Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VIỆT NAM: LÃNH ĐẠO CHƯA THỰC SỰ QUYẾT TÂM CẢI CÁCH

Loc Doan*, World Politics Review
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ
27-9-2012

Việt Nam đã được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều trong những tuần gần đây, nhưng tất cả đều là những điều không tốt đẹp. 

Nền kinh tế năng động của Việt Nam, mảng mang lại nhiều tin tức nhất trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua, được thay thế bởi suy giảm kinh tế, tranh giành chính trị và các vụ bắt giữ lãnh đạo ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo của đảng.

Cách đây vài năm, vì sự tăng trưởng kinh tế đáng kể – khoảng 7% một năm – Việt Nam được xem là một trong những thị trường mới nổi nóng nhất của thế giới và ngôi sao đang lên ở châu Á với mục tiêu bắt kịp với các nước láng giềng. 

Tuy nhiên, tất cả điều đó trở nên rõ ràng hơn: nền kinh tế của đất nước nay đã giảm đáng kể, báo hiệu phép màu kinh tế đã kết thúc. Hiện nay Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, bao gồm lạm phát và nợ nầng tăng cao cũng như những lo ngại về  cuộc “sụp đổ kinh tế”. Hơn nữa, những năm có tăng trưởng mạnh dường như đã đi qua và một số vấn đề về cấu trúc cố hữu ngày càng hiện ra lớn hơn.

Tương tự như Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó chính phủ sử dụng DNNN như một phương tiện để duy trì quyền kiểm soát chính trị đối với nền kinh tế. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhà nước được điều hành bởi các quan chức có mối quan hệ với hệ thống chính trị và thường thì họ không đủ năng lực. Họ là những người mở rộng kinh doanh của DNNN sang các lĩnh vực mà họ có rất ít chuyên môn, thậm chí là hoàn toàn không có. Kết quả là nạn tham nhũng, quản lý yếu kém cùng với các khoản nợ rất lớn từ đó trở nên phổ biến.

Một ví dụ đáng chú ý là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, được biết đến với tên gọi Vinashin. Tập đoàn này hầu như gần bị phá sản với khoản nợ trị giá lên đến 4,5 tỷ USD, khoảng 4,5% GDP của cả nước. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, hoặc Vinalines, cũng mang số nợ tổng cộng lên đến 2 tỷ USD. Một số DNNN khác, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng đang đối mặt với các khoản nợ khổng lồ và được xem như một món nợ xấu khác chuẩn bị bùng nổ, đặc biệt tại thời điểm mà kinh tế đang suy thoái.

Hai lý do sâu xa đối với nền kinh tế tai ương của Việt Nam là chủ nghĩa thân hữu, trong đó được đánh dấu bởi các mối liên kết chặt chẽ giữa các ông trùm giàu có và các quan chức hàng đầu trong chính phủ, và sự xuất hiện của các nhóm lợi ích áp dụng sự ảnh hưởng của họ lên nền chính trị Việt Nam. Theo Carlyle Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về chính trị Việt Nam, nói rằng trong quốc gia cộng sản này, “không một ai có thể tích lũy được nhiều tài sản mà không có mối quan hệ mật thiết với các đảng viên mạnh mẽ trong Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Việc bắt giữ Nguyễn Đức Kiên hồi tháng trước, người đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại châu Á –  một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, là một trong các trường hợp cụ thể nhất. Trước khi bị bắt và bị cáo buộc “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp” hôm 20 tháng Tám, ông Kiên điều hành rất nhiều doanh nghiệp gồm hai câu lạc bộ bóng đá mà qua đó ông đã tích lũy được rất nhiều của cải ước tính lên đến khoảng gần 1 tỷ USD. Một số người cho rằng ông Kiên có mối liên kết chặt chẽ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người bên trong, bao gồm cả con gái của ông Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng – một trong những nhân vật đang hoạt động trong ngành ngân hàng tư nhân tại nước này.

Ông Kiên không phải là người giàu có đầu tiên bị thất sủng trong thời gian qua. Cựu giám đốc Vinalines , ông Dương Chí Dũng, người đã bị cáo buộc là “tội phạm kinh tế”, đã bị bắt hôm ngày 5 tháng Chín bởi một lệnh truy nã quốc tế, và cựu chủ tịch Vinashin là ông Phạm Thanh Bình đã bị tòa bác đơn kháng cáo mức án tù 20 năm giam với tội “”cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” hôm 30 tháng Tám. 

Tương tự như ông Kiên, cả hai nhân vật này được xem là có quan hệ gần gũi với ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Thayer và một số các nhà phân tích cho rằng, các vụ bắt giữ gần đây có thể ám chỉ các hoạt động được điều phổi bởi Chủ tịch Trương Tấn Sang, đối thủ của Thủ tướng, nhằm làm suy yếu ông Dũng. Ông Dũng được cho là kiến trúc sư của chính sách tăng trưởng mạnh nhưng có nguy cơ cao và người ủng hộ phát triển kinh tế theo mô hình tập đoàn chaebol của Hàn Quốc, trong đó bao gồm Vinashin và Vinalines.

Các vụ bắt giữ trong thời gian qua cũng được cho là có liên quan đến chiến dịch “phê và tự phê” đang diễn ra trong Đảng Cộng sản, nhắm vào việc tìm kiếm và chấn chỉnh những thiếu sót trong đội ngũ cán bộ hàng đầu của Đảng. 

Các bài diễn tập này, mặc dù không phải là mới, đã từng diễn ra như một nghi lễ trong quá khứ. Nhưng hiện nay chiến dịch đã trở thành một ưu tiên hàng đầu, bởi nó được xem là điều quan trọng để tăng cường vai trò cũng như tính hợp pháp của Đảng, thậm chí sự tồn tại của Đảng ngày càng bị đe dọa. Trong thực tế, sự bất bình đang lan rộng trong công chúng về mực sống ngày càng xuống cấp, khoảng cách giàu nghèo gia tăng và các vụ thu hồi đất đai bất công đã trở nên trầm trọng hơn cùng với những lời chỉ trích mạnh mẽ về giới tinh hoa chính trị, tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Các lãnh đạo Đảng đã bắt đầu lo sợ về mức độ bất mãn và oán giận trong công chúng hiện nay có thể tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho chế độ.

Tuy nhiên, trong khi việc giam giữ ông Kiên và những nhân vật cao cấp chứng minh Đảng sẵn sàng hành động để hạn chế sự phung phí, tham nhũng, quản lý yếu kém và chủ nghĩa thân hữu giữa các tầng lớp kinh doanh, nhưng họ vẫn làm quá ít trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế sâu xa của đất nước – thậm chí họ không đưa ra mục đích giải quyết nào cụ thể cả. Thay vào đó, ông Kiên được xem như là một nạn nhân trong cuộc đấu đá nội bộ giữa các giới tinh hoa chính trị trong Đảng hoặc một vật tế thần cho các thất bại kinh tế của họ.

Đối với một số nhà quan sát, vấn nạn tham nhũng, quản lý yếu kém và chủ nghĩa tư bản thân hữu không phải là các nguyên nhân gốc rễ gây ra căn bệnh kinh tế Việt Nam ngày nay, ngược lại đó chỉ là các triệu chứng. 

Theo ông Nguyễn Đăng Doanh, kinh tế gia hàng đầu tại Việt Nam, cho biết rằng để đối phó với những thách thức mà đất nước phải đối mặt, Việt Nam cần thực hiện các cải cách cơ bản và cấp bách, chẳng hạn như sửa đổi hiến pháp hiện hành để cho phép “cân bằng và kiểm soát quyền lực, minh bạch và cởi mở hơn”. Về mặt kinh tế, Việt Nam cũng cần phải cải cách cơ bản và khẩn trương đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Doanh cũng nhấn mạnh rằng để thực hiện các cải cách như vậy thì Việt Nam cần có ý chí chính trị mạnh mẽ và đặc biệt phải có “lãnh đạo kiên quyết cải cách, người sẵn sàng thực hiện các cải cách”. Tuy nhiên, các dấu hiệu mới nhất không được sáng sủa lắm: Việt Nam tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người kêu gọi dân chủ, cởi mở và minh bạch, cho thấy rằng các nhà lãnh đạo không sẵn sàng và cũng không quyết tâm để thực hiện các cải cách quan trọng đó. Hiện vẫn chưa rõ các hậu quả của việc thiếu thiện chí đó sẽ diễn ra như thế nào.
_____
* Loc Doan là nghiên cứu viên trong Chương trình châu Á tại Viện Chính sách Toàn cầu. Hiện ông đang hoàn thành luận án tiến sĩ về chủ nghĩa liên vùng (interregionalism) và mối quan hệ EU-ASEAN tại Aston University.

Tựa đề do CTV Phía Trước đặt lại từ bài “Despite slowing economy, Vietnam resists reforms”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét