Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÂNG, DĨ NHIÊN CHỈ LÀ ÁNH SÁNG

17-9-2014

Đợt triển lãm “Cải cách Ruộng đất” vừa khai mạc ngày 8 tháng 9/2014 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội, đã đột ngột đóng cửa 2 ngày sau đó, với lời giải thích rằng “trục trặc kỹ thuật về ánh sáng”.

Buổi triển lãm ở bảo tàng vào ngày cuối cùng, được mô tả là tràn ngập các nông dân miền Bắc mất đất vào xem, theo một lời mời tinh nghịch và cũng hết sức thông minh từ trang blog Xuân Việt Nam.

Trong bản video ghi lại, người ta nhìn thấy sự hốt hoảng của các nhân viên bảo tàng khi cố gắng ngăn chận những nông dân này vào xem một cuộc triển lãm công cộng. Rõ là các nhà tổ chức, đang vinh danh cho một chiến dịch về đất đai của Đảng lãnh đạo, đã cảm thấy mắc nghẹn khi bất ngờ gặp phải những hình ảnh đối chiếu sống động và quá sắc cạnh.

Trong lịch sử, Đảng Lao Động Việt Nam dưới quyền chỉ huy của ông Hồ Chí Minh đã tiến hành một cuộc cách mạng điền địa kéo dài 11 năm (từ 1946 đến 1957), tịch thu của cải và vườn tược của hàng trăm ngàn người ở miền Bắc Việt Nam, chuyển qua cho Nhà nước quản lý. Nhưng kể từ cuộc cách mạng đó, người ta chứng kiến đến nhiều thập niên sau, là quan chức và nhiều tầng lớp cán bộ, đảng viên Cộng sản lại giàu có hơn gấp triệu lần những người bị đấu tố trong quá khứ. Họ “địa chủ” hơn, “tư bản” hơn và đáng bị đấu tố hơn bao giờ hết.

Vâng, vấn đề chỉ là ánh sáng. Sự có mặt của những nông dân Việt Nam lang thang khắp các cơ quan công quyền, cầm trên tay những xấp đơn rách nát vì mưa gió để cầu xin công lý cho đất đai tổ tiên đã mất vào tay các “nhóm lợi ích” đầy quyền lực từ Đảng, chính là một ánh sáng của sự thật. Ánh sáng đối chiếu đó làm run sợ mọi ngôn luận cực hữu, bao gồm sự thô bỉ mạt hạng như lời phát biểu của ông giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia “không nhất thiết phải phơi bày sai lầm của lịch sử”.

Không chỉ sai lầm có tính lịch sử vừa được nhắc tới, mà hiện tại cũng đã đang rầm rộ trình diễn sự tối tăm đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Tháng 5/2012, hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các bản báo cáo mở ra một khung cảnh Việt Nam tan nát: trong số hàng triệu các đơn khiếu kiện, kêu oan, tố cáo… Có đến 70% là liên quan về đất đai. Các con số này chưa bao giờ lạc hậu. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ cho năm 2013, thì trung bình có 120.000 vụ/năm đệ đơn khiếu nại, tố cáo… về đất đai.

Chiến dịch Cải cách Ruộng đất đẫm máu trong lịch sử đã được chính quyền miền Bắc tuyên bố nhận sai, sửa sai. Nhưng thông tin minh bạch về một nửa Việt Nam kinh hoàng trong những ngày tháng đó, phần nhiều chỉ tìm thấy trong các bản tin không chính thức.

Việt Nam cũng có một ngày phụ nữ Việt Nam nhưng bao giờ có ai dám nhắc đến tên bà Cát Hạnh Long (Nguyễn Thị Năm) trong ngày Phụ nữ vinh quang ấy – người đã từng nuôi giấu ông Hồ Chí Minh, nhưng cũng là người bị giết đầu tiên trong chiến dịch ghê sợ này. Và cũng nửa thế kỷ trôi qua, người ta chưa bao giờ thấy một Đài tưởng niệm những nạn nhân Cải Cách Ruộng đất được hình thành. So với số lượng những nghĩa trang và đài tưởng niệm lính Trung Quốc ở Việt Nam, những linh hồn đồng bào Việt chắc chắn có quyền hờn tủi. Hãy tự hỏi, phải chăng chúng ta đã có và luôn chấp nhận một đoạn lịch sử tối tăm và thiếu ánh sáng?

Trong những ý kiến cực hữu tìm thấy trong các cuộc tranh cãi do cuộc triển lãm này mở ra, có ý cho rằng mọi phản ứng mang tính bất bình về chính sách Cải cách Ruộng đất trong quá khứ chỉ là “phong trào”, và những người lên tiếng không có liên hệ trực tiếp nào đến sự kiện đó cả. Những lập luận này cho thấy thái độ chưa đủ chân thành và thẳng thắn của Nhà nước trong việc nhìn nhận lịch sử, đã tạo cơ hội cho những suy nghĩ giòi bọ vô lương tâm đến đồng bào mình. Loại người mà ngạn ngữ Nga vẫn hay trả lời với đại ý rằng “chỉ có loại heo chết mới không bàn đến nước sôi luộc thịt”.

Cuộc triển lãm đóng cửa vì lý do ánh sáng, hay nói một cách khác là vết thương cũ đã hơn nửa thế kỷ lại bộc phát do thiếu minh bạch.

Bóng ma của câu chuyện Cải cách Ruộng đất vẫn còn ám ảnh, một khi cái gọi là sửa sai, nhận sai chưa đủ thuyết phục. Dù đó là giọt nước mắt xin lỗi hay hình thức đền bù theo kiểu chương hồi. Nói ám ảnh là không quá đáng, theo hồ sơ công bố của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, hiện tại chỉ trong 4 năm mà miền Nam đã có hơn nửa triệu đơn tố cáo, kêu oan… về đất đai. Có hay không một cuộc Cải cách Ruộng đất với hình thức khác đã chuyển từ Bắc vào Nam?

Cuộc triển lãm Cải cách Ruộng đất hôm nay đóng cửa vì thiếu ánh sáng, nhưng rồi có thể sẽ quay lại bằng một ánh sáng khác, một ngày nào đó. Và chúng ta cũng mong những vấn nạn về đất đai hôm qua cũng như hiện tại rồi sẽ được soi chiếu bằng một ánh sáng khác. Vâng, tất cả chỉ là chuyện ánh sáng mà thôi.

Blog Tuấn Khanh

Trí Nhân Media


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét