6-6-2017
1.
Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar kêu gọi các đồng minh đối thoại
--- Donald Trump 'ủng hộ cô lập Qatar' --- Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Những
nguyên nhân sâu xa --- Máy bay Qatar bị cấm vào không phận Ai Cập và Saudi ---
Rạn nứt Qatar với láng giềng vùng Vịnh 'không ảnh hưởng chống khủng bố'
Bị Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất,
Bahrein và Yemen cáo buộc "yểm trợ khủng bố" và cắt đứt quan hệ ngoại giao,
ngày 06/06/2017, Qatar kêu gọi các nước trên "đối thoại cởi mở và trung thực" để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Phát biểu trên truyền hình, ngoại trưởng Qatar khẳng định,
là một đồng minh lâu năm của cả Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út, Doha sẽ không có bất cứ
hành động « leo thang » nào khiến căng thẳng gia tăng. Chính phủ Qatar khẳng định
sẽ "tiến hành mọi biện pháp cần thiết để làm thất bại các mưu đồ làm hại đến đời
sống người dân và nền kinh tế đất nước".
Lãnh đạo ngoại giao cũng nói thêm là mối quan hệ Qatar - Hoa
Kỳ mang tính chiến lược, các lĩnh vực hai nước hợp tác nhiều hơn các lĩnh vực
Doha và Washington có bất đồng.
Về phản ứng quốc tế, Hoa Kỳ kêu gọi các nước vùng Vịnh «
đoàn kết ». Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến khích các bên « tìm giải pháp
thỏa hiệp ». Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif và đồng nhiệm Nga Serguei
Lavrov đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với ngoại trưởng Qatar.
Còn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, một đồng minh thân
cận của Qatar, cũng đã điện đàm với lãnh đạo các quốc gia có liên quan và với cả
đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhằm góp phần giải quyết bất đồng giữa các nước
được gọi là « anh em, bè bạn » ở vùng Vịnh.
Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1981,
khi Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (CCG) được thành lập, gồm Ả Rập Xê Út, Bahrein,
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Koweit, Oman và Qatar. - RFI
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng
ngoại giao sau khi nhiều nước Ả Rập cắt đứt quan hệ với Qatar.
Đăng một loạt tin trên Twitter, ông Trump dường như ủng hộ
việc cô lập Qatar.
Ông Trump viết trên Twitter rằng ông "vui mừng"
khi chuyến thăm Ả Rập Saudi gần đây "đang có kết quả".
"Họ nói sẽ cứng rắn với việc cấp tiền cho cực đoan, và
tất cả đều chỉ vào Qatar. Có lẽ đây sẽ bắt đầu để chấm dứt khủng bố."
Ông Trump nói khi thăm Ả Rập Saudi mới đây, ông được cho hay
Qatar đang tài trợ "ý thức hệ cực đoan".
Diễn văn của ông Trump tại thủ đô của Ả Rập Saudi, lên án
Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống cực đoan, được xem là khuyến khích
các nước vùng Vịnh chống lại Qatar.
Cùng trong tuần ông Trump thăm Ả Rập Saudi, các nước gồm Ai
Cập, Ả Rập Saudi, Bahrain và UAE đã chặn các trang tin của Qatar gồm cả
al-Jazeera.
Thứ Hai tuần này, Ả Rập Saudi, Bahrain, và UAE ra lệnh cho
công dân Qatar phải ra đi trong vòng hai tuần.
Các nước này cũng cắt đứt mọi tuyến đường giao thông với
Qatar.
Kuwait đã đề nghị làm trung gian đàm phán, còn Qatar nói họ
sẽ hoan nghênh đối thoại.
Ả Rập Saudi và Bahrain đã rút giấy phép hàng không Qatar
Airways, ra lệnh các văn phòng phải đóng cửa trong 48 tiếng. - BBC
***
Từ khi được thành lập năm 1981, chưa bao giờ Hội đồng Hợp
tác vùng Vịnh lại gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Về mặt chính thức
các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, đã cắt đứt bang giao với Qatar vì
nước này bị cáo buộc là yểm trợ khủng bố, cụ thể là yểm trợ tổ chức Nhà nước Hồi
Giáo và Huynh đệ Hồi Giáo. Nhưng quyết định nói trên thật ra xuất phát từ
nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nhằm làm suy yếu vai trò ngoại giao ngày càng lớn
của Qatar, đồng thời khơi lại căng thẳng với Iran, quốc gia đang bành trướng thế
lực trong vùng.
Từ nhiều ngày qua, giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh
đã « cơm không lành, canh không ngọt », nhưng đỉnh điểm là ngày 23/05/2017, khi
hãng tin chính thức của Qatar thông báo là trang web của họ đã bị tin tặc thao
túng để phát đi những thông tin sai lạc, trong đó có những tuyên bố được cho là
của lãnh đạo Qatar, Tamim al-Thani.
Lãnh đạo Qatar dường như đã cảnh báo các đồng minh vùng Vịnh
là không nên đối đầu với Iran, cường quốc Hồi Giáo khu vực, đồng thời đã bênh vực
cho tổ chức Hamas Palestine và Hezbollah Liban, hai tổ chức đều do Iran yểm trợ.
Mặc dù phía Doha đã cải chính, những tuyên bố đó đã được các phương tiện truyền
thông của Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập liên tục
phát đi phát lại, cho nên đã gây lên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội của
những nước đó.
Trước đó, ngày 21/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viếng
thăm Ả Rập Xê Út và đã được đón tiếp rất trọng thể. Khác với người tiền nhiệm
Obama, đã cố hòa dịu với Iran để đạt được thoả thuận hạt nhân giữa quốc tế với
Teheran, tại Riyad, ông Trump đã cực lực lên án Iran can thiệp gây mất ổn định
các nước Ả Rập và yểm trợ khủng bố.
Tuyên bố như thế, tổng thống Mỹ coi như ủng hộ vai trò lãnh
đạo khu vực của Ả Rập Xê Út và đồng tình với đường lối cứng rắn của Riyad đối với
Iran.
Cho tới nay, Ả Rập Xê Út rất bực bội khi thấy đàn em Qatar vừa
rất năng động về ngoại giao, vừa quá thân thiết với Mỹ. Vào lúc Ả Rập Xê Út muốn
lập một liên minh các nước Hồi Giáo Sunni để đối đầu với nước Iran Hồi Giáo
Shia, Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran.
Không thể chịu được nữa, Ả Rập Xê Út đã lợi dụng ngay tuyên
bố được cho là của lãnh đạo Qatar để cáo buộc chính quyền Doha yểm trợ khủng bố,
rồi lấy cớ để cắt đứt bang giao. Vì Riyad cáo buộc Qatar yểm trợ tổ chức Huynh
Đệ Hồi Giáo, nên lôi kéo cả Ai Cập và Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập vào
khủng hoảng ngoại giao. Cairo và Abou Dabi vốn rất thù ghét Huynh Đệ Hồi
Giáo. Nhất là Ai Cập đang rất cần đến trợ giúp tài chính của Ả Rập Xê Út nên lại
càng tích cực tham gia "dạy một bài học" cho Qatar.
Nhưng khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các láng giềng
thật ra sẽ chỉ có lợi cho Iran, vì cho tới nay Teheran vẫn rất ngán ngại khối
đoàn kết vùng Vịnh. Nay khối đoàn kết này đang tan rã, nhất là vì trong Hội đồng
Hợp tác vùng Vịnh, Koweit và Oman đã không theo chân Ả Rập Xê Út trong việc trừng
phạt Qatar.
Trước mắt, lợi dụng tình hình này, Iran tỏ ra mình là một cường
quốc có trách nhiệm khi kêu gọi Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh « nối lại
đối thoại để giải quyết các bất đồng". - RFI
***
Các máy bay của Qatar bị cấm vào không phận Ai Cập và Ả rập
Saudi, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao ngày càng gia tăng ở Vùng Vịnh đe dọa
sự gián đoạn hàng không với quy mô lớn.
Một số quốc gia đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo
buộc quốc gia này ủng hộ chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.
Các đường hàng không, đường bộ và đường biển đến Qatar đã bị
Ả rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain đình chỉ.
Qatar bác cáo buộc họ ủng hộ các chiến binh IS và cho biết động
thái này "không có căn cứ".
Bộ ngoại giao Sudan đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải
giữa các bên "nhằm đạt được sự yên bình và hòa hợp".
Sự chia rẽ lớn giữa các quốc gia Vùng Vịnh hùng mạnh, những
nước đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa
các quốc gia vùng Vịnh với nước láng giềng Iran.
Qatar tuy nhỏ nhưng lại là nơi có căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất
khu vực.
Bộ Chỉ huy CENTCOM và các đơn vị của Hoa Kỳ đóng tại căn cứ
Al Udeid, Qatar từ nhiều năm qua.
Ai đã làm gì?
Bahrain, Ả rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
phối hợp cùng nhau cắt quan hệ ngoại giao, đình chỉ tất cả các đường hàng
không, đường bộ và đường biển đến Qatar, bán đảo nhỏ bé nhưng có trữ lượng dầu
lửa lớn.
Các quốc gia nêu trên cho tất cả các du khách và công dân
Qatar thời hạn hai tuần để rời khỏi lãnh thổ của họ.
Ba nước này cũng cấm người dân nước họ du hành tới Qatar.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập cho các nhà
ngoại giao Qatar 48 giờ để rời khỏi nước họ.
Ả rập Saudi tiến thêm một bước bằng cách đóng cửa văn phòng
địa phương của Al Jazeera, đài truyền hình có ảnh hưởng của Qatar.
Tuy nhiên, Ả rập Saudi nói rằng họ vẫn sẽ cho phép người dân
Qatar tham gia cuộc hành hương Hajj hàng năm tới Mecca.
Ai Cập, Yemen và chính phủ miền đông Libya sau đó cũng có
hành động tương tự.
Gián đoạn hàng không
Cơ quan quản lý hàng không dân dụng của Ả rập Saudi cấm các
máy bay của Qatar hạ cánh hoặc quá cảnh tại các sân bay cũng như vào không phận
của nước này.
Ai Cập cũng đóng không phận đối với các chuyến bay khởi hành
từ Qatar, và cho biết tất cả các chuyến bay giữa hai nước bị đình chỉ từ 04:00
GMT hôm 6/6 "cho đến khi có thông báo mới".
Các hãng hàng không từ nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, gồm Gulf
Air, Etihad Airways và Emirates nói họ có kế hoạch hủy chuyến bay đến và đi từ
thủ đô Doha của Qatar bắt đầu từ sáng 6/6.
Những hãng hàng không giá rẻ như Fly Dubai và Air Arabia
cũng hủy bỏ các tuyến bay đến Doha. - BBC
***
Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập giải quyết
các bất đồng với Qatar. Ả Rập Xê-út, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập,
Bahrain, Yemen, Maldives và Ai Cập vừa cắt đứt các mối quan hệ với Qatar với
cáo buộc nước này quan hệ với các tổ chức khủng bố và đặt nghi vấn về sự thù
địch của Mỹ với Iran. Tất cả các nước này đều là đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc
chiến chống Nhà nước Hồi giáo và chống chủ nghĩa bành trướng của Iran. Các giới
chức Hoa Kỳ nói rằng rạn nứt này sẽ không ảnh hưởng đến các nỗ lực chung đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Hai kêu gọi
các bên trong cuộc xung khắc hãy ngồi lại nói chuyện với nhau để giải quyết các
vấn đề. Nhưng ông nói tất các các nước này phải tiếp tục duy trì cam kết hợp
tác chống khủng bố.
Ngoại trưởng Tillerson nói: “Tôi hy vọng những bất đồng này
không gây ra tác động đáng kể, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với cuộc
chiến chống chủ nghĩa khủng bố khu vực và toàn cầu. Tất cả những nước này đã hợp
tác với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố và chống Nhà nước Hồi giáo, và họ
đã tuyên bố cam kết đó trong lần mới đây nhất là tại hội nghị thượng đỉnh ở
Riyadh.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói rằng rõ ràng Iran đang
nỗ lực gây bất ổn cho khu vực:
“Từ Syria, nơi ông Assad tiếp tục nắm quyền đến ngày hôm nay
là do hành động của Iran, cho đến Yemen, nơi họ can thiệp tiêu cực vào cuộc chiến
tranh đang cô lâp hàng triệu người và đẩy họ đến nguy cơ chết đói, bệnh tật và
bạo động. Do đó tôi cho rằng những hành động của Iran gây phương hại lớn nhất.”
Xung khắc giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh không
phải là điều mới lạ.
Ông Gerald Feierstein, chuyên gia của Viện nghiên cứu Trung
Ðông, nhận định:
“Các Tiểu Vương quốc Ả Rập và Ả Rập Xê-út nói rõ ràng và
công khai rằng họ phản đối Qatar quan hệ với Huynh đệ Hồi giáo, và việc Qatar
dung chứa người tuyên truyền thánh chiến Hồi giáo Ai Cập. Và đó là những vấn đề
kéo dài lâu nay."
Chuyên gia Trung Ðông Feierstein nói rằng bất chấp những
căng thẳng, Qatar và các nước láng giềng vẫn luôn nhất trí với nhau rằng điều
quan trọng là phải đẩy lui chủ nghĩa bành trướng của Iran.
Những ông nhận định rằng sự thống nhất của các lân bang vùng
Vịnh là thiết yếu để duy trì an ninh và ổn định khu vực, và Hoa Kỳ luôn giúp
các đồng minh vùng Vịnh vượt qua những bất đồng.
Ông Feierstein nói: “Tôi hy vọng một lần nữa Kuwait và Oman
lại đóng một vai trò tích cực trong nỗ lực giải quyết cuộc xung khắc này. Tôi
được tin Hoàn thân Sheikh Tamin của Qatar sang Kuwait hồ tuần trước. Tôi đoán
là ông ấy mưu tìm sự hỗ trợ của Kuwait để tiến tới giải quyết những bất đồng,
và Hoa Kỳ một lần nữa phải ủng hộ cho nỗ lực đó."
Trước đó các nước Ả Rập đã tạm đình hoãn quan hệ ngoại giao
với Qatar, nhưng hôm thứ Hai một số nước đã cắt các dịch vụ giao thông vận tải
đường bộ, đường không và đường biển với Qatar. - VOA
|
|
2.
Trung Quốc phản pháo đề nghị của Đài Loan --- Nhà ngoại giao
hàng đầu của Mỹ tại Trung Quốc từ nhiệm
Đáp đề nghị của nhà lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn, muốn
giúp Bắc Kinh chuyển tiếp sang dân chủ, Trung Quốc nói “những giá trị và những
tư tưởng” do đảng của bà Thái thúc đẩy đã gây nên xáo trộn trên hòn đảo tự trị
Đài Loan.
Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc nói chỉ những người
dân Hoa lục mới có quyền nói đến những vấn đề của Hoa lục, đồng thời khuyến cáo
bà Thái nên bỏ thì giờ suy gẫm về “những bất bình sâu rộng” tại Đài Loan và “những
lý do khiến cho các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan bị bế tắc.”
Bắc Kinh không tin tưởng bà Thái và Đảng Dân tiến đương quyền
vì lập trường truyền thống muốn Đài Loan độc lập. Bắc Kinh nói đảo này là một
phần của Trung Quốc và chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để Đài Loan chịu sự kiểm
soát của Trung Quốc.
“Chúng ta ngày càng gần hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch
sử về mục tiêu vĩ đại hóa nhân dân Trung Quốc,” phát ngôn viên Ma Xiaoguang của
Văn phòng nói trong một tuyên bố gởi Reuters.
“Nhà cầm quyền Đài Loan không nên làm chệch hướng sự chú ý
và né tránh trách nhiệm trong khi làm tăng thêm đối kháng qua eo biển.”
Phát biểu hôm 4/6 kỷ niệm 28 năm cuộc đàn áp tàn bạo những
cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn,
bà Thái nói cách biệt lớn nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc là dân chủ và tự do,
chọc tức Bắc Kinh vào lúc quan hệ giữa hai bên xuống đến mức thấp nhất.
Bà Thái nói trên truyền thông xã hội “Nói về dân chủ, một số
quốc gia đến sớm, những quốc gia khác đến chậm, nhưng chúng ta tất cả đều đi đến
đích.”
“Mượn kinh nghiệm Đài Loan, tôi tin Trung Quốc có thể thu ngắn
những khó khăn trong việc cải cách dân chủ.”
Sau gần 40 năm thiết quân luật do Quốc dân đảng thiết lập tại
Đài Loan, đảo này vào cuối những năm 1980 bắt đầu chuyển tiếp sang dân chủ và tổ
chức bầu cử Tổng thống trực tiếp kề từ năm 1996.
Trong khi hàng ngàn người tập họp thắp nền cầu nguyện tại
Hong Kong hôm 4/6, kỷ niệm Thiên An Môn vẫn còn là điều cấm kỵ tại Hoa lục, nơi
những lễ kỷ niệm công cộng bị cấm. - VOA
***
Đại biện lâm thời của tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, David
Rank, rời bỏ Bộ Ngoại giao sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết
định rút lui khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris 2015, một giới chức cấp
cao của Mỹ cho biết ngày 5/6.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận tin từ nhiệm của
ông Rank, nhưng nói rằng bà không thể xác minh các tin tức đăng trên Twitter rằng
ông Rank từ chức vì cảm thấy không thể thông báo chính thức với Trung Quốc về
quyết định Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris tuần trước.
“Ông ấy đã từ nhiệm, phát ngôn nhân Anna Richey-Allen thuộc
Văn phòng phụ trách Đông Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết. “Đó là quyết định
cá nhân. Chúng tôi cảm kích những năm tháng ông tận tụy cống hiến cho Bộ Ngoại
giao.”
Thống đốc bang Iowa, ông Terry Branstad, người được Tổng thống
Trump chọn làm đại sứ Mỹ kế tiếp tại Bắc Kinh, dự kiến sẽ đảm nhiệm công tác cuối
tháng này.
Một tin nhắn từ một chuyên gia về Trung Quốc, ông John
Pomfret, dẫn các nguồn tin không nêu danh cho biết ông Rank từ nhiệm vì không
thể ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris.
Một giới chức cấp cao khác của Mỹ xác nhận những thông tin
trên các dòng tin Twitter và cho biết thêm rằng sau khi ông Rank loan báo ý định
từ chức hôm 5/6 ở Bắc Kinh, ông được chỉ thị của Bộ Ngoại giao yêu cầu rời khỏi
nhiệm sở ngay tức khắc.
Ông Rank có tổng cộng 27 năm phục vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ.
- VOA
|
|
3.
Đối Thoại Shangri-La: Cơ hội để Pháp tỏ rõ hướng xoay trục
qua Châu Á
Dù mới nhậm chức không được bao lâu, tân bộ trưởng quốc
phòng Pháp, giờ gọi là bộ Quân Lực, bà Sylvie Goulard, đã đến ngay Singapore để
tham dự Đối Thoại Shangri-La (02-04/06/2017). Tại đấy, cùng với nữ đồng nhiệm
Nhật Bản Tomomi Inada, nữ bộ trưởng Pháp đã không ngần ngại cổ vũ cho sự hiện
diện quân sự của Mỹ trong khu vực, và thể hiện lập trường cứng rắn đối với Bắc
Triều Tiên. Và một lần nữa, bà Sylvie Goulard cũng kêu gọi tiếp tục bảo đảm «
trật tự dựa trên luật pháp và tự do hàng hải trong vùng Biển Đông ».
Trong bài nhận định đăng trên trang mạng Pháp Asialyst ngày
03/06/2017, tiến sĩ Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về các vấn đề địa
chính trị vùng Đông Á và Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp
IFRI, đã cho rằng sự hiện diện của người phụ trách quốc phòng Pháp tại Đối Thoại
Shangri-La, một diễn đàn an ninh thường niên tập hợp hầu hết các lãnh đạo quốc
phòng của khu vực cũng như các chuyên gia về an ninh Châu Á, là một minh họa cụ
thể cho đường lối ngoại giao quốc phòng của Pháp, muốn đóng một vai trò bền vững
trong vùng, với chính phủ mới của tổng thống Macron không đi chệch hướng người
tiền nhiệm.
Pháp cũng có một chiến lược xoay trục qua Châu Á
Bà Boisseau du Rocher ghi nhận nhiều động thái xuyên suốt của
Paris nhằm khẳng định tiếng nói và quan điểm của mình về Châu Á :
- Về mặt đa phương : mong muốn tham gia tham gia cơ chế
ADMM+, tập hợp bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN cùng 8 đối tác lớn của khu vực
với mục tiêu củng cố hợp tác trong lãnh vực an ninh ;
- Về mặt song phương: tăng cường quan hệ đối tác chiến lược
với các nước trong vùng qua cơ chế 2+2 – tức là hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại
Giao – bắt đầu với Nhật Bản từ năm 2014, và với Úc vào tháng 03/2017 ; đẩy mạnh
quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với Ấn Độ.
Khi phái bộ trưởng Quân Lực của Pháp đến dự Đối Thoại
Shangri-La, một trong những sự kiện lớn về ngoại giao quốc phòng ở Châu Á Thái
Bình Dương, tổng thống Macron muốn cho thấy ý muốn có tiếng nói về chiến lược
trong một vùng then chốt cho thế cân bằng thế giới.
Đối Thoại Shangri-La : Địa bàn lý tưởng để thể hiện chính
sách Châu Á
Tân tổng thống Pháp đã tiếp tục đường lối « xoay trục » hướng
về Châu Á-Thái Bình Dương mà người tiền nhiệm đã khởi xướng, với cựu bộ trưởng
Quốc Phòng – giờ đây là ngoại trưởng – Jean-Yves Le Drian, đã từng là khách mời
rất quen thuộc với Shangri-La.
Đối Thoại Shangri-La là một nơi trao đổi vô cùng thuận lợi.
Chỉ trong vài ngày cuối tuần, bộ trưởng Pháp đã gặp được mọi đồng nhiệm quan trọng,
từ Mỹ, Úc, cho đến Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia…, biết bao đối
tác mà Pháp trong mấy năm qua đã thắt chặt thêm quan hệ, với công cuộc hợp tác
sẽ tiếp tục phát triển trong hàng thập niên tới đây. Một ví dụ : chiếc tàu ngầm
cuối cùng mà tập đoàn Pháp DCNS giao cho Úc là vào khoảng năm 2050.
Sự hiện diện của Pháp tại Châu Á cho đến nay không phải là
không đáng kể : Cả về thiết bị ( hơn 30% vũ khí xuất khẩu của Pháp là cho vùng
Đông Á ), đào tạo, huấn luyện, cho đến hợp tác về an ninh hàng hải, chống khủng
bố hay an ninh mạng, Pháp là nguồn cung cấp an ninh có trọng lượng trên sân khấu
Châu Á, với chất lượng, công nghệ học và sáng kiến cải tiến được các đối tác
đánh giá cao.
Hai tuần trước khi khai mạc cuộc triển lãm hàng không Le
Bourget gần Paris, sự có mặt của bà Sylvie Goulard tại Singapore đã giúp Pháp
ghi điểm trong một lãnh vực mà cạnh trạnh rất hung tợn.
Pháp lôi cuốn Châu Âu cùng đến với Châu Á
Theo phân tích của bà Boisseau du Rocher, khi đến
Shangri-La, bà Sylvie Goulard không chỉ mang thông điệp của riêng nước Pháp. Bà
còn nổi tiếng là thân Châu Âu, và các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương đang chờ đợi
hai đầu tàu Pháp-Đức của Châu Âu khẳng định lại một quyết tâm tái dấn thân rõ
ràng và mang tầm nhìn của Châu Âu : An ninh và tương lai của khu vực không thể
bị lệ thuộc vào hai đối thủ cạnh tranh nhau là Washington và Bắc Kinh.
Đối với chuyên gia Pháp, một Châu Âu có « nhiều tham vọng »
hơn, với sự thúc đẩy trở lại một công cuộc hợp tác quốc phòng có hiệu quả mà tổng
thống Pháp Macron mong muốn và thủ tướng Đức Angela Merkel đã xác định là một
thông điệp mạnh mẽ mà bà Sylvie Goulard gởi đến cho các đối tác Châu Á.
Đấy cũng là lời giải cho những trăn trở của các lãnh đạo khu
vực về sự độc lập chiến lược của họ. Vì cho dù không hoàn hảo, nhưng Châu Âu
không chỉ mang đến cho Châu Á một thông điệp về tương lai, mà còn giúp cho khu
vực có thêm không gian hành động cần thiết.
Sự lấn áp của Trung Quốc, với nào là Con Đường Tơ Lụa Mới
OBOR, nào là Biển Đông, hiện đại hóa quân đội, cộng thêm với sự trống vắng chiến
lược đến từ một chính quyền Donald Trump khó lường nếu không muốn nói là phản
tác dụng (bỏ TPP, không rõ ràng trên hồ sơ Bắc Triều Tiên…) đã tạo ra một khoảng
trống mà Châu Âu có thể lấp đầy.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng Pháp hiện là nước châu Âu dấn
thân nhiều nhất vào lãnh vực quốc phòng và an ninh trong khu vực - hơn cả Vương
quốc Anh - và Paris có ý định đóng vai trò đầu tàu kéo các nước khác đi theo.
Dĩ nhiên là Liên Hiệp Châu Âu không thể ngày một ngày hai trở
thành một tác nhân quân sự có trọng lượng tại châu Á, nhưng ảnh hưởng chiến lược
của châu Âu là một điều có thật trên bình diện cải tổ lại cấu trúc của an ninh
và giúp giải quyết căng thẳng, từ Bắc Triều Tiên đến Biển Đông.
Chính là trên hồ sơ Biển Đông mà cựu bộ trưởng Quốc Phòng
Pháp Le Drian đã gây ấn tượng mạnh tại Đối Thoại Shangri-La lần thứ 14 (tháng 6
năm 2016) bằng cách đề nghị tổ chức những cuộc tuần tra hải quân của Liên Hiệp
Châu Âu trong vùng biển này. Đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Liên Hiệp
Châu Âu là một tác nhân đa chức năng, thực tế, và do đó hữu ích.
An ninh của Châu Á không chỉ là an ninh của Trung Quốc
Đối thoại Shangri-La cũng rất hữu ích trong việc cho phép đo
lường tầm quan trọng chiến lược của các liên minh ở châu Á. Trong địa hạt an
ninh cũng như trong các lĩnh vực khác, Trung Quốc có xu hướng chiếm lĩnh không
gian, dù cố ý hay không. Dĩ nhiên là sức mạnh chiến lược của họ, nỗ lực hiện đại
hóa và tăng cường năng lực triển khai quân đi xa, thái độ quyết đoán mang tính
chất dân tộc chủ nghĩa cứng rắn (đặc biệt là ở Biển Đông), đang làm thay đổi những
mô hình an ninh... Thái độ mập mờ của Mỹ cũng có tác động.
Tuy nhiên, cho rằng an ninh châu Á chỉ tùy thuộc vào các yếu
tố đó mà thôi là một điều nguy hiểm.
Nhật Bản của ông Abe đã sẵn sàng để trở thành một cường quốc
quân sự khu vực, nếu thủ tướng nước này thành công trong việc sửa đổi Hiến Pháp
cho phép biến quân đội Nhật, cho đến nay chuyên phòng thủ, thành một lực lượng
tấn công.
Ấn Độ, nước đã mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp vào năm
2016, đã thúc đẩy một chính sách Hướng Đông hiện đang có kết quả mà thủ tướng Ấn
Modi có ý định phát huy. Hàn Quốc là trung tâm của các cuộc đàm phán về tương
lai bán đảo. Một số quốc gia Đông Nam Á đã trở thành những tác nhân an ninh thực
thụ, ngay ở trung tâm vòng xoáy an ninh của châu Á.
Bà Boisseau du Rocher cuối cùng liệt kê những điều Paris cần
thực hiện để phát huy hơn nữa vai trò của minh trong vùng : Trấn an các đối tác
về quyết tâm dấn thân của Pháp nhằm phục vụ một Liên Hiệp Châu Âu có trách nhiệm
tại Châu Á-Thái Bình Dương, duy trì một mạng lưới các mối quan hệ song phương
và đa phương, thiết lập những mối quan hệ mới, nêu bật những ưu tiên của Tổng
thống Macron và thử nghiệm các sáng kiến bằng cách đo lường phản ứng trước các
chủ đề nhạy cảm... sẽ vô cùng quan trọng để nâng cao uy tín và ảnh hưởng Pháp
hiện có trong vùng. - RFI
|
|
4.
Vụ MH17: Thêm nhiều thông tin về vai trò của Nga
Báo cáo của mạng lưới điều tra Bellingcat công bố ngày
05/06/2017 tiết lộ nhiều thông tin mới cho thấy sự can dự hiển nhiên của Nga
trong vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị trúng tên lửa
hồi tháng 7/2014. Toàn bộ 289 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Bellingcat là một mạng lưới điều tra độc lập do phóng viên người Anh Eliot
Higgins chủ trì.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :
« Về vụ chuyến bay MH17 rớt tại vùng Donbass ngày
17/07/2014, hàng loạt giả thuyết về những thủ phạm giấu mặt tiếp tục được tung
ra. Tuy nhiên, các điều tra của tổ hợp các nhà báo độc lập Bellingcat chỉ rõ
quân đội Nga đã tham gia trực tiếp trong việc vận chuyển tên lửa BUK, bắn hạ
chiếc Boeing trên bầu trời Ukraina.
Mạng lưới điều tra Bellingcat công bố hôm qua một báo cáo mới,
lần này cho thấy lộ trình di chuyển của tên lửa, từ một căn cứ quân sự ở vùng
Koursk, Nga, đến biên giới với Ukraina.
Bellingcat đã xác định các địa điểm và tìm được những người
tham gia dựa trên các bức ảnh được binh sĩ Nga đưa lên mạng xã hội. Ảnh vệ tinh
cho thấy chính lữ đoàn hậu cần số 69 của quân đội Nga đã chuyển sang
Ukraina tên lửa đặc biệt này. Các nhà điều tra còn xác định là viên tài xế
chuyến xe có tên Dimitry X.
Các dữ kiện nói trên đã được chuyến đến văn phòng của cơ
quan điều tra. Tại Liên Hiệp Quốc, Nga tiếp tục chống lại việc thành lập một
tòa án quốc tế đặc biệt về vụ MH17 ».
Tháng 9/2016, cơ quan công tố Hà Lan phụ trách điều tra đã
công bố các kết luận sơ bộ, cho thấy tên lửa đã được chuyển từ Nga qua Donbass,
miền đông Ukraina. Khoảng 100 người đã « tích cực » tham gia vào vụ này.
Theo báo The Australian hôm 17/05/2017, Hà Lan, Úc, Ukraina,
Malaysia và Bỉ đang phối hợp xem xét các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa vụ
MH17 ra xét xử tại một tòa án quốc tế, cho dù có thể không dẫn độ được các bị
cáo. - RFI
|
|
5.
Montenegro gia nhập NATO : Nga dọa trả đũa
Ngày 05/06/2017, Montenegro chính thức trở thành thành viên
thứ 29 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, bất chấp việc Nga đe dọa trả đũa.
Reuters cho biết thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã dự
buổi lễ chào mừng sự kiện trên tại Washington, với sự có mặt của tổng thư ký
NATO Jens Stoltenberg. Bộ Ngoại Giao Mỹ hoan nghênh Montenegro, vì nước này đã
quyết tâm “thực hiện quyền lựa chọn các liên minh cho riêng mình bất chấp việc
các nước khác hợp lực nhằm gây sức ép”.
Với 620.000 dân, Montenegro là một trong những thành viên nhỏ
nhất của NATO, nhưng sự gia nhập của nước này cho phép NATO từ nay có thể kiểm
soát được toàn bộ khu vực ven biển Bắc Địa Trung Hải, từ eo biển Gibraltar cho
tới biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Vì thế, việc Montenegro gia nhập NATO
đã khiến Matxcơva tức giận.
Điện Kremlin chỉ trích chính phủ Montenegro đi theo “con đường
thù địch”. Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov
nói Matxcơva có quyền trả đũa trên cơ sở có đi, có lại.
Hồi tháng 04/2017, Matxcơva đánh giá việc quốc gia thành
viên của Nam Tư cũ gia nhập Liên Minh “phản ánh đường lối đối đầu ở châu Âu, tạo
ra các giới tuyến mới”. - RFI
|
|
6.
Australia: Vụ tấn công Melbourne là khủng bố
Cảnh sát Australia ngày 6/6 loan báo xem vụ vây hãm ở
Melbourne là một hành động khủng bố sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành
viên của họ là tay súng thực hiện vụ này.
Trong vụ đọ súng trước đó, cảnh sát hạ sát người mà họ tố
cáo đã cầm giữ một phụ nữ làm con tin bên trong một tòa chung cư ở Melbourne.
Nhà nước Hồi giáo, trên thông tấn xã Amaq của họ, công bố vụ
tấn công được tiến hành vì Australia là một thành viên trong liên minh do Mỹ dẫn
đầu chống lại IS.
“Chúng tôi xem đây là hành động khủng bố,” cảnh sát bang
Victoria nhấn mạnh
Cảnh sát cũng đang điều tra về cú điện thoại gọi tới phòng
tin của kênh truyền hình Seven trong thời gian diễn ra vụ vây hãm. Một giọng
nam đã gọi tới đài nói rằng vụ tấn công có liên hệ tới Nhà nước Hồi giáo.
Australia, một đồng minh của Mỹ, đang trong tình trạng cảnh
giác cao độ đối với các cuộc tấn công của những phần tử chủ chiến trở về từ
Trung Đông hoặc các ủng hộ viên của họ.
Kể từ năm 2014, cảnh sát đã phát hiện hàng chục âm mưu khủng
bố và bắt trên 60 nghi phạm, Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, cho biết. -
VOA
|
|
7.
Người Hoa sang Mỹ lùng rùa quý hiếm đem về làm ‘đặc sản’
Các thanh tra thú hoang liên bang trong khi tình cờ khám xét
hàng hóa gửi sang Trung Quốc tại một trạm bưu điện ở Los Angeles, phát giác 170
con rùa được giấu trong những đôi vớ đàn ông, chứa trong những kiện hàng không
có ghi địa chỉ người gởi.
Báo Los Angeles Times trích lời giới bảo tồn thiên nhiên nói
rằng vụ liên quan đến 70 con rùa đốm và 100 rùa hộp Bắc Mỹ, bị tịch thu hôm 9
Tháng Năm, là một ví dụ cho thấy sự gia tăng thèm khát ở Trung Quốc đối với
loài rùa.
Ông Paul Gibbons, giám đốc điều hành trung tâm bảo tồn loài
rùa Behler Chelonian Center ở Ventura County, nói: “Trường hợp này là dấu hiệu
của một khuynh hướng mới và đáng quan ngại. Những kẻ săn bắt lậu chỉ vì một vài
dollar để đánh đổi lấy thú hoang của chúng ta. Người Hoa đã đưa những động vật
của họ đến bờ tuyệt chủng rồi và nay họ đang muốn cướp những loài thú này của
chúng ta.”
Rùa đốm và rùa hộp, mỗi con ở thị trường chợ đen Trung Quốc
có thể kiếm được 1,000 Mỹ kim. Nhu cầu về chúng cao vì những vệt màu vàng và đỏ
trên mai, người Hoa tin là tượng trưng cho sự may mắn và mang lại địa vị tốt,
và nếu ăn vào có thể gây thêm hưng phấn tình dục, đồng thời chữa được nhiều bệnh
khác nhau.
Ông Craig Stanford, nhà sinh vật học thuộc trường Đại Học
USC, nhận xét: “Theo một phương trình quái ác, một con vật càng quí hiếm thì
giá trị của nó càng cao. Kết quả là chúng ta thấy các nhà triệu phú ở Trung Quốc
tung tiền ra để đầu tư vào những thứ như rượu nho, bất động sản, nghệ thuật, và
bất hạnh thay, loài rùa, gồm cả loài rùa ở trong sân nhà chúng ta.”
Ông James Liu, bác sĩ thú y tại trung tâm Behler Chelonian,
góp ý: “Rùa hoang ngày càng ít dần trên thế giới. Đó là lý do khiến những tay
siêu giàu ở Trung Quốc muốn sưu tập chúng, nuôi và đem khoe trong các buổi triển
lãm như người ta triển lãm xe hơi.” - nguoiviet
|
|
8.
Lương hưu $1,500 mỗi tháng, người Mỹ có thể sống trên mức
trung lưu ở Ecuador
Đối với người du khách bình thường, thành phố Cuenca ở phía
Nam quốc gia Ecuador trông giống như một thành phố của một thế giới xa xưa, nay
hầu như chỉ còn thấy trong những trang sách cũ, với các con đường lót gạch, các
thánh đường cổ xưa và các khu chợ tấp nập người mua bán.
Tuy nhiên, Cuenca nay là một nơi nhiều người dân Mỹ nghỉ hưu
đang ào ạt kéo đến, phần lớn vì không thể, hoặc không muốn, sống cuộc đời còn lại
ở quê nhà.
Làn sóng người nghỉ hưu Mỹ kéo ra khỏi nước đang ngày càng
tăng cao, khiến không chỉ làm thay đổi hình thức nghỉ hưu ở vùng Mỹ Châu, nhưng
cũng thay đổi bộ mặt của nhiều cộng đồng khắp Châu Mỹ La Tinh.
Và chiều hướng này sẽ còn lan rộng ra nữa khi có hàng đợt
người thuộc giới “baby boomer” rời khỏi lực lượng lao động mà không chuẩn bị kỹ
cho việc nghỉ hưu, theo tờ Miami Herald.
Hiện không có cách nào thật chính xác để đo lường hiện tượng
này, nhưng cơ quan điều hành An Sinh Xã Hội (SSA) trong năm 2014 gửi tiền hưu đến
380,000 người Mỹ nghỉ hưu hiện sống ở ngoại quốc, tăng 50% so với thập niên trước
đó.
Tại vùng Mỹ Châu, hồ sơ có được cho thấy giới cao niên nghỉ
hưu đang kéo về Canada, Mexico, Colombia, Dominican Republic, và Ecuador.
Hiện có khoảng 2,850 người Mỹ hưởng tiền hưu trí đang sống ở
Ecuador, theo các dữ kiện của chính phủ Mỹ.
Nhưng con số này thật sự chỉ nói lên được một góc nhỏ của bức
tranh tổng thể. Thành phố Cuenca mới đây thực hiện một cuộc thống kê và thấy rằng
chỉ riêng ở khu thị tứ nơi này đã có gần 10,000 người cao niên ngoại quốc nghỉ
hưu sinh sống, đa số là công dân Mỹ đến từ Texas và Florida.
Hai ông bà Michael và Susan Herron là một thí dụ điển hình.
Cả hai nay ngoài 70 tuổi. Họ từng sống ở Florida, Georgia, Alaska, South Carolina,
và Panama trước khi chọn sống ở Ecuador vì quốc gia này đẹp và chi phí đời sống
không cao.
“Chúng tôi có thể có đủ khả năng tài chánh sống ở Mỹ nếu
chúng tôi dọn về ở nơi đồng quê hẻo lánh hơn nữa,” theo lời bà Susan, năm nay
71 tuổi. “Nhưng chúng tôi muốn có thử thách này khi còn đủ sức khỏe để làm điều
đó,” theo Miami Herald.
Tại Cuenca, thành phố với khoảng 350,000 dân, họ có được hệ
thống chuyên chở công cộng rất hiệu quả, nhiều bảo tàng viện, hệ thống y tế tốt
đẹp, khu chợ đầy đủ các món họ muốn có.
Đây là nơi họ thuê được căn chung cư hai phòng ngủ, hai
phòng tắm rưỡi, với giá chưa tới $400 một tháng. Họ thấy rằng với khoảng $1,500
mỗi tháng, họ có thể sống cuộc đời của giới trên mức trung lưu, ra ngoài ăn tiệm
thường xuyên và đi chơi nhiều nơi nếu muốn.
“Ở Mỹ, chúng tôi chẳng có thể đi đâu,” bà Susan giải thích.
“Chúng tôi phải ở nhà.”
Các quốc gia khắp vùng hiện đang tìm cách thu hút người nghỉ
hưu Mỹ, để họ mang tiền đến nơi này. Mexico, Panama. Nicaragua và Costa Rica,
cùng một số các quốc gia khác, tạo sự dễ dàng cho giới cao niên Mỹ đến tìm hiểu
và sống nơi này.
Nhưng các giới chức thành phố Cuenca cho hay họ không thực sự
muốn thu hút người cao niên Mỹ.
Nay họ phải đối phó với sự lo ngại của dân địa phương, cho rằng
người Mỹ đang đẩy giá nhà lên cao và cũng gây ra quá nhiều phí tổn cho hệ thống
y tế.
Và khác biệt ngôn ngữ cũng tạo ra sự bực bội khi nhiều tiệm
ăn hay ngay cả nhiều khu phố trong thành phố chỉ nghe thấy toàn tiếng Anh.
Ana Paulina Crespo, giám đốc quan hệ quốc tế của thành phố,
nói rằng nhiều người dân cảm thấy họ như người xa lạ ngay trong thành phố của
mình.
Hệ thống y tế hữu hiệu, với các phương tiện máy móc tối tân
nhập cảng từ bên ngoài, với chi phí thật rẻ cũng là điều thu hút giới cao niên
Mỹ, cũng như bè bạn họ hàng của họ khi khám phá ra là tiền chữa trị thấp hơn
nhiều so với ở Mỹ.
Ông Michael Herron có lần phải vào bệnh viện vì chứng bệnh
tim. Tiền vào phòng cấp cứu, chụp quang tuyến, thử nghiệm… chỉ khoảng $133. Nếu
ông phải vào bệnh viện ở Mỹ, hãng bảo hiểm sẽ phải trả $186,000. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Trump hối thúc phán quyết về lệnh cấm du hành tại Toà Tối
cao
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã sử dụng Twitter tối 5/6 để
kêu gọi áp dụng lệnh cấm du hành đối với với người đến từ "các quốc gia
nguy hiểm", theo cách gọi của ông, đồng thời ông chỉ trích những nỗ lực gọi
là "có tính cách xoa dịu về mặt chính trị" nhằm làm giảm mức độ
nghiêm ngặt của lệnh cấm du hành ban đầu của ông, đề nghị ngăn chặn, không cho
những người đến từ một số nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh.
Ông Trump viết: "Đúng vậy, chúng ta cần lệnh cấm du
hành đối với một số quốc gia NGUY HIỂM, chứ không phải một thuật ngữ mực thước
về mặt chính trị chẳng giúp gì cho chúng ta để bảo vệ người dân của mình!"
Đoạn tweet đó được đăng tiếp sau các tweet trước đó trong
ngày 5/6 về cùng chủ đề, đổ lỗi cho Bộ Tư pháp là đã tìm cách xoa dịu, làm cho
lệnh cấm du hành trở nên bớt nghiêm ngặt, trong khi chính ông ký lệnh sửa đổi
sau khi lệnh ban đầu bị thách thức tại tòa.
Sắc lệnh hành pháp đầu tiên cấm người Iraq, Iran, Syria,
Libya, Yemen, Somalia và Sudan nhập cảnh trong 90 ngày và cấm người tị nạn từ
Syria vô thời hạn, đồng thời chấp nhận ngoại lệ đối với các nhóm tôn giáo thiểu
số. Lệnh sửa đổi đã bỏ Iraq ra khỏi danh sách, thay đổi lệnh cấm người tị nạn
Syria thành 120 ngày và loại bỏ các ngoại lệ về tôn giáo.
Nhiều tòa án liên bang đã cấm nhà chức trách thực thi lệnh,
cho rằng lệnh này vi hiến vì có tính cách kỳ thị đối với Hồi giáo.
Hôm 5/6, ông Trump nói: "Trong bất kỳ trường hợp nào,
chúng tôi đều RÀ SOÁT CỰC KỲ KỸ LƯỠNG những người nhập cảnh vào Mỹ để giữ cho đất
nước chúng ta được an toàn. Các toà án rất chậm chạp và mang tính chính trị!"
Ông viết thêm: "Bộ Tư pháp nên đưa Lệnh cấm du hành đã
bị nới lỏng ra Tòa Tối cao để sớm được phân xử - và đòi phải có một lệnh cấm gắt
gao hơn!"
Bộ Tư pháp tuần trước đã đệ đơn kháng cáo lên Toà Tối cao, đề
nghị tòa phân xử vụ Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 của Hoa Kỳ ra phán quyết
chống lại lệnh cấm du hành của chính quyền. Các trường hợp khác vẫn đang chờ
phán quyết của Toà Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9. - VOA
|
|
10.
Trump nhắm mục tiêu vào di sản của Obama về Iran, Cuba, và
khí hậu
Thỏa thuận hạt nhân Iran, hiệp định khí hậu Paris, nối lại
quan hệ Mỹ-Cuba – đó là tất cả những sáng kiến về chính sách ngoại giao quan trọng
nhất trong di sản của cựu Tổng thống Barack Obama. Tất cả những di sản đó hiện
đang bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đả phá.
Ông Donald Trump chưa bao giờ ngần ngại đả kích chính sách
ngoại giao của người tiền nhiệm:
“Thực tế là chúng tôi thừa hưởng một thực trạng nát bét. Một
mớ hổ lốn."
Trong thực tế, suốt thời gian qua ông Trump chưa thực sự
thay đổi những phần chính yếu trong chính sách ngoại giao của ông Obama, tính đến
giờ này.
Nhưng nay, từ việc tăng áp lực lên Iran trong các cuộc gặp gỡ
của ông với các nhà lãnh đạo Ả Rập cho đến quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định
khí hậu Paris, ông Trump đang hùng hổ đả phá những phần quan trọng nhất trong
di sản chính sách ngoại giao của ông Obama.
Bà Christy Goldfuss, chuyên gia của Viện nghiên cứu Tiến bộ
Mỹ, nhận định:
“Rõ ràng là trong chính quyền này, quý vị sẽ được đánh giá
cao nếu quý vị chứng tỏ là không thực hiện những gì mà chính quyền tiền nhiệm cố
công làm.”
Bà Goldfuss, người đảm trách chính sách môi trường trong Tòa
Bạch Ốc của chính quyền nhiệm, xem hiệp định khí hậu Paris 2015 là một trong những
thành tựu then chốt trong chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Obama. Mặc
dù 195 nước tham gia hiệp ước, chưa có quốc hội của nước tham gia nào thông qua
hiệp định này. Điều đó càng khiến cho hiệp định Paris dễ bị chính quyền kế nhiệm
đảo ngược.
Đó cũng là tình huống tương tự đối với thỏa thuận hạt nhân
mà ông Obama đã ký với Iran. Ông Trump cũng chỉ trích thỏa thuận này mặc dù
chưa phả bỏ.
Một mục tiêu khác dễ bị tấn công, đó là chính sách tái quan
hệ với Cuba của ông Obama. Tòa Bạch Ốc đang sắp rà soát xong toàn bộ chính sách
với Cuba của ông Obama.
Ông John Kavulich, chuyên gia của Hội đồng Kinh tế, Thương mại
Mỹ-Cuba, nhận định với đài VOA rằng chưa ai biết được những thay đổi sẽ sâu rộng
cỡ nào, nhưng chắc chắn là không có điều gì cản trở ông Trump quay ngược lại
toàn bộ
Ông Kavulich nói: “Tất cả những gì ông Trump cần là một cây
viết mực. Như chúng ta chứng kiến, ông ấy thích cầm viết lên lắm. Ông ấy thích
mấy vây viết lắm và ông ấy sẽ có rất nhiều viết.”
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã bày tỏ quan
điểm cứng rắng đối với Cuba, và ông đe dọa sẽ đảo ngược các chính sách của ông
Obama.
Trong thời gian này, hình như ông Trump đang tập trung vào
các vấn đề trong nước, và một giới chức Tòa Bạch Ốc nói với đài VOA rằng chưa
thấy có một quyết định gì lớn sắp đưa ra.
Nhưng với nhiều người trong chính quyền cũ của ông Obama, những
thay đổi mới chỉ bắt đầu.
Chuyên gia Goldfuss nhận định tiếp: “Tôi nghĩ rằng chúng ta
sẽ thấy có nhiều nỗ lực hơn thực sự đe dọa nghiêm trọng đến những tiến bộ mà
chúng ta đã đạt được trong 8 năm qua. Hình như đó đang là một ưu tiên, và không
có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đương nhiệm giảm bớt tốc độ hay không làm
nữa."
Tất nhiên, để lật ngược các chính sách của ông Obama, bản
thân ông Trump đang đơn phương hành động. Có nghĩa là những thay đổi của ông
Trump một ngày nào đó sẽ bị người kế nhiệm ông đảo ngược lại. - VOA
|
|
11.
Tuồn tài liệu mật cho một trang tin, một phụ nữ bị bắt
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa bắt giữ một nhân viên hợp đồng của
chính phủ. Bộ nói người này đã gửi tài liệu mật tới một hãng tin trực tuyến.
Thông báo này được đưa ra hôm 5/6 cùng lúc trang tin The
Intercept loan tin một tài liệu mật họ nhận được cho thấy quân báo Nga đã tìm
cách xâm nhập vào các hệ thống đăng ký cử tri của Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử năm
ngoái.
Một biên bản do một đặc vụ FBI nộp cho biết người phụ nữ bị
bắt, tên là Reality Leigh Winner, thừa nhận đã in thông tin tình báo mật và gửi
tới một hãng tin.
Biên bản cũng cho hay một cơ quan thuộc ngành tình báo Mỹ đã
điều tra và xác định có sáu người đã in tài liệu, kể cả bà Winner, và bà này đã
liên lạc qua email với một hãng tin không được nêu tên.
Tài liệu được đề cập trong biên bản và tài liệu được The
Intercept nói đến đều có ngày tháng giống nhau. - VOA
|
|
12.
Khí hậu: Bang California và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác
Ngày 06/06/2017, đại diện cho bang California, thống đốc
Jerry Brown ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận về hợp tác phát triển năng lượng
sạch trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc một tuần nhằm đẩy mạnh các hợp
tác với Trung Quốc, sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố rời bỏ hiệp định
khí hậu Paris.
Theo Reuters, trả lời báo giới, lãnh đạo California cho biết
bang này và Trung Quốc nhất trí thiết lập quan hệ Đối Tác Công Nghệ Sạch
(California-China Clean Technology Partenership), nhằm mục tiêu thúc đẩy các
công nghệ và nhanh chóng phổ biến ra thị trường. Cụ thể là trong lĩnh vực như
thu giữ khí thải CO2, cũng như các công nghệ tiên tiến khác nhằm cắt giảm khí
thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và đặc biệt là trong việc xây dựng một thị trường
mua bán phát thải carbon.
Đài phát thanh tư nhân Europe 1 của Pháp cho biết thêm, cũng
trong cuộc họp báo hôm nay, thống đốc California nhấn mạnh đến tính cấp thiết của
cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với nhận xét hiểm họa này có thể còn « nguy
hiểm hơn chủ nghĩa phát xít ». Ông Jerry Brown kêu gọi Bắc Kinh xây dựng các
tiêu chí mới, siết chặt hơn mức phát thải của các phương tiện vận tải.
Trong chuyến công du tại Trung Quốc, thống đốc California
làm việc tại hai tỉnh Tứ Xuyên (Xichuan) và Giang Tô (Jiangsu), hai khu vực đi
đầu trong việc phát triển năng lượng sạch tại nước này. Tứ Xuyên và Giang Tô
cũng là hai tỉnh đầu tiên của Trung Quốc tham gia liên minh quốc tế chống biến
đổi khí hậu, do California hậu thuẫn, cũng là liên minh quốc tế đầu tiên giữa
các vùng trên thế giới trong lĩnh vực này. Liên minh Under2 Coliation tổ chức hội
nghị vào ngày mai tại Bắc Kinh.
Năm 2015, GDP California với gần 2.500 tỉ đô la, đứng đầu nước
Mỹ và xếp hạng thứ sáu toàn cầu.
Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhiều nhất, nhưng cũng là quốc
gia đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo, với khoảng 88 tỉ đô la đầu
tư trong năm 2016, chủ yếu trong lĩnh vực điện gió và mặt trời. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
14.
Việt-Nhật ‘thúc đẩy thương mại tự do’ --- Việt Nam đang xem
xét tái đàm phán TPP
Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố cùng Việt Nam "thúc đẩy
thương mại đầu tư tự do" giữa "làn sóng bảo hộ và chống lại toàn cầu
hóa".
Ông Shinzo Abe phát biểu tại buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc ở Tokyo hôm 6/6, theo trang web chính phủ Việt Nam.
Lãnh đạo Nhật cũng hứa hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp
pháp trên biển thông qua việc cung cấp những chiếc tàu tuần tra mới.
Hai bên đã ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát
triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yên, tương đương 1 tỉ đôla.
Số tiền này dành cho bốn dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh
hàng hải; Quản lý nước ở Bến Tre; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành
phố Biên Hòa (giai đoạn 1); và Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc
(giai đoạn 2).
Hai bên cũng loan báo Nhật Bản sẽ hỗ trợ các dự án hạ tầng lớn
trong đó có đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị.
Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ
2 về đầu tư FDI vào Việt Nam. - BBC
***
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vừa nêu
trong trả lời tờ Nikkei của Nhật vào ngày 5 tháng 6 khi ông này đang có mặt tại
Xứ Phù Tang thăm chính thức theo lời mời của thủ tướng Shinzo Abe và cũng để
tham dự Hội Nghị Tương Lai Châu Á lần thứ 23 diễn ra ở Nhật.
Theo lời của người đứng đầu chính phủ Hà Nội thì bộ trưởng
thương mại Việt Nam được giao nhiệm vụ thảo luận cùng các đại diện các thành
viên còn lại trong TPP về những giải pháp cho con đường phía trước. Mục tiêu nhằm
tìm cách cân bằng và hài hòa lợi ích của các bên tham gia ký kết TPP.
Khi được hỏi những yếu tố nào trong TPP mà Việt Nam muốn
thay đổi, ông Nguyễn Xuân Phúc nói vấn đề đó đang còn được xem xét.
Trước chuyến công du Xứ Phù Tang lần này, ông Nguyễn Xuân
Phúc cũng có phát biểu với báo giới Nhật tại Hà Nội rằng Việt Nam sẽ hợp tác với
Nhật và những nước khác nhằm đưa TPP vào thực hiện. - RFA
|
|
15.
Đề xuất chặt 1.300 cây: Dân Hà Nội 'tiếc và buồn, nhưng đành
chịu'
Một số người dân Hà Nội nói với BBC rằng họ 'tiếc và buồn,
nhưng đành chịu' trước đề xuất chặt 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.
Đây là công trình do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình
giao thông Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế
hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142
cây.
Thời hạn chặt hạ, đánh chuyển cây được ấn định trước ngày
30/9.
Liên quan đến vụ việc, báo Tiền Phong hôm 6/6 nói "cây
sắp hết tuổi, không đảm bảo mỹ quan đô thị".
Còn báo Tuổi Trẻ hôm 5/6 thì dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội
Hoàng Trung Hải nói: "Cây to đùng, mình cắt mình cũng tiếc chứ. Nhưng
trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm thôi,
chẳng lẽ dừng lại không làm gì".
"Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án
giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân. Trong phương án quy hoạch đầu tư
xây dựng có tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước."
'Ngụy biện'
Hôm 6/6, Nhà giáo Mạc Văn Trang nói với BBC từ Hà Nội:
"Tôi biết nhiều người Hà Nội cũng giống như mình, tiếc và buồn, nhưng
chính quyền đã muốn chặt cây thì chỉ vì lợi ích của họ thôi."
"Mọi thông tin rằng những cây sắp bị chặt đều có tuổi,
không hợp mỹ quan đô thị... đều chỉ là ngụy biện."
"Thực tế trên đường Láng, Kim Mã có hàng cây xà cừ 50,
60 năm tuổi có bao giờ đổ đâu."
"Người dân có phản ứng hay xôn xao trước việc này thì
cũng đành chịu."
"Thật sự là tôi bi quan lắm, ông Hoàng Trung Hải đã lên
tiếng trên báo chí là cần cân nhắc việc di dời cây, nhưng đọc kỹ thì hiểu chính
quyền đã quyết định rồi."
"Thời ông Nguyễn Thế Thảo chặt 6.700 cây, người ta đã
thấy tệ rồi, đến bây giờ nếu họ lại chặt thêm đợt này nữa thì không còn gì để
nói."
Ông Trang cũng bình luận thêm: "Các nhóm hoạt động kêu
gọi biểu tình phản đối chặt cây sẽ không còn hiệu quả vì những người dẫn đầu
phong trào đều bị chính quyền theo dõi, ngăn chặn ở nhà họ trước mỗi sự kiện."
Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà, thành viên nhóm Green
Tree, nói với BBC: "Trong việc chặt cây, về mặt tuyên truyền, phía chính
quyền luôn nói về sự "đồng thuận" trong mọi quyết định với người
dân."
"Còn trong thực tế, người dân không hề được tham vấn ý
kiến về các quyết định như chuyện sắp chặt hàng loạt cây."
"Những người dân mà tôi gặp trên đường Phạm Văn Đồng đa
phần muốn một giải pháp để vừa mở rộng đường, vừa giữ được hàng cây lâu
năm."
"Còn về phản ứng của người dân Hà Nội, tôi cảm nhận là
họ sẽ không quyết liệt như năm 2015 với đề án 6.700 cây xanh."
"Điều này có thể là do chưa có cây nào bị chặt hạ, kể cả
trên đường Phạm Văn Đồng."
"Nhưng điều khác biệt lớn nhất mà tôi thấy, đó là nhóm
Green Trees đã đề xuất một giải pháp thay thế, cũng như việc sử dụng truyền
thông mạng xã hội để phản ứng với đề án chặt cây xanh."
Trên mạng xã hội, nhóm Green Trees cho biết họ "tin chắc
rằng nếu mọi dự án quy hoạch và phát triển đô thị đều có sự tham vấn đông đảo
người dân và xã hội dân sự, bảo đảm minh bạch và dân chủ, thì mọi vấn đề đều có
giải pháp."
"Chúng tôi đề nghị Ban quản lý dự án và các bên liên
quan đưa ra bản vẽ quy hoạch chi tiết. Nếu nói bắt buộc phải chặt thì dựa vào
tính toán nào," văn bản của nhóm viết.
Nhóm này đưa ra đề xuất: "Lưu ý đến việc lập, công bố
Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường; Lưu ý đến việc tham vấn người dân và các
tổ chức xã hội dân sự trong quá trình triển khai dự án; Hủy bỏ ngay lập tức kế
hoạch chặt hạ, di dời cây trên đường Phạm Văn Đồng và trong khu vực dự
án." - BBC
|
|
16.
Khách mời bị đuổi khỏi sự kiện Thủ tướng Phúc vì 'mối nguy
an ninh'
Đó là một sự kiện đặc biệt quan trọng mà bà Genie Nguyễn Thị
Ngọc Giao không thể bỏ lỡ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có bài diễn văn
tại một viện nghiên cứu chính sách ở Washington sau khi hội kiến Tổng thống Mỹ
Donald Trump hôm 31 tháng 5. Nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam cũng góp mặt.
Là người thường xuyên tham dự những sự kiện liên quan đến Việt
Nam và Châu Á được tổ chức ở Mỹ, bà Giao là một trong những người đầu tiên đến
trụ sở Quỹ Di sản (Heritage Foundation), nơi ông Phúc có bài phát biểu. Sau khi
đăng ký và đi qua kiểm tra an ninh, bà đi vào hội trường với ý định tìm một chỗ
ngồi tốt ngay chính giữa, sau hai hàng ghế được dành riêng cho các quan chức Việt
Nam vẫn còn để trống.
Khách tham dự bắt đầu đổ vào mỗi lúc một đông. Sự kỳ vọng gia
tăng trong khi còn vài phút nữa là tới giờ Thủ tướng bắt đầu đọc bài diễn văn,
theo lịch trình diễn ra vào 5 giờ chiều thứ Tư tuần trước.
Đó là lúc bà Giao bị yêu cầu phải rời khỏi hội trường ngay lập
tức. Lý do: Bà bị xem là “mối nguy an ninh.”
Phóng viên VOA có mặt trong hội trường nơi diễn ra sự kiện
này. Dù không chứng kiến khoảnh khắc bà Giao bị mời ra ngoài, VOA trước đó nhìn
thấy bà Giao đến bắt tay và chào hỏi những quan chức cao cấp của Việt Nam ngồi ở
hàng ghế đầu tiên, bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Bộ trưởng
Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Việt Nam tại
Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga.
Đại sứ Phương Nga đứng lên chào và mỉm cười khi bà Giao tới
bắt tay và trò chuyện.
“Họ cũng nói chuyện nhã nhặn thôi,” bà Giao thuật lại sự việc
với VOA. “Ý của tôi là muốn đặt câu hỏi sau này cho nên muốn chờ ông Phúc nói
chuyện xong rồi thì có dịp sẽ phỏng vấn và nói chuyện với họ.”
Nhưng không lâu sau khi bà quay trở lại chỗ ngồi để viết câu
hỏi, bà nhận thấy mình bị săm soi bởi những người mà bà nói là “mật vụ cộng sản.”
Bà cho biết một nhân viên an ninh người Mỹ đến chỗ bà ngồi và mời ra ngoài. Bà
nhanh chóng nhận ra rằng sự hiện diện của mình là một vấn đề đối với các nhân
viên an ninh Việt Nam và bà sẽ không được phép tham dự sự kiện nữa.
“Khi mà đi ra thì thấy mấy người mật vụ của cộng sản Việt
Nam đứng ở ngoài khá đông, chắc cũng phải trên năm người. Họ nhìn tôi xong họ gật
gật đầu với nhau nói là, ‘Đúng rồi.’ Họ hỏi tôi là tại sao vào đây. Tôi nói là
tôi là khách của Quỹ Di sản,” bà Giao kể.
Bà Giao nói khi chị cố gắng giải thích chị có tên trên danh
sách khách mời và được cấp thẻ khách mời, các nhân viên an ninh của phái đoàn
Việt Nam khăng khăng đòi bà trả lại thẻ này trong khi nhân viên an ninh của Quỹ
Di sản hối thúc bà chấp hành yêu cầu đó.
Bà cương quyết từ chối và đòi được nói chuyện với giới chức
cao cấp của Quỹ Di sản, theo lời bà Giao.
“Lúc đó mấy người mật vụ của Việt cộng họ có vẻ khó chịu lắm.
Họ nói là ‘Chị có giấy mời không, chúng tôi có mời chị đâu, tại sao chị đến
đây?’ Tôi cũng không muốn nói gì tại vì tôi nghĩ họ là khách của Quỹ Di sản.
Tôi cũng là khách và tôi thường đến Quỹ Di sản nhiều nữa, thì tôi thấy thái độ
đó không chấp nhận được.
“Tôi mới nói là tôi là công dân Hoa Kỳ, ở đây có quyền tự do
báo chí, tôi đến đây là nhân danh báo chí và có sự đồng ý mời của Quỹ Di sản.
Đây là chuyện bình thường ở Hoa Kỳ, đây không phải là Việt Nam.”
“Nhưng mà mấy người đó rất là khó chịu, có lẽ là họ sợ gần đến
giờ ông Phúc đến thì họ làm dữ lên. Họ đòi mấy người nhân viên an ninh mang tôi
ra. Tôi không ra. Ông nhân viên an ninh mới nói là kêu cảnh sát.”
Bà Giao kể bà buộc lòng phải đi theo nhân viên an ninh này
và tranh cãi kéo dài từ trong thang máy ra ngoài cửa tòa nhà. Một phần cuộc
tranh cãi được ghi lại bởi một người gốc Việt đứng ở bên ngoài chờ gặp Thủ tướng
Việt Nam.
“Thưa bà, chúng ta nói như vậy đủ rồi,” nhân viên an ninh
này đáp trong khi bà Giao liên tục đòi ông này giải thích. “Tôi đã trả lời bà rồi.
Họ nói là mối nguy an ninh.”
“Nhưng sao họ lại sợ tôi?” chị Giao tiếp tục chất vấn trong
khi bị dẫn ra khỏi khuôn viên tòa nhà.
“Thưa bà, tôi không biết,” nhân viên an ninh này nói.
Quỹ Di sản không hồi đáp những email và cuộc gọi điện thoại
của VOA hỏi về sự việc.
VOA đến tận nơi để tìm gặp nhân viên an ninh áp tải bà Giao
ra khỏi tòa nhà. Người này xưng tên là Robert Fisher và từ chối bình luận.
Sau đó, cấp trên của ông Fisher cũng bước ra trao đổi với
VOA. Ông này cũng từ chối bình luận và đề nghị VOA chuyển những câu hỏi sang bộ
phận báo chí của Quỹ Di sản.
“Bộ phận báo chí đang bận không tiếp xúc được,” ông này nói.
Bà Giao, Chủ tịch Hội Tiếng nói Người Mỹ gốc Việt chuyên cổ
súy sự tham gia dân sự thông qua hoạt động tổ chức cộng đồng ở quanh khu vực thủ
đô Washington, cho biết đây không phải là lần đầu tiên bà gặp phải sự đối xử
này. Đó là bởi vì chị thường hay tham dự những sự kiện có quan chức Việt Nam tới
phát biểu và đặt những câu hỏi liên quan đến dân chủ-nhân quyền khiến họ bối rối,
theo lời bà.
“Thật sự lần đó thì tôi không bị mời ra ngay lúc đó nhưng mà
những lần sau khi mà có ông [Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình] Minh hay ông [Chủ tịch
nước Trương Tấn] Sang đến, tôi muốn tham dự thì tôi không được [cho vào],” chị
Giao kể về một trải nghiệm tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS),
nơi thường hay tổ chức những buổi nói chuyện của các quan chức Việt Nam tại
Washington. “Họ gửi email mời dự, mình trả lời RSVP (hồi âm) nhưng mà khi mình
đến thì họ không đồng ý cho mình tham dự.”
Thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn bị nhiều tổ chức vận
động nhân quyền quốc tế chỉ trích vì hạn chế những quyền căn bản như tự do ngôn
luận, báo chí, lập hội và tôn giáo trong khi các nhà hoạt động nhân quyền và
blogger thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa, tấn công và bỏ tù, theo tổ chức
Theo dõi Nhân quyền.
Bà Giao mô tả mình là một người có thái độ “khá ôn hòa” và
muốn đối thoại thẳng thắn trong tinh thần mang tính xây dựng. Vì thế, bà nói chị
thường chủ động đến bắt tay chào hỏi những quan chức này. Nhưng thái độ dè chừng
và khép kín của họ khiến những cuộc trao đổi khó khăn hơn, như khi bà tìm cách
tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một lần ông đến dự cuộc
tọa đàm tại CSIS.
“Không biết vì lý do gì khi mà ông Phạm Bình Minh đi ra cửa,
ông ấy đi ngang chỗ tôi, tôi thực sự mà nói chỉ là một người bình thường, ông ấy
đi ngang thì mình cũng đứng lên chào, không biết sao ông ấy rất là sợ,” bà kể.
“Ông ấy thấy mình đứng lên muốn chào thì ông ấy lùi lại và
người bảo vệ thì lại tưởng tôi muốn làm gì ông ấy, nhưng mà thấy họ rất là sợ.
“Trong tâm của họ lúc nào cũng nghĩ những người Việt Nam
ngoài này là đối thủ của họ chứ họ không nghĩ là chúng ta là những người Mỹ gốc
Việt, chỉ muốn cho Việt Nam được tốt đẹp hơn.
“Trong lòng họ rất sợ hãi, đó là điều tôi nhận thấy,” bà
Giao chia sẻ.
Bà Giao nói sự việc ở Quỹ Di sản khiến chị “hơi bực mình”
nhưng không khiến bà nản lòng. Và bà vẫn muốn đến dự những buổi nói chuyện có sự
hiện diện của các quan chức Việt Nam.
“Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, chúng tôi nghe được người
dân thì chúng tôi phải có mặt và phải được lên tiếng,” bà nhấn mạnh. “ Có như
thế thì tiến trình ‘hữu nghị’ mới phát triển tốt đẹp được.” - VOA
|
|
17.
Nguồn nước ô nhiễm gây ung thư và tử vong nhiều tại Việt Nam
--- Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng quy chuẩn
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân khiến hơn 9.000 người chết
và hơn 100.000 trường hợp bị ung thư mỗi năm tại Việt Nam.
Đây là số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Bồn tự hoại Septic Sơn Hà – Giải pháp xanh trong
xử lý nước thải” tổ chức tại Hà Nội ngày 6/6.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định việc sử dụng bể phốt
bằng bê tông để xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị không đảm bảo do các bể
này có thể bị rò rỉ sau một thời gian chịu tác động từ môi trường, và sẽ tràn
trực tiếp vào nguồn nước ăn và nước ngầm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về các tác động của
nguồn nước ô nhiễm tới sức khỏe con người và biện pháp xử lý nước thải ở Việt
Nam. - RFA
***
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng trung
bình năm theo quy chuẩn của Việt Nam.
Số liệu của Tổ chức phi chính phủ GreenID đưa ra tại Hội thảo
“Chất lượng không khí ở Hà Nội – Tình trạng và các biện pháp khoa học và công
nghệ” tổ chức tại Hà Nội hôm 5/6 cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI)
trung bình của Hà Nội năm 2016 là 121, thuộc nhóm không tốt cho người nhạy cảm.
Lượng bụi PM2.5 của Hà Nội được xác đinh cũng cao gấp đôi
quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới
WHO.
GreenID xác định nguyên nhân gây nên tình trạng này là do
các nhà máy nhiệt điện than, khí thải giao thông, thải công nghiệp, đun nấu gia
đình và ô nhiễm xuyên biên giới gây nên. - RFA
|
|
18.
Hỏa hoạn gây thiệt hại khoảng 100 héc-ta rừng Sóc Sơn
Vụ cháy rừng phòng hộ Sóc Sơn, Hà Nội từ chiều ngày 5 sang đến
chiều ngày 6 tháng 6 khiến chừng 100 héc-ta rừng bị thiệt hại.
Khu vực bị thiệt hại nhiều nhất thuộc xã Nam Sơn, huyện Sóc
Sơn, thành phố Hà Nội. Người dân nơi đây cho hay năm nào cũng có nạn cháy rừng
nhưng năm nay là trận lớn nhất. Tin nói cả vạt rừng dài bị cháy lan theo chiều
gió, nhiều ngọn đồi trên các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Phù Linh bị cháy đen, nhiều
điểm cháy chỉ cách nhà dân khoảng 3 đến 5 mét.
Lửa được khống chế sau hơn 12 tiếng đồng hồ và lực lượng chức
năng tiếp tục rà soát để phòng nguy cơ lửa tái phát. Nhiều héc-ta rừng thông và
rừng keo mà người dân được khoán đã cháy rụi, tuy không thiệt hại
nhân mạng nhưng mức thiệt hại vật chất được coi là nghiêm trọng.
Theo bà Nguyễn Thu Hằng, giám đốc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ
đặc dụng Hà Nội, toàn bộ khu rừng bị cháy đều do đơn vị này quản lý. Hiện công
an đã vào cuộc điều tra vụ cháy rừng lớn này.
Vào rạng sáng ngày 5 tháng 6 tại thôn Khe Nhao, xã Nghĩa
Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng xảy ra một vụ cháy rừng làm thiệt hại chừng
6 héc ta rừng chủ yếu nứa và giang. Đám cháy đến 10 giờ đêm mới được dập tắt.
Sau vụ cháy rừng được coi là lớn nhất trước nay tại Sóc Sơn,
Tổng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông Nghiệp Và Phát Tiển Nông Thôn gởi công văn khẩn
khuyến cáo các tỉnh miền Trung đề phòng nạn cháy rừng với mức độ nguy hiểm đến
cấp 4 hay cấp 5.
Báo chí trong nước cho hay thực tế đã xảy ra những đám cháy
rừng ở Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi, Bình Định. Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn dự
báo nhiệt độ trung bình trong tháng Sáu và tháng Bảy cao hơn bình thường, riêng
miền Trung nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm trước 2 đến 3 độ C.
Tổng Cục Lâm Nghiệp đề nghị các địa phương tích cực triển
khai biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian tới. - RFA
|
|
19.
Việt Nam: Còn lâu mới có thức ăn, nước uống sạch
An toàn thực phẩm chuyện tưởng như đương nhiên nhưng lại trở
thành chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Việt Nam. Cuối cùng, vẫn chẳng
có giải pháp nào khả thi.
Thực phẩm nhiễm đủ loại hóa chất nguy hại cho sức khỏe vốn
là vấn nạn trầm kha mà hệ thống công quyền Việt Nam bó tay.
Trong báo cáo gần nhất gửi Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt
Nam cho biết, từ 2011 đến 2016, tại Việt Nam có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với
30.395 nạn nhân, 164 người trong số này đã chết.
Những số liệu vừa kể tuy rất đáng chú ý nhưng theo tường thuật
của tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội
của Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh, đó chỉ là “phẩn nổi của tảng băng”. Mỗi năm
có hàng chục triệu ca tiêu chảy vì thực phẩm bẩn và dân chúng tự xử nên không
được các cơ sở y tế ghi nhận. Ông Mai lưu ý, còn hàng loạt loại bệnh tật nguy
hiểm khác phát sinh do thực phẩm bẩn chưa được đề cập.
Theo ông Mai, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã thử tiến hành một
cuộc khảo sát mà theo đó, chỉ có 10% người tham gia khảo sát cho biết, họ yên
tâm với thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày. Đó cũng là lý do dân chúng Việt Nam
thi nhau tự trồng rau, tự nuôi gia súc, gia cầm để sử dụng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu của tỉnh Quảng Bình, nhận định,
tuy có rất nhiều luật (Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng, Luật Tố tụng dân sự ) và các văn ban dưới luật, cùng với ba bộ (Bộ Nông
nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế) nhưng thực phẩm vẫn bẩn,
dân chúng vẫn khjo6ng biết đường đâu mà lần.
Ông Phạm Trọng Nhân nêu ví dụ, hiện nay, một cọng bún được tới
ba bộ quản lý: Nguyên liệu và bột gạo thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp –
Phát triển nông thôn, sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương. Kiểm tra
xem cọng bún có chất nào nguy hại cho sức khỏe hay không thuộc phạm vi trách
nhiệm của Bộ Y tế song bún vẫn… không an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu của Sài Gòn, bổ túc thêm,
các cơ sở sản xuất thực phẩm đang bị bủa vây bởi một rừng qui định – đòi phải
xin “giấy chứng nhận”. Trong số này có 59 thủ tục phải hoàn tất để được nhận
các loại “giấy chứng nhận” từ cấp bộ, 47 thủ tục phải hoàn tất để có thêm những
“giấy chứng nhận” khác từ chính quyền các địa phương. Thế nhưng theo bà Lan vì
hệ thống công quyền chỉ quan tâm đến các loại “giấy chứng nhận” nên nhũng nhiễu
tràn lan còn thực phẩm vẫn cứ bẩn.
Ông Phạm Trọng Nhân lưu ý đến một vấn nạn khác đã được đề cập
từ lâu nhưng bị giới hữu trách phớt lờ. Đó là việc cho phép nhập khẩu đủ loại
“thuốc bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc với số lượng càng ngày càng lớn. Mỗi năm,
Việt Nam tiếp tục nhập khoảng 100.000 tấn “thuốc bảo vệ thực vật” với 4.100 loại
khác nhau. Trong số này có khoảng 3.500 loại mà ngay cả Trung Quốc cũng cấm sử
dụng vì làm đất, nông sản nhiễm độc. Ông Nhân nêu thắc mắc, có phải Việt Nam
đang tự đầu độc chính mình?
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển
nông thôn, chống chế, vấn nạn thực phẩm bẩn không quá nghiêm trọng, bằng chứng
là nông nghiệp tăng trưởng tốt hơn trước, là tuổi thọ trung bình của người Việt
đã được nâng lên thành 74. Bà Tô Thị Bích Châu, đại biểu của Sài Gòn đã bác bỏ
lập luận “tuổi thọ trung bình tăng”. Theo bà Châu, tuổi thọ về sức khỏe quan trọng
hơn tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ về sức khỏe của dân chúng Việt Nam chỉ có 56.
Nếu so hai thứ với nhau thì chảng lẽ chấp nhận sống 18 năm còn lại trong bệnh tật?
Ông Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu của tỉnh Bình Dương cũng bác bỏ lập luận “nông
nghiệp tăng trưởng tốt hơn trước” vì đó là tác động từ tăng trưởng chung của
kinh tế, không phải nhờ bảo vệ được an toàn thực phẩm. - nguoiviet
|
|
21.
Miền Bắc VN nóng chưa từng thấy: Số người đột tử, bất tỉnh,
đổ bệnh tăng vọt
Đợt nóng bất thường với nhiệt độ phổ biến là 40 độ C đã làm
ít nhất hai người đột tử giữa đường vì nóng. Số người ngất, số bệnh nhi được
đưa vào bệnh viện cấp cứu tăng vọt.
Hôm qua, báo chí Việt Nam bắt đầu loan báo những tác động của
đợt nóng bất thường kéo dài đã bốn ngày ở miền Bắc Việt Nam đến con người.
Báo điện tử VnExpress cho biết, sáng 5 tháng 6, khi đang điều
khiển xe hai bánh gắn máy trên đường Xã Đàn, đoạn chạy qua phường Phương Liên,
quận Đống Đa, Hà Nội, cụ Mạc Thị Anh Thư, 73 tuổi, đột nhiên té ngang ra đường.
Dân chúng quanh đó xúm vào sơ cứu, gọi xe cấp cứu nhưng khi xe đến nơi thì cụ
Thư đã tắt thở.
Cũng trong ngày hôm qua, tờ Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Chủ tịch
thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết, chiều 3 tháng 6, dân chúng
thôn Lễ Pháp ở thị trấn này phát giác một người đàn ông, ngoại tứ tuần gục chết
dưới gốc một cây trồng ven đường. Bởi nạn nhân không có giấy tờ tùy thân nên giới
hữu trách chưa xác định được danh tính nạn nhân.
Trung tâm Vận chuyển cấp cứu của thành phố Hà Nội, bảo rằng,
từ ngày 2 tháng 6 – thời điểm bắt đầu đợt nóng chưa từng thấy tại miền Bắc Việt
Nam, riêng Trạm chính của Trung tâm này đã cấp cứu ba người bị sốc do nhiệt độ
cao: Nôn mửa, ngất, thân nhiệt trên 40 độ C, mất tri giác, co giật,…
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật thêm, các trạm cấp cứu khác cũng ghi
nhận nhiều trường hợp sốt cao chưa rõ nguyên nhân trong bốn ngày từ 2 đến 5
tháng 6.
Bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viên Nhi quốc gia vừa
mới cho biết là so với tuần trước, số lượng bệnh nhi vào bệnh viện này tăng khoảng
15%. Đa số bệnh nhi dưới một tuổi và sốt.
Những thông tin vừa kể chỉ là ghi nhận riêng tại Hà Nội.
Chưa có thông tin về tác động của đợt nóng bất thường trong vài ngày qua ở các tỉnh,
thành phố khác thuộc miền Bắc Việt Nam.
Sau sáu đợt lạnh bất thường trong tháng 5, sang đầu tháng 6,
miền Bắc Việt Nam đột nhiên nắng như nung, kể cả khu vực cao nguyên.
Nhiệt độ phổ biến ở nhiều nơi tại miền Bắc Việt Nam là 40 độ
C. Không ít nơi, nhiệt độ vượt qua cả mức này: Lào Cai 40.1 độ C, Sơn Tây 40.2
độ C, Hòa Bình 40.4 độ C, Lạng Sơn 40.5 độ C, Hà Nội 40.3 độ C,… Trước đó, vào
ngày 3 tháng 6, một số nơi ở Hà Nội, Hải Dương, nhiệt độ vượt qua mức 42 độ C –
nếu thân nhiệt chạm mức này, người ta có thể mê sảng và tử vong. Tuy nhiên những
con số như vừa kể chỉ là dữ liệu được ghi nhận trong các lều khí tượng – nơi
nhiệt kế được đặt cách mặt đất khoảng một mét, bên trên có mái che, không bị
ánh nắng chiếu vào và không bị tác động bởi các vật liệu phát tán nhiệt. Tờ Tuổi
Trẻ đã thử dùng nhiệt kế đặt trên mặt đường giữa trưa và ghi nhận, nhiệt độ mặt
đường tại Hà Nội vào trưa 3 tháng 6 lên tới 56 độ C. Ngày 5 tháng 6, báo điện tử
VietNamNet thử đặt nhiệt kế dưới những gốc cây trên đường Phạm Văn Đồng, trong
bóng cây nhiệt độ mặt đường chỉ khoảng 40 độ C (thấp hơn 16 độ C so với nơi
không có bóng cây).
Đó cũng là lý do chỉ trích của dân chúng đối với chuyện
chính quyền thành phố Hà Nội đốn hạ hàng loạt cây xanh, khiến mặt đường tích
nhiệt và phát tán nhiệt làm không gian sống ngột ngạt hơn, trở thành hết sức dữ
dội.
Mới đây, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội vừa hứa sẽ xem lại
dự tính đốn hạ thêm 1.300 cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng. Tháng trước, chính
quyền thành phố Hà Nội tuyên bố sẽ đốn hạ hàng ngàn cổ thụ trên con đường này để
thực hiện dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch tới cầu Thăng
Long, trước ngày 30 tháng 9. - nguoiviet
|
|
22.
Công nhân may ở Việt Nam: Làm kiệt sức, tiền lương ‘bọt bèo’
Tăng ca kiệt sức, ăn uống bị cắt xén, tiền lương không đủ sống…
là những gì công nhân ngành may tại Việt Nam, trong đó 80% là phụ nữ, đang phải
gánh chịu.
Báo Người Lao Ðộng ngày 5 Tháng Sáu, dẫn kết quả nghiên cứu
thực trạng điều kiện lao động ngành may Việt Nam do Viện Công Nhân-Công Ðoàn, Tổng
Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam thực hiện, cho biết, hiện Việt Nam có 5,213 doanh
nghiệp dệt may với số lượng lao động là 2.5 triệu người, trong đó 80% là nữ, với
mức lương trung bình chỉ đạt hơn 4.3 triệu đồng/tháng, chỉ đáp ứng 75%-80% mức
sống tối thiểu.
Theo đó, nghiên cứu cho thấy, công nhân ngành may phải tăng
ca trung bình 47-60 giờ/tháng, trong khi quy định của pháp luật chỉ 30 giờ/tháng.
Thế nhưng, thu nhập trung bình từ việc tăng ca chỉ hơn 1.3 triệu đồng/người,
chiếm khoảng 22.4% tổng thu nhập.
Ngoài ra, tuy mang tiếng được hưởng 8 khoản phụ cấp, trợ cấp,
hỗ trợ khác (tiền chuyên cần, nhà ở,…) nhưng trung bình chỉ khoảng 300,000 đồng/tháng.
Chưa hết, còn một thực trạng đáng lo ngại khác là giá trị bữa
ăn của công nhân ngành may quá thấp, chưa đạt được mức khuyến cáo tối thiểu, chỉ
khoảng 15,000 đồng/suất, thấp nhất trong 10 ngành sử dụng nhiều lao động phổ
thông. Việc này đã khiến nhiều người kiệt sức, té xỉu ngay tại nơi làm việc phải
đưa đi cấp cứu. - nguoiviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét