26-1-2016
Cho đến lúc này, mọi chuyện dường như đã rõ, đại hội 12 đảng
CSVN không nằm ngoài một vấn đề căn cốt của CSVN, đó là giữ đảng và chia chác
quyền lực. Và cũng đến thời điểm hiện nay, có thể nói rằng cả Nguyễn Phú Trọng
và Nguyễn Tấn Dũng đều thành công. Không có ai thất bại trong cuộc chơi này của
họ, chỉ có nhân dân là thất bại và thiệt thòi nhiều nhất, một kiểu thiệt thòi bị
mất gà trong lúc xem tuồng.
Vì sao lại nói rằng cả Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đều
thành công? Và nhân dân thiệt thòi như thế nào để gọi là mất gà trong lúc xem
tuồng?
Nếu nhìn bên ngoài, người ta dễ nhầm lẫn rằng Nguyễn Tấn
Dũng đã bị Nguyễn Phú Trọng hất cẳng về vườn. Nhưng thực tế không hẳn vậy, bởi
Dũng chơi cờ nước đôi. Cái nước đôi này mang lại nhiều lợi thế cho Dũng, vừa
cài cắm được lớp kế tiếp vừa hợp thức hóa được sự tham quyền cố vị và nếu có
tai tiếng thì Trọng cũng mang tai tiếng nhiều hơn.
Bởi ngay từ đầu, từ những năm 2000, Dũng đã tính đến chuyện
cất nhắc Phượng và Nghị, sau đó là Triết. Cả ba người con của Dũng đều được đưa
vào vị trí chủ chốt ở các tỉnh và đây là tấm ván đà tốt nhất để tiến thẳng lên
trung ương đảng. Đương nhiên, với kinh nghiệm bản thân của một anh y tá miệt vườn
chuyển sang ngành công an, ra trung ương làm Thống đốc ngân hàng (vừa làm vừa học
tại chức đại học luật TP. Hồ Chí Minh) và sau đó làm Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng,
hô mây gọi gió… Thì việc tạo được tấm ván đà, sau đó tư vấn, tham mưu cho Phượng,
Nghị, Triết để thế hệ này tiếp tục nắm quyền bính không phải là khó đối với
Dũng (nếu như chế độ CS còn tồn tại đến lúc đó!).
Và chiêu bài xin rút là chiêu bài đắc dụng nhất của Dũng hiện
nay. Giả sử như có hai phe gồm phe Dũng và phe Trọng thì đến nay, phe Dũng vẫn
mạnh hơn phe Trọng rất nhiều, bởi cái Dũng cần đã có, đó là Nghị chính thức bước
lên sàn đấu Ủy viên ban chấp hành Trung ương. Và đây là sàn đấu mà Nghị có nhiều
lợi thế nhất.
Vì giả sử như Dũng đắc cử Tổng Bí thư trong đại hội 12, ông
ta sẽ được gì? Có thể nói là không được gì cả nếu không nói là với tình hình
kinh tế như hiện tại, một đống nợ nhà nước đang đuổi theo sau lưng và chính trị,
xã hội rối ren, tình hình biển đảo có hàng trăm mối nguy càng lúc càng thọc thẳng
vào sườn… Trong khi đó, khả năng thay đổi thể chế khi chức TBT nằm trong tay
Dũng là rất thấp bởi bản thân Dũng còn tính đến đàn con chính trị của mình.
Và khi Dũng về vườn, mặc dù đó không phải là sự tiếc nuối của
nhân dân nhưng nếu đem ra cân đo đong đếm giữa Dũng, Phúc, Trọng, Quang… Thì rõ
ràng người dân sẽ chọn Dũng thay vì các nhân vật kia. Riêng khối đảng viên Cộng
sản sẽ có không ít trường hợp xuýt xoa tiếc khi Dũng bị đẩy về vườn.
Trong khi đó, nếu Dũng ở lại thì chắc chắn sẽ chịu quá nhiều
áp lực và thách thức. Dũng đã khéo léo chơi nước cờ xin không tái ứng cử. Bởi
khi chơi nước cờ này, dù ai nói ngược nói xuôi gì thì Dũng vẫn nắm chắc cái
thanh danh “xin rút” và nếu có ở lại thì “do nhân dân, do đảng bắt ở lại phục vụ”.
Khác xa với Trọng ngay từ đầu đã để lộ rõ tham vọng bám chặt ghế TBT.
Và chuyến này, chắc chắc Dũng sẽ cười thầm, thở phào nhẹ
nhõm khi nghĩ đến tương lai chính trị của các con ông ta với hàng trăm mối thiện
cảm khi ông về vườn trong độ sung sức, hoàn toàn trái ngược với Trọng đã bắt đầu
kèm nhèm, nói năng có khi lú lẩn.
Và Dũng hơn Trọng ở điểm là khi Dũng về vườn thì con của
Dũng đã có ghế trên trung ương. Không chừng, Trọng muốn ngồi lại nửa nhiệm kì để
chờ đợi một Nguyễn Phú... A, B, C nào đó được cất nhắc cũng nên?! Rõ ràng là lựa
chọn ngồi lại ghế TBT ở đại hội 12 là một lựa chọn không mấy thông minh của Trọng.
Lựa chọn “xin rút” và để lại một mối thiện cảm, thậm chí tiếc
nuối với các đồng chí để rồi thế hệ sau lên kế tiếp là một lựa chọn khôn khéo
hơn nhiều. Nhìn chung, đại hội 12 CSVN là một cú áp phe mà cả Dũng và Trọng đều
có cái thành công riêng của họ. Bởi đây là một vở tuồng lớn mà mỗi diễn viên
trên sân khấu chính trị này có cách diễn cương như rất thuần thục, đến nỗi khán
giả không thể nào nhận biết cái tát tai tóe lửa trên sân khấu kia là thật hay
là giả, nó có chứa sự thù hận, căm ghét nào đằng sau cánh gà hay không?!
Và vở diễn li kì, hấp dẫn đến độ người xem mất gà cũng không
biết. Cái sự mất gà dễ nhìn thấy nhất là một lượng lớn tiền của nhân dân phải đổ
vào cho việc tổ chức đại hội với các cuộc diễu binh bảo vệ đại hội, mọi hoạt động
hành chính bị ngưng trệ từ trung ương tới địa phương và thị trường chứng khoán
Việt Nam tuột dốc thê thảm.
Bởi nền kinh tế Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường
như người ta tưởng mà là nền kinh tế phụ thuộc chính trị với cái tên mỹ miều
“thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bất kỳ tay nào đang được tung hê
là đại gia, người giàu nhất Việt Nam… gì đó đều có thể bị bắt, bị tù. Bởi mọi
hoạt động kinh tế của những tay gọi là đại gia này hoàn toàn dựa dẫm vào quyền
lực nhóm và sẵn sàng dẫm đạp lên đồng loại để làm giàu. Chính vì các băng nhóm
đại gia này mà hầu hết tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá đến mức trơ trọi, đất
đai bị tùng xẻo, tiếng dân oán kêu thấu trời…
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế không
sản xuất nổi một con ốc cho ra hồn và vay nước ngoài nợ chồng nợ chất, phụ thuộc
vào xuất khẩu sức lao động, xuất khẩu tài nguyên là chính.
Và khi các phe nhóm tronng tập hợp quyền lực CSVN đấu đá
nhau, sẽ có nhiều mảnh văng, nhiều cuộc thanh trừng… Và ,mỗi cuộc thanh trừng
là một lần đất nước bớt đi một kẻ phá hoại và nhân dân lại phải còng lưng mà
gánh hậu quả hắn đã phá hoại. Trong khi đó, dàn diễn viên trên sân khấu CSVN
ngày càng đông thêm, mà càng đông thì nhân dân lại phải mất công coi tuồng, coi
kịch, rồi lại mất gà, lại xót xa. Nhân dân bao giờ cũng là những khán giả thiệt
thòi và xót xa vì mất của!
Nhưng có vẻ như lần này, nhân dân mất để được còn và đảng Cộng
sản Việt Nam còn để lại mất! Khi thế nước đã xoay chuyển thì càng cố bẻ ngược
lái càng mau chết!
@RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét