Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHIẾN DỊCH NĂM 1979: CUỘC TẤN CÔNG VÀO QUẢNG NINH

Edward C. O’Dowd
Marine Corps University, Quantico
Ngô Bắc dịch
09.04.2012


Hình bên: Dân binh Trung Quốc trong các đội tải thương. Ước tính có khoảng 4.000 lính Trung Quốc tử trận chỉ trong 2 ngày đầu của cuộc chiến

Trung Quốc đã tập trung cuộc tấn kích của nó vào ba tỉnh lỵ của Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, nhưng nó cũng thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các thị trấn nhỏ khác thuộc các tỉnh miền bắc Việt Nam (xem Bản Đồ 2).  Các sự tường thuật cho thấy rằng QĐGPNDTQ đã tấn công ít nhất ở cấp đại đội đánh vào ba mươi chín địa điểm dọc theo biên giới dài 1,281 cây số.79 Nhưng nếu các cuộc tấn công lớn nhất trong các cuộc đột kích này, các cuộc tấn công của QĐGPNDTQ vào các tỉnh lỵ, đã diễn ra một cách tệ hại, các cuộc tấn công nhỏ hơn được đánh giá ra sao?

Các cuộc tấn công của QĐGPNDTQ vào Quảng Ninh tiêu biểu cho các cuộc tấn công nhỏ hơn này.  Quảng Ninh nằm ở bờ phía đông của biên giới Việt Nam với Trung Quốc và, với dân cư thưa thớt, là tỉnh nhỏ nhất mà Trung Quốc đã tấn công.

Một tỉnh dài, hẹp, trải dài đại cương theo trục đông bắc xuống tây nam, Quảng Ninh bao gồm chính yếu một khối lớn các ngọn đồi và núi thấp cùng một bình nguyên ven biển nhỏ hẹp.  Nó chỉ có hai thị trấn quan trọng: tỉnh lỵ, Hồng Gai, ven Vịnh Hạ Long, và Móng Cái, địa điểm biên giới để tiến vào tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ở Đông Hưng (Dongxing).  Ba huyện của Quảng Ninh giáp ranh với Trung Quốc, từ đông sang tây, là các huyện Hải Ninh, Quảng Hà, và Bình Liêu. Mạng lưới đường bộ trong tỉnh thì yếu kém.  Quốc Lộ 4B chạy từ Móng Cái đến Lạng Sơn, nhưng mãi tới 1998, nó còn nhỏ hẹp, lầy lội, và khó để đi qua ngay cả với xe lái bốn bánh.  Xa Lộ 18, một con đường khác của Quảng Ninh, chạy theo hướng bắc dọc bình nguyên duyên hải chật hẹp từ Hải Phòng để nối liền với Xa Lộ 4B.  Các công nghiệp chính của tỉnh là ngư nghiệp, canh nông và hầm mỏ.

Ngoại trừ là một con đường phụ để đến Lạng Sơn hay một điểm khởi hành cho một mũi tấn kích dài để chọc thủng Hà Nội, thực sự không có gì ở Quảng Ninh lại sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. 80 Nỗ lực mà QĐGPNDTQ đặt vào việc tấn công các quận huyện biên giới của Quảng Ninh vì thế có vẻ là sai lầm và phí phạm.  Nhiều phần nó chỉ là một toan tính làm rối trí Việt Nam.  Trung Quốc đã tấn công thị trấn biên giới Móng Cái, nhưng cuộc tấn công đã thất bại trong việc thu hút các lực lượng tăng viện của Việt Nam đến khu vực này.  QĐNDVN đã cố thủ những gì nó có thể giữ và tái chiếm những gì nó đã mất.  Cuộc tấn công là một sự thất bại hoàn toàn.

Cuộc tấn công vào Quảng Ninh đi trước các cuộc xâm nhập chính của Trung Quốc xa hơn về phía tây, khởi sự vào khoảng sau 23:00 giờ ngày 16 Tháng Hai với việc pháo kích và cuộc đột kích của bộ binh vào địa điểm biên giới ở Hoành Mô trong huyện Bình Liêu. 81 Cuộc tấn công khiến ta nghĩ rằng chủ định khả hữu của Trung Quốc là để tấn công xuống con đường Hoành Mô – Bình Liêu hầu cắt Xa Lộ 4B tại Tiên Yên. Con đường duy nhất để tái tiếp tế hay tăng viện cho Móng Cái do đó sẽ phải là đường biển.  Vào ngày 17 Tháng Hai, phía Trung Quốc pháo kích Móng Cái và nông trại quốc doanh Xuân Hoa ở phía tây của thị trấn.  Sau đó trong cùng ngày, bộ binh Trung Quốc đã tấn công dọc theo một mặt trận dài sáu cây số tại vùng phụ cận Móng Cái, và một lực lượng Trung Quốc thứ nhì đã tấn công huyện Quảng Hà gần Po Hen [?]. 82 Quân Trung Quốc đã tấn công một lần nữa vào Móng Cái các hôm 20 và 21 Tháng Hai, từ các khu vực tập hợp tại Đông Hưng.

Ở thời điểm này, các cuộc tấn kích đã ngừng lại. 83 Mặc dù giao tranh tiếp tục dọc biên giới, cuộc tấn công kế tiếp của Trung Quốc trên quy mô lớn đã xảy ra hôm 2 Tháng Ba, khi một lực lượng Trung Quốc tấn công Đồi 781 trong huyện Bình Liêu; một ngày sau đó, phía Trung Quốc tấn công Đồi 1050.  Cả hai cuộc tấn công đã thất bại, với sự tổn thất, theo phía Việt Nam, là 750 người. 84

Trung Quốc tiếp tục pháo kích các vị trị của Việt Nam ít nhất cho tới ngày 10 Tháng Ba, cùng thực hiện các cuộc tấn công hạn chế.  Vào ngày 10 Tháng Ba, QĐGPNDTQ đã pháo khoảng 3,000 viên đạn vào Móng Cái và các địa điểm biên giới khác của Việt Nam. 85

Một câu chuyện tiêu biểu cho các vấn đề mà phía Trung Quốc gặp phải tại Quảng Ninh.  Vào một lúc trong khi giao tranh, một trung đội Việt Nam được giao phó phòng thủ một ngọn núi có tên là Cao Ba Lanh [?].  Ngọn núi có tầm quan trọng từ một cái nhìn quân sự bởi nó trông xuống từ một điểm cách khoảng chín cây số ải vượt qua biên giới tại Hoành Mô.  Bên kiểm soát được Cao Ba Lanh có thể hạn chế sự sử dụng điểm băng ngang biên giới của đối phương.  Trung đội Việt Nam đã đào các vị trí phòng thủ và gài mìn và đặt bẫy mìn dọc theo các lối tiếp cận nhiều xác xuất nhất. 86 Cuộc tấn công đầu tiên của Trung Quốc liên can đến hai trung đội và bị đánh bật trở lại.  Sau đó trong cùng ngày, toàn thể một đại đội đã tấn công, và lần này lại bị đánh bật trở về, với mười lăm binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.  Ngày kế tiếp, hai tiểu đoàn Trung Quốc đã tấn công ồ ạt.  Sau khi tổn thất bốn mươi bẩy mạng vì mìn và đạn súng trường, họ đã rút lui.  Cuộc tấn công kế tiếp của Trung Quốc, được thực hiện sau một hàng rào pháo kích dữ dội, bao gồm ba tiểu đoàn – nguyên một trung đoàn quân Trung Quốc.  Cuộc đột kích này nhắm vào trung đội Việt Nam diễn ra từ ba hướng nhưng lại vẫn thất bại, mìn và bẫy của Việt Nam đã gây ra một sự tổn thất khủng khiếp của bộ binh tấn công.  Ba tiểu đoàn được tập hợp lại và sau một hàng rào pháo kích nữa, đã cố gắng chiếm cứ Cao Ba Lanh.  Vào lúc cuối của năm tiếng đồng hồ tấn công, và với tổn thất 360 nhân mạng, trung đoàn Trung Quốc đã chiếm đoạt được ngọn núi. 87

Tiểu truyện này minh họa các vấn đề mà QĐGPNDTQ đã gặp phải dọc theo chiều dài biên giới của Quảng Ninh.  Các mưu tính để phân tán nỗ lực của Việt Nam bị thất bại bởi các đơn vị nhỏ của Việt Nam thường đã cầm chân các lực lượng Trung Quốc lớn hơn nhiều.  Trong trường hợp Cao Ba Lanh, các thành phần tấn công của QĐGPNDTQ đã thiếu các kỹ năng quân sự để chiếm đoạt mục tiêu của chúng, và hậu quả, đã thất bại như dự trù nhằm lôi kéo đến với chúng các lực lượng tăng viện của Việt Nam.  Bị đánh bật lại nhiều lần, các chỉ huy Trung Quốc không biết gì khác hơn là nhờ cậy đến các cuộc tấn công ngày càng đông hơn, và các sự cổ vũ chính trị của các chính ủy và các đảng viên chỉ mang lại nhiều cuộc tấn kích “biển người” tai họa.  Phía Trung Quốc đã thừa nhận rằng các cuộc tấn công của họ vào Quảng Ninh là một sự thất bại.  Khi Bắc Kinh loan báo “đại chiến thăng’ của nó trên Việt Nam, nó có đề cập đến mọi thị trấn nơi mà các lực lượng của nó đã chiến đâu với sự thành công.  Nhưng Trung Quốc không bao giờ nhắc đến bất kỳ thị trấn nào trong tỉnh Quảng Ninh. 88

                         
_____
CHÚ THÍCH

79. Hãng Thông Tấn Akahata News Agency, “Các Sự Dàn Binh của CHNDTQ, 17-23 Tháng Hai”, trong FBIS Southeast Asia, March 2, 1979, trang K-14.  Phía Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công cấp trung đoàn hay tiểu đoàn, và ba cuộc tấn công cấp sư đoàn.

80. Các mỏ than Cẩm Phả duyên hải của tỉnh Quảng Ninh, vào khoảng bẩy mươi cây số phía nam biên giới, sản xuất một tỷ lệ lớn than đá của Việt Nam và có thể được xem là một nguồn tài nguyên chiến lược.  Các cuộc tấn công của Trung Quốc đã không đe dọa đến các mỏ, cũng như Trung Quốc đã không thực hiện các cuộc tấn kích bằng hải quân, không quân  hay thủy quân lục chiến đánh vào các khu mỏ.

81. Tác giả King C. Chen, viện dẫn các nguồn tin Đài Loan, nói rằng các cuộc tấn công dọc theo biên giới tỉnh Quảng Ninh là công việc của Sư Đoàn 165 thuộc Quân Đoàn 55 (trong quyểnChina’s War with Vietnam, 1979, trang 106).  Cả Harlan Jencks, trong nhiều bài nghiên cứu của ông về chiến dịch 1979, lẫn Li Man Kin đã không thảo luận về sự giao tranh trong khu vực này.  Tôi không tin rằng Sư Đoàn 165 Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công dọc theo biên giới tỉnh Quảng Ninh.  Lịch sử các đơn vị Việt Nam và các báo cáo của cán bộ Trung Quốc đều đặt các Trung Đoàn 494 và 493 của Sư Đoàn 165 tại khu vực Lạng Sơn, loại trừ chúng ra khỏi sự giao chiến này.  Không nguồn tin nào trong số kể trên nói rõ là liệu Trung Đoàn 495 của Sư Đoàn 165 có tham dự giao tranh tại Lạng Sơn hay không, như thế có thể rằng trung đoàn này đã thực hiện các cuộc tấn công vào các địa điểm biên giới Quảng Ninh; tuy nhiên cũng có thể rằng các lực lượng địa phương đảm trách việc này.  Cũng khó khăn không kém để xác định các lực lượng Việt Nam trong khu vực, nhưng các lực lượng này có thể là các thành phần của các Sư Đoàn Bộ Binh 328 và 323.  Vào ngày 9 Tháng Ba, 1979, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã thiết lập một tổng hành dinh để kiểm soát các hoạt động tại khu vực Quảng Ninh, và hai sư đoàn này được giao phó cho tổng hành dinh (Viện Quân Sử Việt Nam, 55 Năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, các trang 405-6).  Sự thành lập bộ phận này vào nhật kỳ chậm trễ này không nhất thiết có nghĩa rằng các đơn vị hợp thành của nó đã không hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh trước khi quân đoàn được thành lập.  Phía Việt Nam thường thành lập các quân đoàn của họ bằng cách tập hợp các đơn vị trong khu vực vào các đơn vị lớn hơn.

82. FBIS, Southeast Asia, 21 Tháng Hai, 1979, trang K-7.

83. FBIS, Southeast Asia, 27 Tháng Hai, 1979, trang K-10.

84. FBIS, Southeast Asia, 5 Tháng Ba, 1979, trang K-27.  Không có ngọn đồi nào trong các đồi này xuất hiện trên bản đồ quân sự Việt Nam, tỷ lệ 1:250,000, của khu vực.  Xem, Phòng Bản Đồ, Bộ Tổng Tham Mưu, QĐNDVN, “Mong Cai, NF-48-12”, Xếp Loại: “Mật”, 1990.

85. FBIS, Southeast Asia, 12 Tháng Ba, 1979, trang K-13.

86. Cao Ba Lanh [?] tọa lạc ngay phía đông thôn Dong vang [?].  Nó là một bộ phận của huyện Bình Liêu [?].

87. FBIS, Southeast Asia, 13 Tháng Ba, 1979, trang K-16.

88. FBIS, China, 19 Tháng Ba, 1979, trang E-1.

___
Nguồn: Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign, các trang 45-73; Chapter 5: The Battle of Lang Son, February – March 1979, các trang 74-88; Chapter 0: Conclusion: the legacy of an “incredible, shrinking war”, các trang 159-166.       

Ngô Bắc dịch và phụ chú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét