Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 12

Nguyễn Hữu Chí
09-05-2013

KỲ 12

Khi tôi bước lại, đám đông vẫn chăm chú lắng nghe những lời anh ta nói, không một ai để ý đến tôi. Tôi kiếm một chỗ ngồi xuống, cách anh khá xa. Anh đưa mắt nhìn tôi, nét mặt dửng dưng, coi tôi như một anh chàng tân tòng, khoái nghe chuyện kiếm hiệp, thế thôi! 

Anh có gương mặt khả ái, nước da trắng như da con gái, môi đỏ, răng trắng, với hàm râu quai nón, tuy cạo nhẵn nhụi, nhưng vẫn để lại một lớp mờ mờ xanh. Dưới chân anh là đôi guốc mộc. Bộ dáng của anh là bộ dáng của một tay thợ mộc. Nghe giọng nói của anh tôi biết anh là người Hà Nội. Trước mặt anh là hai chiếc điếu cầy, một vốc thuốc lào cỡ vài “bi”, một bình nước trà tự chế, một chiếc đĩa đựng mấy chiếc kẹo, và hai chiếc ly nhỏ xíu.

Thời điểm đó cả nước đều đói, trong tù lại càng đói khổ hơn. Vì vậy, chỉ nhìn thoáng qua những thứ “xa xỉ” trước mặt anh, tôi hiểu ngay, tất cả đều dành cho anh, anh được hưởng sự ưu đãi của tất cả mọi người, chỉ vì anh biết kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, cho dù, anh nhớ truyện không bằng một phần trăm so với tôi. Nhưng tại sao lại hai chiếc ly, và hai chiếc điếu cầy? Ngoài anh ra, còn ai trong đám đông mấy chục người đang ngồi nghe truyện được hưởng cái ân huệ hút thuốc lào, nhai kẹo và uống nước trà?…

Sau mấy phút bồn chồn, do dự, không biết mình có nên lên tiếng hay không, cuối cùng tôi đánh bạo:
- Ông bạn tha lỗi, tôi nghe ông kể truyện chưởng của Kim Dung, nhưng ông kể sai nhiều quá…

Tôi vừa nói đến đó, lập tức đám đông bạn tù cùng quay ra nhìn tôi, rồi la hét, mắng tôi ầm ĩ. Người nào nhẹ nhàng lịch sự thì cũng một tiếng quát, “Im đi mày! Biết gì mà nói.” Người nào tức giận thì hét lên, “Cút cha mày ra chỗ khác. Ông đập bỏ mẹ mày bây giờ”. Riêng anh bạn đang kể chuyện thì lại tỏ ra bình tĩnh, dù nét mặt của anh đầy vẻ ngạc nhiên. 

Anh thong thả hỏi tôi:
- Tôi kể sai chỗ nào?

Tôi chưa kịp lên tiếng, thì đám đông đã nhao nhao: “Kệ cha nó, đại ca cứ kể đi. Tụi em nghe đang hay…” Một người khác, mặc chiếc áo bằng bao tải gạo, quát: “Thằng này là thằng nào, bỗng dưng phá đám vậy? Cút cha mày ra chỗ khác đi!”

Một người ngồi đối diện với người kể chuyện có tấm lưng và chiếc đầu trọc to lớn lạ lùng. Y cởi trần, chỉ mặc một chiếc quần lót nhỏ xíu, nên tôi thấy rõ, cả người y chỗ nào cũng xâm trổ. Trên lưng y là một thanh mã tấu to chình ình, chạy dài từ phía phải bên trên, xuống phía trái bên dưới. Chuôi mã tấu có một chùm tua bay phất phới. Lưỡi mã tấu có một đường máu đỏ chạy dài, vài giọt máu đỏ nhỏ xuống từ mũi, trông thật linh động. 

Y không hề quay hẳn lại, nhưng với nét mặt nghiêng của y, tôi biết tiếng rít qua hai hàm răng nghiến chặt, được cất lên từ trong cổ họng của y:
- Ê, Dũng Cụt, tống cổ thằng này ra khỏi lán…

Một tiếng dạ thật lớn, rồi một người cao to, có bộ vó dềnh dàng, mái tóc để dài bồng bềnh như nhân vật Ruồi Trâu trong phim tôi coi ở ngoài Bắc, bước về phía tôi. Nhìn y, tôi không hiểu y “cụt” ở chỗ nào? 

Tôi hoảng hốt, đang tính đứng dậy “tự giác” bước ra ngoài, thì tiếng anh chàng kể chuyện cất lên, vẫn rất nhẹ nhàng:
- Minh Tồ, mày để tao hỏi nó đã…

Nghe vậy, Dũng Cụt dừng bước, nhìn Minh Tồ như chờ lệnh. Minh Tồ không nói gì, chỉ gật đầu. Đám đông ngồi im phăng phắc. Trông bộ vó kềnh càng của Dũng Cụt, và thái độ ngoan ngoãn của y đối với Minh Tồ, tôi biết, Minh Tồ giống như một loại “vua tù” trong lán tù cải tạo. 

Sau này, tôi mới biết, Minh Tồ gốc Hải Phòng, cũng đi bộ đội, thuộc tiểu đoàn đặc công tinh nhuệ, trực thuộc sư đoàn. Trong trận đánh vô Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, anh bị trọng thương, nên khi rút quân, anh bị đơn vị bỏ lại, rồi rơi vào tay một đơn vị lính Mỹ. Tức giận trước sự phản bội của đồng đội VC, và thấy lính Mỹ đối xử rất tử tế, tận tình chữa trị những vết thương chí mạng trên người anh, nên anh xin hồi chánh. Sau đó, anh tình nguyện đi lực lượng Delta Force cho Mỹ, và trở thành một tay anh chị khét tiếng với biệt danh Minh Mã Tấu. Năm 1968, Minh Mã Tấu khét tiếng với vụ cướp xe tiền từ Đà Nẵng vô Huế…

Anh chàng kể chuyện quay sang tôi, nhắc lại câu hỏi lúc trước:
- Tôi hỏi anh, tôi kể sai chỗ nào?

Liếc mắt nhìn Dũng Cụt và Minh Tồ, tôi nghĩ ngay, nếu tôi nói dài dòng, vòng vo, tôi sẽ bị Dũng Cụt xách cổ liệng ra ngoài lán ngay lập tức. Vì vậy, tôi phải nói sao thật ngắn gọn, về những tình tiết thật lôi cuốn, hấp dẫn trong truyện của Kim Dung để chinh phục Minh Tồ trong vòng một phút đồng hồ. 

Hít một hơi thở, thu hết can đảm, tôi ba hoa xích đế, vừa dựa vào truyện của Kim Dung, vừa thêm thắt theo trí tưởng tượng của mình:

- Anh vừa kể đến Tứ Hộ Pháp Vương của Minh Giáo, nhưng anh kể tên của họ sai hết, biệt hiệu của họ cũng sai… Anh phải biết, Trong Minh Giáo, cao nhất có Giáo chủ, kế đến là Tả Hữu Sứ, rồi đến Tứ Hội Pháp Vương, gồm có bốn vị. 

Đệ nhất vương là Tía Sam Long Vương Kim Hoa Bà Bà. Bà này ngoại hình ẻo lả, nhan sắc xinh đẹp, lại có thuật trụ nhan, nên trăm tuổi có lẻ, mà trông vẫn như mệnh phụ mới ngoài 30 tuổiBà chuyên dùng ám khí là bông hoa mai bằng thép. Mỗi khi giao đấu, bà thường ngậm bông hoa thép trong miệng rồi vận nội lực thổi ra đằng miệng, bảo đảm trong vòng trăm thước, bách phát bách trúng, không một cao thủ nào thoát chết. Vì thế, bà có biệt hiệu Kim Hoa. Bà lại có tài bơi lội, nín thở giao đấu dưới nước cả ngày không thèm lên bờ, nên được phong tặng là Tía Sam Long Vương. Đó là đệ nhất vương. 

Đệ nhị vương là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Tay này vốn gốc người Tây vực, cao lớn gấp rưỡi người thường, vai tròn như vai hổ, lưng dài như lưng vượn, đầu to như đầu sư tử, mắt xanh biếc, tóc lại vàng hoe nên y mới có biệt hiệu Kim Mao, nghĩa là lông vàng. Còn Sư Vương nghĩa là vua sư tử, còn Tạ Tốn là tên của y. 

Đệ tam vương là Bạch Mi Ưng Vương Hân Thiên Chính. Tay này cũng có thân hình cao to khác thường, lại có cặp lông mày dài, bạc như cước, phủ kín cả hai bên mắt, trong khi tóc của y vẫn đen như mun, lại thêm nội ngoại công của y đều đạt đến mức tam hoa tụ đỉnh, lư hoả thuần thanh, mỗi khi xuất thủ giết ai, thì nhanh như một con chim ưng, vai không hề động, mắt không hề chớp, nên có biệt danh Bạch Mi Ưng Vương. 

Đệ tứ vương là Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu. Tay này võ công thần sầu qủy khốc, khinh công đệ nhất trần gian, ngay cả Giáo Chủ Minh Giáo cũng phải nghiêng mình bái phục. Nhờ khinh công cao siêu, nên khi y đến cũng như khi y đi, chẳng thấy hình bóng, ngoại trừ chỉ nghe thấy một tràng cười của y. Vậy nên y mới có biệt danh Vi Nhất Tiếu. Tuy võ công tuyệt luân, nhưng y vẫn chưa thỏa mãn, nên tìm kiếm được một bí kiếp võ công thượng thừa, y ngày đêm tập luyện, muốn một sớm một chiều thành công, chẳng may, tàu hỏa nhập ma, kinh kỳ huyết mạch chạy loạn xạ ngầu. Với người khác, như vậy, không chết cũng tàn tật. Với y, nhờ nội lực cao siêu, tài trí hơn người, nên y kịp chế ngự lửa ma trong huyệt đan điền. Có điều lâu lâu, chân hỏa bốc lên, tựa như hỏa diệm sơn trong tim trong gan, chỉ có máu tươi của người mới có thể dập tắc. Những khi như vậy, y phải kiếm người hút máu thì mới hết bệnh. Vậy nên người đời tặng y biệt danh Thanh Dực Bức Vương có nghĩ là Ông Vua Dơi Xanh, chuyên hút máu người….

Đọc đến đây, tôi kính mong quý độc giả tha lỗi cho tôi tội ba hoa khoác lác. Nhưng lúc đó, trong hoàn cảnh tù đầy, phần thì tuổi tôi còn trẻ, nên rất háo thắng. Cái gì tôi biết mà không nói ra được thì cứ ấm ức tựa như bò đá. Sau này từng trải, được học hỏi nhiều, biết ngoài bầu trời này còn bầu trời khác, nên khiêm cung, ít nói đi rất nhiều, trăm phần chỉ còn một, hai mà thôi.

Trở lại câu chuyện, lúc đó, tôi mạnh dạn ba hoa, tiếng Hán xen lẫn tiếng Việt, chọn toàn chỗ đắc ý nhất để kể, lại còn thêm thắt, chắp vá, đem râu ông nọ cắm cằm bà kia, là vì tôi thấy cả đám đông tù nhân mấy chục mạng, đều say sưa nghe anh chàng kia kể truyện chưởng, trong khi tôi biết chắc, kiến thức về truyện chưởng của Kim Dung, tôi mười phần, anh chưa được một.

Nhìm đám đông im phăng phắc nghe tôi ba hoa, miệng ai cũng há hốc, mắt ai cũng sáng long lanh, ngay cả Minh Tồ cũng xoay hẳn người lại nghe tôi nói, tôi biết tôi đã chinh phục được họ. Nhưng chiến thắng này chưa thể là 100%, vì tôi mới kể có một đoạn quá ngắn. Tôi muốn kể với họ ít nhất 10, 15 phút nữa về truyện Cô Gái Đồ Long. Khi đó, tôi mới khảm sâu vào trong tâm trí của họ tất cả những cái hay tuyệt vời, hay rụng rời của Kim Dung. Vì vậy, tôi phải tung ra một câu hỏi, và câu hỏi này không chỉ dành cho anh chàng kể chuyện non nớt kia, mà dành cho tất cả mọi người. Tôi muốn khuấy động lòng tò mò của họ, dựa trên những tình tiết tuyệt vời tôi vừa kể, để rồi chính họ sẽ không tài nào trả lời được. Người trả lời được câu hỏi của tôi, chỉ có mình tôi mà thôi!

- Bây giờ, tôi xin hỏi tất cả mọi người một câu hỏi. Tại sao trong Tứ Hộ Pháp Vương, Tía Sam Long Vương Kim Hoa Bà Bà lại được đứng đầu? Tại sao một người con gái liễu yếu đào tơ, lại có thể qua mặt được ba vị Pháp Vương kia, trong khi cả ba đều là anh hùng, chọc trời khuấy nước một phương, võ công đã khủng khiếp, mưu trí lại tuyệt vời, thêm vào đó lại dầy công hãn mã gầy dựng lên Minh Giáo?

Đúng như tôi đoán, tất cả mọi người, kể cả anh chàng kể truyện chưởng, đều im lặng nhìn tôi như bị tôi thôi miên. Sau một thoáng im lặng, tất cả mọi người đều ầm ĩ, đòi tôi trả lời. Nhìn nét mặt, ánh mắt, của mọi người và của Minh Tồ, tôi hiểu ngay, đối với họ, anh chàng kể truyện chưởng kia đã bị gạt ra ngoài rìa. Với họ bây giờ, tôi mới là thần tượng, là người họ ngưỡng mộ, say đắm…

Minh Tồ cất tiếng, giọng vẫn kẻ cả, nhưng không giấu giếm tình thân mật:
- Ê, ông bạn hỏi vậy là ông biết tỏng, chỉ có ông mới trả lời nổi…

Đám đông ồ lên tán thành lời tuyên bố của Minh Tồ. Dũng Cụt lúc này cũng đã ngồi xuống ngay bên cạnh tôi từ lúc nào. Hai tay của y thu lại để trong lòng, trông ngoan ngoãn như một người học trò ngồi trong lớp học. 

Anh chàng kể truyện, lặng lẽ đẩy chiếc điếu cầy cùng gói thuốc lào đến trước mặt tôi, rồi nói giọng chân thành:
- Ông anh làm một “bi” thuốc lào cho tỉnh táo, rồi kể cho tụi tôi nghe… Ông anh tha cho tôi cái tội “múa rìu qua mắt thợ”… Chẳng qua là không có…

Nói đến đó, anh chàng ngừng lời, nhìn tôi lúng túng. Tôi hiểu, anh muốn nói câu “không có chó bắt mèo ăn c…”, nhưng nghĩ nói vậy là xúc phạm một “thần tượng” mà anh thực tâm kính phục. Trông anh, tôi biết anh phải ngoài 40. Còn tôi lúc đó, mới có ngoài 25 tuổi. Tiếng “ông anh” của người Hà Nội khi nói với một người kém tuổi mình, là biểu lộ một sự nể trọng đặc biệt.

Minh Tồ lúc đó cũng vội vã vê thuốc lào bỏ vô nõ, rồi bật quẹt, châm đóm đưa cho tôi với thái độ rất chân thành. Tôi khoan khoái đón chiếc điếu cầy, kéo một hơi thật đã, rồi lim dim hai mắt, nhìn mọi người qua làn khói thuốc đang bao phủ như sương như khói. Tất cả mọi người đều ngước mắt nhìn tôi chờ đợi trong im lặng và thành khẩn.

Tôi thoáng nghĩ đến nhà văn Kim Dung trong nỗi niềm bâng khuâng, không biết ông là ai, ở đâu, liệu ông có biết, những truyện ông đã viết, có thể giúp một thằng tù oắt con, làm đảo lộn tôn ti trật tự trong một nhà tù ở tận nơi đèo heo hút gió của núi rừng Kàtum???

(còn tiếp)

http://viteuu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét