Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ TƯ 21/6/2017

21-6-2017

Một chiến hạm đời mới của Trung Quốc: các cuộc bắn đạn thật 
từ khu trục hạm đã xảy ra ở Biển Đông trong tháng 5/2017

Tin Thế Giới

1.
Tướng Phạm 'về sớm hủy giao lưu quốc phòng Trung-Việt'?

Dường như vừa có căng thẳng mới giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi tướng cao cấp của Trung Quốc cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội, và chương trình giao lưu quốc phòng hai nước bị hủy, theo các nguồn quốc tế.

Báo New York Times tường thuật Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo nói chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 4 bị hủy vì "những nguyên do liên quan sự sắp xếp" giữa hai nước.

Cũng theo tờ báo, phái đoàn của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam sau khi "cơn giận dữ nổ ra trong thảo luận kín về tranh chấp" ở Biển Đông.

Cùng lúc đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viết cho Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), rằng Tướng Phạm Trường Long "cắt ngắn chuyến thăm và bất ngờ rời Việt Nam vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân". 

Theo lịch, chuyến thăm của vị tướng Trung Quốc là từ 18 đến 19/6.

Ngoài ra hôm 18/6, truyền thông Việt Nam như VTV và Tuổi Trẻ đều nói từ ngày 20 đến 22/6, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long sẽ dẫn đầu đoàn quốc phòng hai nước dự giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần 4 tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam.

Trang Đất Việt dường như là báo duy nhất ở Việt Nam đưa tin chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra.

Nhưng nay khi độc giả bấm vào đường dẫn, bài đã bị xóa.

Tân Hoa Xã hôm 19/06 đã đăng các ảnh chụp Tướng Phạm Tường Long gặp trong ngày 18/06 các lãnh đạo Việt Nam, và không còn ảnh gì khác sau đó.

Cũng hãng tin này của Trung Quốc nói: "Tướng Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng "toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ."

Nội dung này không xuất hiện trên các báo chính thống ở Việt Nam.

Còn theo tờ New York Times, Tướng Phạm Trường Long "dường như đã giận dữ" vì những nỗ lực làm thân ngoại giao của Việt Nam mới đây với Mỹ và Nhật Bản.

Hôm 13/6, tàu Echigo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng và có các hoạt động huấn luyện chung trên biển với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 tại Đà Nẵng.

Chủ quyền

Một số nhà phân tích cũng đồn đoán rằng có thể căng thẳng là vì Việt Nam gần đây tái khởi động việc khảo sát dầu khí ở một khu vực tại Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia chính trị Việt Nam từ Úc, viết trong một email rằng nếu Tướng Phạm đã yêu cầu Việt Nam ngừng khảo sát dầu khí, Việt Nam sẽ xem yêu cầu đó là "khiêu khích".

"Các lãnh đạo Việt Nam hẳn sẽ từ chối yêu cầu này và phản ứng bằng việc tái khẳng định chủ quyền," theo lời ông Carl Thayer.

Còn ông Alexander L. Vuving, từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye ở Hawaii, nói với New York Times: "Người ta có thể nói cả hai phía đều tính toán sai."

Nhưng ông nói một diễn giải khác là cả hai quốc gia "đều quyết tâm chứng tỏ cho bên kia thấy quyết tâm của mình" về các vấn đề chủ quyền.

Mở rộng quan hệ

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định "trong khi phục hồi quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam cũng tăng cường quan hệ với các đối thủ chiến lược của nước này, nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản". 

"Washington và Tokyo cũng đã cung cấp cho Việt Nam các tàu Cảnh sát Biển và xuồng tuần tra nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Những diễn tiến này chắn chắn đã làm một số người ở Bắc Kinh khó chịu."

Hôm 18/6, tờ Hoàn Cầu Thời báo đã cho đăng một xã luận chỉ trích các bước đi ngoại giao của Việt Nam. 

"Đứng trước Trung Quốc đang trỗi dậy, Việt Nam cần ve vãn các nước khác nằm ngoài khu vực để khống chế Trung Quốc tại Nam Hải (Biển Đông) và bảo vệ lợi ích của mình," tác giả Lý Khai Thịnh viết.

"Mở rộng quan hệ bè bạn là tốt. Tuy nhiên, nếu ý định là canh chừng các láng giềng của mình thì nó chỉ tạo ra các yếu tố gây bất ổn trong tương lai mà thôi," Lý Khai Thịnh, nhà nghiên cứu từ Viện quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải kết luận.

Trước các diễn biến mới nhất tuần này, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp dự báo:

"Cho dù lý do thực sự cho quyết định của tướng Phạm là gì thì sự cố này cũng không phải là một tín hiệu tích cực cho quan hệ song phương."

" Vì vậy, một làn sóng căng thẳng mới trong quan hệ song phương là điều có thể xảy ra trong thời gian tới."

Lịch trình một loạt sự kiện Trung-Việt-Mỹ

18 tháng 6: Thượng tướng Phạm Trường Long cùng một phái đoàn đông đảo sỹ quan cao cấp gồm Tư lệnh Mặt trận Phía Nam, Viên Dự Bách, Phó Tổng tham mưu trưởng Liên quân, Thiệu Nguyên Minh, Tham mưu trưởng Lục quân Lưu Chấn Lập, Phó Tư lệnh Hải quân Lưu Nghị, Phó Chính ủy Không quân Tống Côn, và Đại sứ Hồng Tiểu Dũng gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng CS, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên từ hơn một năm Trung Quốc cử một đoàn chỉ huy quân sự cao cấp với số lượng tướng lĩnh đông đảo thăm Việt Nam, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn tháng 3/2016.

11-15 tháng 6: Tàu USS Coronado (LCS 4) thực hiện bảo dưỡng dự phòng viễn chinh trong khuôn khổ chuyến thăm kỹ thuật tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, Việt Nam.

Cũng trong tháng 6, khu trục hạm USS John S. McCain lớp Arleigh Burke vào Cảng Quốc tế Cam Ranh và đón Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain lên khoang chiếc tàu mang tên cha và ông của ông, hai đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ.

07 tháng 6: Hình ảnh một giàn khoan lớn, màu vàng được đăng trên các trang mạng Trung Quốc nói công nhân của họ phải dùng vòi rồng phun nước đẩy "thuyền cá Việt Nam quấy nhiễu" khi công ty Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng "Nam Hải".

06 tháng 6: Các trang quân đội Trung Quốc công bố ảnh chụp ngày 27 tháng 5 mô tả các tàu khu trục Hợp Phì, Lan Châu, Trường Sa cùng chiến hạm Tam Á bắn đạn thật ở Biển Đông, không nêu địa điểm. Cuộc diễn tập đạn thật được nói là xảy ra vào đêm.

10 tháng 5: Tân Hoa Xã đưa tin trước đó, "các đơn vị tại Tây Sa và Nam Sa" chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc diễn tập trên biển. Các trang quan sát quốc tế nói tuần trước đó, ca sỹ Tống Tổ Anh đã ra Nam Sa (Trường Sa) "hát cho bộ đội nghe". Các báo tiếng Anh nói ảnh chụp nữ ca sỹ này hiện rõ đằng sau là Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) được tôn tạo thành đảo và đường băng ở Trường Sa.

Các bức hình cũng cho thấy có bến đỗ cho tàu đổ bộ dạng T-071 của Trung Quốc. 

Đây là các chỉ dấu cuộc tập trận bắn đạn thật cuối tháng 5 xảy ra ở vùng không xa Hoàng Sa và Trường Sa.

06 tháng 5: Báo chí Việt Nam đưa tin hai chiếm hạm Trường Xuân và Trịnh Châu của Trung Quốc thăm cảng Sài Gòn và giao lưu với Hải quân Việt Nam.

Tháng 5: Trung Quốc cho hay vào tháng trước họ bác bỏ yêu cầu cho tàu USS John C. Stennis thăm cảng Hong Kong như các lần trước.

Tháng 1/2017: Việt Nam ký một thỏa thuận với tập đoàn ExxonMobil, hãng có cựu lãnh đạo là ông Rex Tillerson, hiện là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, để khai thác khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ngoài Biển Đông. - BBC
|
|

2.
Hội nghị cấp cao Mỹ-Trung bàn về Bắc Triều Tiên --- Cái chết của Warmbier buộc Mỹ phải mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng

Bắc Triều Tiên là chủ đề chính trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung hôm nay 21/06/2017. Ngoại trưởng và tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được tiếp đón tại Washington, hai ngày sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier, sinh viên Mỹ vừa được Bình Nhưỡng trả về.

Tổng thống Donald Trump dường như đã mất hẳn niềm tin vào khả năng Bắc Kinh ngăn chận được cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Ông viết trên Twitter : « Tôi hoan nghênh nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc về Bắc Triều Tiên, nhưng đã không mang lại kết quả. Ít nhất tôi cũng biết rằng Trung Quốc đã có cố gắng ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt phân tích :

« Tin Twitter này của ông Donald Trump là một cái tát đối với người đồng nhiệm Trung Quốc. Tập Cận Bình biết quá rõ : tất cả các cố gắng nhằm kìm hãm bớt nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đều thất bại.

Từ tháng Hai, Trung Quốc nói rằng đã ngưng toàn bộ việc nhập khẩu than đá, khiến Bình Nhưỡng mất đi 40% thu nhập. Tuy vậy, việc trừng phạt này không làm chế độ Bắc Triều Tiên phải lùi bước, và Bắc Kinh thì vẫn tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng.

Còn các sáng kiến ngoại giao lại rơi vào tai của một người điếc. Tháng Ba vừa rồi, ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị cho đóng băng các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên, đổi lấy việc ngưng các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Một đề nghị « phải chăng » theo phía Bắc Kinh, nhưng Bình Nhưỡng đã làm ngơ.

Có lẽ đó là do Trung Quốc chưa đặt toàn bộ sức nặng lên bàn cân. Nỗi sợ diễn ra cảnh hỗn loạn ngay sát biên giới là quá lớn. Hiện có 28.000 lính Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, và trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc vốn có hiệp ước hỗ tương quân sự với Bắc Triều Tiên, buộc lòng phải cứu giúp nước láng giềng ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump coi hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu, nên đã chấp nhận gác qua một bên vấn đề thâm hụt thương mại, để mong Bắc Kinh giúp gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Nay bà Susan Thornton, thứ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương tuyên bố : « Chúng tôi không chờ đợi vấn đề này được giải quyết hôm nay, nhưng hy vọng sẽ có những tiến triển về các mặt khác, như biện pháp tạo lòng tin giữa hai quân đội ».

Theo AFP, tình hình căng thẳng tại Biển Đông tiếp tục là mối quan ngại lớn của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, trước việc Bắc Kinh giương móng vuốt tại vùng biển chiến lược này.

Tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, hôm thứ Hai tuyên bố, Lầu Năm Góc sẽ duy trì các đường dây liên lạc với Trung Quốc để phòng tránh mọi leo thang tại Biển Đông. - RFI

***
Chỉ vài ngày sau khi được Bắc Triều Tiên trả tự do và được đưa về nước trong tình trạng hôn mê, sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã qua đời ngày 19/06/2017. Đối với nhiều dân biểu Hoa Kỳ, cái chết của sinh viên này là một vụ « sát nhân » và mọi con mắt đang đổ dồn về Nhà Trắng để xem chính quyền tổng thống Donald Trump sẽ đáp trả chế độ Bình Nhưỡng như thế nào.

Phản ứng về cái chết của sinh viên Warmbier, tổng thống Trump hôm qua đã lên án mạnh mẽ chính quyền Bắc Triều Tiên là một « chế độ tàn bạo ». Ngoại trưởng Rex Tillerson thì tuyên bố Hoa Kỳ sẽ buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc « giam cầm phi lý » sinh viên Warmbier và ông yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ khác.

Nhưng một số nghị sĩ đòi chính quyền Trump phải có hành động đáp trả mạnh mẽ và dứt khoát với Bình Nhưỡng. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa bang Texas Ted Cruz đã tuyên bố : « Chế độ Bắc Triều Tiên sai lầm khi nghĩ rằng cách họ đối xử man rợ một công dân Mỹ bị giam cầm trong điều kiện tồi tệ trong suốt một năm sẽ được để yên ». Còn thượng nghị sĩ John McCain thì cho rằng Hoa Kỳ « không thể và không nên dung thứ việc các quốc gia thù nghịch giết hại công dân Mỹ". 

Thật ra thì trước khi sinh viên Warmbier được trả về trong tình trạng hôn mê, gây sốc mạnh cho dư luận Mỹ, Washington đã cân nhắc nhiều phương án để ngăn chận một nước Bắc Triều Tiên ngày càng hiếu chiến. Đặc biệt với việc Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa, đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực, chính quyền Trump đã nhờ đến sự trợ giúp của Trung Quốc.

Nhưng hôm qua, tổng thống Trump đã tỏ cho thấy là Mỹ sẵn sàng hành động một mình, khi ông viết trên mạng xã hội Twitter : « Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc để giúp giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng những nỗ lực đó đã không đạt kết quả. »

Cho tới nay, Hoa Kỳ và các nước khác chủ yếu dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Chưa biết là sau cái chết của sinh viên Warmbier, Mỹ sẽ đề ra những biện pháp nào khác. Trước mắt, Washington hôm qua đã điều hai oanh tạc cơ siêu thanh bay đến không phận bán đảo Triều Tiên như là một hình thức « biểu dương lực lượng ». Có điều, Hoa Kỳ sẽ khó có một hành động quân sự, vì động thái này dẫn đến chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, với những hậu quả khó lường trước đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính quyền Trump chỉ có thể ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn, hoặc dọa đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố, hoặc ban hành lệnh cấm công dân Mỹ du lịch đến Bắc Triều Tiên.

Có điều, mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng chắc chắn là gây nguy hại cho 3 công dân Mỹ còn bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên, vì không loại trừ khả năng chế độ Kim Jong-Un sẽ trả đũa. Tóm lại, trước một quốc gia bất chấp luật pháp như  Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ khó có thể làm gì khác hơn, cho dù dư luận nước này có phẫn nộ đến đâu về cái chết của sinh viên Warmbier. - RFI
|
|

3.
Bỉ: "Tấn công khủng bố" ở Bruxelles, thủ phạm bị bắn hạ

Tối qua, 20/06/2017, một người đã bị các quân nhân bắn hạ ở thủ đô Bruxelles của Bỉ, sau khi gây ra một vụ nổ tại một ga xe lửa của thành phố này. Không một binh lính hay khách bộ hành nào bị thương trong vụ này. Nhà chức trách Bỉ xem đây là một vụ « tấn công khủng bố ».

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gởi về bài tường trình :

« Từ khoảng nữa tiếng đồng hồ, người này đã đi lang thang một mình tại ga xe lửa, miệng nói lẩm bẩm những câu chẳng nghe rõ, ngoại trừ những chữ « thánh chiến », « quân thánh chiến ». Khi đi xuống đường hầm của ga xe lửa, kẻ tấn công hô lên « Allah Akbar » ( Thượng đế là vĩ đại nhất ), rồi cho nổ một khối chất nổ trong một valise kéo. Ngay lập tức, hai binh lính canh gác gần đó đã vội chạy đến, nổ súng vô hiệu hóa kẻ tấn công và người này đã chết ít lâu sau đó.

Không có quân nhân hay người đi bộ nào bị thương trong vụ nổ này. Thiệt hại vật chất cho ga xe lửa không đáng kể. Chỉ có khoảng vài chục hành khách nhìn thấy cảnh đó đã hoảng sợ bỏ chạy băng qua các đường ray. Vì sợ còn có những tên khủng bố khác ở gần đó, cảnh sát đã di tản mọi người khách ở Quảng trường lớn vào bên trong các nhà hàng và cửa hiệu. Các phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế lưu thông hoặc đổi sang các đường khác. Không có vụ lộn xộn nào khác xảy ra.

Hiện người ta chưa rõ tâm trạng trước đây của thủ phạm như thế nào, nhưng thái độ và phương thức hành động của người này cho thấy đây không phải là một kẻ khủng bố được huấn luyện kỹ càng và dày dạn kinh nghiệm, mà là một kẻ hành động đơn lẻ, nhưng vì quá vụng về nên mưu toan khủng bố đã kết thúc một cách bi thảm với đương sự.»

