Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NGUYÊN THỦ VIỆT - TRUNG BÀN VỀ BIỂN ĐÔNG

HY SINH BIỂN ĐÔNG VÌ QUAN HỆ VIỆT - TRUNG ?!

Y Giáo
8-9-2012

Hôm nay 8-9-2012, lướt qua các trang thông tin điện tử, TSYG nhận thấy một loạt báo trong nước đã đăng bài “Không để biển Đông ảnh hưởng quan hệ Việt - Trung”, như VietnamNet, VnExpress, Tuối trẻ, VnMedia, Ptrotimes, các báo điện tử địa phương như namdinh.net.vn, anninhhaiphong.net, camranh.com.vn , baoangiang.com.vn, kiengiang.vnpt.vn…

TSYG cảm thấy ngờ ngợ một điều gì đó, tìm hiểu thì được biết tất cả các báo trên đều đăng lại nguyên xi bản tin của Thông tấn xã Việt nam ngày 7-9-2012, tường thuật cuộc gặp giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và ông Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Vladivostok: “Việt nam và Trung quốc cần tăng cường sự tin cậy”, chỉ sửa lại cái tiêu đề.

Đối chiếu với bản tin của Tân Hoa Xã tường thuật cuộc gặp này, TSYG cho rằng đã có những khác biệt rõ rệt giữa hai bản  tin của hai hãng thông tấn quốc gia về cùng một sự kiện, do đó không thể không quan tâm:

Có ký kết văn kiện hay không?

Điều này không thấy nói, nhưng bản tin của TTXVN có những đoạn sau đây:

-  “Lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Trung được các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp là tài sản quí báu của nhân dân hai nước và cả hai bên đều phải có trách nhiệm kế thừa, giữ gìn và phát huy”.

-   “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cho rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt nam – Trung quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

-  “Hai vị Lãnh đạo nhất trí về nhiều phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới như duy trì và tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại, tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Về vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước”.

Ảnh chụp Bản tin của Tân Hoa Xã ngày 7-9-2012
Tuy nhiên bản tin của Tân Hoa Xã lại nêu tách bạch ý kiến của riêng mỗi ông, không hề có các cụm từ: “hai bên nhất trí cho rằng”, “hai lãnh đạo nhất trí”… Đây là những cụm từ thường chỉ được dùng trong bản Tuyên bố chung giữa hai nguyên thủ quốc gia sau một cuộc viếng thăm ngoại giao chính thức cấp nhà nước. Còn cuộc gặp này lại là bên lề một Hội nghị khác, không biết sau cuộc gặp thì có văn kiện nào được ký kết, trong đó có những câu như của TTXVN nói trên  hay không? 

Điều quan trọng hơn là bản tin của Tân Hoa Xã không có cái câu hết sức bất thường: "Không để Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước".

Những phát biểu cần chú ý của ông Hồ Cẩm Đào (theo bản tin trên của Tân Hoa Xã)

Tại cuộc gặp, ông Hồ Cẩm Đào có phát biểu một số câu theo phong cách “nước lớn”, đầy vẻ "chỉ đạo, bảo ban" mà TTXVN không đăng lên (TSYG gạch dưới các từ quan trọng, cần chú ý):

a) Ông Hồ đưa ra đề xuất ba điểm:

Trước hết, hai nước cần có định hướng đúng đắn về ứng xử đối với quan hệ song phương và tình hữu nghị bền vững. Trong bất kỳ tình huống nào, hai bên cần nêu cao các khẩu hiệu về tình hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam.

Thứ hai, hai nước cần tiếp tục mở rộng các mặt tích cực của quan hệ song phương. Cần có Ban chỉ đạo về hợp tác song phương của hai nước và Ủy ban kinh tế - thương mại của hai nước nhằm phát huy và phấn đấu cho các thành tựu hợp tác trên tinh thần cùng có lợi và hai bên đều là người chiến thắng.

Thứ ba, Trung Quốc và Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi giao lưu đa cấp, phạm vi rộng, với hoạt động thông tin truyền thông tích cực hơn nữa về hợp tác song phương.

b) Ông Hồ thừa nhận quan hệ Trung Quốc - Việt nam đã gặp một số khó khăn do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), đó không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy.

Ông Hồ nói: “Hai bên cần quyết tâm hướng đến giải pháp chính trị để giải quyết tranh chấp, kiên trì theo đuổi lộ trình của việc gác lại tranh chấp và cùng nhau phát triển khu vực, tham gia đàm phán song phương, trao đổi thân thiện và bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Ông Hồ nói: Theo tình hình hiện nay, hai bên cần thực hiện sự đồng thuận đã đạt được trong quá trình đàm phán, tránh dùng bất cứ hành động đơn phương nào có thể làm trầm trọng, phức tạp thêm vấn đề, tránh quốc tế hóa tranh chấp.

Ông Hồ nói, cả hai bên không nên để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến hợp tác Đông Á và sự ổn định trong khu vực.

Và sự bất thường trong bản tin của TTXVN và các bản tin khác

Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng không đáy và hết sức ngông cuồng, từng ngày từng giờ vẫn lăm le toan tính xâm chiếm toàn bộ Biển Đông. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh thực thi chính sách ngoại giao pháo hạm, liên tiếp có những động thái tham lam và ngang ngược: bắt giữ hàng loạt các tàu đánh cá của Việt Nam, thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý 200 đảo, bãi cát, bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đưa quân đội đến đồn trú tại đây; ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông; đưa 9000 tàu đánh cá ra Biển Đông; mời thầu 9 lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông; thường xuyên đưa ra yêu sách về chủ quyền gần như đối với tòan bộ Biển Đông. Trong buổi tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Bắc Kinh mới đây, đích thân ông Hồ Cẩm Đào đã nói tới "Lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc...

Nhưng qua phát biểu trong cuộc gặp này của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc tỏ ra “thích đàm phán song phương”, và vẫn lo ngại rằng Việt Nam sẽ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, câu nói trong bản tin TTXVN : “Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước” là một câu cực kỳ yếm thế, chưa vào cuộc đã tự trói tay chân của chính mình. Lãnh đạo Trung Quốc nghe thấy câu này chắc mừng lắm, có lẽ họ không ngờ phía Việt Nam lại phát ra một câu đúng ý họ đến thế. 

Bất chiến tự nhiên thành. 

Thế là từ nay Trung Quốc có thể tha hồ tung hoành trên Biển Đông, mặc sức gây hấn, cướp bóc, dọa nạt, xâm chiếm từng phần tiến tới xâm chiếm toàn bộ Biển Đông dựa trên cái gọi là “lợi ích cốt lõi” và “đường lưỡi bò”. Nếu như thế thì cũng chẳng sao, vì “quan hệ hai nước vẫn tiếp tục ổn định và phát triển” !!

Thật kỳ quặc, đây lại là câu lấy ý từ phát biểu của Hồ Cẩm Đào: “Cả hai bên không nên để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến hợp tác Đông Á và ổn định trong khu vực”. Hà cớ gì TTXVN bẻ quẹo từ câu trên lại trở thành : “Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước”, một câu mà ngay cả Hồ Cẩm Đào còn chưa dám nói, chỉ dám đả động xa xa đến Đông Á và khu vực mà thôi?

Quá chừng tệ hại hơn, một loạt báo chí còn sửa chữa, đưa cái câu độc địa này thành tiêu đề bài báo của mình: “Không để Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung”.

Theo mấy tờ báo này thì Biển Đông đã trở thành vật tế thần cho quan hệ Việt – Trung mất rồi.

Thế thì còn gì để nói nữa? Trời ơi là Trời!

Mời xem lại:
 Bản tin về Trung quốc của Đài tiếng nói Việt Nam, một bản tin có vấn đề.

http://ygiao.blogspot.sk/2012/09/hy-sinh-bien-ong-vi-quan-he-viet-trung.html

====000====



NGUYÊN THỦ VIỆT - TRUNG BÀN VỀ BIỂN ĐÔNG
BBC
7-9-2012

Hai ông Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm ĐàoChủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vừa có cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Apec) tại Vladivostok, Nga.

Cuộc gặp diễn ra sáng thứ Sá́u 7/9 nhằm trao đổi quan điểm để thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng.

Tân Hoa Xã dẫn lời cả hai vị lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tình hữu nghị và hợp tác Việt-Trung. Hãng thông tấn Trung Quốc dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng cùng Hà Nội "làm sâu hơn tình hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".

Chủ tịch Trung Quốc thừa nhận rằng hai nước gần đây đang gặp khó khăn về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng nói đây là điều không mong muốn.

Ông Hồ được dẫn lời nói: "Hai bên cần kiên quyết tìm giải pháp chính trị cho các tranh chấp, kiên trì theo đuổi con đường gạt bất đồng để cùng khai thác".

Ông cũng nhắc lại nguyên tắc mà Bắc Kinh xưa nay chủ trương là đàm phán song phương đề duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Lãnh đạo Trung Quốc nói hai nước cần thực hiện đồng thuận chung đã đạt được giữa hai bên và tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hay quốc tế hóa tình hình tranh chấp.

Theo Tân Hoa Xã, hai ông Hồ và Sang thống nhất sẽ "không để chủ đề Biển Đông ảnh hưởng tới hợp tác Đông Á và bình ồn trong khu vực".

Đề xuất ba điểm

Trong cuộc gặp, ông Hồ Cẩm Đào cũng đưa ra đề xuất gồm ba điểm nhằm tăng cường quan hệ hai nước.

Điểm đầu tiên là hai bên cần theo đuổi đường hướng đúng đắn, gìn giữ tình hữu nghị.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói: "Dù thế nào đi chăng nữa, hai nước cần giương cao ngọn cờ hữu nghị Việt-Trung".
Đề xuất thứ hai là tiếp tục phát triển các khía cạnh tích cực của quan hệ song phương.
Thứ ba là thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua các hoạt động trao đổi nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, và đặc biệt là báo chí phải phản ánh tích cực về hợp tác hai bên.

Không thấy ông Sang nói gì về đề xuất ba điểm của ông Hồ Cẩm Đào, nhưng ông chủ tịch Việt Nam có nhắc tới nhu cầu cần tăng cường sự tin tưởng chung giữa hai bên, cũng như mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Cũng tại Apec, ông Trương Tấn Sang đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột xung quanh việc tiếp cận nguồn nước cũng như khai thác bền vững dòng sông Mekong chảy qua sáu quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Tấn Sang nói nước có thể trở thành loại hàng hóa gây xung đột địa chính trị giống như dầu lửa.

Phản đối Đài Loan

Trong một diễn biến khác, Việt Nam lên tiếng phản đối Đài Loan tiếp tục "vi phạm chủ quyền" ở quần đảo Trường Sa. Mới đây có tin một số quan chức cấp cao của Đài Loan đã cắm cờ và tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn Bàn Than, tên tiếng Trung là Trung Châu.

Đây là một bãi san hô thuộc cụm đảo Nam Yết, Trường Sa, nằm cách đảo Ba Bình mà Việt Nam gọi là Thái Bình khoảng 4,6km về phía đông. Đảo Ba Bình đã nằm trong tay Đài Loan và chính quyền Đài Bắc có nhiều hoạt động khẳng định chủ quyền ở nơi đây.

Đối với các động thái mới của Đài Loan trên bãi cạn Bàn Than, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm thứ Sáu 7/9 tuyên bố: “Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông".

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120907_sang_apec.shtml


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét