Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THƯƠNG NHỚ NGUYỄN CÔNG HÙNG

Người Buôn Gió
26-05-2013

Hình bên: Nguyễn Công Hùng đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tài Hồ Gươm. Người đẩy xe cho anh mặc áo đen là Thắng Còi tuổi 27, thành viên trung tâm Nghị Lực Sống.

Tôi gặp Hùng thật tình cờ, như nhà Phật gọi là có duyên. Mà cũng là có duyên thật bởi tôi biết Hùng qua một nhà sư. Tôi nhớ ngày hôm đó chân còn đang bó bột vì gây xương bàn chân, sư ông Minh Tri gọi điện hỏi tôi mai có đi cùng sư ông làm từ thiện không. Nếu đi thì vào trang www.nghilucsong.net để xem chương trình.

Sư ông Minh Tri là một vị chân tu điềm đạm và giản dị, tôi quen ngài khi ngài còn đang học ở học viện Phật Giáo Sóc Sơn. Học viện này khá lớn, nằm trên ngọn đồi cao. Học viện được nhà nước quan tâm ưu ái, nhất là về những chương trình giảng dạy với một tôn chỉ quái gở là '' Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội ''. Những vị sư nào học hành qua Học Viện này mới có cơ hội tiến thân sau này.

Lúc đó sư Minh Tri đang theo học những ngày đầu ở Học Viện Phật Giáo, lòng ông còn chưa vướng bụi trần. Bụi trần ở đây có nghĩa là cái tư tưởng mà nhà nước lồng vào các chương trình học của học viện. Sau này ông ra trường tôi cũng không gặp, lần cuối tôi gặp sư ông ở trung tâm Nghị Lực Sống mới cuối năm 2012. Sư ông Minh Tri đã nhận trụ trì một ngôi chùa cũng tương đối ở Hà Nội.

Nhận được điện của sư ông Minh Tri, tôi tháo bột ở chân, chuẩn bị hôm sau lên đường đi với sư ông. Chỗ hẹn là ở Linh Đàm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Nguyễn Công Hùng, cảm giác của tôi là bàng hoàng, ngỡ ngàng và đôi chút hoảng loạn. Tôi nhìn mãi Hùng và cứ tự nghĩ cái thân hình này có phải là con người không. Hùng được một người bế trên tay, chả thấy người Hùng đâu, chỉ thấy mỗi cái đầu. Khi cái đầu ấy cất tiếng nói , tôi mới trấn tĩnh và tin đó là một con người. Thỉnh thoảng sau này tôi vẫn kể cảm giác đó cho Hùng nghe, tôi nói khi nào tôi viết về Hùng tôi sẽ kể đúng như thế. Hùng cười bảo, thì sự thực là vậy anh cứ viết vậy thôi.

Lần đó trung tâm Nghị Lực Sống đi làm từ thiện ở Trấn Yên, Yên Bái. Nơi cơn lũ quét vừa đi qua khiến cả vùng tan hoang. Tôi chứng kiến khả năng tổ chức và uy tín của Hùng, cậu chỉ đạo mọi người làm việc, chuẩn bị các khâu, cắt đặt chu đáo phần việc cho từng người. Hùng bận rộn vì sắp xếp công việc, nhưng cũng bận rộn hơn vì nhiều người đế hỏi thăm anh. Tôi đứng xa nhìn mọi người tíu tít ở quanh anh, bỗng tôi thấy anh nhìn về phía tôi và anh mỉm cười. Chuyến tổ chức từ thiện mang trung thu đến vùng cao Trấn Yên của trung tâm NLS kết thúc tốt đẹp theo nghĩa thự sự chứ không như tổng kết các quan lại nhà nước hay đọc. Kết thúc tốt bởi nó làm từ những con người nhiệt tâm, có tầm lòng, làm thực chứ không phải làm hoa lá lấy thành tích. Khi ra về tôi đến chào Hùng , anh bảo tôi để số điện thoại và địa chỉ thư.

Chúng tôi thành bạn thân từ đó. Nhiều thế lực đã bao lần chia rẽ tình cảm của chúng tôi. Họ nói với Hùng là tôi núp vào NLS để hoạt động chính trị, họ cài người vào để theo dõi tôi làm gì ở đó. Công an đã vài lần mời Hùng lên trụ sở để làm rõ quan hệ với tôi. Người thân của Hùng ở quê cũng được chính quyền nhắc nhở hãy khuyến cáo Hùng đừng chơi với tôi. Nhưng Hùng chả nghe những lời cảnh báo ấy, vì đơn giản quan hệ tôi và Hùng thế nào Hùng biết.  Tôi đã nể phục Hùng vì những nghị lực của anh, về tấm lòng của anh với những người khuyết tật khác. Nhưng tôi càng nể hơn khi con người có thể xác rúm ró ấy có một cái nghĩa khí mà chỉ dân giang hồ mới có, đó là trọng tình bạn. Bẵng đi có dạo tôi không đến NLS, Hùng gọi điện bảo tôi tới có chuyện muốn nhờ. Đến nơi có hai anh em ngồi với nhau, Hùng nói.

- Em biết dạo này anh không qua em, vì anh lo cho em, sợ em bị liên lụy ảnh hưởng. Em nói trước sau một điều là anh đừng phải sợ thế, em làm cái gì là đều do em suy nghĩ và tự quyết định.

Tôi không biết nói gì. Cái ngày tôi bị bắt vào tháng 9 năm 2009 bởi cơ quan điều tra của Bộ Công An. Nguyễn Công Hùng cùng mấy anh em khuyết tật, xe lăn, lạng, người không tay, người không chân tìm đến nhà tôi để đưa cho mẹ Tí Hớn 2 triệu đồng . Rồi Hùng cắt đặt người trong trung tâm trường hợp tôi không về thì sẽ phải phân công đưa đón Tí Hớn đi học.

Khi hàng xóm của tôi hả hê vì chuyện tôi bị bắt, nhiều người khác e dè lảng tránh, có kẻ thấy Tí Hớn đi học về còn hỏi xỏ xiên giọng đầy khoái trá  - Thế nào, bố mày đi chơi chưa về à.?

Tí Hớn quay mặt đi coi như không nghe thấy,tuy mới 4 tuổi, nó biết đó là câu hỏi đểu cáng.

 Lúc đó những người khuyết tật ở trung tâm từ thiện Nguyễn Công Hùng đã đến nhà tôi an ủi động viên đầu tiên, tiếp theo là mấy anh em người Công Giáo. Đến thăm vợ con của một kẻ mới vừa bị bắt hôm trước vì tội xâm phạm an ninh quốc gia là điều chính quyền này chả thích tí nào. Có khi chính quyền coi đó là hành động khiêu khích đằng khác. Việc Hùng đến thăm là một bất ngờ và là động viên lớn cho gia đình tôi lúc đó rất nhiều. Sau này tôi còn nhiều lần bị gọi lên cơ quan an ninh, có lúc đi ra khỏi trụ sở an ninh thấy Hùng và những anh em khuyết tật đang chờ ngoài cửa. Mới biết là họ đứng đợi ở đây và ì xèo đòi gác cổng vào bảo cho tôi về sớm đón con.

Hôm nay ngồi ở Weimar này, trời đang mưa. Cứ mưa là nhiệt độ ở đây xuống rất thấp. Mưa nhỏ nhưng tầm tã, lạnh y như hôm tại miền quê hẻo lánh đất Nghệ An tiễn Hùng về nơi suối vàng. Là người Ki Tô Giáo, gọi theo cách họ Hùng về với Chúa, trong vòng tay che chở của Đức Mẹ Maria. Cơn mưa lạnh ở xứ người khiến tôi nhớ đến cơn mưa tiễn Hùng đi đến thiên đàng. Mưa hôm ấy cũng lạnh buốt.


Một đêm trước ngày ra đi vĩnh viễn không xa, lúc chỉ tầm 3 giờ sáng Hùng gọi điện cho tôi nói một câu ngắn ngủi. Anh đến chỗ Xa La, em đang ở ngoài đường một mình.

Tôi không chỉ hỏi chính xác chỗ nào, rồi lấy xe máy cắm đầu phí đến nơi. Người khác sẽ hỏi nguyên nhân khi nghe điện thấy vậy. Nhưng tôi nghĩ đây không phải là lúc thắc mắc. Đến nơi Hùng chờ tôi ngoài đường, có thêm thằng Thương ( Thương bị cụt một tay đến khuỷu, tay kia cụt gần hết bàn). Hùng bảo thằng Thương đi đâu đó. Tôi đẩy xe Hùng vào chỗ khuất gió dưới chân tòa chung cư cao tầng, trời còn chưa sáng. Tôi cởi cái áo khoác quàng lên cho Hùng. Đốt thuốc chờ đợi Hùng nói.

- Anh thấy em sống hay là chết hơn, em sống mà thân hình em thế này có được hưởng gì đâu. Ngày em chỉ ăn có mấy thìa cơm. Luôn phải lo nghĩ đủ điều anh ạ.

Tôi vừa vất mẩu thuốc xuống đất, thì Hùng nói. Tôi bảo.

- Con người có cái số, có người sống cho bản thân mình, có người sống chịu thiệt thòi để làm những điều tốt cho người khác. Số em là vậy, tưởng em phải biết chứ.

- Em biết, nhưng hôm nay em vẫn muốn hỏi câu thế với anh.

Tôi không trả lời, tôi biết Hùng cần tôi để nghe Hùng nói. Trong cuộc đời của Hùng quen rất nhiều người, rất nhiều bạn. Tôi là người trong một số ít người quen mà Hùng hay gọi đến để nghe anh tâm sự.

Trời đã sáng, hàng quán dọn ra. Hùng bảo tôi đẩy xe vào quán ăn nào đó ăn gì và ngồi cho đỡ lạnh. Chúng tôi vào hàng phở. Tôi vừa ăn , vừa cho Hùng ăn. Hùng ăn có vẻ rất khó khăn, tôi biết anh có điều gì đó trong lòng, nỗi niềm ấy cứ dâng lên trong cổ, mỗi miếng ăn dù tôi đã lựa rất nhỏ nhưng dường như cũng khiến anh bị nghẹn.

Hùng đã cạn tiền, trước nay Hùng chỉ có cho tôi vay tiền hoặc bán cho tôi máy tính, máy ảnh với giá rẻ bèo kiểu vừa bán vừa cho. Chiếc máy tính tôi mang theo sang Đức lần này chính là chiếc máy tính Lenovo mà Hùng đang dùng. Mấy hôm trước Hùng cho thằng Còi xuống tôi hỏi mượn 5 triệu. Tôi biết anh rất bí bách và đang đối phó với nhiều chuyện lớn.

Chuyện khiến anh nghĩ nhiều nhất là mua một ngôi nhà. Hùng đã làm đơn xin chủ tịch ủy ban thành phố tạo điều kiện giúp đỡ cho những người khuyết tật ở NLS có chỗ ở ổn định. Từ trước đến giờ trung tâm toàn đi thuê, Giá nhà chốc lại tăng hoặc chủ nhà lấy nhà về bán. Nhưng đau lòng nhất là chủ nhà cho thuê rồi , được vài bữa họ thấy toàn người khuyết tật ở. Họ cảm thấy xúi cho nhà của họ nên không cho thuê nữa. Đầu tiên đi thuê nhà thì tất trung tâm nhờ người lành lặn đi đứng hợp đồng, sau đó mới chuyển đến ở. Chủ nhà thấy toàn người khuyết tật, không muốn cho thuê nữa, họ cứ đợi hết 6 tháng đầu là  chấm dứt ,không thêm hợp đồng với lý do bán nhà, đổi nhà....Những người khuyết tật xe lăn, chống nạng lục tục chuyển nhà đi tìm nơi ở khác. Cứ thế vài tháng lại một lần chuyển nhà.

ảnh Nguyễn Lân Thắng . Một lần đi tìm nhà thuê của Người Buôn Gió và Nguyễn Công Hùng.

Đơn xin giúp đỡ về nhà cửa của Nguyễn Công Hùng gửi đến thành phố Hà Nội không có hồi âm. Người tiếp nhận trả lời một cách vòng vo, khó hiểu. Đại loại là thành phố không có chính sách hỗ trợ thế này. Muốn được giúp đỡ thì phải lập dự án, có con dấu pháp nhân. Sau đó trình dự án để thành phố xem xét.

Nguyễn Công Hùng từng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng bằng khen, anh từng gặp đương kim chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đương kim tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nông Đức Mạnh, bí thư đoàn Võ Văn Thưởng họ tiếp anh ân cần, chu đáo trước ống kính truyền hình, báo giới...nhưng cái chế độ cộng sản Việt Nam là một chế độ quang minh chính đại rạch ròi. Không có chuyện tình cảm xen lẫn công việc, một chế độ ưu việt về sự công bằng , không có thiên lệch. Dù là Nguyễn Công Hùng và chục người khiết khuyết về thể xác có đội đơn xin thì mọi việc vẫn phải theo trình tự, thủ tục luật pháp.

Hành trình làm dự án để trung tâm có con dấu pháp nhân là một hành trình khiến Nguyễn Công Hùng suy kiệt và hao tổn tinh thần nhất trong những khó khăn mà anh đã vượt qua. Có những lúc tưởng xong, rồi cơ quan hành chính lại yêu cầu cái gì đó. Về hối hả làm đi đến nơi lại thiếu cái khác. Tâm lý luôn từ trạng thái hy vọng rồi chán nản, rồi lại hy vọng dày vò Nguyễn Công Hùng mấy năm trời trên con đường đi thành lập trung tâm có tư cách pháp nhân. Khoảng giữa năm 2012 tôi chở Hùng đến Bộ Nội Vụ để làm thủ tục xin thành lập trung tâm. Vào đến nơi nghe nói chuyện , mới thấy khôi hài. Đại khái người của Bộ Nội Vụ nói là  đơn xin là lúc các anh chưa có người, các anh xin và bắt đầu thành lập, giờ các anh có người đang hoạt động đấy rồi thì xin thành lập cái gì nữa.

Hùng nói chúng tôi hoạt động mới thấy có nhu cầu cần thành lập trung tâm có danh nghĩa pháp nhân. Giờ xin sao không được. Bên Bộ Nội Vụ xoay sang bảo là các anh muốn có thì các anh phải làm thành viên trong một đơn vị chủ quản của Bộ LĐTBXH...

Thì ra mấu chốt là vậy, Hùng và các bạn phải làm đơn xin Bộ LĐTBXH gia nhập như một nhánh của họ. Làm cái gì phải thông qua họ.Con đường đi làm việc với Bộ LĐ & TBXH gập gềnh và trắc trở bởi lắm thứ nhiêu khê cần phải chạy đi chạy lại xin xỏ chứng nhận nơi này, nơi kia...rút cục là vô vọng.

Trong quá trình Hùng đi xin thành lập tư cách pháp nhân cho trung tâm, phải nói thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng của Bộ TT&TT là người giúp đỡ anh rất nhiều. Giúp đỡ thực sự với tình người, với lòng nhân ái. Tất nhiên tôi chẳng ưa gì các quan chức của chính quyền này. Nhưng khách quan nhìn thì tôi thấy thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trong thời gian dài đã có những quan tâm đến Nguyễn Công Hùng và trung tâm một cách thiết thực  chứ không phải tặng hoa hay bằng khen rồi động viên dăm câu ba điều trước ống kính như người khác. Ngay cái hôm chúng tôi đến Bộ Nội Vụ, một cán bộ trợ lý hàm vụ trưởng được ông Hồng phái sang nói đỡ cho trung tâm. Nhưng việc đòi hỏi, yêu sách từ phía Bộ Nội Vụ khiến chúng tôi ra về thẫn thờ. Ông trợ lý của thứ trưởng Hồng khuyên Hùng hãy kiên nhẫn, để tìm cách giải quyết với Bộ LĐ & TBXH thế nào.

Nguyễn Công Hùng cần một căn nhà để làm gì, anh ở ư.? Người như anh  như một cái đống rẻ chừa mỗi cái đầu với đôi mắt thông minh và hiền hậu, cần nhà to làm gì.? Cựa mình anh còn chả tự cựa nổi.

Mong muốn đào tạo cho người khuyết tật có kiến thức về tin học là ước mơ của Hùng, xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Anh hiểu với mức độ khiếm khuyết về cơ thể, người khuyết tật nếu có trình độ tin học sẽ có khả năng tìm kiếm việc làm cao và phù hợp với sức khỏe. Từ ước mơ ấy , Nguyễn Công Hùng đã biến thành hành động , anh thuê nhà, xin máy tài trợ và giảng dạy miễn phí cho những người khuyết tật. Nhưng người khuyết tật nào mà có thể sáng đi đến lớp học, chiều đi về như những người khác. Cho nên thường học viên các khóa học đều xin ở lại trung tâm cho tiện.

Vài năm trước kinh tế Việt Nam không đến nỗi nào. Nhiều công ty mở ra hoạt động. Nguyễn Công Hùng vì thế mà có khách hàng đặt làmg trang web cho công ty họ. Sau các công ty cứ thưa thớt dần, nhiều công ty có hợp đồng để Hùng quản lý, cập nhật trang web của họ còn chấm dứt hợp đồng. Công ty mới mở thì như sao buổi sớm. Khó khăn như vậy, tiền thuê nhà ngày một nặng gánh trên đôi vai dặt dẹo, méo mó của chàng trai 30 tuổi nặng 19 klg không có khả năng tự mình di dịch khỏi chỗ ngồi. Buồn nhất là chuyện thuê được nhà nhưng chỉ được thời gian là chủ nhà kiếm cớ đuổi đi, vì họ không muốn người khuyết tật ở nhà họ. Tổn thương về tinh thần ấy đâu phải ai cũng nói ra được.

Căn nhà Nguyễn Công Hùng mơ ước để làm chỗ dạy học và nội trú cho những người khuyết tật không cao xa gì lắm đâu. Dự định chỉ là một căn nhà chung cư 70 mét vuông loại cho người thu  nhập thấp ở Xa La Hà Đông  hay bên Phú Thụy Gia Lâm. Một căn nhà tầm 700 triệu đồng Việt Nam.

700 triệu đồng lớn hay nhỏ.? Tôi không biết lắm, vì tôi đã thấy có bà mẹ Việt Nam vì ốm đau mỗi ngày tốn 100 nghìn tiền thuốc, bà mẹ đó phải tự tử để chấm dứt cảnh tốn tiền thuốc thang, mong gia đình dành tiền đó cho con mình đi học. Vậy thì 700 triệu lớn lắm chứ.

Tôi cũng thấy một người mâũ xinh đẹp Việt Nam diện cái váy vài tỉ đồng, những ca sĩ Việt Nam đeo chiếc đồng hồ vài tỉ đồng. Tôi thấy người ta chi cho một bát phở ăn sáng 1 triệu đồng. Vậy 700 triệu đồng cũng bé lắm.

Chàng hiệp sĩ Công nghệ Thông Tin, Người Đương Thời và vô vàn giải thưởng, được bao người biết đến với con mắt ngưỡng mộ ấy. Ai thấu hiểu cho anh đang đau đáu, trăn trở từng ngày tìm kiếm một mảnh đất để nuôi mộng ước làm việc thiện.

Đằng sau những ánh hào quang trên truyền hình, những tiếp xúc với lãnh đạo cao cao cấp nhất của Đảng và Nhà Nước chỉ là khoảng không. Như ánh đèn sân khấu , tắt là bóng tối tràn ngập. Chỉ có mình tự giúp mình đi. Nguyễn Công Hùng đã hết sức tìm mọi cách, mọi nguồn nhưng đều vô vọng. Cách cuối cùng là anh gom góp tiền , bán đồ đạc để mua nhà trả góp giá rẻ 10 đồng một mét vuông.  Khi anh mua nhà thì công việc kiếm sống ngày càng khó khăn hơn, dù trung tâm NLS đã cố gắng mở thêm nghề khác như bán hàng lưu niệm, vé máy bay, tạp hóa....nhưng miếng cơm manh áo ngày càng chật vật khó khăn...

Anh mất đi, tài sản để lại chỉ là giấy tờ căn nhà mua trả góp cho người thu nhập thấp, mới trả được một phần ba.

Giấc mơ của anh về một căn nhà làm trung tâm dạy nghề cho những người khuyết tật có tên là Nghị Lực Sống chưa thành.

Đơn giản vì 700 triệu đồng là quá lớn so với một người lao động khỏe mạnh. Huống chi anh, một người tàn tật cả thân hình.





1 nhận xét:

  1. Anh Hiếu thử liên lạc với ông Vũ Tôn Hoa Sen, hôm rồi tổ chức đón anh NICK đó xem sao ?

    Trả lờiXóa