Sáng nay, thủ tướng Charles Michel và các thành viên chính phủ Bỉ đã họp Hội đồng an ninh quốc gia, với sự tham gia của đại diện các cơ quan an ninh. Bộ trưởng Nội Vụ Jan Jambon thông báo đã xác định được danh tính của tay khủng bố, nhưng chưa tiết lộ tên tuổi của người này.

Sau đó, Viện công tố liên bang của Bỉ cho biết nghi can là một người mang quốc tịch Maroc, có tên được viết tắt là O.Z, sinh năm 1981, và cho tới nay không hề dính đến khủng bố. Nhưng nghi can này là người ở Molenbeek, một quận bình dân của vùng Bruxelles, nơi sinh sống của nhiều tay khủng bố ở châu Âu có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. - RFI
|
|

4.
Tổng thống Mỹ tiếp đồng nhiệm Ukraina tại Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 20/06/2017 đã tiếp đồng nhiệm Ukraina Petro Porochenko tại Nhà Trắng, đồng thời với việc loan báo tăng cường trừng phạt Nga vì đã yểm trợ quân nổi dậy đòi ly khai ở Ukraina.

Từ Phòng Bầu Dục, tổng thống Trump tuyên bố: «Thật vinh hạnh được tiếp tổng thống Porochenko. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận rất, rất tốt». Phát biểu này được đưa ra vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hambourg, Đức, tại đây ông Trump lần đầu tiên sẽ gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc hội đàm này là thành công ngoại giao của tổng thống Porochenko, vốn nhấn mạnh Hoa Kỳ là «đối tác» của Ukraina, vì ban đầu, phía Mỹ chỉ loan báo cuộc gặp giữa ông với phó tổng thống Mike Pence. Theo tổng thống Ukraina, chủ đề đối thoại chính là việc hợp tác quân sự. Ông nói: «Tổng thống Mỹ đã ra các chỉ thị rất rõ để mở rộng hợp tác».

Về phía bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, ông Steven Mnuchin loan báo các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 38 cá nhân và định chế tại Ukraina, hai quan chức chính phủ Nga, và hơn một chục cá nhân, tổ chức đang hoạt động tại Crimée, nhằm «duy trì áp lực lên Nga để tìm ra một giải pháp ngoại giao».

Các trừng phạt liên quan đến miền đông Ukraina sẽ tồn tại «cho đến khi nào Nga hoàn tất các nghĩa vụ trong hiệp ước Minsk», còn trừng phạt liên quan Crimée sẽ không được dỡ bỏ cho tới khi Nga «chấm dứt chiếm đóng bán đảo». 

Trong số các cá nhân bị liệt vào danh sách đen của Mỹ có khoảng hai chục thủ lãnh ly khai tại Crimée và hai nước cộng hòa tự tuyên bố Donetsk và Lougansk. Hai tổ chức bán quân sự miền đông Ukraina cùng với người đứng đầu, sáu ngân hàng ở Crimée, và một quan chức Nga phụ trách về kiều dân cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Matxcơva ngay lập tức tố cáo «nỗi ám ảnh bài Nga» của Hoa Kỳ, đe dọa sẽ trả đũa. Ngoại trưởng Serguei Lavrov khẳng định các biện pháp trừng phạt này là «vô căn cứ», còn thứ trưởng Serguei Riabkov đả kích «chính sách hủy diệt của Washington», cho rằng «sẽ không có tác động tiêu cực nào» đối với nước Nga. - RFI
|
|

5.
Phi cơ Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái tại Syria

Một chiến đấu cơ Mỹ hôm qua 20/06/2017 đã bắn hạ một máy bay không người lái của lực lượng thân Damas tại Syria, khiến Nga nổi giận tố cáo liên minh quốc tế là « đồng lõa với khủng bố ».

Rạng sáng ngày 20/06, một phi cơ F-15 Strike Eagle của Mỹ đã bắn rơi một chiếc máy bay không người lái Shaheed 129 do Iran sản xuất, gần vùng Al Tanaf ở miền nam Syria, do «có ý định thù địch» - theo liên minh quốc tế. Thông cáo của liên minh nhấn mạnh « sẽ không để cho các phương tiện thân chế độ đe dọa hoặc áp sát ».

Sự kiện này diễn ra không đầy 48 giờ sau vụ một máy bay của quân chính phủ bị một phi cơ tiêm kích Mỹ bắn hạ tại Raqa, miền bắc Syria, vì chiếc máy bay này định không kích các vị trí của Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), liên minh Kurdistan và Ả Rập chống thánh chiến được Hoa Kỳ hỗ trợ. Lực lượng này đang truy lùng quân thánh chiến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Raqa.

Để trả đũa sự cố hôm Chủ nhật ở Raqa, Nga hôm thứ Hai loan báo ngưng kênh liên lạc quân sự với Hoa Kỳ, và khẳng định từ nay sẽ hướng các hỏa tiễn nhắm vào các phi cơ của liên minh nhận dạng được từ phía tây dòng sông Euphrate. Còn sau vụ hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga lập tức cho rằng đây là việc « đồng lõa với khủng bố ».

Cách đây hai tuần, Mỹ cũng đã phá hủy một máy bay không người lái của lực lượng thân chế độ Syria tại Al Tanaf, không kích các binh lính thuộc các nhóm này đang tiến gần địa điểm mà lực lượng đặc biệt Mỹ đang huấn luyện các chiến binh chống thánh chiến.

Không phận Syria đầy máy bay của chế độ Assad hay của Nga, của liên minh quốc tế và đôi khi từ nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng. Riêng Nga có khoảng vài chục phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ, bên cạnh đó là các hệ thống phòng không S-300, S-400 đặt trên đất Syria. - RFI
|
|

6.
Pháp và Nga xích lại gần nhau

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã « chìa tay » hòa giải với Nga trong cuộc tiếp xúc vào hôm qua, 20/06/2017, với đồng nhiệm Serguei Lavrov tại Matxcơva. Ông xác định muốn đặt quan hệ hai nước dưới dấu ấn của « sự tin tưởng » được khôi phục giữa hai bên.

Pháp và Nga đã xích lại gần trên cuộc chiến chống khủng bố. Ngoại trưởng Le Drian và đồng nhiệm Nga thông báo thiết lập một cơ chế tham khảo thường trực về tình hình Libya và Yemen. Về phần mình, ngoại trưởng Nga mong muốn bình thường hóa quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu và cũng gợi lên « sự thông cảm hai bên » về tình hình Syria.

Thông tín viên RFI, Muriel Pomponne, tường thuật từ Matxcơva :

Lãnh đạo Ngoại Giao Nga chỉ có những lời lẽ tích cực hướng về đồng nhiệm Pháp : « Chúng tôi đã có những trao đổi rất tốt. Nga sẵn sàng hành động tối đa để duy trì đối thoại giữa hai nước, trong một bối cảnh rất phức tạp ».

Và ngoại trưởng Pháp đã đáp trả với cùng giọng điệu : « Chúng tôi không tìm cách cô lập Nga với phần còn lại của châu Âu, không tìm cách làm suy yếu kinh tế Nga ».

Về hồ sơ Syria, ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh những điểm tương đồng : Đánh bại Daech, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ Syria, với một Nhà nước thực hiện nghiêm túc vai trò của mình. Ông chỉ nói phớt qua về một số vướng mắc trong quan hệ trước đây, khi cho rằng còn thiếu sự tin tưởng, thiếu thẳng thắn và tôn trọng. Ông kêu gọi là trước hết phải hiểu nhau và có cái nhìn thực tiễn.

Để tránh làm mích lòng nhau, hai bên cũng không nhắc đến số phận tổng thống Syria Bachar Al Assad. Tên ông chỉ được nhắc qua với tư cách người chịu trách nhiệm các vụ thảm sát.

Về mối căng thẳng hiện nay giữa liên minh quốc tế và Nga, ngoại trưởng Pháp cho là cần có những cơ chế giảm xung đột trong lúc ông Lavrov đổ trách nhiệm cho Mỹ.

Tất nhiên là ông Le Drian có nêu vấn đề này với bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu mà ông đã gặp một tiếng rưỡi đồng hồ khi vừa đặt chân đến Matxcơva. - RFI
|
|

7.
Trung Quốc: Lễ hội thịt chó vẫn tưng bừng, dù bị lên án

Những con chó được thui vàng rượm bày trên quầy, thịt chó nấu ra-gu, thịt chó xào lăn…Lễ hội thịt chó nổi tiếng nhất ở Trung Quốc hôm nay 21/06/2017 tưng bừng diễn ra dù trước đó có tin là bị cấm, do các cư dân nhất quyết bảo vệ truyền thống.

Lễ hội ẩm thực này hàng năm đều diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm (Yulin) ở tỉnh Quảng Tây, vào tiết hạ chí ; gây phẫn nộ trên thế giới và ngay tại Trung Quốc.

Hiệp hội Mỹ Humane Society International (HSI) tháng trước khẳng định chính quyền Trung Quốc sẽ cấm việc bán thịt chó trong dịp lễ hội 2017. Nhưng hôm nay tại Ngọc Lâm, những hàng thịt vẫn bày ra những tảng thịt chó, xào nấu trong những chiếc chảo lớn. Và những người bán trưng ra những con chó vừa bị giết thịt và thui vàng, chặt ra từng mảnh, với những chiếc đuôi dựng đứng và răng nanh còn đẫm máu.

Tại quán của ông Yang, khách hàng gọi món mì để điểm tâm, nhưng đòi thịt chó vào bữa trưa. « Trong dịp lễ hội, doanh số của chúng tôi tăng gấp 9 lần. Yên tâm, lúc nào cũng có hàng ». Ông Yang nói, với hy vọng mỗi ngày bán được sáu con chó.

Theo các hiệp hội bảo vệ súc vật, chính quyền rốt cuộc đã thỏa hiệp được với những người bán, cho phép họ bày bán mỗi quầy hai con chó. Nhưng một số hàng có vẻ vượt hẳn quota này.

Bà Irene Feng, thuộc tổ chức phi chính phủ Animals Asia, nói với AFP : « Dường như nhà nước không cấm hẳn việc buôn bán thịt chó. Nhưng lễ hội có vẻ ít quy mô hơn năm ngoái, với số chó bị giết trong kỹ nghệ tàn bạo này ít hơn trước ».

Hàng năm, trên 10.000 con chó bị giết trong dịp lễ hội Ngọc Lâm, trong những điều kiện bị các nhà bảo vệ súc vật lên án : một số bị đập chết, số khác bị nhúng nước sôi cạo lông lúc còn sống.

Nhiều công an đứng canh hôm nay bên ngoài khu chợ thịt chó của thành phố để tránh mọi sự cố. Theo Liu Zhong, chủ một quầy thảo dược, thì công an « theo dõi sát » các hoạt động của chợ thịt chó Ngọc Lâm. Nhưng người ta bán lén trực tiếp tại nhà hay tại những địa điểm khác.

Ông Liu cho biết : « Chỉ cần kín đáo hơn một chút » so với năm ngoái. Ông không ăn thịt chó từ hơn mười năm nay, và sở hữu bảy con chó làm bạn. Một số chủ quán đã thay đổi bảng hiệu, xóa đi chữ « thịt chó » để thay bằng « thịt đặc sản ». Một quán bình dân thì dán một tờ giấy màu vàng che đi chữ « cẩu ». Người bán đặt những tảng thịt chó giữa những loại thịt thông dụng khác như lưỡi bò, chân giò, móng giò.

Khoảng 10 triệu đến 20 triệu con chó mỗi năm bị giết thịt tại Trung Quốc, theo Humane Society International. Việc ăn thịt chó không phải là bất hợp pháp, nhưng là thiểu số và ngày càng bị chống đối.

Nhưng đối với Li Yongwei, một cư dân Ngọc Lâm, ăn thịt chó chẳng có gì lạ. Người này hỏi : « Giữa thịt chó và thịt gà, bò hay heo khác nhau chỗ nào ? » Theo ông : « Đây là truyền thống địa phương, không thể áp đặt được. Cũng như không thể ép buộc người khác theo đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay đạo Hồi. Người ta ăn gì mặc kệ người ta ».

Chen Bing, một nhân viên văn phòng 25 tuổi khẳng định chính quyền chẳng bao giờ ngăn cản được lễ hội này. « Già trẻ lớn bé, ngay cả các em bé ở đây đều ăn thịt chó. Đó là truyền thống. Ngọc Lâm không có gì đặc biệt, chỉ có lễ hội thịt chó mới làm cho thành phố trở nên nổi tiếng". - RFI
|
|

8.
F-16 của NATO áp sát máy bay chở bộ trưởng Quốc Phòng Nga

Một chiến đấu cơ F-16 của NATO bay áp sát chiếc máy bay chở bộ trưởng Quốc Phòng Nga, ông Sergei Shoigu, trên không phận biển Baltic, theo các hãng tin quốc tế hôm Thứ Tư.

Hãng tin Nga RIA nói là sau đó một chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 của Không Quân Nga đến can thiệp và chiếc F-16 đã bay đi.

Theo hãng thông tấn Reuters ở Anh, NATO không hoàn toàn đồng ý về tường trình sự việc như thế.

Đài truyền hình Nga qua kênh của Bộ Quốc Phòng phát ra một đoạn video thu từ trong máy bay của Bộ Trưởng Shoigu cho thấy chiếc F-16 không rõ của nước nào trong NATO bay song song ở khoảng cách gần.

Chiếc chiến đấu cơ Su-27 bay tới giữa hai máy bay và vẫy cánh, nghĩa là nghiêng qua nghiêng lại, để cho thấy có võ trang hỏa tiễn không đối không.

Máy bay của Bộ Trưởng Shoigu trên đường đến họp với giới quân sự Nga ở Kaliningrad, một lãnh thổ biệt lập của nước này nằm bên bờ biển Baltic, giữa Ba Lan và Lithuania.

Theo lời một giới chức NATO, hành động kiểm soát các máy bay đến gần không phận là việc làm bình thường khi không có sự trả lời xác định lý lịch và mục tiêu rõ ràng.

NATO không hề biết là có Bộ Trưởng Sergei Shoigu trên máy bay.

Theo thủ tục, máy bay NATO luôn luôn giữ khoảng cách an toàn và sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã rời khỏi khu vực.

Nhưng RIA nói là chiến đấu cơ NATO tiếp tục theo dõi ở một khoảng cách xa hơn khi máy bay của ông Shogui trở về Moscow trong ngày.

Căng thẳng luôn luôn xảy ra giữa Nga với các nước NATO trong vùng biển Baltic.

Điện Kremlin nói các máy bay Nga tuân thủ chặt chẽ công pháp quốc tế khi hoạt động trong vùng này.

Theo Bộ Quốc Phòng Nga, ngày hôm trước, một máy bay do thám điện tử RC-135 của Mỹ đã bất ngờ chuyển hướng một cách nguy hiểm về phía các máy bay Nga.

Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài bác bỏ điều này, nói là máy bay Mỹ không làm điều gì nguy hiểm, và cho rằng, chiếc Su-27 của Nga bay chỉ cách máy bay Mỹ khoảng 1.5 mét, một khoảng cách vô cùng nguy hiểm.

Cũng trong ngày Thứ Tư, Bộ Ngoại Giao Thụy Điển triệu đại sứ Nga tới để thảo luận về vụ một chiến đấu cơ Nga bay đến sát bên một máy bay trinh thám điện tử của Thụy Điển đang thi hành nhiệm vụ trên biển Baltic ngày Thứ Hai. - nguoiviet
|
|

9.
Thủ tướng Cambodia nói phía đối lập ‘chuẩn bị quan tài’

Thủ Tướng Cambodia Hun Sen hôm Thứ Tư nói với thành phần chỉ trích cũng như đảng phái đối lập chính trị là họ sẽ bị loại trừ và nên “chuẩn bị quan tài,” cho thấy sự leo thang trong cuộc đấu khẩu gay gắt ở quốc gia này hiện nay.

Thủ Tướng Hun Sen cai trị Cambodia từ 32 năm nay, là một trong những nhà lãnh đạo lâu năm nhất trên thế giới.

Ông cho mình là người có khả năng đem lại thịnh vượng và ổn định cho quốc gia.

Trong khi đó, phía đối lập nói rằng dưới thời của ông chỉ có thêm tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền.

Hôm Thứ Tư, ông Hun Sen đọc bài diễn văn được coi là hằn học nhất, cảnh cáo rằng sẽ có nội chiến nếu đảng của ông bị mất thế lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm tới.

Với các giới chức cao cấp quân đội cũng như chính phủ đứng quanh, ông Hun Sen đe dọa là “quân đội sẵn sàng đập tan mọi phong trào muốn lật đổ chính phủ và gây nguy hại cho đất nước.”

“Miệng lưỡi các người là nguyên nhân đưa đến chiến tranh,” ông nói về thành phần chống đối.

“Nếu các người cứ tiếp tục nhục mạ, đe dọa giết kẻ khác, các người hãy chuẩn bị quan tài,” ông Hun Sen cảnh cáo.

Bài diễn văn này được đưa ra vào dịp 40 năm ngày ông đào thoát khỏi hàng ngũ Khmer Đỏ và bỏ chạy sang Việt Nam.

Ông Hun Sen cũng cho hay nếu cần phải giết 100 người, 200 người để có hòa bình và bảo vệ đời sống hàng triệu người khác, ông sẽ làm. - nguoiviet
|
|

10.
Dân số thế giới năm 2050 đạt 9,8 tỷ

Một phúc trình mới của Liên hiệp quốc dự báo dân số hiện nay của thế giới 7,6 tỷ người sẽ tăng lên thành 9,8 tỷ người trong năm 2050 và thành 11,2 tỷ người vào năm 2100.

Báo cáo công bố ngày 21/6 cho biết mỗi năm dân số thế giới có thêm khoảng 83 triệu thành viên mới.

Theo dự đoán của Liên hiệp quốc, dân số Ấn Độ đến năm 2024 sẽ qua mặt Trung Quốc. Hiện Ấn có 1,3 tỷ dân và Trung Quốc có 1,4 tỷ dân.

Vẫn theo báo cáo, trong 10 nước đông dân nhất, Nigeria tăng dân nhanh nhất.

Nigeria hiện là nước có dân số đông hàng thứ bảy trên thế giới nhưng, theo dự đoán, sẽ qua mặt Mỹ trở thành nước đông dân thứ ba trên thế giới trước năm 2050.

Từ nay đến 2050, dự kiến dân số thế giới tăng chủ yếu ở chín quốc gia bao gồm Ấn, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ethiopia, Tanzania, Mỹ, Uganda và Indonesia.

Nhóm 47 nước kém phát triển nhất (LDCs) tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ sinh sản, trung bình mỗi phụ nữ sinh hơn 4 con, trong giai đoạn 2010-2015.

Châu Phi tiếp tục là châu lục có tỷ lệ dân số tăng cao. Từ nay đến 2050, dân số tại 26 nước Châu Phi dự kiến nhân đôi con số hiện nay.

Tuổi thọ con người trong giai đoạn 2000-2005 trung bình là 65 đối với đàn ông và 69 đối với phụ nữ. Từ 2010-2015, tuổi thọ trung bình tăng lên thành 69 đối với nam giới và 73 ở nữ giới. - VOA
|
|

11.
Trung Quốc nhắm xây dựng đội tàu ngầm hùng hậu nhất thế giới

Dù sự bành trướng đội tàu chiến của Trung Quốc là dễ bị chú ý nhất, nhưng yếu tố quan trọng chiến lược chính là lực lượng tàu ngầm đang phát triển của hải quân Bắc Kinh.

Quy mô hạm đội của Trung Quốc trên mặt biển đang thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế về số lượng tàu, võ khí tiên tiến được trang bị và một loạt các tàu chiến mới. Đáng chú ý nhất trong số này là tàu sân bay từ thời Xô Viết được tân trang lại mang tên Liêu Ninh.

Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc đóng sẽ được hạ thủy vào năm 2020.

Ít được người ta chú ý nhưng mang tính quan trọng chiến lược cao hơn là đội tàu ngầm đang khuyếch trương của Trung Quốc, bao gồm cả các tàu truyền thống lẫn các tàu có trang bị hạt nhân, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Đa số tàu ngầm của Trung Quốc là tàu cũ và chạy không êm, dễ bị phát hiện và phá hủy bởi các tàu ngầm tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, đội ngũ này đang được nâng cấp và có tính sát thương cao hơn với các tàu ngầm mới được trang bị phi đạn hành trình hay hạt nhân.

Từ báo cáo thường niên mới nhất của Ngũ Giác Đài, giới chức quân sự Mỹ cảnh báo mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là soán ngôi hải quân Mỹ trở thành lực lượng tàu ngầm hùng mạnh nhất trên thế giới.

Hiện lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có 63 chiếc, gồm 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 4 tàu ngầm phi đạn đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, và 54 tàu ngầm tấn công chạy bằng dầu diesel.

Từ đây tới 3 năm tới, dự kiến lực lượng này sẽ tăng lên từ 69 đến 78 chiếc tàu ngầm.

Báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ xem lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc là một phần trong kế hoạch sử dụng khí tài có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa, bên ngoài khu vực phòng thủ của kẻ thù. - VOA
|
|

12.
Mỹ hối Trung Quốc kìm chân các công ty làm ăn với Bắc Triều Tiên

Mỹ ngày 21/6 hối thúc Trung Quốc kiểm soát các công ty làm ăn với Bắc Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter trước khi đôi bên có các cuộc hội đàm cao cấp rằng các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng tới đồng minh khó bảo của mình không có kết quả.

Ông Trump vẫn trông cậy vào Trung Quốc sử dụng sức ảnh hưởng kinh tế đối với chính phủ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong lúc Mỹ ngày càng lo ngại về việc Bắc Triều Tiên tăng tốc hướng tới một phi đạn hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ.

Đàm phán an ninh giữa các nhà ngoại giao và lãnh đạo quốc phòng Mỹ-Trung diễn ra trong lúc Washington đang phẫn nộ về cái chết của sinh viên Mỹ, Otto Warmbier, sau khi anh được Bắc Triều Tiên phóng thích trong tình trạng hôn mê.

Tại cuộc hội đàm ở Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, và Tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Bà Susan Thornton, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại khu vực Đông Á, cho hay vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận. Bà nói Mỹ sẽ tham vấn với Trung Quốc về việc thi hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm hạn chế doanh thu và công nghệ cho các chương trình phi đạn và hạt nhân.

Tuần trước, ông Tillerson nói trong một cuộc điều trần của Thượng viện rằng những nỗ lực của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên "không đều." Bà Thornton dẫn ra những hạn chế của Trung Quốc đối với than đá nhập khẩu của Bắc Triều Tiên là tiến bộ “đáng chú ý.” Tuy nhiên, bà nói rằng Mỹ muốn có thêm hành động nhắm vào các công ty Bắc Triều Tiên trong danh sách đen đang kinh doanh qua ngả Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn nối lại những cuộc đàm phán của Mỹ với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được "kết quả tích cực" từ cuộc đối thoại hôm nay 21/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Các cuộc thảo luận này thay thế một cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế được tổ chức hàng năm dưới chính quyền Obama. Những cuộc hội đàm đó ít khi mang lại kết quả đáng kể. Cuộc hội đàm năm nay tách biệt các khía cạnh an ninh.

Bà Thornton cho biết các cuộc đàm phán cũng sẽ bao gồm Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây cất các cơ sở quân sự khiến các nước láng giềng lo ngại và gây căng thẳng với Washington; hợp tác quân sự Mỹ-Trung để giảm nguy cơ mâu thuẫn; và những nỗ lực để đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Các vấn đề thương mại gây chia rẽ sẽ được giải quyết vào một dịp sau đó. - VOA
|
|

13.
Tổng thư ký LHQ: Mỹ sẽ bị thế chân nếu quay lưng với thế giới

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Ba cảnh báo chính quyền Trump rằng nếu Mỹ ngưng tham gia trong nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt thì Mỹ sẽ bị thay thế - và điều đó sẽ không có lợi cho Mỹ và thế giới.

Ông Guterres nói rõ với các phóng viên nhân cuộc họp báo đầu tiên của ông ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York kể từ khi lên nắm chức lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đầu năm nay rằng những khoản cắt giảm tài trợ cho Liên Hiệp Quốc mà Mỹ đề xuất sẽ là thảm họa và tạo ra "một vấn đề không thể giải quyết được đối với việc quản lý Liên Hiệp Quốc."

Nhưng nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng ông không ngại lên tiếng chống lại Tổng thống Donald Trump, dẫn ra sự phản đối của ông đối với việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Ông nói việc huy động giới doanh nghiệp và xã hội dân sự ở Mỹ ủng hộ thỏa thuận khí hậu là "một dấu hiệu hy vọng mà chúng tôi rất khuyến khích."

Nhìn vào nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, ông Guterres bày tỏ mối lo ngại rằng có thể có một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga liên quan tới Syria và kêu gọi xuống thang tranh cãi giữa Washington và Moscow về việc Mỹ bắn rơi máy bay của Syria.

Điều này rất quan trọng, ông nói, "bởi vì những sự kiện này có thể rất nguy hiểm trong tình huống xung đột mà có nhiều tác nhân và phức tạp."

"Thật vậy, tôi lo ngại, và tôi hy vọng rằng điều này sẽ không dẫn đến bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột vốn đã ác liệt," ông Guterres nói.

Khi được hỏi về một trật tự thế giới mới tạo nên bởi những hành động của chính quyền Trump, ông Guterres nói: "Tôi tin rằng nếu Mỹ rút khỏi nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại và nhiều mối quan hệ quốc tế, những nước khác sẽ chiếm chỗ của Mỹ, đó là điều không tránh khỏi."

"Và tôi không nghĩ rằng điều này có lợi cho Mỹ và tôi không nghĩ rằng điều này có lợi cho thế giới," ông nói. - VOA
|
|

14.
Mỹ chất vấn động cơ của các nước vùng Vịnh tẩy chay Qatar

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/6 thẳng thừng chất vấn về động cơ của Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất trong việc tẩy chay Doha. Bộ Ngoại giao nói họ “không hiểu nổi” vì sao các nước vùng Vịnh không giãi bày những lý do khiến họ bất bình với Qatar.

Với những ngôn từ mạnh nhất từ trước đến nay của Washington về vụ tranh chấp vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Mỹ nói thời gian càng trôi qua, "lại càng có thêm nghi ngờ về hành động của Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói: "Tại thời điểm này, chúng tôi có một câu hỏi đơn giản: Liệu những hành động đó có thực sự là vì mối quan ngại của họ về việc Qatar hỗ trợ khủng bố, như đã cáo buộc, hay là vì những bất bình lâu nay giữa các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”. 

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh được nhắc đến là một tổ chức gồm sáu nước thành viên.

Phát biểu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tương phản với những lời lẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông cáo buộc Qatar là một nước tài trợ khủng bố “cấp cao”.

Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Qatar đều là đồng minh quan trọng của Mỹ.

Việc Bộ Ngoại giao công khai chất vấn hành động của Riyadh và Abu Dhabi cho thấy Washington muốn các bên chấm dứt tranh chấp.

Bà Nauert nói: "Chúng tôi đã nói với các bên liên quan: hãy chấm dứt việc này".

Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự quan trọng ở Qatar. Có 11.000 binh sĩ Mỹ và liên quân được triển khai hoặc điều đến căn cứ Al Udeid. Lực lượng của liên quân có 100 máy bay hoạt động từ căn cứ này.

Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cùng với Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Bahrain đã áp đặt các biện pháp nhằm cô lập Qatar. Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất nói các biện pháp trừng phạt có thể kéo dài nhiều năm, trừ phi Doha chấp nhận những yêu cầu mà các cường quốc Ả-rập sẽ công bố trong những ngày tới.

Bộ Ngoại giao, đứng đầu là Ngoại trưởng Rex Tillerson, khuyến khích "tất cả các bên xuống thang căng thẳng và tham gia đối thoại xây dựng", theo lời bà Nauert.

Một quan chức Mỹ nói Washington thúc giục Qatar tiến hành các biện pháp để tháo ngòi nổ của cuộc khủng hoảng, kể cả hậu thuẫn các đề xuất đang được Bộ Tài chính Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường kiểm soát các đường dây hỗ trợ tài chính cho các nhóm chủ chiến.

Nhưng quan chức này và một quan chức Mỹ khác nói chỉ nhắm vào Qatar mà thôi là điều bất công, bởi vì cả Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc và các quốc gia vùng Vịnh khác đều đối mặt với những thách thức tương tự chống các hoạt động tài trợ cho khủng bố.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar dự kiến sẽ tới Washington vào tuần tới. Ông cho biết Doha sẽ không đàm phán với các nước láng giềng để giải quyết cuộc tranh chấp vùng Vịnh trừ khi các nước kia dỡ bỏ lệnh tẩy chay thương mại và du hành đã áp đặt hai tuần trước đây.

Ông nói Doha vẫn tin vào khả năng đạt được một giải pháp cho cuộc tranh chấp. - VOA
|
|

15.
Quốc vương Ả Rập Xê-út phế thái tử, đưa con trai lên thế

Vua Salman của Ả rập Xê-út đã đưa con trai là Hoàng tử Mohammed bin Salman, 31 tuổi, vào ngôi vị thái tử để lên kế vị ông sau này. Hiện Hoàng tử Mohammed giữ chức bộ trưởng quốc phòng và đang giám sát một chương trình cải tổ kinh tế quy mô.

Quyết định này được công bố hôm thứ Tư 21/6 thông qua các sắc lệnh do cơ quan thông tấn nhà nước SPA loan tải.

Theo sắc lệnh của nhà vua, đương kim Thái tử Mohammed bin Nayef, cháu của vua Salman, đã bị tước tất cả các chức danh, kể cả chức bộ trưởng nội vụ.

Phó thái tử Mohammed bin Salman được đưa lên thay thế, và từ nay trở thành Thái Tử đồng thời kiêm nhiệm chức Phó Thủ tướng Ả-rập Xê-út.

Tân Thái tử 31 tuổi là người phụ trách liên minh do Ả-rập Xê-út lãnh đạo, chiến đấu để giúp chính phủ Yemen chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.

Truyền thông nhà nước Ả-Rập Xê-út hôm thứ Tư tường thuật rằng những thay đổi này đã được 31 trong số 34 thành viên gia đình hoàng gia chấp thuận.

Vua Salman lên nắm quyền vào năm 2015 sau khi vua Abdullah, người anh cùng cha khác mẹ của ông, qua đời. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

16.
Cựu Bộ trưởng an ninh nội địa: FBI trì hoãn thông báo về tấn công tin tặc

Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nói với một ủy ban của Quốc hội hôm thứ Tư rằng có sự trì hoãn giữa thời điểm FBI lần đầu tiên liên lạc với Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc về việc Nga tấn công tin tặc máy chủ của tổ chức này và thời điểm ông được thông báo tại Bộ An ninh Nội địa.

Ông Johnson, người phục vụ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết như vậy khi ông ra khai chứng về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Bộ An ninh Nội địa đã đưa ra cảnh báo về vụ xâm nhập vào cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri, nhưng ông Johnson cho biết thông báo không nhận được sự chú ý mà ông mong muốn.

Ông Johnson nói rằng vụ cuốn băng năm 2005 mà trong đó ông Donald Trump khoe khoang về chuyện tấn công tình dục phụ nữ đã thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ vào thời điểm cảnh báo được đưa ra.

Khi được hỏi tại sao chính quyền Obama không làm nhiều hơn để cảnh báo công chúng về vụ tấn công, ông Johnson nói, "Chúng tôi rất quan tâm tới chuyện chúng tôi không bị xem là đang đứng về một phe trong cuộc bầu cử, xen vào giữa một chiến dịch hết sức nóng bỏng." - VOA
|
|

17.
Los Angeles muốn đặt tên Obama cho một đường phố

Nghị Viên Herb J. Wesson Jr., chủ tịch Hội Đồng Thành Phố Los Angeles, hôm Thứ Ba đưa ra dự luật đổi tên đường Rodeo Road thành Obama Boulevard.

Ông Wesson nói rằng khu vực này đã có những đại lộ mang tên Washington, Adams, và Jefferson, nên có thêm một tên mới như sự nhìn nhận di sản của tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.

Năm 2007, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama có cuộc nói chuyện vận động tranh cử tổng thống đầu tiên  tại Los Angeles ở công viên Rancho Cienega Park trên đường Rodeo Road.

Đây là con đường thuộc khu Tây Nam trung tâm thành phố Los Angeles, chạy dài 3.5 dặm, song song với xa lộ I-10  từ Arlington Avenue đến Jefferson Boulevard, giáp ranh với Culver City.

Rodeo Road không có liên quan gì với Rodeo Drive của Beverly Hills, đoạn đường nhỏ nổi danh với những tiệm bán hàng cao cấp rất đắt tiền, chỉ thích hợp cho các danh nhân tài tử Hollywood vào mua sắm. - nguoiviet
|
|

18.
Bị chế tài, Nga hủy họp với Mỹ --- QH Mỹ tiếp tục tìm hiểu việc Nga can thiệp bầu cử

Tức giận trước những chế tài mở rộng của Mỹ, Nga ngày 21/6 hủy một cuộc họp cao cấp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon.

Với tình hình này, không biết cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G-20 vào ngày 7/7 và 8/7 ở Hamburg, Đức, có cơ may diễn ra hay không.

Chỉ hai tuần nữa tới thượng đỉnh G-20, một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết chưa có kế hoạch nào cho một cuộc gặp gỡ song phương được chung quyết. "Không có gì bị hủy vì chưa có gì được lên lịch," quan chức này nói.

Moscow cho biết họ buộc phải hủy bỏ cuộc gặp gỡ ngoại giao sau khi chính phủ Mỹ hôm thứ Ba bổ sung 38 cá nhân và tổ chức vào danh sách những đối tượng bị chế tài liên quan tới các hoạt động của Nga ở Ukraine.

Những chế tài mới của Mỹ là "một sự tiếp nối xu hướng của chính quyền Obama nhằm hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước," ông Ryabkov nói trong một thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ lấy làm tiếc về việc Nga hủy bỏ cuộc gặp gỡ này, nhưng vẫn sẵn lòng tham gia các cuộc thảo luận trong tương lai để thu hẹp những khác biệt song phương.

Những chế tài mới chỉ củng cố những chế tài hiện tại, được cập nhật hai lần một năm kể từ lần đầu được áp đặt, Bộ nói.

Quan hệ Mỹ-Nga đã lâm vào tình trạng căng thẳng bởi những cáo buộc rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và năm tháng đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống bị ‘bao trùm’ bởi tranh cãi về việc ban vận động tranh cử của ông Trump có hay không có thông đồng với Nga.

Ông Trump nói muốn tìm hiểu liệu Washington và Moscow có thể hợp tác trong những vấn đề đôi bên cùng quan tâm hay không, chẳng hạn như chiến đấu với các phần tử Hồi giáo nổi dậy ở Syria.

Nhưng căng thẳng giữa hai nước đã leo thang. Hôm Chủ Nhật, quân đội Mỹ bắn rơi một máy bay quân sự của Syria. Điều này khiến Nga thay đổi tư thế quân sự. - VOA

***
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái qua hai phiên điều trần hôm 21/6, một ở Thượng viện và một ở Hạ viện.

Các phiên điều trần quốc hội này sẽ tập trung vào toàn bộ phạm vi các nỗ lực của Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhưng một vấn đề chủ chốt vẫn chưa được làm rõ là liệu cá nhân Tổng thống Trump có đang bị điều tra hay không về khả năng ông đã cản trở công lý liên quan đến cuộc điều tra về Nga.

Hồi cuối tuần trước, một dòng trạng thái ngắn của Tổng thống Trump trên trang Twitter dường như xác nhận tin cho rằng ông Trump đang là đối tượng của cuộc điều tra. Ông Trump nói thêm rằng ông là nạn nhân của một cuộc “săn phù thuỷ”.

Một trong những luật sư của tổng thống, Jay Sekulow, phủ nhận thông tin đó, nói rằng Tòa Bạch Ốc chưa nhận được bất cứ giấy tờ chính thức nào xác nhận ông Trump đang bị điều tra.

Trước đây, trong tháng này, cựu giám đốc FBI James Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng tổng thống đã nói với ông "Tôi hy ông có thể để việc này trôi qua", khi đề cập đến cuộc điều tra của FBI về Michael Flynn, cố vấn cũ của ông Trump đã bị sa thải. Ông Comey nói rằng câu nói đó cho ông cái cảm giác như đây là một chỉ thị của tổng thống.

Ông Trump phủ nhận lời thuật lại của ông Comey về mẩu đối thoại giữa hai ông về ông Flynn.

Giáo sư Luật Paul Schiff Berman thuộc Đại học George Washington nói các nhà phân tích pháp lý không đồng thuận về liệu có đủ bằng chứng hay không để gợi ý là đã có hành động cản trở công lý.

"Tôi đoán là nhìn chung, các đại biểu ở Quốc hội và nhiều người khác sẽ tin vào những lời điều trần của ông Comey. Câu hỏi ở đây là liệu họ có cho là những lời chứng của ông Comey chứng minh hay gợi ý là đã có hành vi cản trở công lý".

Biện lý đặc biệt Robert Mueller chưa phát biểu công khai về cuộc điều tra hoặc liệu ông Trump có phải là một đối tượng bị chú ý hay không. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

19.
Điều 19 Bộ luật hình sự – ‘Bất cập, thù nghịch và những mối lo an ninh’

Quốc hội Việt Nam chiều ngày 20 tháng 6 thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, trong đó có Điều 19 (không tố giác tội phạm) bị giới luật sư phản đối mạnh mẽ.

“Sự thụt lùi của nền tư pháp”

Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự quy đinh rõ như sau:

Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Nói với đài RFA, luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội cho rằng khoản 3 điều 19 quy định luật sư phải tố giác thân chủ mà Quốc hội vừa thông qua là một sự xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động hành nghề của luật sư bào chữa và là một sự thụt lùi của nền tư pháp Việt Nam:

Luật sư bào chữa ở Việt Nam lâu nay đã phải chịu rất nhiều khó khăn, trở ngại từ các quy định bất cập và từ sự thiếu thiện chí của các cơ quan ban ngành tố tụng rồi. Đến nay lại tròng thêm vào cổ luật sư trách nhiệm tố tụng thân chủ nữa, tôi cho đây là một điều rất bất lợi và một bước thụt lùi của nền tư pháp Việt Nam vốn đã có nhiều bất cập. Tôi cho rằng đây là một điều hết sức đáng tiếc và đáng chê trách, chê trách các vị đại biểu Quốc hội đã thông qua một quy định như vậy.

Trong khi đó luật sư Võ An Đôn thuộc đoàn luật sư Phú Yên cho rằng điều 19 này sẽ gây ra những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của người luật sư. Ông giải thích:

Điều này hoàn toàn trái với lương tâm, đạo đức của một người luật sư. Bởi vì luật sư có nghĩa vụ bảo vệ thân chủ của mình. Đồng thời bị can, bị cáo rất tin tưởng ở luật sư mới trình bày rõ nội dung vụ việc. Mình có nghĩa vụ bào chữa, giảm nhẹ tội cho họ nhưng giờ lại đi ngược lại tố cáo họ là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và sẽ làm mai một nghề luật sư của Việt Nam.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015, đặc biệt là khoản 3 điều 19 được trình lên quốc hội vào hối cuối tháng 5 vừa qua và đã gây ra rất nhiều phản ứng gay gắt từ giới luật sư. Họ dẫn chứng rằng nếu luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm thì lại trái với quy định của công ước quốc tế, vì luật sư phải bảo vệ quyền riêng tư và những bí mật của các thân chủ của mình.

Quốc hội trước khi thông qua điều luật này, nói rằng đã tham khảo ý kiến giới luật sư và những nhà làm luật cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giớ như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha. Một số đại biểu cho rằng ở nước ngoài trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia

Chúng tôi đã liên lạc với Giáo sư Tạ Văn Tài, hiện là giảng viên luật trường đại học Havard, Hoa Kỳ về quy định những trường hợp luật sư phải tố cáo thân chủ và được ông cho biết:

Bên Mỹ họ cũng cho phép luật sư được giữ kín về tội luật sư biện hộ nhưng nếu là tội dự định tương lai, tức là đang dự mưu xâm hại an ninh quốc gia thì có thể tố cáo ra được. Luật Mỹ cũng nói rõ tội gì mình đang biện hộ thì không được nói ra, đó là quyền tôn trọng bảo mật thông tin giữa luật sư và thân chủ.

Luật sư Ngô Ngọc Trai đồng tình với nhận định của Giáo sư Tạ Văn Tài, ông bổ sung thêm rằng ở nước ngoài luật sư có quyền được tiết lộ còn ở Việt Nam là nghĩa vụ:

Nước ngoài họ quy định bình thường luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật của thân chủ nhưng người ta trao quyền cho luật sư được miễn trừ trách nghiệm nghĩa vụ này, tức là có quyền tiết lộ thông tin của thân chủ nếu biết được là thân chủ chuẩn bị phạm vào tội rất nghiêm trọng. Họ quy định luật sư có quyền như vậy, nhưng Việt Nam lại quy định thành nghĩa vụ thay vì là quyền, mà không chỉ là nghĩa vụ đơn thuần mà còn có thể bị xử lý hình sự nếu không tố giác tội phạm nữa.

Thù nghịch với giới luật sư?

Điều luật 19 vừa được thông qua chỉ nhắm trực tiếp đến hai tội danh xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Ngô Ngọc Trai chỉ ra những bất cập trong các tội danh được quy định tại điều luật này:

Theo luật Việt Nam danh mục các tội về xâm phạm an ninh quốc gia rất rộng. Nhiều hành vi không có nội hàm rõ ràng. Ở nước ngoài các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia tôi hiểu là những hành động như đặt bom khủng bố, giết người hàng loạt, hay chất độc hóa học… Nhưng Việt Nam nhiều khi là sự lên tiếng phản ánh những bất cập, sai trái của hệ thống pháp luật, cũng như sai trái của các ban ngành cũng bị quy là chống nhà nước và xâm phạm an ninh quốc gia.

Việt Nam hiện có 3 điều quy định tội phạm xâm hại an ninh quốc gia bị quốc tế chỉ trích nặng nề đó là điều 258 lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia, điều 88 tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, và điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền. Cộng đồng quốc tế chỉ trích rằng đây là những điều luật mơ hồ, rất dễ quy tội cho những người lên tiếng bất đồng quan điểm chính trị và vi phạm quyền tự do ngôn luận của con người.

Những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền hay môi trường của Việt Nam hiện đang bị bắt giam hầu như đều bị quy vào một trong 3 điều này.

Một bất cập khác theo luật sư Ngô Ngọc Trai gây ra sự bất bình lớn trong giới luật sư đó là điều luật này đụng chạm đến mảng hoạt động chính của luật sư ở Việt Nam đó là tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Ông giải thích sở dĩ đây là mảng hoạt động chính là vì dân Việt Nam còn nghèo nên họ không đủ khả năng để thuê luật sư cho những tội nhẹ, mà chỉ khi phải đối diện với án chung thân hoặc tử hình họ mới nhờ đến luật sư hoặc được chỉ định luật sư.

Còn theo luật sư Võ An Đôn, điều luật này nhằm gây khó khăn cho giới luật sư nhân quyền vốn đã từng bị Việt Nam “không ưa”, luôn tìm cách o ép:

Những luật sư nhân quyền chuyên đi làm những án điều 79, 88, 258 và những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia trước đây gặp rất nhiều áp lực. Những năm trước đây khi Internet và Facebook chưa phát triển những luật sư tham gia các án này đều bị tìm mọi cách loại ra khỏi giới luật sư. Bây giờ nhờ mạng xã hội phát triển, chính quyền không dám mạnh tay như trước đây nữa nhưng vẫn gây khó khăn và hiện nay giới luật sư đến 13.000 hay 14.000 người nhưng những luật sư nhân quyền được dăm ba người đếm trên đầu ngón tay.

Bản thân luật sư Võ An Đôn cũng từng bị Sở tư pháp và Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên nhiều lần kỷ luật với hình thức nặng và dọa thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư khi ông tham gia bào chữa vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết dân ở Phú Yên năm 2015.

Trong khi đó Giáo sư Tạ Văn Tài thì cho rằng điều luật này là một cách để gây khó cho những người bị quy vào các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, cho thấy Việt Nam ngày càng thắt chặt hơn các vấn đề liên quan đến an ninh.

Trước thông tin điều 19 được thông qua, luật sư Ngô Ngọc Trai nói rằng trước mắt ông sẽ vẫn phải làm theo luật này bởi vì đây là quyết định của Quốc hội, nhưng dần dần qua từng vụ việc giới luật sư sẽ chỉ ra những bất cập để nền tư pháp Việt Nam được tiến bộ hơn. Tuy nhiên, luật sư Võ An Đôn lại nói rằng bản thân ông sẽ không thực hiện điều luật trái lương tâm này:

Dù luật quyết định như vậy nhưng riêng tôi dù biết thân chủ phạm tội gì nhưng vì đạo đức tôi thà vi phạm luật chứ không tố cáo thân chủ của mình

Luật sư Võ An Đôn cho biết luật sư không tố giác thân chủ theo điều luật này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng ông không biết cụ thể hình phạt là gì.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua với 88,39% đại biểu tán thành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. - RFA
|
|

20.
Lâm Đồng: Giám đốc và phó giám đốc trường chính trị ‘choảng’ nhau

Trong lúc nói chuyện, giữa giám đốc và phó giám đốc Trung Tâm Bồi Dưỡng Chính Trị Bảo Lộc xảy ra to tiếng, dẫn đến đánh nhau.

Ngày 21 Tháng Sáu, ông Lê Hoàng Phụng, bí thư Thành Ủy Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cho biết các ông Lê Xuân Nhuận, giám đốc; và Lê Văn Khoa, phó giám đốc Trung Tâm Bồi Dưỡng Chính Trị Bảo Lộc; cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Tố, kế toán trường tiểu học Lê Văn Tám; bị đình chỉ công tác để Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy xác minh, làm rõ hành vi đánh nhau. “Đây là vấn đề đạo đức nghiêm trọng, cần làm rõ,” ông Phụng nhấn mạnh.

Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 2 giờ chiều 16 Tháng Sáu, ông Nhuận và ông Khoa có gặp nhau ở văn phòng trung tâm. Sau khi xem nội dung trên điện thoại của ông Khoa, thì ông Nhuận và ông Khoa có lời qua tiếng lại với nhau. Một lát sau thì bà Tố xuất hiện ở văn phòng tham gia vào câu chuyện. Sau một hồi to tiếng, ông Nhuận đánh ông Khoa và bị ông Khoa cùng bà Tố hội đồng đánh lại.

Vụ việc trở nên căng thẳng và đã xảy ra cuộc ẩu đả giữa ba người này gây ồn ào tại trụ sở.

Trong khi đó, sáng 21 Tháng Sáu, nói với báo Thanh Niên, ông Khoa khẳng định truyền thông Việt Nam đã đưa thông tin không đúng sự thật. Theo ông, thời điểm xảy ra vụ việc, ông đang ngồi trong phòng làm việc thì nghe tiếng kêu cứu, liền chạy ra ngoài gọi bảo vệ, nhưng không thấy bảo vệ đâu.

Sau đó, ông chạy về phía có tiếng kêu cứu thì thấy trước cửa phòng của ông Nhuận, cảnh ông Nhuận và bà Ngọc Tố đang “ôm nhau, giằng co rất quyết liệt.” Thấy vậy ông Khoa vào can ngăn thì bất ngờ bị ông Nhuận đấm, bóp cổ, xé đứt nút áo và khóa tay phải của ông. Do tay phải của mình bị chấn thương, vừa mới điều trị xong, nên lúc đó vì quá đau, ông Khoa phải cắn vào vai ông Nhuận để ông Nhuận thả tay mình ra.

Ông Khoa cho biết lúc này giữa ông Nhuận và bà Tố vẫn tiếp tục giằng co. Ông Nhuận thì ghì đầu bà Tố vào cánh cửa lớn trước phòng giám đốc, còn bà Tố thì cố lôi ông Nhuận cho bằng được ra ngoài sân.

Còn bà Tố cho biết ngày 16 Tháng Sáu bà nhận được những tin nhắn từ số điện thoại lạ với những lời lẽ, nội dung thiếu đạo đức, xúc phạm, vu khống bản thân bà. Bà xác định người nhắn tin làm phiền bà là ông Lê Xuân Nhuận. Khi gặp ông Nhuận, bà vừa giằng co với ông Nhuận vừa la lớn để mong có người trợ giúp. Một lúc sau ông Khoa xuất hiện và bà nhờ lấy giúp chiếc điện thoại trong túi ông Nhuận. Nghe vậy, ông Nhuận lao vào đánh ông Khoa. - nguoiviet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét