Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MỘT SEATO (HIỆP ƯỚC PHÒNG THỦ ĐÔNG NAM Á) : TẠI SAO KHÔNG ?

Phan Văn Song
13-9-2014
trích: "Thừa Nước Đục, Hỗn Loạn Quốc Tế Trung Cộng Cũng Cố Tham Vọng Ra Đại Dương"

Tham vọng Đại Dương

(đúng theo chương trình của Lui Huaqing vẽ năm 1980 ) – (cf Alexandre Sheldon-Duplaix, “La Marine de l'Armée populaire de libération de 1949 à nos jours” Revue historique des Armées, n°230, Paris, 2003 – Ông Liu cũng là ông Tướng Tổng Chỉ huy Hải quân đầu tiên của Trung quốc chánh thức viếng thăm Huê kỳ  năm 1985).

Ra khơi, nghĩa là làm sao thoát qua khỏi “vòng đai”  chạy từ Nhựt bổn xuống đến Mã Lai Á, chạy ngang Đài loan và Phi luật Tân. Vòng đai ấy do Nhựt bổn trấn giữ, Beijing đã cho “thử” đụng chạm vài lần rồi bằng cho thử tàu lặn len lỏi. (tai nạn với một tàu lặn nguyên tử trung hoa năm 2004).

Ra khơi, nghĩa là làm sao ra khỏi vùng biển nông của các biển phiá Đông và phía Nam, để ra Đại Dương, nghĩa là một vùng biển bao la đi từ Nhựt bổn đến Indonésia ngang qua Đảo Guam, điểm tựa của lực lượng Hải và Không quân Huê kỳ, vùng Tây Thái Bình Dương. Đau khổ của Tàu là cái chìa khóa then chốt để trấn ải giữ Vòng Đai và  cửa ngõ thông thương giữa các biển cạn và Đại Dương, nơi có Hạm đội 7 Huê kỳ đang tuần tiểu, là … Đảo Đài loan.  Đầu năm 2008 nầy, Ông Ko Cheng-heng Thứ trưởng Quốc phòng Đài loan đã lớn tiếng phản đối những hoạt động quân sự của Hải quân Tàu chung quanh eo Bashi, eo biển nằm giữa Đài loan và Phi luật Tân.

Khi nào tháo gỡ được các chướng ngại vật ấy, Hải quân Tàu mới có thể nghĩ đến bài toán sau đây: bảo toàn các hải lộ tiếp tế nhiên liệu vùng Nam Á.

Đường số 1 do các tàu chở dầu loại nhỏ dưới 100 000 tấn, đi từ Phi châu hay Trung Đông đến Trung Quốc qua eo Malacca.

Đường số 2, cùng một xuất xứ, qua  hai eo biển Sonde và Gaspar.(2)

Đường tiếp vận số 3, từ Nam Mỹ đi qua hải phận Phi luật Tân, và

đường số 4, một đường đề thay thế, xuất phát từ Trung Đông và Phi Châu, len lỏi giữa những eo biển của Indonésia Lombock và Macassar, Phi luật Tân và tiến vào vùng Tây Thái bình Dương để vào các hải cảng Tàu.  Cái quan trọng là làm sao :

Bảo toàn các cửa ngõ nhập cảng nhiên liệu:

Nguy hiểm nhứt của các hải lộ nầy là nút thắt Malacca. 80 %  đường tiếp vận nhiên liệu Tàu đều đi qua nút thắt nầy. Ai cũng có thể chận được cả.  Vì vậy, Beijing tìm cách tổ chức những cửa ngõ bằng mọi giá để dẫn dầu vào Trung quốc : 

-Xây dựng và tổ chức một hệ thống đường sắt xuất phát từ các quốc gia các nước ASEAN với Trung hoa. 

-Lắp đặt một ống dẫn dầu từ Sittwe (3) trên bờ biển Miến Điện ở Ấn độ Dương nối liền với Kunming tỉnh Sichuan trên đất Tàu. Con đường tiếp vận bằng ống dẫn dầu nầy đang « bị » thương thuyết lại. Chánh phủ Miến Điện mới đang đặt lại những ký kết giữa Tàu và chánh phủ quân phiệt Miến điện cũ ;

-Tài trợ các chương trình sản xuất ngoài biển (off shore) khai thác khí đốt của các quốc gia Á châu ( đặc biệt Thái lan và Miến Điện ).

-Đang cho đào một con kinh xuyên bán đảo Kra của  Nam Thái lan ( hiện nay phải thương thuyết, lại vì những đòi hỏi của các dân tộc thiểu số bản xứ hồi giáo).

Kinh đào nầy sẽ giúp các tàu chuyên chở dầu, không qua ngã eo Malacca nữa mà đi thẳng từ Ấn độ Dương đến Vịnh Thái Lan để đến cảng SihanoukVille của Cao Miên. Từ đấy hoặc ống dẫn dầu, hoặc xe vận tải đi về phía Bắc bằng xa lộ Trường Sơn Tây đến Côn Minh.

Mặc dù có những chương trình đầy khó khăn nầy, nhu cầu hiện nay là phải cũng cố sự độc lập và  an toàn của 4 hải lộ chiền lược tiếp vận nầy. Trước mắt là Hải tặc, sau đó là những tham vọng, có thật hay nghi ngờ của Huê Kỳ, Ấn độ và Nhựt bổn. Đây cũng là Chương trình Chánh trị hàng đầu của Trung Ương Đảng Cộng sản Tàu. Beijing đã xây một lô cơ sở được gọi là “Vòng Ngọc Trai” (collier de perles), các cơ sở thường trực  nầy nằm dọc theo tuyến đường tiếp liệu của Trung hoa:. trên các hải cảng của Ấn độ Dương,

quần đảo Cocos thuộc hải phận Miến Điện, ngay trong vòng thương thuyết lại.

Chittagong và Gwadar thuộc Pakistan.

Trung quốc cũng sửa soạn thương thuyết với các nước Phi châu để mở thêm những hải cảng để yểm trợ đường tiếp liệu của mình. Tất cả những phương tiện từ tài chánh đến nhơn sự đều được cung cấp tối đa cho các quốc gia đồng minh để tạo nhựng cơ sở bảo vệ an toàn cho hải lộ tiếp liệu.

Ngoài Huê kỳ là một quốc gia Thái binh Dương, Trung quốc đang e ngại hai cường quốc khác: Nhựt bổn và Ấn độ. Đặc biệt là Ấn độ với tham vọng biến Ấn độ Dương là Đại dương của mình. Tổ chức “Vòng Ngọc trai” của Trung quốc, Ấn độ xem như là một cuộc “xâm phạm chủ quyền” của mình.

Và để bảo vệ Đại dương của mình, Ấn độ đã có ba Hàng không Mẫu hạm, chiếc đầu tiên ra đời năm 2010,  chiếc thứ ba, mua lại của Nga,. Giàn tầu lặn trang bị bởi Pháp, (theo mẫu chiếc Scorpène), tân tiến hơn giàn tầu lặn Trung quốc. Đến ngày hôm nay, hai anh vừa láng giềng vừa địch thủ nầy cố sống chung hòa bình và cố tránh mọi đụng chạm..

Với Nhựt bổn, thời gian vừa qua rất khó khăn và  căng thẳng, Hải quân Nhựt bổn, tân tiến hơn, mạnh hơn Hải quân Tàu, và vì  nhờ đã thường tham dự tập trận với Hải quân Huê kỳ, kỹ thuật chiến đấu của Nhựt cao hơn Tàu nhiều. Những kỳ đụng độ vừa qua chung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkiku, Nhựt ở thế thượng phong.

Các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, Mả lai Á, Indonésia, Singapore bắt đầu lo sợ tham vọng bành trướng nầy của Tàu. Các ngân sách trang bị Hải quân đều gia tăng vùn vụt, tất cả đều lo ngại rằng Mỹ, e vì bị sa lầy ở Irak và A phú Hãn, sẽ không còn sức đảm nhận vai trò bảo vệ những quyền lợi của mình ở  Thái Bình Dương nữa, mặc dù ngoại trường John Kerry đã xác nhận hướng chánh trị cũng cố Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.

Trung quốc cũng nhận thấy cái khó khăn của Huê kỳ. Và đây là một cơ hội ngàn năm một thuở, nên các hãng đóng tàu của Trung quốc làm việc ráo riết, từ các cảng miền Bắc trên Hoàng Hải, đến cực Nam  vùng Nam hải. Những hải cảng, những cảng trên sông, những đê điều, những hầm trú ẩn của tầu lặn ( cảng quân sự Sanya trên Đảo Hainan) được trang bị, tân tiến hóa. Nênnhớ 90 % của Phát triển Trung quốc dựa  Hàng hải.

Về mặt sản xuất Thương thuyền, và kiến trúc đóng tàu dân sự, năm 2005, Trung quốc đã đứng hàng thứ ba vế sản xuất đóng tàu thương mãi và chuyên chở, sau Nam Hàn và Nhựt bổn.

Cũng nên nhớ là đối với một nhà cầm quyền Cộng sản, đóng thuyền thương mãi hay đóng thuyền chiến đều do một kỹ thuật cả, đều  do một cơ xưởng cả.

Việt Nam trước tham vọng bành trướng của Hải quân Tàu :

Để kết luận, sau khi đã đi một vòng “xem dân cho biết sự tình”, chúng ta cũng phải nhận định là ngày nay, Việt nam là một nhược tiểu vế mặt Hải quân.

Hoàng Sa, Trường Sa không mong gì anh Tàu trả lại. Đó là Sanh mạng của Tàu, đó là Huyết lộ Sanh tử của Tàu.

Không thể làm gì hơn,  là phải làm sao chứng minh cho những cường quốc Âu Mỹ và các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN phải hiểu rõ tham vọng của Tàu; là sẽ bóp chết các nước có mặt ở bờ biển.

Muốn chung sống Hoà bình và Hài hòa phải biết nhường nhịn nhau để sống. Đó là lời tuyên bố của Tàu, còn việc làm là khác. Tàu không chia chác với ai cả. Về Sanh tồn Tàu sẽ phải xâm chiếm để có đường sanh sống. Việt Nam trên đường đi của Tàu. Lịch sử Việt Nam đã bao lần chứng minh những tham vọng bành trướng của Hán tộc về hướng Nam. Bắc thuộc đã hai lần, xâm lăng cũng đã nhiều lần. Một lần nữa e rằng cũng gần kề.

Phải vận động các cường quốc Âu Mỹ và các nước láng giềng phải giúp đở Việt Nam giữ nước,  để giữ cân bằng và an toàn cho khu vực.

Việt Nam phải biết dựa vào Ấn độ, Nhựt bổn để tạo thêm đồng minh để chia sẻ những quan tâm đối với láng giềng khổng lồ.

Một SEATO (Hiệp Ước Phòng Thủ Đông Nam Á ) phải được lập lại như xưa để chống bành trướng Cộng sản Tàu, thì ngày nay phải được dựng trở lại để cản Bá quyền Trung quốc.

NATO đang bảo vệ Âu châu chống Bá quyền Nga,  tại sao SEATO không ra đời lại ? 

Việt Nam hãy dựa vào Đài loan, dựa vào Nhựt, vào Nam Hàn, vào Indonésia, Mã Lai Á , Singapore,  Phi luật Tân để chận tham vọng Tàu, phải biết dựa vào ba cường quốc Thái bình Dương là Mỹ, Tân Tây lan và Úc Châu. Úc châu và Tân Tây Lan cùng Mỹ cũng phải tổ chức lại khối ANZUS (Australia, New Zealand, USA).

Bổn cũ soạn lại ư ? Tại sao không ? Sau Đệ nhị thế chiến, trừ Việt Nam và Triều Tiên là những cuộc nội chiến do các Cộng sản địa phương tạo thành, ở những quốc gia còn lại phương thức nầy thành công .

Thuyết của Ông Obama là lo cho nước Mỹ và người Mỹ trước. Hy vọng Ông đừng quên cái oai hùng của Huê kỳ và Bổn phận của nước Mỹ đối với thế giới. Ông cũng đừng quên phía bờ bên kia của Thái Bình Dương, phía  bờ Tây của Thái Bình Dương, phía bờ của chúng tôi.

Phan Văn Song
Trí Nhân Media

-----------------------------
Ghi chú:

1/ Tám quốc gia có Hải quân hùng hậu:
-         Huê kỳ       : 2, 900, 000 tấn.
-         Nga            : 1, 100, 000 tấn
-         Trung Hoa :     850, 000 tấn
-         HG Anh     :     470, 000 tấn
-         Nhựt bổn    :    432, 000 tấn
-         Pháp           :    307, 000 tấn
-         Ấn độ         :    240, 000 tấn
-         Ý đại lợi    :     143, 000 tấn
(Bernard Ptrézelin: Flottes de Combat 2008 Éditions maritimes et d'outre mer, Rennes 2008)
 
2/ Eo Sonde ranh giới chia Đảo Java và Sumatra  (Nam Dương Quần Đảo). Eo Gaspar ranh giới chia ĐảoBangka và Đảo Belitung. Tất cả 4 đảo nầy đều thuộc Indonésia.

3/ Sittwe nằm ở bờ Tây Miến Điện bên bờ Ấn độ Dương.
Kunming (Côn Minh) là một cảng trên sông tỉnh Sechuan (Tứ Xuyên ) Nam Trung quốc.  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét