Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NGƯỜI VIỆT CẦN CÓ MỘT AZIS NESIN

17-9-2014

Hầu như người Việt nào trên 35 tuổi, chắc cũng đều đã đọc qua hoặc ít nhất là đã nghe nói về Aziz Nesin (1915-1995), nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ. Lối viết văn của ông luôn trào phúng và mỉa mai về các vấn đề hiện thực xã hội – bề ngoài thì ngu ngơ nhưng lại đau thấu tận xương. Cũng chính vì vậy mà nhà văn gốc người Crimea-Tatar này từng vào tù ra khám nhiều lần theo lệnh của MAH (Cơ quan an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ) vì các vấn đề về quan điểm chính trị và có hành vi bị coi là tuyên truyền chống Nhà nước.

Tôi vẫn còn nhớ một truyện ngắn hết sức hóm hỉnh của ông, có tựa đề là Cái kính. Câu chuyện nhỏ đó nói về một người đàn ông vô danh sống trong xã hội đang bị lũng đoạn bởi có quá nhiều kẻ tuyên ngôn nhưng không biết mình đang nói gì, hoặc nói như một thói quen mị dân. Ông bị nhồi nhét vào đầu rằng ông đã có vấn đề về cái nhìn, bắt buộc phải mang kính để nhìn theo “định hướng”. Cuộc đời ông bị lừa mị hết sự kiện này đến sự kiện khác. Cuối cùng một ngày nọ, vô tình bị vỡ kính, ông khám phá rằng mình có thể tự do nhìn thấy được mọi thứ – tự mình chứ không cần ai “định hướng” cả.

Câu chuyện được viết hơn nửa thế kỷ về trước, nhưng không cũ kỹ trong hành trang của con người thời hiện đại. Dĩ nhiên, với Việt Nam, thỉnh thoảng ta cũng vẫn bắt gặp lại những bài học như vậy.

Mới đây, trong câu chuyện thông báo về tỉ lệ thất nghiệp của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đã gây không ít bàn tán trong dân chúng. Tỉ lệ thất nghiệp quý II/2014 của Việt Nam được xác định là 1,84% mở ra nhiều ý kiến tranh biện: Liệu con số đó đã phản ánh đúng một hiện trạng Việt Nam hay không? Bản thân việc công bố một con số đơn thuần dựa theo lý thuyết điều tra, mà không có phần mở rộng, dẫn giải đúng đằng sau con số đó, liệu có là một thái độ đúng của trí thức thật lòng với đất nước, dân tộc?

Cách tính về thất nghiệp có rất nhiều lý thuyết khác nhau. Lý thuyết kinh tế Marxist có cách tính khác, các học thuyết kinh tế tư bản cũng khác, thậm chí cứ vài năm, người ta lại tìm thấy một lý thuyết mới tái định nghĩa. Nhưng bằng cách nào đi nữa, ngôn ngữ và tư duy hiện đại chỉ có một mục đích là làm rõ hơn, chính xác hơn những gì đang diễn ra, chứ không phải là việc đưa ra một con số, bất chấp phía sau nó là những vùng mịt mờ về cuộc sống thật, chưa có lời giải.

Đừng bao giờ quên rằng từ khi lịch sử văn minh loài người con người phát minh ra khoa học thống kê, thì cũng là lúc họ xác định bản chất của kết quả thống kê luôn có sự biểu đạt nguỵ biện. Chính Joseph Stalin (1879-1953), một trong những ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản cũng đã nói rằng “Cái chết của một cá nhân được coi là bi kịch, nhưng của một triệu người thì chỉ là con số thống kê mà thôi (A single death is a tragedy; a million deaths is a statistic). Thậm chí, câu nói của nhà chính trị Benjamin Disraeli (1804-1881), Đảng bảo thủ Anh còn quyết liệt hơn “Có 3 loại nói dối: đó là nói dối, nói dối một cách khốn nạn và con số thống kê” (There are three types of lies — lies, damn lies, and statistics).

Mọi con số thống kê về thất nghiệp ở các quốc gia đang phát triển đều hết sức phức tạp, cần được diễn giải bằng hiện thực mang tính nhân văn với mọi khía cạnh nhiễu nhương đang có. Nó không thể đơn giản tính toán như ở một quốc gia phát triển đương thời. Thất nghiệp do không được thuê mướn (unemployment) và tự mình tổ chức công việc (self-employment) cũng như đóng thuế cá nhân (income tax) ở Mỹ, Đức, Pháp… Chắc chắn không thể giống như ở Việt Nam, Campuchia hay Ấn Độ. Những con số lạnh lùng không thể nói hết được hoàn cảnh của đám đông hay của một quốc gia nếu không có thêm phần thuyết minh trung thực.

Theo lời của bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam thì người Việt vốn dễ xoay sở mưu sinh, bao gồm ngành nghề nào cũng vậy, khó khăn thì ra bán trà đá hay chạy xe ôm, nên không thể thất nghiệp. Phiến diện, thì điều đó không sai. Cố gắng mưu sinh là bản lĩnh của người Việt Nam từ bao đời nay. Nhưng chúng ta cũng cần một cái nhìn thật sự Việt Nam cho người Việt Nam. Vì nếu tỉ lệ thất nghiệp chỉ là đơn thuần các con số, có lẽ người Việt từ thời thực dân Pháp là ít thất nghiệp nhất vì ai cũng có thể chọn lao động trong đồn điền cao su, đi lính cho Tây, làm ruộng tự cung tự cấp… không ai phải thất nghiệp cả.

Nếu cách tính tỉ lệ thất nghiệp chỉ là một con số tầm thường nhằm gây lạc quan, thì tiểu thuyết Ngựa người Người ngựa của Nguyễn Công Hoan cũng đã không còn tính tố cáo hiện thực xã hội, mà trở thành một tác phẩm tào lao, vì từ người phu kéo xe kiệt sức với đôi mắt mờ đục như trái nhãn đến cô gái điếm mệt mỏi nửa đêm – không có ai là thất nghiệp cả.

Điểm lại những công việc làm lây lất kiếm sống “bán trà đá hay chạy xe ôm” được Viện Khoa học Lao động và Xã hội nói đến, nó không là chuyện self-employment bình thường. Không có ai “thất nghiệp” vì bởi họ không có một hy vọng nào từ các hệ thống trợ cấp xã hội nhiêu khê, chứ không phải vì một nền kinh tế quốc gia sung túc và quá nhiều cơ hội. Và bản thân việc self-employment “bán trà đá hay chạy xe ôm” cũng luôn mơ hồ trong sự tồn tại hợp pháp của xã hội Việt Nam.

Những thứ được bà Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam tạm liệt kê, trong đó có 50% là hành rong. Nhưng 50% ấy đã bị khép trong luật, nghị định cấm bán hàng rong. 50% con số thống kê “không thất nghiệp” ấy đã không được công nhận và bị truy quét khắp các thành phố. Chărng hạn, chúng ta có câu chuyện một người bán hành rong bị Đội Trật tự phường 25, quận Bình Thạnh đánh đến bất tỉnh, vất bỏ bên vệ đường, tay vẫn bị còng như tội phạm vào cuối năm ngoái (2013). Hình ảnh đó cũng nên là một ví dụ về bất cập của việc xác định thế nào là “không thất nghiệp”.

Những thứ chúng ta đang thấy, những thứ chúng ta đang nghe, đôi khi cũng cần được tự mình nhìn thấy và viết lại, nói lại và khẳng định lại bằng hiện thực lịch sử. Có lẽ không gì hơn lúc này là ngồi xuống, giở sách, đọc lại truyện ngắn Cái kính của Aziz Nesin. Ông đã đúc kết trong một ít con chữ nhưng tràn đầy gợi mở.

Trong bối cảnh mà mọi thứ của xã hội đang ngày càng căng thẳng, Việt Nam thật sự thiếu một Aziz Nesin để ghi lại từng chuyện với sự trào phúng và giúp tạo ra tiếng cười – bất luận tiếng cười kiểu gì – cho dù ẩn trong đó là sự tức giận hay buồn phiền buông bỏ.

—————————————————–
Phụ lục: Về trường hợp anh thanh niên bán hành rong Trịnh Xuân Tình bị sai nha Trật tự đô thị phường 25, quận Bình Thạnh hàng hung.


Tuan Khanh Blog



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét