy chẳng hiểu gì về dân tình cả.

Đề nghị dở hơi

Còn một đề nghị dở hơi khác nữa là  cho nhập xe “tuk tuk” từ Trung Quốc vào VN làm phương tiện giao thông công cộng. Đề nghị này của Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội. Ông cho rằng các nước trong khu vực sử dụng xe tuk tuk rất phổ biến và hiệu quả. Loại xe này nhỏ gọn và có thể lưu thông dễ dàng tới các khu dân cư mà xe buýt khó có thể hoạt động.

Xe tuk tuk cũng giống như loại xe lambretta đã bi xóa sổ vì cồng kềnh
 không phù hợp với đường xá VN, nhập thêm của Trung Quốc là có ý đồ gì?
Đề nghị này cũng lập tức bị “đánh” tơi bời hoa lá: Bạn Minh Hoàng đá ngay: “Một tối kiến của ngành Giao Thông Vận Tải (GTVT), để cá nhân anh em bà con trục lợi. Chuyện không nói ai cũng biết.

- Bạn Trần Đình Trung bồi tiếp: “Vì sao phải nhập Tuk Tuk của Trung Quốc? Trước kia ở SaiGon có xe Lam có thể chuyên chở được từ 8-10 người, sau đó nó bị cấm hoạt động, bây giờ nhập Tuk Tuk về. 
Thật dở hơi.

Một kiểu xe tuk tuk tại Camphuchia như xe taxi,
nhưng đường phố của họ 
không đông kín chật chội như ở VN
 - Bạn Thanh An đặt câu hỏi: “Lại Trung Quốc. Sao ta cứ mãi là “nạn nhân” của Trung Quốc thế? Nhập rác chứ xe gì. Cấm xe Lam, 3 bánh, ba gác máy giờ đòi nhập “loại bỏ đi” có hình dáng tương tự là sao?

Cứ đi nhờ xe như thế này là đỡ tốn tiền nhất. Một kiểu đi nhờ xe tại Hà Nội. 
Không biết tại sao hồi này sinh ra nhiều đề nghị ngớ ngẩn đến thế. Có lẽ vì thiếu những bộ óc phát minh ra những kế hoạch ích quốc lợi dân, thừa những ông… rảnh việc.

http://www.hennhausaigon2015.com/2012/26965/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét