Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HÀNH TRÌNH CUỘC NỔI DẬY DÂN CHỦ NĂM 1987 TẠI NAM HÀN

Vy Yên
7-2-2018
trích "Hàn Quốc - Những Tháng Năm Độc Tài"

Hình bên: Cảnh sát Hàn Quốc đàn áp cuộc nổi dậy tháng 6 năm 1987. Ảnh: AsiaOne.

Tháng 8 năm 1945, khi Nhật Bản hạ vũ khí đầu hàng, mở đường cho Việt Minh lên nắm quyền tại Việt Nam, thì cũng là lúc Nhật Bản trao trả lại chủ quyền cho Triều Tiên sau 35 năm chiếm đóng.

Phải tới gần mười năm sau, Việt Nam mới bị chia cắt hai miền bởi vĩ tuyến 17, trong khi đó, hoàn cảnh của Triều Tiên buổi ấy gấp rút và căng thẳng hơn nhiều.
Chỉ bốn tháng sau khi giành được độc lập, Triều Tiên đã bị phân chia lãnh thổ ủy trị theo quyết định của Hội nghị Tam cường ở Yalta. Vĩ tuyến 38 trở thành ranh giới chia tách nước này để rồi chính thức thiết lập nên hai quốc gia mới vào ba năm sau đó: phía Bắc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, còn phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc – hay còn gọi là Hàn Quốc.

Ngày nay, điều mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là sự đối lập rõ rệt giữa một bên là chính quyền cộng sản độc tài, còn một bên là nhà nước tự do dân chủ với mức GDP đầu người cao gấp gần 20 lần so với người anh em miền Bắc. Song để đạt được điều ấy, ít ai biết rằng người dân Hàn Quốc đã phải kinh qua và chống chọi với gần 40 năm cai trị độc tài, nổi bật nhất là thời Rhee Syng Man (Lý Thừa Vãn), Park Chung Hee (Phác Chính Hy), và Chun Doo Hwan (Toàn Đẩu Hoán).

Rhee Syng Man – nhà độc tài chống cộng

Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Hàn Quốc đắm chìm trong giấc mộng xây nên một nhà nước mới độc lập. Người người ở nơi nơi đều muốn bắt tay vào việc kiến thiết quốc gia.

Trong cơn hỗn mang của những ngày đầu độc lập, cả những người cánh tả cộng sản (mà đứng sau là giới nông dân và công nhân) và các phe nhóm cánh hữu chống cộng đều muốn phát triển nhà nước theo cách riêng của họ. Xung đột ngày càng tệ thêm khi xuất hiện chính quyền quân sự của Mỹ  tại nước này và chính quyền độc tài do Liên Xô đỡ đầu tại Bắc Triều Tiên.

Không thể phủ nhận vai trò của Mỹ trong việc thiết lập chính quyền Hàn Quốc thời hậu thuộc địa theo khuynh hướng ủng hộ các giá trị tự do cùng những cuộc bầu cử đa đảng. Nhưng lại càng không thể lãng quên một sự thật rằng, chính Mỹ đã hậu thuẫn cho những vụ thẳng tay đàn áp phe cộng sản, nhằm dọn đường cho Rhee Syng Man lên nắm quyền Tổng thống vào năm 1948.

Sau cuộc chiến tranh với Triều Tiên 1950-1953, quan điểm chống cộng ngày càng ăn sâu vào hệ thống chính trị nước này. Lợi dụng điều ấy, Rhee xóa sổ bất cứ ai chống chính phủ bằng cách quy chụp cho họ là phe cánh tả, đồng thời thiết lập các tổ chức xã hội dân sự chống cộng do nhà nước kiểm soát.

Không chỉ dừng lại ở đây, Rhee còn tìm cách kéo dài quyền lực cai trị của mình, bằng Dự luật sửa đổi hiến pháp chọn lọc năm 1952 và Sửa đổi toàn vẹn hai năm sau đó.

Song người dân Hàn Quốc không dễ dàng bị thao túng đến vậy. Họ không thể nào chấp nhận một vị tổng thống vừa hô hào chống cộng mượn cớ bảo vệ an ninh quốc gia, song lại vừa đi ngược lại giá trị dân chủ tự do để thiết lập một nền độc tài mới.

Không chỉ bị mắc kẹt trong thế song đề ấy, lại đang chịu áp lực từ phe bất đồng chính kiến cánh tả hoạt động âm ỉ khắp cả nước, mà Rhee còn phải hứng chịu làn sóng phản đối đến từ chính những tổ chức xã hội dân sự chống cộng vốn do ông hậu thuẫn.

Các phong trào chống độc tài bắt đầu nổ ra, nhất là trong giới trí thức ở khu vực thành thị – nơi có đến gần bốn triệu học sinh – sinh viên, còn báo chí và truyền thông tự do đang ngày càng rầm rộ. Cho tới giữa những năm 1950, Hàn Quốc xuất hiện các đảng dân chủ đối lập chống lại Rhee, như Đảng Dân chủ và Đảng Tiến bộ.

Từ nỗi chán ngán dưới tham vọng độc tài của Rhee Syng Man, đến chỗ thất vọng trước các gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, người dân đã đứng lên tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 19/4 năm đó. Chỉ một tuần sau những cuộc biểu tình, Rhee Syng Man đã phải từ chức bởi  áp lực quá lớn.

Park Chung Hee – vị tổng thống bị ám sát

Song đây chưa phải là cái kết của những năm tháng độc tài. Một xã hội dân sự dẫu mạnh mẽ cũng không đấu lại nổi một thiết chế đầy màu sắc quân sự, vốn có khuynh hướng tạo ra những kẻ cầm quyền chuyên chế.

Sau cuộc Cách mạng 19 tháng 4 ấy, Đảng Dân chủ lên nắm quyền chưa được bao lâu thì bị đảo chính vào tháng 5/1961. Tướng Park Chung Hee lên làm Tổng thống, đánh dấu một thời kỳ đầy tranh cãi về công và tội trong lịch sử Hàn Quốc.

Trong thập kỷ đầu tiên Park nắm quyền, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm. Dĩ nhiên, đóng góp không nhỏ vào kỳ tích này chính là cuộc chiến tranh Nam-Bắc ở Việt Nam, nơi mà Hàn Quốc đã được Mỹ trả tiền để đem 300.000 lính đánh thuê và các dịch vụ khác sang hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam chống cộng sản trong suốt tám năm.

Thành tựu “kỳ tích sông Hàn” ấy đã tạo nên tính chính danh cho Park, giúp ông thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1967. Song cũng như Rhee Syng Man, Park Chung Hee muốn cai trị vĩnh viễn. Để làm được điều này, ông ra thông báo sửa đổi hiến pháp – theo cách thức không khác Rhee là mấy.

Hành động này của ông gây ra một cuộc biểu tình lớn trong giới sinh viên. Phải ghi nhận một điều rằng, giới này ngày càng phát triển mạnh mẽ và gần như trở thành chủ đạo trong các cuộc phản kháng, nhất là từ thành tựu lật đổ chính quyền Rhee đã khiến họ thêm tự tin.

Các đảng đối lập và các nhà bất đồng chính kiến đã hợp tác với nhau tạo nên Ủy ban Quốc gia Đấu tranh chống Sửa đổi Hiến pháp. Bất chấp những phản ứng gay gắt này, Quốc hội vẫn thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 1969, dưới sự chi phối của đảng cầm quyền.

Lợi dụng quan hệ căng thẳng với Bắc Triều Tiên vào năm 1968, Park thành lập các đội quân dự bị địa phương, gia tăng đào tạo quân sự cho sinh viên với mục đích bề ngoài là bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng thực chất là để tăng cường kiểm soát trong nước. Không chấp nhận kiểu đào tạo này, giới sinh viên lại tiếp tục tổ chức các phong trào phản đối việc quân sự hóa các trường đại học. Phong trào này đã nổ ra ở hầu như tất cả các trường đại học trên cả nước vào năm 1971.

Cùng lúc đó, giới bất đồng chính kiến cũng tổ chức một phong trào bảo vệ dân chủ, giám sát cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Cũng trong năm này, một nhóm các thẩm phán công khai yêu cầu sự độc lập của ngành tư pháp, còn các giáo sư đại học tuyên bố đòi quyền độc lập và tự trị cho các trường đại học.

Chính quyền Park bác bỏ mọi lời kêu gọi. Đồng thời, Park đưa ra một loạt các biện pháp gia tăng kiểm soát viện dẫn lý do an ninh quốc gia, như tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 12/1971 và tuyên bố thiết quân luật, đình chỉ hiến pháp vào tháng 10/1972.

Sau đó, Park thay bản hiến pháp hiện hành bằng hiến pháp Yushin. Dù có biện minh gì đi chăng nữa thì bản chất của hiến pháp Yushin cũng là nhằm hiện thực hóa cái ham muốn cai trị suốt đời của Park, khi mà mọi quyền lực tập trung vào tay tổng thống. Nó cũng hàm chứa những điều kiện cần thiết để Park có thể kéo dài việc cai trị, thậm chí còn có điều khoản cho phép tổng thống có quyền tạm ngưng hiến pháp.

Hành động sửa đổi hiến pháp của Park khiến cho phong trào chống độc tài ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các nhà đối lập tổ chức phong trào kiến nghị sửa đổi hiến pháp, và họ đã tiến hành chiến dịch thu thập 1 triệu chữ ký cho bản kiến nghị này. Đồng thời họ còn thành lập Hội đồng Khôi phục Dân chủ Quốc Gia.

Vào năm 1975, chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ, làm dấy lên mối lo ngại về sức mạnh cộng sản. Bởi đó, chính phủ Hàn Quốc gấp rút ban hành Sắc lệnh khẩn cấp số 9. Tuy nhiên, theo giáo sư sử học Bruce Cumings của Đại học Chicago, mục đích chính của sắc lệnh này vẫn là ngăn chặn phong trào dân chủ vẫn đang rất mạnh mẽ dẫu bị đàn áp nhiều lần. Theo sắc lệnh số 9, bất cứ ai chỉ trích, phủ nhận, hoặc yêu cầu sửa đổi hiến pháp Yushin đều bị bắt giữ, bỏ tù mà không cần xét xử.

Sau khi ban hành sắc lệnh này, phong trào dân chủ ở Hàn Quốc bị chững lại một khoảng thời gian khá dài.

Tháng 8 năm 1979 đã xảy ra một sự kiện mang tính bước ngoặt, khi các nữ công nhân của nhà máy sản xuất tóc giả YH đã tổ chức phản kháng do điều kiện lao động trở nên quá tệ. Mặc dù lãnh đạo của đảng đối lập Tân Dân chủ (NDP) là Kim Youngsam ra sức ủng hộ và vận động, song chính quyền Park Chung Hee phớt lờ tất cả.

Để dập tắt làn sóng phản đối, khoảng 2.000 cảnh sát chống bạo động đã được huy động để đàn áp, đánh đập các công nhân, nhà báo và cả người của đảng NDP, làm chết một người biểu tình 21 tuổi. Thậm chí, đảng cầm quyền của Park đã nhân sự vụ lần này mà trục xuất Kim Youngsam ra khỏi Quốc hội – người vốn rất được lòng công chúng.

Hành động này được xem là chất xúc tác gây ra một làn sóng phẫn nộ khắp cả nước. 66 nhà lập pháp của NDP tự động rời bỏ Quốc hội. Mỹ triệu hồi đại sứ quay về nước. Đặc biệt, tại Busan và Masan, người dân đồng loạt xuống đường, tổ chức các cuộc biểu tình lớn. Đứng trước áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nội bộ phe cầm quyền bị chia rẽ về cách thức đối phó.

Những xung đột nội bộ ấy cuối cùng đã dẫn tới vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee vào ngày 26/10/1979 bởi một trong những phụ tá thân cận nhất của ông, Kim Jae-Kyu, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA). Cho tới nay, người ta vẫn không rõ đây là hành động tự phát của Kim hay là kế hoạch có tổ chức của Cục Tình báo. Song dù sao, phát súng của Kim cũng đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ cai trị độc tài kéo dài 18 năm của Park Chung Hee.

Chun Doo Hwan – đi vào lịch sử bởi những cuộc đàn áp đẫm máu

Lúc bấy giờ, Thủ tướng Choi Gyu Ha tạm quyền tổng thống. Trước kỳ vọng vào dân chủ của người dân, điều cần thiết là phải vạch ra một lộ trình chuyển đổi dân chủ minh bạch, bao gồm việc sửa đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử một chính phủ dân sự chính danh.

Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi vẫn rất khó khăn do các thế lực thân Park vẫn còn trong chính phủ, và họ chần chừ đề ra một kế hoạch dân chủ hóa cụ thể. Thậm chí, triển vọng dân chủ còn u ám hơn khi Chun Doo Hwan dẫn đầu lực lượng quân sự đảo chính vào tháng 12/1979, thâu tóm hầu hết quyền lực trong chính quyền.

Trong bối cảnh này, phong trào dân chủ hóa nhanh chóng lan rộng, người dân đồng loạt biểu tình chống trì hoãn dân chủ hóa trong chiến dịch Mùa xuân Seoul. Chiến dịch này chưa đi tới đâu thì lực lượng quân sự dưới quyền tướng Chun tuyên bố thiết quân luật, cấm tụ tập, đóng cửa nhiều trường đại học và bắt giữ các thủ lãnh của phong trào.

Trước những hành động độc đoán của Chun, người dân ở thành phố Gwangju đã nổi dậy đòi dân chủ hóa. Những va chạm ban đầu giữa người biểu tình và lực lượng quân sự dần biến thành một cuộc xung đột bạo lực đẫm máu. Quân đội rút lui rồi cô lập thành phố Gwangju, sau đó tái chiếm bằng súng ống, xe tăng và xe bọc thép, đánh bại lực lượng dân quân.

Sau khi đàn áp hoàn toàn cuộc nổi dậy của người dân Gwangju, tướng Chun Doo Hwan lên làm tổng thống. Họ bắt đầu loại bỏ các chính trị gia đối lập khỏi chính trường, và thanh lọc các công chức, nhà báo, và công nhân theo quy mô lớn. Đồng thời, họ thiết lập một cơ sở đào tạo quân sự đặc biệt Samcheong Education Troops, để tiến hành chương trình “giáo dục thanh lọc”. Khoảng 40 nghìn người vô tội đã bị bắt đưa đến các cơ sở của Samcheong Education Troops. Số liệu thống kê về sau cho thấy có tới khoảng 54 người đã bị giết trong quá trình giáo dục và 397 người bị chết sau đó.

Sau khi đã củng cố xong việc cai trị, Chun Doo Hwan bắt đầu muốn lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của người dân. Chính phủ Chun đã áp dụng các chính sách xoa dịu nhằm giảm bớt đàn áp, như cho phép các sinh viên từng bị đuổi học được trở lại trường, và phục hồi vị trí cho các giáo sư từng bị sa thải.

Khá nghịch lý là chính sách này đã mang lại động lực cho sự bùng nổ của các phong trào dân chủ hóa trong mọi lĩnh vực xã hội. Đầu tiên, giới sinh viên thực hiện chiến dịch đòi quyền tự trị cho trường học. Tiếp đến là các phong trào của người nghèo ở đô thị và nông dân nhằm đấu tranh cho các quyền dân sinh của họ. Và để tăng cường sự đoàn kết giữa sinh viên và giới lao động, hàng ngàn sinh viên đại học đã rời bỏ trường học, ngụy trang làm công nhân tại các nhà máy để tham gia vào các phong trào công nhân. Đến năm 1984, các nhà lãnh đạo phe đối lập đã thành lập Hội đồng Phong trào Dân chủ Nhân dân vào tháng 6 và Hội đồng Thống nhất Dân chủ Quốc gia. Ngoài ra, các chính trị gia ly khai khỏi nhóm của Chun cũng thành lập Hội đồng Thúc đẩy Dân chủ.

Đến giữa năm 1985, sự lớn mạnh của phong trào dân chủ đã khiến cho người dân có thể đối đầu với chế độ của Chun một cách ngang hàng. Vào mùa xuân năm 1986, đảng đối lập Tân Đại Hàn Dân chủ đã lãnh đạo một chiến dịch kiến nghị sửa đổi hiến pháp để người dân có thể trực tiếp bầu tổng thống. Đồng thời, đảng này tổ chức các cuộc tuần hành trên khắp đất nước để thúc đẩy sửa đổi hiến pháp. Người dân khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng việc tuần hành. Đặc biệt, ở Gwangju có tới 300 ngàn người tham gia.

Để đối phó với phong trào đòi sửa đổi hiến pháp ngày càng lan rộng, Chun đã thuyết phục đảng đối lập tham gia đối thoại, đồng thời đàn áp những ai không đồng tình. Kết quả là vào năm 1986, nhiều nhà hoạt động bị bắt, bị tra tấn, và rất nhiều tổ chức bị đàn áp như Liên minh Dân chủ Thống nhất và Phong trào Nhân dân.

Việc đàn áp chống lại phong trào dân chủ của Chun đã dẫn tới những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, như vụ tra tấn lãnh đạo đối lập Kim Geun Tae, và vụ tấn công tình dục xảy ra ở đồn cảnh sát Bucheon. Tiếp đó, vào tháng 1 năm 1987, một vụ tra tấn của chính quyền Chun đã dẫn tới cái chết của Park Jong Cheol, sinh viên trường đại học Quốc gia Seoul.

Việc đối thoại sửa đổi hiến pháp không có tiến triển vì có quá nhiều sự khác biệt giữa hai bên. Cuối cùng, Tổng thống Chun đã đưa ra thông báo rằng tất cả thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp đều bị cấm, và cuộc bầu cử sắp tới sẽ vẫn được tổ chức theo hiến pháp hiện hành. Như vậy, kỳ vọng dân chủ hóa thông qua sự thoái lui tự nguyện của chế độ Chun đã hoàn toàn biến mất.

Đó cũng là lúc mà người dân Hàn Quốc nhận ra rằng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc nổi dậy để bảo vệ chính họ.

Dấu chấm hết của những năm tháng độc tài

Vào đầu năm 1987, người dân bắt đầu nổi dậy sau cái chết của sinh viên Park Jong Cheol. Vào tháng 2, họ đã tổ chức buổi Lễ tưởng niệm toàn quốc cho Park Jong Cheol với khoảng 60 ngàn người tham gia tại 16 khu vực trên toàn quốc.

Sau đó, rất nhiều người tiếp tục tham gia Cuộc tuần hành vĩ đại của người dân vì dân chủ và chống tra tấn, và trong lần tuần hành này, cảnh sát đã bắt giữ 439 người. Trong hoàn cảnh như vậy, việc Chun thông báo tiếp tục duy trì hiến pháp hiện hành như đổ thêm dầu vào lửa.

Tháng 6 năm đó, người dân tổ chức một cuộc tuần hành lớn để phản đối chính sách tra tấn của chế độ Chun và lại tiếp tục yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Đây chính là khởi đầu cho Cuộc Nổi dậy Dân chủ Tháng Sáu, diễn ra trên toàn quốc để buộc chính quyền chấp nhận yêu cầu dân chủ hóa. Từ ngày 26 đến ngày 29, có đến hơn 1,4 triệu người tham gia cuộc Tuần hành Hòa bình Vĩ đại của Nhân dân, được tổ chức tại 34 thành phố và 4 tỉnh. Trong cuộc nổi dậy kéo dài 20 ngày, hàng triệu người đã đổ xuống đường trên toàn quốc bất chấp bị đàn áp, họ hô vang khẩu hiệu “Bãi bỏ hiến pháp xấu xa” và “Xóa bỏ chế độ độc tài”.

Có thể thấy, nghị trình đấu tranh của người dân Hàn Quốc không hề chỉ nhắm tới việc lật đổ các nhà độc tài. Thứ mà họ chống lại chính là thiết chế, cụ thể là đòi sửa đổi hiến pháp, và họ đã kiên định với phương thức đấu tranh ấy trong suốt gần bốn mươi năm.

Dưới áp lực ấy, chính quyền Chun đã buộc phải sửa đổi hiến pháp, ban hành bản Hiến pháp mới vào ngày 29/10/1987, mở ra một trang sử mới đầy sôi nổi của nền chính trị xứ Đại Hàn.

**********
Tài liệu tham khảo:

- Jung Hae Gu, Kim Ho Ki; Development of Democratization Movement in South Korea; [Stanford, U.S.]:Stanford University; 1993.
- Yooil Bae, Sunhyuk Kim; Civil Society and Local Activism in South Korea’s Local Democratization; Democratization 20:2; 2013.
- Bruce Cumings;  Korea’s Place in the Sun – A Modern History; W.Norton & Company; 1997
- Bruce Cumings; The Origins of the Korean War-Liberation and the Emergence of Separate Regimes, Princeton University Press; 1981.
-Jim Stentzel (ed.); More than Witnesses; Korea Democracy Foundation; 2006.
- Kihl Young Whan; Politics and Policies in Divided Korrea: Regimes in Contrast; Boulder and London; 1984.

(Luật Khoa)

Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét